Cuộc đời miếng ni lông khá chìm nổi, phiêu lưu. Mấy chục năm trước, ai có áo ni lông màu vẽ hoa lá - phải là được người ở nước ngoài về cho hay được biếu. Thật ra, trong khi ấy ở các nước người ta thì cái ni lông đã xuống dốc rồi. Người nghèo kiết mới mặc áo quần ni lông. Cái thần tình là ni lông có thể đem giặt rồi ngồi cởi trần đợi một lúc nó đã khô, lại mặc vào ngay được. Nhưng thời đó cũng đã qua lâu rồi và miếng ni lông lộn kiếp đương biến hoá ba đầu sáu tay. Bàn ghế nhựa ni lông đã đánh quỵ các đồ mộc thông dụng và các túi ni lông to nhỏ thì bóp chết tươi mọi thứ rổ rá, thúng mủng, túi đay, túi cói rồi. Để xem một bà, một chị đi chợ, chợ xa thì xách cái làn nhựa, chợ gần thì hai tay cầm túi ni lông to nho mà bên trong còn có túi ni lông nhỏ nữa, đựng mắm tôm, dưa muối, khúc cá tươi, lòng lợn, cà muối, dấm ớt... đủ thứ, đủ thứ.Cái túi ni lông thì nhà hàng sẵn quá, đã biếu không, coi như giấy gói, lá gói. Ni lông cần thiết nhưng đem về đến nhà, bỏ các thức ăn ra rồi vứt ni lông vào thùng rác, cái rác ra xe rác, ra bờ bụi, cống rãnh nào đấy, mỗi nhà mỗi phố mỗi làng cả nước hàng ngày thải bỏ vô vàn túi ni lông, hàng gò đống túi ni lông.Túi ni lông không như cái rổ, cái lồng bàn, cái ghế hỏng đem làm củi đun, cái túi ni lông không tiêu, ni lông trơ ra, ni lông có tan biến cũng phải mất hàng trăm năm? Tôi đã trông thấy trên đường số 5 Hà Nội - Hải Phòng, công ty làm đường Hàn Quốc lấy cát đắp thay đất làm nền đường. Lót tấm ni lông ở dưới, xe đổ cát lên trên rồi trên làn cát phẳng lỳ thì lát đá, trải nhựa, có tấm ni lông đỡ sau cùng, đường không bao giờ lún sụt, lồi lõm. Ni lông được dùng vào công trình vững chắc đời đời. Nhưng mà cái túi ni lông không bao giờ chết ấy vứt lung tung khắp nơi khắp xó. Không phải ở đâu và ai cũng có ý thức tìm cái thùng để bỏ rác. Ni lông đùn lại trong cống làm tắc cống, ni lông lẫn vào đất tắc mạch nước ngầm làm chết cây và hoa màu. Triệu triệu cái túi ni lông ném ra hàng ngày thành tai hoạ ni lông. Tai hoạ ni lông là tai hoạ môi trường mỗi đất nước và toàn cầu, nước ta cũng trong vòng báo động ấy. Vài năm trước đây chỉ có người thành phố đi chợ về là xách túi ni lông, bây giờ túi ni lông đã lây lan khắp chợ cùng quê.Trên thế giới, nhiều nước đã có kế hoạch, đã xây dựng cả nhà máy diệt ni lông thải. Ở ta chưa có phong trào và quy mô như vậy. Nhưng có những sáng kiến thích ứng rất hay.Báo Hà Tây số tháng sáu 2001 đăng một tin: Tái chế túi ni lông góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường. Ở làng Thượng Hiệp xã Tam Hiệp ông Trần Nghĩa Đàn có cái máy tái chế túi ni lông thành các đồ dùng hàng ngày: dây buộc hàng, ni lông lót cặp học sinh, lưỡi trai mũ, khuy, hạt nhựa... và những vật dụng cỏn con khác. Túi ni lông do người các làng xung quanh nhặt nhạnh đem đến bán. Mỗi tuần tái chế được một tấn Mỗi năm tiêu thụ hết hơn 40 tấn nguyên liệu túi ni lông.Làng Thượng Hiệp có nghề may gia công. Làng nông nghiệp này không chỉ độc canh mà nghề phụ may gia công đã đưa làng Thượng Hiệp trở thành một làng nông công nghiệp giàu có, nhà nhà sản xuất có xưởng có cửa hàng may mặc và bán sản phẩm. Thượng Hiệp trở thành phố làng và được tỉnh công nhận làng văn hoá Thượng Hiệp. Ở một làng kinh tế và văn hoá đang phát triển sáng kiến cái máy tái chế ni lông có một ý nghĩa đặc biệt ngoài cái nhỏ bé trong phạm vi gia đình.Bài báo nói ông Trần Nghĩa Đàn đã mua các thiết bị về lắp máy, tiền vốn hết 50 triệu (không cho biết cái máy có mẫu mã sẵn hay sáng chế của ông Đàn). Cái máy tái chế ni lông của ông Trần Nghĩa Đàn ở Thượng Hiệp là một công cụ có lợi ích và thiết thực có thể nhân rộng mọi nơi.