Chỉ còn hơn 60 ngày nữa là bước sang thế kỷ 21 và Thiên niên kỷ III. Cả nhân loại đang ngóng chờ ngày được đón những giờ phút thiêng liêng mà dễ gì một đời người có được. Trước cột mốc thời gian khổng lồ của lịch sử loài người để ta nhìn lại quá khứ hào hùng của một chặng đường máu lửa và bao nỗi khổ đau khốn cùng của một dân tộc để thấy được gì? mất gì? để hướng tới một tương lai hy vọng sẽ tốt đẹp, hạnh phúc hơn.Năm đầu của thiên niên kỷ III của thế kỷ thứ 21 cũng là năm đầu tiên của Đại hội Đảng C.S.V.N lần thứ IX, với bao niềm hy vọng của 80 triệu khối óc thông minh, thuần phác, nhân hậu cùng 80 triệu cặp mắt tinh tường được tôi luyện trong lò lửa đấu tranh của nhân dân Việt Nam sẽ theo dõi chặt chẽ những diễn biến của Đại hội. Ngưỡng mộ, hân hoan chen lẫn với lo âu, thảng thốt, nỗi hoài nghi đan xen với sự sùng tín mơ hồ.Trước khi là những người cầm quyền thì từ Tổng bí thư đến các cương vị các cấp của Đảng cũng là Dân. Nhất là các đồng chí đảng viên Đ.C.S đều xuất thân đa số từ giai cấp vô sản nên mang bản chất “Dân hơn cả dân”. Đã từ lâu ta dùng cụm từ “lấy dân làm gốc” rất là sai! “Dân duy bang bản” nghĩa là “Dân là gốc nước” ai “dám” đứng trên Dân, ai “dám” coi Dân như một vật dùng để “Lấy dân làm gốc”. Lời đồng chí Tổng bí thư Lê Khả Phiêu từng nói: “Nhân dân đã nuôi nấng và bảo vệ đảng trong những hoàn cảnh hiểm nghèo. Bao nhiêu lời nói với công sinh thành ấy cũng không đủ... ” đủ biết đảng ta đã coi trọng nhân dân biết chừng nào! hơn nửa thế kỷ của Đảng đem thực hành Chủ Nghĩa Mác - Lê Nin vào cuộc cách mạng của Tổ quốc Việt Nam, nay vào thời khắc lịch sử vĩ đại này đề nghị với Đảng tổng kết công khai trước toàn Dân những thắng lợi vẻ vang và những sai lầm thất bại để rút ra bài học cần thiết để Đảng ta đàng hoàng, đĩnh đạc dẫn dắt Nhân dân ta bước vào “Thời đại mới”.Vậy trước hết xin các đồng chí lãnh đạo các cấp của Đảng hãy trở về đứng ở vị trí của Người dân từ phía dưới nhìn ngước lên để đánh giá về học thuyết, về lý luận, về mọi đường lối chủ trương chính sách đã vận dụng trong thực tiễn.Biển học là vô bờ và học thuyết Mác - Lê Nin đối với sự hiểu biết của tôi hết sức là nông cạn, nhưng với trách nhiệm của một người lính liên tục cầm súng trực tiếp chiến đấu mấy chục năm qua và là người dân đang sống ở tầng đáy xã hội suy nghĩ về Đảng của mình.Trước hết nói về “Chủ nghĩa xã hội”. Sau 9 năm kháng chiến rồi hòa bình lập lại, dù chẳng biết chủ nghĩa xã hội cụ thể nó ra làm sao nhưng ở cửa miệng mọi người đều tâm niệm là đang xây dựng Miền Bắc xã hội chủ nghĩa, và trong chống Mỹ vừa gian khổ, vừa nghèo nàn nhưng mọi người vẫn đinh ninh rằng xã hội chủ nghĩa là cái xã hội mình đang sống và chẳng ai đòi hỏi để hiểu biết cụ thể cái “hình hài xã hội chủ nghĩa” như thế nào? Sau năm 1975 giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 7 năm 1976 đất nước ta đổi tên từ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thành nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, một lần nữa người Dân Việt Nam chẳng ai bảo ai đều yên tâm với cái chế độ mình đang sống là “xã hội chủ nghĩa”. Đột nhiên năm 1991, Liên Xô “nước xã hội chủ nghĩa chính hiệu” và phe XHCN Đông Âu sụp đổ kéo theo thì bắt đầu thấy xuất hiện cụm từ mới “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đây là một bước thụt lùi từ khẳng định xã hội chủ nghĩa xuống chữ “định hướng xã hội chủ nghĩa” rất mơ hồ. Gần đây tôi được đọc thư của ông Lê Giản, một lão thành cách mạng gửi Bộ Chính trị thì “chủ nghĩa xã hội vẫn còn là một ẩn số! Giật mình, tôi lục tìm một số tư liệu nói về chủ nghĩa xã hội của Mác vẫn chỉ là dự đoán, là khả năng chứ chưa phải là cái tất yếu! Rồi nữa, tôi thật sự kinh ngạc khi đọc tạp chí Thông tin Công tác Tư tưởng só 8 năm 2000 có bài của TS Đào Duy Quát có câu: Cương lĩnh năm 1991 (tức là đại hội lần thứ VII của Đảng) đã “phác họa” ra mô hình chủ nghĩa xã hội ở nước ta! (trang 30). Sở dĩ tôi cho chữ “phác họa” vào trong nháy vì từ phác họa ra mô hình chủ nghĩa xã hội đến mô hình thật sự xã hội chủ nghĩa còn rất xa! Rồi từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác, vẫn TS Đào Duy Quát: Đến Đại Hội VIII, Đảng ta khẳng định: con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng được xác định rõ hơn, ở đây không phải chỉ thấy “bộ khung”, mà phải thấy rằng nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên đã có phần “da thị” của nó!... Vậy cái “xã hội chủ nghĩa” mà ta đưa vào hiến pháp giao cho nhân dân, Quân đội ta phải bảo vệ trong suốt mấy chục năm qua là cái xã hội chủ nghĩa nào? mà năm 1991 mới là “phác họa”, đến năm 2000 vẫn là “bộ khung đã có phần da thịt”, có nghĩa chủ nghĩa xã hội vẫn chưa thành “người”! mà đã chưa thành “người” thì làm sao cho mỗi người thấy rõ “6 đặc trưng của chủ nghĩa xã hội”! Một thứ xã hội chủ nghĩa lơ mơ đến như vậy, Đảng còn chưa hiểu hết thì sao cách đây mất chục năm, trước là Nhân dân Miền Bắc sau là Nhân dân Miền Nam nào đã biết xã hội chủ nghĩa “mô tê, ất giáp” gì mà đã nhất trí trao cho Đảng ta sứ mệnh thiêng liêng là lãnh đạo Nhân dân ta xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa?...Khi cách mạng tháng 10 Nga thành công, Lê Nin có một dự đoán hết sức “thiên tài” và cũng hết sức “sai”: Một thiếu niên 15 tuổi (coi như cậu thiếu niên đó sinh vào năm 1905 và thời gian tạm tính là khoảng 1920, có nghĩa là nguời thiếu niên đó đến bây giờ là 95 tuổi) có thể thấy và được hưởng xã hội chủ nghĩa! Tất nhiên là dự đoán 50 năm, 100 năm hoặc một nghìn năm là quyền của mỗi nguời, nhưng sự đoán của Lê Nin ta lại phải cộng thêm vào vài ba trăm năm nữa, vì theo Trung Quốc thì 100 năm nữa mới hết giai đoạn quá độ xã hội chủ nghĩa. Về đạo lý Việt Nam “tre già có ấm bụi thì măng non mới bụ gốc, thẳng thân”, xin Đảng hãy lo cho lớp người hiện tại cả một đời theo đảng chiến đấu cho ấm no, tự do, dân chủ và hạnh phúc. Cái xã hội chủ nghĩa hiện tại đang đầy rẫy những bất công, tham nhũng mà còn không “trị” nổi thì hứa hẹn gì đến cái chủ nghĩa xã hội tốt đẹp của hàng trăm năm sau.Thứ hai, nói về chủ nghĩa Mác - Lê Nin cũng từ cách nhìn dân dã khi ứng xử trong mối giao lưu đời thường khi chọn bạn bè. Từ khi có học thuyết Mác, có tuyên ngôn của Đ.C.S thì Mác đã chỉ ra mối thù không đội trời chung giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư bản. Trong bài thơ của Eugene Pottier (1816) sau được nhạc sĩ Pierre Degeyter phổ nhạc thành bài “Quốc tế ca” bất hủ có câu:Đấu tranh này là trận cuối cùng...Quyết phen này sống chết mà thôi! Đủ biết mối thâm thù giữa vô sản và tư sản như nước với lửa và Mác đã dặn lại giai cấp vô sản đinh ninh như một lời thề:... giai cấp vô sản sẽ giữ nhiệm vụ là người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản.Kế tục Mác là Lê Nin lại “tiên đoán” cho rằng: chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn tột cùng, giai đoạn giãy chết của chủ nghĩa tư bản!...Những năm gần đây Đảng đã đưa ra những phương châm xử thế rất hợp lòng người, rất hợp lòng thời đại: Xóa bỏ mọi hận thù, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai - Việt Nam muốn làm bạn với mọi người!... nhưng trong cương lĩnh của Đảng vẫn khăng khăng kiên trì Chủ nghĩa Mác - Lê Nin thì đó là quyền của Đảng. Bây giờ tôi xin hình tượng hóa từ học thuyết sang hình ảnh cụ thể, mong các đồng chí lãnh đạo Đảng bình tâm đứng ở vị trí một người dân bình thường để mà quan sát và nhìn bằng cách nhìn của cặp mắt khách quan sẽ thấy một hoạt cảnh nghịch lý.Một ông nhà nghèo đang dang rộng 2 tay đón chào xin làm bạn với mọi người (mọi người ở đây ta hiểu là 200 nước trong hệ thống tư bản chủ nghĩa) mong họ đầu tư kinh doanh, cho vay, góp vón, viện trợ... tay phải thì vẫy chào hoan hỉ, còn tay trái vẫn lăm lăm cái xẻng để tiếp tục khẳng định lời dặn lại của ông Mác là: đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản! là người dân bình thường như chúng tôi chả dại gì mà chơi với một ông bạn quý vừa muốn vay tiền mình mà vẫn chưa chịu từ bỏ ý định “chôn sống” mình. Huống chi những người bạn mà ta mời chào toàn là những nước tư bản giàu có, “khôn có sỏi ở trong đầu” lại yên tâm thực lòng làm bạn với chúng ta! Cổ nhân có dạy: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” ta thì cứ lăm lăm cái xẻng mà cứ trách bạn “thủ” trong tay cái gậy “diễn biến hòa bình”. Và trên thế giời chỉ còn lại 4 người cầm xẻng vừa nghèo, vừa yếu thế mà làm nhiệm vụ chôn sống gần 200 người sống khác mình chắc là một việc rất khó làm, không thể làm được và cũng rất phi lý. Chả lẽ trên trái đất này chỉ còn lại 4 là khôn, là biết theo một học thuyết quý báu còn 200 là ngu dốt, tối tăm “đường quang không đi lại đâm quàng bụi rậm! “ hay sao?Vậy là nhân dân Việt Nam sau bao nhiêu năm đau khổ để giành được độc lập chỉ muốn được Dân chủ - Tự do - No ấm - Hạnh phúc và sống hòa bình hữu nghị với các dân tộc trên thế giới chứ không có nhiệm vụ “chôn” bất cứ ai.Thứ ba, xin nói về vấn đề “Công hữu”. Nếu trên thế gian này tất cả mọi người cũng đều như Hồ Chí Minh cả thì thuyết “công hữu” của Mác chúng ta có thể yên tâm sẽ được sống trong một xã hội công bằng, một xã hội như một cái bánh mà mọi người sẽ được hưởng một phần xứng đáng với tài năng và công sức của mình. Đã từ lâu chúng ta dùng danh từ “của chùa” chính cũng là để chỉ cái “công hữu” này đây. Đất đai, nhà cửa, tiền bạc ngân hàng... là mồ hôi, xương máu của nhân dân giao cho Đảng nắm giữ. Đảng lại giao cho các ông Bộ Trưởng, các ông Bí thư thành phố, tỉnh, quận, huyện, xã, phường nắm quyền giữ hộ Dân để điều tiết cho mọi người Dân đều được hưởng phần hương hỏa của ông bà để lại và thành quả của cách mạng ban cho. Cũng lại từ một cách nhìn dân dã để chỉ ra cái “sai lầm” của một học thuyết. Thời bao cấp, lương thực thực phẩm đều do mậu dịch cung cấp theo tem phiếu. Chỉ lấy cô mậu dịch viên bán thịt để làm ví dụ thôi. Cô vốn là một nhân viên hiền lành, tốt nết và hàng ngày bán thịt theo tem phiếu cho nhân dân. Bi kịch của “công hữu” cũng bắt đầu từ đây. Mới đầu bán hàng cô còn giữ được “tấm lòng trong trắng” cho sự công bằng. Rồi bà vợ mới đẻ của ông Cửa hàng trưởng “thủ trưởng” trực tiếp của cô cần một “ký” thịt nạc mông làm ruốc. Thế là phải bớt phần ngon của cộng đồng để giành cho một người. Rồi bố mẹ đẻ cô, chú các cô dì, bạn bè... bao nhiêu mối dây dợ trong vào phản thịt của cô, bắt đầu cô thấy mình có “quyền lực”, những miếng thịt là của cô, cô cho ai được ngon thì được, cho ai bạc nhạc thì người ấy phải chịu. Nghiễm nhiên cái “công hữu” biến đổi một bộ mặt hiền lành trở nên vênh vác, cong cớn và ban ơn. Đây! chỉ một phản thịt về vật chất chưa đáng là bao mà đã làm thoái hòa một con người và chỉ là môt phần “vi mô” nằm trong “công hữu”. Tôi còn biết cụ thể một vị chức sắc lớn nhất về giữ tiền của nhà nước. Vị ấy điều hành công việc trong chính phủ ra sao thì tôi không rõ, nhưng cứ chiều chiều sau giờ làm việc xe con đưa vị ấy cùng mấy đàn em bậu sậu sang một quán ven đô chơi “ten nít” vì sao không chơi trong sân “tennít” của chính phủ dành cho các Thứ, bộ trưởng? Đi xa chơi kín đáo hơn, đỡ tai tiếng hơn và sau vài “séc” giải trí thì vị ấy cùng đàn em vào “bar” của sân chơi giải khát với các loại “cốc tai” hảo hạng, các loại rượu “ngoại bang” trên triệu một chai, các đồ nhắm và hứng lên có cả Karaoke và sau đó còn gì nữa thì có giời mới biết! Nhưng có một chi tiết khá thú vị là không bao giờ phải trả tiền vì hóa đơn đã có Tổng cục... và các Tổng giám đốc “công hữu” thanh toán. Và có một lần sau khi bế mạc họp quốc hội, ông sang sân chơi và nói “Phải chốn ít ngày chứ không bọn nó bám xin tiền ghê quá!”. “Bọn chúng” mà ông nói ở đây là ai vậy? Là các Bí thư, chủ tịch các tỉnh, thành phố “bám theo” để xin cấp kinh phí cho ngân sách địa phương mình. Ghê chưa! tiền thì của Dân, của nước mà chính vì cái “công hữu” mà đã biến một người dù lương cao thì cũng chỉ nuôi đủ vợ con cũng đã là giỏi nghiễm nhiên thành một “lãnh chúa” ăn chơi bằng tiền nhà nước thỏa thích và “ban tiền” cho cả nước!Hai ví dụ thôi để thấy thuyết “công hữu” nó tàn phá đất nước về mặt kinh tế, nó tạo ra một lớp “trọc phú tiền chùa” sống trên mồ hôi, nước mắt và cả máu của Nhân dân theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.“Bất cứ ai có quyền cũng có xu hướng lạm quyền, họ cứ sử dụng tời khi gặp phải giới hạn!..”MONTESQUIEU“Chỉ có “đa dạng hóa” sở hữu mới có thể cứu đựơc Trung Quốc, còn chế độ “công hữu đại thống nhất” chỉ hại dân, hại nước, chỉ có thể mang lại “hạnh phúc” cho một số ít người!.Mã lập thành - lăng chí quân Từ suy nghĩ trên, tôi đề nghị với các cấp lãnh đạo Đảng cử những đoàn thanh tra đi kiểm tra 100% các xã huyện, quận mà nơi nào không có “bê bối” về “ăn đất, ăn nhà cửa” thì nên đề nghị tặng thưởng 10 lần anh hùng!Tham nhũng dựa vào “công hữu” là cách làm giầu bất chính an toàn nhất, ít phải ranh ma tính toán cho nên các cấp cầm quyền thấp nhất là phường, xã cũng có thể tham gia xa xẻo được. Sự chia chác lộng hành và dã man này chưa hề có trong lịch sử dựng nước của Việt Nam.Thứ tư là vấn đề “chỉnh đốn Đảng”. Các bài diễn văn, các buổi nói chuyện đều nói lên sự suy thoái của Đảng là rất nghiêm trọng, là cấn đề cấp bách của Đảng ta hiện nay, không phải nói thế là bôi đen Đảng, tự ta bôi ta... hoặc Trung ương phải biểu quyết một nhận định mà chúng tôi đau lòng nói với nhau về “8 Chữ Đen” tức là tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống “Có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn!” lời ông Hữu Thọ. Hoặc “sự ruỗng nát của chế độ là nguy cơ có thực “lời ông Trần Bạch Đằng”.Trong khi đó thì các Đảng bộ các cấp được thông tin trên truyền hình, báo chí thì các đại hội Đảng bộ đều đạt 97,98% trong sạch, vững mạnh. Vậy ở đây có 2 vấn đề phải được xác định:- Nếu tất cả các chi, đảng bộ cơ sở và đảng bộ các cấp, các ngành, ban đều 97,98% đều “trong sạch, vững mạnh” thì phải nói Đảng ta như một lực sĩ cường tráng, siêu việt. Nếu có khuyết điểm thì chỉ là một vài vết xước, một vài cái mụn nhỏ ngoài da sao lại nhận định là “suy thoái nghiêm trọng” được. Như vậy liệu có phải Bộ chính trị và Ban chấp hành TW Đảng đánh giá sai về tình hình Đảng chăng?...- Còn nếu như tình trạng suy thoái và ruỗng nát của cơ thể Đảng là có thật thì những con số 95, 97 và 98% trong sạch, vững mạnh chỉ là sự dối trá trắng trợn với Đảng, với dân. “Cái áo không làm nên thày tu”, dù có khoác cái áo 100% trong sạch, vững mạnh thì cũng chỉ là một trò hề không hơn không kém, nếu không muốn nó càng 100% thì lòng Dân tin Đảng chẳng còn % nào cả! Chỉ có một thí dụ nhỏ này thôi để nêu lên “sự thiếu chặt chẽ về mặt lý thuyết lại càng thiếu lôgíc về mặt thực tiễn” là một Đảng đã tự nhận trong cơ thể mình suy thoái ruỗng nát đến mức phát triển nghiêm trọng tức là căn bệnh đã vào đến lục phủ, ngũ tạng phải cấp cứu mà trên các diễn đàn công khai thì luôn luôn nói một cụm từ “một bộ phận”. Nếu chỉ “một bộ phận” bị hư hỏng thì chỉ cần sửa chữa một bộ phận cho gọn nhẹ chứ việc gì phải cần đề ra “chỉnh đốn toàn Đảng” làm gì để Đảng dao động đằng Đảng, Dân hoang mang đằng Dân.Thứ năm là khát vọng nóng bỏng của Dân là vấn đề: Dân chủ. Dân chủ là đạo lý của hàng ngàn năm, là khát vọng muôn đời đâu có phải của hôm nay. Thời Trần thì căn dặn: Phải nương sức dân, thời Lê thì răn: Nâng thuyền là Dân, lật thuyền cũng là Dân, thời Nguyễn Quang Trung thì khiêm nhường: vua lấy dân làm vua. Sách Khổng Mạnh còn ghi: Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. Tiếng của Hồ Chí Minh vang vọng non sông: Trên bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Nước ta là nước Dân chủ, “Dân là chủ”... đủ biết khắp Đông, tây, kim cổ hai chữ “Dân chủ” thiêng liêng biết chừng nào!Đối với một thể chế chính trị, một chế độ xã hội mà thực hiện “Tam quyền phân lập” dù có bị vu cho là dân chủ giả hiệu, dân chủ tư sản, là luận điểm cũ rích chưa bao giờ được công nhận của những nguời cầm quyền của nước ta vậy. Vậy cũng xin được luận bàn chứ đừng vu vạ vội. Điều xác định đầu tiên là Đảng CSVN là Đảng cầm quyền. Chính vì là Đảng cầm quyền nên Đảng cũng tự mình định ra Hiến pháp và pháp luật. Hiện nay dất nước ta cũng quản lý theo thể chế “Tam quyền: Lập pháp - Hành pháp - Tư pháp” nhưng không “phân lập” vì nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng. Để Đảng và Dân sống, làm việc phải tuân theo hiến pháp và pháp luật, tôi xin mạo muội có suy nghĩ như sau:Bộ Chính trị và Ban chấp hành TW Đảng đã lựa chọn và cử ra các vị trong Bộ Chính trị sang lãnh đạo tam quyền: Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng chính phủ và tư pháp phải có thực quyền và có quyền quyết định và xử lý các công việc trong phạm vi mình lãnh đạo theo đúng pháp luật mà không cần phải thông qua hoặc “xin ý kiến” của Bộ Chính trị. Chẳng hạn, ông Chủ tịch Quốc hội theo chức năng của mình có quyền mời Thủ tướng Chính phủ hoặc các Bộ, Thứ trưởng các Bộ ra điều trần trước Quốc Hội khi có biểu hiện không làm tròn trọng trách hoặc có biểu hiện vi phạm hiến pháp hoặc pháp luật. Ông Thủ tướng Chính phủ có quyền cách chức, miễn nhiệm, bổ nhiệm các thành viên trong chính phủ căn cứ vào năng lực đảm nhiệm hoặc kịp thời thay thế những thành viên trình độ yếu kém, vô trách nhiệm hoặc có hành vi phạm pháp. Và các ông bên ngành tư pháp có quyền triệu tập hoặc truy tố trước tòa bất cứ một thành viên nào trong bộ máy “tam quyền” vi phạm pháp luật. Như vậy, luật cũng do Đảng làm ra, người cũng của Đảng cử ra nắm quyền để thực hiện chính những luật của Đảng đặt ra thì hoàn toàn không giống cái “tam quyền phân lập” tư sản. Nếu làm được như thế này thì ít ra cũng chứng tỏ được vai trò có một chút thực quyền của 3 quyền: Lập pháp - Hành pháp - Tư pháp. Còn nếu một chính quyền muốn thực thi hiến pháp và pháp luật mà lại dưới “ý kiến” của Bộ Chính trị thì đất nước này làm gì có dân chủ, có pháp luật. Nếu Đảng không thực hiện như trên mà vẫn duy trì nhà nước như mấy chục năm qua thì xin Đảng trực tiếp nắm quyền điều hành bộ máy nhà nước luôn mà không cần bầu bán các bộ máy “Tam quyền” vừa cồng kềnh vừa tốn kém công quỹ, vừa chống chéo... và tất nhiên Đảng cũng sẽ chịu trách nhiệm trước dân, trước lịch sử. Vì nếu có “thất bát” thì cũng không cần chia trách nhiệm với “thiên tai” làm gì? Và một điều cực kỳ quan trọng là dân chỉ phải trả lương cho một bộ máy mà mình đội trên đầu như 200 nước trên thế giới.Có một nghịch lý mà gần 1/2 thế kỷ, người dân ai cũng thấy nhưng không ai dám nói và mặc nhiên thành công nhận, nghĩa là bộ máy nhà nước là do hơn 80 triệu người dân bầu ra lại nằm dưới quyền của Trung ương Đảng chỉ do hơn 2 triệu đảng viên bầu ra. Giả sử có dân chủ thực sự thì Dân chỉ kiểm soát và khống chế được bộ máy nhà nước do mình bầu ra, có quyền bãi miễn nó, có quyền phế bỏ nó. Nhưng với bộ máy cầm quyền là Đảng thì dân “chịu” rồi! Ví như cái ông Cao Sĩ Kiêm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là người làm thất thoát của nhân dân nhiều nhất trong các thống đốc ngân hàng trước ông. Cách chức Thống đốc lại về làm “phó ban kinh tế Trung ương”, lại tiếp tục rao giảng về kinh tế thì đúng là dân hết chịu nổi! Nếu liệt kê cho đầy đủ các trường hợp tương tự từ các cấp khác nữa mà cứ bắt toàn dân cứ phải “tuyệt đối tin tưởng” thì có họa là người bị “Đao” hoặc bị “An dây mơ” mới nghe được.Nói về dân chủ không thể không nói tới “tự do báo chí”. Nước Mỹ là nước tự do báo chí. Thế mà trong thời kỳ chiến tranh xâm lược Việt Nam, không phải ai khác mà là giới cầm quyền Mỹ lại khiếp sợ giới báo chí nhất. Sau khi thảm bại trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam, cuốn cờ tháo chạy mà sau này Mỹ chỉ ra những nguyên nhân làm cho Mỹ thua trận đó là một nguyên nhân quan trọng là báo chí Mỹ. Giới quân sự phái “diều hâu” nghiến răng căm giận những luận điệu chống chiến tranh xâm lược của báo chí Mỹ, muốn bóp chẹt báo chí trong bàn tay quyền lực. Một mặt luật báo chí Mỹ bảo vệ quyền tự do báo chí, mặt khác chân lý và thật đã bảo vệ các tờ báo chống chiến tranh đó. Nhân dân chính là vị quan tòa công minh, sáng suốt nhất để phán xử tiếng nói của báo chí, đâu là gian tà ngụy biện, đâu là chính nghĩa hợp với lòng dân. Nói báo chí xứ người để liên hệ vơi luật báo chí của nước ta.Có một điều rất kỳ lạ là Hiến pháp 1992 điều 69 ghi: Công dân có quyền tự do ngôn luận tự do báo chí, có quyền được thông tin và... thì điều 12 của Luật báo chí lại là: Cơ quan chủ quản của báo chí là tổ chức đứng tên xin cấp giấy phép hoạt động của báo chí và trực tiếp quản lý cơ quan báo chí. Từ hiến pháp triển khai cụ thể thành luật, thế mà luật lại có những điều “ngược” lại với Hiến pháp về văn bản, chữ nghĩa rành rành như vậy mà hàng chục năm qua bao giáo sư, tiến sĩ, luật sư, nhà văn, nhà báo... cứ yên lặng im như chả có việc gì xảy ra. Thế mà cứ động thuyết giáo là các vị nói tới chữ “TÂM”, vậy cái “Tâm” các vị ở đâu mà các vị thừa biết chữ “công dân” ghi ở Hiến pháp chỉ đơn vị là cá thể, cá nhân... vậy phải hiểu thế nào đây khi Luật báo chí là “cơ quan chủ quản của báo chí là tổ chức”... Giữa Hiến pháp và Luật cứ “chéo ngoe” nhau như vậy mà không mảy may động đến chữ “Tâm” đáng kính của các vị hay sao?...Với một bộ máy thông tin tuyên truyền khổng lồ đến kinh ngạc là toàn bộ Đài truyền hình, truyền thanh và 5600 tờ báo đều nằm trong tay Ban văn hóa - tư tưởng và Bộ văn hóa - thông tin là lực lượng hùng hậu đủ đè bẹp mọi luồng thông tin, văn hóa độc hại. Cộng với hơn 80 triệu bộ óc thông minh tài trí cùng hơn 80 triệu cặp mắt đã được thử lửa trong “lò bát quái” đấu tranh thì giữa chân lý và gian tà ngụy biện sẽ được sàng lọc, đào thải. Và Nhân dân sẽ là vị quan tòa công khai sẽ chỉ ra đâu là ánh sáng chính nghĩa, đâu là bóng ối và khi đã để Nhân dân nổi giận thì chỉ mỗi người “nhổ một bãi nước bọt” cũng đủ để làm chết chìm những lũ nguời có luận điệu hại Dân, hại nước. Vậy để chứng tỏ Đảng ta quan minh, chính đại với Nhân dân trong nước, với thế giới, bước sang thế kỷ 21 đất nước ta cần có tự do báo chí, có báo chí tư nhân để mọi tài trí trong dân sẽ chung vai góp sức với Đảng chống và diệt cho kỳ hết bọn tham nhũng, đang là quốc nạn mà mấy chục năm qua không những không đẩy lùi mà ngày càng phát triển trầm trọng hơn. Từ đây cũng rút ra một kết luận: Báo chí chính thống được ưu đãi, được o bế vậy mà mấy chực năm qua đã không làm tròn trách nhiệm trước nhân dân, trước tổ quốc. Mèo “đỏ” đã vô tích sự không bắt được chuột xin hãy để mèo trắng, mèo đen... cùng tham gia thì sớm muộn lũ chuột tham nhũng, hại Dân, hại nước sẽ bị đẩy lùi và sẽ bị tiêu diệt. Cũng xin nhắc lại là năm 1919, Nguyễn Ái Quốc chứ không phải ai khác đã gửi 8 yêu sách đến hội nghị Véc- xay thì vấn đề: Tự do báo chí và tự do ngôn luận được nêu ở hàng thứ ba, chỉ sau quyền được ân xá và quyền được đối xử công bằng theo pháp luật.Chắc Mác cũng không thể tưởng tượng nổi là sau Mác gần 200 năm mà ở một đất nứơc theo CN Mác mà không có tự do báo chí cho tư nhân. Cái thời đế chế Phổ nghiệt ngã là vậy mà Mác cùng Ang- ghen vẫn xuất bản hết tuyển tập này đến tuyển tập khác để truyền cho hậu thế. Và Mác cho rằng: Báo chí thiếu tự do, báo chí bị kiểm duyệt là sự quái dị, là con quái vật được văn minh hóa, cái quái thai được tẩm nước hoa! Như vậy báo chí thời kỳ đế chế Phổ và báo chí của nước ta dưới thời thuộc địa của thực dân Pháp, chân lý bao giờ cũng thuộc về báo chí tự do, báo chí tư nhân. Vậy cũng xin các vị ở Ban văn hóa - tư tưởng và Bộ văn hóa - thông tin thử chứng minh ngược lại xem. Nhưng xin đừng vu vạ tự do báo chí như kiểu ngạn ngữ Pháp:- Muốn giết một con chó, hãy đổ cho nó bị bệnh dại! Có báo chí tự do thì Nhân dân ta nhất định thực hiện được “tắm sạch từ đỉnh đầu xuống tận chân” như đồng chí có Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh từ mong muốn mà chưa thực hiện được. Vì cứ nhìn sang các nước xung quanh ta đều có một nền báo chí tự do nên người ta lôi cả Tổng thống, Thủ tướng vi phạm pháp luật ra trước công luận, kể cả từ con đuờng báo chí đưa các vị chóp bu vào tù! Vì ở những nước đó, báo chí tự do chỉ đội trên đầu có chân lý và pháp luật! Có như vậy thì những tham quan, ô lại bất cứ ở cấp nào không khiếp sợ thì cũng phải co mình lại.Để lái con tàu Tổ quốc Việt Nam đến bến bờ hạnh phúc, Đảng là người thuyền trưởng và ý chí của Nhân dân, là hướng đi của con tàu. Dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội IX chỉ coi là dự kiến, là phác thảo, trí tuệ, đóng góp của nhân dân phải được coi là quyết định huớng đi của con tàu. Trên con tàu lịch sử, nhân dân không thể đóng vai trò thụ động: cọ rửa boong tàu, sơn cửa, kê bàn ghế, treo cờ hiệu... Bao hiểm họa không một ai có thể lường trước hướng đi của con tàu, lòng Dân yên sao được khi không được biết những gì xảy ra phía trước. Trong bối cảnh “toàn cầu hóa”, một xu thế mà không một quốc gia nào cưỡng nổi, trên hướng đi của 200 con tài mà chỉ có Việt Nam tách ra cùng hai, ba nước khác theo một hướng riêng lẻ loi, dù là một người thờ ơ kém suy nghĩ nhất cũng không thể vô tâm không đặt ra câu hỏi: Vì sao? Buộc nguời thuyền trưởng phải trả lời!Người xưa cũng đã dạy: “Bất sỉ hạ vấn”, hỏi người dưới cũng không lấy làm điều xấu hổ. Là một Đảng dù vĩ đại đến bao nhiêu nhưng Nhân dân là vĩ đại nhất. Cái đúng, cái sáng tạo không phải lúc nào cũng là riêng của Đảng, cái đúng, cái sáng tạo luôn luôn là của nhân dân. Nếu một lúc nào đó đảng có cái đúng, cái sáng tạo thì xin nhớ rằng: Chính nhờ Nhân dân mà Đảng có được những cái đó! Cô lái đò bên sông Rừng của gần 800 năm trong quá khứ góp một lời dân dã rất nhỏ nhoi về nước nhược, nước cường mà đã góp một phần “nhỏ bé mà vĩ đại” để Đức Thánh Trần vẻ vang trong sử sách với những hàng cọc gỗ huyền thoại lô nhô làm nên chiến thắng Bạch Đằng, máu quân Nguyên Mông vẫn nhuộm đỏ ngàn năm cùng sông nước. Ông Kim Ngọc cùng vài cộng sự lẻ loi và cương vị nhỏ bé trước một Bộ chính trị và Ban chấp hành TW Đảng đồ sộ, nhưng ông Kim Ngọc đã nhìn thấy qui luật phát triển, hiểu thấu tận tim gan những người nông dân cùng khổ nghĩ gì để mà “khoán chui” mà cả một tập thể Đảng tự coi mình là tài trí, sáng suốt không nhìn thấy. Cam chịu để ông Trường Chinh sỉ vả, mắng nhiếc, ghép đủ thứ tội để rồi hàng chục năm sau ông để lại cho Đảng hưởng cái vinh quang là đã lãnh đạo một đất nước xuất khẩu gạo đứng thứ nhì thế giới và mọi lỗi lầm của Đảng đối với ông đều đổ cho bối cảnh lịch sử như lời ông Hữu Thọ. Thế mới hay một ngọn đèn dù sáng nhất thì bóng tối cũng ở ngay dưới chân đèn, muốn soi sáng chân mình lại phải nhờ một nguồn sáng khác. Nguồn sáng khác đó chính là Nhân dân. Nếu ví Đảng như một lưỡi gương thần dù có ngàn lần vĩ đại thì cũng không tự gọt được cái cán của mình.Với gần một trăm năm dưới ách thuộc đại tối tăm cùng ba mươi năm chiến tranh giữ nước, trước một kẻ thù nham hiểu, hung hãn, những nguời cộng sản tài trí, sáng suốt cộng ý chí sắt thép đã giành được độc lập thống nhất cho Tổ quốc Việt Nam. Công ơn này Nhân dân không bao giờ quên. Nay trên đất nước đã sạch bóng quân thù, chỉ còn lại có Đảng và Dân đang giở lịch sử sang trang mới để bước vào thời đại mới. Với một Đảng tài trí sáng suốt xin thay vào ý chí sắt thép là lòng nhân hậu, khoan dung, ấm áp tình người, chữ “đấu” xin nên nhẹ đi và xin nặng chữ “hòa”: hòa bình - hoà hợp - hòa giải - hòa đồng... (tất nhiên không hòa tan), đi xuống với Dân, hòa vào trong Dân để lắng nghe tiếng nói thực của lòng Dân.Hòa bình - Thống nhất - Độc lập Dân chủ và giàu mạnh của Hồ Chí Minh vĩ đại dặn lại chính là ý nguyện của toàn Dân ngày hôm nay và mãi mãi mai sau là hoàn chỉnh, là quá đầy đủ mà không cần phải phụ thuộc vào bất cứ một học thuyết nào khác!Những dòng này của một người lính già bình thường xin kính trọng gửi tới Đảng C.S.V.N, mong Đảng vạn thọ vô cương đi tiếp với 4000 năm của con Lạc, cháu Hồng, ghi thêm những trang sử vẻ vang cho Tổ quốc Việt Nam.Hải Phòng, ngày 25 tháng10 năm 2000Một người lính già - Một công dân