Chương 1

Chuyện tình trong quyển tiểu thuyết này là một chuyện tình có thật. Tôi chỉ là một kẻ may mắn được người trong cuộc kể lại....
1-
Chiếc xe đò cũ kỹ chậm chạp rời bến. Tiếng người cười nói ồn ào xen lẫn trong tiếng gà vịt kêu quang quác khiến cho người con trai cảm thấy khó chịu mặc dù anh không lạ lùng gì về các chuyến xe đò từ tỉnh lỵ chạy nối các vùng làng mạc lân cận. Băng ghế có ba người mà lơ xe lại nhét thêm một người nữa thành ra chật như nêm. Xe chạy dọc theo bờ hồ Trúc Bạch. Hai bên đường cây phượng nở hoa đỏ rực. Khu sở thú bỏ hoang chỉ còn mấy chuồng nuôi thú vắng lạnh. Những cây trứng cá già cỗi khẳng khiu. Khung cảnh của tỉnh lỵ dù có thay đổi cũng rất ít khiến cho anh còn nhận ra được một vài địa điểm quen thuộc của thành phố cũ.
Xe quẹo trái khi gặp ngã ba. Con đường nối liền tỉnh lỵ Bến Tre-Giồng Trôm-Ba Tri một đoạn được tráng nhựa khá phẳng phiu và sạch sẻ. Nhà cửa san sát. Nhà lá có. Nhà tôn có. Thỉnh thoảng mới có một ngôi nhà ngói khang trang nằm khuất trong vườn cây ăn trái xum xê. Xe lại dừng để đón khách. Một cô gái tay trái ôm chiếc cặp học trò còn tay phải xách thêm chiếc va ly nặng trĩu. Cô gái ngó dáo dác tìm chỗ ngồi tuy nhiên xe chật cứng không còn một chỗ trống. Nhìn cô gái người con trai nói nhỏ:
- Chị ngồi vào chỗ của tôi...
Người con trai đứng lên nhường chỗ cho cô gái. Thấy nàng còn do dự anh tiếp:
- Tôi đàn ông thanh niên đứng cũng không sao...
- Cám ơn anh...
Lí nhí trong miệng ba chữ cô gái ngồi xuống chỗ của người con trai. Nhìn cái huy hiệu " Trường Trung Học Phan Thanh Giản " thêu trên ngực áo bà ba trắng của cô gái anh hỏi:
- Chắc chị về nghỉ hè...
Cô gái mỉm cười gật đầu thay cho câu trả lời. Nàng có vẻ hơi e ngại và thẹn thùng khi phải nói chuyện với người lạ. nhất là một người con trai trên một chuyến xe đông người. Thấy thế người con trai cũng không hỏi gì thêm. Xe bắt đầu chạy nhanh rồi dừng lại khi tới Kinh Giẹt Sậy. Mọi người phải đi bộ xuống phà trong lúc chiếc xe đò lắc lư và ngã nghiêng trên con đường gồ ghề đầy đá cục và ổ gà. Con kinh hẹp và nước chảy xiết. Nó là thủy lộ nối liền sông Bến Tre với sông Ba Lai và sông Mỹ Tho. Sông Bến Tre là một chi nhánh của sông Hàm Luông cho nên dân chúng ở đây mới gọi nó là con kinh nối ba dòng sông lớn. Mới bốn năm mà quang cảnh có khá nhiều đổi thay. Những cây dừa cao gãy ngọn vì bom đạn. Đồn bót được dựng lên. Hàng rào kẻm gai giăng mắc khắp nơi.
Hành khách lại leo lên xe. Từ Kinh Giẹt Sậy về tới Mỹ Lồng đường vắng vẻ nên chiếc xe đò chạy nhanh hơn. Thấy người con trai lắc lư theo nhịp ngã nghiêng của chiếc xe đò vì một tay ôm cây đàn còn một tay bám lấy tay vịn, cô gái nhỏ nhẹ:
- Anh ngồi xuống đây đi để tôi đứng cho?
Người con trai lắc đầu cười:
- Chị đừng lo tôi đứng được. Tôi đứng quen rồi...
Cô gái mỉm cười như không tin vào lời nói của người con trai.
- Hay là anh đưa cây đàn cho tôi cầm cho...
Trao cây đàn cho cô gái người con trai cười.
- Tôi ở Sài Gòn đứng xe bus mỗi ngày...
Ánh mắt long lanh của cô gái sáng lên một vẻ gì là lạ.
- Anh đàn hay lắm phải không?
- Tôi đàn ẹ lắm... Tôi học lóm từ một người bạn. Chị thích nhạc không?
- Thích... Tôi cũng như anh học đàn từ một người bạn...
Người con trai cúi nhìn chăm chú vào hai bàn tay của cô gái.
- Anh nhìn gì vậy?
- Tôi nhìn hai bàn tay của chị. Thằng bạn tôi nói muốn biết người con gái nào đàn hay cứ nhìn vào bàn tay của họ...
Cười thành tiếng ngắn cô gái dấu hai bàn tay của mình ra sau lưng. Người con trai nhìn vào ngực áo bà ba trắng của cô gái:
- Chị học trường Phan Thanh Giản?
Cô gái cười gật đầu như xác nhận.
- Chị học lớp mấy?
Dường như không để ý tới câu hỏi cộc lốc và không được lịch sự cho lắm của người con trai cô gái vui vẻ và nhã nhặn trả lời.
- Dạ... Đệ ngũ...
- Tôi học đệ tứ... Tôi vừa thi trung học xong?
- Anh đậu hạng bình thứ?
- Sao chị biết...?
- Tôi biết anh là học trò thông minh và chịu khó gạo bài...
- Cám ơn chị... Chị mấy tuổi?
Lần thứ nhì cô gái không tỏ vẻ phật lòng về câu hỏi có vẻ điều tra của người con trai. Cô ta cười thành tiếng ngắn. Giọng nói của cô ta cũng vui hơn và nhuốm chút tinh nghịch.
- Anh thông minh hơn tôi... Mười sáu mà anh đã xong trung học còn tôi mười sáu mà học đệ ngũ... Anh sanh nhằm tháng mấy?
Hoài cười nhìn cô gái:
- Tháng hai...
- Tôi sinh tháng giêng... Tôi lớn hơn anh một tháng... Chị à nghe...
Hoài cười vì ba chữ "chị à nghe" của cô gái.
- Ngày xưa tôi cũng học ở trường Phan Thanh Giản. Tôi học tiểu học rồi sau đó gia đình dời lên Sài Gòn... " Chị " biết Cầu Cá Lóc không?
Người con trai nhấn mạnh ở chữ " chị " khiến cho cô gái cười thành tiếng.
- Biết chứ... Quê của anh ở đâu?
Hoài khom người nhìn ra bên phải con đường. Hàng dừa lã ngọn. Mạ xanh um. Mấy thân cây me già khẳng khiu.
- Sắp tới Mỹ Lồng phải không chị?
Cô gái gật đầu. Người con trai nói tiếp.
- Quê của tôi ở Châu Bình...
Cô học trò tỉnh lỵ Bến Tre mỉm cười. Ánh mắt của nàng sáng lên vẻ vui mừng song người con trai không thấy được vì mải mê ngắm cảnh đồng quê. Xe dừng lại. Một người đàn bà luống tuổi ngồi cạnh cô gái xuống xe.
- Tôi trả lại chỗ cho anh...
Xích vào phía trong nhường cho người con trai ngồi xuống cô gái nói nhỏ.
- Tôi cũng ở Châu Bình...
Người con trai liếc cô gái.
- Chắc chị biết bà ngoại của tôi?
- Bà ngoại của anh tên gì?
- Bà hai Quận...
Cô gái cười. Tiếng cười của nàng như tiếng reo vui.
- Tôi biết bà ngoại của anh... Nhà tôi...
Cô gái dừng lại. Hoài quay nhìn cô gái. Dường như biết người ngồi bên cạnh đang nhìn mình cô gái cúi mặt xuống. Hoài thấy được làn da trắng mịn với mấy chiếc lông măng. Chiếc mũi cao và thẳng, đôi môi mỏng mím lại như cố gắng không nói hay không cười khi biết mình đang bị người khác chiếu tướng.
- Chắc nhà chị gần nhà bà ngoại tôi?
- Dạ... Không xa lắm...
Xe dừng khi tới làng Lương Qưới. Thấy người con trai đứng lên cô gái cười.
- Anh xuống đây hả?
Người con trai gật đầu.
- Anh xuống Lương Qưới đón xe lôi đi Châu Thới rồi đi bộ về Châu Bình cũng được. Anh còn nhớ đường không?
- Tôi nhớ mài mại... Hỏi thăm người ta chắc cũng ra...
- Thôi để tôi đi với anh... Tôi biết đường...
- Cám ơn chị... Chị để tôi xách cái va ly...
Chiếc xe đò chạy đi. Hai người bước qua bến xe lôi bên kia đường.
- Cô cậu đi đâu?
- Tụi tôi đi Châu Bình
- Tui chạy tới Châu Thới rồi cô cậu chịu khó đi bộ về Châu Bình...
Cô gái cùng người con trai leo lên xe lôi.
- Anh lên Sài Gòn bao lâu rồi?
- Bốn năm... Nhưng trước khi lên Sài Gòn gia đình tôi dọn lên tỉnh...
Cô gái cười nhỏ:
- Con gái nhà quê như tôi đi học trễ lắm...
- Chị đâu có nhà quê...
Cô gái quay mặt nhìn.
- Sao anh biết?
- Tôi đâu có thấy nét nhà quê của chị... Tôi cũng không ngữi được mùi nhà quê của chị...
Cô gái cười thành tiếng. Làn da mặt của nàng hồng lên vì câu nói bạo của người con trai sống ở Sài Gòn.
- Tôi tên Hoài...
- Tiên Sa... Tên của tôi là Lê Thị Tiên Sa...
- Tên của Tiên Sa ngộ lắm... lạ lắm... Hoài đọc sách có nói tới một địa danh tên là Tiên Sa ở Đà Nẳng...
- Hoài thích đọc sách lắm hả?
- Hoài mê đọc sách và ghiền âm nhạc... Tiên Sa thích đọc sách và đàn hát không?
- Thích lắm nhưng không có tiền mua... Nhà Tiên Sa nghèo lắm...
Nhìn cô gái làng Châu Bình Hoài thấy ánh mắt của nàng long lanh.
- Bà ngoại Hoài có nhiều sách lắm... Hoài sẽ đưa cho Tiên Sa đọc...
- Tiên Sa thích tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn...
- Tiên Sa biết nhà bà ngoại của Hoài không?
- Biết... Nhà bà ngoại của Hoài lớn lắm. Nó có hai cây me cao...
Chiếc xe lôi quẹo cua thật gắt khiến cho Tiên Sa hầu như ngã vào người của Hoài. Cô gái đỏ mặt vì sự đụng chạm thân thể với người con trai mà nàng mới quen trên chuyến xe đò cách đây hai ba tiếng đồng hồ.
- Tới rồi...
Tiên Sa nói trổng khi thấy chiếc xe lôi ngừng trước cây cầu ván bắc qua con rạch nhỏ. Hai người xuống xe. Thấy Tiên Sa móc bóp Hoài đưa tờ giấy hai chục đồng cho ông đạp xe lôi.
- Tôi trả luôn cho cô này...
- Để Tiên Sa đưa tiền lại cho Hoài...
Hoài cười khoát tay.
- Đó là tiền công Tiên Sa dẫn đường cho Hoài. Tiên Sa để Hoài xách chiếc va ly cho...
Hoài nhấc chiếc va ly.
- Tiên Sa đựng gì mà nặng vậy?
- Đâu có gì... Trà cho ba má và bà ngoại. Kẹo bánh cho đứa em gái. Quần áo và sách vở của Tiên Sa...
- Nếu không có Hoài mang phụ thời Tiên Sa phải làm sao?
- Tiên Sa gởi ở nhà người quen rồi mai chèo ghe lên lấy về...
Nói xong Tiên Sa giơ tay chỉ ngôi nhà ngói nằm ở sau lưng. Hai người chậm bước trên con đường đất hai bên cỏ mọc cao gần tới ngực.
- Hoài còn nhớ đường về nhà bà ngoại không?
- Không nhớ rõ lắm...
- Nếu không có Tiên Sa đi cùng thời Hoài phải làm sao?
Hoài hơi mỉm cười khi nghe Tiên Sa hỏi bằng cách lập lại câu hỏi của mình.
- Hoài tới ngôi nhà ngói đó ngủ một đêm chờ tới sáng mai Tiên Sa chèo ghe lên đón Hoài về...
Tiên Sa cười. Hoài nhận thấy tiếng cười của nàng thật ấm dịu.
- Ê... bắt chước người ta... lêu lêu mắc cở...
- Hoài thích được nói chuyện với Tiên Sa... Thích có một người bạn như Tiên Sa...
- Tại sao Hoài lại về nghỉ hè ở đây...
- Hoài thương bà ngoại... Bốn năm rồi không có gặp bà ngoại...
- Bà ngoại của Hoài hiền lành và tử tế lắm... Trong làng ai cũng thương bà Hai... Thỉnh thoảng bà mang xuống cho ba của Tiên Sa hộp trà hay bánh kẹo... Tiên Sa cũng mến bà ngoại của Hoài...
Tiên Sa ngừng nơi ngã ba.
- Mình đi đường nào hả Tiên Sa?
Tiên Sa giơ tay chỉ con đường đất trong lúc cởi đôi guốc.
- Hoài không cởi giày à... Đi giày khó qua cầu khỉ lắm...
Hoài hơi do dự rồi cuối cùng cởi giày. Con đường đất hẹp nên hai người không đi song song được. Tiên Sa đi trước dẫn đường còn Hoài đi sau.
- Hoài qua cầu được không?
- Chắc được... Hoài không muốn cây đàn bị ướt...
Đeo cây đàn vào lưng Hoài cười gượng và ngần ngừ nhìn cây cầu nhỏ. Gọi là cầu nhưng thực ra chỉ là nửa thân cây dừa bắt ngang qua con rạch rộng.
- Để Tiên Sa dẫn Hoài qua cầu...
Tiên Sa đưa tay ra đằng sau cho Hoài nắm. Người con trai mười sáu tuổi sống ở Sài Gòn cảm thấy chút giao động và run rẩy trong lòng khi nắm lấy bàn tay mềm mại, ấm êm của cô học trò tỉnh lỵ. Hai người đi thật chậm qua cầu. Đường về nhà bà ngoại của Hoài xa hơn hai cây số nhưng có rất nhiều cầu. Mỗi lần như vậy Hoài lại được Tiên Sa nắm tay dắt qua cầu.
- Tới nhà bà ngoại của Hoài rồi...
Tiên Sa đưa tay chỉ cây me cao vượt khỏi hàng dừa xanh. Lát sau Tiên Sa dừng trước con đường đất nhỏ dẫn vào ngôi nhà ngói mái đỏ ối.
- Nhà bà ngoại của Hoài đó... Hôm nào rảnh Hoài xuống nhà Tiên Sa chơi...
Hoài cười gật đầu trao chiếc va ly cho Tiên Sa. Đứng nhìn theo vóc dáng mảnh khảnh của Tiên Sa bước thoăn thoắt trên chiếc cầu xong Hoài mới bước đi. Anh nghe có tiếng chó sủa rồi giọng nói của bà ngoại