Đúng thế, hôm nay tôi rất vui. Buổi sáng, tôi ăn bữa cơm cuối cùng ở nông trường lao cải. Vì rằng chúng tôi là những người tù được tha sắp đi lập nghiệp, nên không ăn cơm cùng đại đội nữa. ở cửa sổ nhà bếp, tôi gặp lại người quen. Anh là cán bộ giảng dạy của một trường đại học nổi tiếng ở Tây Bắc, quen nhau khi cùng nằm bệnh xá. Anh cũng đã được tha, đang đợi nông trường thu xếp cho đi. Anh Lân! Anh sắp đi đấy à? Anh mặc bộ quần áo của nông trường lao cải, trước ngực có một vết bẩn to tướng do nước canh bắn vào, nhưng anh lại dùng những từ nho nhã nhất để chúc mừng tôi, bắt tay tôi như một thân sĩ. Nghi thức ấy đối với tôi y như chuyện ở một thế giới khác. Điều kỳ lạ chỉ một nghi thức thông thường ấy, vụt kéo tôi trở lại cái thế giới mà tôi vốn quen thuộc. Thế là tôi cố tận dụng phong thái một học giả trăm phần trăm để trò chuyện với anh bên cửa sổ ồn ào như chợ vỡ. Thế còn quyển sách thì sao? – tôi hỏi - Trả lại anh bằng cách nào? Gửi đến… Không cần! – một tay bưng bát cháo, tay kia anh khoát một cái, tư thế như đang dự buổi chiêu đãi coktail – Tặng anh đấy. có lẽ… - Anh đảo mắt nhìn bốn phía – Anh còn cần tìm hiểu trong quyển sách ấy. Vì sao chúng ta đến nông nỗi này! Chúng ta? Anh nói chúng ta, hay là… - Tôi cũng cẩn thận ngó lại đám người đang lĩnh cơm. Một người tù cho rằng khi múc cháo, anh bếp cầm muỗng hơi nghiêng, đang làm ầm lên đòi múc lại – Hay là đất nước chúng ta? Nhớ lấy – anh dùng ngón tay giữa gõ nhẹ vào ngực tôi (ở đó cũng có một vết bẩn do cháo bắn vào) và với giọng điệu của một giáo sư, anh nói – số phận chúng ta gắn liền với số phận của đất nước! Tôi rất thích những lời lẽ phong thái của anh. Ở cái nơi mà thân thể mất hết tự do thì đôi cánh của tư tưởng lại tự do bay bổng. Tôi cố kéo dài sự thưởng thức món ăn tinh thần ấy, tuy mắt vẫn để ý cái cửa sổ. không nên đến lĩnh muộn quá, nhà bếp không chịu chờ đợi, cửa sẽ đóng lại. Mà nếu anh nài nỉ khiến họ rủ lòng thương thì họ cũng bớt lại một ít trong muỗng để trừng phạt. Tôi vừa canh chừng cái cửa sổ vừa trịnh trọng nói tiếp: Có điều, chương thứ nhất rất khó. Phép biện chứng ấy…dùng lý luận trừu tượng để trình bày quá trình hình thành giá trị cụ thể… Thế thì đọc Hegel! – Anh ngạc nhiên bảo tôi, làm như tôi có cả một kho sách muốn đọc gì có nấy. Rồi anh nhíu cặp lông mày lại – Phải đọc Hegel, nhất định phải đọc Hegel! Học thuyết của Marx có quan hệ kế thừa với Hegel. Đọc Hegel thì chương Một "hàng hoá" sẽ dễ hiểu. Ngay cả chương Hai, chương Ba, thậm chí cả phần Hai "Sự chuyển hoá tiền tệ sang tư bản" cũng không thành vấn đề nữa. Đúng, đúng! – tôi gật đầu một cách nhã nhặn như người ta thường thấy ở hành lang học viện. "Lời nói đầu" hấp dẫn tôi. Tiếc là trước đây tôi chỉ đọc văn học. Câu chuyện đầy những lời tao nhã của chúng tôi kết thúc đúng lúc hào hứng nhất. Anh chào tôi, thận trọng bê bát cháo bước đi. Tôi chạy vội đến bên cửa sổ, thò ống bơ vào. Nhà bếp đang hạ cánh cửa xuống. Đ. mẹ, mày đi đâu về thế? Tôi đi gói hành lý – Tôi vội nặn ra một bộ mặt tươi cười, khiêm tốn, lấy lòng anh ta – bữa cuối cùng của tôi ở đây đấy ạ. Hừm! – anh bếp liếc ngang tôi một cái, cầm lấy cái ống bơ đổ vào đó một muỗng rồi thêm cho tôi hơn nửa muỗng nữa. Xin cảm ơn, xin cảm ơn! – tôi gật đầu lia lịa. Hượm đã! – một bác đã có tuổi, hai tay ướt đẫm nước, đến bên cửa sổ thò đầu ra ngắm tôi – Làm sao chú mày bò ra được từ cái đống xác chết thế hả? Dạ, dạ…- Cái giọng thân tình của bác ta làm tôi đâm hoảng, nhen lên trong tôi một khát vọng mà tôi không dám tin là sẽ đạt được. Mẹ kiếp, không dễ gì được như vậy đâu, chú mày ạ! – nói rồi bác ta luồn tay dưới chiếc lồng bàn, lôi ra hai cái bánh mô mô, dùng tay đập lên bàn tay khẳng khiu như chân gà của tôi – Cầm lấy! – không đợi tôi nói lời cám ơn họ đã hạ cửa xuống đánh "sập" một cái. Họ có nhiều dịp để người ta cám ơn, nghe mãi cũng nhàm. Đây mới thật là "phúc đức quá". Trong ống bơ có một muỗng cháo nấu với rau, trong tay có những hai cái mô mô, hai cái chứ không phải một. Hai cái là định suất cho cả ngày, sáng một, chiều một. Còn cháo thì như thế nào? Rất đặc, gần như cơm nát. Cháo đặc là điều chúng tôi dù có vắt óc suy nghĩ cũng không có cơ hội để ăn. Cháo nấu với rau, có thêm chút muối, càng khuấy lại càng nhừ. Nhà bếp nắm được quy luật, họ có thể tuỳ hứng hoặc họ định làm như thế, trước khi chia, họ khuấy cho phần đặc nổi hết lên trên. Những người xếp hàng đầu thế là vớ bở - "Phúc đức quá". Khi thì họ cứ để nguyên như vậy mà xúc từng muỗng, cháo đặc lắng dưới đáy, thế là những người xếp hàng cuối trúng số độc đắc. Trường hợp sau là do nhà bếp bận, hoặc chưa kịp ăn trước, họ dành phần cháo đặc đáy thùng cho mình. Nói chung, nhà bếp rất muốn chúng tôi tranh nhau đến lĩnh, vì họ xong sớm, nghỉ sớm. Nhưng ai mà biết được, bữa nào tình hình thế nào, huống chi chúng tôi rất đông, nhà bếp có đến mười mấy cái thùng cháo cao xấp xỉ đầu người, không sao đoán được họ sẽ để lại thùng nào cho họ. Tóm lại, rình ăn cháo đặc khó ngang với nắm bắt tình hìng biến động kinh tế của thế giới, nó hoàn toàn ngẫu nhiên, trông vào may rủi. Hôm nay số tôi gặp may. Mà lại đúng vào cái ngày tôi mở đầu một cuộc sống mới. Đây là một điềm tốt. Cho nên tôi sung sướng vô cùng.