Chương 8 (H)
CHIẾN DỊCH TỰ THIÊU

Qua tháng 8, tự thiêu được trở thành một chiến dịch. Nhà cầm quyền bó tay trước chiến dịch này.
Tổng nha Cảnh sát cũng như cơ quan tình báo Phủ Tổng thống nhận được báo cáo đầy đủ về chiến dịch tự thiêu. Thượng tọa Trí Quang được coi là tác giả của chiến thuật tuyệt diệu này. Mỗi địa phương (miền Trung) theo sự sắp xếp và bố trí đã có sẵn một số ứng viên tự thiêu cùng với việc làm thế nào để gây được sự xúc động trong quần chúng và tạo được sự hoang mang trong quân đội, nhất là giới quân nhân Phật tử. Hầu hết các ứng viên tự thiêu đều dưới 25 tuổi và thời gian vào chùa đi tu không quá 5 năm.
Sau vụ tự thiêu của Đại đức Nguyên Hương, ngày 13-8-1963 Đại đức Thanh Tuệ mới vào chùa tu được 3 năm cũng tự thiêu. Đại đức Thanh Tuệ tự thiêu vào 2g đêm tại cửa tam quan chùa. Vụ tự thiêu của Đại đức Thanh Tuệ đã nêu lên một dấu hỏi lớn - một nghi vấn về chính quyền. Theo báo cáo của cơ quan an ninh Thừa Thiên thì Đại đức Tuệ là một nhà sư trẻ, hiền hoà và rất chăm học. Nhưng Đại đức Thanh Tuệ đã bị một số người thúc đẩy tự thiêu. Đó chỉ là báo cáo của an ninh. Tất nhiên nhiều lắm người ta chỉ có thể tin được 40%. Bản báo cáo nêu rõ bà vãi Cao Thị Dò, trên 60 tuổi sống tại chùa đã lâu năm và chuyên lo việc nấu ăn, dọn dẹp. Khoảng nửa đêm, bà thấy có một số người lạ mặt vào chùa gặp Đại đức Thanh Tuệ rất lâu. Bà không để ý gì cả…Khoảng hai giờ sau, bà nghe thấy tiếng la hét thất thanh ghê rợn…bà hoảng hồn chạy ra hiên, thì lúc đó ngọn lửa đã bùng lên ở cửa tam quan.
Ngày 15-8-1963, Ni cô Diệu Quang lại tự thiêu trước trụ sở chi hội Phật học Ninh Hoà. Ni cô Diệu Quang nguyên quán tại Huế. Tuy tu ở chùa Vạn Thạnh nhưng Ni cô lại không tự thiêu ngay tại Nha thành mà lại bất thần đáp xe đò ra Ninh Hoà và nổi lửa tự thiêu ngay tại đây.
Trước đó ít ngày cơ quan tình báo phủ Tổng thống phát giác có một nhóm người chủ động trong chiến dịch tự thiêu và sẽ tung ra từng loại ứng viên tự thiêu về các địa phương để nổi lửa tranh đấu. Đại tá Lê Quang Tung Tư lệnh Lực lượng đặc biệt trình với ông cố vấn Nhu đầy đủ hồ sơ và tin tức về chiến dịch kỳ hiệu này. Ông Nhu ra lệnh: 1) Phải dập tắt chiến dịch ngay; 2) Làm thế nào bắt Trí Quang, người bị cơ quan tình báo nghi là tác giả của chiến dịch tự thiêu; 3) Khi xảy ra vụ tự thiêu nào thì chính quyền địa phương phải lập tức lấy xác đem vào nhà thương thông báo cho tang gia biết và chính quyền giúp đỡ họ trong việc tống táng.
Cơ quan tình báo Phủ Tổng thống còn bắt được binh nhì Ngô Văn Nghĩa, phục vụ tại quân đoàn II. Binh nhì Nghĩa đào ngũ từ tháng 2-1963, anh vào Sài Gòn làm nghề xích lô. Binh nhì Nghĩa sinh quán tại Bồng Sơn dưới 30 tuổi. Khi bắt được Nghĩa ngoài bản tài liệu gồm một số chỉ thị về kỹ thuật tự thiêu, cơ quan tình báo còn tịch thu một số thuốc mê…và một số chai thuốc chích loại an thần cực mạnh.
Nhờ vụ bắt được Ngô Văn Nghĩa cơ quan tình báo nắm được đầu dây mối nhợ của chiến dịch tự thiêu. Binh nhì Nghĩa cho biết, anh ta sắp xuống Mỹ Tho, đem theo một Đại đức nổi lửa tự thiêu trước toà Tỉnh trưởng Định Tường. Qua lời khai của Nghĩa, cơ quan tình báo bắt thêm một số người trong đó có một cụ già người miền Bắc vào Nam di cư trước năm 1940, cụ già này tục danh là ông Sáu Bắc từ đồn điền cao sư Hớn Quảng về Sài Gòn và trung tuần tháng 7, khi nhân viên tình báo ập vào căn nhà ở đường Tháp Mười giữa đêm đầu tháng tám thì lúc ấy ông Sáu Bắc đang ở trần mặc quần sà lỏn và đang nhậu cùng ba thanh niên. Khám chiếc rương của ông già Sáu Bắc nhân viên tình báo thu được một số bạc khoảng bảy chục ngàn đồng.
Ông già Sáu Bắc bị bắt đã khai đại cương rằng: ông không biết Thượng tọa Trí Quang cũng như Thượng tọa Tâm Châu là ai cả, ông chỉ nghe chính quyền đàn áp sư sãi và Phật tử. Khi được hỏi ai đưa ông già về Sài Gòn để tự thiêu thì ông già khai là Sáu Trừng. Một cái tên lạ hoắc đối với cơ quan an ninh.
Nhưng ít nhất thì các vị lãnh đạo Phật giáo lúc ấy theo nhu cầu đòi hỏi của cuộc tranh đấu tất nhiên đã chấp thuận dễ dàng mọi sự tình nguyện hy sinh, dù sự tình nguyện đó được thúc đẩy bởi một động cơ nào thì ai ở trong cương vị lãnh đạo một cuộc tranh đấu như cuộc tranh đấu của Phật giáo năm 1963 cũng không thể mất thì giờ để cân nhắc, truy tầm nguyên nhân. Cứu cánh của một số cán bộ cao cấp của Phật giáo (phe quốc gia hữu phái và tả phái) là lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, nhưng để có một chế độ tốt đẹp hơn trong đó Phật giáo đóng vai trò hàng đầu (như Thượng tọa Trí Quang đã ' nuôi hy vọng Phật giáo trở thành quốc giáo) thì cũng chưa ai dám khẳng định. Còn ông Nhu ở thế chính quyền thì cứu cánh của ông là phải bảo vệ và giữ vững chế độ. Trong cuộc tranh đấu của Phật giáo đã có hai con đường đi song song. Con đường bên kia là phía Cộng sản, con đường bên kia là Phật giáo… ông Nhu chỉ còn một thế duy nhất là phong toả ngay cả 2 con đường và bịt lối tắt giao liên. Đó cũng là lý do khiến ông Nhu phải ra tay hành động vào ngày 20-8.
 
CHUẨN BỊ DƯ LUẬN ĐỂ RA TAY
Trước khi ra tay hành động, ông Nhu đã khôn khéo chuẩn bị dư luận. Nhưng cuộc chuẩn bị của ông không thành công vì thiếu tính quần chúng và cán bộ thừa hành (cấp Bộ trưởng) đã không đủ khả năng thực hiện một cuộc phản tuyên truyền và tuyên truyền đen để tạo dư luận thuận lợi cho kế hoạch hành động.
Thanh niên Cộng hoà ra tuyên cáo số 2 và số 3 cũng như những lời tuyên bố nảy lửa của bà Nhu đã tác động được tâm lý khối quần chúng trầm lặng và đơn giản của tổ chức Thanh niên Cộng hoà và tập trung hầu hết các công chức nam nữ. Tổ chức này dưới mắt quần chúng chỉ là công cụ của chính quyền. Còn kỹ thuật phản tuyên truyền và tuyên truyền đen (propagende noire) đã không được sử dụng và nếu có thì lại quá lộ liễu (như truyền đơn của một số thương phế binh và mấy tổ chức khác).
Bà Ngô Đình Nhu thay vì nên im lặng và nếu có chống thì chống bằng cách khác (có thể sử dụng tuyên truyền đen) đã lại quá hăng say, phát ngôn bừa bãi và hậu quả là chỉ tạo cho phía tranh đấu có thêm khí thế và có thêm cơ hội phản công chính quyền.
Tại Đại hội của Phụ nữ Liên đới tại Toà Đô chánh Sài Gòn vào thượng tuần tháng 8, bà Nhu lại dùng từ “nướng sư" để nói về các vụ tự thiêu của tăng sĩ. Dư luận Phật giáo lại thêm phẫn uất trong khi cuộc hoà giải có xu hướng tốt đẹp.
Ông Mai Thọ Truyền cũng không mong muốn gì hơn là thu xếp cho êm đẹp càng sớm càng hay. Các lời tuyên bố của bà Nhu giúp cho phe "tích cực" (gồm Thượng tọa Trí Quang, Đại đức Nghiệp, Đại đức Giác Đức và các sinh viên Phật tử) có cớ để chinh phục và chế ngự khuynh hướng ôn hoà khi khuynh hướng này muốn hoà giải với chính quyền.
Để phản ứng lại với thái độ và ngôn từ của bà Ngô Đình Nhu, ngày 12-8 nữ sinh Mai Tuyết An nữ Phật tử chi hội Phật tử Thị Nghè đã dùng búa chặt cánh tay trái để cúng dường Phật tử và kêu gọi tinh thần tranh đấu của học sinh sinh viên. Hành động chặt tay của nữ sinh Mai Tuyết An đã có tác dụng lớn trong giới sinh viên học sinh, nhất là phía nam sinh viên thì hành động của Mai Tuyết An trở thành một biểu tượng hy sinh và khích động mạnh vào lòng tự ái của họ “Phận gái còn như vậy huống chi nam nhi"…
Giới hầu cận của Tổng thống Diệm cho biết cứ mỗi lần nhận được tin tự thiêu hay chích máu, chặt tay, Tổng thống Diệm lại lầm lì một cách khôn tả.
 
GIẢI PHÁP CUỐI CÙNG
Ngày 20-8, Hội đồng tướng lãnh nhóm họp tại Bộ Tổng Tham mưu để thảo luận về vụ tranh đấu của Phật giáo và tìm biện pháp đối phó để ngăn chặn Cộng sản, đồng thời tái thiết lập trật tự tại đô thành, tỉnh. Ông Nhu không trực tiếp chỉ thị cho Hội đồng tướng lãnh phải có thái độ như thế này, hành xử như thế kia. Nhưng qua cuộc tiếp xúc riêng giữa ông Nhu với các tướng Đôn, Đính, Oai, Khánh, Trí…thì những ý kiến đưa ra thảo luận chính tại Hội đồng tướng lãnh lại là chính ý kiến của ông Nhu nằm trong kế hoạch A và B. Trước một quyết định quá ư quan trọng đối với lịch sử và nhất là đối với Phật giáo, ông Nhu ẩn mình trong bóng tối giật dây cho Hội đồng Tướng lãnh hành động.
Kết quả, Hội đồng tướng lãnh quyết định: Quân đội phải ra tay. Có một số ý kiến chống lại việc bố ráp chùa chiền, trong đó có ý kiến của tướng Khánh nhưng tướng Khánh, chỉ phát ngôn theo sự chỉ thị của ông Nhu. Trước đó, tướng Khánh từ Pleiku về Sài Gòn được vào dinh gặp riêng ông Nhu. Cuộc tiếp xúc kéo dài hai tiếng đồng hồ. Lúc trở ra, tướng Khánh lộ vẻ vui vẻ hớn hở. Không hiểu nội dung cuộc tiếp xúc như thế nào nhưng tướng Khánh tiết lộ với Đại tá Tung và một số sĩ quan cao cấp của Quân uỷ rằng: ông chống lại việc bố ráp chùa để thăm dò thái độ của các tướng. Nhưng hầu hết các tướng, nhất là ba tướng Đôn, Đính, Oai không đồng ý chủ trương ôn hòa mà phải áp dụng biện pháp mạnh đối với phe tranh đấu.
Ông Nhu đã thành công trong việc hướng dẫn Hội đồng Tướng lãnh qua tướng Đôn và tướng Oai. Ông Nhu chỉ thị không nên để quân đội trực tiếp hành động qua quyết định của Hội đồng tưởng lãnh và làm thế nào để Hội đồng có chung một thái độ, còn phương thức hành động ra sao thì để tuỳ quyền các tướng Tư lệnh vùng. Kết quả, Hội đồng tướng lãnh đã đi đến một quyết định qua tuyên bố của tướng Đôn: “Bây giờ các toa ai nấy trở về vùng mình và tuỳ nghi quyết định lấy. Nhưng 12 giờ đêm nay các toa đợi lệnh thượng cấp”. Vùng IV được coi như vô sự, vùng II, riêng thành phố Nha Trang phải ban hành lệnh giới nghiêm từ ngày 15-8. Linh mục Cao Văn Luận bị chấm dứt nhiệm vụ làm Viện trưởng Đại học Huế kể từ ngày 16-8 và Giáo sư Trần Hữu Thế, nguyên Bộ trưởng Giáo dục và Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Philipin được triệu về nước thay thế Linh mục Luận. Tình hình ở Huế tuy có vẻ ngoài lắng đọng về phía Phật tử nhưng hàng ngũ sinh viên bắt đầu dấy động mạnh mẽ. Những thủ lãnh của họ như Ngô Kha, Nguyễn Diễn đã thực sự lao vào cuộc.
Ngày 20-8, Đà Nẵng lại có biểu tình lớn. Phong trào tranh đấu của Phật giáo lan rộng vào học đường và biến thái để trở thành cuộc tranh đấu của tuổi trẻ, giáo giới hầu hết cũng thay đổi thái độ do dự trước đây… Mọi người thao thức "phải làm một cái gì đó"…Lúc ấy không ai dự đoán được cái gì đó sẽ đem lại cho quê hương kết quả như thế nào?
Sinh viên Đại học Sài Gòn, giới trí thức và văn nghệ đã nghiêng hẳn về phía Phật giáo. Nhóm Nguyễn Mạnh Cường khuấy động mạnh mẽ tại hai trường Luật và Văn khoa. Nhóm Nguyễn Hữu Đống đi sát với Uỷ ban Liên phái bảo vệ Phật giáo và mỗi ngày nhóm càng phát triển và thanh thế lan rộng, thu hút khối học sinh đông đảo tại mấy trường lớn như Chu Văn An, Gia Long, Trưng Vương, Võ Trường Toán, Pétrust Ký, Cao Thắng. Chính điều này đã làm cho ông Nhu lo lắng. ông Nhu nói với Cao Xuân Vỹ cũng như Lê Quang Tung: "Mấy ông thầy chùa tranh đấu dẹp lúc nào là xong lúc ấy, nhưng các chú coi chừng mấy thằng sinh viên ". Ông Nhu cũng nhấn mạnh: “Bọn trẻ nó nổi loạn thì khó cho mình lắm!".
Nếu phân tách phong trào tranh đấu năm 1963, bỏ ngoài những khuấy động ngoại tại, thì phong trào đó kể từ đầu tháng 8 đã biến thái trở thành phong trào tranh đấu của tuổi trẻ. Đây là lần thứ nhất kể từ 19-8-1945, tuổi trẻ đã vùng dậy với tất cả khí thế và nhiệt huyết, tranh đấu. Phải làm một cái gì. Một cái gì đó đẹp như mơ. Đó là tiếng gọi thống thiết của tuổi trẻ 1963, Uỷ ban Liên phái bảo vệ Phật giáo đã có cái may lớn là dựa vào được lực lượng lớn lao của tuổi trẻ lúc ấy. Ông Nhu nhận định rõ tầm quan trọng của hàng ngũ sinh viên học sinh, nên phải tìm cách đối phó ngay. Khi thấy sinh viên học sinh tham dự biểu tình, tuyệt thực, Tổng thống Diệm trách cứ Bộ Giáo dục thì ông Nhu nhận định rõ như thế này: “Cứ để mấy ông thầy chùa kéo dài như rứa thì chỉ còn cách đóng hết cửa trường mà thôi". Trong kế hoạch A và B trọng tâm của ông Nhu là tách rời cuộc tranh đấu của Phật giáo với tập thể sinh viên, học sinh và trí thức. Bản chất của trí thức thành phố vốn là lè phè cầu an, do dự đắn đo vị kỷ, nhưng không phải là không nguy hiểm nếu giới này xoay lưng chống lại chính quyền và sáp vào tập thể sình viên học sinh - khi trò tranh đấu mà lại có thày đứng phía sau hỗ trợ thì đó mới là điều nguy hiểm đối với bất cứ một chính quyền nào.
Ông Nhu đã đứng vào thế chân tường: Một là để chế độ sụp đổ, hai là phải dẹp phong trào tranh đấu. Muốn dẹp phong trào đấu tranh mà sinh viên học sinh đã trở thành tiềm lực thì phải đánh bật cái khối định hình chỉ đạo (Tức Uỷ ban Liên phái bảo vệ Phật giáo). Khi cái khối nầy tan vỡ thì các khối vô định hình khác như sinh viên học sinh cũng tan vỡ theo và lúc đó thì Cộng sản cũng như các thành phần chống đối khác sẽ không còn đất để tổ chức và lãnh đạo quần chúng tranh đấu cho các mục tiêu của họ thông qua phong trào Phật giáo tranh đấu.
Thế của ông Nhu lúc ấy chỉ còn một chọn lựa: Một mất một còn - được ăn cả ngã về không. Ai ở cái thế chính quyền như trường hợp ông Nhu cũng phải chọn lựa như vậy.
Các lực lượng chống đối mỗi ngày tăng triển mau lẹ và nhất là thành phần quốc gia bấy lâu bị tan rã nhưng nhờ biến cố Phật giáo đã tạo được cơ hội kết hợp cùng nhau. Thành phần quốc gia ở đây không phải là một số lãnh tụ già nua mà hầu hết đều thuộc giới trẻ với tất cả khí thế và khát vọng thực hiện một cuộc cách mạng xã hội tận gốc tại miền Nam. Khát vọng đó mới chỉ thành ý niệm mơ hồ, nhưng gặp môi trường thuận lợi ý niệm kia bỗng dưng trở thành ngọn lửa, mỗi ngày bốc cao theo cơn giông bão của thời cuộc. Ông Nhu không phải là không nhận thức dược tầm quan trọng và nguy hiểm của cái thành phần chống đối này.
Cuộc thương nghị giữa chính quyền và Phật giáo vẫn bế tắc. Càng bế tắc càng thuận lợi cho mục tiêu của riêng các thành phần đối lập với chính quyền Sài Gòn. Riêng mục tiêu tranh đấu đòi quyền bình đẳng tôn giáo của Uỷ ban Liên phái ông Nhu nói với ông Cao Xuân Vỹ: "Đòi như rứa thì làm sao mà thoả mãn cho được…Mục tiêu chiến luợc mà ".
Quần chúng ở đâu và ở bất kỳ thời nào dưới chế độ của Việt Nam Cộng hòa cũng chỉ là tập thể bị thống trị. Tập thể bị thống trị ấy tuy chỉ là khối vô định hình nhưng luôn tiềm ẩn mầm công phẫn, chống đối lại cái thiểu số thống trị - tức nhà cầm quyền. Phong trào tranh đấu của Phật giáo kể từ đầu tháng 8 đã gây được niềm phấn khởi trong khối quần chúng đông đảo kia. Phong trào tranh đấu được lòng đa số quần chúng thì đồng thời cũng gây xúc động và thu hút được giới trí thức văn nghệ, báo chí và sinh viên. Nhất là giới văn nghệ và sinh viên cũng như báo chí luôn có khuynh hướng nghiêng hẳn về phía bị thống trị để chống lại thiểu số thống trị. Sau cái chết của Nhất Linh và nhất là qua thái độ kiêu căng quá lố của bà Nhu, cùng ngôn ngữ sỗ sàng của bà đối với các nhà lãnh đạo Phật giáo và nhân sĩ, hầu hết văn nghệ sĩ nếu không công khai tranh đấu thì cũng âm thầm ủng hộ cuộc tranh đấu của Phật giáo. Đáng kể là thái độ của Hội bút. Nhóm trẻ với những Thế phong (Đại Nam - Văn hiến) Khải Triều, Đỗ Ngọc Trâm và những Thế Nguyên, Diễm Châu, Nguyễn Khắc Ngữ…Tuy họ chỉ là một tối ư thiểu số nhưng chính thành phần trẻ này đã trở thành hấp lực thu hút đám đông và gây thêm phần phấn khởi cho cuộc tranh đấu.
Ông Nhu phải lựa chọn như một giải pháp cuối cùng. 9 giờ đêm ngày 20, ông gặp Đại tá Lê Quang Tung để xét duyệt kế hoạch lần chót và suốt buổi chiều ông đã thảo luận tỉ mỉ với tướng Đôn, Đính, Oai… Tối hôm ấy Tổng thống Diệm đi ngủ sớm hơn thường lệ. Ông Nhu chỉ thị cho Tung và mấy viên chức cao cấp của cảnh sát và tình báo: “Thận trọng tối đa, nhất là đối với ông cụ Tịnh Khiết…phải “loại trừ” ngay mấy đứa quá khích. Phải phối hợp chặt chẽ với Đính…Thắc mắc gì cứ hỏi thêm Đôn hay Đính ".
Cuộc hành quân bố ráp chùa chiền tuần tự tiến hành kể từ lúc 11 giờ đêm sau khi các viên chức cao cấp đã lãnh đủ những chỉ thị của tướng Đính tại Bộ Tư lệnh Lực lượng đặc biệt. Đại tá Tung được viên chức cao cấp của cảnh sát đặc biệt thông báo riêng như sau: “Tôi không hiểu như thế nào, tụi nó mới ở trong chùa Xá Lợi về cho biết, mấy ông thầy chùa hội họp liên miên từ hồi chiều tới giờ. Trong chùa đã có lệnh báo động, họ đang bố trí để chống lại". Ông Tung đáp: “Không sao, một lát nữa sẽ đốt hết". Viên chức nầy cho biết thêm: “Lúc 9 giờ, tụi nó ghi được số xe của Mai Thọ Truyền… ở trong chùa đi ra, hình như có người nằm ở phía sau xe". Ông Tung kinh ngạc: “Sao không cho bám sát ngay và chặn lại.. Thích Trí Quang lọt lưới thì hỏng hết".
Thực ra thì sáng ngày 20, Đại đức Thích Đức Nghiệp qua một đường dây đặc biệt đã nhận được nguồn tin chính quyền sẽ tấn công chùa Xá Lợi và Ấn Quang trong nội ngày 20 hoặc 21. Cũng 8 giờ tối ngày 20, ông Smith, Phó Giám đốc CIA đến trụ sở USOM - có lẽ để quan sát tình hình và chính ông Smith đã gọi điện thoại cho Đại tá Tung hỏi: “Đêm này hình như Đại tá hành quân ". Ông Tung chột dạ và đem chuyện này báo cáo với ông Nhu. Ông Nhu mỉm cười: "Hồi chiều Truhert có hỏi moa… Không sao, chắc là tụi nó biết rồi nhưng cứ việc tiến hành. Cần mần răng Thích Trí Quang không thoát được ra khỏi Sài Gòn". Đại tá Tung quả quyết: “Ông Cố vấn yên tâm. Thích Trí Quang không thể thoát khỏi". Ông Nhu dặn thêm: “Phải biệt lập ông ta ở một nơi giao cho chú mày trực tiếp khai thác… đối xử với ông ta như với sĩ quan cấp tướnlg". Ông Nhu lại bảo Tung: “Phúc trình ngay vào chiều mai. Vụ cháu của ông Sinh như thế nào. Nó có tiết lộ gì thêm không?”. Đại tá Tung cho biết: "Đang khai thác. Những điều hắn tiết lộ đem đối chiếu với diễn tiến thì đúng".
12 giờ dêm, Đại đức Đức Nghiệp được điện thoại bí mật báo cho biết cảnh sát sắp tấn công, chùa Xá Lợi náo động. Hàng trăm tăng ni, tín đồ tuy giao động mà thêm phấn khởi. Ông Nguyễn cho biết: Chúng tôi quyết một lòng tử thủ. Số gạo dự trữ trong chùa có thể ăn được hơn một tuần. Chúng tôi dự trữ đầy đủ tương, chao, muối và nước. Hàng chục thùng đèn cầy và dầu để đề phòng một khi chính quyền cúp điện nước. Một số Phật tử trẻ yêu cầu các Thượng tọa, Đại đức lãnh đạo tìm đường rút ra khỏi chùa nhưng Thượng tọa Tâm Châu quyết định ở lại - chính sự có mặt của các Thượng tọa, Đại đức làm cho khí thế càng hăng. Chúng tôi chuyển các chậu kiểng lên lầu và đó là khí giới tử thủ.
12 giờ 30, cảnh sát đã hoàn toàn phong toả quanh vùng Xá Lợi. Ông Trần Văn Tư Giám đốc Cảnh sát Đô thành trực tiếp nhận chỉ thị của Đại tá Nguyễn Văn Y; Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia cũng như hai tướng Đôn và Đính. Dưới quyền ông gồm có lực lượng cảnh sát của Quận III (cò Kính) và quận I (Đại uý Quyền) cùng lực lượng Cảnh sát chiến đấu của Thiếu tá Dần. Mấy ông cò nhìn nhau một thoáng lo ngại. Thoáng chốc, khu Xá Lợi đột nhiên huyên náo, tiếng xe nổ máy, tiếng người lao xao, tiếng la hét thất thanh, chuông mõ khua rầm rĩ. Hơn nửa giờ, toán cảnh sát chiến đấu tiền phương không thể nào tiến được vào cửa chùa…Gạch đá ném dữ dội quá. Đại uý Quyền bị chậu kiểng ném trúng, thương tích khá nặng. Hơn 10 cảnh sát chiến đấu bị loại khỏi trận. Qua máy, tướng Đính hối thúc ông Tư: “Làm gì mà lúng túng nhu vậy, sáp đại vô”. - Rồi đợt thứ hai, lại một trận mưa gạch đá và chậu kiểng, ghế, kể cả cánh cửa. Chuông mõ vẫn vang rền - những tiếng la hét kêu cứu thất thanh trong tuyệt vọng “Bớ người ta, cảnh sát phá chùa…Bớ nguời ta cảnh sát giết thầy chùa chúng tôi "…Từng loạt đạn mã tử nổ càng làm tăng không khí cực kỳ máu lửa. Ông Nguyễn nói: "Lúc ấy tôi không còn nghĩ gì hơn là chiến đấu cho đến chết để bảo vệ các thày". Trong tiếng la hét thỉnh thoảng vẫn xen tiếng tụng niệm của các vị sư già và các nữ Phật tử. Lần này cảnh sát chiến đấu lọt vào sân chùa. Hơn nửa giờ chiến đấu, sức cố thủ của những người chống cự kiệt dần…kiệt dần…Rồi từng loạt đạn nổ chát chúa…khói toả mù mịt. Ông Nguyễn nói: "Một trái lựu đạn cay liệng vào đúng chân tôi chịu không thấu, tôi qụy ngay từ lúc ấy Nước mắt giàn giụa…mọi người kêu khóc”.
1 giờ 30 thì cảnh sát hoàn toàn làm chủ tình thế. Cảnh sát viên Quý cho biết: "Tôi thuộc toán có phận sự chiếm phương trượng- nơi có tượng Đức Thế Tôn - ông Giám đốc Tư chỉ thị cho bọn tôi phải chiếm ngay phương trượng và đứng dàn bao quanh, cấm không được một ai lai vãng. Không được sờ mó đến bất cứ một thứ gì. Toán chúng tôi rút lui sau cùng, sau khi ông Giám đốc Tư đã kiểm soát…Phương trượng y nguyên. Ông Tư khen ngợi bọn tôi và chính tôi được lệnh lấy hương đốt rồi vái Phật, cho đến lúc ấy đèn nến vẫn sáng trưng".
Các Thượng tọa, Phật tử đều ngất ngư…Nhiều người bị ngất xỉu vì hơi cay. Hoà thượng Hội chủ Thích Tịnh Khiết bị mảnh chậu kiểng bắn vào mắt. Ông Nguyễn nói: "Chúng tôi bị lùa lên xe Camion. Nhiều người bị xỉu, không đi nổi thì cảnh sát khiêng bỏ lên xe… Từ lúc đó tôi càng thêm căm thù chế ñoä Ngô Đình Diệm".
Cuộc lục soát chấm dứt lúc 2 giờ 10. Tướng Đôn khen ngợi Giám đốc Cảnh sát Đô thành và một số viên chức cao cấp. ông nói: "Lúc đầu moa tưởng các toa không vô được- chậm 15 phút nữa thì moa phải cho bọn dù và thuỷ quân lục chiến thay thế các toa ".
Bác sĩ Lê Văn Triều được chỉ định đặc biệt trông nom phần y tế đối với các Thượng tọa và Phật tử bị cảnh sát bắt giam tại bót quận 7.
Cùng một giờ với chùa Xá Lợi, chùa Từ Đàm, Diệu Đế tại Huế cũng như Ấn Quang và một số chùa trên toàn miền Nam đều bị kiểm sóat như vậy. Nhưng chỉ có chùa Từ Đàm, Ấn Quang, Xá Lợi sức chống cự của Phật tử được coi là gay cấn mạnh mẽ.
Sau cuộc hành quân này, Đại tá Tung cũng như Hai tướng Đôn, Đính đều hoảng hốt vì không bắt được Thượng tọa Trí Quang. Cảnh sát đặc biệt của ông Dương Văn Hiếu trong khi lục soát chỉ tìm được một tấm căn cước của Thượng tọa Trí Quang cùng một số tài liệu cùng rất nhiều thư từ. Ông Giám đốc cảnh sát Đô thành báo cáo cho biết, riêng khu vực Xá Lợi có hơn 30 cảnh sát bị thương vì gạch đá và chậu kiểng từ trên lầu ném xuống.
Cùng lúc xảy ra cuộc lục soát tại chùa Xá Lợi và Ấn Quang, Bộ Tư lệnh lực lượng phòng vệ phủ Tổng thống nhận được báo cáo: “Có lính lực lượng đặc biệt xâm nhập yếu khu I và đã chiếm bưu điện". Thiếu tá Duệ xin chỉ thị của Tư lệnh và mọi người tưởng có binh biến. Sĩ quan tuỳ viên báo cho Thiếu tá Duệ "Giờ này Tổng thông đang ngủ" - Sau đó Bộ Tư lệnh mới được biết, lực lượng đặc biệt chiếm Bưu Điện để kiểm soát các đường dây ra ngoại quốc.
3 giờ đêm, Tổng thống Diệm bị đánh thức dậy vì có điện thoại của Phó Đại sứ Mỹ. Không hiểu ông Phó Đại sứ nói gì, tuỳ viên chỉ nghe thấy ông Tổng thống gằn giọng "Tôi rất tiếc, tôi chịu trách nhiệm. Đó là việc nội bộ… " Ông Tổng thống buông máy đứng lên buộc lại chiếc cạp quần rồi mở cửa đi ra bao lơn.
4 giờ 30 ngày 21, Hội đồng các tướng lĩnh được triệu tập. Tất cả im lặng. Không khí nặng nề khó thở. Tổng thống Diệm lên tiếng. Ông tường trình về biến cố vừa qua. Không một ai lên tiếng phản đối, ngoại trừ Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Văn Mẫu thì cho rằng biến cố hồi đêm tạo thêm khó khăn cho các vấn đề bang giao quốc tế đối với Việt Nam cộng hoà - Phó Tổng thống Thơ phàn nàn, biến cố hồi đêm đã cắt đứt mọi cố gắng dàn xếp của Uỷ ban Liên bộ. Tổng thống Diệm tuyên bố: “Vì có tin Cộng sản sắp tràn vào Đô thành và tình hình an ninh mỗi lúc một nguy, Chính phủ phải hành động cương quyết và lãnh trách nhiệm trước lịch sử".
Tổng thống Diệm ký sắc lệnh 84/TTP ban hành lệnh giới nghiêm trên toàn miền Nam Việt Nam và giao cho quân đội trách nhiệm bảo vệ an ninh trật tự. Tôn Thất Đính được cử làm Tổng trấn Sài Gòn- Gia Định.
Ngày 21- 8, Đại sứ Trần Văn Chương từ chức Đại sứ Việt Nam Cộng hoà tại Mỹ, nhưng ngày 22 chính quyền Việt Nam cộng hoà thông báo Đại sứ Chương bị chấm dứt nhiệm vụ. Cũng vào ngày hôm đó, ông Nhu chuẩn bị một chuyến đi săn tại Bình Tuy, nhưng phút chót lại bãi bỏ vì phải có mặt tại Sài Gòn để đối phó với tân Đại sứ Mỹ Cabot Lodge.
Ngày 24, Bộ trưởng Nguyễn Quang Trình ký Nghị định tạm thời đóng cửa các trường đại học, trung học, và tiểu học tại Sài Gòn - Gia Định nhưng chỉ một hôm sau trên 2000 sinh viên học sinh biểu tình ngay trước chợ Bến Thành. Trong vụ này, một thiếu nữ tên Quách Thị Trang bị bắn chết - Hơn 1000 thanh niên bị bắt và đưa xuống giam giữ tại trại Quang Trung.
Được tin, Tổng thống Diệm nổi giận vì trước đó ông Cabot Lodge nói với Tổng thống Diệm: “Cái chết này thêm một bằng chứng để cho Cộng sản tấn công Hoa Kỳ và càng làm khó khăn cho Chính phủ Kenedy trong việc trợ giúp Chính phủ Việt Nam Cộng hoà chống lại Cộng sản " - ông Tổng thống chỉ thị cho Đại uý Bằng: "Mi xem ai giết nó " - Phía Toà Tổng trấn thì đổ tội cho cảnh sát nhưng tướng Đôn cho rằng không thể biết rõ ai bắn. Có thể là quân đội. Trong phần phúc trình trước Hội đồng tướng lãnh, tướng Đôn cho rằng đó chỉ là một cô gái quê. Tướng Oai cũng nói: "Chắc là nó đi chợ Bến Thành chẳng may gặp đám biểu tình rồi bị đạn lạc" - Quách Thị Trang được đưa vào bệnh viện Đô thành rồi đưa lên nhà thương Cộng hoà cấp cứu. Cô đã tắt thở tại đây. Trong một tuần lễ, cảnh sát Đô thành cũng như cảnh sát đặc biệt của ông Dương Văn Hiếu không tìm ra xuất xứ của Trang cũng không rõ lý lịch của Trang nữa.
Nhưng từ đó, Quách Thị Trang trở thành thần tượng để gây thêm sự phấn khích và tạo dựng khí thế tranh đấu trong hàng ngũ sinh viên học sinh.
Cũng từ đây, cuộc đấu trí giữa Ngô Đình Nhu và Cabot Lodge đã thực sự mở màn gay cấn, sôi nổi từng ngày và qua từng pha "vật lộn" đối với ngôn ngữ đối thoại và "cách chơi” không kém phần mới lạ. Nhưng ngay từ lúc mở màn trận đấu, nghĩa là từ khi Cabot Lodge đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất, phía ông Nhu đã thua thiệt vì lỗi lầm từ chiến lược đối với Cộng sản cũng như đối với Mỹ qua Cabot Lodge, Harriman-Hilsman.
Đối với Cộng sản cũng như đối với các phần tử CIA Mỹ (chống chính quyền Ngô Đình Diệm) "vụ Phật giáo" với "danh nghĩa Phật giáo" chỉ còn là một chiêu bài quy tụ để thu hút "quảng đại quần chúng ngoài đường". Cái "lý luận tự nhiên” của sự việc, bắt các biến cố mỗi ngày một gia tăng trầm trọng. Cộng sản cũng như Mỹ qua Cabot Lodge đã thành công trong việc "xoay thế" tìm "quyết định chiến lược" bằng chính trị "tập hậu” sau lưng chính quyền Ngô Đình Diệm. Chính quyền Ngô Đình Diệm chỉ còn hai ngả đường: Một là tìm kế dập tắt mau chóng nội vụ, hai là sụp đổ (Hoặc giập tắt không khôn khéo, và sụp đổ theo sự vụng về của mình).
Đứng về phương diện chiến tranh cách mạng Cộng sản và kể cả mưu đồ chiến lược của Mỹ qua nhóm "Việt Nam Task Force" mà xét xử xem chính quyền Ngô Đình Diệm đã đối phó ra sao, với sự "xoay thế" của đối phương thì chính quyền đã lỗi lầm khi phát ra cái lệnh "cấm treo cờ" là không hợp thời. Chính cái lỗi lầm mà bất cứ chính quyền nào thiếu cảnh giác, cũng có thể mắc phải với bộ máy hành chính quen chiếu lệ (routinier). Điều đó không đáng trách lắm. Điều đáng trách là khi đã lỗi lầm rồi, không biết kịp thời và khôn ngoan sửa chữa, để đến nỗi bị tràn ngập bởi các biến cố. Trước hết, chính quyền không có một đường hướng dứt khoát trong việc giải quyết vì không dựa vào sự phân tích thực tế khách quan, mà chỉ dựa vào ý kiến chủ quan của mình! Đầu tiên quen lệ khiển chế "tổ chức quần chúng" theo quan điểm chiến thuật, chính quyền cho là phải cương quyết bảo vệ uy quyền, nếu cần bằng biện pháp mạnh. Rồi vì áp lực của dư luận quốc tế, nhất là Hoa Kỳ, chính quyền đã nhượng bộ điều giải. Nhưng lúc ấy, thì một "tập thể quần chúng" của chính quyền, (mà dư luận có lý để đồng nhất dễ dàng với chính quyền). Phong trào phụ nữ Liên đới bằng tiếng nói căm thù của bà Nhu lại công khai thoá mạ đối phương. Cuộc điều giải tất nhiên thất bại: vì dư luận bênh kẻ yếu và tất nhiên kết luận chính quyền là lừa gạt, giả dối! Tình trạng không thể kéo dài: một thứ quốc gia trong quốc gia. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã chọn biện pháp dứt khoát thanh toán nội vụ vào cuối tháng 8 năm 1963.
Về phương diện trách nhiệm tinh thần, chính quyền phải chịu trách nhiệm vì đã để cho "vụ Phật giáo" khởi phát, và đã để cho nó biến chuyển trầm trọng đến tình trạng đấu tranh đòi giải phóng lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm! Và tự nhiên dư luận sẽ dễ dàng đặt câu hỏi: Phải chăng chính quyền đã cố ý để cho vụ Phật giáo xảy ra như thế, để lấy cớ "đàn áp Phật giáo"? Sau nữa, về phương diện kỹ thuật của biện pháp thanh toán khi chính quyền đã lầm lẫn tai hại. "Kỹ thuật hành quân" có thể nói là hoàn hảo. Nhưng kỹ thuật bố trí chánh sự thực là thấp kém. Trước hết vì chính quyền đã công khai và chính thức tự mâu thuẫn, tố cáo mấy nhà sư là "Cộng sản" (những người Cộng sản mà chính quyền đã nuôi dưỡng, o bế trong suốt 6 năm, mà chính quyền mới ngồi cùng bàn họp?) Nhưng nhất là vì chính quyền đã biện minh hành động của mình, căn cứ trên một “kiến nghị "của Hội đồng tướng lãnh quân đội qua các phiên họp (chiều ngày 19 cũng như 20-8) yêu cầu Chính phủ hành động (cái kiến nghị do chính quyển tổ chức cho họ ký? ) Hậu quả của sự vận dụng thiếu sáng suốt đó là chính quyền đã vô hình chung kéo trở vào chính trường, một số quân nhân còn đầu óc phong.kiến, mà trong 8 năm trời, khó khăn lắm mới tạo cho họ được một truyền thống quân sự mong manh: Tuân theo mệnh lệnh và thi hành mệnh lệnh của uy quyền chính trị.
Như thế chính quyền đã mở đường cho mọi tham vọng và mưu đồ chính trị của một số người mang nhiều bất mãn cá nhân với chính quyền, một số người mang tư tưởng nghèo nàn, ý thức thấp và lương tâm mong manh.
Hơn nữa, chính quyền còn tạo cho họ một cơ hội "đoàn kết chống chính quyền" khi dồn họ vào đường cùng, mang một mặc cảm tội lỗi (ký kiến nghị) một cơ hội đoàn kết thực sự, tự họ, vì những mâu thuẫn, tranh chấp cá nhân, họ không tài nào tạo ra được mà có nhẽ họ không dám hy vọng có thể có.
Việc phải đến đã đến, họ đã lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Biến cố ấy, trên cơ sở lý thuyết, có thể có hại cho Việt Nam Cộng hòa, lợi cho Cộng sản và cũng có thể hại cho Cộng sản, tuỳ theo sự sáng suốt hay ấu trĩ của lớp người lãnh đạo mới. Thực tế đã trả lời chúng ta từ ngày 11-11-1963 cho đến hết thời nội các chiến tranh Nguyễn Cao Kỳ.