ội trượt tuyết của trường trở về Moskva vào giữa tháng Hai. Những người trở về khỏe hẳn lên và dày dạn gió sương, mặt rám nắng đầy vẻ dũng cảm, ai cũng tự hào về thành công của mình so với các bạn sinh viên nghỉ ở Moskva. Suốt trong thời gian ấy trong khu tập thể sinh viên và ở khắp các hành lang của trường chi nghe thấy những câu chuyện sôi nổi về chuyến đi trượt tuyết mà thôi. Câu chuyện được kề hết sức tỉ mỉ, nào là chuyện Spartar Galuschian long trọng trao tặng cho nông trang đỡ đầu một tủ sách mang theo, nào là Mắc Vinkin tổ chức tại câu lạc bộ của nông trang một buổi đấu cờ cùng một lúc với nhiều người và đã thua một chú bé học sinh lớp năm, nào là các sinh viên tham gia thi trượt tuyết việt dã của huyện, và Lagodenko chiếm giải nhất, nhưng khi về đến đích thì bị gãy thanh trượt, nào là giáo sư Krylov dạy cho Nina Fonika tập nhảy cầu, nào là chuyện Mắc Vinkin đánh mất kính sau đó trở nên đẹp trai đến nổi tất cả các cô gái gặp gỡ đều phải lòng cậu ấy và cậu ấy đã quyết định bỏ không đeo kính nữa và sẽ để râu để vĩnh viễn đẹp trai, và những chuyện khác nữa tiếp nối nhau không bao giờ hết. Đối với Vadim những ngày đầu tiên của học kỳ hai là những ngày vui mừng được trở về với công việc, với bạn bè mà anh nhớ da diết. Anh đã trải qua cái cảm xúc hệt như anh vừa bị một căn bệnh nặng đe doạ tính mạng và bây giờ tất cả lại trở về với anh - những giờ nghỉ, những cuốn sách yêu quý, bầu trời màu xanh tháng Hai, tuyết trắng, nghĩa là tất cả những gì mà trước đây anh không để ý đến… Đúng vào một trong những ngày đó, giáo sư Kodensky gặp Vadim ở hành lang và hỏi anh làm bản đề cương tóm tắt đến đâu rồi. Vadim nói rằng trong thời gian qua anh đã làm việc rất nhiều, nhưng sắp tới, có lẽ, vẫn chưa viết xong được! Giáo sư Kodensky nhắc nhở rất nghiêm khắc và chăm chú hỏi anh cặn kẽ về kế hoạch viết đề cương tóm tắt, về những tài liệu mà Vadim đã sử dụng, nói tên một số cuốn sách hay mà Vadim không biết. Hai người trao đổi với nhau suốt giờ nghỉ và đi bên cạnh nhau dọc theo hành lang. Khi chuông reo, giáo sư Kodensky, như chợt nhớ ra một điều gì đó, liền vui vẻ nói: - À, suýt nữa quên mất! Mới đây tôi vừa xếp dọn lại tủ sách của mình, và lục ra được một cuốn sách rất hay nói về Lermontov. Cuốn sách xuất bản từ đầu thế kỷ. Tôi thấy nó có ích cho anh đấy. Anh có cần không? - Thưa thầy, em rất vui… - Vadim vừa nói vừa lấy làm ngạc nhiên về tấm lòng tốt bất ngờ này. - Như vậy thì thế này: anh hãy ghi địa chỉ của tôi và vào khoảng hai ba giờ ngày chủ nhật anh sẽ lại nhà tôi, tôi sẽ đưa anh cuốn sách ấy. Được chứ? Thống nhất thế. Còn địa chỉ - ngõ Petsatnikov, gần cổng Xrehensky đấy, nhà số 38, căn hộ số 2. Vadim ghi nhanh. - Tôi sẽ đợi anh. - Em sẽ đến. Cảm ơn thầy Boris Matveyevich… “Cuốn sách thật sự có thể rất cần cho mình đây, - Vadim suy nghĩ. - Sẽ không có điều gì đáng ngại, nếu mình lấy cuốn sách đó của giáo sư Kodensky. Chỉ lạ một điều là vì sao thầy Kodensky lại quan tâm đến mình như vậy. Ở đây có cái gì đó không bình thường… Có lẽ ông ta nghe nói trong buổi họp của Hội đồng khoa học mình sẽ phát biểu chống lại ông ta chăng?. Thôi được, đến đấy sẽ hay”. Chủ nhật Vadim đến ngõ Petsatnikov. Đến trung tâm anh chuyển sang một chiếc ô-tô điện khác và bất chợt trông thấy Sergei. Tay đút sâu vào túi chiếc áo khoác lồng rộng thùng thình. Sergei đang chậm rãi bước khệnh khạng về phía bến ô-tô điện. - Sergei! - Vadim kêu to. - Đi đâu đấy? - À, Vadim! - Sergei vui sướng. - Mình phải đi đây, xe số 2… - Mình cũng thế. - Tuyệt quá! Chúng mình sẽ đi cùng chuyến. Thế cậu có biết… - Sergei rút trong túi ra một cuốn sách nhỏ có bìa cứng bằng da, và sau khi lấy cuốn sách che miệng, anh ngáp dài một cái. - Cậu có biết không, mình đã lê khắp các hiệu sách cũ từ sáng đến giờ đấy. Một cuộc dạo chơi ngày chủ nhật… Thế là mình tìm thấy một cuốn rất hay ở phố Arbat - cuốn sách nói về vở ba-lê của Pháp hồi thế kỷ thứ XVII. Mình đã khai quật được nó ở của hàng bán đồ cổ ấy. - Thế cậu cần cuốn sách ấy để làm gì? - Vadim ngạc nhiên hỏi. - Mình có cần đâu. Có người nhờ mình tìm giúp. Cả hai người cùng lên một chiếc ô-tô điện. Trên đường đi, Sergei kể chuyện về những mối quan hệ của anh với những người bán sách cũ ở Moskva, rằng trong khoảng hai ngày họ có thể tìm ra cho anh bất kỳ một cuốn sách nào mà anh muốn và Sergei cũng đã giúp họ không ít. Đến cổng Xrehensky, Sergei đứng lên: - Thôi chào cậu nhé! Mình phải xuống đây. - Mình cũng xuống đây. - Vadim nói. - Cả cậu cũng xuống đây à? Tuyệt nhỉ… Cả hai cùng đến ngõ Petsatnikov. Vadim chợt này ra ý nghĩ rằng có lẽ cả hai cùng đi đến một căn nhà. - Sergei, cậu đi đến nhà nào thế? Có lẽ số nhà 38 phải không? - Anh vừa hỏi vừa cười mỉm. - Số nhà 38 hả? - Sergei ngạc nhiên hỏi và có vẻ lúng túng, rồi để che giấu sự lúng túng này, anh phá lên cười: - Đúng, tất nhiên rồi!… thế cậu cũng đến đó hả? Đến thầy Boris Matveyevich ấy? ổ! Thế là trùng nhau rồi! - Và lập tức Sergei có vẻ lo ngại: - Thế cậu đến với tư cách gì, đến chơi hay thế nào? - Mình đến để mượn sách. Giáo sư hứa cho mình mượn một cuốn sách để viết bản đề cương sắp tới. - Ồ! - Sergei thở phào, rồi thốt lên với vẻ suồng sã gượng gạo, hình như muốn phân bua một điều gì đó trước mặt Vadim: - Thầy Boris hoàn toàn không phải là một ông già tệ hại gì đâu, giữa chúng ta… Hoàn toàn không… Sergei bước vào cổng chính, rồi quả quyết bước tới cái cửa to cao của căn hộ. Anh cẩu thả đưa ngón tay xương xẩu ấn mạnh vào nút bấm chuông, rồi trong khoảng một phút, khi cửa đã mở ra, anh còn kịp nói với Vadim câu sau đây: - Căn hộ này không phải của thầy, mà là của bà chị thầy đã lấy chồng. Thầy chỉ có một phòng thôi. Thầy chưa vợ mà, sống như thế cũng thoải mái. Muốn gì làm nấy, cậu hiểu không… Kìa, cậu trông những màu sắc hài hoà… Một thanh niên tóc vàng, cao lênh khênh, nét mặt buồn buồn, ra mở cửa cho hai người. Anh ta mặc bộ quần áo thể thao: áo sơ-mi kẻ ô, tay áo xắn lên, và chiếc quần của vận động viên. - Chào Koschia! - Sergei vui vẻ chào. - Chào anh! - người thanh niên đáp lại, quay vào trong nhà kêu to: - Cậu Boris ơi, có khách! Rồi vừa huýt sáo, người thanh niên này vừa biến đi sau cánh cửa. - Đấy là một đứa cháu của giáo sư, ở đây có hai đứa. - Sergei nói khẽ với Vadim. - Chúng học ở trường đại học giao thông đường bộ. Cả hai đều rất mê mô-tô. Còn chúng đối với thầy Boris thì được lắm… Sergei chưa nói hết câu, thì Kodensky đã bước ra ngoài hành lang. Ông mặc bộ quần áo ngủ màu sáng có sọc, chân đi giày vải, tay cầm tờ báo. - A, các anh bạn trẻ, cả hai cùng đến một lúc! - ông vừa nói vừa gật đầu mỉm cười chào. - Xin mời, xin mời… Thế nào, Sergei, công việc thế nào? - Mọi việc đâu vào đấy cả ạ, - Sergei trả lời. - Thế thì tốt! Xin mời vào… Vadim theo sau Sergei bước vào phòng Kodensky - một căn phòng lớn, trần cao, có trang trí nổi, có hai cửa sổ buông mành lơ lửng ở giữa. Hôm nay là một ngày mùa đông xám xịt, trời tối sớm. Trong buồng ngọn đèn bàn toả sáng, lấp lánh ánh đồng. - Thưa thầy Boris Matveyevich, em vội phải đi ngay đây. - Sergei vừa nói, vừa ngồi xuống mép chiếc đi-văng. - Và đây, thưa thầy, dù sao em cũng tìm ra! Thầy có biết là ở đâu không? Ở phố Arbat đấy, nhà Pavel Ivanovich! - Anh cười vẻ thoả mãn và đưa cho Kodensky cuốn sách bìa da. - Cuốn sách nằm đợi em đến sáu ngày. Thầy có biết không: có một tay người Leningrad láu cá, một tay trùm của một rạp hát nào đó, cứ năn nỉ đến rơi nước mắt đòi Pavel Ivanovich bán cho hắn ta. Rồi hắn bảo hắn sẽ đổi, dẫu là phải thiệt thòi nhiều, gần như trọn bộ Guy de Maupassant, cái bộ bìa xanh kia kìa để lấy cuốn sách này. Thầy thấy có ghê không chứ! - Ghê qua nhỉ! - Kodensky vui vẻ đáp và mở to mắt ngạc nhiên. - Dù sao tôi cũng không biết lấy gì để cảm ơn anh. Anh thực là một nhà ảo thuật. Cầm lấy cuốn sách, ông nghiến ngấu lật từng trang, luôn luôn mỉm cười, gật gù, và đọc lướt rất nhanh bằng một giọng nho nhỏ những câu tiếng Pháp rời rạc nào đó. Sau đó, ông đi sát đến bên chiếc đèn, rồi cúi xuống ngắm kỹ cuốn sách hơn nữa, mân mê hết bên này đến bên kia, lấy tay vuốt cái gáy sách mạ vàng, sau đó nhỏ nước bọt vào một ngón tay, rồi thận trọng di di lên một cái vết gì đó trên gáy sách. - Các anh phải biết rằng đây là một bản cực hiếm! - cuối cùng ông vừa nói, vừa đứng thẳng người lên, quay bộ mặt như trẻ ra, rạng rỡ lạ thường về phía Vadim, - Đây chính là cuốn sách mà tôi tìm mất hàng năm! Cuốn sách nói về Rinusini, một nhà thơ, và là nhà đạo diễn kịch múa. Chính Lu-i thứ XIII đã múa trong những vở vũ kịch của ông. Ô, Rinusini - đó là một nhà thơ rất nổi tiếng người Ý, người sáng lập ra lối hát nói trong kịch, đúng hơn là khôi phục lối hát nói Hy Lạp cồ đại… Chính Ottavio Rinusini đây! - Thầy có thích vũ ba-lê không ạ? - Vadim hỏi. Anh thấy cũng cần phải nói một câu gì đó để đáp lại cái đoạn độc thoại tràng giang đại hải đó. - Thích chứ, mà không chỉ có thích không thôi, - tôi còn sưu tập những cuốn sách nói về ba-lê nữa. Này, anh Sergei, nhà ảo thuật, một lần nữa tôi rất cảm ơn anh! - giáo sư Kodensky nắm chặt tay Sergei, còn anh thì mỉm cười hời lòng hời dạ và đứng dậy với vẻ hãnh diện. Sau khi cất cuốn sách quý vào tủ. Kodensky ngồi vào một chiếc ghế bành, và đặt lên bàn một hộp thuốc lá thơm nhãn hiệu Festival. Hộp thuốc còn nguyên chưa bóc, chứng tỏ được chuẩn bị riêng cho khách. - Này, các anh bạn trẻ, hút tạm một chút và kể cho tôi nghe một chuyện gì đi chứ! - Thưa thầy Boris Matveyevich, xin lỗi, em có việc phải đi, - Sergei nói sau khi cầm điếu thuốc và đứng dậy. - Nửa tiếng nữa em phải có mặt bên đài kỷ niệm Timiriazev. - Ồ, thế à! Nếu vậy thì anh không nên đến muộn rồi. - Kodensky nhìn Sergei một cách tinh nghịch, đầy ý nghĩa và nháy mắt với Vadim… - Đi nào, tôi sẽ tiễn anh… À, mà luôn tiện tôi phải nhắc anh là ngày kia họp Hội đồng khoa học đấy nhé… - Thưa thầy Boris Matveyevich! - Sergei nói to, ngắt lời ông. - Đến ngày chủ nhật nghỉ ngơi mà thầy cũng không quên công việc! Vadim ở lại nhé! Hai người bước ra khỏi phòng. Vadim nghe thấy câu chuyện líu nhíu không rõ ràng của họ ở ngoài hành lang, cái giọng nói đều đều, nhẹ nhàng của Kodensky, tiếng trầm trầm của Sergei, tiếng cười khô giòn của cậu ta. Vadim nghe thấy một câu Sergei nói to: “Nhưng tại sao thầy lại không thể làm được?” Kodensky trả lời một điều gì đó bằng một giọng nhỏ nhẹ hơn và vẫn giữ giọng ấy, ông nói rất lâu không nghỉ. Trong khi đó Vadim nhìn một lượt khắp gian phòng của Kodensky. Quả là ở đây tất cả mọi đồ đạc đều nói lên cuộc sống độc thân yên ổn, đầy tiện nghi. Đây vừa là chỗ làm việc, vừa là chỗ tiếp khách, vừa là thư viện, vừa là phòng ngủ. Một tấm thảm Ba Tư rất dày màu sắc sặc sỡ trải khắp gian phòng. Một chiếc bàn viết kiểu cổ, mấy chiếc ghế bành, một tủ sách - tất cả đều bằng gỗ hồng sắc. Một chiếc máy vô tuyến truyền hình đặt riêng trên một chiếc bàn thấp. Một cái lò sưởi điện. Một cái vợt bóng ten-nít được bọc trong bao. Ở bệ cửa sổ có hai quả tạ loại ba cân, bên cạnh là một vỏ chai rượu cô-nhắc có cái cổ dài ngoẵng. Còn tấm gương, một tấm gương to, trông bóng loáng làm sao, treo trên tường giữa hai cửa sổ! - đó là một tấm gương ninh ovan rất đẹp, đứng uể oải, như vừa từ lầu vàng của một mệnh phụ thời xưa lạc vào tháp ngã của một nhà bác học, một nhà thể thao chưa vợ. “Có lẽ mình không thể nán lại đây chút nào nữa. - Vadim quyết định. - Lấy sách xong là mình đi luôn”. Anh cảm thấy mình không được thoải mái chủ yếu là vì anh không tin Kodensky, - ông ấy mời anh đến là có dụng ý. Ông ta cần một điều gì đó. Nhưng cần cái gì mới được chứ? Vadim không thể nào hiểu được, và do vậy đâm bực mình và hối hận là đã đâm đầu đến đây. Anh cảm thấy có cái gì không bình thường, không thành thật trong sự hảo tâm của Kodensky và trong cái lối tiếp khách quá lịch sự của ông: lại cả chuyện không lấy gì làm thú vị khi anh gặp Sergei (mặc dù đối với Sergei cuộc gặp gỡ bất ngờ đó hình như còn khó chịu hơn nhiều). Thế thì tại sao anh lại phải mượn sách của Kodensky? Anh cũng có thể để dàng mượn cuốn sách đó ở thư viện cơ mà… Ở ngoài hành lang, giọng nói của Kodensky và Sergei mỗi lúc một to lên. Còn Vadim thì mỗi lúc một bực bội hơn. Anh bắt đầu rảo bước đi lại ở trong phòng, cố ý nện gót giày ầm ĩ xuống sàn. Sau đó anh đi đến cái bàn, mở cuốn an-bom về kiến trúc đặt ở phía trên đống sách ra xem và lật từng tờ như máy. Bỗng nhiên anh bắt gặp hình vẽ một lâu đài có rất nhiều cột mà anh rất quen thuộc. Ở đâu đó anh đã nhìn thấy hàng trụ này, những bức tượng hình ngựa, những con đường nhỏ thoai thoải ngoằn ngoèo vòng quanh một đài phun nước… Đây là cái gì! Ở dưới không ghi lời giới thiệu, chỉ ghi số trang thôi. Kodensky bước vào. - Anh không buồn đấy chứ? - ông hỏi vui vẻ. - Anh bạn Sergei của anh còn là một chàng khoác lác, tôi báo cho anh biết!. Anh đang xem cái gì thế? À, kiến trúc thế kỷ trước đấy! - Thưa thầy, em đã nhìn thấy toà nhà này ở đâu rồi đó, - Vadim nói. - Nhưng không nhớ là ở đâu cả… - Cái gì, cái gì? - Kodensky liếc nhìn, rồi cười độ lượng: - Anh bạn ạ, anh nhớ được ở đâu thì còn mệt! Đó là nghị viện ở thành Vienna, một công trình kiến trúc vĩ đại được xây dựng theo phong cách mới của Hy Lạp, còn cái đài phun nước này mang tên Minerva. - Ồ, đây là nghị viện ở Vienna à? - Vadim thốt lên thán phục. - Ô, đúng thật! Thế mà em không nhớ ra được! Đúng rồi, đây là những bậc thang, đài phun nước… - Anh đã ở Vienna rồi à? - Kodensky ngạc nhiên. - Vâng ạ, chúng em đã chiếm được chính cái nghị viện này. Quân ta đã tràn vào từ chính phố này, còn bọn phát-xít thì nấp trong một căn nhà lớn đứng đây không trông thấy, nã đại bác vào xe tăng của ta. Đây này, chỗ này chúng em đã dàn trận… Lập tức Kodensky không cười nữa, đặc biệt chăm chú lắng nghe Vadim, có vẻ kinh ngạc và thông cảm, đầu lắc lắc: “Chà, anh bạn!. Đúng thế… Đúng, đúng, đúng… - Thế thầy đã ở Vienna rồi ạ? - Vadim hồi. - Tôi ấy à? Không không… - Kodensky thở dài, liếc nhìn Vadim rất nhanh từ dưới lên vẻ bối rối. - Tôi chưa có dịp, anh biết đấy. Nói chung, tôi chưa được đi thăm châu Âu. - Ông hơi nheo mắt như nhớ lại điều gì. - À… Ở Phần Lan thì có… Khoảng bốn mươi năm trước đây. Ôi, đó là một cái châu Âu khác… Vadim định nhắc Kodensky về cuốn sách, thì Kodensky đã tự mình đi tới tủ sách, mở tấm cửa kính ngăn phía trên và lấy ra một tập sách dày bọc cẩn thận bằng một tờ báo. - Đây là cuốn sách anh cần, - ông vừa nói vừa đưa cho Vadim cuốn sách. - Anh có thể giữ bao lâu cũng được. Vadim cảm ơn. Anh đã mất hứng thú với cuốn sách này, anh có thể từ chối thẳng thừng, nhưng thấy như vậy không tiện. Anh muốn từ biệt và về ngay lập tức, nhưng làm như thế cũng không tiện. Vadim đành phải cầm lấy cuốn sách, lật xem từng tờ. Ngoài hai tiếng “cảm ơn” không hiểu tại sao anh lại không thể nói thêm một lời nào nữa và sự im lặng đó đã làm cho anh trở nên lúng túng và càng thấy bực bội hơn. Chắc là anh có bộ mặt đau khổ lắm, vì thấy Kodensky bỗng nhiên hồi: - Anh làm sao thế - đau răng phải không? Vadim buộc phải nói dối và trả lời “vâng”. Anh cho rằng với nguyên nhân như vậy anh có thể ra về nhanh hơn. Ngồi trong ghế bành. Kodensky vừa hút tẩu thuốc vừa nói một điều gì đó về Petsorin, Ip-xen và Đông Gioăng của Bai-rơn… Giọng nói mô phạm thường ngày dần dần trở lại với ông. - Anh có biết thứ ba này số phận Sergei sẽ được quyết định không? - ông hỏi đầy ý nghĩa. - Không ạ. Thế ngày thứ ba có chuyện gì vậy ạ? - Sẽ họp Hội đồng khoa học tổng kết kỳ thi vừa qua. Đồng thời họp xét cấp học bổng đặc biệt. Tôi cho rằng Sergei có nhiều triển vọng. Ý anh thế nào? Anh ta tất cả các môn đều đạt điểm năm, chỉ có mỗi câu hỏi về Rulev là kém thôi - mới đây anh ấy đã thi lại đạt rồi. Còn bản đề cương của anh ấy thì rất xuất sắc. Vadim chợt có ý nghĩ cho rằng Kodensky chắc chắc là đã tác động không ít đến việc đề cử Sergei và không thể không gợi ra điều này trước mặt Vadim. Nhưng như vậy để làm gì? Có lẽ chỉ để chứng tỏ mình là một người bạn hảo tâm. Rõ ràng! ông ta biết rằng Vadim và Sergei là bạn với nhau từ nhỏ. Và Vadim sẵn có ác cảm với Kodensky, liền quyết định chấm dứt sự phụ hoạ này. - Không, thưa thầy Boris Matveyevich, - anh nói, - Andrei Syryk, theo em, còn xứng đáng hơn. - Sao anh lại cho là như vậy? - Kodensky ngạc nhiên. - Tôi không nghĩ rằng… - Nhưng em cho thế là đúng, - Vadim nói một cách bướng bỉnh. - Tôi không rõ, không rõ… Tất nhiên Syryk hoàn toàn có quyến ước vọng, bản đề cương về Gorky của anh ta rất khá. Anh thấy đấy, - Kodensky nhướn lông mày lên, - hoàn thành bản đề cương đúng thời gian là rất có lợi. Vadim nhún vai. - Em viết bản đề cương không phải nhằm mục đích như vậy, thưa giáo sư Boris Matveyevich.? - Tất nhiên. Tôi hiểu. - Kodensky gật đầu. - Nhưng ngoài tất cả những điều đó ra… Anh thấy đấy, bất kỳ một lời động viên cao cả nào, bất kỳ một phần thưởng nào cũng đều được trao tặng trong các cuộc thi đua. Trong trường hợp cụ thể, thi đua cũng có vị trí của nó - dù đó là một cuộc thi đua độc đáo, thầm lặng không giao ước, nhưng hoàn toàn trung thực. Đúng thế chứ? Tôi cho rằng, - Kodensky mỉm cười, - sự phẫn nộ cao quý của anh chống lại những suy nghĩ của tôi có phần thiếu cơ sở. Thậm chí tôi có thể nói rằng, ngây thơ nữa, có đúng không? Anh không tán thành hả? Thấy giọng nói của Kodensky có ẩn ý giễu cợt, Vadim lập tức cảm thấy bình tĩnh hơn. Mọi chuyện đã rõ ràng. Không còn gì mập mờ nữa. Trước mặt anh. Kodensky lại hiện nguyên hình như trước kia, và Vadim biết phải xứ sự thế nào đối với ông ta. - Không, em không đồng ý, thưa thầy Boris Matveyevich, - Vadim nói và cũng thử mỉm cười nhã nhặn. - Thầy thấy đấy, em không thích những cuộc thi đua mà những kẻ tham gia nó lại móc ngoặc với ban giám khảo. - Anh hoàn toàn đúng, - Kodensky nói một cách trịnh trọng. - Điều đó bao giờ cũng làm cho người ngoài thấy khó chịu. Ông chụm môi, thở ra một vòng khói bay lơ lửng trên trần, ngày càng lan rộng ra và nhạt đi. Kodensky nhìn theo làn khói cho đến khi tan hết và lại thở ra làn khói thứ hai. Vadim cảm thấy rằng Kodensky sắp sửa đi tới phút quyết định của câu chuyên. Ông suy nghĩ không biết bắt đầu như thế nào và rõ ràng có vẻ do dự. Thề rối ông liếc nhìn Vadim, mỉm cười và bất chợt hồi một cách nhẹ nhàng, thoải mái: - Thế nào, anh định phát biểu gì với Hội đồng khoa học? Tôi có thể giúp anh được gì chăng? Quả đúng thế thật! Vadim đã thực sự bắt đầu chuẩn bị cho bài phát biểu của mình. Anh đã mượn Nina Fonika tất cả các bản đề cương bài giảng, đọc kỹ tất cả, trích ghi tỉ mỉ. Anh đã định thứ hai đền văn phòng đảng ủy gặp giáo sư Krylov hỏi thêm. Và anh sẽ phát biểu tại cuộc họp Hội đồng khoa học kỳ sau, không phải thứ ba, mà vào khoảng hai tuần sau nữa, vào nửa cuối tháng Hai… Nhưng Boris Matveyevich không những khôn ngoan, mà còn là một người quả quyết - ông lập tức nắm dao đằng chuôi. - Em chưa chuẩn bị xong hoàn toàn, thưa thầy Boris Matveyevich, - Vadim nói một cách điềm tĩnh. - Em không chuẩn bị cho cuộc họp Hội đồng khoa học kỳ này, mà là kỳ sau kia. - Không phải kỳ này? - Kodensky ngạc nhiên nghiêng đầu sang một bên. - Thế kia à! Thế mà tôi không biết đấy… Nhưng công việc nói chung có kết quả chứ ĩ Có khó khăn gì không? - Có lẽ không… không có gì đặc biệt ạ… - Ồ, thế thì tuyệt! Nhưng dù sao tôi cũng có thể giúp anh được gì chứ, anh cứ nói thật… Sao? Vadim hơi lúng túng vì cái không khí bất thường của câu chuyện. Cả hai yên lặng một lúc, mắt nhìn nhau: Kodensky hơi nheo mắt tinh quái, Vadim căng thẳng, cố gắng trấn tĩnh. Cuối cùng Vadim nhìn xuống, nhíu đôi lông mày, nói: - Không. Em sẽ tự mình làm lấy… Kodensky phá lên cười: - Anh tự mình làm lấy à? Dẫu sao tôi cũng phải giúp anh… Anh hãy nói xem: anh đã đọc cuốn sách của tôi viết về Dostoevsky chưa? Cuốn sách mới xuất bản gần đây ấy. - Chưa ạ, em chưa thấy! - Đấy, thế thì tôi có thể làm anh vui lòng được. Đã có bài phê bình cuốn sách ấy rồi đấy. Bài này rất có ích cho anh. Họ không tài nào phê phán tôi được. Anh có biết bài ấy ở đầu không? ở trong báo “Tin tức” ngày ba mươi. Anh ghi lấy cho khỏi quên. - Vâng, - Vadim vừa nói vừa rút ra một cuốn sổ tay. Anh quyết định chơi trò này cho đến cùng. - Thầy nói trong báo “Tin tức” ngày ba mươi phải không ạ? - Hừm… - Kodensky gật đầu với cái miệng đầy khói, rồi lại thổi ra một vòng tròn. - Có hai cột ở trang ba. Vadim ghi xong, đút cuốn sổ tay vào túi. Kodensky bất chợt hỏi: - Anh muốn uống cà phê không? - Không, thưa thầy Boris Matveyevich, xin cảm ơn thầy. Bây giờ em phải về đây. - Cà phê với cô-nhắc được không?. Hay cô-nhắc không? - Không, xin cảm ơn thầy Boris Matveyevich… Vadim thấy rõ rằng Kodensky đã chán ngấy câu chuyện, chán ngấy sự có mặt của anh. Rõ ràng câu chuyện đã không đi đến đâu. Nhưng cuối cùng ông ta muốn gì? Có lẽ thực sự ông ta muốn gây chuyện, nhưng lại vin ra vẻ “tâm sự”, muốn biện bạch, ra vẻ muốn chứng minh, muốn cho Vadim thấy cái kho học vấn uyên bác của ông, nhưng chính ông bắt đầu câu chuyện thì lại không tiện và có vẻ như tự hạ mình qua, còn Vadim cũng không chịu bắt đầu như vậy. Hay ông ta định lấy lòng Vadim? Định thăm dò chăng? Định thương hại chăng? Định làm cho anh kinh ngạc vì phong cách sống rởm đời chăng? Ai mà biết được… Một điều rõ ràng là việc làm của ông đã bị thất bại nghiêm trọng, nếu ông dùng những thủ đoạn như vậy. Lúc đó Kodensky rót cho mình một ly cô-nhắc và hơi cúi mình về phía Vadim, ông uống cạn sạch. Trong khoảnh khắc mắt ông rực lên và ông mỉm cười. - Tiếc là anh lại từ chối, cô-nhắc rất ngon. Hơn nữa nó còn chữa khỏi đau răng nữa… - Cảm ơn, em không thích cô-nhắc. - Vadim nói và đứng dậy. - Xin chào thầy Boris Matveyevich… - Chào anh! - Kodensky đáp lại có vẻ trịnh trọng và cúi thấp đầu xuống. - cảm ơn anh đã đến thăm người già. Chúc anh khỏe! Ông tiễn Vadim đến tận cửa. Mặt ông lại biểu hiện những nét thường ngày, những nét lạnh lùng đến kênh kiệu, nhưng giọng nói vẫn dịu dàng như trước. - Nhớ thường xuyên lại tôi chơi nhé. Sergei vẫn đến tôi chơi mạt chược đấy. Có lẽ anh không biết chơi mạt chược phải không? Thế thì chúng tôi sẽ dạy anh, nó là sự hoà trộn rất thứ vị giữa domino và poke. Anh có biết poke không? - Thưa thầy Boris Matveyevich, em có biết chơi mạt chược. - Ồ, anh biết chơi cơ à? - Kodensky lại ngạc nhiên. - Đó là một trò chơi rất hiếm, hầu như không phổ biến ở nước ta. Thế anh có biết không, ở Trung Hoa và ở các nước phương Đông có đến hàng triệu người biết chơi mạt chược đấy… - Em biết, - Vadim trả lời - Chính em đã chơi với những người Trung Hoa. Chính em đã mang cho Sergei một cỗ mạt chược từ Múc-đen về. Cậu ấy gửi thư đề nghị tìm cho một cỗ. Nhưng em không thích trò chơi này, theo em nó hơi buồn. - Nhưng tại sao lại như vậy… Thôi nhé, chào anh! - Cảm ơn thầy, tạm biệt thầy. - Vadim nói và sau khi bắt bàn tay Kodensky đưa cho, anh bước ra. Cuốn sách nói về Lermontov anh đã vô tình bỏ quên trên cái hòm dưới mắc áo. Sau khi đóng cửa. Kodensky bình thản cầm lấy cuốn sách Vadim “bỏ quên” trên mặt hòm và trở vào phòng mình. Ở đây ông ta cẩn thận tháo bỏ tờ báo bọc cuốn sách và đặt nó vào tù. Ông lại rót thêm một ly cô-nhắc nữa và uống cạn một hơi. Sau đó ông đi đi lại lại ở trong phòng, từ góc này đến góc kia, mỗi lúc một thêm u uất. - Thôi được, thôi được, - ông dừng lại ngập ngừng. - Thôi được, đành phải… đến gặp Miron vậy. Cánh cửa khẽ mở ra, cái đầu chải gọn gàng, bóng mượt của Koschia thò vào. - Cậu Boris, cậu nghĩ thế nào về ván mạt chược vừa rồi? - Cái gì? - Kodensky quay lại, bực tức hỏi. - Thứ nhất anh phải học gõ cửa, trước khi… - Dạ, cháu xin lỗi, - Koschia làm lành, - thế cậu có chơi mạt chược không? Lặng im giây lát. Kodensky nói bằng giọng the thé, lạc hẳn đi: - Không có mạt chược mạt chiếc gì hết! Hãy để cho tôi yên! Chỉ có đồ ngu mới chơi cái trò… mạt… - Ô-ô!. - Koschia ngạc nhiên lẩm bẩm, và sau khi huýt gió, cậu chậm rãi đóng cửa lại. … Trong lúc đó Vadim đang bước đi rất nhanh ngoài phố. Anh rất vui vì cuối cùng anh đã được ra ngoài thở hít không khí khoáng đạt, đôi tay anh không còn bị gò bó nữa, mà bây giờ đã có thể vung vẩy một cách thoải mái và tự do. Và anh bước đi, vừa vung vẩy hai tay vừa mỉm cười nhớ lại những lời nói của mình trong câu chuyện với Kodensky, thậm chí anh còn thích thú nhắc to lên nữa: “Em ấy ạ, thưa thầy Boris Matveyevich, em sẽ tự mình làm lấy!. Không, em không thích cô-nhắc “… Nói chung, anh thấy tâm hồn thư thái.