ời khỏi khu nhà thương, Kha thấy nhẹ người. Miên quả đã đi ngay từ hôm ấy. Sớm nay lúc sực dậy Vân hỏi: - Cô gái nhà thương với anh là thế nào? Kha đáp: - Em gái một người bạn thân của anh. Vân hỏi tiếp: - Người bạn thân của anh giờ đây ở đâu? Theo học tại trường sĩ quan Thủ Đức sắp mãn khóa. - Cô ấy có dáng một người vợ hiền. - Đúng! - Cô ấy sẽ là người vợ hiền của anh. Kha mỉm cười nghiêng đầu hôn lên đôi môi ấm của Vân, không đáp. Vân tiếp: - Sớm nay anh nên đến nhà thương gặp cô ấy đi. - Miên vào Sài Gòn rồi em ạ, hôm em tới tìm anh ở đây, đúng lúc Miên nói với anh là ê-kíp của Miên sẽ phụ trách chở một số dụng cụ nhà thương quan trọng vào Sài Gòn trước, tới bệnh viện Bình Dân thì phải. - Biết đâu việc đó chẳng hoãn. Sớm nay anh nên đến nhà thương thăm cô bạn đó kẻo không tiện. Lời Vân nói rất thành khẩn, chính Kha cũng thấy là nàng có lý. Phải, rất có thể việc Miên vào Nam hoãn lại. Tắm rửa thay quần áo xong thấy Vân còn nằm ở giường quay mặt về phía trong, Kha hỏi: - Em đi với anh chứ? - Ô hay, sao em lại đi với anh? Ngộ gặp cô ấy ở nhà thương anh sẽ nói với cô ấy ra sao. Kha chưng hửng, “ờ nhỉ” - chàng muốn buột miệng thầm thế rồi nói: - Nhưng dầu sao em cũng lên phố ăn sáng rồi chờ anh. - Chờ anh ở đâu? ở ngoài cửa khu nhà thương chăng? Kha lại không biết đáp ra sao. Có điều gì Vân giận chàng chăng? Không, rõ ràng giọng nói của Vân đượm vẻ bình tĩnh, có chút gì dằn vặt đâu. Chàng bịn rịn ngồi xuống bên giường. Vân quay ra nhìn chàng mỉm cười, khuôn mặt trong sáng, như thể mấy câu đối đáp vừa qua không hề là những câu đối đáp về một người con gái khác, như thể hai người vừa nhắc lại những lời yêu đương với nhau. Kha cúi xuống áp má chàng lên má Vân, nói thầm bên tai nàng: - Anh sẽ mua các thức ăn sáng về cho em. Vân làm điệu gật đầu. Thốt nhiên nàng quàng hai tay ôm ghì lấy Kha cắn lên vành tai chàng, vít đầu chàng xuống, hôn thắm thiết lên môi chàng, rồi vùng dậy ngay. Tiếng nước xối trong buồng tắm và tiếng nàng nói vọng ra: - Anh đi ngay đi. Em ở nhà nằm dài trên giường đọc lại tập thơ của anh và đợi anh mang thức ăn về. Nằm dài trên giường mà đọc thơ anh thì thích thật. Lại đợi anh nữa và đợi thức ăn nữa. Trời ơi! Anh đi đi. Kha đã đứng dậy sốc lại veston, đáp: - Đồng ý, chừng hai tiếng sau là cùng anh về. Em muốn ăn gì nào để anh mua. - Ăn anh! Kha bật cười và cũng sực nhớ ra ngày nào chàng muốn phát điên lên và nói với Vân: “Anh muốn đưa em đến một hoang đảo ở đó anh ăn thịt em!”. Chàng nói lớn: - Thôi anh đi nhé, Vân nhé. Tiếng nước xối ngừng, nhưng Vân không nói gì. Kha xuống thềm, bước lạo xạo trên sỏi, tai còn lắng đợi. Vân vẫn lặng thinh. Chàng đã ra tới cổng. Chàng mở mạnh chiếc cổng sắt cốt ý làm cho tiếng khóa loảng xoảng để Vân hiểu là chàng sắp ra đường rồi. Vẫn không thấy Vân dặn với ra điều gì. Khép cánh cửa lại bước xuống đường, Kha có cảm tưởng thiêu thiếu một cái gì, chính là thiếu lời nói của Vân, thiếu một chút ít mà như thiếu tất cả. Đã một tuần qua tình yêu chứng nghiệm cho hai người thấy rõ rằng hương tự do, ánh sáng tự do ngào ngạt và chói lọi tỏa ra tự hồn họ. Họ không tự giải phóng, họ chính là sự Giải Phóng. Họ xứng đáng với tất cả và tất cả xứng đáng với họ. Trong bảy ngày vừa qua có một ngày gió lớn và hai ngày mưa dầm. Âm thanh của Gió và Mưa như đưa nhau tràn vào tìm hơi ấm trong tâm hồn họ. Kha và Vân đã đứng kề vai tì tay hàng giờ bên cửa sổ ngẩng nhìn bầu trời mây xám. Con mắt của Tình Yêu vẫn giúp hai người nhận thấy bên trên vòm trời mây xám ấy là bầu không gian vô tận, trang điểm bằng những chấm sáng tinh tú, cùng những vệt sáng của những tinh thể di động. Những điểm sáng đó chỉ làm cho không gian thêm trong suốt và thăm thẳm. Kha thấy tuổi trẻ của hai người cũng tràn đầy hào quang. Trên đường đi đến khu nhà thương Kha ôn lại... Vân đến với chàng như một nghi lễ dâng lên cho sự sống muôn đời, từng khóe nhìn, từng nụ cười, từng cái quay đi làm vẻ giận dỗi nhỏ, từng cái cúi đầu cho mấy sợi tóc tơ rủ xuống che niềm e thẹn bâng quơ, từng dáng đi vội vàng trong nụ cười hòa hợp, từng lời nói khe khẽ làm xao gợn chút ít nhưng âm vang thì hòa vào với vắng lặng mà trở thành bất tuyệt... Ngay cả khi Kha nhìn Vân nằm nghiêng để ngửa cọ tay thõng xuống thành giường như hệt người tự cắt gân máu, Kha cũng chỉ thấy đấy la một dáng điệu lả lơi rất đỗi nên thơ. Tình yêu như ánh trăng rằm vằng vặc xóa hết những đốm sao ưu phiền. Đêm qua Vân ghé vào tai chàng nói thầm: “Anh ơi, có một loài hoa không còn ở thế gian này nữa”, chàng đã ôm ghì lấy nàng theo hình ảnh của hai cây hoa trên hoang đảo sắp bốc thành ánh sáng và chàng cũng ghé miệng bên tai nàng vừa cắn khẽ vành tai vừa nói thầm: “Sự chết chỉ là khởi điểm của hòa đồng để đi vào đời sống thiên nhiên trường cửu, em thấy không?” Dời khỏi nhà thương, Kha thấy nhẹ người. Sự thực nếu Miên - vì một quyết định bất thường nào đó vào giờ chót - còn ở lại tiếp tục công việc tại nhà thương Hải Phòng hay ở trại tiếp cư thì chàng biết nói với Miên sao đây? Chàng có dừng lại trước vùng bãi rộng bên sở xi-măng ngoại ô Hải Phòng ngắm lại một lần nữa những hàng lều dựng san sát. Có những lều mới cấp tốc dựng, một phía mép lởm lên lề con đường về Hà Nội, thế mà vẫn không đủ chỗ chứa các đồng bào từ các ngả Nam Định, Thái Bình, Kiến An, Quảng Yên ùn ùn kéo tới và mặc dầu tiết giời đầu xuân lạnh căm căm, họ nằm đông như kiến bâu ngoài sát quanh lều, khuôn mặt ai nấy hân hoan, vì đã được tiếp đón, đã được đưa và khu lều, dù chỉ nằm ngoài lều cũng là thật thoát mọi nguy hiểm. Kha có dừng lại trước Tòa Thị chính, đồng bào cũng đông nghịt và chen chúc dữ vì sớm mai có chuyến tàu nhổ neo và hôm nay phát vé theo bảng danh sách mấy ngàn người đã niêm yết. Kha chưa về thẳng villa đường Lạch Tray nơi Vân chờ đợi, Vì chàng muốn... nhấm nháp hạnh phúc, chàng rẽ vào Ngõ Ngang Hàng Cháo, bước vào tiệm ăn chàng và nàng vẫn thường ăn trong mấy ngày gần đây. Chàng dự định ăn điểm tâm qua loa rồi mua các thức ăn về cùng nàng giả vờ picnic ngay ngoài vườn, hoặc dưới hàng hiên. Đặc biệt tiệm ăn hôm nay sao quá đông, thoạt không thấy có bàn trống nào. May thay chàng đứng sững chưa đầy một phút thì một thanh niên ăn xong, trả tiền, rồi sang ngồi cùng bàn với một thanh niên khác ngay bên để tiếp tục câu chuyện của họ. Kha vào ngồi ngay bàn trống đó và com-măng với tên hầu sáng bát cháo cá. Thì ra hai thanh niên bàn bên cũng mới quen nhau thôi, họ là những người mới thoát hiểm nên câu chuyện rất cởi mở, và ở trường hợp này thì sự cởi mở đó đem lại ý vị cho câu chuyện khiến Kha dù không muốn cũng theo rõi được. - Vào Nam chuyến này bao giờ tôi mới được trở lại bến đò Rừng của quê hương đây, anh ơi! Sông Rừng tức là con sông lịch sử, sông Bạch Đằng đấy anh ạ. - Quê anh ở đâu nhỉ? - Làng Vĩnh ngay gần Sở Đúc Quảng Yên - Bến đò Rừng, thuộc huyện Hưng Yên. - À - Anh vừa nói quê anh ở Hưng Yên, tầu thủy từ Hà Nội xuôi sông Hồng xuống Hưng Yên có qua Ngã Ba Tầm Vườn, tôi đã qua ngã ba sông này, vâng quả mênh mông như biển, mênh mông không kém sông Rừng đúng lúc nước triều lên cao nhất, nhưng đem lại hai cảm giác khác hẳn nhau. Cái mênh mông của Ngã Ba Tầm Vườn làm ta sợ như sợ một con quái vật chỉ rình nuốt chửng ta, đúng không anh? - Vâng đúng! - Nhưng khi anh qua sông Rừng, vẫn là hình ảnh mênh mông, mà sao anh cảm thấy khâm phục như đương được chiêm ngưỡng hình ảnh các vị anh hùng danh tướng thời xưa, anh yên lòng vì biết rằng các vị đó uy nghi thật nhưng không bao giờ làm ác. Thuyền qua sông là một thứ thuyền buồm, ra tới giữa dòng, ngửa cổ nhìn ngọn hải đăng khá cao, tôi hằng ước ao sẽ có lần đến xin người gác hải đăng cho ở nhờ tại nơi đây cả một vụ hè nào đó để nằm đọc sách, rồi ngắm con sông mênh mông mà suy tưởng. Nói là sông, kỳ thực đấy là cửa biển rồi, nước xanh màu biển, bước xuống khoảng bến sông, anh thấy lạo xạo dưới chân những vỏ hà. - Anh có dịp lên ngọn hải đăng đó chưa? - Chưa mới tức chứ. Tiếc thật! Giá được ở đấy, rồi sáng sáng không quên chèo thuyền trong sương sớm lên bến ăn bát xôi trắng với chả mực tươi, món quà đặc biệt của bến đò Rừng.., ồ nhưng bây giờ thì... - Bây giờ thì tụi nó về, tụi mình vào Nam. - Khốn nạn thật! Ánh trăng rằm làm dịu đau khổ, nhưng đứng trên bến đò Rừng, nhìn những người đàn bà lam lũ gánh gồng, rồi nhìn ra sông cửa biển, mình thấy quên hết hận thù, mình thấy mình chỉ là một phần tử quá nhỏ nhen trong vũ trụ, nhưng cũng đồng thời, tư tưởng mình tự nhiên hướng về một cái gì cao siêu, thật cao siêu. Vì là con sông quê hương nên tôi nhớ nó đủ mọi vẻ. Trên bờ chỉ có vài quán trọ xác xơ; ban đêm tiếng sông đổ ra biển ầm ầm như hàng ngàn chiếc cối xay lúa cùng hoạt động một lúc; buổi sáng sương bốc mù mịt, có phải đấy là khói sóng? Đã có lần sang sông vào buổi sớm, tôi chợt để ý thằng nhỏ thay cha chèo thuyền, bóng nó thấp thoáng nhịp nhàng trong sương, tôi thấy khâm phục nó lạ, tính mệnh tôi lúc đó là ở trong tay nó, nếu sóng giữa dòng xô nghiêng và nó không vững tay lái, con thuyền có thể bất chợt lật úp, dù có bơi giỏi tài thánh cũng chết. Tôi hỏi người cha: “Lái thuyền trên sông Rừng khó lắm, ông lái nhỉ?” ông ta điềm đạm và nhũn nhặn đáp: “Như các cậu, cầm bút khó biết mấy mà các cậu còn học được, thì lái thuyền có khó gì!” Ông lái đã nói đúng ý câu “vạn sự xuất ư nho” đấy anh ạ. Ồ, sông Rừng còn có loài cá he rất hay. - Cá he là cá thế nào? - Hình thù như con lợn, nhưng thực ra nó to bằng con bò. - Đó là cá biển? - Nói là nửa sông nửa biển thì đúng hơn. Giới thuyền chài rất kính trọng loài cá này, tựa như dân chài ngoài khơi kính trọng cá ông. Phải rồi, chính vì thế mà lúc nãy tôi có ý nói với anh rằng đứng trước sông Rừng người ta thấy kính sợ chứ không khiếp sợ. Mỗi lần thuyền bơi ra giữa dòng thấy đàn cá he xuất hiện là từ ông lái đến những người đi thuyền đều nói lớn “Tốt tốt! Tốt tốt!” Không bao giờ cá he húc vào thuyền, không bao giờ cá he làm lật thuyền. - Hay nhỉ? - Bến đò Rừng còn ăn sâu vào tâm tưởng tôi vì một câu chuyện nữa, câu chuyện tình. - Hay lắm, anh cho nghe tiếp đi. - Tôi còn nhớ dạo đó vào tháng hai năm 1945, sắp tới ngày Nhật đảo chính tụi Pháp, và Sở Đúc Quảng Yên đã bị phi cơ Đồng Minh rội bom chỉ còn trơ vơ những tường nhà máy đen kịt máu hắc ín. Thầy tôi bán một chiếc nhà ở Phố Hàng Da Hà Nội, trao tiền cho tôi mang về quê gấp để mẹ tôi kịp tậu ruộng vào một dịp may giá hời. Tôi tới Hải Phòng thì chiều tà, rủi thay, chiếc tầu thủy đi Quảng Yên đã nhổ neo. Một cô gái cũng cùng cảnh ngộ với tôi, cô muốn về Quảng Yên sớm chừng nào hay chừng ấy. Khi trời đã tối hẳn và chúng tôi đã ăn no, hai đứa quyết sang bến đò Bính rồi đi dưới trăng lu về bến đò Rừng. Tới đây chúng tôi sẽ vào quán trọ đợi sang sông bằng chuyến đò thứ nhất sớm hôm sau. - Từ bến đò Bính đến bến đò Rừng khoảng cách bao xa? - Chỉ chừng mười tám hay hai mươi cây số là cùng. Thoạt dời bến đò Bính, chúng tôi qua núi Đèo, trên núi Đèo có đồn Tây cũ, dân địa phương vẫn gọi là đồn Thủy Nguyên thuộc Kiến An, vùng này con gái có tiếng là đẹp, không phải cái đẹp huê tinh nghệ thuật của con gái Bắc Ninh mà là cái đẹp lồ lộ kêu gọi xác thịt của xứ đồng chua nước mặn! - Ồ hay lắm! Đi với phái yếu hết được con đường hai chục cây số đó cũng phải hết đêm. - Vâng gần hết đêm, anh nói đúng. Đường hẹp và vắng, trăng lu, rải rác có những trạm đồn binh Nhật. Suốt dọc đường chúng tôi nói chuyện liên miên, riêng tôi, tôi nói rất lớn, tiếng vang khá xa sang hai bên vệ đường. - Chắc là để cho bớt sợ? - Có thể là cho nhiều thứ: cho bớt sợ; cho lính canh Nhật dễ ức đoán rằng đây là những người dân thường ở một làng kế cận nào đó đi về muộn; để chứng tỏ với cô bạn đồng hành rằng lòng mình... thanh thiên bạch nhật. - Phải rồi, đi với người đẹp trên đường khuya hẹp và vắng, dưới ánh trăng lu mà cả hai cứ lùi lũi đi, dễ sinh ý nghĩ tà khuất lắm. - Còn để cho quên mỏi chân nữa! Chúng tôi cũng mỏi chân lắm mà không dám nghỉ. Nhưng nói mãi rồi cũng thấy mỏi miệng và hết chuyện, câu chuyện trở thành nhát gừng. Tôi mặc pardessus dạ, khi đi được mười cây số đã thấy nóng người, nhưng bên trong cộm tiền, không dám cởi ra. Khi còn cách bến đò Rừng chừng ba cây số, tôi thoạt nghe như có tiếng cành cây khô gẫy nhẹ. Thực ra nếu phải đi một quãng đường ngắn thì chắc chắn chúng tôi bỏ qua tiếng động nhỏ đó, nó chẳng quan trọng gì hơn tiếng lá rụng. Ba lần chúng tôi đi qua ba lùm cây và mỗi khi vừa qua khỏi một vùng bóng tối là một lần có tiếng cành khô gẫy nhẹ như vậy. Cô bạn đồng hành nói khẽ: “Tôi nghe như có tiếng gì là lạ”. Tôi đáp: “Vâng, có thế!”. Chúng tôi tiếp tục đi, tới lùm cây thứ tư, chúng tôi không bảo nhau mà cùng đi chậm lại, vẫn làm vẻ như nhìn thẳng nhưng cùng kín đáo liếc quan sát lùm cây. Tôi chợt lạnh người, chắc chắn cô bạn đồng hành cũng vậy, máu muốn đông lại trong huyết quản, nếu dừng lại lúc đó tất khụyu gối xuống, nhưng tôi gắng trấn tĩnh tinh thần tiếp tục bước, dùng vai đẩy cô bạn tiếp lên cùng một nhịp: chúng tôi thấy lẩn dưới lùm cây một hình người đứng im như tượng, tay lăm lăm cầm ngang khẩu súng có cắm lưỡi lê dài, đó là tên lính Nhật đứng phục kích. Chúng tôi vừa bước xa lùm cây vài bước là nghe thấy tiếng “cành cây khô gãy nhẹ” quen thuộc, mật hiệu của tên ở lùm cây này báo cho tên ở lùm cây kia biết có người đi tới. Chúng tôi sợ là phải vì với những thành tích giết người không gớm tay của lính Nhật ngày đó, vẫn cùng thứ ám hiệu nhưng điệu hơi xô lệch đi là có thể cho tên lính ở lùm cây kế tiếp bất thần nhảy ra... Biết rằng chúng tôi có kịp kêu lên một tiếng trước khi mũi lưỡi lê đen nhánh xỉa đúng tim và báng súng phang nát mặt? Tôi nói khẽ với cô bạn: “Chúng ta phải tiếp tục nói chuyện”, rồi bất giác chúng tôi cùng khoác tay nhau như vợ chồng và vừa đi vừa cố moi chuyện ra mà nói, giọng tôi cố làm cho lởn, nhưng không lớn bằng lúc dời bến đò Bính, (e có thể chọc giận những tên lính phục kích). Tiếng “cành khô gẫy nhẹ” vẫn tiếp tục bám vào sau gáy mỗi lần qua khỏi một lùm cây. Rồi ánh đèn quán trọ bến đò Rừng le lói phía xa. Chúng tôi rảo cẳng hơn, lòng hồi hộp nhưng đã thấy vững dạ. Chúng tôi bước vào ánh đèn quán trọ mà tay còn khoác bên nhau, khi cả hai cùng sực nhớ, cô bạn đồng hành đỏ mặt ngượng ngùng rút vội cánh tay ra. Chỉ chừng hơn một tiếng sau, chúng tôi sang ngang chuyến đò đầu tiên. Con thuyền dời bến, đi vào vùng khói sóng mung mung mạc mạc. Bỗng mọi người nhao nhao: “Tốt tốt! Tốt tốt!”. Họ vừa thoáng thấy luồng sóng cá he lướt đi cách thuyền không xa. Hai chúng tôi - khi đó ngồi bên nhau - cũng cất tiếng hòa theo mọi người “Tốt tốt! Tốt tốt!” Trong sương khói ban mai như vậy, tôi làm sao nhìn được hình cá he lướt sóng, nhưng tôi ôn lại trong trí mấy lần qua sông vào buổi trưa, trời trong xanh, nước trong xanh, và có lần với điệp khúc “Tốt tốt! Tốt tốt!” tôi thấy con cá he cực lớn bơi rỡn ngửa bụng một lần nữa nhưng tít phía xa. Với khối lượng bằng con bò đó, với tốc độ như mũi tên đó mà nó cố tình húc vào thuyền thì chỉ có thuyền bọc sắt họa chăng mới kham nổi. - Thuyền chài không đánh cá he này sao? - Không! Một lần có con cá con không hiểu sao chết nổi lên, người ta vớt vào bờ, mổ thử, thấy da cứng lắm. Là cá con nhưng cũng to bằng con lợn xề. - Anh cùng cô bạn đồng hành đến Quảng Yên thì chia tay? - Vâng, gia đình nàng mở cửa hàng bán thực phẩm ở đấy. Trước khi chia tay, nàng cho tôi biết địa chỉ. Hai ngày sau tôi đến gặp nàng, hôm đó có một mình nàng trông hàng. Tôi còn đến thăm nàng một lần nữa thì quyết định thưa với mẹ tôi mua giầu cau... - Ha ha, anh lấy nàng? - Vâng, chúng tôi hiện đã có một con. - Nàng có theo anh đi cùng chuyến này, hay đợi di cư chuyến sau với toàn thể gia đình, còn anh thì vào Nam trước để thu xếp nơi ăn chốn ở? - Nàng di cư cùng chuyến này với tôi và hiện cùng con nằm ở ria một chiếc lều sát con đường về Hà Nội. - Hay lắm! Chúng ta cùng đợi có tên trong bảng danh sách yết kỳ tới, rất có thể chúng ta đi cùng một chuyến tàu, biết đâu vào đến trong Nam chúng ta lại chẳng cùng định cư một chỗ. Lát nữa anh nhớ giới thiệu chị và cháu với tôi nhé. Hai tiếng cười cùng hòa vang và câu chuyện xoay chiều. - Các đường phố, biển bán nhà treo nhan nhản anh thấy không? - Ai mua? Hai thanh niên đã đứng dậy dời khỏi tiệm ăn. Kha còn ngồi làm gì? Chàng mua bánh mì, đồ hộp và một chai vang, tất cả cho gọn vào một túi giấy. Chàng rảo bước dưới ánh nắng chói chang, chàng có thể thuê xích lô về cho chóng, nhưng chàng muốn nhấm hạnh phúc trong chờ đợi, chàng chỉ ôm gói thức ăn bước nhanh thêm một chút, chàng vượt qua người đi bộ khác, mùi thuốc lá vấn khét lẹt một lần phà vào mũi chàng mà chàng không để ý. Hải Phòng bụi bặm trước đây, Hải Phòng sầu ly hương giờ đây với những chuyến tàu di cư nặng nề dời bến, đều đã biến tính dưới đôi mắt chập chờn hạnh phúc của chàng. Đã một tuần qua, cặp uyên ương đó đã mặn nồng sống bên nhau, đêm qua trời đột nhiên đổ cơn mưa lớn gây thêm thi vị cho ân tình. Đã tới nhà đây! Kha gỡ vòng xích, đẩy cửa sắt bước vào, cố ý làm cho loảng xoảng rồi đi thật rào rạt trên lối rải cuội, chờ đón từng giây tiếng Vân hỏi, hoặc khuôn mặt Vân xuất hiện hốt hoảng một cách vui mừng sau khung cửa sổ. vắng lặng! Bước lên thềm, chàng giật mình nhận thấy một lá thư gài trước cửa và cửa sổ đóng im ỉm. Kha đã đoán ngay cơ sự. Thực ra điều này chàng vẫn chờ đợi từ trước, chẳng qua tự dối mình để vui hưởng hạnh phúc mà làm quên đó thôi. Chàng bóc thư: Anh yêu dấu, Em phải về Hà Nội gấp, sớm nay em giục anh đến nhà thương là vậy. Em không có can đảm nói thẳng với anh bằng lời, còn nói chi đến việc mong anh ra ga tiễn em. Tình yêu của anh gợi em nhớ lại tiếng chuông chùa của làng chúng ta vào một buổi chiều nắng quái, nó du hồn em vào cô tịch và siêu thoát. Cuộc tận thế dù có hiển nhiên, với em cũng bằng thừa, vì đúng như lời anh hằng nói trong mấy ngày chung sống: tình yêu tuyệt vời của chúng ta vượt ra ngoài sự sống chết. Em cám ơn Trời Phật đã sớm run rủi cho em có sáng kiến xuống tìm anh ở Hải Phòng trước khi anh vào Nam. Vì sao em có sáng kiến ấy? Thâm ý của em ra sao? Em sẽ viết thư dài gửi anh theo địa chỉ tòa báo, giờ đây chân tay em rời rã, tâm hồn em rời rã, con đường ra ga như có đại dương, có sa mạc. Em Tái bút - Chúc anh với “cô gái nhà thương” trăm năm hạnh phúc. Anh hãy trở về gấp với cô ta và xin lỗi dùm em là em đã lấy cắp một tuần hạnh phúc của cô. Với trực giác đàn bà, lần đầu tiên chỉ thoáng nhìn, em cũng đã hiểu cô gái ấy yêu anh biết chừng nào. So với tình yêu của em thì mỗi thứ một vẻ, nhưng điều em biết chắc chắn là cô gái đó không thể sống không có anh. Và chính cô gái ấy mới là người đủ đức bao dung đem lại hạnh phúc cho anh và gìn giữ hạnh phúc cho anh, điều mà chưa chắc em đã làm chu đáo nổi. Bởi em có thể cắn răng lạnh lùng sống đủ bổn phận với người mình không yêu, nhưng với anh, nếu em được diễm phúc đã là vợ anh, chắc chắn là em dữ lắm, anh sẽ mất tự do nhiều. Những người như anh mất tự do, dù ờ phương diện nào đi nữa cũng là mất hạnh phúc. Kha bước xuống thềm... Rồi cánh cửa sắt khép lại quàng thêm vòng xích, khép lại cả một dĩ vãng xa xưa, xóa nhòa một hiện tại thơ mộng của nợ tình đã trả... Chợt nhớ mình còn bỏ quên gói thức ăn trên thềm trước cửa, chàng mở cửa sắt bước vào nữa. Chàng ngồi xuống thảm cỏ trước thềm nhà, nhớ lại câu chuyện bến đò Rừng. Họ di cư, họ mang theo tình yêu vào Nam, đó chính là nguồn an ủi lớn và họ đã chiến thắng trong thất bại. Chàng cúi đầu. Mặt trời vừa lộ ra khỏi mây, bóng nửa thân chàng đổ dài ra. Chàng tưởng như mình đã quay lại tiệm ăn, ngồi bên hai chàng trẻ tuổi, nghe lại câu chuyện bến đò Rừng với con cá he bơi ngửa, vút như mũi tên, phơi bụng lám tám trắng và tím hoa cà. Chàng tưởng như đương ngồi trên con thuyền sang ngang một sơm mai sương khói và mọi vật đều tự xóa nhòa đường nét, mát hình, chập chờn... Chàng tưởng như đang ngồi cùng thuyền với cặp tình nhân bến đò Rừng. Sau một đêm đi bộ mệt mỏi, khi xuống thuyền, vẻ mệt mỏi của cặp tình nhân đáng yêu đó càng thêm quyến rũ, tựa như họ mệt mỏi vì mải tìm những ý nghĩa cao siêu cho cuộc sống sau bao ngày đắm hồn vào cái mênh mông bát ngát cua dòng sông cửa biển của bến đò Rừng.