Chính là Kiên thị, vì kiêng tên Tôn Kiên (Tam quốc) nên người Ngô mới đọc thành Chân(có sách chép là Nhân). Kiên thị (chưa rõ tên thật) là vợ của Viên Hy (con thứ ba của Viên Thiệu), sau lấy Tào Phi (con Tào Tháo) sinh ra Tào Duệ(tức Ngụy Minh Đế) và Đông Hương công chúa. Hồi Tào Tháo đánh Ký Châu, Tào Phi, con cả của Tào Tháo đem quân tùy tùng đến thẳng dinh Viên Thiệu (Thiệu lúc này đã chết) vào tới trong, thấy hai người đàn bà ôm nhau khóc, toan rút gươm chém, bỗng thấy có vệt gì loá mắt, bèn dừng lại hỏi: - Các người là ai? Một người thưa: - Thiếp họ Lưu, là vợ của Viên Thiệu, còn đây là Chân thị, con dâu thứ ba của thiếp, vì Viên Hy, chồng nó đi giữ đất U Châu, xa quá nên nó mới ở nhà. Tào Phi kéo người phụ nữ đó lại gần, thấy tuy đầu bù mặt nhọ, nhưng là một trang quốc sắc, bèn nói: - Tôi là con cả của Tào thừa tướng, tôi sẽ bảo đảm cho gia đình yên ổn. Tới lúc Tháo biết chuyện gọi Phi ra quở trách vì không theo đúng quân lệnh, Lưu thị quỳ xuống thưa: - Nếu không có thế tử thì mẹ con thiếp không có đến lúc này, thiếp xin dâng Chân thị để hầu hạ. Tháo sai gọi ra, Chân thị ra quỳ lậy chào, Tháo nhình dung nhan, cử chỉ, rồi ôn tồn nói: - Được, người ấy đáng là con dâu họ Tào. Có tài liệu chép: Tào Tháo đánh Ký Châu, bắt được mấy người trong gia đình Viên Thiệu - trong đó có Chân thị (vợ Viên Hy, con dâu thứ ba của Viên Thiệu) rất đẹp. Tào Thực, em của Tào Phi xin bố cho mình lấy Chân thị, nhưng Tháo lại bảo Phi cưới làm vợ. Chân thị lấy Tào Phi, sinh được một người con, khi phi làm vua nước Ngụy, lập Chân thị làm Hoàng hậu. Sau đó Phi lại lấy thêm quý phi họ Quách, Chân thị bị lạnh nhạt dần. Tào Thực rất yêu Chân thị, nhưng không làm gì được. Việc này làm cho Tào Phi dần dần ghen ghét Thực, định giết hại. Một lần, Phi thấy Thực đến bèn nói: - Ta nghe ngươi có tài đi bảy bước làm xong một bài thơ. Trên tường có bức tranh "Khiên Ngưu và Chức nữ", ngươi hãy đi bảy bước và làm bài thơ. Nhưng cấm không được dùng hai chữ "Đầu Ngưu", không xong ta sẽ chém. Thực làm đúng như lời, Phi lại nói: - Bảy bước xong một bài thơ cũng chưa giỏi. Vậy ta ra một đề nữa, phải ứng khẩu làm ngay, không xong ta sẽ giết. Nói rôi ra đầu đề "dây đậu nấu hạt đậu". Phi vừa nói xong thì Tào Thực đọc luôn: Chử đậu nhiên cơ đậu Đậu tại phủ trung khấp Đồng thị nhất căn sinh Tương nhiên hà thái cấp. Tạm dịch: Dây đậu nấu hạt đậu Hạt đậu trong nồi khóc Cùng một gốc sinh ra Thiêu nhau sao quá gấp Ngoài cái tài xuất khẩu thành chương, còn có ý anh em một nhà làm gì mà nỡ hại nhau quá quắt đến thế. Tào Phi nghe xong, ôm lấy Tào Thực khóc mà xin lỗi. Từ đó anh em trong nhà yên ổn, bèn phong cho Thực làm Trần Vương ra ở đất Trần. Từ đó Chân thị và Thực cũng ít gặp nhau. Khi quý phi họ Quách được Phi chiều, bèn lập kế hãm hại Chân thị. Quách quý phi sai bọn hoạn quan đẽo một chiếc tượng gỗ, ngầm chôn trong phòng Chân hậu, rồi vu đồn rằng Hoàng hậu định ám hại Hoàng đế. Phi sai người khám cung Hoàng hậu, quả nhiên đào được tượng gỗ, cho là Chân thị thực tâm hại mình, bèn bắt thắt cổ chết. Cách đó ít lâu, Tào Thực từ đất Trần về triều, qua sông Lạc, (nới có truyền rằng thuở xưa con gái vua Phục Hy là Mật Phi chết đuối tai đây, hoá thành nữ thần sông Lạc), đêm nằm mơ thấy Chân thị ở đây. Sáng ra viết bài phú đề là "Găp nàng Chân" (Cảm Chân phú). Nhưng sau này Ngụy Minh Đế (tức Tào Duệ, con của Phi và Chân thị) đổi tên gọi thành "Phú thần sông Lạc" (Lạc thần phú). Đời sau, mỗi khi nhắc đến sắc đẹp kiều diễm, hấp dẫn của Chân Hậu, người ta thường mượn những đoạn miêu tả dung quang của bài "Gặp nàng Chân" (tức bài Phú thần sông Lạc). Sau đây là mấy dòng: "Hình nàng bay bổng tựa như chim hồng, uyển chuyển như rồng lượn, rờ rỡ thu cúc, xanh tươi xuân thông, mơ màng như dải mây lướt qua ánh trăng. Bồng bềnh như hoa tuyết trong làn gió. Từ xa mà nhìn, trắng mịn như nắng sớm khi mặt trời lên; lại gần mà ngắm, chói ngời tựa phù dung đu đưa sóng biếc. Không mập không gầy, chẳng lùn chẳng cao, vai tựa vòng cung, lưng như lụa nõn. Thon thon cổ gáy. mịn màng màu da. Không cần thoa xuyến, không cần hương thơm. Tóc mây óng ả, mày liễu đẹp dài, ngoài hồng môi đỏ, trong mịn răng ngà..." Chân hậu vốn là người giỏi thơ văn từ năm lên chín, sau đây là bài: "Đường thuợng hành" Bồ sinh ngã trì trung Kỳ diệp hà ly ly Bàng năng hành nhân nghĩa Mạc nhược thiếp tự tri Chúng khẩu thuớc hoàng kim Sử quân sinh biệt ly Niệm quân khứ ngã thì Độc sầu thượng khổ bi Tưởng kiến quân nhan sắc Cảm kết thương tâm tỳ Niệm quân thường khả bi Dạ dạ bất năng mị Mạc dĩ hào hiền cố Khí quyên tố sở ái Mạc dĩ ngư nhục tiện Khí quyên tông dữ phỉ Mạc dĩ ma đường tiện Khí quyên gian dữ khoái Xuất diệc phục khổ sầu Biên địa đa bi phong Thụ mộc hà du du Tòng quân trí độc lạc Diên niên thọ thiên thu Tạm dịch: Cỏ bồ mọc trong đầm Lá ấy sao xen đây Ví có làm nhân nghĩa Không bằng thiếp tự hay Miệng người cháy sắt thép Khiến chàng xa chân mây Nhớ khi chàng ly biệt Một mình oán hận đầy Hình dáng chàng tưởng đến Lòng dạ trĩu đắng cay Nhớ chàng luôn buồn thương Giấc ngủ đêm không đến Đừng vì chuyện tài hoa Quên thứ mình quý mến Đừng vì thịt cá rẻ Mà quên hành với tỏi Đừng vì đay tơ mềm Mà quên tranh với cói Bước ra lại khổ sầu Bước vào lại khổ sầu Biên ải nhiều gió buốt Cỏ cây sao rầu rầu Đi lính mà vui được Tuổi thọ dài ngàn thâu