Vậy là tết Nguyên Đán sắp đến! Miền Bắc mùa này rét buốt, cái rét lùa qua làn áo ấm, thấm sâu vào da thịt. Nhưng cũng nhờ thời tiết rét buốt mà tết ở Miền Bắc thấm đẫm một nét riêng rất độc đáo. Ngày còn bé, mỗi lần đến ngày 23 tháng chạp, làm lễ cúng Táo Quân. Chị em tôi lại hớn hở đợi Mẹ làm lễ. Năm nào cũng vậy, mỗi lần làm lễ xong, Mẹ lại tươi cười nhìn ba chị em và nói: - Các con đi thả cá nhé! Chỉ đợi có vậy, chị em tôi đem chậu cá Chép ra sông. Ba chị em tranh nhau đỡ chậu cá trên những đôi tay nhỏ xíu. Thường thì chậu cá rất nhỏ và chỉ có một “Ông Cá Chép” ở trong. Nhưng cả ba chị em tôi đều muốn được đỡ chậu cá trên đôi tay của mình, bởi mỗi lần như vậy lại thấy trong lòng dâng lên một cảm xúc thật khó tả, vừa như niềm vui, lại vừa như một niềm tôn kính. Khi “Ông Cá Chép” đã được thả xuống dòng sông, nhìn “Ông Cá Chép” tung tăng bơi giữa dòng nước như báo hiệu niềm may mắn cho một năm mới, chị em tôi đều thấy vui mừng khôn xiết. Cả ba chúng tôi đều rất mong năm nào cũng được thả Cá Chép như vậy. Ngoài 20 tết, trên đường phố đã bắt đầu lác đác bán hoa Đào. Nhiều khi người bán hoa Đào không chỉ là bán hàng hoa mà việc bán hoa đã trở thành một nét đẹp truyền thống. Bán hoa Đào để cảm nhận niềm vui của công sức chăm bón suốt một năm trời, niềm vui thấy người mua hoa trong tiết trời lành lạnh bỗng như được sưởi ấm lên bởi hương sắc hoa Đào. Đào Thắm hay còn gọi là Đào Bích với sắc hoa đỏ rực rỡ, kiêu sa, Đào Phai với sắc hồng dịu dàng ấm áp. Mối màu hoa, mỗi vẻ đẹp đến nao lòng. Với người miền Bắc, từ sâu thẳm trong nếp nghĩ, hoa Đào, bánh Chưng và đôi câu đối tết không chỉ là truyền thống mà chính những điều đó cùng với tiết trời lành lạnh, lún phún mưa xuân đã tạo nên một không khí tết rất linh thiêng. Năm nào Mẹ tôi cũng gói thật nhiều bánh Chưng. Những bó lá Rong xanh mướt được cắt, tỉa bớt sống lá rồi rửa sạch, để thật khô. Gạo nếp ngâm kỹ, đãi sạch, trộn thêm chút muối. Đỗ xanh Mẹ thổi rất khéo, quết nhuyễn, nắm lại thành những nắm tròn vo. Khi Mẹ gói bánh, chúng tôi cùng nhau ngồi bên cạnh, đứa nào cũng mong được Mẹ nhờ đi lấy một thứ gì đó hay làm giúp Mẹ một việc gì nho nhỏ và háo hức đợi lúc Mẹ gói bánh xong sẽ nhóm lửa cho chúng tôi ngồi trông. Bên bếp lửa ấm cúng, Mẹ bảo mấy Bố con hơ tay cho ấm, Bố xuýt xoa: Ấm quá! Thằng Bin nhỏ nhất cũng ngọng nghịu xuýt xoa theo Bố: “Ấm cá!”. Bố cười vang, nhấc Bin lên vai, xoay một vòng: - Bin của Bố giỏi quá! Biết nói ngọng kìa! Cả nhà cùng cười thật vui và cùng thấy rõ ràng, mùa Đông đã lùi lại rất xa. Đến giao thừa, Mẹ sắp ban thờ cúng giao thừa ngoài sân, Bố thì ra sông xách về một xô nước, hái một cành cây lấy lộc đầu xuân. Bố luôn là người xông đất cho năm mới, với ước nguyện các con sẽ luôn được mạnh mẽ và khoẻ khoắn như Bố. Mấy ngày tết, chúng tôi được Bố, Mẹ đưa đi chúc tết rồi đi chơi xuân. Lễ Hội làng luôn là điều cuốn hút nhất. Hội “Cờ Người” tưng bừng náo nhiệt, tiếng cười nói, tiếng xướng quân rộn ràng. Chúng tôi chưa biết chơi cờ nhưng chỉ thích đợi khi một trong hai người chơi hét vang: “Chiếu Tướng, hết cờ”, lúc ấy chúng tôi cùng reo vui “ A! Thắng rồi”. Giờ đây chúng tôi đều đã lớn, niềm vui ngày tết không còn háo hức như trẻ nhỏ, nhưng vẫn thấy ấm lòng khi mùa Xuân về. Tôi biết mùa Xuân về rồi sẽ lại đi, nhưng có một mùa Xuân luôn luôn ở lại, với gia đình tôi, đó là “MÙA CỦA TÌNH YÊU THƯƠNG”.