Chiếc GMC chở quan tài đậu sát vào mái tôn, quay đít vào gần cửa ra vào. Lá quốc kỳ bị gió bay, nên lệch sang một phía, để lộ hông quan tài gỗ tạp sơn một lớp dầu bóng đỏ ối. Người tài xế mở xe nhảy xuống, nói trỏng vào phía buồng lái: "Xuống đi! Phải ở lại đây tối nay rồi. Trời tối, ai dám qua truông". Bốn người lính ở phía sau nhanh nhẹn leo qua hông, đạp một chân lên bánh xe cao su, nhảy mạnh xuống nền xi măng. Bụi đỏ bay mù từ mấy bộ quần áo xốc xếch lem luốc. Có tiếng trẻ con khóc phía đầu xe. Người đàn bà mặt mày ốm gầy và lạc thần, đầu quấn khăn tang, thò đầu hướng về phía nhà tiền chế nói lớn: "Mấy chú làm ơn mở cho cánh cửa. Nặng quá". Một người lính đi lại phía bên phải xe, gắng hết sức mới mở bật được cánh cửa, rồi đưa tay dìu hai mẹ con xuống. Một tay ẵm đứa nhỏ độ một tuổi, một tay xách cái giỏ ni lông, người đàn bà phải để mặc cho anh lính đỡ hai nách, cẩn thận bước xuống bậc thang, rồi chậm rãi vào trú dưới mái hiên. Đứa nhỏ ngơ ngác nhìn chung quanh, nhận diện từng người, rồi lại khóc lên từng hồi. Người đàn bà ngồi bệt trên nền trại, lấy bình sữa bằng nhựa núm vú vàng xỉn nhét vào miệng đứa bé. Nó núc vài ngụm, ậm ừ như muốn nghẹn nước, rồi quay đầu nhả vú ra khóc tiếp. Người đàn bà sợ làm phiền ông Chỉ huy trưởng, vội vã bồng con ra đứng dưới mấy gốc dương liễu lá rũ. Tân hỏi mấy người lính đang tiếp tục giũ bụi: "Bị ở đâu đó?" "Trên Phú Nhơn". "Chở về đâu?" "Miệt ngoài Bồng Sơn. Bây giờ đã sáu giờ chiều, qua truông sao nổi". Toán lính trực thoả mãn tò mò, lảng đi xa. Bốn người lính lạ hỏi Tân chỗ câu lạc bộ, rồi đi theo hướng Tân chỉ. Người tài xế mở nắp đầu máy kiểm soát dầu nhớt và bu-gi, rồi cũng đi theo bốn người lính hộ tống. Một lúc sau, một người bưng ra cho người đàn bà dĩa cơm và chai xá xị, xong vội vã quay trở lại câu lạc bộ. Đứa bé bây giờ đã hết khóc, nằm ngủ lả trên vai mẹ. Người đàn bà bồng con vào trong mái hiên, liếc nhìn lên quan tài thúc thít khóc, rồi ngồi trên nền trại lơ đãng xúc cơm ăn. Gió bên ngoài bỗng thổi mạnh bốc bụi mù mịt, trong khi đêm chầm chậm trở về. Lúc ông Thượng sĩ nhẹ nhàng bước chậm cho ngọn nến khỏi tắt, leo lên xe gắn lên nắp quan tài, Tân hỏi: "Tối nay toán nào gác cầu, Thượng sĩ?" "Toán hai". "Ủa, sao tụi nó không cho tui hay". Ông Thượng sĩ đứng trên xe, không thèm quay mặt lại, gắt gỏng: "Mầy đi ghẹo gái cho đã rồi về hỏi lôi thôi. Có lấy đồ đạc ra lô cốt mau lên không? Cho mấy củ bây giờ". Tân chạy vội về phòng trực. Người đàn bà vẫn ngồi chỗ cũ, biếng nhác nhai cơm, hờ hững nhìn mông lung về phía bóng tối trước mặt. Phòng trực không còn ai. Bóng đèn điện góc phòng lung lay theo gió. Khẩu M.16, cái mũ sắt, và tấm pon-cho của Tân còn bỏ lại trong góc tối. Tân đội mũ sắt lên, trí óc ràng buộc vào cái rọ trách nhiệm. Sợi dây nịt đạn quấn quanh bụng chặt chẽ như quân kỷ. Đôi giày nặng bó cổ chân, níu trì gân cốt như muốn chôn sâu người lính đời đời kiếp kiếp xuống giao thông hào, sau lỗ châu mai, trong hầm lô cốt. Chỉ có khẩu súng là nhẹ nhàng, đong đưa trong vòng ngón trỏ, tự do như chiều đạn đạo. Một mùi hôi gay gắt trộn lẫn hương nhang thổi vào chỗ Tân ngồi. Bóng người đàn bà ôm con nổi hẳn trên nền sáng do ngọn đèn pha phía bên kia trại. Tân lẩm bẩm: "May tối nay mình ra cầu. Không thì nằm đây lãnh đủ". Lúc ra đến cổng trại, một trận gió mạnh thổi ào ngăn cả bước Tân đi. Tân đưa tay dụi mắt. Bên trong hàng rào, có tiếng trẻ khóc. Khi nước chảy ra trôi hết bụi và mi mắt hết cồm cộm xốn xang, nhìn trở vào trong, Tân thấy ngọn nến trên nắp quan tài đã tắt. Tín chửi thề: "Đ.M. bây giờ mới ra. Lính cậu hả?" "Thôi mà người anh em. Lão thượng sĩ đã cho anh lãnh đủ rồi. Nỡ nào người anh em còn nặng tay". Rồi chuyển sang giọng bình thường, Tân bảo: "Đã phân công chưa?" "Rồi, mầy gác ca bốn". "Với ai?" "Tao không nhớ. À, hình như với thằng Liễn". "Tụi nó đâu rồi?" "Giặt quần áo phía bến đò. Mầy làm gì cả buổi chiều nay không thấy mặt". "La cà lai rai vậy mà. Đầu tháng dư tiền, không có sao". "Nói giọng cha không. Sao không nằm luôn trong trại cho bảnh?" "Hôi không chịu nổi". "Cái gì?" "Cái xác. Có một con bị trận Phú Nhơn, vợ lên lãnh về. Trời tối không dám qua truông, nên GMC chở vào gởi tạm đằng trại". Tín nói sang chuyện khác: "Tao mới mua được cái cát-xét Hitachi". "Bao nhiêu?" "Chín ngàn. Nghe thử không?" Tín mở máy. Giọng một nữ ca sĩ danh tiếng nỉ non, tha thiết: "Các anh đi, ngày ấy đã lâu rồi. Các anh đi biết bao giờ trở lại. Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong. Làng tôi nghèo nho nhỏ trên sông. Gió bấc lạnh lùng thổi vào mái rạ. Làng tôi nghèo, nắng mưa tơi tả, trai gái trong làng vất vả ngược xuôi..." Tân đưa tay tắt máy: "Nghe mùi quá. Nhưng đâu phải tụi mình. Nói chuyện tụi nó ngày trước mà". Tín cãi: "Thì áp dụng cho tụi mình cũng được, có sao đâu. Này này: Các anh về mái ấm nhà êm, câu nói tiếng cười rộn ràng trước ngõ. Mình đi hành quân tảo thanh đem lại an ninh cho đồng bào. Mặt bên kia còn một bài mới. Chờ một chút tao cuộn băng trở lại đã". Tân lấy thuốc hút, nhìn xuống bãi cát chân cầu. Anh hỏi: "Đêm nay có trăng không?" "Có, mười bảy ta mà". "Vậy là đỡ khổ rồi. Tao gác ca tư, trăng sách quắc, đố đứa nào dám bén mảng tới chân cầu". Tín đã sang băng xong, mở máy trở lại: "Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại. Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về... Anh trở về hàng cây nghiêng ngả, anh trở về có thể bằng hòm gỗ cài hoa. Anh trở về, trên chiếc băng ca, trên trực thăng sơn mầu tang trắng..." Tân lại đưa tay tắt máy, lầm bầm: "Thôi. Để yên nghe nước chảy còn hơn". Anh ra phía cầu, đái xuống dòng sông đen. Tín nói lớn: "Mầy tục tĩu quá, không hiểu sao tụi con gái mê mầy". Tân gài nút quần, trả lời: "Tao khơi đúng chỗ ngứa giấu kín sau cái mặt nạ ngoan ngoãn con nhà, sau cái vỏ mỏng ngây thơ. Còn tụi bay thì cả tin, nên hỏng hết". Rồi không muốn dây dưa tranh luận, Tân bảo: "Tao đi tắm một chút. Tụi nó trở lại, mầy nói giùm là tao đã ra rồi". Tân trở lại đầu cầu, giở vòng dây thép gai chui qua bên kia. Con đường mòn dốc xuôi xuống bãi cát phía dưới. Lá dứa gai cứa vào ống quần vải dày, chỉ nghe rào rào. Thích thú, thách đố, an tâm, Tân dẫm bừa lên gai góc, bước nhầu lên mấy bụi ốc mèo, không thèm theo lối mòn quanh co mình rắn. Mấy khóm dứa đen quì mọp dưới gót, sau lưng. Một cây gai ngang ngạnh đâm thủng lần vải, Tân thót người đau đớn, tức giận quật mạnh báng súng lên bụi đen, rồi dẫm mạnh gót giày trên đó mà đi. Vài nhánh khô gãy rụm, dòn tan. Qua hết khóm gai thì đến bờ cát. Đã quen lối đi, Tân dừng lại bên một khóm cây rậm. Anh lấy nắp nhựa đậy họng súng M.16 lại, rồi cắm súng giấu sâu vào bóng tối. Đôi bàn tay bất chợt rảnh rang, trở thành ngượng nghịu. Theo thói quen, Tân đưa tay lên vai định gỡ dây súng trước khi ngồi lên mô đất. Anh lầm bầm chửi thề, thấy mình lú lẫn quên trước quên sau. Đôi bàn tay vẫn còn vụng về, mấy ngón cử động láu táu không biết phải làm cái gì. Tội nghiệp! Chúng nó không quen ở không. Cho nên bàn tay nầy nắm ngón tay bàn tay kia bẻ lốp rốp, rồi bàn tay kia bẻ trả. Trước mặt, bãi cát vàng nhờ nhờ chạy dài ra đến tận bờ nước đen, và Tân nhớ rõ mặt cát mịn đến nỗi bước chân lên trên, làm da chân mỏng vẫn có cảm giác êm ái bình thường như được ấp ủ trìu mến bằng lớp vải lên dày. Tân ngồi xướng mô đất, dây nịt đạn chằng ngang bụng, cọ mạnh vào xương sườn. Bỏ mặc quân trang và vũ khí gần khóm cây. Tân định đi xuống bờ cát, nhưng nghĩ sao, bèn quay trở lại. Trăng đã lên tự lúc nào, chiếu rõ cái mũ sắt, dây nịt đạn, đôi giầy thô, và cả báng súng nhựa. Anh giấu đồ đạc cẩn thận hơn, cho bóng tối che khuất rồi tiện tay cởi luôn bộ quần áo treillis nặng nề hôi hám. Tân chỉ còn mặc một cái quần đùi và cái áo lót. Gió lùa vào khe nách, ống quần, thổi dậy niềm khoan khoái, bùng lên khát vọng tự do. Tân nhảy xuống lòng cát, tung tăng chạy khắp mọi hướng. Trăng mỉm cười. Gió mơn man. Cát hôn ấm lòng chân. Trời cao và đất rộng mời gọi. Sự sống man rợ, điên cuồng ngây ngấy đưa bước chân thoăn thoắt, đưa đôi tay vung mạnh lướt tới, nghiêng nghiêng mặt người để hứng thuận chiều gió. Bàn tay đưa ra trước mặt chờ đón mà không nắm bắt, hy vọng mà không tham lam, để gió mát và ánh vàng lọt qua mấy ngón. Tân chạy nhảy, không cảm thấy mệt nhọc thoả thuê, và lúc đứng dừng lại, vẫn còn thấy lòng mình trống không để tiếp tục góp thu cái diệu vợi vô cùng của đất trời vào lòng. Anh chạy theo bờ nước trong. Chân đạp rào rạo trên sỏi nhỏ ven sông, nước bắn tung lên mát dịu ống chân và bắp vế. Lúc chạy về phía trăng lên, bọt nước toả sáng quanh mình, rơi vang trên bãi, như các tia nước phun trong công viên thành phố. Tân chạy thẳng theo đường nước cạn, rồi lại uốn mình ngoằn ngoèo như hình rắn, hết dậm chân trên cát ấm lại dậm chân xuống nước róc rách mát rợi. Trong một bước lơ đãng, anh bước vào một hố sâu. Tân ngã xuống, nước ngập nửa người. Trăng mờ đi vì một đám mây vô tình. Anh hốt hoảng nghĩ: "Không biết có đứa nào thấy chỗ mình giấu súng không? Đã tới ca gác của mình chưa?" Anh ngồi xuống cát, và bây giờ mới cảm thấy mỏi rần khắp người. Gót chân rát vì bị chà xát quá nhiều. Gió tăng thêm lạnh trên bộ quần áo ướt. Bóng cầu đen đủi choàng tay qua hai bờ xa tít, tham lam trơ trẽn. Một trái hoả châu từ quận lỵ bắn lên, chiếu mầu đỏ kè bệnh hoạn mặt sông, rồi tắt lịm để lại một vệt khói lững lờ dưới trăng. Có tiếng kẻng đổi ca từ trên cầu vọng xuống. Tân cố nhíu mày đọc mấy chữ số trên đồng hồ. Chưa tới phiên mình! Gió lạnh lẽo, Trăng nhợt nhạt. Nước rên rỉ. Bóng tối ma quái. Trong một cử động đột ngột cương quyết, Tân quăng cái đồng hồ rơi tõm xuống dòng sông đen. Tiếng vọng khích động cảm giác, và anh bắt đầu chạy như điên trên bãi, lội mạnh xuống dòng sông cho đến lúc nước ngập quá gối và chạy trở lên tận bờ cỏ ướt dọc theo doi cát. Khi chạy như thế đến vòng thứ ba, vừa từ bờ cát trở về con nước, Tân đã thấy có bóng người ngồi lặng ở đấy rồi. Bóng một người con gái.
°
Trăng đã lên quá ngọn tre xóm Đông hơn một con sáo. Ánh trăng viền khuôn mặt người con gái, cho Tân thấy đôi mắt mở lớn hướng về phía ánh sáng và đôi môi cười. Mái tóc dài chìm trong nền tối, nhưng dáng người in rõ trên mặt cát ướt. Hai bàn chân cô gái ngâm dưới nước sông, khuấy động róc rách. Gió vẫn dịu dàng. Cát vẫn câm nín. Trăng cười lặng. Chỉ có nước nhột nhạt vì bàn chân khuấy động, không thôi rúc rích thích thú. Nửa như chế giễu nửa như thúc giục. Mồ hôi loãng theo gió thổi, làm Tân lành lạnh da cổ và xương sống. Tân hỏi: "Làm gì ngồi đây?" Cô gái không trả lời, không quay lại. Một lúc sau, cô mới hỏi lại: "Làm gì mà chạy như ngựa chứng? Có say không?" "Ra ngồi đây lâu rồi à? Sao tôi không thấy?" "Say rồi thấy sao được?" "Chiều nay tới phiên gác cầu, không dám nhậu". "Thiếu gì thứ say. Đâu phải chỉ có rượu. Say hơi đất. Say hơi lá. Say trăng, say mây. Say sưa hơi ấm của cát, say cái rúc đầu nhột nhạt của nước trên mặt da..." Tân ngăn lại: "Nói thật hay nói giỡn đó?" "Thật chớ. Tân không thấy tôi ngâm chân xuống nước à?" Tân lạnh mình, há hốc mồm không nói được gì. Một lúc sau mới hỏi lấp lửng, e dè: "Sao biết tên tôi?" "Dễ ợt. Chú ý tìm hơi thì phải ra. Chỉ cần hỏi mấy cô thợ may ngoài chợ". Tân sợ thực sự. Xương sống ớn lạnh. Tân hỏi, giọng ấp úng: "Cô ngồi chỗ nào? Bàn máy góc bắc hay gần bên nhà hát bộ?" "Ơ hơ. Em có làm thợ may đâu. Nhưng em có một con bạn làm thợ may biết anh nhiều..." Tân vội vàng hỏi: "Tên gì?" "Thôi, nói chi thêm rắc rối. Gia đình em làm nghề câu gõ. Sõng cột dưới gốc cây lớn kia kìa". "Vậy cô lên đây ngồi làm gì?" "Bắt người ta bơi dưới nước hoài sao? Cho lên bờ một chút không được à?" "Sao không được. Ai dám cấm. Nhưng tôi muốn hỏi sao dám lên ngồi đây một mình". "Cha đi lên bờ mua đá đèn. Với lại, đâu phải chỉ có một mình..." Tân dớn dác nhìn quanh, hối hận đã không mang súng đến tận bờ nước. Phải gắng bạo dạn lắm, Tân mới hỏi được: "Sao các bạn cô không ra mặt? Sao không ra ngồi nói chuyện cho vui?" "Chuyện gì? Có nói anh cũng không hiểu". "Sao vậy?" "Anh nghĩ bạn em là ai?" "Làm sao biết được. Mấy cô thợ may ngoài chợ này. Mấy cô bán cá này. Mấy cô hái rau muống trên cầu này". "Không phải. Lâu lâu em mới lên bờ mua cước với nước mắm. Mỗi lần cha đi chợ, em phải ở lại giữ sõng". "Sao khi nãy bảo quen với mấy cô thợ may ngoài chợ?" Cô gái không trả lời, lấy chân quấy động mặt nước. Tân đánh bạo hỏi: "Bạn em đang ở trên sõng dưới kia phải không? Mời họ ra nói chuyện đi". "Bạn em à? Chúng nó đâu biết nói". "Cái gì lạ vậy?" "Cha lầm lì cả ngày. Trừ những lúc nói gióng một sai em gỡ lưới, gõ cây, cha em không nói gì hết. Em buồn tìm bạn nói chuyện cho qua ngày. Em nói với mấy con cá này..." Tân ngắt ngang: "Nói với cá?" "Chớ sao. Em an ủi nó. Trông cái bụng trắng phau, cái vẩy óng ánh bạc, đôi mắt trong, dễ thương lắm, mà cũng tội nghiệp nữa. Nhiều lần em gặp mấy con cá nhỏ lưng xanh, vây pha hồng dãy dụa trong lưới như van xin. Em lén cha thả lại xuống sông. Em không biết nó lội về hướng nào, nhưng chắc chắn nó biết ơn em nhiều. Buổi trưa cha cột sõng dưới gốc cây ven bờ nằm ngủ. Em thả chân xuống nước chơi. Chú cá thoát nạn hôm trước trở lại mơn man gặm chân em. Chắc nó đến cảm ơn". Tân tò mò thích thú, quên nỗi sợ hãi ban nãy, hỏi: "Có bao giờ gặp Long cung thái tử không?" "Anh nói sao?" "Có gặp Long cung thái tử không?" "Thái tử nào đâu?" "Em không hiểu à? Dưới nước có một cung điện nguy nga, trong điện cũng có một ông vua nước trị vì, gọi là Long vương. Con ông vua gọi là Thái tử. Mỗi lần đi chơi đây đó ở bờ biển bến sông, thái tử mang hình con rùa mai xanh, con cua mu đỏ..." Cô gái vỗ tay cười, rồi hỏi mau: "Thái tử có hoá thành cá không?" "Có". "Như vậy là em đã gặp Thái tử rồi. Một hôm em gỡ lưới được con cá mình xanh biếc, vây màu đỏ và trắng. Cả cha cũng không biết tên cá gì. Hai cái râu trước mép dài như sợi tơ. Em thả nó xuống nước trở lại. Mãi đến con trăng sau, em đang ngồi nhúng chân xuống nước thế nầy thì có con cá nhỏ đến gặm chân nhột nhột. Em mê mải nhìn trăng quá nên lúc nhìn xuống nước, mắt loà đi, không trông thấy gì. Em chỉ thấy một giải vàng trước mặt như con đường đất trải giữa sông. Em đứng dậy, em bước tới, bước tới nữa. Hình như nước rẽ hai bên vì em không cảm thấy ướt át. Mãi đến khi nước ngập tới cổ, em mới tỉnh hẳn và vội vàng bơi lại phía sõng. Chắc Thái tử mời em đến Long cung quá". Tân vội ngồi xa hơn, nhìn chăm chăm vào mặt cô gái. Đôi mắt cô vẫn sáng long lanh dưới trăng. Cái miệng vẫn cười, và cả khuôn mặt trẻ thơ bộc lộ một trạng thái lơ lững giữa đất và trời, ánh sáng và bóng tối, cõi thực và cõi tưởng. Cảm thấy khoảng cách giữa hai người đã đủ an toàn Tân mới hỏi tiếp: "Hèn gì. Bây giờ anh mới hiểu. Em ngâm chân dưới nước đợi bạn về?" "Đêm nay nó không tới. Nhưng không sao. Em nói chuyện với người khác". "Lỡ không có anh thì sao?" "Thiếu gì bạn. Nước này. Cát này. Trăng này". Tân không khỏi tò mò, chồm đến gần hỏi thật rõ: "Nước biết nói à?" "Nó chỉ nói nhỏ thôi. Khi buồn thì thì thầm. Khi vui thì rúc rích. Chỉ có dưới chân cầu là ồn ào. Lính họ rào dây thép gai, rác rến bám vào làm thành cái đập. Nước chảy xiết, kêu ồ ồ. Không đời nào em thèm lên đến gầm cầu". Tân nhớ đến nhiệm vụ: "May dữ a. Đêm hôm mà em mon men đến đó, lãnh đủ có khi". "Lính họ bắn à?" "Sao không? Họ tưởng em là Việt cộng phá cầu". "Em có làm gì đâu? Gặp em, anh có bắn không?" "Lớ xớ đến gần cầu, bắn liền". "Ai thèm tới đó làm gì. Anh cũng ồn ào như nước dưới chân cầu". Lúc bấy giờ, một áng mây làm mờ bầu trời. Tân giật mình nhìn về phía Tây. Bóng cầu vẫn đen thui, tham lam ôm hai bờ xa tít. Khi trăng sáng trở lại, ánh loà trên sông che hẳn dấu cầu.°
Trăng lên đến đỉnh đầu. Bóng hai người vây tròn chỗ ngồi. Trăng bớt lóe sáng trên mặt nước, nhưng bãi cát vàng óng và trở nên mênh mông. Mặt nước sông trong xanh, có thể nhìn thấy tận đáy cát. Cô gái từ lâu cầm lấy tay Tân, và lần đầu anh cảm thấy hơi ấm chuyền sang từ năm đầu ngón tay mềm. Anh nhìn chăm chú hơn: cổ tay tròn, thân người mập lẳn, ống quần đen ướt dán chặt vào hai đùi, đôi bàn chân trắng. Cô gái tự nhiên lo sợ rút bàn tay về. Tân nói: "Đừng chờ thái tử nữa. Hãy nói chuyện với anh". "Nói cái gì?" "Chuyện làm ăn. Một ngày em lưới được bao nhiêu cá? Bán được bao nhiêu tiền?" "Không nói. Để anh nói trước". "Nói cái gì?" Cô gái cười thật ranh mãnh: "Chuyện làm ăn. Anh đi lính thì nói chuyện lính". "Đi lính đâu phải nghề làm ăn?" "Sao không? Như nghề câu gõ có khác gì đâu? Lưới được bao nhiêu? Bán được bao nhiêu?" Tân nhìn thẳng vào mặt cô gái xem muốn hỏi thật hay nói đùa. Nét mặt vẫn có cái vẻ trống vắng mà tham dự như trước. Tân chậm rãi trả lời: "Nghề anh không có thả lưới rồi gõ cây rượt cá". "Cha em cũng có làm vậy. Mấy hôm trời tối, ổng lấy đèn đá soi xuống sông, dùng đọc đâm cá. Em ngồi đầu sau lo chèo. Nhiều khi em vô ý chèo trệch một chút, sõng xoay ngang. Cha đâm trật, ổng la om sòm". Tân trầm ngâm nhưng cô gái lại cười ròn rã. Tân bị lôi cuốn, cười theo. Cô gái hỏi: "Sao bây giờ không chạy như ngựa chứng nữa đi?" "Bỏ em ngồi một mình, thái tử rước đi mất uổng lắm". "Anh ra đây giỡn trăng hay đi tắm?" "Quên mất. Ra đi tắm". "Sợ nước à? Cho ướt luôn, chịu không". Không chờ trả lời, cô gái lội ra giữa dòng tạt nước lên chỗ Tân ngồi. Hai người tạt nước nhau, tiếng cười làm rạng rỡ đêm khuya. Thông thạo hơn, cô gái tạt từng tia nước mạnh đúng vào mặt Tân, khiến anh phải mất thì giờ vuốt mặt. Nhưng anh vẫn theo tiếng cười đuổi theo. Cô gái quen chạy trên cát, luôn luôn vuột khỏi tầm tay Tân. Đôi lúc anh sắp chụp được bả vai, nhưng cô đã hạ mình xuống, luồn về phía khác, làm cho Tân quá đà ngã lên bờ nước. Tân vẫn cố rượt theo. Nhờ bước hỏng vào lũng cát sâu, cô gái ngã, Tân mới theo kịp. Gió và nước không làm nguội được sức nóng bừng bừng. Tân úp mặt lên cổ cô gái, dụi mặt vào trong tóc ngửi mùi hôi và rong rêu. Cô gái vẫn cười, hàm răng trắng óng ánh, đôi mắt long lanh, đôi tay trải dài trên cát làm phập phồng lồng ngực. Không nói năng gì, Tân ôm lấy thân thể ấm áp, sống trọn sự cuồng bạo dã thú. Miệng cô gái vẫn cười, nhưng đôi mắt nhắm nghiền, đôi tay chới với. Cả gió cả nước cả trăng đồng lòng thúc giục, trong khi cát vàng ấp ủ nâng niu. Khi ngồi lại trên cát nhìn khuôn mặt cô gái mắt vẫn còn nhắm nghiền như đứa bé ngủ say, Tân ngờ ngợ thấy quen. Nhưng không nhớ đã gặp cô ta lúc nào, ở đâu!°
Lúc mấy người quân cảnh đẩy lên xe, chiếc GMC vẫn còn đó chưa đi. Hai tay bị khoá quặt ra sau, nên phải chật vật lắm Tân mới bước lên được cái bậc cấp, rồi cúi người luồn ra ra ngồi băng sau. Mấy người lính đứng bên ngoài không cần giữ ý, hỏi nhau: "Bắt được thằng chả ở đâu đó?" "Tận bãi cát gần khúc quanh của con sông". "Chắc xuống dưới an ninh trả lời không xuôi đâu. Cả tiểu đội chết, cây cầu sập, chỉ còn có một mình chả đi tắm". "Nghe mìn nổ trên cầu mà cứ tắm à?" "Không. Toán tiếp viện theo đường sông vòng lên, gặp nó đang bận quần áo và lấy súng chạy về". Tân ngồi im không nói năng gì. Phía trước xe, một nhóm người đang tụ tập quanh mấy cái xác. Có tiếng khóc nỉ non và kể lể rên la. Bỗng nhiên đám đông dạt cả ra, tránh lối cho lính khiêng một cái băng ca đi vào. Nhiều tiếng lao xao: "Một người nữa hả?" "Đâu phải lính. Xác đàn bà". "Dễ sợ. Ngực bị vỡ toang hết. Lượm ở đâu đó, trung sĩ?" "Bến chài. Lúc tụi tôi bọc hậu đón đầu bọn du kích, thì thấy nó hớt hải chạy từ phía cầu về. Hô đứng lại, nó cũng cứ chạy, nên mới nổ súng. Nếu biết là nó, thì không giết làm gì". "Vậy chớ ai đó?" "Con khùng xóm Chài". "Con khùng xóm Chài hay con khùng ngoài chợ?" "Cả hai đứa là một. Nó là con gái ông câu gõ. Cha nó chết cách đây mấy năm. Nó xin ăn ngoài chợ, và hễ cứ đến mùa trăng là nổi cơn". Tân nghe được câu chuyện, lịm người không dám nhìn về phía trước. Bên cửa trái, người tài xế xe GMC đang xem lại máy móc trước khi lên đường. Bốn người lính hộ tống đã lên ngồi hai bên quan tài. Người tài xế đậy nắp ca bô, gọi với vào trong: "Ra đi cho sớm chị". Người đàn bà ẵm đứa con ra xe. Mái tóc bù xù. Cái áo trắng vải thô và vành khăn tang nhàu nát, dơ dáy. Lúc đi ngang qua xe quân cảnh, người đàn bà vô tình nhìn vào phía Tân. Anh không tin ở mắt mình. Cũng khuôn mặt ấy, cũng trạng thái lơ lửng giữa tưởng và thực, có và không, hững hờ tránh né mà mời gọi thúc giục, xa lạ với cõi sống mà cũng không gắn bó với cõi chết. Người đàn bà bước đi mệt mỏi, âm thầm, nhưng khi đến gần xe, gọi người tài xế một cách tỉnh táo: "Xách giùm cái giỏ chút, chú. Khi hôm ngủ được không?" "Đi đường mệt, nằm thẳng cẳng đến lúc nghe tiếng nổ trên cầu mới thức". "Đêm qua trăng giọi sáng quá, không ngủ được một khắc..." Đầu óc Tân quay cuồng. Anh đẩy người quân cảnh phía trái sang một bên hướng mặt về phía người đàn bà hỏi lớn: "Ê, không ở lại chờ thái tử sao?" Anh quân cảnh kinh ngạc. Người đàn bà quay lại, mắt ngơ ngác, tưởng không phải người ta gọi mình nên tiếp tục leo lên ngồi trên buồng lái. Người quân cảnh gay gắt: "Đ.M. Cha nội đã đến nước này rồi mà không chừa cái thói lăng nhăng. Chồng người ta còn nằm một đống trong hòm, đã chọc ghẹo". Chiếc GMC rồ máy, từ từ ra khỏi cổng. Một lớp bụi vàng mỏng toả lên, lơ lửng như ánh trăng.