- 2 -

Văn Thiên Thành cần một khoản tiền để đưa cho vợ trước khi đi xa, Hồ Vũ là kẻ giúp y khoản tiền nho nhoi đó, có nó thì y mới có thể mạnh dạn đi tìm một cơ hội mới.
Y dám lên đất SG lập nghiệp vì rất tin tưởng vào một người bạn ở trên đó.
Người đó là Lưu Hoàng Kim, nhưng cái tên đó ít được biết đến, bởi vì mọi người đều gọi ông ta bằng một cái tên rất thân mật, rất tôn kính: Lưu Đại Nhân.
Lưu Đại Nhân cao lớn, bộ râu ba chòm dài tới ngang ngực, cặp mắt sáng quắc, y nổi tiếng là chịu chơi, hào sảng, và rộng lượng, Hồ Vũ mới gặp đã cảm thấy rất thích con người này.
Nơi đây thuộc ven SG, sát ngay dòng sông, đó là một xưởng gỗ rất lớn, người ra kẻ vào nườm nượp, họ Lưu tỏ ra là một ông chủ hùng mạnh. Đất rộng, người đông, gỗ chất cao như núi, Lưu Đại Nhân chuyên khai thác gỗ trên rừng, sau đó mang bán sỉ cho các cơ sở mộc, các cơ sở xẻ gỗ. Y có một đội xe ben, ghe chài hùng hậu, chuyên chở gỗ từ Tây Nguyên, Miền Đông, Miên, Lào…, nếu nói về sự giàu có thì Bác Kình chỉ đáng xách dép cho Lưu Đại Nhân mà thôi.
Ở đây công việc làm không xuể, anh đang cần những người mạnh mẽ, can đảm… các chú mà có khả năng, anh giao nguyên đoàn xe đi rừng khai thác gỗ cho các chú quản lý. Nhưng trước khi làm việc cứ ở chơi với anh ít bữa cho thoải mái cái đã.
Những người như Lưu Đại Nhân góp phần làm cho những cánh rừng bạt ngàn ở Tây Nguyên, ở Miền Đông đất đỏ, ở Miên, ở Lào… thành những đồi trọc trơ trụi. Họ trở thành những lãnh chúa thật sự, giàu có vào hàng bậc nhất ở xứ sở này. Chỉ nhìn vào căn nhà bằng gỗ Bên với những cái cột to sừng sững, cất hoành tráng ngay bên sông có thể chứa cả hàng mấy trăm người là đủ hiểu họ Lưu vĩ đại như thế nào, những y lại rất bình dân, đầy đủ cái chất của một thợ rừng mộc mạc và can đảm.
Buổi chiều có một đoàn xe chở gỗ từ Mã Đà về, tay chủ xe còn gọi là “Chín Lênh Đênh” vác trên vai một con nai thật to, y nói “bây giờ kiểm lâm cấm dùng súng săn nên tôi dùng bốn con chó vây bắt được con nai mang về biếu đại ca làm mồi nhậu”.
Chín Lênh Đênh nhìn rất phong trần, cao gầy, tai thỏ, mỏ dơi nom rất gian ác nhưng đối với Lưu Đại Nhân tỏ ra rất nể phục, y là một trong ba đệ tử thân tín “Ba Chìm, Bảy Nổi, Chín Lênh Đênh” khét tiếng của họ Lưu. Y rất hãnh diện với việc dùng chó săn được nai nên cứ cười khành khạch suốt.
Nơi đây quả là một nơi tụ hội của anh hùng hào kiệt, những con người thích lấy sông núi làm nhà, lấy đất trời làm mùng làm chiếu.
Chín Lênh Đênh còn trổ tài làm thịt nai cực hay, y dùng một con dao nhỏ chọc tiết, sau đó cắt ngang nhưng không đứt đầu để lột lấy bộ da rất khéo, toàn bộ đồ lòng của con nai còn nằm nguyên trong cái bọc bụng. Thịt nai được chặt ra cho vào cái chảo to “xào khô” không cần nước vì nước sẽ làm thịt nai bị tanh.
Riêng cái đuôi được chưng cách thủy, sau đó sẽ chia cho mỗi người dùng một ít vì đó là món đại bổ, một người mà ăn sẽ bị nứt thịt ngay.
Tối hôm đó một bàn tiệc dài dằng dặc được dọn ra trên căn nhà gỗ đồ sộ, tất nhiên là Lưu Đại Nhân ngồi đầu bàn chủ tọa. Bọn Văn Thiên Thành, Hồ Vũ vì là khách mới nên được ưu tiên ngồi bên trái cạnh họ Lưu, đối diện là hai người khách đặc biệt nữa rồi mới tới bọn đệ tử, chủ xe ben, quản đốc các loại…
Ba Chìm có cái mặt phèn phẹt lưỡi cày, nói giọng Nam Bộ đặc sệt, y càng uống rượu vào thì càng trở nên lầm lỳ, càng “chìm” xuống đáy… Bảy Nổi nhỏ thó, choắt cheo thì ngược lại, rượu càng vào thì càng nói nhiều, càng trở nên “nổi bật”. Chín Lênh Đênh gương mặt gian ác uống rượu vào thì trở nên xanh mét, lạnh như tiền, cả ba được Lưu Đại Nhân xem là cái “kiềng ba chân”, giúp y đứng vững trên mọi chiến trường…
Lưu Đại Nhân móc điếu thuốc ra hút, nhưng không mồi lửa, y nói “có thể hút thuốc mà không cần châm lửa, những khi cần phải cai thuốc tôi hay làm như vậy” – y lặp lại động tác hút thuốc rồi nói tiếp “làm như vậy để giải tỏa cái cảm giác thòm thèm khi không có thuốc, cái cảm giác nao nao khó chịu như thiếu vắng một cái gì đó” – Y bật quẹt và châm lửa – “rồi một ngày kia tôi tự hỏi, tại sao mình phải chịu cái cảm giác thèm thuồng để làm gì, sao không hút thử lại một điếu? và rồi…” – Y nói tiếp – “đôi khi ta cũng muốn được như điếu thuốc này, ta cũng muốn được toàn vẹn, lúc đó ta cũng như một điếu thuốc chưa đốt, không mùi, không vị, không có đốm sáng và không có khói… đến một ngày kia ta cũng muốn được cháy lên, dù chỉ một lần, cũng như điếu thuốc, bốc khói và tỏa sáng trong đêm… nhưng đến một lúc nào đó chấp nhận phải bị tàn lụi, trở thành một đống tro, chấm dứt và hết…”.
Con người cũng như thế, nếu anh muốn toàn vẹn thì anh cũng như một điếu thuốc chưa đốt… một khi anh muốn bừng cháy lên thì anh phải chấp nhận những cái giá phải trả, nhiều khi nó rát bỏng và đau khổ… nó khét lẹt và tàn lụi, nhưng có thể chính đó mới là cuộc sống… Tôi thích những con người như thế, họ dám chấp nhận và dám trả giá cho một điều gì đó.
Cách đây nhiều năm, Chín Lênh Đênh còn làm nghề buôn bán nhỏ, chủ một  tiệm tạp hóa… Trong một lần gặp gỡ với Lưu Đại Nhân, được nghe ông ta nói “đàn ông không nên làm nghề buôn bán nhỏ, bởi vì những suy tính vụn vặt như bán vài gói mì, vài con ốc vít để kiếm lời… dần dần sẽ thấm vào con người anh ta, và anh ta sẽ luẩn quẩn trong những toan tính vụn vặt đó, không thể làm những chuyện lớn được nữa. Công việc tạo ra con người, môi trường tạo ra tính cách… đặc biệt là đối với đàn ông.” – Khi nghe những lời nói đó, Chín Lênh Đênh cảm thấy rất kinh ngạc, sau đó y đã bán sạch tất cả, sang lại cửa hàng và quyết tâm đi theo Lưu Đại Nhân “trước đây tôi quen tính toán nhỏ lẻ, trong ngày lời được trăm ngàn là cảm thấy mừng lắm rồi, cầm mấy triệu bạc là tay đã run lẩy bẩy… cảm thấy con người của mình sao nhỏ bé, không dám nghĩ đến một cái gì lớn chứ đừng nói đến chuyện bắt tay vào làm? Về nhà thì nhiều khi so đo với vợ từng đồng cắc…”.
Bây giờ thì y đã trở thành một con người khác, có thể đặt tay ký một hợp đồng bạc tỷ mà mặt vẫn lạnh như tiền – Thời buổi tiền bạc là quyết định này thì chỉ cần xem thái độ của người đàn ông trước tiền bạc… trước nhiều tiền bạc là có thể phán đoán được tư cách của họ như thế nào.
Thời nào cũng vậy, cũng có những con người “Phú quý bất năng dâm - Bần tiện bất năng di - Uy vũ bất năng khuất”. Vì thế sau buổi tiệc Hồ Vũ cảm thấy mến họ Lưu vô cùng, cả y và Văn Thiên Thành đều muốn dốc sức vào công việc mới.
 
Buổi tối, khi bắt đầu chìm vào trong giấc ngủ, Hồ Vũ cảm thấy dường như có một đôi mắt rất sáng đang nhìn mình. Y trằn trọc mãi không ngủ được, bèn đi ra ngoài tận bờ sông, trời đêm thật tĩnh mịch, không có trăng sao mà mờ mờ mây phủ. Chìm vào trong tĩnh lặng như thế Hồ Vũ mới nhớ ra đôi mắt ấy là của một người đàn bà…
Đó là người ngồi bên tay phải của Lưu Đại Nhân, suốt buổi không hề ăn uống gì  nhưng lại rất kiên nhẫn ngồi trong bàn tiệc cho đến tận tàn cuộc. Bà ta có cái trán cao và rộng một cách kỳ lạ, mũi thẳng mà môi mỏng, mái tóc đen huyền phủ dài hai bên vai, cặp mắt đen thăm thẳm… nom bà ta giống y như người đàn bà trong bức tranh La Gioconde. Bà nom nhỏ con và thanh mảnh, những người đàn bà có gương mặt và dáng vẻ như thế này thường có một khả năng tâm linh trời phú rất kỳ diệu… Suốt buổi bà ta nhìn Hồ Vũ chằm chằm nhưng không nói gì, sau này trong một lần hiếm hoi gặp lại y mới biết bà ta từng có một cuộc đời phi thường, có thể nhìn thấy được quá khứ vị lai, chữa khỏi được một số bệnh chỉ qua một cái nắm tay…
Bà ta nói “Cậu có số đào hoa… nhưng rồi lại phải chết vì hoa…” – Hồ Vũ chỉ cười cười, y đâu bao giờ nghĩ rằng một con người mạnh mẽ và can đảm như chính mình lại có thể chết vì đàn bà được?
Không phải ngẫu nhiên mà Lưu Đại Nhân luôn dành cho bà ta một vị trí đặc biệt, lâu lâu Hồ Vũ thấy họ Lưu lại trao đổi với bà ta bằng một thứ ngôn ngữ rất lạ tai, sau này y mới biết đó là tiếng Hoa, nhưng là một thứ tiếng Hoa mà ngay cả người Hoa cũng ít người biết… một thứ thổ ngữ của vùng Phúc Kiến. Hiển nhiên giữa Lưu Đại Nhân là người đàn bà này có một mối liên hệ rất mật thiết nào đó.
Rất nhiều năm trước ở vùng núi phía Bắc vẫn thường có những lời đồn thổi về “mẹ mìn”, đó là những kẻ bắt cóc con nít ở miền xuôi mang bán lên miền ngược, bắt con nít miền ngược bán qua biên giới… họ thường đi thành từng đoàn từ bảy đến mười người, gồm đàn ông và đàn bà, xuyên qua những làng quê, những làng mạc, hễ thấy trẻ con không có người lớn canh giữ là tiện tay bắt lấy, mang đi. Hành trình của bọn họ rất vô định, từ vùng này qua vùng khác, vượt qua các nẻo đường hiểm trở của vùng núi phía Bắc trùng điệp như Hà Giang, Sơn La… thậm chí qua các vùng biên giới hẻo lánh của TQ hay Lào nên rất khó tìm kiếm, những gia đình bị mất con xem như là vô vọng.
Có một bé gái xinh xắn đã bị bắt đi như thế ở một vùng ven Hà Nội, ở cái tuổi thơ ngây cô đã phải lưu lạc với bọn “mẹ mìn” qua bao vùng núi non và cuối cùng là qua tận TQ. Bọn “mẹ mìn” đối với trẻ con rất cứng rắn và tàn bạo, không hiểu sao đối với cô bé này bọn chúng lại chiều chuộng hơn hẳn, có thể vì cô bé có cái dáng vẻ bên ngoài nom như một thiên thần.
Và cô ta có lẽ là một thiên thần thực sự.
Bọn chúng còn gọi cô là “cô Tam”, sau đó một gia đình có bảy đời hành nghề bán thuốc ở Phúc Kiến đã mua lại cô bé.
Nhìn bên ngoài không ai có thể biết được ông già bán thuốc lại là “ông chủ lớn” của một bang hội khét tiếng ngày xưa là “Thanh Bang”. Nếu không có ông già này thì cuộc đời của cô Tam chắc cũng rơi vào vòng lam lũ cực khổ ở một miền sâu xa nào đó hay phải bán phấn buôn hương ở một hang cùng ngõ hẻm thuộc chốn thị thành.
Cô Tam hàng ngày chỉ phải làm những việc lặt vặt như phơi thuốc ngoài sân hay ngồi sắc thuốc bằng một con dao nhỏ, buổi tối được ngủ trên một cái giường có đệm và chăn đàng hoàng. Điều rất lạ là không hiểu sao chỉ một thời gian ngắn là cô không còn cảm thấy nhớ nhà nữa.
Cô càng lớn càng trở nên xinh đẹp bội phần.
Một ngày kia ông già còn được mọi người gọi là “Lưu Kiểng Đại Sư” dẫn cô đến một vùng núi cao nghìn trùng, lần đầu tiên trong đời cô nhìn thấy một ngôi nhà khổng lồ to tròn bằng đất...
 
Đại sư thở dài “trước đây nơi này rất đông đúc, chiến tranh liên miên đã cướp đi sinh mạng nhiều người nên bây giờ chỉ còn lại rất ít, hơn nữa nhiều người lại bỏ lên thị thành kiếm sống… nơi đây đã hoang tàn lại càng trở nên hoang tàn…”.
Ông ta dẫn cô vào trong căn nhà tròn, căn nhà này thật kỳ lạ, bên ngoài nhìn thì nhỏ nhưng vào bên trong lại thấy to rộng lạ thường. Cô Tam được dẫn đến bái kiến một bà lão tóc bạc phơ, ngồi xếp bằng trên một cái sập, xung quanh bà ta có khoảng ba bốn người đàn bà… cô Tam thấy nơi đây tất cả đều là đàn bà, chỉ khoảng hơn ba mươi người. Lưu Kiểng Đại Sư nói gì đó với bà lão, cô Tam lờ mờ đoán là ông ta nói về hoàn cảnh đáng thương của cô và xin bà lão cưu mang, bà gọi cô lại, nhìn ngắm và cuối cùng cho cô ở lại.
Lưu Kiểng Đại Sư tạm biệt cô, ông căn dặn cô phải ngoan ngoãn và hứa là sẽ lên thăm khi nào có dịp, cô Tam cảm thấy rất yêu kính ông già đã nuôi cô bấy lâu.
 
Trong ngôi nhà tròn này quả thực chỉ toàn là đàn bà, tuyệt đối không thấy bóng đàn ông lai vãng. Công việc cũng giống y như lúc cô ở với Đại Sư, tức là làm thuốc. Buổi sáng một nhóm sẽ lên núi hái các loại lá, rễ, cây thuốc, một nhóm sẽ phân loại và tiến hành phơi… tất cả đều theo sự điều động của bà lão mà mọi người đều gọi một cách tôn kính là “Nương Phi”.
Nương Phi xem xét công việc làm thuốc rất kỹ lưỡng, ở nơi này cô Tam mới được chứng kiến công việc làm thuốc tỉ mỉ và phức tạp như thế nào.
Lá và rễ được sao trên chảo nóng bỏng, sau đó phơi trong râm cho héo dần, có loại phơi nắng to cho khô ráo. Sau đó tùy theo từng loại mà sắc mỏng hay tán nhuyễn, mỗi loại có nhiều dụng cụ làm riêng biệt...
Nương Phi có gương mặt thon nhỏ, gầy gò nhưng ánh mắt rất mạnh mẽ, bà quấn một chiếc khăn sặc sỡ trùm hầu như toàn thân, gọi cô Tam đến gần và nói, một giọng nói rất nhẹ nhàng “điềm trời đã mang con đến đây chứng tỏ con có duyên với chúng ta, ở đây chúng ta sống đoàn kết và đùm bọc nhau, mọi người làm gì thì con hãy làm theo, mọi người ăn gì, mặc gì thì con cũng ăn mặc như vậy, không có sự phân biệt gì cả…”
Thỉnh thoảng lại có người được đưa lên đây trong tình trạng bất tỉnh hay gần chết, lúc đó Nương Phi lấy một cây gậy đen tuyền vẫn thường được đặt trên sập điểm lên họ, sau này cô Tam được biết đó là phương pháp “điểm huyệt”, khi những người này bắt đầu hồi tỉnh sẽ được mang ra nhà sau đắp và cho uống thuốc. Thỉnh thoảng còn có người cho là bị “tà nhập” mang lên đây trong tình trang nói lảm lảm hay la hét cũng được Nương Phi dùng cây gậy điểm lên đỉnh đầu là hết.
Cô còn nhớ rất rõ một lần có bốn người khiêng một người đàn ông trong một chiếc cáng, người đàn ông này rất to lớn nhưng thân thể đầy máu, nằm bất động. Lần ấy tất cả mọi người trong nhà đều xôn xao… nghe nói ông ta là một võ sư rất có tiếng…, Nương Phi đã phải lao tâm khổ tứ lắm mới có thể cứu được người này.
Cuộc sống ở đây thật thanh bình và giản dị, cô Tam ngoài việc phơi và sắc thuốc còn được giao cho việc nấu bếp, cô thường lấy nước ở cái giếng ngay giữa nhà tròn, cái giếng này nước trong vắt và lạnh một cách lạ kỳ, nước giếng chỉ để dùng nấu ăn và đun thuốc, tuyệt đối không được dùng vào việc gì khác. Vào những đêm trăng rằm, cô thấy Nương Phi và mọi người ngồi thiền bên thành giếng, khi ánh trăng lên đến đỉnh đầu thì ánh sáng của nó chiếu thẳng xuống giếng, một nguồn ánh sáng phát ra rực rỡ… Nương Phi há miệng uống lấy nguồn sáng này sau đó thổi về phía mặt trăng trên đỉnh đầu, sau đó lại hớp lấy ánh trăng phía trên rồi thổi xuống phía dưới lòng giếng phát ra những tiếng “um um” vang động làm cả không gian dường như lắc lư, lắc lư…
Cô Tam cũng được Nương Phi chỉ dẫn tận tình về các loại cây thuốc và môn khí công để cơ thể khỏe mạnh, chống lại cái lạnh bên ngoài. Môn công phu này là gì thì cô không được biết, chỉ được dặn là phải cố gắng luyện tập mỗi ngày. 
Chẳng mấy chốc mà ba năm đã trôi qua, một hôm Nương Phi gọi cô Tam vào một căn phòng nhỏ trên đỉnh của nhà tròn, căn nhà này là nơi thờ cúng, từ trước đến giờ không có ai được bước vào đây vì thế cô cảm thấy rất run sợ và hồi hộp. Cô nhìn thấy Nương Phi ngồi trang nghiêm bên bệ thờ, trên người vẫn khoác cái khăn đỏ, tay cầm chiếc gậy nói “con hãy đến đây và quỳ xuống bên cạnh ta”, bà đặt tay lên đầu cô Tam và nói tiếp “Trời đã mang con đến đây cho chúng ta để cho dòng chảy của chúng ta sẽ trường tồn mãi mãi… hôm nay ta sẽ cho con biết đây là đâu… Có bao giờ con ngạc nhiên vì tuy ta và con sinh ra ở hai xứ sở xa lạ nhưng lại rất giống nhau và hiểu nhau hơn tất cả không? Bởi vì chúng ta là cùng một nhà, cùng một nguồn cội, cùng một dòng đang chảy trên kia, con có nhìn thấy dòng chảy đó không…”
Cô Tam ngước nhìn lên, cô chỉ thấy một màu xanh biếc bao phủ cả bầu trời oi ả.
Vũ trụ sơ khai
Thiên địa hỗn độn
Đại la thiên tiên
Thần thông thi triển
Huyền giả vi thiên
Hành giả vi địa
Âm dương qui nguyên…
Ta sẽ gọi tên con là Lưu Phi Phượng Vũ, bởi vì đó mới đích thực là cái tên gắn bó với số mệnh của con.
Đứng trên tít tầng cao, Nương Phi chỉ ra xa xa, nơi những áng mây trắng bao trùm lên dãy núi Vũ Di, bà nói “đến một ngày nào đó tự con sẽ hiểu ra tất cả, tự con sẽ nhìn thấy tất cả, còn bây giờ ta sẽ giao cho con vật này…” – Nương Phi lấy trong người ra một miếng ngọc thạch sáng lấp lánh “đây là một tín vật, một báu vật, con hãy cất giữ nó thật cẩn thận” – Bà còn giao cho cô một cái khăn choàng màu đỏ thêu sặc sỡ và nói “đến một lúc nào đó con sẽ phải khoác tấm khăn này…lúc đó con sẽ nhớ đến chúng ta ở đây”.
Như có điềm báo trước, mấy ngày sau cô bỗng thấy Lưu Kiểng Đại Sư xuất hiện, cùng đi với ông ta là hai người mặc sắc phục chính quyền, họ nói gì đó với Nương Phi rồi Đại Sư gọi cô Tam đến và bảo “Chính quyền đã tìm ra thân nhân của con và họ muốn trao con trở về VN”. Tất nhiên một khi đã có lệnh của chính quyền thì Nương Phi cũng không thể làm gì được.
Tất cả mọi người đều lưu luyến đưa tiễn cô, một vài người trong số họ đã khóc, Nương Phi cũng chảy nước mắt… rất nhiều năm sau trong những giấc mơ cô Tam vẫn còn thấy những giọt nước mắt đó, chúng sáng lấp lánh như những giọt sương buổi sớm đọng trên tán lá sen.