Tửu lâu nhà Dư Phát lại tiến hành một đợt tu bổ mới, trông thật lộng lẫy sang trọng. Từ một người buôn nhỏ, nay trở thành một ông chủ khách sạn lớn đâu có dễ dàng gì. Ba cũng rất tỉnh, ông thường nhấn mạnh rằng đó là thời thế tạo anh hùng. Ngày khai trương làm tiệc lớn mời khách. Ba bảo Dư Phát đi mời các thầy cô giáo. Dư Phát thấy thầy Giang rất hay. Tuy thầy có những lời nói và cử chỉ thể hiện rất quê, nhưng bạn rất tán đồng tư tưởng của thầy. Dư Phát nghĩ mãi, cuối cùng bạn chỉ mời một mình thầy Giang. Thầy Giang đến, ba của Dư Phát rất nhiệt tình đón thầy. Ông gọi rất nhiều đồ uống, trái cây và tự tay mới chào thầy, sau đó mới bận rộn với công việc của mình, chỉ để Dư Phát tiếp thầy. Ba tầng lầu đầy ắp những khách. Ba không đón chào được hết, chỉ sợ mải chào người này lại quên không hỏi han người khác. Khách sạn có mở điều hòa nên rất mát, thế mà ông ướt đẫm mồ hôi đầy đầu. Dư Phát và thầy Giang chọn một chiếc bàn gần tường để ngồi. _ Thưa thầy, mời thầy xơi ạ! _ Được, được. Dư Phát à, em cứ được như ba em là tốt rồi. Em cũng là người rất có khả năng đấy! _ Ba lớn, còn em hãy còn là trẻ con. _ Thế khi lớn như ba rồi em có giống như ba không? _ Khó nói lắm ạ! Dư Phát nói câu ấy không phải là tùy tiện. Ba có cả công ty và khách sạn. Nếu sau này không có cách làm ăn nào khác, thì đi học một lớp giám đốc về làm ông chủ nhỏ. _ Thưa thầy, em muốn hỏi thầy một câu. _ Được. _ Thưa thầy, thu nhập một tháng của thầy là bao nhiêu? _ Khoảng một ngàn đồng. _ Vậy thầy làm sao sống được? – Dư Phát ngạc nhiên. Thầy cũng ngạc nhiên: _ Khi mới vào công tác, mỗi tháng thầy được có bốn mươi sáu đồng, cứ thế mà sống thôi. Dư Phát cứ lắc đầu mãi, tỏ ý không thể hiểu nổi. Tiền tiêu vặt của bạn mỗi tháng có khi còn hơn cả số đó. Dư Phát bỗng cảm thấy thầy giáo quá nghèo còn ba mình lại quá giàu. _ Thưa thầy, thầy có cổ phiếu không ạ? _ Không có. _ Thưa thầy, có phải thầy mới từ nội địa đến nên chưa dám tiếp thu cuộc sống mới? Thầy Giang thừa nhận có như vậy. Trước đây khi ở nội địa, thầy không biết chút gì về cổ phiếu. Sau này khi đến Đặc khu, nghe người ta suốt ngày nói chuyện về cổ phiếu mới hiểu ra chút ít. _ Nói thật với thầy là hồi mùa hè em có mua cổ phiếu, giờ mới qua một tháng mà đã tăng được một ngàn rồi. Liệu có công việc nào sánh được bằng cổ phiếu? _ Thế sau này thì sao? Chắc chắn là không thể lấy buôn bán cổ phiếu làm nghề được rồi. _ Ôi, sau này á? Sau hãy tính. Thầy Giang cảm thấy buồn, chẳng biết nói gì bây giờ. Lần đầu thầy đến nhà Dư Phát, thấy Dư Phát đang chơi mạt chược. Lần thứ hai đến thì Dư Phát nói về cổ phiếu. Vậy bao giờ Dư Phát sẽ nói về tương lai đây. _ Thưa thầy, nếu cho thầy 200 ngàn nhân dân tệ thì thầy có thể tiêu hết trong một ngày được không? Thầy giáo nghĩ một lúc rồi trả lời: _ Tôi nghĩ là không thể. _ Em thì có thể. – Dư Phát lộ vẻ tự hào. Món ăn bắt đầu được dọn lên. Dư Phát liên tục tiếp thức ăn và giới thiệu tên các món ăn cho thầy. Bữa tiệc thật to. Thầy giáo ăn mà chẳng cảm thấy mùi vị gì. Tiệc tan, ba Dư Phát lại mời thầy lên nhà ngồi. Thôn Cổ Thủy này, thầy Giang đã đến một lần. Hôm ấy trời tối nên thầy không nhìn thấy kiến trúc của làng. Lần này thầy Giang hết sức lưu tâm. Nếu dùng câu “Cựu mạo hoán tân nhan” (diện mạo cũ đổi mới) thì không đủ để biểu đạt, còn dùng câu “Canh tân đổi đời” thì cũng không xác đáng. Có thể nói một câu đúng mốt là kiến trúc của thôn Cổ Thủy này thực sự được cải cách. Trước kia ở đây chỉ rặt một màu tường xám mái đen. Tất cả đều nhà mái bằng, rất hiếm thấy nhà hai tầng. Nhà bếp không xây ống khói, các mặt tường trong nhà đều bị ám khói đen sì. Họ còn có thói quen là nuôi lợn ngay trong nhà. Bọn trẻ con chơi trong nhà, lũ lợn cũng chạy rông quanh nhà. Bây giờ thì cảnh ấy coi như mất tích, mẫu chung ở đây bây giờ là các tòa nhà tây bốn năm tầng. Sở dĩ nói cơ bản chứ chưa phải hoàn toàn bởi vì ở góc phía bắc của làng còn giữ lại dăm ngôi nhà cũ. Đó là chủ ý của ông trưởng thôn già, muốn để lại cho hậu thế trong no đủ còn nhớ những đắng cay đã qua. Ở những ngôi nhà kiến trúc mới nay có bề ngoài gạch men hoa, cửa sổ làm bằng hợp kim nhôm màu trà, bên trong trang trí theo kiểu mới nhất của cả trong và ngoài nước. Phòng khách phòng ăn đều treo đèn. Các kiểu đèn to nhỏ với đủ hình dạng được treo khắp mọi nơi mọi góc trong nhà. Tường bên trong ốp gỗ cao chừng hơn một mét. Nền nhà nếu chẳng phải lát gạch men ngoại thì cũng sàn bằng gỗ du của Thái. Khí thế ấy không giống nhà ở mà giống khách sạn. Trước kia có nhiều người bỏ sang Hồng Kông, nay có mời cũng chẳng ai đi. Người đi Hồng Kông cũng chỉ cá biệt mới phất lên được. Đa số họ đi hàng mấy chục năm vẫn không có lấy một gian nhà của riêng mình. Vì thế cho nên số người ấy đã lục tục kéo về. Người ta bảo “Đất lành chim đậu”, đó cũng là một quy luật. Vừa về tới nhà là Dư Phát bật ti vi, điều chỉnh sang đài Thâm Quyến. Từ xưa tới giờ bạn chẳng bao giờ xem đài trong nước, chỉ xem đài Hồng Kông vì thấy đài Hồng Kông vui hơn, thường xuyên có diễn viên được sùng bái biểu diễn tự nhiên, sinh động, không giống như đài truyền hình đại lục khô không khốc. Người dẫn chương trình cứ ngồi ngay đơ trước bàn, trên bàn có đặt lọ hoa trông quê chết đi được. Điều chủ yếu hơn nữa là đài Hồng Kông suốt 24 tiếng đều có tiết mục, lựa chọn thoải mái. Trong giờ này Dư Phát xem đài Thâm Quyến, xem “Bản tin Thâm Quyến”. Thực ra bạn đâu có quan tâm về tin tức, chủ yếu là xem 15 phút mục “Tình hình thị trường cổ phiếu” sau bản tin. Sau bản tin là cả một chương trình quảng cáo dài. Hết quảng cáo xuất hiện một dòng chữ: “Nhà nước khuyến cáo dân thành phố: Đầu tư cổ phiếu phải tự gánh lấy nguy hiểm, vào thị trường phải thận trọng” lựa chọn. Ngay đến quảng cáo thuốc lá, đài Hồng Kông cũng có kiểu tương tự: “Nhà nước khuyến cáo nhân dân: Hút thuốc có hại cho sức khỏe”. Thế nhưng việc buôn bán thuốc lá ở Hồng Kông vẫn phát triển mạnh như trước; thị trường mua bán cổ phiếu ở Thâm Quyến vẫn nhộn nhịp như trước. Cuối cùng ti vi vang lên giọng nam trung quen thuộc: _ Phát triển… Vạn Khoa… Kim Điền… Bảo An… _ Chết, mất một đồng rồi. Đôi mắt Dư Phát dán chặt vào màn hình ti vi. Thầy Giang có vẻ như xem ti vi nhưng thực ra thầy đang theo dõi Dư Phát đóng vai chính trong “cơn điên cổ phiếu”. _ Hỏng rồi, mai mình phải bán đi mới được – Dư Phát nói. Ba Dư Phát đi từ nhà sau ra, tay cầm một đĩa hoa quả: _ Thưa thầy, con tôi cũng không hiểu biết lắm, khiến thầy phải bận lòng! - Giọng nói tiếng phổ thông không rõ. _ Sau này bác định cho cháu Dư Phát làm gì ạ? - Thầy hỏi. _ Nó thì làm được cái gì, thì lại theo cha làm nghề buôn bán thôi. _ Xem ra bác cũng không muốn cho Dư Phát theo nghề mình. Buôn bán không tốt sao? _ Cũng khó nói. Quả thực đó là điều rất khó nói của người cha. Đối với một chuyên gia chuyên nghiệp nghiên cứu xã hội học, nghiên cứu kinh tế học thì đồng thời với nghiên cứu cũng phải xuống biển buôn bán một phen mới biết tài bơi của mình, huống hồ cha Dư Phát chỉ học phổ thông cơ sở “dởm”, thì làm sao mà trả lời được. _ Thưa thầy, các thầy làm nghề giáo không nhiều tiền, có bao giờ các thầy thấy bận lòng không? Ai ai cũng phất lên cả, chỉ có các thầy là nghèo thôi. _ Cũng đôi khi băn khoăn chứ. Đó cũng là bình thường thôi. Nhưng tôi chẳng bao giờ thấy mình nghèo. Cha Dư Phát tỏ vẻ không hiểu. _ Tôi nghèo ở đây! - Thầy giáo chỉ vào túi áo – Nhưng giàu ở đây! - Thầy chỉ lên đầu. Tôi có công việc của tôi, có học trò nên rất đầy đủ. Nghe thầy giáo nói, Dư Phát chợt cảm thấy thầy giáo thật giàu có còn ba mình thì quá nghèo nàn. Những năm gần đây, có không ít thầy giáo “xuống biển”. Ở các thầy giáo trẻ thì hiện tượng này càng phổ biến. Đương nhiên cũng không ít thầy giáo cam chịu nghèo khổ. Đối với những thầy giáo xuống biển, thầy Giang biểu lộ sự thông cảm. Đối với những người không xuống biển, thầy biểu lộ sự kính trọng. Bản thân thầy cũng đi dạy thêm buổi tối ở ngoài, nhưng không bao giờ thầy chiếm dụng thời gian thuộc bổn phận. Nói thực, nắm vững được cái mức độ ấy cũng là một điều thật khó khăn bởi vì ngoài trách nhiệm cao ra còn phải có một sức lực kiên cường và một tâm hồn vững vàng nữa. Trách nhiệm của thầy giáo cũng cần có sự hỗ trợ của vật chất. Trong xã hội thương mại này, các hộ cá thể phất lên, gian lận cũng phất, chỉ có thầy giáo là đứng ngoài cuộc, tâm lý không cân bằng là điều khó tránh. Người trí thức nên đối mặt thế nào trước tình hình này? Cuối cùng, ba Dư Phát nói: _ Ôi, nếu mà Dư Phát cũng học giỏi như Trần Minh thì mới thực là phất đấy. Câu nói ấy đã nhắc nhở thầy Giang. Trên đường về nhà, thầy đi qua nhà Trần Minh. Đèn trong nhà vẫn sáng tỏ, rõ ràng là cậu ta đang ngồi học bài. THI ĐỖ ĐẠI HỌC THƯỞNG NĂM MƯƠI NGÀN Trần Minh đang ngồi học rất chăm chú. Lớp thanh thiếu niên phấn đấu cho mục đích của mình thì thật đáng quý. Trong làng có một nhà máy. Người ta mời một thanh niên có bằng đại học ở Hồ Bắc đến làm giám đốc. Khi mới đến, người thanh niên này nói năng nghe rất có lý, nào là tôi sẽ thế này thế kia, tranh thủ thế này thế kia. Nói ra nghe thật ghê. Người trong làng cũng hồ nghi, để mặc anh ta làm. Nào ngờ thằng cha ấy là tay lừa gạt trên giang hồ. Chưa nói đến chuyện làm cho xưởng sản xuất nát be bét mà hắn còn cuỗm gọn một triệu đồng rồi bỏ trốn. Dân làng vừa hận đồng thời cũng tỉnh ngộ ra: Làng ta cũng phải có sinh viên đại học của chính mình. Chúng ta phải có kỹ thuật viên, kỹ sư của chính mình, và phải có cả thạc sĩ, tiến sĩ nữa. Chúng ta bị lừa gạt là bởi chúng ta không có kiến thức, thế là chính quyền thôn lập tức quyết định: “Nếu đỗ phổ thông trung học thưởng mười ngàn đồng, được nhận các loại giấy khen của nhà trường thưởng hai ngàn còn nếu thi đỗ vào đại học thì được thưởng năm mươi ngàn đồng”. Khi quyết định được công bố, ai cũng hướng ánh mắt về phía Trần Minh, dường như các loại giải thưởng này là được đặt ra để dành riêng cho Trần Minh, dường như những giải quyết ấy chuyên đặt cho cậu ta, chỉ chờ cậu ta đến lĩnh chứ phi cậu ta ra thì không thể thuộc về ai. Trần Minh cũng rất vui vì những ánh mắt ấy. Lòng hư vinh được thỏa mãn, nhưng đồng thời cậu ta cũng ghét những ánh mắt ấy bởi dường như họ coi cậu ta chăm chỉ học chỉ vì tiền. Ba bê món ba ba đến bảo: _ Minh con, ăn đi đã rồi lại học. Trần Minh không nhúc nhắc. _ Minh học cho tốt vào, con có thể giành được mọi khoản tiền thưởng, làm cho ba thêm oai lên. Chỉ cần con đỗ đại học là được thưởng năm mươi ngàn đồng rồi. Con đỗ trường Thâm Quyến cũng được năm mươi ngàn, đỗ trường Thanh Hoa cũng năm chục ngàn, thế thì tính toán xem vào đại học Thâm Quyến là hay hơn cả. Tính toán ư? Có thể đem ra tính toán so đo sao? Ba mua thịt giữa chợ sao? Trần Minh nhìn ba vẻ không hài lòng. _ Con cứ nghe lời ba là không có sai đâu. Tất cả là vì con mà thôi. Nếu con không nghe ba thì cũng nên nghe lời chú con. Chú bảo thi vào đại học Thâm Quyến tốt. Bao nhiêu người muốn vào Thâm Quyến mà không vào được đấy. Nếu như con muốn đi khỏi thì cả đời cũng không quay trở lại được đâu. Nghe nói mùa đông ở phương bắc lạnh lắm, có khi lạnh nứt da ra đấy. Nghe nói người phương bắc rất không biết giữ vệ sinh, một tuần mới tắm một lần, có khi cả tháng mới tắm một lần… Chà chà. Chú con là người đi nhiều chắc chắn biết hơn con rất nhiều. Trần Minh không muốn nghe thêm hai chữ “chú con” nữa. Cậu đã từng coi chú là người tri âm, đã từng sùng bái chú, đã từng vô cùng vui sướng chờ đón chú về. Cuối cùng chú đã về thật. Bao nhiêu mộng tưởng trong lòng Trần Minh đã tiêu tan cả. Chú thay đổi hẳn, không còn là người chú trong con mắt của mình nữa. Mỗi câu nói của chú là: “Muối chú ăn còn nhiều hơn mì cháu ăn, cầu chú qua còn nhiều hơn đường cháu đi”. Lẽ nào thấy nhiều biết nhiều thì nhất định phải trở thành tầm thường đến thế sao? Trần Minh cảm thấy thật buồn. Buồn cho chú, buồn cho người mẫu của mình đã tiêu tan. Thấy Trần Minh không nói năng gì, ba tưởng đã thuyết phục được con trai: “Thi học trường ngoài, sau muốn trở về thì khó khăn, con không nên hối tiếc”. _ Ba à, ba ra ngoài đi cho con ôn bài. _ Được, được, ôn cho kỹ càng vào. – Ba ra ngoài cửa còn quay vào chêm một câu – Thi đỗ đại học là được năm mươi ngàn đồng đấy! Trần Minh nẫu cả người, tức mình khóa trái cửa lại. Trần Minh ngồi vào ghế, cầm lấy sách, thấy trên bìa in tờ giấy bạc một trăm đồng của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc. Các giải thưởng mà làng đặt ra, Trần Minh lấy dễ dàng, nhưng bạn bực vì mọi người cứ gắn việc cậu học với tiền vào với nhau. Trần Minh cho rằng đây chính là sự hiểu lầm lớn nhất đối với bạn. Chẳng có ai hiểu được bạn. Trần Minh không thể nào học tiếp được. “Không học, không học nữa!”. Bạn mở cửa sổ bực bội ném một lô sách xuống dưới, trút hết nỗi giận dữ lên sách vở. Các tờ bìa dính đầy bụi bẩn, bạn xót ruột lắm. Trần Minh lại ngồi xuống bàn, bạn đã bình tĩnh lại bởi bạn hiểu hơn ai hết mục đích học tập của mình. Trong thực tế xã hội, Trần Minh hiểu rõ nguy cơ về kiến thức của mình. Bạn nhận thấy có một số mặt bạn còn thua cả Dư Phát. Tính cách mạnh mẽ, Trần Minh không cho phép mình thua kém bất kỳ ai, bất kỳ phương diện nào cũng không chấp nhận, không thể. Nhưng khi cậu định học hỏi thêm đôi điều thực tế thì lại thấy không phải việc chính, hơn nữa còn sợ kẻ khác lên mặt dạy mình. Đừng quên cô chính trị từng giễu bạn là: “Con lạc đà giữa bầy dê”. Thế là sách ngoại khóa phải nhường đường cho sách chính khóa. Trần Minh hiểu rõ mình chính là trung tâm của cả làng, là con cưng của trường. Những người mẹ trẻ trong làng thường bảo con mình rằng: “Cưng phải khôn ngoan như anh Trần Minh ấy, học hành cũng phải được như anh ấy”. Những câu nói của các thầy cô như: “Hãy học tập Trần Minh”, “Hãy xem Trần Minh học ra sao” cứ vang lên không ngớt. Sự quan tâm chú ý của mọi người vừa là những lời động viên vừa là áp lực đối với bạn. Vì thế Trần Minh không nghĩ đến điều gì khác chỉ ôm chặt quyển sách không rời. Ngẩng đầu nhìn tranh vẽ Lôi Chấn Tử, bạn như tìm được tri kỉ. Lặng lẽ ngắm nhìn ba con mắt của thần sét, Trần Minh nghĩ: “Mắt thần” mới nhìn thấu mọi việc, xem ra chỉ có Lôi Chấn Tử mới hiểu được lòng mình thôi. PHONG CẢNH PHÍA TRƯỚC MỚI CÀNG HẤP DẪN Khi Trần Minh từ trong phòng giáo vụ đi ra thì trời đã xế chiều. Nền trời phía tây như được dán một lớp mây màu đỏ sậm. Trong màu đỏ có ánh đen, trong màu đen có sắc đỏ, rõ là khí thế bàng bạc, bát ngát. Thầy Cổ tìm Trần Minh là vì việc đoạt giải cuộc thi Toán. Thầy nhiệt liệt chúc mừng bạn. Cuối cùng, thầy trịnh trọng vỗ vai Trần Minh, dặn dò: _ Hãy vững bước tiến thẳng lên phía trước theo con đường mình đã chọn, ắt sẽ có tiền đồ lớn. Hãy nhớ kỹ, đừng mê mẩn với cảnh sắc bên đường. Phong cảnh phía trước mới càng hấp dẫn. Trở về lớp, Trần Minh chỉ thấy có mỗi mình Hiểu Húc. Bạn đang chăm chú làm bài. Trong ấn tượng của Trần Minh, Lâm Hiểu Húc là một cô gái đáng thương, có một chút gì đó như Lâm Đại Ngọc. Dáng vẻ cô hôm nay càng giống Lâm muội muội hơn nữa. Trần Minh lặng lẽ ngắm bạn một lúc. Trần Minh chú ý đến Lâm Hiểu Húc từ cái hôm thi Toán vòng đầu. Các bạn nào là bàn tán ầm ĩ về đề thi, nào là nhảy ra khỏi lớp. Vỏ bút chì, giấy nháp lung tung trên bàn, dưới đất. Lâm Hiểu Húc lặng lẽ cầm cái sọt rác giúp các bạn nhặt giấy vụn từ đầu bàn một cho đến cuối bàn dưới cùng. Trần Minh lặng lẽ nhìn bạn, cảm thấy Hiểu Húc khác hẳn các bạn gái khác, khiến người ta nghĩ đến câu “thương hương tiếc ngọc”. _ Lâm Hiểu Húc ơi, chưa về nhà à? - Trần Minh đến bên bạn hỏi nhẹ nhàng, khác hẳn vẻ lãnh đạm thường ngày. Lúc ấy Lâm Hiểu Húc mới nhận ra bạn, cô quay lại, mỉm cười: _ Trần Minh đấy à, sắp thi rồi nên mình làm xong bài mới về. Hiểu Húc cúi đầu tiếp tục làm bài. Mái tóc ngắn đến tai của cô xõa xuống che cả mắt. Trần Minh chợt thấy xúc động, bất giác giơ tay toan giúp Hiểu Húc vén mái tóc ra sau tai. Lúc ấy Hiểu Húc cũng ngẩng lên nhìn Trần Minh đồng thời vuốt tóc lên. _ Trần Minh, bạn vẫn chưa về nhà à? Trần Minh hơi xấu hổ, cậu ngượng nghịu rút tay về: _ Ừ về, về nhà thôi. Hiểu Húc lại như lúc nãy cắm cúi làm bài. Trần Minh thấy buồn, nếu người đứng trước mặt là Tiêu Dao hay bạn khác chắc cô không như thế. Trần Minh nhắc nhắc cặp sách định đi. Khi ấy Hiểu Húc nói: _ Trần Minh à, lần này thi Toán, bạn lại đứng thứ nhất, giỏi thật đấy. Trần Minh chẳng thấy phấn khởi mà càng thấy buồn hơn. Dường như ngoài chuyện học, ngoài chuyện đứng thứ nhất ra, chẳng có thể nói được chuyện gì khác nữa. _ Bạn đâu có như mình, hễ nhìn thấy toán là đã đau cả đầu! - Hiểu Húc chỉ vở bài tập toán, cau mày. Trần Minh buột miệng: _ Mình đến giúp bạn… - Câu tiếp theo lẽ ra là: “Ôn tập toán”. Bạn rất muốn giúp đỡ người bạn gái yếu đuối dễ thương này, bạn sẽ cảm thấy hài lòng, nhưng lại không dám nói ra. Từ trước tới giờ bạn không quen nói những lời dịu dàng như thế, sẽ cảm thấy khó chịu về sự ân cần quá đáng của mình, hơn nữa lại sợ Hiểu Húc sẽ ngại ngùng vì câu nói khác thường của mình. Vì thế bạn ấp úng: _ Mình đến giúp bạn điều chỉnh đèn cho sáng hơn. Nói xong cậu bước đến điều chỉnh cho số watt cao hơn. Phòng học sáng hẳn lên. _ Cám ơn bạn - Hiểu Húc cười. Câu cám ơn chứng tỏ giữa hai người rất xa lạ. Trần Minh thấy xót xa vì câu nói ấy. Đứng nhìn Hiểu Húc thêm một lúc nữa, Trần Minh đành cúi đầu ra về. Trần Minh không đạp xe về nhà ngay. Cậu cảm thấy lòng nặng trĩu, đầy mâu thuẫn. Trần Minh không hề nghĩ rằng chuyện ấy lại xảy đến với mình. Mỗi lần nghe các bạn bàn tán ai với ai “kết” nhau, cậu đều cảm thấy họ vừa nực cười vừa ấu trĩ. Vậy mà hôm nay sao mình lại… Cậu thấy “hận” Hiểu Húc và trách cô. Nhưng Trần Minh không nỡ chỉ trách bạn ấy. Một Trần Minh nói: “Có lẽ mình đã thích cô ấy rồi”. Một Trần Minh khác lại nói: “Đừng nghĩ lung tung, mình không thể đi sai một bước!”. Trần Minh hiểu rằng điều này sẽ làm đảo lộn cuộc sống, sẽ ảnh hưởng đến học tập của mình. Không thể tiếp tục, không thể đi sâu hơn nữa. Mặc dù mọi chuyện chưa bắt đầu, nhưng nó nên kết thúc ngay. Ở dưới cầu vượt có một bà lão xem số. Đầu bà quấn cái khăn tơ tằm, đó là kiểu làm dáng của người phương Bắc. Bà ngồi dưới đất, vẫy gọi mọi người: “Trời có số trời, người có số người, mời đến xem quẻ”. Trần Minh từ bé vốn không tin cái món này. Nhưng cha cậu lại tin đến sái cổ. Mẹ kể khi sinh được ba cô con gái, nhà rất thành tâm đi lễ bà thánh cho con, xin cho bà sinh được cậu con trai để có người nối giõi dòng họ Trần, không để cho mẹ chồng ghét bỏ. Quả nhiên Tống Tử Nương Nương cảm động cho đứa con trai, lại thông minh hơn người. Ba mẹ vô cùng cảm động, năm nào cũng lễ tạ đại ân đại đức của Tống Tử Nương Nương, còn bắt Trần Minh quỳ lạy. Nào dỗ nào khuyên bạn đều không chịu. Dáng vẻ của bạn giống như liệt sĩ tựu nghĩa, thà chết không chịu khuất phục. Nhưng bây giờ, thì bạn hơi chịu “khuất phục” rồi. Bạn xuống xe, đến bên bà xem số. _ Xem cho cháu một quẻ. Bà lão ngắm bạn một lát rồi mở cái miệng đầy những răng vàng ra nói chậm rãi từng câu một: “Nạn theo phúc tới, khí theo hòa tới, khó tự thân tới”. Bà lấy cái ống đựng thẻ tre, bảo Trần Minh rút một thẻ. Trần Minh nhìn khắp cái ống, bụng nghĩ: “Hãy rút ra mấy cái đi. Nếu là số lẻ thì mình sẽ nói với Hiểu Húc mặc kệ cô ấy có đồng ý hay không. Nếu là số chẵn, trong lòng sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Số chẵn thì coi như không có chuyện gì xảy ra cả”. Trần Minh đón lấy cái ống, nhắm mắt lại, rào rào xóc cho tung thẻ ra. Cậu ta từ từ mở mắt. Vừa nhìn thấy hai thẻ, trong lòng chợt nặng trĩu. Bỗng lại thấy bên chân bà lão còn một thẻ nữa, mọi chuyện đã đổi ngược. Trần Minh mừng rỡ: “Mình có thể đến nói với cô ấy”. Cũng đúng lúc ấy, trong lòng cậu chợt kích động: “Không, mình không thể làm thế, không thể”. Bạn không nhặt quẻ ấy lên nữa mà đứng lên đi ngay. Bà lão gọi với đằng sau: _ Này cậu ơi, còn chưa đoán thẻ mà! Nhưng Trần Minh đã tự đoán “xong” cho mình, cậu ta nhảy lên xe phóng nhanh. Tối hôm ấy, Trần Minh cứ nghĩ mình sẽ buồn đến mất ngủ. Nhưng không, ngược hẳn lại, bạn thấy lòng mình bình thản, không mất ngủ cũng không mơ mộng gì. Sớm hôm sau tỉnh dậy, Trần Minh nhìn thấy Lôi Chấn Tử, bạn đã hiểu ra: bạn cũng phải cưỡi mây về gió thôi. PHONG TRÀO XUẤT NGOẠI VÀ CƠN SỐT TRỞ VỀ Tiêu Dao gấp thư cho vào phong bì rồi nhét túi quần. Bạn đi thẳng tới phòng làm việc của giáo viên chủ nhiệm. Thư bố mẹ lần này chủ yếu nói về chuyện ra nước ngoài. Đã đến lúc bạn phải quyết định rồi. Bạn định đến thầy Giang và quyết định nghe ý kiến của thầy. Thầy Giang nghiêm nghị nghĩ một lúc lâu rồi nói: _ Trước hết phải biết ý của em thế nào đã. _ Khi chưa làm thủ tục thì em rất muốn đi, cho tới khi thủ tục sắp xong thì em lại không muốn đi lắm. Em vừa muốn ở cùng bố mẹ lại vừa muốn ở lại để học xong trung học. Trung học của nước ta tốt hơn trung học ở Anh. Em không muốn học dở chừng phải bỏ. _ Em có nhớ ba mẹ không? Tiêu Dao nói ngay: _ Nhớ. Trước khi đi ba mẹ em còn hỏi là ba mẹ đi rồi liệu em có khóc không, em bảo là không. Lúc ấy nghĩ là có cái gì đáng khóc đâu, ba mẹ đi rồi mình càng thoải mái. Nhưng đến khi ba mẹ lên máy bay rồi em lại không nhịn được bật khóc. Mấy hôm trước có người ở chỗ ba em về, mang theo băng ghi hình. Trong băng em thấy ba mẹ già đi nhiều. Chắc là mấy năm vừa rồi vất vả. Xem băng xong em lại khóc. Người ta thường bảo con trai mà khóc thì chẳng ra sao cả. Nhưng em lại cứ muốn khóc. Thầy ơi, có phải em yếu đuối quá không? _ Không đâu Tiêu Dao. Thầy cho thế là bình thường thôi. Nếu mà không nhớ, không khóc thì mới là bất thường. _ Ba mẹ chỉ có mỗi đứa con trai là em. Em cũng rất muốn cùng sống với ba mẹ. Nhưng em không muốn tranh thủ cơ hội ba mẹ đang ở nước ngoài mà ra đi. Ra nước ngoài trừ khi dựa vào chính bản thân mình đó là điều duy nhất. _ Nói về phong trào xuất ngoại thì báo chí đã bàn luận rất nhiều. Thầy nghĩ em cũng đã biết. Từ trước đến giờ thầy vẫn cho rằng Trung Quốc từ chỗ đóng chặt cửa cho đến giờ mở rộng cửa là một hiện tượng tốt. Mặc dù cũng còn nhiều điểm khiến người ta phải lo lắng. Tiêu Dao ạ, thầy hy vọng là em sẽ đi, ra bên ngoài để mà hiểu biết học tập. Nhưng thầy mong rằng em ra nước ngoài nghiên cứu học tập với một tư thế đàng hoàng, chứ không phải ở dạng làm thuê để đi học. Em có hiểu ý của thầy không? _ Vâng. Em nghĩ là sẽ có một ngày em ra đi. Nhưng không phải bây giờ, cũng không phải bằng kiểu này. Ở trong nước đang có “cơn sốt xuất ngoại”. Còn ở Thâm Quyến lại có cơn sốt hồi hương. Rất nhiều lưu học sinh viết thư hỏi thăm, nhờ người hỏi đường, đến cửa xin việc. Khi phỏng vấn họ vì sao, họ đáp: “Cạnh tranh, cơ hội gặp vận, hiện đại văn minh… tất cả những cái mà châu Âu có thì Thâm Quyến cũng bắt đầu có. Mà lòng mong muốn trở về cội của người Trung Quốc thì ở nước ngoài không thể thỏa mãn được.” Lúc ấy Tiêu Dao hoàn toàn hiểu rõ ý đồ của thầy với mục tiêu của chính mình. Lúc sắp đi thầy Giang còn dặn: _ Em cũng nên tôn trọng ý kiến của ba mẹ em. _ Thưa thầy, thầy cứ yên tâm. Ba mẹ em rất tôn trọng ý kiến em. Em tin là em sẽ thuyết phục được ông bà. A, đúng rồi thầy ạ, ba mẹ em sẽ về nước tháng Bảy này, các cụ rất muốn được gặp thầy. Ra tới hành lang, Tiêu Dao mới chợt nhận ra rằng, những lá rụng hàng ngày kia chẳng ai để ý lại nặng tình với gốc mình như vậy. Đó chính là lá rụng về cội mà lại. Không biết vì sao các bạn đều biết chuyện của Tiêu Dao. Ai ai cũng cảm thấy không sao hiểu được. Thời buổi bây giờ, không nói đến chuyện có quan hệ với nước ngoài, mà nếu như không có thì cũng phải cố mà ngoắc cho được mấy người. Ai mà chẳng muốn ra nước ngoài? Nhất là Liễu Thanh, cô không hiểu được Tiêu Dao: _ Cậu có uống nhầm thuốc không đấy? Vương Tiếu Thiên cũng bảo Tiêu Dao ngốc nghếch, còn có ý chụp mũ cho Tiêu Dao: _ Cậu ta đang phát huy tinh thần yêu nước đấy! Chỉ có Trần Minh có chút thông cảm: _ Mỗi người đều có cách riêng của mình, có khi làm thế lại hay. _ Tiêu Dao ơi, thầy Cổ cần gặp. - Một bạn vào gọi. Vừa tới phòng làm việc của thầy Cổ, câu đầu tiên của thầy là: _ Này Tiêu Dao, gần đây em tỏ ra rất tốt. Tiêu Dao ngạc nhiên. Bạn không hiểu tại sao thầy lại nhận xét như vậy. Thấy trò ngẩn ra, thầy Cổ bảo: _ Sắp kết thúc học kỳ rồi. Lớp trưởng các lớp đều phải viết một bản tổng kết bao gồm cả tư tưởng của mình và hoạt động của lớp. Tiêu Dao ạ, thầy thấy em nên viết nhận thức đối với việc ra nước ngoài của em. Lúc ấy Tiêu Dao mới hiểu thầy Cổ chỉ việc xuất ngoại của mình. Lạ nhỉ, sao thầy Cổ lại biết được. À, chắc thầy “thâm nhập quần chúng” nên có được tin tình báo này. Thầy Cổ cũng có khó khăn, học trò không thích thầy, dù thầy cũng muốn hòa nhập với học sinh, nhân đấy giáo dục tư tưởng cho học sinh. Viết tổng kết ư? Viết thế nào đây? Tiêu Dao dám chắc những gì mình viết quyết không phải là bản tổng kết mà thầy mong đợi. _ Chúng tôi cho rằng thanh niên bây giờ nên nâng cao nền cơ bản lên - Thầy Cổ vung tay nói. Thầy rất thích từ “Chúng tôi cho rằng”, tựa như một mình thầy đại diện cho rất nhiều người - Phải có tinh thần hiến thân cho tổ quốc. Hy vọng của đất nước nằm ở chính thế hệ các bạn. Các bạn là rường cột của đất nước. Câu nói đó nghe thật kêu nhưng Tiêu Dao lại không thích lắm. Đó chính là sự xa cách giữa thầy Cổ và học sinh. Đó cũng là sự khác biệt giữa thầy Cổ và thầy Giang. Thầy Cổ thích dùng những câu khẩu hiệu hoặc câu răn đe để động viên học sinh mà học sinh thì rất phản ứng với điều đó. Họ thích những gì chân thực. Tại sao việc gì cũng phải dính vào những câu khẩu hiệu? Có lẽ những năm trước kia khẩu hiệu quá nhiều vì thế bây giờ cứ động đến khẩu hiệu là người ta phản ứng. Thực ra thầy Cổ cũng thật có lý, có điều… _ Thưa thầy, em không phải như thầy nói đâu ạ! – Tiêu Dao dở khóc dở cười. _ Đừng có vội vàng kết luận. Em hãy về suy nghĩ kỹ đi rồi viết tổng kết nộp cho thầy. Lại thế nữa, thầy Cổ chẳng khi nào quên làm công tác tư tưởng. Ôi thầy Cổ ơi, nói thế nào với thầy bây giờ. Tiêu Dao buồn bã đứng dậy. Lê bước ra đến cửa còn quay đầu lại: _ Thưa thầy, xin thầy hãy tha cho em!