- 18 -
Ý KIẾN VÀ CHÂN LÝ

Anh và tôi, chúng ta lúc nào cũng có sẵn một mớ ý kiến, bất luận về vấn đề gì. Chúng ta ai cũng có quyền phát biểu ý kiến của mình. Và cũng vì thế người có giáo dục bao giờ cũng biết tôn trọng ý kiến của kẻ khác.
Nhưng chúng ta đừng lầm lẫn ý kiến với chân lý. Nhứt là những ý kiến của chúng ta phát sanh do một thiên kiến hay một thành kiến, hoặc không có những sự trạng cụ thể hoặc những con số vững chắc để làm bằng.
Không thiếu chi người lấy ý kiến của họ làm chân lý.
Một nhà văn (!) còn “măng sữa” bị người yêu bỏ rơi, tức thì viết một thiên tiểu thuyết chua cay để chỉ trích đàn bà. Ý kiến của nhà văn (!) ấy là: không thể tín nhiệm ở một người đàn bà nào cả!
Một nhà buôn tập sự định tung một món hàng ra thị trường và dự bị một số tiền khá to để quảng cáo món hàng. Nhưng bởi chưa học về nghệ thuật quảng cáo nên những bài quảng cáo của y nhạt phèo và không  hấp dân ai cả. Món tiền y tiêu phí về quảng cáo trở thành hoang phí. Y đăng ra ngờ vực và từ đó về sau có ai bàn với y về công dụng của quảng cáo, y dõng dạc tuyên bố: “Tiền làm quảng cáo là tiền liệng qua cửa sổ”.
Đó cũng là trường hợp của những câu thư sinh mới đọc được vài pho sách về thuyết này thuyết nọ liền vớ ngay mớ “ý kiến” của những tác giả ấy làm “chân lý” và đem ra tôn thờ. Bất luận ai không đồng “ý kiến” vơi snn bậc “sư” những đấng “thánh” của họ là họ “lên án” buộc tội ngay.
Nhưng “ý kiên” theo loại nói trên lại có ảnh hưởng đối với chúng ta nhiều hơn chúng ta tưởng. Anh và tôi há chẳng có những thiên kiến về một việc hay một người nào chỉ vì chúng ta lượm lặt đặng một vài “ý kiên” của người khác về việc ấy hoặc người ấy?
Mà sở dĩ chúng ta lấy “ý kiên” làm “chân lý” là bởi chúng ta còn thiếu kinh nghiệm riêng.
Có ý kiến và dám tỏ ý kiến của mình là chứng chỉ một đầu óc biết tư tưởng. Nhưng lập ý kiến của mình trên một vài sự kiện cỏn con hoặc một ít kinh nghiệm riêng là sai với phép tư tưởng. Ví dụ chúng ta nói: “Ông Xoài là người thiếu tư cách. Ông Xoài viết báo, vậy những người viết báo đều thiếu tư cách”, thì không gì sai ngoa hơn.
Chỉ có thể xem một ý kiến bằng thật khi nó được chứng minh bởi nhiều sự kiện, bởi nhiều thí nghiệm.
Vậy trước khi đưa ra ý kiến của mình hoặc thâu thập ý kiến của người khác,chúng ta phải tự hỏi: “Tại sao có ý kiến này? Có những sự kiện gì hoặc những con số nào chắc chắn để làm bằng chăng?”.
Và chúng ta đừng quên rằng “ý kiến” rất có nhiều, nhưng “chân lý” thì chỉ có một. Cho nên ý kiến thường chỉ là “ý kiến”.