Dịch giả: PHẠM TÚ CHÂU,THÀNH TRINH BẢO, NGUYỄN THỊ BĂNG THANH
Chương II
LỄ RA MẮT ĐẶC BIỆT

Nhật ký của Hiểu Húc

Ngày… tháng…

Thầy giáo mới đến giữa lúc cả lớp đang đoán già đoán non.
_ Thầy tự giới thiệu trước nhé, thầy tên là Giang Nam, từ hôm nay, thầy sẽ cùng cả lớp học tốt môn Ngữ văn.
Các thầy cô khác lần gặp mặt đầu tiên thường điểm danh để nhận học trò. Thầy Giang không thế. Trước hết thầy kể một câu đố làm quà gặp mặt với cả lớp.
_ Trên thế giới có một ngân hàng kỳ quặc. Ngân hàng này mở tài khoản cho mọi người, hàng ngày ghi gửi vào tài khoản của mọi người một số tiền như nhau để họ dùng hết trong ngày, không ai được để số dư, không được chi trước hoặc chi vượt trội. Nếu ai dùng không hết thì khoản tiền đó ngày hôm sau không còn giá trị. Nào, hãy đoán xem ngân hàng đó hàng ngày ghi khoản gì vào tài khoản của chúng ta?
Thì ra đó là thời gian! Thầy Giang còn nói:
_ Chẳng hạn tuổi thọ bình quân mỗi người là 65 năm, trong số đó riêng khoảng ngủ đã là 20 năm, khoảng trưởng thành cần 10 năm, thử tính xem thời gian thực sự mà đời người có được là bao nhiêu? Vốn liếng lớn nhất của các em là thời gian, tuổi trẻ. Hãy biết quý trọng tuổi xuân, quý trọng thời gian! Đấy là tất cả niềm hy vọng thầy gửi ở các em!
Những lời đó làm cả lớp xúc động. Ngay lập tức mình thấy mến thầy.
Sau đó còn xảy ra một chuyện “động trời”; Dư Phát vội vàng viết cho kịp nhật ký tuần trước để nộp, thầy Giang biết được liền bảo cả lớp từ nay không phải nộp nữa. Thầy nói:
_ Các em nộp nhật ký phần nhiều chỉ để đối phó với thầy cô, không nói thật lòng, chỉ viết tòan những điều giả dối. Thầy mong các em viết nhật ký một cách tự giác, ghi lại những cảm thụ chân thực và nhận thức của mình về cuộc sống, tự thể nghiệm về niềm vui cùng nỗi buồn. Những tâm sự đó thuộc về niềm vui của mỗi người, thầy sao có quyền thu để đọc và nhận xét?
Thầy đã nói trúng tim mình!
Không hiểu từ lúc nào mình cảm thấy lớn lên không còn muốn nói tất cả mọi điều với mẹ như hồi trước. Mình thích có một mình, bất cứ ở nhà hay ở đâu, đều muốn có một không gian thuộc về mình. Mình muốn một mình suy nghĩ về mọi việc. Mình là đứa con gái thích ảo tưởng mộng mơ, thích suy nghĩ nhiều nên cũng muốn ghi lại tất cả. Một nhà văn Nhật Bản có nói: “Văn học là tượng trưng của đau buồn”, mình thấy có lý lắm. Nhiều khi nỗi đau khổ của một nhà văn là của cải của họ. Song mình thì bất kỳ tâm tư thế nào, mình cũng muốn viết nhật ký, chẳng khác nào thủ thỉ chuyện trò với người bạn thân hiểu mình nhất. Trước mặt người bạn đó, mình mở toang cửa lòng ra mà không hề xấu hổ, kể với bạn mọi mắc mớ, vui buồn của một người con gái. Lúc nào vui mình viết một mạch nhiều trang, lúc nào buồn chỉ viết có vài dòng. Tất nhiên những nội dung đó mình ghi trong nhật ký để lại cho mình, còn quyển đưa nộp cho cô giáo chỉ viết những suy nghĩ và tâm đắc trong học tập.
Mẹ mình thì lại có cách nhìn nhận khác. Đừng tưởng mẹ chỉ là một biên tập viên không thôi đâu, mẹ còn phụ trách riêng mục “Chị gái tâm tình”. Nhưng mẹ bảo viết nhật ký là trò chơi của bọn con gái. Con gái mười lăm mười sáu tuổi thì viết được gì, chẳng qua toàn những lời thầm thì vô giá trị, chẳng nói lên điều gì. Mẹ bảo hồi trẻ mẹ cũng viết nhật ký, bây giờ xem lại, chỉ xem chừng hơn chục trang là không còn muốn xem tiếp nữa, bởi vì chỉ tòan những câu không bệnh mà rên.
Nếu mẹ nghe được những lời thầy Giang nói thì mẹ sẽ nghĩ sao? Thầy Giang không giống các thầy cô giáo khác, mình cảm thấy thầy xứng đáng là một con người, một người rất xa mà cũng rất gần. Kìa, mình nghĩ đẩu đâu thế nhỉ, tóm lại, mình đặc biệt mến thầy Giang.
Con nhỏ bên nhà hàng xóm lại cò cưa đàn rồi. Tiếng cò cưa đã khó nghe lại còn phải nghe tiếng mẹ nó mắng  nỏ: “Sao mày ngu thế hả?”, “mày có biết cha mẹ tốn bao nhiêu tiền cho mày học đàn không?”, “mày không chịu khó luyện tập, coi chừng tao nện chết đó!”. Sau đó là tiếng Bối Bối khóc. Tiếng đàn, tiếng mắng mỏ, tiếng khóc là bản hòa tấu tất nhiên. 
 

QUÁN CÀ PHÊ PHỈ THÚY

Ánh chiều tà thẹn thùng ôm hôn mặt đất, nhuộm vạn vật thành màu vàng óng. Sau khi tiếng chuông cuối cùng vang lên, học sinh các lớp ùa cả ra cổng, tản theo các đường các ngõ. Các cửa hàng đúng mốt, nào “Gioocđanô”, nào “Bách Giai”, “Hoàn cầu”, “Mậu dịch quốc doanh”, “Mắc Đônan”… đều có bóng dáng của họ. Họ lựa chọn thành thạo những món ăn nhập khẩu mà mình ưa thích, chọn mua những thứ hàng nổi tiếng và đắt tiền. Các bạn lúc thì rì rầm trao đổi tin tức về một danh ca đến Thâm Quyến tổ chức buổi biểu diễn, lúc lại lớn tiếng bình luận mối quan hệ giữa Trung Quốc và Anh, hoặc nghiến răng nghiến lợi chửi rủa những bài học đáng chết cùng những đợt kiểm tra và thi cử triền miên.
Giống như bầy chim được xổ lồng, họ ríu ra ríu rít vui đùa.
_ Đi, hôm nay tớ khao! Tới quán cà phê Phỉ Thúy! - Dư Phát vừa nói vừa vẫy tay.
_ Có chuyện gì mà vui thế?
_ Không phải viết, không phải nộp nhật ký, thế chẳng phải đáng khao sao?
_ Ừ, chúng mình đi cả đi, không đi cũng uổng! - Tiếu Thiên nói.
_ Tiêu Dao hỏi Trần Minh:
_ Cậu có đi không?
_ Không, tớ có chút việc, không đi được! … - Dáng cao gầy ấy sửa cặp sách rồi đi về hướng khác.
_ Hừ, vênh nhỉ! - Dư Phát bĩu môi về phía Trần Minh. Người Quảng Đông dùng từ “vênh” để hình dung điệu bộ làm cao, kiêu ngạo của một người nào đó. Như nhiều học sinh khác, Dư Phát coi thường số học sinh giỏi, coi họ là đồ học gạo.
Quán cà phê Phỉ Thúy không to nhưng rất tĩnh mịch. Toàn một màu xám xịt, màu mốt của mấy năm nay. Sàn gỗ bóng loáng, soi được cả hình người, xem ra ông chủ phải hao tổn tâm trí khi sửa sang quán. Ông ta dùng một cái gương thật lớn để bù cho chiều hẹp của không gian.
Bọn Dư Phát tìm một bàn sát tường và ngồi xuống. Mặc dù các bạn biết không khi nào thầy giáo đến những nơi này nhưng vì mang theo cả cặp sách nên dấu vết học sinh trung học như khắc trên trán, họ cảm thấy kín đáo một chút vẫn hơn.
Lưu Hạ chăm chú ngắm chiếc đèn chùm hình cành lá. Loại thủy tinh trên đó quá đẹp, ánh sáng chiết xạ ra đẹp khôn tả. “Hẳn phải là thủy tinh của Úc!”, Lưu Hạ nghĩ thêm. Bạn cảm thấy ngồi ở nơi này là một sự hưởng thụ, một sự được thỏa mãn.
Bỗng trong gương có bóng một người rất quen. “Ba!”, Lưu Hạ súyt kêu thành tiếng. Ba đưa một người phụ nữ vào gian ngồi riêng, người đó không phải là mẹ mà là cô Nhậm Na. Lưu Hạ cảm thấy sợ. Ba hôm qua nói hôm nay phải tiếp khách, ba đến đây tiếp khách sao?
Ba Lưu Hạ là một nhạc trưởng, tên Lưu Hạ là do ba đặt cho. Hồi bạn học tiểu học, luôn có bạn gọi trêu “Lưu Hạ - lưu ban”, “Hạ Lưu - lưu manh”. Lưu Hạ vừa khóc vừa chạy về mách ba. Ba bảo tên ấy nhiều ý nghĩa lắm. Lưu là họ của ba, Hạ là họ của mẹ, tên ấy để lại biết bao hồi ức tốt đẹp do vậy tên cũng đẹp lắm, nghe qua một lần không dễ quên.
Không nhớ từ hồi nào ba không còn nói những lời như vậy nữa. Lưu Hạ lờ mờ cảm thấy tình thế không hay. Tới Thâm Quyến ít lâu, mâu thuẫn giữa ba và mẹ ngày một lớn. Mẹ bảo ba “không chịu đựng nổi viên đạn bọc đường công phá và đã hủ hóa”. Hồi Lưu Hạ học phổ thông cơ sở, ba đã tính li dị mẹ. Lưu Hạ viết thư cho cô, em gái ba: “Nếu ba mẹ cháu li hôn, cháu sẽ nhảy lầu tự tử“. Sau đó gia đình yên ổn được một thời gian dài rồi ba trở nên nổi tiếng, được một đoàn kịch nữa mời kiêm chức nhạc trưởng cho cả họ. Thời gian ba ở nhà ít dần, có bận cả tháng không về nhà lần nào. Mẹ rất lo lắng, bảo Lưu Hạ tới đoàn kịch xem ba đang làm gì, có ở chung với ai không.
Lưu Hạ dự cảm nhạy bén có chuyện gì đó bèn tới đoàn kịch với tinh thần nhận một sứ mệnh. Bạn thấy ba đang ngồi cùng một người đàn bà khoảng ba mươi tuổi. Đối với lớp trẻ như Lưu Hạ, bồ bịch không còn là chuyện chưa từng nghe, song người thứ ba trong ấn tượng của bạn phải là lọai mắt xanh mỏ đỏ, miệng ngậm thuốc lá đầy khêu gợi. Song người đàn bà này không phải loại đó. Thấy Lưu Hạ, ba mất tự nhiên:
_ Lưu Hạ, con ngồi chơi đây để ba mua thứ gì uống đã nhé!
Ba bỏ đi, còn lại người đàn bà kia cùng Lưu Hạ.
_ Hạ này, lớp mười rồi phải không? Thi đại học đến nơi rồi! Bài vở hẳn nhiều lắm nhỉ?
_ Làm sao chị biết?
_ Chị ở Cục tình báo Trung ương mà! Chị còn biết Hạ chơi viôlông giỏi lắm, Hạ muốn sau này trở thành nghệ sĩ nữa.
_ Chị biết nhiều quá nhỉ, nhưng em chưa được biết chị.
_ Bây giờ chúng mình chẳng làm quen với nhau là gì? Chị cùng cơ quan với ba, là diễn viên múa, tên Nhậm Na, gọi chị là cô Nhậm nhé!
_ Sao có thứ cô trẻ đến thế? Lần trước có đứa bé gọi mẹ em là bà, mẹ em còn không thích. Thế mà chị lại muốn già đi, vui thật!
Cả hai cùng cười.
_ Cô nghĩ Hạ cứ nên gọi cô là cô Nhậm. Gọi thế quen tai hơn.
_ Đựơc, cô Nhậm ạ! - Lưu Hạ gọi ngọt xớt. Bạn cảm thấy cô Nhậm cũng khá, hoạt bát, nhiệt tình, có cá tính, chẳng giống mẹ một chút nào. Cô Nhậm ăn mặc cũng hay, đơn giản phóng khoáng, không tầm thường mà cũng không lòe loẹt. Tóc chỉ buộc sơ sài bằng một dải băng, cả người tỏa ra sức sống tươi trẻ.
_ Hạ đi đây!
_ Hạ có việc gì?
_ Lúc nãy thì có đấy, bây giờ thì không - Lưu Hạ đáp.
_Thật sao?
_ Thật!
Về nhà, Lưu Hạ không hở chuyện. Mẹ hỏi:
_ Ba có sống chung với bồ bịch nào không?
_ Không ạ!
Khi trả lời “không ạ“, không phải Lưu Hạ muốn che giấu cho ba mà vì bạn không liệt Nhậm Na vào hạng “bồ bịch”. Bạn còn thấy mẹ mình lắm chuyện. Mẹ không tin.
Cuối cùng mẹ chộp được ba và “cô Nhậm” ở một chỗ nào đó. Sau đấy trong nhà chỗ nào cũng như có chôn mìn, sơ sểnh một chút làm giẫm phải nổ tung. Mẹ còn gọi cậu đến cho ba một bài học. Dù vậy cả ba lẫn mẹ đều chẳng ai dám nói đến hai chữ “ly hôn”
Các bạn đã chuyển từ chuyện thầy giáo mới sang chuyện xây dựng một sân bay mới ở Hồng Kông.
Lưu Hạ rất có năng khiếu âm nhạc, chắc là kế thừa gien của ba. Hồi học cấp một, bạn là “giọng vàng” nổi tiếng tòan trường. Bất kể tham gia hội diễn nào của học sinh trung tiểu học toàn thành phố, bạn cũng đứng đầu bảng. Viôlông chơi cũng cừ. Lúc đầu, ba bắt bạn hàng ngày phải tập một giờ rưỡi, thật là khó chịu đựng nổi như phải chịu hình phạt. Bốn sợi dây đàn mới khô khan vô vị làm sao! Bạn bực lắm, sao thế giới này lại nảy ra cái trò kéo viôlông nhỉ? Vừa đặt đàn lên vai, mắt bạn đã nhìn vào đồng hồ, chỉ muốn vặn kim cho chạy nhanh lên. Bây giờ muốn chơi đàn thì bài vở ùn đến thở không ra hơi, chẳng còn thì giờ sờ đến đàn. Con người thật lạ, toàn làm những gì mình không muốn, còn cái muốn thì lại chẳng làm; không làm được thì lại càng muốn làm cho nên bạn mới hay nhắc đến Môda, Sôpanh, Suman, Wecti… Bọn con gái trong lớp bảo Lưu Hạ thích khoe khoang, khoác lác.
_ Lưu Hạ, hát một bài nào!
Hồi này karaoke đang là mốt. Lưu Hạ cũng muốn khoe tài với các bạn, song hôm nay… Bạn không ngờ cái người bảo mình gọi là “cô Nhậm” ấy lại chính là “đồ con phò” cướp cha mình.
_ Hạ ơi, sợ cái gì nào? - Vương Tiếu Thiên hỏi.
Đúng thế, sợ quái gì? Lưu Hạ đứng lên, đi lên bục. Cho họ tức!
Phải rồi, hát bài Tôi muốn có một mái nhà của Phan Mỹ Thìn:
 “Tôi muốn có một mái nhà, một nơi không cần rộng lắm!…”
Tiếng hát làm người nghe cảm động. Trong tiếng vỗ tay của mọi người, rõ ràng Lưu Hạ cảm nhận được ánh mắt phức tạp, ngượng ngùng của ba và Nhậm Na.
Làm cho họ phải ngượng rồi lẳng lặng bỏ đi, Lưu Hạ chưa kịp nghĩ kỹ xem cách đó là thông minh hay ngu xuẩn, song vừa hát song, bạn đã bỏ đi ngay không chút do dự.
_ Lưu Hạ, mình cũng trông thấy rồi! - Không biết từ lúc nào, Tiếu Thiên đã theo bén gót.
_ Đừng có tưởng là mình thông minh lắm đấy nhé! - Lưu Hạ trợn mắt gắt lên với Tiếu Thiên - Trông thấy cái gì? Bạn đồng nghiệp cùng tới quán uống cà phê là chuyện thường, có gì mà đã rối lên! Đồ phong kiến!
Trong phút chốc, Lưu Hạ tự mâu thuẫn với mình. Mình yêu hay hận Tiếu Thiên? Chẳng biết nữa! Mình ghét, mình ghen tị hay thích Nhậm Na nữa?
_ Xin lỗi nhé! Mình đang bực! - Lưu Hạ nhún vai bảo Tiểu Thiên.
CON CHIM CÔ ĐƠN
Đứng ở lề đường bên kia, Liễu Thanh nhìn thấy Lưu Hạ và Tiếu Thiên. Bạn đã há mồm ra toan gọi song chưa thành tiếng. Đành thôi vậy.
Bây giờ học sinh trung học kết nhóm Party đã thành phong trào. Thường là một nhóm cùng đến nhà một bạn nấu cơm ăn, đến một vườn hoa nào đó chơi hoặc đến liên hoan ở một cửa hàng ăn nào đó. Những buổi như thế này, trong lớp có hai bạn nói chung là không tham gia, một người là Trần Minh, người nữa là Liễu Thanh. Nếu Trần Minh là người không thích để ý đến ai nhất thì Liễu Thanh lại là người chẳng ai thích để ý đến nhất. Như hôm nay cũng vậy, mấy bạn rủ nhau vào quán song chẳng ai muốn rủ Liễu Thanh.
Liễu Thanh biết các bạn gọi ngầm mình là E.T. Bạn rất buồn nhưng rồi học theo tinh thần A.Q, tự an ủi mình: E.T là hai chữ viết tắt của English teacher, giáo viên tiếng Anh. “Mình học giỏi tiếng Anh thì đã sao nào!”. Liễu Thanh nghĩ cách gần gũi các bạn song kết quả thường là ngược lại. Một lần, mọi người đang tán gẫu, một bạn ra một câu đố:
_ Có bốn con gà mái, một con tên Ngô, một con tên Ngổ, một con tên Ngộ, một con tên Ngồ - Có một quả trứng, không phải con Ngô, con Ngố, con Ngồ, đẻ ra. Vậy thì con gà nào đẻ ra?
Câu đố vừa nói xong, lập tức có người cười ầm lên. Người cười đó là Liễu Thanh.
_ Bạn thử đóan xem con gà nào đẻ quả trứng đó!
Liễu Thanh biết nếu trả lời thì sẽ làm trò cười cho các bạn, song vì muốn gần gũi với họ nên bỏ cả lòng tự trọng của con gái, giả vờ ngớ ngẩn đáp:
_ Chẳng phải con Ngộ (tôi) đẻ đó sao?
Liễu Thanh vừa trả lời xong, quả nhiên mọi người cười ầm lên:
_ Ha ha, Liễu Thanh biết đẻ cả trứng nữa cơ đấy!
_ Ha ha…
Liễu Thanh muốn làm dịu không khí, muốn các bạn vui vẻ, không ngờ tình hình càng tệ hơn. Bạn bị cả lớp coi là cái bung xung, làm trò cười, do đó càng không có người muốn chơi với bạn. Sự việc này còn được người ta nhắc đến mãi trong nhiều trường hợp. Liễu Thanh không biết phải làm thế nào, chỉ cảm thấy ở với người thật khó.
Liễu Thanh có ba chị em. Chị cả Liễu Diệp lấy chồng ở Hồng Kông, cha mẹ cười tươi như hoa. Chị hai Liễu Mi lấy chồng Úc, bố mẹ gặp ai cũng khoe. Tới Liễu Thanh, cha mẹ mong chờ càng cao, chỉ muốn gả con lên tận trời, thường suốt ngày nói:
_ Môn khác học kém không sao, môn tiếng Anh phải học tập thật giỏi, có kén chồng cũng dễ kén.
Chỉ tiếc là Liễu Thanh không nhan sắc bằng các chị nên đương nhiên không có “phúc” như các chị. Liễu Thanh thấp lùn lại béo, đó là những điều kị nhất của con gái.
Song bạn có cái tên rất dễ nghe, đúng là loại tên ưa chuộng của Quỳnh Dao:  Liễu Thanh! Lúc đầu nghe tên ai cũng tưởng phải là cô gái thon thả, cao ráo, tới khi thấy mặt thì mới hoàn toàn thất vọng.
Liễu Thanh cũng thấy khổ tâm. Béo thế này biết làm sao? Bạn toàn nhịn ăn, song người béo uống nước thôi cũng béo. Hồi học trung học cơ sở, Liễu Thanh nghe người ta bảo tập chạy sẽ giảm béo, thế là tập chạy liền trong ba tháng. Bạn vốn tưởng ai tập chạy cũng đều béo, nào ngờ người chạy trên đường phố đều là người săn chắc gầy gầy, mà nói theo ngôn ngữ của Liễu Thanh thì đều là người rất “phom”. Thật là đã đẹp rồi càng muốn đẹp hơn. Chạy cùng với họ, Liễu Thanh cảm thấy mình “ê” quá, bèn thôi không tập chạy nữa. Không ngờ vừa thôi chạy đã nặng thêm một ký. Khi cân để kiểm tra sức khỏe Liễu Thanh nhường tuốt, cuối cùng mới cân. Không cân thì thôi, cân lên sợ hết hồn: 60 kí! Liễu Thanh vội năn nỉ thầy chủ nhiệm:
_ Thầy giữ bí mật tuyệt đối giúp em!
Giờ thể dục trung học phổ thông thì chia môn: môn bóng chuyền, môn bóng rổ, môn thể dục nghệ thuật. Liễu Thanh rất muốn vào lớp thể dục nghệ thuật nhưng ngại không muốn ghi tên, sợ các bạn cười, đành phải ghi tên vào lớp bóng rổ.
Liễu Thanh không hứng thú gì với bóng rổ cả. Bạn không hiểu được bao nhiêu người tranh nhau một quả bóng thì có gì là vui thú. Bạn càng không quen giành giật một trái bóng chẳng có mấy ý nghĩa trong tiếng reo hò của người xem. Không có ai ngăn chắn để truyền bóng cho Liễu Thanh, bạn cũng không ném bóng vào rổ lần nào, chỉ chạy tới chạy lui theo chân đồng đội. Bạn cảm thấy bộ dạng của mình trên sân bóng tranh giành kịch liệt hẳn là khó coi, song khó coi nhất là lúc chia người vào từng đội để thi đấu. Chẳng ai muốn chọn Liễu Thanh. Đội trưởng đôi bên “oẳn tù tì” đến mấy lần, bên thắng được chọn người trước. Lúc này lòng Liễu Thanh trĩu nặng về “oẳn tù tì” thua hay thắng chỉ nhằm không phải chọn Liễu Thanh vào đội của mình.
Cuối cùng đội trưởng bên thua trong tình hình bất đắc dĩ đành gật đầu với Liễu Thanh ra ý gọi bạn đến, song đồng thời đội trưởng còn thêm một động tác nữa là bĩu môi. Động tác này làm cho Liễu Thanh vốn đã buồn càng thêm nản lòng.
Liễu Thanh chỉ say sưa với việc tập luyện ở lớp thể dục nghệ thuật. Bạn lẻn tới xem đội này lên lớp. Bọn con gái ở lớp này mặc quần áo thể thao bó sát người, những cái giơ tay duỗi chân trong tiếng nhạc du dương uyển chuyển bao giờ cũng toát lên vẻ thanh xuân trong trắng và mềm mại riêng có ở những nữ sinh trong vườn trường. Liễu Thanh ngắm nghía mãi, cảm thấy mình dường như cũng là một thành viên trong lớp…
Liễu Thanh không có bạn.
Vốn dĩ Liễu Thanh thân với Lưu Hạ, họ thường ở bên nhau. Sau đó, một hôm Lưu Hạ đi tập đồng ca, Liễu Thanh đứng ngoài đợi. Tới sáu giờ chiều, Lưu Hạ mới ra. Liễu Thanh chờ lâu quá, buột nói:
_ Sốt ruột muốn chết, muộn thế cơ à?
Lưu Hạ độp lại:
_ Ai can chờ mà chờ!
Nói xong, Lưu Hạ bỏ đi cùng đội hợp xướng, Liễu Thanh bị hiểu lầm, nghĩ rằng Lưu Hạ sáng giá đến như thế, mình với cô ta đi đôi với nhau chỉ tổ làm vật đối chiếu cho cô ta nổi thêm. Thế là từ đó mối quan hệ với Lưu Hạ nhạt dần.
Liễu Thanh khao khát có một người bạn. Liễu Thanh cảm thấy các bạn xung quanh, số thì tự kết thành hội với nhau, số thì là những người mà chính Liễu Thanh không muốn kết bạn. Có lúc mọi người tuy ở cùng nhau song lại chỉ có thể coi là bạn của bạn.
_ Mình là con chim cô đơn! - Liễu Thanh từng viết như thế.
Liễu Thanh rất hâm mộ Lưu Hạ. Bạn ấy xinh đẹp, đàn giỏi, hát hay, được nhiều bạn trai thích. Nếu không được như Hân Nhiên cũng tốt, bạn bè và thầy cô giáo đều thích bạn ấy. Bạn ấy có quan hệ tốt, thành tích học tập cũng tốt lại mát tính, tốt bụng… Mình thật chẳng ra gì, mặt nào cũng dở, tài không có mà sắc cũng không.