Phần II
Thế nào là cái Mới?

Không say sưa vì danh từ
Trong nghệ thuật cũng như trong cuộc đời, chúng ta quý yêu cái mới chân chính, đón chào, mong đợi, cổ võ cái mới chân chính, và cả phấn đấu nữa để cho cái mới chân chính ra đời; chúng ta đứng về phe nó, khi nó đấu tranh với cái cũ. Cái mới chân chính là ánh sáng của trí tuệ chúng ta. Duy có một điều, là nó phải thực chân chính là cái mới.
Thật vậy. Chúng ta càng yêu cái Mới bao nhiêu, chúng ta càng muốn nó “thật vàng chẳng phải thau đâu”. Chúng ta không chịu làm những trẻ con bị nhầm vì những cái nước mạ loè loẹt. Chúng ta đã từng biết rằng những danh từ quý báu nhất, như chữ tự do (hãy nhớ đến cái “thế giới tự do” của Mỹ), như chữ cách mạng (Pê-tanh bán nước Pháp, mà tự cho là làm “cách mạng quốc gia”), cũng bị lộn sòng. Trong nghệ thuật, ai cũng muốn giật cái chữ “Mới” về phía mình, và ẩy cái tiếng “Cũ” về phía những người không đồng ý. Vậy cho nên, chúng ta muốn lột trần trụi ra để xem thực chất các quan điểm nghệ thuật, chứ chẳng tin ở cái nhãn hiệu, cái chiêu bài.
Thường, sinh ra trước trong thời gian thì gọi là ; sinh sau trong thời gian thì gọi là mới. Như vậy, cái giá trị há chỉ vì ra trước với ra sau hay sao? Có những thanh niên cá biệt, tuổi tuy trẻ, nhưng tư tưởng rất lạc hậu; trái lại, có những người đứng hay nhiều tuổi mà tự rèn luyện theo cách mạng, tư tưởng rất tiền tiến. Trong nghệ thuật, theo ý tôi, nên nặng về phân biệt cái đúng với cái sai, cái hay với cái dở, nhiều hơn là tung ra những hình dung từ mới rất dễ mập mờ đánh lộn. Có cái cũ mà rất hay như những điệu dân ca mà chế độ phong kiến và đế quốc để rẻ rúng, mai một, nhưng ta nay “phủi cũ thấy mới”. Có những điệu nhạc giật gân và gọi dậy thú tính, của văn hoá tư bản Mỹ, mới toanh không giống nhạc của chúng ta một chút nào hết, mà thật là dở và xấu xa. Nghệ thuật chân chính không chịu kiếm ăn trong tính hiếu kỳ. Chúng ta lại còn chủ trương những tác phẩm mới của ta vẫn nối tiếp không đứt quãng với những truyền thống cũ, đã được quần chúng, đã được dân tộc lọc lựa và thử thách lâu đời. Không phải cái gì cũ cũng là già nua, tồi tàn, đáng vứt đi. Không phải cái gì mới cũng là đáng hai tay rước lấy.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn rất cần thảo luận cho sáng rõ vấn đề mới, cũ. Vì đi tìm cái Mới là một nhu cầu sinh tử của nghệ thuật, đấu tranh cho cái Mới là một nhiệm vụ thiêng liêng của nghệ thuật. Tất cả vấn đề là ở chỗ: cái Mới là cái gì?
Xã hội cũ có cái gì là mới?
Mỹ học của giai cấp vô sản cũng đi tìm cái mới, mà mỹ học của giai cấp tư sản cũng đi tìm cái mới. Chính vì hai bên cũng đều có cái sự việc “đi tìm cái mới”, nên một số người nhầm lẫn lộn phèo, không phân biệt được mới với mới, tìm với tìm. Sự thực, cái mới mà chúng ta tìm, cũng như cách tìm cái mới của chúng ta khác hẳn với của mỹ học tư sản.
Xã hội phong kiến và đế quốc là một xã hội cũ rích, mệt mỏi đến tận xương tuỷ. Trong nước Việt Nam nô lệ trước Cách mạng tháng Tám, dù những thanh niên “như trăng mới lên, như hoa mới nở”, huyết khí hăng hái, cũng cảm thấy cái cuộc đời ao tù như nước đọng. Một không khí phai tàn, tha ma, nghĩa địa phủ trùm lên mọi vật; dù, theo luật tự nhiên, cây vẫn ra hoa, người vẫn đẻ con, mùa xuân vẫn đến, nhưng mà sao những tâm hồn trẻ nhất cũng cảm thấy buồn, chán, và chết trong các tế bào của mình. Một thi sĩ mười sáu tuổi như Chế Lan Viên thuở đó, đã thốt ra rất sâu sắc:
Trời hỡi trời! Hôm nay ta chán hết
Những sắc màu hình ảnh của Trần Gian.
Một thi sĩ như Huy Cận, thuở đó vào khoảng mười tám tuổi, đã phải vạch vôi vào trán xã hội:
Quanh quẩn mãi giữa vài ba giáng điệu,
Tới hay lui vẫn chừng ấy mặt người…
Tìm chân lý, tìm hạnh phúc trong cái xã hội đó, nhà thơ Lưu Trọng Lư phải than:
Tìm đâu cho thấy bóng chim hồng,
Chỉ thấy lưng trời một mảnh lông…
Nhắc lại như vậy, để thấy cái cũ rích của xã hội cũ. Tìm cái mới gì trong xã hội phong kiến, đế quốc đó? Lớp nhà văn, nhà thơ chúng tôi khi đó chưa giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lê-nin, chưa biết nhìn thấy cái mới, cái tương lai đang nằm trong quần chúng. Chúng tôi lặn chìm, bơi ngụp trong thế giới trị vì của cái cũ. Vì những lý do này hay những lý do khác, một số tác phẩm trước Cách mạng có đóng góp một phần mới đáng kể trong văn học Việt Nam, vấn đề này ta sẽ nghiên cứu sau. Nhưng căn bản vẫn là tìm một số “cách nói mới” để diễn tả cái cũ. Chúng tôi có “thành lập cá tính”, “phát huy độc đáo” trong một phạm vi nào đó thật. Để làm gì? Để nói cái cũ nó rúc xương chúng tôi, nó muốn đè chết chúng tôi! Riêng tôi còn quan niệm nhà thi sĩ, nhà nghệ sĩ là một người khách mới đến thăm một cái nhà cũ. Mang tâm hồn hồn nhiên, tươi rói như đứa trẻ con thấy cái gì cũng mới lạ, say mê, người thi sĩ vào cuộc đời (cũ) như một kẻ lần đầu đến thăm nhà lạ. Hai ông chủ, bà chủ thì đã quen nhẵn từ cái phòng, cái ghế, từ những cây trong vườn nhà mình; nhưng người khách mới đến, vì nhìn lần đầu, và vì tâm hồn quá phong phú, nên cái gì cũng trằm trồ ngạc nhiên: “Ồ nhà thích quá nhỉ! Ồ vườn đẹp quá nhỉ!”. Và hai ông bà chủ cũ rích nọ, lây ông khách, cũng thấy vườn và nhà cũ rích kia là hay, là thích… Nhưng than ôi! trong một hệ thống đời tan rã, chán chường, có thể nào người thi sĩ kia lấy tâm hồn của mình ra mà bù mãi cho, mà đắp điếm thêm mãi cho cái khô cạn, cái tầm thường của xã hội không? Anh ta có thể cứ rót rượu “mới” của tâm hồn mình ra, để rồi lại tự uống lấy, mua một cái say sưa vờ mãi mãi không? Nghệ sĩ không thể tự huyễn diệu lâu dài được; chẳng bao lâu, chính cái tâm hồn “mới” của anh cũng bị cái xã hội áp bức bóc lột rút hết sinh khí như một cái xác ve sầu!
Ở phạm vi to lớn hơn nước Việt Nam thuộc địa, cả cái hệ thống thế giới tư bản cụt đường tiến. Như một câu thơ cụ Võ Liêm Sơn đã nói, nó “tiến hoá vòng quanh về vực tối”; chất độc của nó tiêm vào tâm hồn rất nhiều nhà văn; họ thấy mọi sự đều não nuột. Từ năm 1859, nhà thi hào Pháp Baudelaire đã làm bài thơ “Du lịch”, nói tâm trạng những kẻ đi để mà đi, thế giới dù nơi nào thì cũng là “một khóm dừa ghê rợn trong một sa mạc chán chường” và kết thúc bằng kêu gọi:
Hỡi thần Chết, bác lái già, đến giờ rồi, hãy nhổ neo!
Xứ sở này làm ta chán, hỡi thần Chết! Sắp buồm chèo!
… Lặn xuống đáy vực sâu, địa ngục hay thiên đường, cũng tới!
Xuống dưới đây Vô Tri để đi tìm cái mới!
Tìm cái mới! Đau đớn biết chừng nào! Tuyệt vọng như kẻ húc đầu vào để chọc thủng một bức tường. Muốn ra sao thì ra, miễn là mới, miễn là khác cái thường nghe, thường thấy! Không từ cả ngưỡng cửa của thần chết, Baudelaire đi tìm cái mới như vậy là một hình thức phản kháng, chối từ tiêu cực và cao độ cái thế giới (tư bản) mà ông sống. Nhưng nhiều nghệ sĩ khác vẫn cứ còn le lói hy vọng, mong tìm thấy thuốc tiên cải lão hoàn đồng trong hệ thống tinh thần của thế giới tư bản, ở những sự sắp xếp vần chữ, màu sắc hay âm thanh, mong rằng từ những cuộc xổ số hình thức này, may ra trúng cái số độc đắc của thiên tài!
Mỹ học của giai cấp tư sản tìm một con đường thoát trong mới chủ nghĩa, trong “chủ nghĩa tân thời”. Hệ thống tinh thần và tư tưởng của giai cấp tư sản không thể có một nội dung gì mới nữa; còn có cái nội dung tinh thần nào mới trong sự bóc lột lợi nhuận tối đa? trong sự bần cùng hoá quần chúng nhân dân? trong sự chuẩn bị chiến tranh ăn cướp? Nếu trong những nước tư bản, một nền nghệ thuật nào còn sống và nảy nở, sinh được những tác phẩm lớn, thì nền nghệ thuật đó đã hướng về nhân dân và tiến bộ. Mặt khác, chúng ta cũng phân biệt những nghệ sĩ không có dụng ý xấu, nhưng bị lôi cuốn vì cái thế của chung quanh, bị chi phối rất đau đớn vì cái luật của đồng tiền. Còn thì nghệ thuật tư sản, hắn tìm cách tự cứu điên cuồng bằng sự loè công chúng. Nó căng hết sức lực và tung nhiều tiền bạc vào sự tìm tòi cái mới hình thức, đập mạnh vào tính hiếu kỳ của công chúng, luôn luôn tìm đào kép mới, lấy sự rực rỡ của quần áo, phông cảnh, đùi non luôn luôn thay đổi để đắp điếm cho nội dung nghèo thảm hại. Không có đồ ăn tinh thần để nuôi tư tưởng và tình cảm, nó kích thích vào cảm xúc, cảm giác, vào tình dục, vào thú tính; tìm và tìm những cái mới, mới mãi, đủ các thứ “nguyên tử” trên đời! “Hãy sáng chế cái điệu của ngày mai, hay hơn nữa, cái điệu của ngày kia… Hãy sáng chế cái điệu tối cao nguyên tử hay “cái điệu của sao Hoả tinh”, và chớ quên rằng đừng cho ai hiểu được nhạc của anh, và anh hiểu nó ít hơn ai hết” [1]. Chẳng lẽ mỹ học tư sản nói rằng cần kính yêu con người, cần làm cho ai cũng thưởng thức được nghệ thuật; chẳng lẽ nó nói rằng cá nhân tự thổi phồng mình xa lìa tập thể sẽ vỡ như một bong bóng; chẳng lẽ nó chửi chiến tranh! Căn bản nó không có cái gì mới để nói, nên nó đi tìm cái mới trong cái lạ.
Chúng ta đừng nhầm cái mới với cái lạ. Trên thân mình tan rữa của chủ nghĩa tư bản, nảy ra rất nhiều cái lạ. Trên quá trình tan rữa của nó, ngày hôm sau lại nảy ra một cái tan rữa “mới” hơn ngày hôm trước. Trước còn lấy sự làm người khác đau là một thú vui (bệnh sadisme), sau nảy ra một cái “mới” hơn nhiều: là băm vằm kẻ cùng hành lạc với mình thì mới thích (bệnh masochisme). Trước còn là những tác phẩm quái trạng của những người “trừu tượng chủ nghĩa”, sau thì quay một cái bánh xe có buộc những đồ hộp tô đủ sắc, đồng thời quay tròn một cái hình tam giác với những mẩu giấy màu, để cho phát ra những tiếng động xè xè và các tờ giấy bay vù chung quanh các cái hộp [2], và gọi đó là “tác phẩm” vô cùng mới, kết hợp được màu sắc và âm điệu. Hay là bày ra những trò chơi tâm lý “mới”, hay là tạo ra những cá tính ngổ ngáo “mới”… Tất cả những cái đó “lạ” thật, đế quốc Mỹ hứa hẹn còn đẻ ra lắm “cái lạ cuối cùng” nữa; nhưng những thứ tìm lối ấy, thực ra, có “mới” không? Nó rất lạ, nhưng rất cũ; nó là những nảy nở trong thời gian của một hệ thống xã hội, tinh thần, nghệ thuật cũ rích, tan rã; nó không mới một chút nào.
Trong xã hội của ta, những thứ tìm tòi chuyên chú vào hình thức, vào kỹ thuật, thần thánh hoá cá tính của nghệ sĩ, đặt nghệ sĩ trên quần chúng nhân dân, những thứ tìm tòi lệch lạc đó cũng là “nước trong một giếng múc ra” với mỹ học tư sản.
Cái mới trước tiên ở trong thực tại khách quan cách mạng
Theo ý tôi, những người nghệ sĩ trong chế độ chúng ta, trong nhiệm vụ đẹp đẽ của mình đi tìm cái Mới chân chính, cần phải thấy trước tiên rằng: tuy ở trong nghệ thuật, vai trò của nhân tài rất quan trọng, và vai trò của thiên tài lại càng quan trọng đến cao độ, nhưng cái Mới căn bản, cái Mới có trước cần phải tìm để đưa vào tác phẩm, chính là cái Mới của thực tại khách quan cách mạng. Quần chúng cách mạng làm nên cái mới trong xã hội chúng ta, làm nên cái chất mới trong cuộc đời này; đi tìm cái mới cho nghệ thuật, trước tiên là đi nghiên cứu sức sáng tạo của quần chúng. Muốn có cái mới ở trong tâm hồn để làm nên một nghệ thuật mới, để “chủ động thành lập nên sự thẩm mỹ mới”, [3] thì phải xé toang cho kỳ hết cái lưới sương mù tự huyễn diệu của sự kiêu căng cá nhân, phải giác ngộ vào tận xương tuỷ tất cả cái mới ở trên miền Bắc nước ta và ở các nước phe xã hội chủ nghĩa chúng ta… Không phải chỉ tự phụ rằng mình đã hiểu chủ nghĩa Mác–Lê-nin lắm rồi, và thốt ra: “Biết rồi, khổ lắm! nói mãi!”, mà phải thành tâm thành ý cảm vào đến tận máu rằng cái chính quyền dân chủ nhân dân, hay cái chính quyền xô viết này mãi đến thế kỷ 20 mới nảy ra được. Phải cảm nghe như nhân loại ở trong bản thân mình, và chính mình đã bị đánh, bị chém trong vạn đời, bây giờ tay mình mới nắm được cái chính quyền của mình. Cái chính quyền kiểu mới này, nó là đứa con mới nhất của giai cấp vô sản và nhân dân lao động. Và Đảng kiểu mới của chúng ta, bản chất cũng thật mới, không giống những kiểu đảng cũ nào trong lịch sử. Chỉ sợ mắt của ta còn mơ hồ nửa tỉnh nửa mê, chứ đừng sợ cuộc đời này thiếu cái mới cho ta nhìn. Ta hãy nhìn đi, ngắm đi sự sinh sôi nảy nở của con người kiểu mới. Ta hãy chực rình mà bắt gặp con người ấy cho được.
Thiếu cơm, thiếu súng mà anh dũng như quân đội nhân dân của ta, đó là một cái mới lớn lao. Trên nền của sự anh dũng đó, năm 1950 ở trận Đông Khê, lại đột xuất cái anh dũng mới của La Văn Cầu chặt cánh tay phá lô-cốt địch; năm 1954, ở Điện Biên Phủ, lại xuất hiện một điển hình anh dũng mới khác: Phan Đình Giót lấy mình lấp lỗ châu mai. Từ những người nô lệ kéo cày, những người thợ đứng hầu cái máy, đã chuyển sang cái lao động mới “mình làm mình hưởng” thay đổi cả bộ mặt cuộc đời. Nhưng nhân loại còn phải phấn đấu lâu và khó lắm mới thiết lập được cái lao động kiểu mới vô cùng mới mẻ, không đòi một sự trả công nào, một thứ lao động do cảm giác cần làm việc vì lợi ích của tập thể, và đáp ứng với nhu cầu của cơ thể lành mạnh, cái lao động cộng sản chủ nghĩa mà Lê-nin đã đề ra.
Thật là đẹp đẽ, nếu đúng như lời bạn Văn Cao, các nhà nghệ sĩ tập trung được “tất cả giấc mơ và khát vọng của con người làm thành một mũi nhọn kéo lê đi phía sau cả cái thực tế chậm chạp” [4]. Nhưng cho đến nay, thì ngay cả ở Liên Xô, nghệ thuật đã sinh ra bao nhiêu tác phẩm rất lớn chiếu toả được trên văn nghệ thế giới, mà nhìn chung vẫn còn bị cuộc đời xô viết bỏ ở sau; còn ở nước ta, thì nghệ sĩ tuy có nhiều thành tựu rất đáng quý, vẫn chưa nói được trong muôn một cái mới, cái hay của thời đại. Nghệ sĩ muốn tiến lên được phía trước thời đại, thì trước nhất phải ý thức rằng mình đang bị thời đại bỏ xa, phải lo mà chạy cho kịp, để rồi mà vượt thời đại. Cũng theo cái biện chứng ấy, các nhà văn, nhà thơ muốn viết cho người đời sau, thì phương pháp bảo đảm thành công nhất là hãy thoả mãn được cái mức của người thời bây giờ đã. Cái mức đòi hỏi bây giờ đó không phải thấp đâu. Chúng ta để ý mà xem, từng ba tháng một, từng sáu tháng một, cái mức thẩm mỹ của công chúng Việt Nam ta hiện nay cứ lên vòn vọt. Chúng ta không nên buồn vì da gấu không bán được, trước khi săn được gấu. Những Bá Nha cứ sáng tác đi, lo gì quần chúng thiếu Chung Tử Kỳ.
Thật vậy, chỉ sợ nghệ sĩ bịt tai bưng mắt mình lại thôi, chỉ sợ nghệ sĩ thiếu tài và thiếu tình, chứ mỗi một ngày, xã hội ta đổ ra biết bao là vất vả gian lao và sinh ra bao nhiêu cái hay, cái đẹp, cái mới (mặc dầu có những sai lầm, khuyết điểm). Riêng tôi, tôi đã cất giữ khá nhiều tờ báo hàng ngày, bởi vì những tin tức trong đó mang nhiều sáng tạo quá. Biết bao cái mới nằm trong một bài báo – chẳng hạn, như bài “Sức người và tiếng máy” [5] ; mỗi dòng tin xứng đáng một bài thơ mà tôi không có tài để làm nổi: “- Từ Hà Nội đã có tiếng còi xe lửa toả đi bốn phương miền Bắc – Hai nhà máy thuỷ điện nghiêng bóng bên dòng sông Nguyên Bình – Nước máy đã thay cho nước sông ở thị xã Hải Dương, Thanh Hoá, Nam Định - Đào sâu xuống hơn 25 thước, tia nước giấu kín trong lòng hòn đảo Cát Bà vút lên trắng xoá, mến yêu như dòng sữa mẹ hiền. Nước dâng lên, anh em đổ bê tông chung quanh giếng, làm một nhà bơm nước bắt vòi nước về nhà máy và công trường. Người dân Cát Bà đời này sang đời khác mới được thấy giếng nước ngọt và nhà máy lần đầu tiên – Tàu của ta cũng lần đầu tiên vượt biển đến Quảng Châu nhiều lần. Thuyền trưởng, thuyền phó và thuỷ thủ của ta điều khiển hoàn toàn tàu chạy biển. Họ bỏ bộ quần áo nâu, áo xanh kháng chiến, mặc vào bộ áo quần thuỷ thủ màu trắng. Lần đầu tiên vượt khơi Hải Nam, sóng dữ gió to, họ vật lộn với thiên nhiên, thắng những luồng nước hung hãn…”. Tha hồ cho nhà văn tìm cái mới! Toàn là những “lần đầu tiên”.
Quần chúng đòi hỏi văn nghệ của ta trước tiên phải diễn đạt những cái mới kia, trong muôn ngàn cái mới khác. (Cố nhiên phải diễn đạt cho hay). Không! chúng ta thiếu tài diễn đạt, diễn đạt xoàng, đó là một việc khác; chứ chúng ta không thể trước tiên đi tìm cái mới trong bản thân mình, mà chối cãi cái mới là trước tiên ở trong thực tại cách mạng khách quan. Chúng ta đừng có gạt bỏ cái mới của chế độ ta như con gà đứng trên một đống thóc, vừa mổ thóc ăn, vừa hai chân cứ bươi quào làm như là không phải đứng trên đống thóc. Chúng ta hoan nghênh những người bạn chê chúng ta phạm sơ lược, công thức, để đến nỗi những cái mới do nhân dân ta sáng tạo xỉn lại dưới ngòi bút chúng ta. Nhưng chúng ta phản đối và đập lại những kẻ chê tất cả cuộc đời chúng ta là sơ lược, là công thức, đoàn kết phấn đấu là công thức, bảo vệ Đảng là công thức, yêu Liên Xô là công thức…; những người nói như vậy vô tình đã lặp theo luận điệu của bọn thù hằn chúng ta, với bọn đó thì ta chỉ có một con đường để chữa công thức, là phải thay cả tư tưởng và chế độ!
Quý biết bao, nhà thi sĩ nào khám phá ra một cách mới mẻ nhìn trời xanh của muôn đời. Nhưng cao quý hơn nhiều, là nhà thi sĩ nào như Hăng-ri Hai-nơ (Heinrich Heine), [6] biết nắm ngay lấy cái mới toanh của lịch sử vừa nẩy mầm trong thời đại mình, và đưa vào những vần thơ tuyệt diệu. Cuộc nổi loạn của những người thợ dệt miền Xi-lê-di (Đức), theo Mác phân tích, không giống tất cả những cuộc nổi loạn về trước của thợ thuyền ở Pháp, ở Anh; đây là lần đầu tiên trong lịch sử, thợ thuyền nổi loạn không đơn thuần đòi áo cơm, mà nổi loạn với ý thức của giai cấp vô sản. Thi sĩ Hăng-ri Hai-nơ nhìn thấy được cái mới đó, và làm bài thơ bất hủ “Những người thợ dệt”, đăng báo năm 1844; nhiều thi sĩ đồng thời với Heine cũng làm đề tài đó, nhưng không một ai biết nhìn thấy như Heine cái tầm quan trọng xã hội của cuộc nổi loạn, biết như Heine cổ võ giai cấp thợ là kẻ đào huyệt chôn chế độ hiện hành. Đó là một điển hình đi tìm cái mới của văn nghệ sĩ.
Xé được cái màn tự cao tự đại cá nhân, nó cản trở sự cảm thông giữa nghệ sĩ và nhân quần, người sáng tác sẽ thấy tất cả những cái mới sáng loá trước mắt; anh sẽ không đối lập cái mới của tâm hồn anh với cái mới của thế giới, của xã hội và giành lấy phần hơn. Anh sẽ khiêm tốn nói như nhạc sĩ Gơ-lin-ca (Glinka): “Chính quần chúng nhân dân sáng tạo âm nhạc, và chúng ta những nghệ sĩ làm công việc sắp xếp”. Mặc dầu Glinka nói vậy, có ai cất công sáng tạo của Glinka đâu. Nhưng chính nhờ Glinka có một ý thức cao về quần chúng như vậy, Glinka mới thành đại nhạc sĩ.
Cái mới trong tác phẩm cũng do tài năng, do tìm tòi, nghiên cứu và diễn tả của nghệ sĩ, dựa trên cái mới khách quan
Phải đi tìm cái mới cho nghệ thuật trước tiên trong thực tại cách mạng, trong quần chúng, chân lý đó có thể khẳng định. Nhưng chúng ta cũng không được lệch, mà không thấy vai trò rất quan trọng của cá nhân nghệ sĩ.
Muốn có tác phẩm, thì phải có tác giả. Phải có tác giả có tài, có nghiên cứu đúng đắn thực tế và nắm vững kỹ thuật diễn đạt. Những câu chuyện sinh động nhất của Kháng chiến cũng trở thành tầm thường dưới tay một người viết dở. Muôn ngàn màu sắc rõ ràng của thời đại cũng bay đi mất, nếu hoạ sĩ không biết bắt lấy vào tranh. Không phải hễ bản chất sự việc là mới, là hay, thì tác phẩm nói đến nó thế tất là hay, là mới. Dụng ý tốt không đủ để tác phẩm khỏi làm độc giả chán phèo.
Tâm hồn người nghệ sĩ phải quyện, phải xe vào thực tại; tự chỗ quyện xe của tâm hồn và thực tại, mà nảy ra tác phẩm. Không có dâu thì tằm chết, không có tằm thì cũng chẳng ra tơ. Chúng ta không thể coi nhẹ con tằm, là nhà nghệ sĩ. Những nghệ sĩ có tài đem điệu cảm xúc của mình hoà kết vào chất liệu của vấn đề, đẻ ra những tác phẩm cụ thể hoá và cá thể hoá, có mang tên người làm, không trộn lẫn được. Có năng khiếu rồi (nếu không có năng khiếu thì không nên làm việc sáng tạo nghệ thuật, sẽ mất công vô ích), nghệ sĩ còn phải lao động cật lực, nghiên cứu để hiểu rất sâu cuộc sống. Anh phải tìm ra những khía cạnh mà chưa ai thấy được. Anh phải tìm ra những cách rất mới để diễn tả những cái thông thường mà mọi người đã thấy. Nghệ sĩ phải diễn đạt thực tại cách thế nào để cho chân tướng của nó lồ lộ, trẻ mãi. Những thiên tài văn nghệ tạo ra được đến cao độ, cái chất “tự phóng xạ” ấy của tác phẩm; hàng trăm, hàng nghìn năm sau, một bài thơ hay vẫn cứ phát ra những tia hấp dẫn, đem khoan khoái đến cho người đọc. (Những tác phẩm “tự phóng xạ” như thế, nhất định chủ nghĩa hình thức không thể nào tạo ra được, mà phải là tư tưởng và tình cảm của thi hào tha thiết với đời sống con người, diễn đạt bằng những chữ, những lời không thể mục nát).
Chính tài năng và những sự tìm tòi của tác giả, chính tâm hồn tác giả đóng được một con dấu riêng vào những sự vật chung. Nhưng trong tác phẩm, công chúng yêu thích cả vừa cuộc sống, và cả vừa tác giả. Người ta không thể yêu tác giả mà không có cuộc sống. Con dấu riêng rất quý báu kia không thể đóng trên không khí. Con tằm không thể tự một mình nhả ra nước bọt, mà phải ăn dâu của thực tại để nhả ra tơ. Cái tài năng không thể là một cái khung trống rỗng, mà phải diễn đạt một cái gì, một nội dung. Thần thánh hoá tài năng của nghệ sĩ, là đưa nghệ thuật vào chỗ siêu hình, duy tâm, vào chỗ tắc tỵ, vào đường chết.
Dù là tâm hồn của một thiên tài đi nữa, tâm hồn đó cũng chỉ có được là vì có thực tại khách quan. Một nhà thơ được mến yêu, vì anh có một điệu tâm hồn khi diễn đạt cuộc sống, vì anh nói tâm hồn của anh trong đó có tâm hồn muôn người. Nhưng dù anh là nhà thơ trữ tình, nếu anh chỉ nói tâm hồn cá nhân chủ nghĩa của anh, trong đó chỉ có anh ngổ ngáo huênh hoang, hoặc cùng lắm là có thêm một nhúm người như anh ba hoa nói phét, thì không có một vạn người nào thích hết. Ngồi nạo tâm hồn ra, thì trong đó chỉ có cái tự phụ mà thôi. Lịch sử văn học hiện đại của ta đã chứng minh rằng: khi một số thi sĩ, trước Cách mạng tháng Tám (và hiện nay ở miền Nam) cứ đi mãi trên con đường “lấy mình làm đề tài”, thì cuối cùng hết chuyện khôn dồn sang chuyện dại, thi sĩ bắt thiên hạ xem ghẻ lở của mình, ca tụng thuốc phiện và sa đoạ; thậm chí có trường hợp tác giả ở miền Nam hiện nay ca ngợi nguỵ binh của Diệm là những anh hùng “dẹp loạn”!
Hiện nay ở miền Bắc nước ta, thực tại khách quan cách mạng mới vô cùng. Nghệ sĩ dù có tài, mà bị bệnh phù thũng của cái “tôi”, rúc đầu vào cánh như chim đà điểu, thì cũng không tìm ra được cái gì mới.
Tìm tòi cần đúng hướng
Không tìm tòi, thì làm sao có được tác phẩm nghệ thuật? Những tác giả lớn là những người lao động nghệ thuật không biết mệt, những người khám phá, mở đường, và mở đường đúng.
Vậy, như thế nào là tìm tòi đúng, tìm tòi theo mỹ học của giai cấp vô sản? Chúng ta trước hết tìm tòi nội dung, tìm tòi trong quần chúng, đã đành. Chúng ta còn phải tìm tòi rất nhiều về hình thức, về kỹ thuật nữa. Không có hình thức, thì cũng không có nghệ thuật. Phải có một hình thức đẹp đẽ, tương xứng với nội dung mới, làm công chúng yêu mến, say sưa. Rất sai lầm là người nào khinh kỹ thuật.
Tuy nhiên, hình thức, kỹ thuật của ta cũng xây dựng trên cơ sở quần chúng. Bạn Văn Cao có đề ra việc “thành lập nên sự thẩm mỹ mới”. Theo ý tôi, “thẩm mỹ mới”, tức là thẩm mỹ trên cơ sở quần chúng. Một số người đang tìm tòi, đốt đuốc tìm cả giữa ban ngày, thì tưởng rằng người khác cầu an, lười, không biết tìm tòi như mình. Có người tìm tòi cho kỳ khu, cho khúc mắc, khó khăn; càng tìm tòi, họ càng đi xa vào trong rừng cô đơn, lập dị; họ tìm cách làm cho khó hiểu, lấy đó là một thứ độc đáo, cao siêu; cái gì dễ hiểu đối với họ là tầm thường, là cũ như đồ cũ. Lại có người tìm tòi cho câu thơ của mình thật đơn giản, như La Phông-ten (La Fontaine) [7] nói: “Tôi vất vả lắm mới làm được những câu thơ dễ dàng”. Nguyễn Du mà không đổ máu mắt để làm cho Truyện Kiều dễ nhớ, dễ thuộc, dễ truyền cảm à? Những người tìm tòi loại sau này, khi có một nội dung nào, thì gắng hết sức diễn đạt nó cho hàng vạn người thích được; như vậy cũng chưa đủ, họ lại tìm tòi nữa để cho hàng triệu người có thể thích được. Dĩ nhiên chúng ta không máy móc đòi tất cả các tác phẩm đều phải được mọi người hiểu ngay; còn phải nhìn thấy trình độ của quần chúng cụ thể; lại có những tác phẩm nặng về nâng cao. Nhưng đứng về hai phương hướng tìm tòi, thì hướng nào hơn? Ngay thầy Mạnh Tử xưa đã đặt câu hỏi: “Cùng ít người vui nhạc, với lại cùng quần chúng vui nhạc, cái nào vui hơn?” Câu trả lời quá rõ.
Có vài người lấy nê rằng: “Cuộc sống bây giờ mới quá, không thể diễn đạt theo lối thông thường [8] được”. Họ bèn tìm tòi những cách rất khó khăn để diễn đạt cái mới. Lý luận thật là mỉa mai! Cái mới của thời đại này, chính quần chúng làm ra, chứ không phải anh với tôi; thế mà lại diễn đạt cái mới một cách thế nào để cho quần chúng không hiểu được!
Có vài người lại nói: “Thời đại này là thời đại nguyên tử, mọi việc đều phải mới theo”. Muốn nói đúng hơn, phải nói: thời đại này là thời đại của quần chúng nhân dân; còn sức nguyên tử là một năng lượng vĩ đại mà quần chúng nhân dân sẽ nắm lấy để dùng. Phải làm theo quần chúng, chứ không phải làm theo nguyên tử. Thời đại nguyên tử, nhưng trái tim không nguyên tử! Văn nghệ nguyên tử là thứ văn nghệ gì?
Thẩm mỹ mới của chúng ta là thế đó, thẩm mỹ cho hàng vạn, hàng triệu người lao động, họ là tinh hoa của đất nước, chứ không phải thẩm mỹ cho một số nhỏ người béo phị vì ngồi ăn bám [9], hay cho một nhúm người coi nghệ thuật là vương quốc riêng của mình. Bởi vậy cho nên thẩm mỹ mới, là nâng cao trên cơ sở phổ cập.
Ý nghĩa của văn nghệ mới
Tìm những cách nhìn trời xanh, tìm những cách diễn đạt màu trời xanh; tìm những cách nói cái mênh mông của hạt bụi và của hằn bánh xe; chúng ta quý yêu vô cùng cái nghệ thuật dạy cho ta biết ngắm nhìn và suy nghĩ về cái mênh mông của trời đất, của sự sống. Xưa có một ông vua Trung Quốc ao ước và bắt thợ làm đồ sứ của y pha chế cho ra một thứ men xanh như trời trong sáng sau cơn mưa (vũ hậu thiên quang). Nhưng thợ làm đồ sứ không tài nào pha chế nổi (họ có bị chặt đầu hay không, thì không thấy nói). Một nhà thơ Trung Quốc xưa kể lại chuyện đó và khen người yêu: “Em Yến Hoa, đôi mắt em chiều nay đúng là giấc mơ của thiên tử, như trời trong sáng sau cơn mưa”. Thật là tinh vi!
Chúng ta còn viết cả về cách uống rượu cho ngon, cách pha trà cho thanh khiết, và theo đà giầu có của kinh tế, ta còn ca ngợi nước hoa thật ngát, và làm thơ yêu cầu chế thật nhiều son phấn hảo hạng cho mọi thiếu nữ sẽ thành những nàng tiên. Chúng ta cũng rất quý yêu cái nghệ thuật dạy cho ta biết hưởng thụ cuộc đời.
Đó là những việc mà văn nghệ muôn đời đã làm, văn nghệ của ta cũng nối tiếp cái gia tài tìm tòi kia, dần dần làm cho trái đất này thành một thiên đường. Trong chế độ ta, những nghệ sĩ làm những công việc “muôn đời” như thế, ta hoan nghênh.
Nhưng do vì trên đời này còn có rất nhiều người chết đói, nhiều nước phải nô lệ, do vì trên nước ta, một nửa còn chưa giải phóng, do vì nhân loại còn phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt lâu lắm nữa, mới làm cho mọi người có được bánh ăn và hoa hồng, do vì thế nên ta muốn rằng văn nghệ của ta không những ngắm nhìn, tìm hiểu và hưởng thụ cuộc sống, mà văn nghệ còn xắn tay áo lăn vào trực tiếp đẩy bánh xe lịch sử với quần chúng, văn nghệ phải thành vũ khí trực tiếp đấu tranh, văn nghệ phải cải tạo thế giới. Cái mới vô cùng, không văn nghệ cũ nào, không văn nghệ tư sản nào bì nổi, của văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa chúng ta, là đấu tranh cho Đảng kiểu mới, chính quyền kiểu mới, con người kiểu mới, và lao động kiểu mới.
Cái then chốt của nhân văn cộng sản là vô cùng yêu mến con người lao động (chứ không phải con người chung chung bao gồm cả con người áp bức bóc lột đang ở địa vị áp bức bóc lột), điều mà chủ nghĩa nhân văn trước đây không thể quan niệm đầy đủ và triệt để. Bởi vậy cho nên, với chúng ta, nghệ thuật rất quý, nhưng nghệ thuật không thể quý hơn con người. Không thể nói như bạn Văn Cao: “Khốn nỗi những người đọc của chúng ta lại cứ muốn tìm trong cái đám đông người một bộ mặt có thể ưa thích được”. Đám đông nào? Có Tây đế quốc và địa chủ ác bá trong đó không? Sao lại không nhận thấy trong quần chúng ấy, mỗi bộ mặt có một vẻ đáng mến riêng, mỗi bộ mặt đều thông minh và rất phân biệt người này với người khác, mỗi bộ mặt đều có thể dạy cho ta rất nhiều về cuộc đời, có những bộ mặt đẹp nữa; tại mắt nghệ sĩ không nhìn thấy nổi, chứ không phải lại “bá tánh” này là khu đen! Cũng không thể nói: “Tấm bia trên mồ một người đã khuất có lẽ còn ở lâu trên mặt đất hơn một cuộc đời”. Mỹ học của chúng ta không bắt hàng vạn người chết để xây Kim tự tháp, không bóc da người đem thuộc đi để bọc bìa sách, không đặt sọ người làm đồ chơi trên bàn; một người chỉ sống trong khoảng trăm năm, còn tác phẩm nghệ thuật đẹp thì được con người bảo quản mãi, hai việc đó sao lại đem so sánh nhau? Sao lại nói đá đẹp thì quý hơn người?
Khi Văn Cao nói: “Yêu những người biết thất bại mà dám mở đường”, tôi hiểu ý bạn muốn nói rằng đường đã đúng thì cứ táo bạo mà đi, đừng lo sợ thất bại, ta thất bại đã có kẻ khác tiếp tục tìm. Như vậy thì tôi rất đồng ý. Những người mở đường trong nghệ thuật mà vì lý do gì đó thất bại, ta vẫn mến, vì ta khuyến khích những thí nghiệm thành tâm. Nhưng người biết là thất bại (vì sai hướng) mà cứ mở đường liều, là anh hùng chủ nghĩa rẻ tiền mà ta không dung thứ. Mở đường trong nghệ thuật để phục vụ nhân dân, chứ không phải mở đường để mà mở đường.

°

Không say sưa vì danh từ. Không dùng những chữ “cũ” để ném đá nhau, không đeo những chữ “mới” như chiêu bài trước ngực. Nghệ thuật là một cuộc tranh đấu không ngừng; cái mớ bòng bong “mới cũ” rất dễ lộn, dễ nhầm, chúng ta tinh tường, sáng suốt mà phân biệt cho ra.
Những người sáng tạo văn nghệ trong chế độ yêu quý của chúng ta! Hãy táo tạo và vững chãi, hãy tân kỳ và đúng đắn tìm cái mới đi! Đừng có để cái mới mẻ của thời đại cười chê cái tẻ nhạt trong nghệ thuật! Mở to đôi cánh của trí tưởng tượng! Vào trong thực tế mà tung thâm! Rèn luyện nghề của mình đi! Đưa cho được vào tác phẩm cái mới chân chính mà nhân dân đòi hỏi!
8-1957
Chú thích
[1]Lời nhạc sĩ người Áo Ernst Toch, định cư tại Mỹ, chế giễu chủ nghĩa tân thời trong âm nhạc (nguyên chú)
[2]Xem bài diễn văn của Sê-pi-lốp đọc ở Đại hội các nhà mỹ thuật Liên xô lần I (nguyên chú)
[3]Xem bài “Một vài ý nghĩ về thơ” của Văn Cao (Văn nghệ số 3) (nguyên chú)
[4]Xem bài “Một vài ý nghĩ về thơ” của Văn Cao (Văn nghệ số 3) (nguyên chú)
[5]Của Trần Việt, báo Nhân dân ngày 1-1-1957 (nguyên chú)
[6]Hăng-ri-Hai-nơ (1797-1856), nhà thơ lớn nhất nước Đức sau Goethe (nguyên chú)
[7]Nhà thơ ở thế kỷ 17, làm những ngụ ngôn rất hay (nguyên chú)
[8]Xin chú ý: thông thường không phải là tầm thường. Thông thường vẫn có thể rất mới, rất hay. (nguyên chú)
[9]Viết thoát theo ý của Lê-nin (nguyên chú)