Đó là một căn nhà nhỏ ở vùng ngoại ô. Phía trước căn nhà nhỏ, là một vườn hoa nho nhỏ, trong vườn hoa, trồng đủ loại đủ kiểu hoa lá sắc màu. Hoa hồng, tường vi, hoa nhài, hướng dương, hoa cúc, hoa lan... gần như đếm không xuể. Bây giờ đang là tháng năm ở Đài Bắc, trời vẫn chưa nóng lắm, ánh mặt trời sáng lạng, mà hoa nở rộ như một tấm thảm tươi, sắc màu rực rỡ. Ở phía cuối vườn hoa đó, có một cây phượng vĩ cao to, phía dưới cây phượng vĩ, có một chiếc ghế làm bằng loại vải mềm êm dịu, trên chiếc ghế đó, có một chàng thanh niên đang ngồi làm việc. Chàng ôm trên người một khúc gỗ, đang chăm chú, hý hoáy dùng dao đục đẽo gì đó. Không cần phải đoán, người đó dĩ nhiên là Lương Chí Văn. Trên trán chàng đang lấm tấm những giọt mồ hôi, nhưng chàng vẫn còn tiếc rẻ ánh mặt trời quá tươi đẹp kia, chàng vẫn còn tiếc rẻ những bông hoa tỏa mùi hương thơm ngát trong khi vườn kia, vì vậy, chàng không muốn vào nhà. Thế nhưng, chàng đã có hơi mệt mỏi, buông khúc cây đã khắc được một nửa xuống, chàng nằm ngửa ra, nhìn lên cây phượng vĩ, đột nhiên, như phát giác chuyện gì, chàng vội vàng gọi to lên vào nhà: - Tâm Nhụy! Tâm Nhụy! Em ra đây xem này! Tâm Nhụy từ trong nhà chạy ào ra. Nàng mặc trên người một bộ y phục đơn giản và trang nhã, khoác thêm chiếc khăn choàng làm bếp, mái tóc nàng đã dài xuống tới phần lưng eo thon thả, buông dài phía sau một cách tự nhiên. Gương mặt nàng trông hồng hào, khỏe mạnh, xinh đẹp và vui vẻ. Nàng chạy đến bên Chí Văn: - Chuyện gì vậy? Anh muốn vào nhà hở? Để em lấy gậy đến cho anh nhé! Chí Văn đưa tay ra kéo nàng: - Đừng! Em xem cây phượng vĩ này nè! Nàng ngước đầu lên nhìn theo tay chàng, những chiếc lá nho nhỏ của cây phượng vĩ đang đong đưa xào xạc theo luồng gió thổi ngang, cả một thân cây vừa cao vừa to, đưa những nhánh dài ngoằn ra ngoài như một cây dù, chiếc lọng khổng lồ, nàng nói một cách ngạc nhiên: - Cây phượng vĩ này thế nào? - Nó có giống như cây hồng đậu trong sân trường em của nhiều năm về trước không? Nàng nhìn chăm chú, cười lên: - Đúng vậy, trông cũng giống lắm đó. Chàng kéo tay nàng vào lòng mình. Chàng cất tiếng hỏi, âm thanh mang nhiều nét cảm khái: - Đó là chuyện của rất nhiều, rất nhiều năm về trước rồi, phải không? - Đó là chuyện của đời trước, kiếp trước rồi, anh còn nhắc để làm gì? Chàng hơi lưỡng lự: - Anh đang nghĩ, thật ra em không nên lấy một người tàn... Nàng đưa ngay tay lên bụm lấy miệng chàng lại, ngăn không cho chàng nói tiếp, nàng cất giọng nói, thanh âm chắc nịch và cương quyết: - Nghe em nói đây! Năm trước, em ở bên giường anh, vừa khóc, vừa kêu, vừa nói, vừa la, lúc đó, em cứ nghĩ rằng anh thế nào cũng sẽ chết. Thế nhưng, anh đã nhìn được, anh đã nói được, anh lại có thể khắc vật này, vật nọ được. Sang năm, chưa biết chừng anh sẽ đi được. Cho dù anh có vĩnh viễn không thể nào đi trở lại được, anh cũng nên cảm thấy mãn nguyện, ít nhất, anh có thể yêu người và được người yêu. Trên cõi đời này, có còn chuyện gì quý giá hơn hai chuyện đó nữa đâu? Chàng đưa mắt nhìn nàng, trân trối, đúng vậy, trên cõi đời này, có chuyện gì quan trọng được hơn hai chuyện đó nữa? Chàng thật ra không thể nào đòi hỏi gì nhiều hơn ở vận mệnh nữa! Trong nhà, có tiếng điện thoại reo vang, Tâm Nhụy buông chàng ra, chạy vào nhà nghe điện thoại, một lúc sau, nàng lại chạy trở ra, trên gương mặt mang một nụ cười như ẩn như hiện. Chí Văn nhìn nàng, hỏi: - Điện thoại của ai vậy? - Vũ Đình! - Có chuyện gì không? - Cô ấy nhắc em, chỉ còn có một tuần nữa, là sinh nhật hai tuổi của thằng bé Ý Nhị!... Nàng nhìn Chí Văn bằng đôi mắt thâm trầm: -... Chí Văn, nếu như hai mươi hai năm sau, anh đến nói với em rằng, anh lại có một người yêu khác, em không biết là em có được cái phong độ như của mẹ hay không nhỉ? Chí Văn nói: - Chắc chắn là không! Nàng nhướng cao đôi chân mày: - Sao anh biết? - Em là một con kình ngư, em sẽ nuốt anh chết mất! Nuốt đến không chừa một cọng xương! Nàng cười lên, liếc mắt nhìn chàng: - Đừng nên xem nhẹ người khác như vậy, nếu như người yêu đó của anh cũng biết điều biết chuyện như dì Mộng Thường, chưa biết chừng rồi em sẽ chấp nhận, cũng giống như có thêm một tri kỷ trong phòng khuê vậy thôi, như mẹ vậy đó, cho dù người đời không chấp nhận, cũng có sao đâu? Nàng hất đầu một cách thật hào sảng, làm như "cái ngày đó" đã trở thành "nhất định". Chí Văn ngước mắt nhìn lên trời cao, nói vui vẻ: - Tốt lắm, cám ơn em đã cho phép, hai mươi hai năm sau, nhất định là anh sẽ không làm cho em thất vọng, anh sẽ cho em một "tri kỷ chốn phòng khuê"! Nàng thuận tay ngắt một đóa hoa, tát nhẹ lên mặt chàng, kêu to lên: - Anh dám! Nghèo mà ham! Chàng đưa tay chụp lấy đóa hoa, cười lên: - Đúng là giang sơn dễ đổi, bản tính khó chừa! Chàng vừa nói, vừa đưa đóa hoa lên mũi ngửi. Đột nhiên, chàng nhìn chăm chú vào đóa hoa, ngẩn ngơ. Nàng ngóc cổ nhìn sang chàng: - Cái gì vậy? Chàng xuất thần nói: - Hoa thạch lựu! Anh không biết là em có trồng hoa thạch lựu, anh cũng không biết, lại tới mùa hoa thạch lựu nở nữa rồi! Nàng chú ý nhìn đóa hoa thạch lựu, nhoẻn miệng cười xinh xắn: - Tưởng gì! Hoa thạch lựu có gì là lạ đâu! Trong khu vườn này của em còn có nhiều thứ lạ hơn nữa à! - Cái gì vậy? - Không nói cho anh nghe! Chàng đưa tay chụp lấy nàng, nói: - Đừng có làm bộ bí mật! Em tưởng rằng anh không biết hay sao? Cuối năm ngoái, em lén lén lút lút trồng cái hột đó ở đằng góc tường kia, thế mà năm nay, nó cũng nẩy mầm lên được. Anh chỉ không hiểu, là tại sao em lại trồng nó làm gì? Chẳng lẽ em không từng đọc bài thơ: "Đừng nên quăng xuống đất mềm, E rằng đậu sẽ lên mầm tương tư" hay sao? Đột nhiên nàng trở nên thẹn thùng, gương mặt đỏ bừng lên: - Tại vì đó là một điều sai lầm! Cây hồng đậu không phải là cây tương tư! - À, được lắm, vậy em trồng cây hồng đậu để làm gì? Nàng thẹn thùng, ấp úng, lắp ba, lắp bắp nói: - Hạt hồng đậu đó... chính là cái hạt hồng đậu của anh. Em chỉ thử trồng xuống xem sao, ai ngờ, nó lại nẩy mầm lớn lên. Em đang nghĩ, thế nào rồi nó cũng sẽ lớn lên thành một cây cao to, đợi đến khi... con của chúng ta lớn lên, có thể nó sẽ hỏi em: "Mẹ, tại sao trong vườn nhà mình lại có cây hồng đậu?", em sẽ nói với nó rằng: "Mẹ sẽ kể cho con nghe... câu chuyện của một hạt hồng đậu!". Chàng trừng trừng nhìn nàng, ngơ ngẩn. Một lúc sau, chàng mới lẩm bẩm hỏi: - Con của chúng ta? Đột nhiên, gương mặt của nàng đỏ bừng lên, đứng trước mặt chàng, nàng ôm lấy đầu chàng, kéo vào lòng mình, dùng hai bàn tay ôm lấy chàng thật chặt, để cho đầu chàng ép vào bụng mình. Thế là, chàng lập tức hiểu ra! Chàng ôm chầm lấy nàng, mừng rỡ, xúc động, vui vẻ, hoan lạc hỏi rằng: - Bao lâu rồi? Bao lâu rồi? Thế mà em không nói với anh gì hết! - Emm cũng chỉ... mới biết chắc chắn đây thôi!... Nàng cười lên, xong lại thấp giọng nói một câu: -... Nếu như là con gái, em sẽ đặt cho nó cái tên gọi ở nhà là Hồng Đậu. - Nếu là con trai thì sao?... Chàng hỏi, lại tự mình nói tiếp theo: - Anh sẽ đặt cho nó cái tên gọi ở nhà là Kình Sanh. Nàng nghe không rõ: - Tên gì? - Con trai của kình ngư, không phải là Kình Sanh thì là gì bây giờ? Nàng cười lên ròn rã: - Anh... nói bậy thì hay lắm! Em không ở đây nói bậy với anh nữa đâu! Nàng quay người bỏ chạy vào nhà trong. Thế là, chàng cũng cười lên. Đưa mắt nhìn theo cái bóng nhanh nhẹn, dễ thương của nàng khuất vào trong nhà, chàng bất giác ngẩng đầu lên, từ những khe hở của lá, nhìn lên vùng trời cao. Được yêu người và cũng được người yêu, trên cõi đời có còn gì tốt đẹp hơn nữa không? Có không? Trong nhất thời, lòng chàng tràn đầy những tâm tình xúc động, cảm kích. Ánh nắng mặt trời xuyên qua những chiếc lá nho nhỏ của cây phượng vĩ, chiếu rọi vô số đốm sáng long lanh, xuống khắp người và chung quanh chàng.
HẾT