Trong cô nhi viện ít khi đánh nhau. Khi đánh nhau, đánh rất ác. Đánh rất có luật. Cắn hay túm tóc, dao và quả đấm sắt là những trọng tội theo luật của cô nhi viện. Nếu mức độ tàn tật không như nhau, có thể được trả thù. Thời hiệu trả thù không quy định. Tôi có nghe một thanh niên tự hào kể chuyện anh ta đã đẩy kẻ xúc phạm mình vào xe hơi vì một chuyện xảy ra trước đó cả nửa năm. Cú đẩy không thành, xe vừa lăn bánh, nạn nhân ngã không mạnh vào xe. Tại cuộc gặp gỡ vào buổi chiều, thủ phạm đã được trắng án. Kẻ đẩy người vào bánh xe chỉ có một tay, còn người bị đẩy có hai tay và một chân. Vậy là trung thực. Không thể có chuyện quyết chiến được. Chàng thanh niên đã trả thù, tức là đã hành động đúng theo luật. Khi nạn nhân xuất viện, hai người thậm chí còn kết bạn với nhau. Họ tôn trọng sức mạnh. Ai cũng có quyền được làm kẻ mạnh. Tôi yêu mùa thu. Mùa thu, những đứa trẻ được hạnh phúc, những người được đón về nhà dịp hè, quay trở lại cô nhi viện sau kỳ nghỉ với gia đình. Mùa thu rất náo nhiệt và vui vẻ, nhiều thức ăn ngon, những câu chuyện thú vị về gia đình, về mùa hè, về bố mẹ. Tôi căm thù mùa xuân. Tôi chưa bao giờ thích mùa xuân. Mùa xuân, những người bạn tốt đều đi nghỉ cả. Mùa xuân, chúng tôi thường hy vọng chính trong mùa xuân này có ai đó trong số những người không được đón về năm ngoái sẽ được đón về nghỉ. Tất cả đều hy vọng, thậm chí những đứa có bố mẹ ở rất xa, thậm chí cả những đúa mồ côi. Phần lớn thời gian, bọn trẻ cố gắng chơi ngoài sân, chung quanh cổng cô nhi viện. Không ai nói về điều này, chỉ chờ đợi, chỉ hy vọng. Tôi không hy vọng gì, tôi biết, sẽ chẳng có ai đến đón tôi. Mùa thu năm ấy Serega trở về buồn bã. Có gì đó thật lạ trong tâm trạng của Serega. Tất nhiên ai cũng buồn chút ít sau kỳ nghỉ, ai cũng nhớ nhà. Nhưng nỗi buồn giảm bớt khi được gặp bạn bè, những ấn tượng mới, những bài vở mới. Chúng tôi được lên lớp, trưởng thành hơn, Serega, cậu thanh niên mới lớn không có chân, đến phòng chúng tôi trên xe lăn. Cậu muốn xin lời khuyên của các “cậu bé”. Cậu nói chuyện chủ yếu với Genka. Chúng tớ đã hẹn quyết chiến. Serega, cậu là người khoẻ nhất trong cô nhi viện. Ai cũng biết điều đó. Ai dám đánh nhau với cậu. Vấn đề không phải là ở trong cô nhi viện mà là bên ngoài kia. Vì sao mà đánh nhau? Vì đàn bà. Chúng nói rằng sẽ cho tớ đi đời. Một ngày trước khi tớ quay về cô nhi viện. Chúng nói rằng sang xuân nếu tớ xuất hiện chúng sẽ giết tớ. Ai cũng biết ngoài đời có một cô gái chờ đợi Serega. Một cô gái khoẻ mạnh. Một cô gái không khuyết tật, xinh đẹp. Bọn con gái cô nhi viện thậm chí không thử tán tỉnh cậu. Họ biết rằng khi Serega tốt nghiệp, cậu sẽ cưới cô gái của mình. Genka không hỏi về đàn bà. Không nên. Nếu muốn, tự nó sẽ kể. Không muốn, đó là việc riêng của nó. Tớ không biết phải khuyên cậu như thế nào. Tớ chưa bao giờ được ra ngoài. Thằng đó khoẻ không? Tất nhiên. Lớn hơn tớ một tuổi, học trung cấp kỹ thuật. Thế thì cậu tiêu rồi. Nó sẽ giết cậu. Sẽ đá cậu đến chết thì thôi. Tớ cũng biết vậy. Nhưng vẫn phải quyết chiến. Genka suy nghĩ. Trong cô nhi viện không ai thông minh bằng Genka. Genka cũng biết điều đó. Đây là cô nhi viện. Rất khó che giấu được sự thật. Mọi người đều biết hết về nhau. Chúng tôi biết ai khoẻ nhất, cô gái xinh đẹp nhất học ở lớp nào. Này Serega, tớ nghĩ cậu vẫn còn có cơ hội. Phải đốn ngã nó, nếu nó ngã, hãy lao tới bóp cổ nó. Nó có nhiều hơn cậu hai chân, nó khoẻ hơn. Cậu chẳng còn cách nào khác. Tự Serega cũng biết chẳng còn cách nào khác. Kể từ hôm đó cậu bắt đầu “luyện tập”. Năm đó ai ai cũng “luyện tập”. Xà đơn được dựng trong sân trường. Chú thợ điện với thầy giáo thể dục đã tự chế vài dụng cụ thô sơ từ những ống thép. Các cuộc rượu ít hẳn đi. Thầy cô sung sướng, hầu như toàn bộ thời gian rỗi, bọn trẻ đều ở ngoài sân trường. Serega, một người có uy tín, đã bỏ hút thuốc, những người khác có ý định tập luyện cũng bỏ hút thuốc theo. Tuy nhiên sau đó nhiều người hút lại. Nhưng Serega thì không. Đều đặn. Một tiếng buổi sáng, hai tiếng buổi chiều, bốn tiếng vào ngày thứ bảy và chủ nhật. Suốt năm học, cả cô nhi viện “luyện tập”. Những người thiếu một tay rèn luyện cơ bắp bằng cánh tay duy nhất. Họ bỗng dưng lại mang tay giả. Những cánh tay giả vô dụng bằng nhựa trở nên hết sức cần thiết. Khi luyện tập, họ đeo chì vào tay giả để lưng không bị nhấc lên, cột sống không lệch về phía tay lành lặn. Hơn nữa bản thân cánh tay giả trở thành một thứ vũ khí không thể thiếu trong ẩu đả. Trong cô nhi viện có một thanh niên cụt tay. Cậu ta không hề có tay. Những người chỉ thiếu bàn tay có thể luyện tập phần tay cụt nếu đeo tay giả. Cậu này không thể mang tay giả. Tay giả đối với cậu như một thứ đồ chơi vô nghĩa, và cậu không hề đeo chúng. Cậu “tập luyện” nhiều nhất, thậm chí nhiều hơn cả Serega. Cậu ngồi trên chiếc ghế thấp, đút chân vào gầm tủ và ngả người về phía sau, gáy chạm sàn. Lúc nào cũng thấy cậu “rèn luyện”. Ngay cả khi làm bài tập ở nhà. Cậu đọc thơ, nhắc lại bài mới học đồng thời tập luyện, cậu nói rằng làm như vậy sẽ dễ nhớ hơn. Chiều chiều cậu miệt mài đá gót chân vào tập báo dầy treo trên tường. Nhảy lên, đá gót chân vào xấp báo, nhảy lùi lại và lại đá tiếp. Mỗi ngày cậu lại tự hào dùng răng xé một tờ trong xấp giấy báo. Một lần, khi tập báo trên tường đã mỏng đi rõ rệt, trong lúc luyện tập, vữa tường bong ra, xấp báo tuột khỏi đinh. Cậu ta vẫn tiếp tục hăng say đá gót chân vào những viên gạch trần. Những người lớn tới, sơn lại tường, họ không mắng cậu ấy, hiểu rằng cậu không cố ý làm như vậy. Họ vừa cười vừa khuyên cậu nên tập trên tường bê tông của ga ra để xe. Chàng thanh niên không tay thức dậy sớm hơn tất cả, bước ra đường và đá vào bức tường bê tông vô tội. Giờ đây cậu có thể luyện tập cả vào buổi sáng mà không làm kinh động giấc ngủ của kẻ khác. Một chàng trai mạnh mẽ. Serega có tay. Cậu ấy có thể luyện tập một cách bình thường. Chỉ có điều khi nâng xà đơn, cậu phải đeo ba lô sau lưng. Thoạt đầu ba lô chỉ nặng đủ để bù cho trọng lượng của đôi chân bị thiếu, sau đó Serega bắt đầu bỏ tạ vào ba lô. Nhưng ngay cả khi đeo chiếc ba lô nặng sau lưng, cậu ấy vẫn có thể nâng được hơn 40 cái trong một lần. Ý tưởng đeo ba lô khiến cho thầy giáo thể dục thích thú. Thầy cũng đeo ba lô đến luyện tập. Nhiệm vụ của giáo viên thể dục bao gồm cả việc cùng tập thể dục buổi sáng với bọn trẻ - đàng nào thì cũng chẳng có đứa nào đến lớp trong giờ thể dục. Năm đó thầy giáo thể dục trở thành thầy giáo quan trọng nhất trong trường, quan trọng hơn cả thầy dạy tóan. Thầy giúp đỡ các chàng trai rất nhiều, tự nghĩ ra các máy tập cho người khuyết tật. Để bọn trẻ không tập quá sức, thầy giảng cả những bài dài về giải phẫu học. Một thầy giáo tốt. Niềm tự hào của Serega là tấm đẩy. Tấm đẩy là miếng ván nhỏ có tay cầm mà những người tàn tật không chân dùng để đẩy trên mặt đất khi di chuyển trên những chiếc xe lăn thấp có vòng bi. Trong giờ lao động, Serega tự mình hàn lấy tấm ván đẩy bằng những ống nhôm. Tấm đẩy nhẹ bằng nhôm có đế cao su không bền. Chiều chiều Serega đốt một đống lửa nhỏ trên sân trường, nung chì và đổ từng ít một vào tấm đẩy của mình. Tấm đẩy ngày một nặng hơn, cậu dùng nó như những tấm đẩy thông thường. Như thường lệ cậu chạy xe lăn trong khu vực cô nhi viện, chỉ khác một điều là giờ đây lúc nào cậu cũng có đôi tạ bên mình. Đến mùa xuân thì mỗi tấm đẩy đã nặng đúng năm ký. Serega quyết định dừng ở mức năm ký này. Nghỉ hè, mọi người lặng lẽ tiễn Serega. Sau những tháng mùa đông tập luyện, chúng tôi thấy Serega khoẻ lên rất nhiều, nhưng điều này tuyệt đối chẳng có nghĩa lý gì hết. Mỗi khi Serega đạt được một thành tích nào đó, chúng tôi hiểu rằng vẫn còn là ít, quá ít. Serega tập luyện mỗi ngày, nhưng cũng rõ như ban ngày là ở một nơi nào đó, trong thành phố của cậu ấy, kẻ thù cũng đang luyện tập, rèn luyện mọi cơ bắp trên thân thể lành lặn của mình. Khi Serega lần đầu có thể nâng 50 lần xà, chúng tôi chắc rằng đối thủ của cậu ấy đã nâng được ít nhất là 100 cái. Serega cử tạ bằng tay trái 8 lần, đối thủ của cậu ấy phải cử được 20 lần. Mùa hè trôi qua nhanh chóng. Thêm một mùa hè cô nhi viện nữa. Mùa thu, như thường lệ, phụ huynh đưa con trở lại cô nhi viện. Cả Serega cũng được đưa tới. Chẳng ai hỏi han gì về cuộc quyết chiến. Serega cũng chẳng kể gì. Chỉ có một lần, khi Serega lại đến với các “cậu bé”, Genka có hỏi cậu ấy, chỉ bóng gió thôi. Chêm một câu gì đó về kỳ nghỉ hè. Serega hiểu ngay, lúng túng cụp mắt. Cậu không tiện từ chối Genka. Không có cuộc ẩu đả nào hết – Serega khẽ nói – không hề có. Buổi tối đầu tiên khi về đến nhà, tớ đã gặp thằng đó. Nó đứng với một thằng nữa, bọn chúng đang hút thuốc. Tớ hỏi nó có nhớ tớ không, nó trả lời có. Lúc đó tớ dùng tấm đẩy đánh thật lực vào đầu gối nó. Chân nó gãy ngay, chòi ra đàng sau. Nó ngã qụy. Nó gào to, gọi mẹ. Tớ thụi mấy cái liền vào bụng. Nó rên lên. Tớ quay sang thằng bạn nó, đành nghĩ rằng một phải chọi hai, nhưng thằng bạn đã chạy đi gọi người lớn. Đồ mách lẻo. Mọi người chạy đến, gọi bác sĩ. Họ hỏi tớ đánh nó bằng gì. Bằng tay, tớ đáp. Mọi người làm toáng lên. Trong túi nó quả là có một con dao. Rồi sau đó? Rồi sau đó chẳng sao cả. Bố nó đến nhà tớ. Họ ngồi uống rượu với nhau. Tớ thành thật kể hết cho bố nó nghe. Rồi sau đó tớ và nó làm quen với nhau. Một thanh niên được, chỉ có điều hơi yếu ớt. Nó phải chống nạng suốt mùa hè. Thật kỳ lạ, tớ rủ nó đi câu cá, vậy mà nó trả lời là bị cấm đi xa bằng nạng. Cả bố mẹ nó cũng thật lạ. Tớ cố giải thích với họ rằng trong cô nhi viện hơn một nửa phải chống nạng, họ không hiểu. Mùa hè đó câu cá thật tuyệt. Tớ câu được một con cá măng. Một mùa câu cá thắng lợi.