Tuy đã cuối mùa xuân, trời vẫn se se lạnh. Uyển Thanh ngồi bên song cửa, ôm đàn tì bà, lơ đễnh khảy những khúc nhạc thê lương, mắt nàng đầy vẻ âu sầu trông ra ngoài như đợi chờ... Bội Nhi đã ba lần vào phòng, đốt nến thay đèn, rót nước mà thấy Uyển Thanh mãi thả hồn đâu đâu. Nhi không đàn được, nói: - Tiểu thơ, nếu chẳng việc gì, xin hãy đi nghỉ sớm. - Còn sớm mà phải không? Uyển Thanh nói, thấp thỏm nhìn về phía ánh bạch lạp. - Cũng chẳng còn sớm gì đâu. Từ chiều đến giờ mưa cứ rơi không ngơi, mà mưa lại càng lúc càng lớn. Thời tiết thế này, chắc chắn Dịch công tử sẽ không đến đâu tiểu thơ ạ! Uyển Thanh liếc nhanh về phía Bội Nhi: - Ai nói với em là ta đang chờ Dịch công tử? Bội Nhi cười, rồi đi đến giường sắp xếp chăn nệm, Nhi đốt thêm nến: - Dạ tiểu thư. Em theo hầu tiểu thư bao lâu nay, chẳng lẽ nào không biết tiểu thư đang nghĩ gì? - Thôi được rồi, cái con nhỏ này! Uyển Thanh cười nói, rồi lại thở ra - Mà thôi, Bội Nhi em hãy mang chiếc đàn này cất đi, chẳng hiểu sao hôm nay chị chẳng đàn được gì cả. Bội Nhi mang đàn đi cất. Uyển Thanh đứng dậy, bước tới bên cửa sổ, vén rèm. Bên ngoài mưa vẫn tiếp tục rơi. Tiếng mưa đập lên tà lá chuối nghe buồn làm sao. Xa xa là bóng núi, bóng hồ mờ nhạt. Vâng, trong cái đêm thế này, chắc chắn là chàng sẽ không đến. Rồi Uyển Thanh lại liên tưởng đến ngày đầu tiên gặp gỡ Thế Khiêm, chàng như một thiên thần còn nàng như một loài ma quỷ, vậy mà vẫn được chàng ghé mắt nhìn. Sau buổi đầu tiên ấy, chàng đã thường xuyên đến nghe Uyển Thanh đàn hát. Đã từng giờ ngồi đánh cờ, làm thơ, uống rượu cùng nàng. Hai bên đã trở thành tri kỷ. Chàng đã mang hết nỗi niềm riêng tư kể cho nàng nghe và nàng cũng thế. Nghĩ đến chàng, nhớ đến lời chàng đã kể về bối cảnh của chàng. Gia đình nghiêm khắc. Chàng đã có vợ, đó là một chuyện cưới gả do hai bên gia đình ép buộc. Và vì hiếu đạo làm con nên chàng đành chấp nhận. Cả hai đều không hạp tính tình, nên trong đời chàng chỉ có sách và rượu. Còn bây giờ? chàng đã hạnh phúc hay chưa? nghĩ đến đó làm tim nàng nhói đau. Nàng thở dài. Một cơn gió thổi qua làm rơi những hạt mưa trên lá xuống. Uyển Thanh kéo cao cổ áo lên, rùng mình. Gió thổi tạt vào làm ngọn đèn leo lét. Bội Nhi bước đến nói: - Tiểu thơ ơi, coi chừng giá lạnh đấy! cô vừa mới khỏi bệnh, phải biết quý trọng sức khỏe mình chứ? Và không chờ Uyển Thanh đồng ý, Nhi vội vã khép cửa lại. Uyển Thanh nhìn Bội Nhi, lắc đầu nói: - Em tốt với ta quá. Theo ta chỉ có khổ, nếu ở bên người khác không chừng đã khá hơn nhiều. Câu nói của Uyển Thanh là Bội Nhi mũi lòng. Nhi quay lại nhìn nàng với nụ cười, nói: - Thôi mà tiểu thơ, nói những lời đó để làm gì? Được theo hầu tiểu thơ là phúc của em. Tiểu thơ yên tâm, sau này tiểu thơ nhất định sẽ được hưởng một hạnh phúc thật sự! thật đấy! bây giờ cô hãy đi ngủ sớm đi. Hôm nay cô đã khước từ lời mời của thiếu gia họ Trương, Mẹ cô đã không mấy gì hài lòng. Còn ngày mai, Châu phủ mời cô đi dạo hồ, cô tính sao đây? - Mẹ đã nhận lời họ rồi sao? - Sao lại không? có bao giờ bà ta khước từ đâu? người ta vừa có tiền vừa có thế lực. Lần trước tiểu đồng của nhà họ Châu nói là... Ông ta nhất định sẽ tìm cách cưới cô về làm vợ thứ tư của ông ta đấy. Uyển Thanh buồn bực: - Hắn nào xứng với ta! - Vì vậy, em thấy tiểu thư nên đề phòng một chút. Ông nhà họ Châu này xài tiền không tiếc, mà bà của chúng ta chỉ biết có tiền. Bội Nhi nói đến đây còn ra dấu bằng cách vẽ cái vòng tròn hình tiền- Vì vậy em thấy nếu thật sự tiểu thư yêu Dịch công tử, tiểu thư nên giục cậu ấy phải hành động trước. Uyển Thanh đỏ mặt tránh: - Ồ, em lại nói năng lảm nhảm chi đây! đừng quấy rầy ta mà. - Nhưng em nói toàn là những đề nghị đứng đắn không, tiểu thư đừng bỏ qua cơ hội mà sau này hối tiếc không kịp. - Trời ơi, ta bảo em nói ít một chút có được không nào? Em biết gì chứ? Người như Dịch công tử kia, gia đình người ta là khoa bảng, lề lối nghiêm khắc, làm sao ta chen chân lọt vào được? Gia đình Dịch công tử gia giáo rất nghiêm. Mỗi lần công tử đến đây, đều là đến trộm chứ đâu cho nhà biết. Em thử nghĩ xem, chàng đã có vợ, với gia đình như vậy. Làm sao cho phép chàng cưới thêm ta? Thôi em đừng nói nữa. - Gia đình của Tiểu Thư ngày xưa cũng nào có thua gì ai chứ? tại vì hoàn cảnh nên mình mới nương tựa nơi đây. Ở đây tiểu thư vẫn còn trong sạch chứ nào giống như các cô nương khác mà tiểu thư lại lo ngại? - Em không hiểu đâu. Mắt Uyển Thanh ứa lệ, làm sao ai có thể hiểu cho đời nàng, lòng trăm mối ngổn ngang. Giờ gió lại càng to. Uyển Thanh ngồi đó lắng nghe tiếng mưa rơi lên khung cửa buồn buồn. Thanh không thấy buồn ngủ chút nào, nàng lại hỏi: - Bội Nhi em, Bội Nhi lập tức đến cạnh bên: - Dạ cô gọi em? - Hãy mài mực và lấy giấy ra dùm cho chị nhé. Bội Nhi thắc mắc: - Cô không ngủ mà lại viết gì nữa? Khuya rồi, mỗi lần cô làm thơ là mãi đến năm canh mới ngủ. - Nếu em thấy phiền thì cứ ngủ trước đi, ta không cần người bên cạnh phục vụ đâu. Đừng lằn nhằn như vậy được không? - Dạ, dạ, nào có gì đâu, chẳng qua vì em muốn bảo vệ sức khỏe của tiểu thư thôi. Khi xưa em có hứa với ông bà là mãi luôn bên cạnh hầu hạ tiểu thư, nếu tiểu thư không vừa lòng thì em sẽ không nói nữa, được không? Nói xong Bội Nhi vội vàng đi chuẩn bị giấy bút cho Thanh. Một xấp giấy hoa tiên được để ngay ngắn trên bàn, mực cũng được mài sẵn, có hai cây bút mềm gác hai bên. Thêm một ly trà nóng, thêm một tí hương trầm cho vào lò. Rồi Nhi đi lấy chiếc áo khoác mang đến cho Thanh, kính cẩn nói: - Tiểu thư, mặc thêm áo nầy vào rồi hãy làm thơ. Trời đang mưa to thế này là thời tiết sẽ lạnh đấy. Uyển Thanh đỡ lấy áo, nhìn Bội Nhi mà quên hẳn buồn bực. - Xin lỗi em, tại ta cảm thấy thật buồn. - Không sao đâu tiểu thư, em hiểu cô nhiều lắm. Tiểu thư làm thơ xong gắng đi ngủ sớm để giữ gìn sức khỏe nhé. Uyển Thanh cười nói: - Rõ là muốn giận ngươi cũng không được! Phòng bây giờ hoàn toàn yên tĩnh, Uyển Thanh cầm bút nhìn giấy hoa trước mặt. Nghe tiếng gió thổi ngoài song từng đợt từng đợt qua. Tiết Thanh Minh đã sớm qua rồi. Đêm mưa tiễn xuân tàn, đặc biệt buồn thê lương. Nghĩ đến phận mình, ngày xưa cũng là một tiểu thư đài các như ai, ở quê nhà được cha mẹ thương yêu, có thầy đến tận nhà dạy học mọi thứ, nhưng rồi vì một cơn lửa loạn đã làm mất đi hai đấng sinh thành, cha mẹ đã mất nhà cửa tiêu tan, mồ côi một mình, tưởng lên thành này nương tựa được với người chú, không ngờ ông ta ác độc đem bán vào chốn phong trần, gặp người chủ chỉ biết có tiền là trên hết. Nơi này nàng chỉ cho tiếng đàn, lời thơ, lời hát. Nàng bán tiếng đàn để không làm bản thân dơ bẩn nhưng tiếng một cô gái nương thân nơi kỹ viện thì có ra chi. Không biết rồi tương lai mình sẽ về đâu. Nghĩ đến cảnh "Khi trước cửa ngựa xe thưa dần phai sắc hương làm vợ thương buôn" thôi mà lòng đã buồn bã. Bên ngoài tiếng mưa tiếp tục nặng hột, âm thanh đơn điệu buồn buồn. Uyển Thanh viết vừa xong một bài thơ thì nghe có tiếng ồn ào ngoài cửa phòng, rồi tiếng của bà chủ: - Uyển Thanh đâu? Con à, có Dịch công tử đến này! Dịch công tử! Tim nàng đập mạnh. Ta có nghe lầm chăng? Uyển Thanh lúng túng hẳn lên và cảm thấy sao hôm nay mình lại ngớ ngẩn thế này, lúc đó Bội Nhi đã chạy ra ngoài, Uyển Thanh nghe tiếng con bé vừa hớn hở vừa nũng nịu: - Ồ Dịch công tử, tôi tưởng là công tử không đến, tiểu thư của tôi đang buồn đấy! Dịch công tử! vậy đúng là chàng rồi. Uyển Thanh thở ra. Vừa mừng vừa lo. Cảm động mà đau khổ. Vịn vào bàn, Uyển Thanh đứng dậy nhìn ra cửa. Từ sau chiếc rèm kia, Dịch Thế Khiêm bước vào. Áo còn đọng những hạt mưa. Người chàng gần như ướt cả. Thế Khiêm nhìn Uyển Thanh cười nói: - Vậy mà anh tưởng là em đã ngủ rồi! Uyển Thanh xúc động lặng lẽ nhìn chàng, muốn cười để đón mà cười không được, chỉ nói: - Chàng đã ướt cả rồi! - Cũng không ướt nhiều đâu. Có mang theo dù đấy chứ, nhưng mưa to gió lớn quá nên tạt ướt cả. - Thế còn người theo hầu? - Ta chỉ mang theo tiểu đồng Thịnh Nhi, mẹ em đã kiếm chỗ an vị cho nó rồi. Uyển Thanh gật đầu, nhưng vẫn còn lo lắng nhìn Thế Khiêm: - Thế còn... Mắt Thế Khiêm nhìn Uyển Thanh như đang muốn đọc những tư tưởng trong đầu nàng, chàng nói: - Trừ khi em đuổi ta đi, còn nếu không ta có thể ở đây trò chuyện với em đến sáng... Uyển Thanh bồi hồi nhìn xuống. Bội Nhi mang trà và bốn món điểm tâm ra, Uyển Thanh dặn dò: - Em hãy xuống nhà bếp, bảo hâm nóng rượu, rồi kiếm thêm một vài món ngon. Dịch thiếu gia dầm mưa đến đây, cần phải uống để khử lạnh. Và quay sang nhìn lên nếp áo của Thế Khiêm, Thanh nói: - Chàng cũng nên thay chiếc áo này đi để Bội Nhi mang đi hong cho khô nhé. - Đúng vậy! Bội Nhi tiếp lời. Thế Khiêm cởi chiếc áo bên ngoài ra để Bội Nhi mang đi hong khô. Bây giờ trong phòng còn lại Khiêm và Thanh. Chàng nâng cằm Thanh lên, nhìn vào ánh mắt người yêu. Một lúc chàng châu mày nói: - Sao vậy? Hình như em càng ngày càng gầy đi! Uyển Thanh im lặng lắc đầu. Khiêm lại hỏi: - Mấy ngày nay em làm gì? Uyển Thanh tiếp tục lặng im. Khiêm đặt tay lên vai nàng, lại ngắm. - Sao thế? em như đang giận anh phải không? Uyển Thanh ơi, tại em không biết, anh đến đây đâu phải dễ dàng. Cha mẹ anh rất là nghiêm khắc, còn vợ anh thì cứ cãi vã với anh nhưng lại kiểm soát anh rất chặt chẽ. Tối nay canh phải nói dối với cha mẹ đến nhà Hầu Gia dự yến tiệc và sẽ ở qua đêm, vì vậy giờ anh mới có thể có mặt nơi đây. Uyển Thanh chỉ lắc đầu, mắt mờ lệ, khéo tay Khiêm xuống, nàng nói: - Đừng nói nữa, em biết cả rồi. Anh đến đây được là em vui rồi. - Vậy thì em còn giận gì anh nữa? - Người ta chỉ giận chàng là trong cơn mưa gió thế nầy, đến đây sao chẳng dùng kiệu, để ướt thế nầy rồi bệnh sao? Thế Khiêm nhìn khuôn mặt kiều diễm trước mặt lòng như mềm hẳn. Hôm nay Thanh đẹp lạ thường. Nàng mặc áo màu đỏ ngoài khoác thêm chiếc áo lông trắng viền lông thú trông thật tao nhã xinh đẹp. Khiêm không dằn được, ôm nàng vào lòng, chàng nói: - Đừng giận anh nữa, lỗi ở anh cả, đúng không? Anh chỉ mong rằng một ngày nào đó, em sẽ là người của anh, để chúng ta đêm ngày có nhau, để khỏi phải khổ vì nhớ thương.... Uyển Thanh nghe chàng nói mà buồn vô tận, chuyện sống bên nhau chắc mãi chỉ là trong mộng mà thôi. Thế Khiêm nhìn vào ánh mắt của người yêu, chàng đã nhìn thấy được cái buồn man mác ở nơi ấy, với giọng đầy đau khổ chàng tiếp: - Uyển Thanh, em tưởng anh những ngày qua anh vui sướng lắm ư? Kể từ cái hôm chèo thuyền trên Hồ Tây trông thấy em là trái tim anh như gởi sang em mất. Sáng đến chiều anh cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Ngày trước tay này là rượu tay này là sách. Bao nhiêu đấy là thỏa mãn lắm rồi. Còn bây giờ? Đọc sách cũng không hiểu, ngủ không đặng. Mà có lúc muốn say cũng chẳng muốn say. Sống mà đầu óc cứ để đâu đâu, phải nói là chưa bao giờ anh bị như vậy. Để anh đưa cho em xem một thứ, do ngủ không được mà ra. Thế Khiêm lấy trong người ra một cuộn giấy đưa cho Uyển Thanh. Nàng mở ra, thì ra đó là những bài thơ của chàng. Mộng gởi nơi nào? Nhớ gởi nơi đâu? Mộng khó mà nhớ cũng khó Cố quên mà chẳng được quên Hãy say đi hoặc là đi ngủ Nhưng say chẳng được Ngủ cũng chẳng thành Đành chịu, nào biết làm sao... Đọc đến đây, Uyển Thanh bất giác khóc nước mắt ướt cả giấy. Vì những câu trong bài thơ ấy câu nào cũng đúng là tâm sự của Uyển Thanh. Ngay lúc đó Bội Nhi đi vào, nhìn thấy Uyển Thanh khóc Nhi trách Khiêm: - Dịch thiếu gia làm sao vậy? Thiếu gia không đến cô em buồn nhớ, mong chờ người, vậy mà đến rồi thiếu gia lại chọc cho cô em khóc nữa. Uyển Thanh vội gạt nước mắt nhìn Bội Nhi: - Ai khóc bao giờ? Em thật đa sự quá, chẳng qua vì ta... Bội Nhi tiếp lời: - Ồ em biết rồi, chẳng qua vì một hạt bụi bay vào mắt phải không? Bội Nhi cười to, đặt các món ăn lên bàn, so đũa xong Nhi lui ra cửa và nói: - Em nghĩ là mọi người đều mong là em nên rút lui sớm, không cần có mặt ở đây nữa, vậy thì em xin lánh qua phòng bên cạnh. Khi nào cần gọi một tiếng, em mới sang. Uyển Thanh nhìn Bội Nhi với nụ cười dịu dàng. - Thôi em đi đi, muốn ngủ thì cứ đi ngủ, đừng có lải nhải mãi thế. - Dạ vâng ạ! Bội Nhi ra ngoài. Thế Khiêm nhìn Uyển Thanh cười: - Em có con a đầu thông minh vô cùng. Ánh mắt Uyển Thanh chợt thật buồn: - Nhưng theo em nên thật vô phước. - Đừng có nói lời rầu rĩ như thế. Uyển Thanh này, sớm muộn gì rồi anh cũng cứu em ra khỏi cái chốn này. Uyển Thanh lắc đầu, miễn cưỡng cười nói: - Thôi được rồi, đừng có nói chuyện đó nữa, anh nên ăn chút đồ và uống vào ly rượu để khử lạnh đi nào. Thế Khiêm ngồi vào bàn. Uyển Thanh ân cần rót rượu cho chàng. Uống được vài ly, chàng lại ngắm nhìn người đẹp trước mặt. Cái đẹp cốt cách siêu phàm. Vậy mà quàng cảnh lạị... Bất giác Thế Khiêm nói: - Dịch Thế Khiêm này mà không cứu em ra khỏi nơi đây thì không phải là con người nữa. Uyển Thanh lắc đầu: - Chàng đã say rồi. - Anh nói thật mà Uyển Thanh, ngày mai anh sẽ thú thật với cha me, anh phải cưới được em. Em hãy hỏi mẹ em đi, cỡ bao nhiêu thì mới có thể chuộc em ra khỏi chốn này? Uyển Thanh nói với giọng đau khổ: - Quả thật anh đã say. Đừng có nói là cha anh không đồng ý mà cả vợ của anh cũng chẳng hài lòng đâu anh. Nếu anh muốn cưới thêm vợ thì họ sẵn sàng tìm cho anh một người con gái có gia cảnh hoàn toàn hơn em. Chớ họ không chấp nhận em đâu. Đó là chuyện hoàn toàn thuộc về tội lỗi, làm bại gia phong. Anh hiểu không anh? chắc chắn là anh hiểu mà. Đó là chưa nói em bây giờ đối với chủ nhân nơi này là cái kho vàng. Bà ấy không dễ dàng trao em cho ai mà không đòi hỏi cái gía thật cao. Vì vậy chuyện anh nói hoàn toàn chỉ là ảo tưởng, không thể thực hiện được. Điều Uyển Thanh nói là đúng. Nhưng mà trong khi yêu nhau tha thiết thì làm sao Thế Khiêm chấp nhận được sự thật phũ phàng đó? Thế Khiêm say đắm nhìn Thanh, nắm tay nàng, thành khẩn. - Uyển Thanh, nếu mà anh khắc phục được hết những khó khăn đó, em có chịu theo anh không? Em biết đấy, gia đình anh khá phức tạp, anh lại có vợ!... anh sẽ không thể cho em một chỗ chính danh mà em chỉ làm... chỉ làm nhỏ cho anh thôi, được không em? Uyển Thanh cúi đầu nói: - Chỉ sợ là ngay cả cái vị trí nhỏ đó, em cũng không có được. - Đừng có nói vậy! Với cái sắc đẹp của em, tài năng của em còn ai vượt hơn em nữa chứ? Em còn trong sạch và có tài sắc vượt trội hơn cả các trâm anh tiểu thư con nhà danh giá. Lấy cụ thể mà nói như vợ anh ở nhà, gia đình cô ta với gia đình anh môn đăng hộ đối, xuất thân từ chốn tư hương nhưng mà ngoài việc thêu thùa may vá nấu nướng ra, một chữ cô ấy cũng không biết, nói chi là đàn hát làm thơ phú? Anh và cô ấy cũng có lần cố gắng cận kề nhau nhưng kết cuộc rồi cũng chẳng bàn luận được gì với nhau cả. Vậy thì có gì là hạnh phúc chứ? Uyển Thanh, ngày xưa em cũng là một tiểu thư đài cát như ai và em tài giỏi hơn nhiều. Cái mà em thua kém là số mạnh oái oăm hiện nay. Rõ ràng là ông trời quá bất công. - Thôi! Uyển Thanh nhìn Khiêm rồi khóc. - Ở chốn phong trần này mà có được một tri ky? hiểu em như anh thì em thấy thỏa mãn rồi. Thế Khiêm nói: - Em còn chưa trả lời cho anh biết. Em có chịu theo anh không? Uyển Thanh cúi đầu nói. - Hẳn anh đã biết là.... chuyện Châu thiếu gia muốn chuộc em ra? Thế Khiêm nghe nói nhảy dựng lên: - Thế mẹ em đồng ý rồi à? - Chưa, nhưng mà mẹ đã đồng ý cho Châu thiếu gia kia đưa em dạo Tây Hồ ngày mai. - Em đừng có đi! Thế Khiêm nói mà bóp chặt tay Thanh làm Thanh đau nhói. Uyển Thanh buồn bã. - Em đâu có quyền không đi? - Khiêm nhắm mắt lại, buông tay Thanh ra, hai tay ôm lấy đầu buồn bã. Uyển Thanh đứng dậy đi vòng ra sau lưng Khiêm, đặt tay lên vai chàng. - Thôi kệ đi anh, mình đừng để chuyện này làm phiền chúng ta nữa. Hãy vui trọn đêm nay, anh hãy nhìn kìa, trời cũng sắp sang ngày rồi. Vâng, đêm xuân thường ngắn, thời gian trôi nhanh. Đã có tiếng gà gáy ở xa xa. Thế Khiêm đứng dậy, đi đến bàn viết của Thanh trông thấy tờ giấy hoa tiên. - Ồ, em viết gì thế? - Chẳng qua viết bậy bạ thôi anh ạ! Uyển Thanh đỏ mặt định chụp tờ giấy lại nhưng Khiêm đã nắm chặt trong tay, chàng lấy kê gần ngọn đèn, thấy một đoạn. Hoa nở rồi hoa tàn Mưa rơi buồn tê tái Đèn tàn mộng không đến Niềm riêng biết ai chia Tháng ngày thêm hốc hác Ca hát càng buồn thêm Vì ai mà nên khổ... Thế Khiêm đọc xong, quay lại nhìn Uyển Thanh, một phút xúc động chàng kéo ghế ngồi xuống nói: - Để anh viết tiếp. Và cầm bút lên, Khiêm viết vào phía dưới mấy câu: Gặp nhau đã thấy muộn Chỉ đứng lặng nhìn nhau Niềm đau trong tim lạnh Mai mốt sẽ không còn... Uyển Thanh đọc rồi nhìn Khiêm xúc động, mắt rưng rưng lệ! Nàng biết số đã định rồi nàng không thể xa chàng... thật không còn cách nào hơn. Nhưng cuộc tình này rồi sẽ ra sao? Gia đình chàng... nhất định là họ sẽ phản đối! Định mệnh lúc nào cũng thật khắc khe với nàng...