Sau ngày 1.11.1963, nhìn chung quanh, những người phục vụ gần Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, ông Cố Vấn Ngô Đình Cẩn và mọi người "của chế độ cũ" mà tôi quen biết, tất cả đều đã bị bắt giam. Cùng ngày tôi phải vào trình diện Tướng Trí tại Đà Nẵng, ngày 4. 11, thì ông Hồ Đắc Trọng, người phụ trách phía dân sự tại văn phòng ông Ngô Đình Cẩn bị bắt. Trong hoàn cảnh ấy, mặc dầu bản thân tôi và vợ con tôi đã từ miền Trung vào được Sài Gòn yên ổn. Nhưng tôi vẫn chuẩn bị tinh thần luôn luôn sẵn sàng để vào "họp mặt" với bạn bè trong nhà giam.Cho đến khi sóng gió trên chính trường miền Nam tạm lắng dịu, tất cả bạn bè, người quen, thấy tôi còm "nguyên vẹn" không "hề hấn xây sát gì", đều hết sức ngạc nhiên. Thậm chí có người còn nói rằng tôi đã theo phe "cách mạng". Và chính bản thân tôi, tôi cũng chẳng hiểu tại sao lại hưởng cái may mắn lớn lao như thế? Trong khi tôi hoàn toàn thân cô thế cô, và không hề gõ cửa bất cứ một vị "anh hùng cách mạng" nào. Mặc dù tôi được quen biết hấu hết quý vị ấy. Vì tôi đã hiểu được mặt trái của cuộc đời trước sự đổi thay quá phũ phàng của nhân tình thế thái.Chính vì điểm này mà tôi xin được phép lạm dụng thì giờ của quý độc giả, để ghi lại ở đây một vài nguy hiểm, phiền hà tôi đã vượt qua một cách rất "nhẹ nhàng, trơn tru", ngoài sự suy nghĩ tưởng tượng của tôi. Để trước hết là tạ ơn Thượng Đế đã an bài những điều tốt lành cho con. Và thứ đến là ghi ơn tất cả các vị, các bạn bè, đã giữ nguyên vẹn tình cảm đối với tôi trong những ngày đầy bất trắc khi đất nước nổi cuộc bể dâu.Trở lại từ khi tôi được Tướng Đỗ Cao Trí gọi vào trình diện ông tại Đà Nẵng, tôi đã ngạc nhiên khi ông Phó Lãnh Sự Mỹ đến hỏi tôi về lệnh này. Và rồi ông đã chu đáo cho một máy bay đưa tôi đi, thay vì để tôi đi đường bộ vì ông sợ sẽ có nguy hiểm cho tôi. Sau khi tôi đến Đà Nẵng, vợ con tôi cũng được Tướng Trí và Đại Tá Trần Thanh Phong Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn, lo liệu cho đưa từ Huế vào cách an toàn và cấp chỗ ăn ở thật tốt đẹp.Đến khi được đưa từ Đà Nẵng vào Sài Gòn là do lệnh của Tướng Tôn Thất Đính. Nhưng như tôi đã kể ở phần trên, khi thấy tôi có mặt tại Tổng Bộ An Ninh, Tướng Đính đã ngạc nhiên hỏi tôi: "Bác vô khi mô? Ai đưa bác vô? "Sau này tôi mới được biết:Ít ngày sau khi cuộc đảo chánh thành công, Tướng Đính đã đến nhiều nơi thuyết trình về thành quả cuộc "cách mạng". Khi đến Huế, gặp hai Đại Úy Thiết và Hùng, không thấy tôi, ông hỏi: Còn Minh đâu? Anh Hùng cho tôi biết tôi được Tướng Trí gọi vào Đà Nẵng rồi. Ông liền ra lệnh: "Về Sài Gòn kêu Đại Úy Minh vào trình diện tôi"Và sau đó thì ông quên luôn. Điều này tôi không dám trách ông, vì lúc ấy ông bận rộn quá mà. May nhờ Sĩ Quan Tùy Viên của ông, Đại Úy Nguyễn Duy Nghệ, đã cẩn thận ghi ngay lệnh của ông vào sổ tay. Khi về Sài Gòn, Đại Úy Nghệ đã theo lệnh trên thực hiện các công việc: Gửi Công Điện cho Quân Đoàn I đưa tôi vào trình diện Tổng Bộ An Ninh, yêu cầu Bộ Tư Lệnh Không Quân cho máy bay ra đón, và anh còn chu đáo nhờ chính Thiếu Tá Đình, em Tướng Đính ra sân bay đón chúng tôi.Qua đến việc Tướng Trần Văn Đôn cho tôi chọn đơn vị ở Sài Gòn, tôi đã chọn Nha Xã Hội Quân Đội và đã được chính ông ký lệnh tuyên chuyển cho về đó. Nhưng chiều 29. 1. 1964, ông đến thăm Nha Xã Hội, Sĩ Quan các cấp trong Nha đứng xếp hàng đón ông, trong đó có tôi. Khi cuộc thăm viếng chấm dứt, Trung Tá Giám Đốc Trương Khuê Quan gọi tôi qua phòng cho biết, Tướng Đôn đã hỏi ông, ai cho tôi về đây? Khi được Trung Tá Quan trả lời, lệnh tuyên chuyển của tôi do ông ký. Và Trung Tá Quan diễn tả: Tướng Đôn tỏ vẻ hơi ngạc nhiên, ngúc ngúc đầu có vẻ suy nghĩ. Phải chăng cũng lại vì quá bận rộn với "công cuộc cách mạng" ông đã quên mất tình cảm tốt đẹp đã dành cho tôi khi mới đón nhận hào quang chiến thắng? Và đêm hôm ấy, ông là một trong số các vị "anh hùng cách mạng" bị hai Tướng Nguyễn Khánh và Trần Thiện Khiêm loại khỏi cuộc đua quyền lực.Về Nha Xã Hội được khoảng hai tuần lễ, cuối tháng 11. 1963 tôi nhận được giấy Nha An Ninh Quân Đội gọi trình diện. Vì chưa bao giờ làm việc với các Nha, Sở kiểu này, tôi ngây ngô nghĩ rằng Nha gọi thì lên trình diện Giám Đốc Nha. Thế là, theo ngày giờ hẹn, tôi đến Nha An Ninh Quân Đội xin vào gặp Thiếu Tá Chánh Văn Phòng, anh Trần Hữu Độ. (Anh Độ là bạn học cùng khóa với tôi ở Huế. Thiếu Tá Độ có cấp bậc sau cùng là Đại Tá, hiện định cư tại San José) Gõ cửa bước vào tôi hỏi anh Độ:- Cậu gọi tớ có chuyện gì đây?- Ai gọi cậu?Vì nghĩ rằng tất cả mọi giấy tờ của Nha đều phải qua mắt Chánh Văn Phòng, tôi nói:- Ơ hay, Chánh Văn Phòng mà Nha gọi một Sĩ Quan đến trình diện lại không biết sao?- Giấy gọi đâu đưa tớ coi.Coi giấy gọi rồi, anh nói:- May mà cậu đến đây, chứ đến đúng nơi gọi thì nó cum cậu rồi.- Bắt tớ thì vợ con tớ đỡ phải nuôi chứ ăn nhằm gì.- Giờ này mà cậu còn nói giọng ba gai nữa.Nói rồi anh nhấc điện thoại, quay số và hỏi:- Các anh mời Đại Úy Minh về chuyện gì đấy?Sau khi nghe đầu dây bên kia trả lời, anh nói:- Đại Úy Minh là bạn tôi. Tôi bảo lãnh ông ấy. Các anh có hỏi gì thì hỏi trong giờ làm việc. Ngoài giờ làm việc để ông ấy về. Bỏ điện thoại xuống anh nói với tôi:- Chúng nó gọi cậu theo danh sách Hội Đồng Cách Mạng yêu cầu. Nhưng tớ đã bảo chúng nó rồi, chúng nó sẽ không giữ cậu đâu. Bây giờ cậu xuống phòng Công Tác xem nó hỏi cái gì.Lần thứ nhất, tôi thoát không bị "cum".Khoảng giữa tháng 1. 1964 tôi lại nhận được giấy Nha An Ninh Quân Đội gọi trình diện. Lần này trên giấy gọi ghi rõ: Trình Diện Thiếu Tướng Giám Đốc. Tôi đến trình diện Tướng Đỗ Mậu, được ông đối xử rất tử tế. Sau khi chỉ ghế mời ngồi, ông nói:- Minh à! Tuy anh em mình ít gặp nhau, nhưng moa rất mến toa. Anh em cũng không ai phiền trách gì toa. Nên bữa ni moa cho gọi toa đến để khuyên toa một điều: Toa đừng mưu tính gì với các anh em cũ nữa nghe. Tình thế đã như ri rồi, toa có muốn mần chi cũng không mần được mô. Chỉ phiền và nguy hiểm cho toa thôi.Nghe ông khuyên, tôi hết sức ngạc nhiên không biết ông muốn nói về chuyện gì. Tôi thưa lại:- Thưa Thiếu Tướng, Thiếu Tướng muốn nói về việc gì? Tôi không hiểu!- Thôi, toa đừng giấu moa. Moa đã nói moa rất mến toa, và vì tình anh em cũ moa mới kêu toa tới khuyên can. Nếu không, cứ để cho tụi nó hỏi toa, moa mất công mần chi.- Tôi hết lòng cám ơn cảm tình Thiếu Tướng dành cho tôi. Nhưng quả thật tôi không hiểu Thiếu Tướng muốn nói về việc gì, làm sao tôi biết được là việc gì mà giấu.Có lẽ nhận ra thái độ thành thật của tôi, ông nói thẳng ra:- Toa không mưu tính gì với đám anh em cũ, thì toa ra phi trường đón Đặng Sỹ mần chi?- Ồ! Thưa Thiếu Tướng, vậy thì tôi hiểu rồi. Xin Thiếu Tướng cho phép tôi được thưa: ứa nào đã báo cáo với Thiếu Tướng việc này theo tôi, thì một là nó ác ý muốn hại tôi, hai là nó ngu.- Răng toa nói vậy?- Thưa Thiếu Tướng vì nó chỉ báo cáo lý do phụ, mà lại giấu lý do chính về sự có mặt của tôi tại phi trường hôm ấy. Chắc Thiếu Tướng cũng dễ thấy, anh Sỹ bị dẫn giải chứ không phải là một hành khách bình thường, làm sao tôi biết anh đi chuyến máy bay ấy mà đón? Còn sự kiện tôi đón ba người đàn bà, một cô con gái và sáu đứa nhỏ đưa lên xe chở đi thì sao nó không báo cáo với Thiếu Tướng? Đó mới là lý do chính về sự có mặt của tôi tại phi trường hôm ấy. Những người đó là vợ, các con tôi và bà chị vợ từ Sài Gòn ra đưa vợ con tôi từ Đà Nẵng vào.Như vậy Thiếu Tướng đã thấy lý do tôi có mặt tại phi trường hôm ấy là để đón vợ con tôi từ Đà Nẵng vào. Trong lúc tôi đứng trong phòng đợi, thì anh Sỹ được Hiến Binh áp giải đi qua. Tôi có tới bắt tay chào, hỏi thăm anh, vì dẫu sao cũng còn tình anh em. Cũng như Thiếu Tướng đối với tôi hiện giờ thôi. Chứ đâu phải tôi mưu tính gì.- À! Ra rứa! Nhưng dầu sao moa cũng khuyên toa không nên liên lạc nhiều với anh em cũ, không có lợi cho toa.Lần thứ hai, tôi thoát âm mưu của một tên tiểu nhân nào đó muốn tâng công với "cách mạng".Tôi xin mở dấu ngoặc ở đây để viết đôi dòng về một sự kiện tôi được nghe trong dịp đến trình diện Tướng Mậu vừa kể trên.Khi ngồi tại văn phòng Thiếu Tá Độ, đợi để vào trình diện Tướng Mậu, tôi được nghe hai sĩ quan mà một người tôi quen biết. Trung Úy Lê Vinh, sĩ quan ngành Quân Cụ. Sau này Trung Úy Vinh đậu bằng Cao Học Luật, đã chuyển qua ngành Ngoại Giao và qua làm việc tại Tòa Tổng Lãnh Sự Việt Nam ở Tân Đề Li, Ấn Độ. Ông Vinh còn ở Việt Nam. Khi đi cải tạo về tôi có gặp ông một lần, và được biết ông phụ trách ban kinh tế của thành đoàn thanh niên Cộng Sản Hồ chí Minh, Sài Gòn.Sự kiện tôi được nghe Trung Úy Vinh và một số sĩ quan nữa đọc được, là bản tự khai của một thượng úy Việt Cộng, người Thượng, về hồi chánh. Viên thượng úy này khai lý do y xin hồi chánh:"... xin hồi chánh vì khu vực hoạt động đã hoàn toàn bị tê liệt vì Ấp Chiến Lược. Có lệnh rút ra Bắc. Nhưng không muốn bỏ vợ con buôn xóm, nên xin về hồi chánh".Khoảng một tháng sau, tôi lại nhận được giấy Tòa Án "Cách mạng" gọi trình diện Dự Thẩm Phòng 1. Thú thật khi nhận được giấy gọi tôi cũng hơi "r ét". Nghĩ lui nghĩ tới không biết vì chuyện gì mà mình lại bị cái tòa án xử "kh ông theo luật" này chiếu cố?Đúng ngày giờ hẹn, tôi đến tòa án gặp lúc ông Dự Thẩm Phòng 1 đi vắng. Người tùy phái cho biết chừng mười phút nữa ông Dự Thẩm về, và mời tôi ngồi trên ghế đợi trước cửa phòng. Quả nhiên 10 phút sau, một người đàn ông ăn mặc chững chạc, tay sách cặp da đi tới. Người tùy phái cho tôi biết người đó là ông Dự Thẩm Phòng 1. Tôi đứng dậy chào, ông bước tới bắt tay tôi nói:- Chào anh Minh. Tôi là Trần Thanh Quan đây. Anh còn nhớ tôi không?Vì chưa nhớ ra ông, tôi chưa kịp trả lời, ông đã mở cửa:- Mời anh vô trong mình nói chuyện.Sau khi cả hai cùng đã "an tọa" tôi dè dặt thưa lại:- Thưa xin lỗi ông Dự Thẩm, tôi nhớ mài mại, không rõ, hình như tôi đã được gặp ông Dự Thẩm ở đâu rồi?- Phải rồi, gặp nhau có một lần, lúc đó anh lại khách khứa nhiều quá làm sao nhớ được. Tôi là Trần Thanh Quan bạn anh Thiết. Hồi tôi bị đổi ra Tòa Thượng Thẩm Huế, được anh Thiết đưa lại thăm anh một lần. Anh nhớ ra chưa?- Thưa có phải ông Dự Thẩm trước cùng là sĩ quan ngành Quân Cụ với ông Thiết?- Đúng đấy.- Vậy thì tôi nhớ ra rồi, thưa ông Dự Thẩm.- Anh bị liên hệ đến vụ một ông già bị Quận Hương Trà bắt và tra tấn. Gia đình nạn nhân đâm đơn kiện. Hiến Binh đang thụ lý thì anh ra lệnh ngưng điều tra và xếp nội vụ. Anh có nhớ vụ này không?- Thưa ông Dự Thẩm tôi nhớ. Vụ này là do anh em Bảo An Quận Hương Trà phục kích ban đêm, bắt được một ông già rải truyền đơn Việt Cộng. Đưa về Quận, khi hỏi cung để tìm ra đầu mối, ông không chịu khai, nhân viên thẩm vấn đã dùng biện pháp mạnh với ông, bị gia đình ông đệ đơn kiện. Khi Hiến Binh đang tiến hành cuộc điều tra thì ông Trần Quốc Thái, Quận Trưởng, đến nhờ tôi xin ông Cẩn can thiệp cho ngưng cuộc điều tra, kẻo anh em mất tinh thần hết cả. Ông Cẩn chỉ thị cho tôi hỏi Hiến Binh, nếu đúng là ông này bị bắt khi đang rải truyền đơn Việt Cộng, thì yêu cầu họ xếp nội vụ. Ông nói: "Với bọn hoạt động Cộng Sản, anh em có đối xử nặng tay một chút thì cũng bỏ qua cho người ta. Điều tra lên điều tra xuống hoài thì còn ai dám chống cộng nữa". Sau khi được Hiến Binh xác nhận ông già bị bắt quả tang đang rải truyền đơn Cộng Sản, tôi có yêu cầu họ ngưng điều tra và xếp nội vụ.- Thời gian ở Huế tuy chỉ có mấy tháng, nhưng tôi đã thấy được những điều người ta nói về ông Cẩn và anh chẳng đúng chút nào. Việc của ông Cẩn ngoài tầm tay của tôi. Nhưng với anh, để có thể dẹp hẳn hồ sơ, tôi cần phải có biên bản cuộc hỏi cung và đối chất giữa anh và người Hiến Binh phụ trách vụ này. Nhưng anh yên tâm, anh chỉ thi hành lệnh trên, chẳng có tội gì, tôi sẽ lo cho anh.Nói rồi ông cho mời ông Thượng Sĩ Hiến Binh ngồi đợi ngoài cửa vào. Sau khi nghe hai chúng tôi đối chất theo các câu hỏi ông đưa ra, ông cho Thượng Sĩ Hiến Binh ra về. Còn tôi ngồi lại với ông, ông nói:- Anh đợi tôi viết xong biên bản, nếu anh đồng ý thì ký, rồi về.Sau một hồi hý hoáy viết, ông đưa cho tôi biên bản cuộc đối chất và hỏi cung viết kín 4 trang giấy và bảo tôi:- Đây là nội dung cuộc đối chất vừa rồi, anh đọc đi. Nếu anh đồng ý thì ký vô, để tôi cho xếp hồ sơ cho rồi.Nhận xấp giấy từ tay ông Quan, tôi cầm bút ký không đọc một chữ nào và đưa cho ông.- Vậy là xong. Anh yên tâm về đi, không có chuyện gì nữa đâu.Và sau đây là trường hợp ông Trần Thanh Quan biết và rồi có cảm tình với tôi.Khoảng giữa năm 1959-1960 gì đó, tôi không nhớ chính xác ngày tháng. Một buổi chiều tôi vừa từ văn phòng về nhà thì Đại Úy Thiết đến chơi, dẫn theo một người tôi chưa hề quen biết. Ông Thiết giới thiệu: Đây là Thẩm Phán Trần Thanh Quan bạn tớ, vừa từ Sài Gòn ra, tớ đưa lại thăm cậu.Mời hai ông vào nhà, sau một hồi thăm hỏi qua lại về gia đình, công ăn việc làm, những chuyện trời nắng trời mưa, hai ông cáo từ ra về. Mấy hôm sau ông Thiết đến chơi lại, và bây giờ ông mới cho tôi biết, tại sao đưa ông Quan lại chơi cách bất ngờ không cho tôi biết trước. Ông kể:"Trần Thanh Quan với tớ cùng ngành Quân Cụ, cùng được đi Pháp học về Quân Cụ với nhau. Sau khi được giải ngũ hắn học luật. Lấy được Cử Nhân Luật, thi đậu ngành Thẩm Phán, được đổi ra làm việc tại Tòa Thượng Thẩm ở đây (Huế). Khi biết hắn bị đổi ra đây, mấy người quen đã hù hắn rằng, ra Huế toa phải nhớ làm cho được hai việc:1. Mỗi khi đi qua nhà ông Cẩn phải xuống xe đi bộ, không thì có ngày ở tù.2. Phải làm sao gặp cho được thằng Đại Úy Minh ở văn phòng ông Cẩn, không thì sống không yên đâu.Hắn sợ quá, nhưng không làm sao chạy chọt cho khỏi phải ra đây được. Nên vừa tới đây, từ xân bay Phú Bài hắn đem cả va li, đồ đoàn đến thẳng nhà tớ, kể lại sự tình nhờ tớ chỉ vẽ và che chở.Nghe câu chuyện bịa đặt một cách ghê gớm và tức cười quá, thấy phải cho hắn biết sự thật, tớ bảo hắn: Từ lúc cậu tới đây tới giờ, tớ chưa ra khỏi nhà và cũng chưa liên lạc điện thoại với ai. Bây giờ để cậu thấy thực hư, cậu ra xe tớ đưa cậu lên nhà ông Cẩn rồi qua nhà Minh xem sao. Tớ lái se đưa hắn lên nhà ông Cậu, cho vào coi vườn, coi chim một vòng rồi đưa lại cậu. Trên xe về lại nhà tớ hắn cứ lắc đầu: Tại sao người ta lại có thể bầy đặt ra một cách quái đản như vậy?"Ông Quan làm việc ở Huế bao lâu, được thuyên chuyển về Sài Gòn khi nào tôi không hay. Lần thứ hai tôi được gặp ông tại tòa án "cách mạng" như vừa kể trên.Ít lâu sau, tôi được biết ông Quan được qua làm việc tại Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Pháp. Hy vọng bây giờ ông cũng còn ở Pháp và đọc được những dòng này, tôi viết để bày tỏ lòng cám ơn và cảm phục, một con người lương hảo trong giới cầm cân nảy mực, giữa thời buổi cường quyền ngồi trên công lý.Trước khi chấm dứt mục này, tôi thấy không thể để sót, không kể ra đây một sự kiện lạ lùng đã xảy ra đến với tôi trong cả hai lần tôi gặp cảnh khó khăn nhất trong cuộc đời. Và cũng để ghi lại đây một tấm lòng quý hóa của một người anh em, mà tôi và vợ con tôi không khi nào quên ơn.Thời gian làm việc với ông Cẩn. Đôi lần vào Sài Gòn, mỗi khi tôi đi đây đó, được một người anh em, chú Trần Hữu Tuệ, cùng đi, giúp tìm những địa chỉ tôi cần đến (chú Tuệ hiện định cư tại Vancouver Canada). Sự quen biết, tình cảm giữa anh em chúng tôi chỉ có thế. Chú Tuệ làm ăn sinh sống ở Sài Gòn. Một lần ra Huế thăm người đàn anh đang là sinh viên lớn tuổi nhất của Đại Học Luật Khoa Huế, ông Nguyễn Hữu Tiệp, chú có ghé thăm tôi. Ngoài ra giữa hai chúng tôi chẳng có tiếp xúc, liên lạc gì với nhau.Vậy mà, trưa ngày 2. 11. 1963, chú từ đâu không biết, đã đến với chúng tôi: "Em biết lúc này anh rối rắm lắm. Em ra xem anh có cần gì đến em không. Nếu anh phải vắng nhà thì xin anh cứ yên tâm. Em sẽ lo mọi chuyện cho chị và các cháu". Chú đã giúp đỡ vợ con tôi mọi chuyện từ Huế vào Đà Nẵng, và xuốt hơn một tháng vợ con tôi ở Đà Nẵng. Khi vợ con tôi vào Sài Gòn bằng đường hàng không, thì chú đã đi theo xe chở đồ đạc của chúng tôi từ Đà Nẵng vào đến Sài Gòn.Sáng ngày 30. 4. 1975, khi nghe ông Dương Văn Minh ra lệnh chuẩn bị bàn giao cho "cách mạng". Tôi không gặp được Trung Tướng Trung để xin quyết định của ông về Trung Tâm Huấn Luyện Hạ Sĩ Quan Chiến Tranh Chính Trị tôi đang chỉ huy, vì ông mắc họp với ông Dương Văn Minh trong Dinh Độc Lập. Tôi tập họp toàn bộ nhân viên, khóa sinh của Trung Tâm Huấn Luyện, làm lễ chào cờ lần chót rồi ra lệnh giải tán Trung Tâm.Về nhà chở vợ con đi kiếm đường thoát, nhưng đã quá trễ. Tôi cùng với dòng người đồng cảnh vào tá túc trong Đại Chủng Viện Sài Gòn trên Đường Cường Để. Chừng hơn bốn giờ chiều, chú Tuệ lại xuất hiện: "Chắc anh chị và các cháu từ sáng tới giờ chưa có gì ăn. Em đem đến ít ổ bánh mì, anh chị cho các cháu ăn cho đỡ đói". Tôi ngạc nhiên đến sững sờ: "Sao chú biết chúng tôi ở đây mà đến?". Chú trả lời tôi bằng tiếng cười hì hì: "Để em chạy đi kiếm cho các cháu ít nước uống". Chú đã ở lại với chúng tôi suốt đếm hôm ấy cho đến sáng hôm sau, khi đề nghị xuống Vùng IV kiếm đường vượt biên của chú bị tôi bất đắc dĩ từ chối. Vì qua một đêm suy nghĩ, tôi không biết gửi gắm 1 vợ, 9 đứa con với 20 bàn tay vừa yếu ớt vừa trắng trơn cho ai. Nhưng rồi tôi cũng bỏ lại vợ dại con thơ, để họ tự bươm chải trong dòng đời đảo điên một cách thật thảm hại suốt gần mười năm trường. Trong khi tôi cùng hàng chục ngàn bạn đồng ngũ đủ mọi cấp "được học tập lao động" trong các trại tù cải tạo Cộng Sản.