Chương 19

Chiều ngày tám Tết, bố tôi dắt cu Tin từ Bến Tre ghé nhà tôi để sáng mai mấy bố con cùng lên Long Khánh thăm anh Ba đang được đang được Đảng và Nhà Nước ta nuôi giùm trên trại tù cải tạo. Chỉ mới có một tuần lễ sống với ông bà nội mà cu Tin đen như Miên, chị Lan tôi vẫn cứ chọc ghẹo gọi nó là thằng Mỏ Cày, thằng Hai Lúa, cu Tin mặt lầm lỳ đưa cặp mắt trắng dã liếc xéo bác nó, miệng lủng bủng nói cái gì nghe không rõ. Tôi ngồi ngay đó đưa chân đá nhẹ vào mông nó quát:
- Nói cái gì đó hả Tin.
- Con có nói gì đâu.
- Vừa mới nghe đó mà đã cãi rồi, lộn xộn, bác khâu cái miệng lại đấy.
Tôi đưa tay làm điệu bộ như thể đang khâu miệng nó thật, thằng nhỏ có vẻ sợ ngồi nín khe. Bố tôi ngồi cười hề hề, nói:
- Chúng mày cứ doạ cháu cho cháu sợ, Tin ngoan lắm Tin nhỉ? Thích ở với ông bà nội lắm.
- Mai, mốt... Tin có về ở với ông bà nội nữa không? - Tôi hỏi nó.
- Dạ có về.
- Ừa, mày gan hén. Ông nội chở mày đi bán đất đêm là chết đó.
Cu Tin nhìn tôi chòng chọc, miệng lẩm nhẩm:
- Ồ ôi... mày kìa...bác gọi Tin bằng mày kìa.
Tôi ký vào đầu nó, nói giọng nhỏ lại:
- Ừa, bác quên, bác xin lỗi Tin.
Rồi tôi quay sang bố, hỏi:
- Bố có nhớ xin giấy thăm nuôi không đấy?
- Có, ghi đầy đủ tên tụi bay rồi, đừng lo.
- Vậy thì được, không thôi lên trên đó tụi công an hay gây khó dễ lắm.
Tôi ngồi lại ngay ngắn, ôm gối, nhìn vào khoảng không trước mặt, lẩm bẩm nói một mình:
- Nhanh thật, mới hôm nào đó mà đã chín năm rồi, lúc ông bị bắt, thằng Tài đang còn chút xíu...
Tôi thở dài, quay lại phía bố tôi ngồi, chỉ tay về mấy thằng nhóc nhỏ đang đùa giỡn um xùm, nói:
- Lúc đó, mấy thằng này chưa ra đời.
Bố tôi im lặng, lưng khòng xuống, ông chép miệng tính nói gì đó nhưng rồi ông lại giữ im lặng, ánh mắt già nua như chất chứa một nỗi buồn xa xăm... Tôi hiểu nỗi lòng của Bố, cha mẹ nào mà không thương con, ông vẫn thường bảo: "Chúng nó gánh tội cho gia đình mình ". Tôi thì nghĩ khác, gánh cái gì mà gánh, làm việc xấu thì phải chịu tội, đời là vậy, có vay có trả.
Anh Bắc tôi là một đứa con ngổ ngáo ngay từ hồi còn nhỏ, quậy phá hơn giặc cướp. Tôi nhớ những ngày còn đi học phổ thông, Mẹ tôi vẫn thường được gởi giấy mời đến trường giải quyết vụ ông quý tử Lê Hữu Bắc của bà, lần nào bà cũng mếu máo khóc lóc năn nỉ hiệu trưởng để anh Bắc đừng bị đuổi học.
Tuy quậy phá nổi tiếng ở trường nhưng anh học rất thông minh và có nhiều tài vặt, anh viết chữ, vẽ hoa tuyệt đẹp. Lần nào làm báo tường (bích báo), tôi cũng đều nhờ anh viết giùm tựa báo, vẽ trang trí và kết quả cả ba năm lớp tôi đều chiếm giải nhất. Anh Bắc lại có biệt tài bắt cá, anh chỉ cần vác cần câu ra đi là thế nào bữa đó gia đình tôi lại được ăn cơm với cá, hồi nhỏ, thỉnh thoảng tôi cũng theo anh ra suối câu cá, ngồi cả buổi tôi chả câu được con nào, trong khi đó bên cạnh tôi, anh Bắc giựt cần câu liên tục. Sau khi tốt nghiệp cấp Ba, anh xin được một chân vào làm kế toán cho xí nghiệp thương nghiệp tổng hợp huyện, thế nhưng vài năm sau mẹ tôi qua đời thì xí nghiệp ấy cũng giải thể, anh thất nghiệp, nhảy ra làm ăn tư nhân, anh tôi buôn bán đủ thứ, và được lời mách bảo anh đi buôn gỗ Pơ Mu mang sang Trung Quốc bán, tôi nghe bảo thứ gỗ này rất quý chuyên dùng làm báng súng, và chỉ có ở vùng núi quê tôi. Lúc đầu anh ăn nên làm ra, tiền vô như nước, tham lam, anh huy động thêm vốn ngoài, thâu mua thật nhiều và chuyên chở hàng qua biên giới nguyên cả đoàn xe, thế nhưng anh bị tụi Tàu lừa cho một vố, tán gia bại sản. Tụi Tàu thật thâm hiểm, ban đầu chúng dụ cho người Việt mình mang hàng qua bán, trả tiền rất sòng phẳng, sau vài chuyến, khi con cá đã cắn mồi, tụi nó chơi nước bài làm lơ không thèm thu mua để ép giá, rốt cuộc hàng mang qua rồi không bán rẻ bán tống thì cũng chết, mang về cũng không được. Anh tôi phá sản lại mắc thêm nợ nần, chán đời lao vào con đường nghiện hút, cờ bạc. Cả nhà tôi lao đao vì anh. Sau bao lần cai nghiện, tôi năn nỉ đưa anh và vợ con vào Sài Gòn sống cùng tôi để tránh xa môi trường xấu ở quê nhà, tưởng vô được Sài Gòn, lạ nước lạ cái anh không còn nghĩ đến thuốc phiện. Vậy là tôi lầm, một năm sống tại Sài Gòn, động hút nào anh tôi cũng đều biết đến, rồi trong một lần về thăm quê, trở lại Sài Gòn, anh tôi xách theo vài ký thuốc phiện vừa để dành hút vừa để buôn bán kiếm tiền. Một ngày, anh tôi đi đâu mãi không về, ngay tối hôm đó, quãng 11 giờ đêm, công an ập vào nhà tôi đọc lệnh khám xét, anh tôi đã bị bắt từ chiều, hôm đó, tôi đi công tác không có nhà, chỉ được nghe kể lại. Sau này anh bị kết án 14 năm, và nay đã là năm thứ 10 anh ngồi gỡ lịch, không biết rằng đợt đại xá tới, anh tôi có được về xum họp với gia đình không?
Bố tôi im lặng ngồi rít thuốc liên tục, cánh tay gầy tong teo nổi lên những đường gân chằng chịt, nhìn ông trông thấy tội làm sao.
- Thôi, Bố đi tắm đi cho mát mẻ.
Bố tôi dụi phần điếu thuốc còn lại vào cái gạt tàn cho đừng bốc khói, nhấp một ngụm nước trà và duỗi hẳn bàn chân ra.
- Bố đừng có bảo là tao vừa tắm ở Bến Tre đấy nhá.
Bố tôi nhe răng ra cười hềnh hệch, tôi cũng cười theo. Mấy lần trước, kêu ông đi tắm, ông vẫn thường trả lời như vậy, già rồi đâm lười biếng cả việc tắm rửa vệ sinh.
Hơn bảy giờ tối, thằng Út đi làm về, vừa nghe tiếng bố, cu Tin đứng bật dậy lao chạy ra phía cửa, Út nhìn thấy con, ngồi xuống dang hai tay ra đón vào lòng, hôn lên cái đầu tóc đã mọc lún phún mà hai tuần trước đây bị bác Hân hớt trọc lóc. Tin miệng líu lô hỏi bố nó đủ thứ chuyện, tôi dõi mắt nhìn theo mỉm cười.
- À chị ơi, thằng Định nhắn không có thịt chó đâu.
- Sao vậy?
- Đầu năm đầu tháng đâu có lò nào giết thịt chó.
Tôi gật gật cái đầu:
- Ờ...hén. Năm mới năm me ăn thịt chó sợ bị xui. Thôi vậy mình mua thứ khác cho ông.
Cũng tối hôm ấy, chị Vân Giang gọi điện thoại xuống hỏi việc đi thăm nuôi anh Bắc, khi chị biết gia đình tôi đi theo khá đông nên chỉ gởi lời chào chứ không đi chung vì còn bận chăm sóc cháu ngoại, mấy lần trước đều có mặt chị đi chung với tôi.
Sáng hôm sau, tôi dậy sớm thường lệ để chuẩn bị mọi thứ chờ anh Hùng chạy xe đến rước. Ngoài những món thức ăn Hạnh mua sẵn từ hôm qua, tôi chạy xuống dưới bà Tàu mua thêm một đống đồ hộp, mì gói, kem đánh răng, bánh kẹo để mang lên thăm nuôi anh. Tuy rằng trên trại tù có bán đầy đủ hết nhưng giá cả mắc hơn so với ở bên ngoài, tiện có xe mình mang theo luôn.
Khoảng 8 giờ sáng, anh Hùng chạy xe lại nhấn còi inh ỏi, cái Hạnh ra lan can ngó xuống đường, quay lại nói chõ vào trong nhà:
- Xe đến rồi, đi thôi.
Cả nhóm lũ lượt kéo nhau xuống đường. Anh Hùng tươi cười mở cửa xe, tôi leo lên trước tiên, ngồi tận dưới hàng ghế cuối, người kế tiếp là chị Út Giang và đứa con gái nhỏ, con bé Cát Tường hôm nay diện cái váy đầm bông xanh lợt, có viền đăng ten diêm dúa, năm nay nó đã lớn phổng phao nên cái áo đầm này vừa vặn, không giống như năm trước còn rộng rinh. Đầu thắt hai bím tóc cột nơ hồng, con bé xinh hẳn ra. Hàng ghế phía trước tôi có ba chỗ ngồi, bố tôi, con bé Anh và thằng Út, Hạnh ngồi bên trên kế anh tài xế. Sau khi ổn định chỗ ngồi, anh Hùng cho xe từ từ lăn bánh chạy thẳng ra đường Lê Thánh Tôn nối dài, được mang tên ông Nguyễn Hữu Cảnh, người có công sáng lập nên thành phố Sài Gòn này từ hơn 300 năm trước.
Từng đoàn xe nối đuôi nhau chạy ào ào trên xa lộ, xe hơi, xe hàng, xe taxi và cả xe gắn máy cứ lượn lách nhau vượt lên trên, hình như ai cũng cảm thấy kém miếng khó chịu, tôi nhìn ra ngoài chóng cả mặt, nhắc khéo anh Hùng:
- Chạy từ từ thôi anh ạ, mình còn nhiều thời gian mà, không cần gấp gáp đâu.
- Ờ...anh biết rồi.
- Mình chạy lên Long Khánh, tắp vô nhà ông anh họ thăm bà "Ba Tui" trước rồi mới lên trại tù.
- Ờ, mà Long Khánh ở khúc nào Hân?
- Em cũng chẳng nhớ chính xác, không sao, thằng Út nó biết mà.
Tôi không nhớ đã đi thăm nuôi anh tôi bao nhiêu lần trong gần mười năm qua. Lần nào xe chạy ngang qua Long Khánh, tụi tôi cũng đều ghé lại thăm bà "Ba Tui", bà là chị cả của Bố tôi, theo con đi kinh tế mới và lập nghiệp tại Long Khánh gần hai chục năm. Tuy nhiên gia đình tôi chỉ mới liên lạc được chừng vài năm trở lại đây. Lúc trước, tụi tôi vẫn gọi bà bằng cái tên trìu mến O Đào, nhưng vì bà vốn quê mùa, cứ mở miệng ra là xưng: Ba tui, ở chỗ ba tui...cái gì cũng ba tui thành ra được tụi tôi gọi luôn O bằng cái tên "Ba Tui", kể cả bố tôi cũng vậy. Ba Tui có nghĩa là tụi tôi.
Tôi nhớ vào lần cưới vợ cho thằng Út, chị em tôi lũ lượt kéo nhau về Bến Tre dự tiệc, cùng lúc ấy O cũng từ Long Khánh xuống thăm em trai (tức bố tôi). O đã trở thành một bà lão ốm nhom, lưng còng, mắt mờ, tai nghễnh ngãng. Nếu tôi nhớ không lầm lần cuối tôi gặp O cách đây đã hai chục năm. Đó là lần O lên Mộc Châu thăm bố tôi, O đã bước sang tuổi sáu chục, nhưng vẫn còn mạnh khoẻ, thấy mấy chị tôi cãi nhau ủm tỏi, tị nạnh không chịu đi gánh nước, O bực mình săn quần, quẩy đôi thùng đi lấy nước phăm phăm, vào thời đó tôi còn nhỏ, chừng 11, 12 tuổi. Mỗi lần thấy O thổi cơm, tôi hay quanh quẩn ngay bếp để O sai vặt, lấy cái này, giúp cái nọ. Một lần, O chỉ tôi:
- Con ni, mi lấy cho O cái "phẳn".
Tôi đứng trơ mắt nhìn O, ngạc nhiên, tôi nghĩ cái "phẳn" tức là cái bộ phản mà tối tụi tôi hay ngủ ở trên đó, thắc mắc không biết O bảo lấy cái phản đó để làm gì. Thấy tôi đứng im, O quát lên:
- Tau bảo mi lấy cho tao cái "phẳn", sao mi cứ giương mắt ếch nhìn tau rứa?.
- Cái phản nặng thế, làm sao cháu bê xuống đây cho O được.
O bước lại chỗ chạn bát, lôi ra một cái nắp vung nồi, dí dí vào mặt tôi, nói:
- Cái ni không phải là cái "phẳn" chứ là cái mả cha mi tề?.
Tôi phá lên cười khanh khách, hét lớn:
- Trời ơi, nắp vung nồi mà O gọi là cái Phẳn, cháu lại tưởng là bộ phản ở nhà trên.
Từ đó, bọn nhóc con tụi tôi cứ lôi mấy từ nhà quê của O mang ra chọc ghẹo.
Nay O đã bước vào tuổi 80, da dẻ nhăn nheo, gân guốc nổi lên từng vệt từng chùm xanh lè trên hai mu bàn tay gầy guộc, hai bên khoé mắt vết chân chim xếp chồng chéo lên nhau, đôi mắt mờ đục. O đang ngồi trên bộ gõ bỏm bẻm nhai trầu, cái miệng móm xọm bập lên bập xuống trông thật đáng yêu vô cùng. Thấy tụi tôi về đông đủ, O vui hẳn lên, luôn miệng cười nói:
- Con mô là con Hân, lại đây O coi bay lớn răng...chu cha, bay lớn quá rồi.
Tôi cười khanh khách:
- Lớn gì nữa, già rồi O ơi!.
O ôm lấy vai tôi, bàn tay run rẩy vuốt mái tóc tôi, nói nho nhỏ:
- Bưa mô rảnh, bay lên Long Khánh thăm O. Cái thằng nớ - O đưa tay chỉ bố tôi - Hắn có lên thăm O mô, O nhớ hắn, O lại về đây thăm hắn. O còn sống, O về thăm hắn mai kia O chết mần răng mà đi được.
- O tính bữa nào về Long Khánh.
Bố tôi ngồi gần đó cất tiếng thay:
- O đòi lên Sài Gòn thăm bay đấy.
- Vậy thì vài bữa nữa O lên chung với con luôn, tiện đi thăm anh Bắc, con đưa O về.
O tôi gật đầu đồng ý. Tiệc cưới thằng Út tàn, nghỉ ngơi một đêm, sáng hôm sau, chị em tôi lại dắt díu nhau trở về Sài Gòn, mang cả O theo cùng. Lúc đó vào khoảng trung tuần tháng Ba, Sài Gòn nóng như lò lửa, căn phòng tôi tạm trú nhỏ tẹo như cái diêm quẹt, vỏn vẹn chỉ có 24 mét vuông. Căn phòng nằm trên lầu một, đằng trước là phòng của chủ nhà, dưới lầu ông chủ cho mướn bán hàng điện tử, tiếng nhạc đập ình ình từ bảy giờ sáng cho đến tận 8 giờ tối từ tiệm điện tử vọng lên trên nhà, O tôi rên rỉ:
- Nhà bay ở chi mà như cái lò gạnh nung thế này, ồn ào rứa răng O chịu nổi.
Tụi tôi chỉ biết cười khúc khích, lâu lâu lại ghẹo cho O chửi mồ tổ lên cho vui cửa vui nhà. Lúc ấy chưa gắn máy lạnh, trong phòng chỉ có quạt gió, thời tiết nóng nực đến 39 độ C, quạt gió cũng chỉ mang hơi nóng phả vào mặt mình. O tôi mặc áo vải nâu, vấn tóc kiểu đuôi gà, mồm nhai trầu bỏm bẻm, ngồi kể chuyện đời xưa cho tụi tôi nghe. Thỉnh thoảng, O lại cất giọng rên ư ử những điệu dân ca ngoài Bắc, tôi nghe thoang thoáng, câu được câu chăng. O lớn tuổi nên bị lãng tai, tôi có quát lên thật lớn nhưng O cũng chẳng nghe, tụi tôi ỷ y nói lén O nho nhỏ vậy mà O tôi lại nghe hết. Cái Hạnh nhà tôi ghé sát tai O chọc ghẹo:
- O này khôn lắm, cứ giả vờ điếc để thăm dò xem con cháu có nói xấu không chớ gì.
- Mồ tổ bay!.
Chúng tôi lại được trận cười như ong vỡ tổ. Chẳng biết thời con gái, dung nhan O tôi ra sao, nhưng tôi đoán chắc chắn không thể là một cô gái xinh đẹp vì tôi thấy bố tôi giống O như đúc, từ cặp mắt, cái miệng cho đến dáng người lỏng khỏng, cao nghều. Đặc biệt, mũi O tôi không hề có sống chỉ nổi lên hai cánh mũi, trông thật ngộ nghĩnh như bức tranh vẽ dở. Hồi xưa, mấy người bạn chị Lan tôi đồn um lên rằng O tôi không có mũi, mấy anh chị kiếm chuyện rủ chị Lan về nhà để xem mặt O mà chị Lan vô tình không biết.
Ở Sài Gòn có hai ngày, O than ồn ào chịu không nổi, O đòi tụi tôi phải đưa về Long Khánh gấp. Chiều lòng O, tôi mướn xe đưa O về nhà và nhân tiện ghé thăm anh Bắc đang bị nhốt trên trại tù Z30A. Ngồi trên xe hơi máy lạnh, O khó chịu bắt buộc phải tắt máy lạnh và mở bung cửa sổ ra cho thoáng. Từ nhà tôi, anh tài xế cho xe chạy theo hướng cầu Bà Triệu, rồi ra đường quốc lộ I, thẳng tiến lên Long Khánh, xe qua địa phận Thủ Đức, Biên Hoà, rồi Hố Nai I, Hố Nai 2...Với tôi, những địa danh này thật xa lạ, cả đời hình như chưa bao giờ đặt chân đến. Gần đến chợ Long Khánh, tôi hỏi O:
- Nhà O ở khu nào? Địa chỉ, số nhà...nói cho anh tài xế biết để đưa O về chứ?.
- Nhà ba tui nằm ở chân dốc Lê Lợi, cây số toả toả (đỏ đỏ).
Tôi nói với lên trên anh tài xế:
- Anh có biết dốc Lê Lợi không?.
- Không, tôi đâu biết nó nằm ở khu nào, nhưng mình vừa đi vừa hỏi vậy. Hân hỏi xem bà tả khu nhà ra sao chứ.
Tôi quay lại ghé sát tai O nói thật lớn:
- Chỗ khu O ở có cái gì dễ nhận diện không, nói để tài xế biết đường.
Có lẽ vì xe chạy nhanh, gió thổi tạt vào mặt làm tai O tôi ù nên không nghe thấy gì thành thử tôi hỏi mà O cứ hả với hử. Xe chạy gần đến chợ Long Khánh, biết là đã qua khúc rẽ vào nhà, anh tài xế giảm tốc độ và tấp vào bên lề đường hỏi người dân địa phương dốc Lê Lợi nằm ở đâu. Người đàn ông bán thuốc bên đường trả lời rằng xe tụi tôi đã chạy qua khỏi dốc Lê Lợi. Thế là phải vòng xe ngược trở lại, lần này, xe chạy từ từ, O tôi nhìn qua hai bên đường cố xác định lối rẽ về nhà mình, miệng lẩm bẩm:
- Nhà ba tui ở dốc Lê Lợi, ngay cây số "toả toả", hai bên trồng nhiều cây khoai mì, bên trong nữa là rừng cây Bạch Đàn.
Nghe O nói vậy tôi chỉ biết cười:
- O ơi, cây số nào mà nó không "toả toả", O phải biết đó là cây số thứ bao nhiêu mới được chứ, đến nhà của mình mà không nhớ rõ địa chỉ thì bây giờ làm sao đây?
O tôi cố nhướng mắt nhìn sang bên trái để xác định lối rẽ vào nhà, O đã già, mắt kém lại bị gió thổi vào, nước mắt cứ trào ra, O không nhìn thấy gì cả. Hai bên đường lúc này bạt ngàn những vườn cây củ mì xanh ngắt, xe chạy đến cây số nào cũng dừng lại để O tôi xem xét có đúng là lối rẽ vào nhà mình không. Phải mất gần cả tiếng đồng hồ, tụi tôi mới tìm đúng lối để đưa O về nhà.
°
Lần này, anh Hùng chạy xe qua cầu Văn Thánh mới chứ không chạy ngã cầu Bình Triệu, chiếc xe của anh tuy còn mới, chạy êm ru nhưng lại kín quá mức làm tôi nôn nao hết cả ruột gan và đầu thì nhức bong bong. Phía đằng trước, Hạnh và thằng Út thi nhau gân cổ lên cãi lộn về vụ bảo hiểm nhân thọ:
- Cái hãng Prudential nhà bà chỉ được cái giỏi lừa đảo chứ được mẹ gì.
- Mày nói gì? Ai lừa đảo?
- Prudential chứ ai vào đây. Đi bán bảo hiểm mà không giải thích rõ ràng cho khách hàng, cứ quảng cáo bừa bãi, thao thao bất tuyệt để bán được sản phẩm. Dân Việt Nam thì toàn dân ngu cu đen, hiểu luật lệ cái quái gì đâu, nhắm mắt ký mua bừa, đến lúc không có tiền đóng, hai tháng là công ty cắt hợp đồng, mất trắng.
- Ai bảo ngu, khi mua phải đọc rõ bản hợp đồng chứ.
- Vì người mua có hiểu đâu, thậm chí có người còn không biết đọc chữ, người đi bán phải giải thích rõ ràng cho người mua hiểu chứ, cái kiểu nói cho có để bán được sản phẩm rồi thì bay chết mặc bay đấy, có phải tội cho người nghèo không. Bà tính đi, thành phần nào mua bảo hiểm nhiều nhất, cũng toàn là mấy người nghèo buôn bán vặt, họ ky cóp đóng ít tiền bảo hiểm họ nghĩ giống như là tiết kiệm, thế nhưng công việc bấp bênh, lúc buôn bán ế ẩm, không có tiền đóng, hãng bảo hiểm cắt hợp đồng, tiền ban đầu đóng vào mất sạch. Họ la lên bảo hiểm lừa đảo, một đồn mười, mười đồn 100...rồi thì bảo hiểm cũng toi thôi.
- Mày nói thế chắc công ty người ta dẹp tiệm sớm.
- Rồi bà xem, bảo hiểm bây giờ ế bỏ mẹ lên. Năm nay bà bán được mấy cái?
Hạnh im lặng, tôi ngồi dưới cười khúc khích, châm thêm dầu vào lửa:
- Ừa, đúng rồi, phải giải thích cho rõ ràng chớ, gặp khách hàng như thằng Út nhà mình thì nó biết chữ đâu mà đọc, cầm tờ báo toàn cầm ngược.
Thằng Út quay xuống chỗ tôi:
- Bà vừa phải thôi!
- Còn không nữa. Đâu mày trả lời xem một tỷ có mấy số không?
Hạnh được bênh, khoái chí cười típ cả mắt. Bố tôi đang ngủ gật cũng bật dậy góp vui:
- Ôi, con hỏi cái thằng Bùi Kiệm này thì nó biết gì, nó chỉ biết đá gà với cá độ đá banh thôi.
Tôi nói với lên trên cho Hạnh nghe:
- Hạnh, mày nhớ con Tú Uyên không?
- Nhớ, con nhỏ mở quán nhậu trên đường Lê Hồng Phong chứ gì.
- Ừ, nó kể hồi trước nó đi ra bưu điện gửi tiền về quê, gửi có 2 triệu đồng mà ghi thành 2 tỷ, con nhỏ nhân viên đọc giấy hỏi lại rằng chị gửi 2 triệu sao lại ghi tới 2 tỷ, tiền ở đâu em bù vào. Nó bảo, quê dễ sợ luôn bà Hân, tui không biết 1 tỷ có mấy số không. Đó cũng tốt nghiệp lớp 12 đấy.
Út bị chọc quê, tức lắm, giờ mới nghĩ ra cách trả thù:
- Bà cũng bị bà Hạnh dụ mua một lúc mấy trăm triệu, còn cười cái quái gì nữa. Mai mốt mất tiền lại khóc ra tiếng Mán bây giờ.
- Ơ, Thằng này. Tao mua bảo hiểm cho con tao mà, tao đâu có gửi tiết kiệm. Lỡ mình có bề gì thì thằng nhóc còn có chút tiền phòng thân.
- Bà thấy đấy, hồi cơn bão số 5, bao nhiêu ngư dân chết đứng chết ngồi vì bọn Bảo Việt không chịu bồi thường cho họ, tàu thuyền phải mượn tiền ngân hàng để mua, nhưng chìm, hư hỏng thì bảo hiểm không đền trong khi tiền ngân hàng vẫn phải mắc nợ, đâu có chạy làng được.
- Bởi vậy...Bọn bảo hiểm Bảo Việt mất dậy lắm. Đọc trên báo tao nghe mấy người chủ tàu không dám về đất liền vì sợ bị ngân hàng xiết nợ, cứ chạy vòng quanh trên biển. Thật là khốn nạn cho dân Việt Nam mình.
- Nhà nước bắt buộc phải mua bảo hiểm đấy, nhất là xe cộ, tàu bè. Mà hình như chị cũng có mua bảo hiểm an sinh cho thằng Tài phải không?
- Ừ.
- Sao chị không rút ra cho rồi.
- Hồi mua bảo hiểm của cái Hạnh cũng tính rút ra nhưng rồi lại thôi, rút ra bị lỗ 20 %. Thôi, còn có vài năm nữa là mãn hạn, với lại có 32 triệu ấy mà, mai mốt lãnh ra chưa đủ tiền mua cho nó một chiếc A còng (@)
Ngưng một chút, tôi lại kể chuyện tiếp:
- Chồng con Trâm, ông Kẹo cũng mua bảo hiểm của bà chị bán, chẳng đọc kỹ hợp đồng, ký bừa, vừa mới đây hãng gọi lại thông báo vì ông đến tuổi (50) ông phải đóng phí gấp đôi, tức mỗi tháng 400 $ thay vì lúc trước mỗi tháng chỉ 200$. Một là chấp nhận đóng phí gấp đôi, hai là rút hợp đồng, chẳng biết suy nghĩ làm sao ông rút hợp đồng, mất hết 80%, gần đứt 20 ngàn đô, tiếc quá bệnh cả tháng.
Tôi khoái chí cười khanh khách, lẩm bẩm: Kẹo như ông mà mất một lúc gần 20 ngàn không bệnh sao được.
Bỏ qua chuyện bảo hiểm, tụi tôi lại bắt qua đề tài chính trị, kinh tế "thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" ở trong nước. Anh Hùng cắt ngang lời tôi hỏi:
- Em ở bên đó thường đọc báo gì?
- Nhiều lắm anh, báo nào cũng có, hải ngoại có mà Việt Nam cũng có. Anh vào Saigonbao.com mà tìm, đủ thứ cho anh đọc.
- Máy của anh đâu vô được chỗ đó.
- Vậy là bị tường lửa chặn rồi, cái vụ này thì em không biết gỡ, nghe nói cũng dễ lắm mà em chưa thử. Tụi công an mạng chặn lại vì sợ người dân vô đọc tin tức "phản động" trên Tây Nguyên, dân Thượng đi biểu tình dữ lắm mà báo trong nước có đưa tin đâu.
- Ừa, đúng rồi, có lần anh chở khách ngoại quốc lên Đà Lạt bị phạt đó Hân, tụi ông Don chớ ai, mỗi người bị phạt 200 đô la. Mấy ông chửi quá trời, anh thì không bị phạt, tụi nó cảnh cáo bắt xe quay trở lại Sài Gòn.
- Người ngoại quốc bị cấm không cho lên vùng Tây Nguyên, sợ họ đưa tin ra quốc tế đó mà. Tại anh không theo dõi lệnh cấm.
- Chính quyền đâu có thông báo, đâu có đề bảng cấm, chờ cho mình vô tận trong, công an mới giữ lại mời về đồn giải quyết, nộp phạt.
- Ừ, nếu thông báo trước thì làm sao chúng nó thâu mỗi người 200 đô la tiền "tươi" được chớ.
Tôi nhìn ra bên ngoài, xe đã chạy đến đia phận Hố Nai, con bé Cát Tường bên cạnh tôi không chịu ngồi mà cứ đứng chồm lên phía trước, hai mắt lờ đờ ngủ gật, sợ nó té, tôi kéo con bé ngồi xuống bắt nằm gối đầu lên đùi mẹ mà ngủ, nhưng nó bật đứng dậy khóc bù lu bù loa, càng quát con bé càng lì mặt ra, chán tôi chẳng thèm động tới nó, một hồi buồn ngủ quá, con bé leo lên nằm gọn trong lòng mẹ.
Xe chạy đến địa phận Long Khánh, anh Hùng giảm tốc độ, hỏi Hạnh:
- Sắp tới nhà bà con em chưa?
- Anh cứ chạy đi, chưa tới đâu, còn lâu.
Xe lại vun vút lao đi, hai bên đường là những rừng cây cao su bạt ngàn, xanh tốt. Tôi ngả mình ra phía sau, nhắm mắt, mơ màng ngủ thiếp đi.
- Anh chạy từ từ thôi nghen, hình như sắp đến rồi đấy.
Tôi mở choàng mắt, nhìn ra bên đường. Mặt trời đã lên cao, ánh nắng chiếu lấp loáng phía trước mặt. Tôi thốt lên:
- Ồ, khu này dân cư bắt đầu tập trung về đây đông đúc rồi đấy, nhà cửa san sát mọc lên hén.
Hạnh đáp lại liền:
- Bởi vậy, có tiền lên đây mua đất để dành, chắc mai mốt hốt bạc.
- Thôi, quên chuyện đất đai đi, đừng có mơ, thị trường địa ốc đang bị đóng băng rồi kìa. Phen này khối thằng tự vẫn.
- Tới rồi anh Hùng, anh quẹo vào đây.
Anh Hùng cho xe rẽ vào con đường đất đỏ, gập ghềnh khó chạy, có lúc xe nghiêng hẳn qua một bên làm tôi hết hồn tưởng đổ. Chạy được một khúc, Hạnh chỉ anh Hùng dừng lại ngay dưới gốc rừng cây Bạch Đàn, nói:
- Để xe đây thôi anh ạ, đoạn đường vào trong xấu lắm, mình đi bộ vào được rồi, khoá cửa xe cẩn thận, nhờ mấy đứa trẻ trong căn nhà kia ngó giùm. Dân ở đây thật thà lắm, không ăn cắp giống chỗ nhà anh đâu mà sợ.
Cả nhóm xuống xe, tôi nhờ anh Hùng mở cửa thùng sau để lấy ít bánh kẹo làm quà cho mấy đứa nhỏ. Chúng tôi lũ lượt kéo nhau đi trên con đường mòn phía trước mặt. Nhà anh họ tôi nằm lưng chừng một ngọn đồi thấp, trước mặt là con suối cạn, trơ ra những viên đá sỏi. Khi cả nhóm bước đến cổng rào, một đàn chó lao ra sủa inh ỏi. Anh Quynh đang đảo mấy nia hột tiêu phơi ngay sân nhà, nheo mắt ngó nhìn ra phía ngoài, thấy chúng tôi, anh nhe hàm răng cải mả ra cười toe toét:
- Cạo (cậu) với mấy đứa lên thăm thằng nớ trên ấy hả?
Anh bỏ dở công việc mời cả nhóm vào nhà uống nước. Tôi ngó quanh quẩn, căn nhà này hình như mới được quét vôi lại, trông có vẻ mới hơn. Tôi và Hạnh xăm xăm đi thẳng ra phía sau nhà, thông qua cửa bếp, chui vào nhà tắm cũ tính giải quyết "nỗi buồn muôn thủa". Thế nhưng cái nhà tắm cũ này đã trở thành chỗ nuôi gà, cứt gà ỉa be bét ở trong đó, mùi xú uế bốc lên nồng nặc khiến tôi trở lui đứng ra xa. Ngay sát hàng rào là một con đường mòn nhỏ dẫn lên núi, phía bên dưới là nhà hàng xóm nhìn lên, bên tay mặt là chuồng heo, tìm mãi cũng chẳng ra chỗ nào kín đáo cho mình "xả" một cái. Tôi đứng chống nạnh ngay gần bụi chuối, cất tiếng chửi thề:
- Mẹ kiếp, cái thằng cha Quynh này chỉ lo làm giầu, có mỗi cái nhà vệ sinh mà bao nhiêu năm nay không làm được cho tử tế. Ủa... rồi người trong gia đình muốn đi thì đi ở đâu? Chắc lên núi đi bậy à? - Tôi quay sang hỏi Hạnh.
- Thì chắc vậy chứ còn gì nữa, hôm trước còn có cái nhà tắm, bây giờ thì đầy cứt gà. Đúng là dân Bắc Kỳ, sao mà ở bẩn thế!
Tôi đứng lắc đầu.
- Ngộ thật hén, đây chỉ cách Sài Gòn có 100 cây số, sao mà lại lạc hậu thế này!
Tôi đi ngược lại phía mấy cái chuồng heo, mùi hôi nồng nặc xộc vào mũi thật khó chịu, mấy con lợn xề (heo nái) ục ịch, vú dài chạm đất đứng bật dậy, chạy lại trước cửa chuồng kêu ủn ỉn, nghếch cái mõm nhìn lên tôi bằng đôi mắt ươn ướt, chúng nó tưởng tôi ra cho ăn, con nào con nấy phải nặng hơn một tạ. Hồi lần trước tôi ghé đây, chuồng nào cũng đầy ắp những chú lợn con tí xíu, trắng phau kêu léc éc, hôm nay chuồng trại vắng ngoe, chắc anh chị mới bán heo giống.
Giải quyết xong nỗi buồn, tôi quay trở vào trong bếp, nhìn sang bên góc trái phòng, trên cái ghế bố cũ xì, loang lỗ những vệt ố bẩn, bà Ba Tui nằm co ro như con tôm ở trên đó, đôi mắt mờ đục, môi tái nhợt khô nứt nẻ đang rên hừ hừ. Phía bên kia một chút, chị Út Giang ngồi ngay bàn ăn cơm cũ, con bé Cát Tường đứng bên cạnh dựa hẳn vào người mẹ, còn một cái ghế đẩu khác thì chân như sắp sửa bung ra, xiêu vẹo. Tôi bước lại gần ghế bố, ngồi xổm xuống bên cạnh, nắm lấy tay bà Ba Tui, lay nhẹ:
- O ơi, O còn nhận ra cháu không?
Ngón tay bà khẽ đụng đậy, môi mấp máy, nhưng chỉ phát ra tiếng rên hừ hừ. Chắc bà nhận ra nhưng lại không nói được. Tội O tôi quá! Thân hình bà chỉ còn là da bọc xương, hai hốc mắt sâu hoắm, trông mới thảm thương làm sao. Hồi cuối năm 2003, khi tôi ghé đây thăm, bà tuy đã yếu đi nhiều nhưng vẫn còn tự mình đi lại được, thấy con cháu tới đông, bà cố lết qua ngồi bên cạnh. Thằng Út nhà tôi sán lại gần thò tay bóp "tí già" của bà, miệng la lớn:
- Trời ơi, còn da không à bà.
Bà lại cất tiếng chửi:
- Mồ tổ bây.
Tôi tưởng chừng việc chỉ mới xảy ra ngày hôm qua, giờ quay lại bà đã nằm liệt một chỗ, vấn đề ra đi chỉ còn là thời gian. Bàn tay gầy guộc của bà nằm lọt thỏm trong bàn tay tôi, lạnh ngắt, như không còn sinh khí. Tôi thầm cầu Trời khấn Phật mang bà đi sớm, giải thoát cho bà khỏi nỗi đau trần ai này, sống không đặng mà chết cũng không xuôi. Nhìn bà, tôi ứa nước mắt, sự thương cảm cứ trào dâng nghẹn cứng cổ họng, mặn chát bờ môi. Bất giác, tôi quay lại hỏi trống không:
- Ủa bố đâu rồi? Bố đã xuống thăm bà chưa?
Chị Út Giang vẫn còn ngồi trên ghế, lắc lắc cái đầu. Tôi nghiêng hẳn người ra phía sau nhìn qua cửa chính của căn nhà bếp, Bố tôi đang đứng dưới thềm nhà trên, quay lưng lại phía tôi, một tay chống nạnh, còn tay kia đang hua hua giảng nghĩa một điều gì đó mà tôi không nghe rõ, nhưng đoán được ông nói gì. Tôi lẩm bẩm một mình: "Lại kinh tế...cả đời chả làm được tích sự gì mà đi đâu cũng đòi dạy người khác làm kinh tế, thật là chán ông già ghê!" Tôi cất tiếng gọi rõ lớn:
- Bố ơi.
Ông giật mình quay lại:
- Cái gì đấy?
Tôi đưa tay vẫy ông lại, ông bỏ anh Quynh đứng đó, bước về căn nhà bếp nơi chúng tôi đang ngồi.
- Bố này thật vô tâm, lên thăm chị bệnh mà từ nãy đến giờ bố cứ đứng ngoài đó thao thao bất tuyệt, kinh tế với chả chiến lược. Thiệt tình...
Bố tôi cười hềnh hệch, chị Giang đứng dậy nhường cái ghế lành lặn duy nhất cho ông, vừa đặt đít xuống ngồi, ông vừa hỏi:
- Bà có ăn uống gì được không?
Chẳng biết có sức mạnh vô hình nào mà bàn tay bà Ba Tui động đậy, tuột khỏi tay tôi, đưa lên chới với, từ hai hốc mắt sâu hoắm ứa ra hai giọt lệ lăn dài trên gò má nhăn nheo. Tôi kêu lên:
- Bố, bà nhận ra bố này, bố lại đây nắm tay bà đi.
Bố tôi bật dậy, rời khỏi ghế bước sát đến gần ghế bố, nắm lấy bàn tay của bà, ân cần hỏi:
- Chị thấy trong người thế nào?
Ông đưa nốt bàn tay kia vuốt mấy cọng tóc bạc trắng loà xoà trên mặt bà, bà Ba Tui vẫn nằm yên, đôi môi mấp máy nhưng chỉ phát ra những tiếng rên hừ hừ.
- Bà có ăn được chi mô, chỉ uống tí sữa cầm chừng.
Giọng nói của anh Quynh làm tôi giật mình ngước lên, ngồi xổm nãy giờ cũng mỏi chân, tôi bước lại bao tải bắp để trong góc gần đó ngồi lên, hỏi:
- Bà nằm liệt lâu chưa anh?
- Cũng mấy tháng rồi, cực quá, tiểu tiện một chỗ.
- Sao anh không truyền thêm nước biển cho bà lấy sức, cho bà nằm ở cái ghế bố thế này, tội chết...!
Vừa lúc đấy, chị dâu tôi từ trên rẫy về. Bước vào nhà, chị lễ phép chào bố tôi:
- Cậu mới lên chơi.
Nói xong chị ngả nón quạt phành phạch, mồ hôi nhễ nhại, mấy cọng tóc mai ướt nhẹp loà xoà trên gương mặt trắng hồng. Mặc dù chị nay đã ngoài 50 tuổi, đứa con gái lớn đã gả cho người ta và sinh được ba thằng con, chị lại vất vả khuya sớm việc nhà, việc nương rẫy, vậy mà chị vẫn cứ đẹp phơi phới như gái xuân thì. Thật là một điều kỳ lạ.
Anh Quynh tôi trước kia là "bộ đội cụ Hồ", sau khi giải ngũ trở lại quê nhà với đôi bàn tay trắng, nghèo khổ, đói rách, anh tình nguyện đi kinh tế mới và chọn mảnh đất này làm quê hương. Anh kể, lúc anh vào đây, nơi này chỉ là vùng đồi núi hoang dã, không một bóng người. Anh phạt núi làm rẫy, dựng tạm căn chòi, và với đôi bàn tay mình anh đã cải tạo khu đồi núi này thành những nương rẫy trồng đủ các loại, từ cà phê, tiêu hột đến mít, đu đủ, trái thơm, nay đã đơm hoa kết trái. Anh tôi chân chất quê mùa, quần xắn móng lợn, chân cẳng đen thùi, gót chân nứt nẻ.
Tụi tôi theo anh lên nhà trên uống nước, phòng khách trông có vẻ khang trang hơn xưa nhiều, ngoài bộ ghế sa-lông bằng gỗ cẩn xà cừ, có thêm cái tủ ly gắn kính sáng choé, trên đầu tủ đặt cái máy điện thoại, và cái ti vi nhỏ. Anh Quynh xúc bình trà và pha nước, anh rót trà vào mấy cái tách bằng thuỷ tinh còn hằn những vết ố bẩn chưa rửa sạch. Vừa nói chuyện, anh vừa thò ngón tay út vào ngoáy lỗ mũi, xong quệt ngay ra quần rồi mở nắp hộp bánh mứt, bốc vài cái mời mọc tụi tôi. Tôi nhìn theo lắc đầu:
- Ông này ở bẩn gớm!.
Anh nhe răng ra cười, hàm răng hô vàng khè ám khói thuốc lào làm tôi nhìn phát chết khiếp. Thật chẳng sai chút nào khi dân miền Nam vẫn ám chỉ mấy ông cán bộ Bắc Kỳ hồi mới "giải phóng" vô là dân răng hô mã tấu, nhìn khiếp thật! Trông xấu xấu bẩn bẩn vậy thôi mà anh cũng có tới hai đời vợ, đã vậy chị vợ sau lại xinh đẹp, đảm đang hơn người. So với anh, chị dâu tôi đúng "như bông hoa nhài đem cắm bãi cứt trâu". Phải chị mà lọt vào tay ông đại gia nào đó, mang chị về gột rửa lớp phèn chua trên người, chắc chị dâu tôi chẳng kém gì mấy bà mệnh phụ phu nhân. Thật là uổng phí cả một đời hoa!.
- Năm nay anh vô mánh được bao nhiêu?- tôi cất tiếng hỏi.
- Vô cái chi mà vô.
- Vừa mới tống đàn heo đi mà bảo không vô mánh, khai thật đi mà.
- Được "bi" nhiêu, thời buổi này nuôi heo lỗ, coi như lấy công làm lời. Em tính đi, tiền cám heo, công chăm sóc heo đẻ cực lắm. Giống như gửi tiền tiết kiệm ngân hàng thôi chứ lời chi mô.
- Ừ thì cứ cho là gửi tiết kiệm, nhưng khai ra, bán được bao nhiêu?
Anh vẫn ậm ừ không chịu nói, tôi tấn công tiếp:
- Khai ra cho em út mừng với chứ ai xin ông đồng nào đâu mà sợ tốn hỉ.
Anh lại nhe răng cười.
- Ủa thằng Tý đâu rồi? Chừng nào nó lên lại Sài Gòn.
- Thư thả cho cháu vài bữa, nhà neo người quá, để cháu ở đây thu hoạch tiêu. Tiêu chín rụng đầy vườn rồi.
Tý là con trai thứ của anh chị, đang theo chú Út học nghề điện lạnh, 17 tuổi nhưng bé tẹo, nhỏ hơn cả thằng Tài con tôi. Tý nhanh nhẹn, tháo vát và rất lễ phép, vậy mà tôi nghe thằng Út kể lại, đã có thời cu cậu bỏ nhà đi bụi đời làm anh Quynh cuống quýt đi tìm con cả tháng. Thằng Tý bỏ đi bụi đời chỉ vì sợ phải đi học, nó quỳ xuống lạy bố nó cho phép được nghỉ học, nó bảo có đánh chết cũng không chịu đi học. Anh tôi đành phải đầu hàng con, gửi nó xuống Sài Gòn theo chú Út học nghề điện lạnh. Nhiều lúc nhìn nó, tôi lại mắc phì cười. Thằng Tý làm tôi khó chịu nhất là để mái tóc kiểu "Tabu", tôi không hiểu tại sao người Sài Gòn lại gọi mái tóc đó là Tabu, mái tóc chẻ ngôi giữa, phủ qua tai và cắt ngắn đằng sau ót, trông ngứa mắt không chịu nổi, cho nó tiền đi cắt tóc kiểu khác nhưng chỉ được vài bữa, nó lại chải y như cũ. Nhìn thằng mái tóc thằng Tý, tôi lại nhớ câu chuyện chị Hai kể: Thằng công tử con bà dì từ miền Nam ra. Một hôm đi cắt tóc về, tắm rửa, gội đầu rồi đứng trước gương soi ngắm ngắm vuốt vuốt. Thấy mẹ đứng sau lưng, nó quay lại hỏi: " Mẹ thấy mái tóc con cắt kiểu này đẹp không mẹ?" Mẹ nó đứng nhìn một lúc, chậm rãi nhả từng lời với cái giọng nhà quê "Mẹ chã thấy đẹp, sao mà giống như hai cái mông đít người ta ". Thằng nhóc nghe vậy khóc um xùm cả nhà. Còn tụi tôi nghe kể cười rum trời đất.
Tôi ngó đồng hồ rồi đứng bật dậy:
- Đi thôi cả nhà ơi, trễ rồi.
- Ở đây ăn cơm đã, mấy khi ghé lên, sao vội thế...
- Tụi em lên trên đó ăn cũng được, trễ rồi, mình phải nộp giấy trước để gặp ông đầu giờ chiều, không thôi ông đi lao động là huốc mất một xuất.
Hạnh cũng đứng lên theo, quay sang dặn anh Quynh:
- Anh nhớ bảo thằng Tý bẻ mít với lại thơm cho em nghen, chút nữa trên đường về tụi em ghé lấy.
- Ừ, để anh kêu mấy đứa bẻ cho, mà nhiều hay ít?
- Càng nhiều càng ít.
Tôi xen vào:
- Vài trái thôi anh ạ, để mà bán.
- Gớm bán được bi nhiêu.
Anh chạy vội ra ngoài sân, tụi tôi quành xuống nhà bếp để chào chị dâu và thăm bà Ba tui thêm lần chót. Bà vừa được chị dâu và chị Giang tắm, người run bần bật, kêu được vài câu: "Lạnh quá, lạnh quá!". Tôi bước lại gần nắm lấy tay bà lần cuối, tôi biết có lẽ đây là lần cuối cùng. Buông tay bà, tôi kéo chị dâu ra một góc, thì thầm: "Chị cầm ít tiền này mua sữa cho bà, cố chăm sóc cho bà những ngày chót chị nhé.".
Anh Quynh đón tôi ngay cửa, đưa một bịch hạt tiêu đã được cột túm ở đầu, nói:
- Nhà chẳng có gì, em cầm ít hạt tiêu này qua đó để dành mà ăn. Cho anh gửi lời hỏi thăm ông xã với.
Tôi gạt tay anh:
- Thôi, anh để mà bán, toàn mồ hôi nước mắt không mà cái gì cũng mang cho.
- Bán được bi nhiêu, cây nhà lá vườn mà.
- Em biết rồi, nhưng mà lần trước anh cho đang còn nhiều lắm, ăn có đến cả ba năm nữa chưa hết, lo gì. Cất đi, để mà bán. Khi nào hết khỏi cho em cũng xin. Chút nữa quay về nhớ bẻ mít, đu đủ và thơm là được rồi. Thôi em đi đây, anh chị ở lại mạnh khoẻ.
Tôi vỗ nhẹ lên vai anh và theo đoàn người bước xuống chân đồi...