Phần II

Trong vòng hai tuần lễ nay, Công rất yêu đời, làm việc chạy vo vo và rất dễ tính với các cộng sự viên.
Sáng hôm ấy, chàng ký một hơi đến hai mươi lăm bức công văn mà nào phải ký tên không mà thôi đâu, còn phải đọc kỹ, còn phải suy nghĩ xem đến phút chót chàng cần phải đổi ý hay không về lối giải quyết bao nhiêu công việc mà chàng đã phác qua chỉ thị cho thư ký thảo ra. Thế mà chàng vẫn vui vẻ không càu nhàu như dạo trước.
Khi ký đến bức công văn cuối cùng, chàng ngước lên nhìn cô thơ ký đang trình công văn đã thảo, đã đánh máy cho chàng cứu xét lại để ký tên. Công mỉm cười và nói đùa:
Tôi oán cô lắm! Cô đã bắt tôi làm việc nhiều quá.
Được trưởng ty khen gián tiếp như thế - phải, đó là một lời khen, vì khi ông chủ làm việc nhiều thì trước đó các thầy các cô cũng đã làm nhiều mới có công văn cho ông chủ ký - được khen, cô Thúy đã không vui mừng lại châu mày và làm thinh.
Công vui bao nhiêu là Thúy buồn bấy nhiêu. Cô đoán biết Công đã thành công trọn vẹn hay một phần nào với một cô gái nào đó.
Cô đã kín đáo dò hỏi, nhưng chưa biết được ai là tình địch của cô. Nhan ở ngoại ô xa, những lần chàng đi thăm bạn, người ta ngỡ rằng chàng đi dạo mát một vòng nên không ai tò mò theo dõi chàng cả.
Bạn hữu của Nhan thì biết người thanh niên ấy đang cua bạn của họ, nhưng đó là một vụ cua đứng đắn để đi đến hôn nhân, nên họ không chê cười, không đồn đãi ra.
Công vẫn thờ ơ không hay biết tình cảm của Thúy đối với chàng nên ngỡ Thúy phải đứng lâu mệt mỏi nên dỗ dành:
Đã đến bức chót, cô sắp được phóng thích rồi đấy. Sở dĩ tôi bắt cô phải canh buổi ký tên công văn mỗi ngày, một công việc mà tùy phái làm được là vì …
Ý chàng muốn giải thích: “Là vì tôi cần một người thạo việc phòng có gì sai, tôi dặn dò, người ấy sẽ hiểu để nói lại với mấy người thảo công văn. Tùy phái thì có hiểu gì đâu mà dặn. Còn không lẽ tôi qui tụ tất cả mấy thầy thảo công văn nơi buồng nầy. Vậy phải có mặt một đại diện của các nhơn viên tại đây, mà đại diện ấy phải là cô, vì bức công văn nào cũng đánh máy sai một chữ hoặc một cái dấu, cô ở đây tức là làm một công đôi việc, nghe giùm người khác và nghe chính cho cô.”
Nhưng lời giải thích ấy dài quá, Công lười nói nhiều nên bỏ dở câu của chàng. Thành thử Thúy ngộ nhận, ngỡ chàng muốn tán tỉnh cô ta nhưng còn ngại lời. Có lẽ chàng định nói: “... là vì tôi thích bóng dáng một phụ nữ nơi đây, nó đưa vào buồng giấy của tôi một nốt vui tươi, trẻ trung dịu dàng, giúp cho tôi bớt mệt vì công việc.”
Vì thế mà Thúy mỉm cười, rồi đôi má ửng hồng lên, nàng lấy mớ văn kiện đi và nói:
Cám ơn ông.
Thúy vừa ra thì người tùy phái bước vào. Hắn nói:
Thưa ông, có người muốn vào đơn xin giấy phép…
Vào đơn à? Vào đơn thì cứ vào ngoài ấy, chớ sao lại báo với tôi làm gì?
Dạ họ nài nỉ được ông cứu xét trực tiếp.
Anh biết chớ, tôi chỉ cứu xét những lời khiếu nại thôi, còn các việc khác, tôi đã ủy nhiệm cho cộng sự viên.
Nhưng mà... thưa ông Trưởng ty …
Nhưng mà làm sao? Công nổi giận quát. Không có nhưng mà gì cả.
Người tùy phái không mích lòng vì bị mắng oan uổng, và không nản chí, hắn đứng ì đó mà lải nhải:
Nhưng mà y là người nheo mắt năm ngoái, đã được ông Trưởng ty tiếp ngay lúc đó mà.
Công nhảy dựng lên:
Vậy à! Người nheo mắt à? Cho hắn vô ngay đi.
Công có dưới tay một số điềm chỉ viên thường. Bọn nầy rất dở và hay khoác lác nên chúng bị thiên hạ biết mặt cả.
Chàng lại có vài điềm chỉ viên lỗi lạc, chỉ đem tin tối quan trọng đến mà thôi, còn những vụ nho nhỏ thì họ bố thí cho bọn dở kia.
Mấy tay điềm chỉ viên cừ khôi nầy ít khi đến đây, trừ những dịp cần đưa tin cấp bách. Thường thì họ gởi thơ riêng cho Công. Vả Công là người rất kín đáo dè dặt thì cho dẫu họ với thăm chàng ngày một, chàng cũng không để tung tích của họ bị tiết lộ đối với nhơn viên của chàng.
Nhơn viên mà có tốt đi nữa, cũng có người vì bép xép mà vô tình làm mật thám cho các tổ chức buôn lậu lớn.
Năm ngoái, điềm chỉ viên nầy có đến đây một lần và xin vào gặp mặt ông Trưởng ty. Người tùy phái ngăn cản y. Y nheo mắt với va, không biết muốn tỏ cái gì, nhưng viên tùy phái lại ngỡ hắn có của hối lộ cho Trưởng ty và đã thỏa thuận với Trưởng ty rồi về khoản đó; những cái nheo mắt của y dường như nói: “Tôi là bồ với ông xếp của anh mà, ông xếp không có dặn gì hết sao?”
Mà có lẽ y cũng định ra hiệu để nói như thế thật đó. Nhưng bồ đây là cộng sự viên bí mật, còn anh tùy phải thì lại hiểu rằng bồ đây là kẻ mang của đút đến.
Lần ấy y được tiếp ngay sau khi anh tùy phái vào tả hình dáng y. Anh tùy phái nầy mãi đến giờ vẫn cũng đinh ninh rằng đó là một người đi hối lộ Trưởng ty.
Tùy phái dẫn kẻ nheo mắt vào rồi đi ra ngay.
Đó là một người đàn ông trạc băm lăm, có tướng tài xế, mặc bi-da-ma may bằng ú đen, chơn đi săn đan.
Rua xếp. Y chào rất to người Trưởng ty bằng câu chào thân mật của bọn “anh chị” thời Pháp thuộc.
Công đưa một ngón tay lên miệng ra hiệu bảo hắn im, rồi đích thân chàng bước ra khóa cửa lại. Xong đâu đấy chàng vẫn đứng nơi cửa đó mà nghe ngóng rất lâu mới trở lại bàn chàng.
Bộ muốn tụi buôn lậu nó mổ mật sao mà chào to dữ vậy? Rủi ai nghe được lối chào thân mật đó, họ đoán biết sự thật, đồn đãi ra thì nguy cho tánh mạng anh. Mời anh ngồi.
Người điềm chỉ ngồi trên chiếc ghế đặt trước bàn viết của Công, toan nói thì Công đã hỏi:
Gì đó?
Dạ có tin chắc là đêm mốt, tổ chức A. H. sẽ cho người tải hàng từ Vũng Chàm qua biên giới để về Trà Võ...
Hàng gì?
Dạ thuốc trụ sinh, á phiện và thuốc điếu Huê Kỳ.
Bao nhiêu?
Dạ mười bành.
Voi chở à?
Dạ không, bành nhỏ, do bò chở.
Tại đâu? Hồi mấy giờ?
Dạ hàng bên Xiêm qua. Họ cũng băng rừng trên lãnh thổ Cao Miên đi qua các vùng Xiêm Rệp, Vũng Thơm, Vũng Chàm rồi tới biên giới ta, song song với đường xe chạy. Vào biên giới của ta xong thì họ giao cho đoàn tải hàng người mình cách đồn kiểm soát trên đường Vũng Chàm bốn cây số. Dạ, chắc xếp dư biết rằng họ tránh đồn kiểm soát nhưng cố ý không tránh xa lắm, vì các nơi xa thì có các toán lính quan thuế đi rỏn. Nhưng nơi gần đồn thì trống trơn…
Phải, tôi biết.
Họ sẽ đến đó vào khoảng một giờ khuya.
Nhận hàng xong, cả hàng lẫn bò chở, bò cho luôn, không tính tiền, đoàn tải hàng người Việt-Nam mình mới đưa hàng về một sở cao su kia của Pháp ở vùng Trà-Võ. Có sự tùng đảng của nhân viên sở cao su mà họ rất cần vì hàng từ sở cao su ra đường một cách công khai trên xe cam nhông chở mủ của sở, không ai chú ý như là từ trong rừng đi ra trên lưng bò.
Chúng nó định kế hoạch rất hay.
Dạ, nhưng nên đón bắt trong rừng vì khi hàng vào sở cao su rồi thì rắc rối lắm. Ta không được phép vào sở. Họ đưa hàng ra lúc nào khó biết, có khi chúng nó đợi hàng tháng. Khi ta rình lâu mỏi mòn nản chí, chúng nó xuất hiện bất thình lình và đi vuột được.
Đúng thư vậy. Nhưng đó là công việc của tôi, anh khỏi phải xía vô.
Dạ cũng là của tôi nữa chớ. Xếp cố bắt được, tôi mới được chia tiền thưởng.
Thôi được, nói tiếp đi.
Dạ đoàn tải hàng Việt-Nam mình do tên Đức-Lưu Phương cầm đầu. Hắn đã có hồ sơ ở đây.
Được rồi, tôi không cần biết chi tiết đó. Chúng nó có võ trang chớ?
Dạ hình như là ba cây súng trường và một cây tiểu liên.
Còn gì nữa hết?
Dạ hết.
Bấy nhiêu đó cũng đủ lắm rồi. Xem lại coi nè: địa điểm, thời gian, vũ khí, sự quan trọng của hàng…. tốt lắm. Tôi ngợi khen anh đó, nếu tin của anh đúng sự thật.
Bảo đảm mà xếp.
Công đứng lên mở tủ sắt đặt sau lưng chàng, lấy ra một số tiền trao cho người điềm chỉ mà rằng:
Đây là một trăm tiền trà nước cho anh, và năm trăm ứng trước một phần nhỏ về tiền thưởng, Nếu quả có á phiện, món hàng cao giá ấy thì số tiền thưởng thật cho anh có lên tới bạc vạn.
Cám ơn xếp,
Thôi kín miệng nhé.
Xếp cứ tin nơi lời cam kết của tôi.
Và đừng gọi tôi là xếp nữa. Tây về Tây hết rồi anh không hay sao?
Người điềm chỉ cười mà nói:
Dạ, bị quen miệng quá rồi khó sửa đổi lắm.
Ông Trưởng ty trẻ tuổi của ty quan thuế hàng tỉnh đi mở cửa cho khách ra rồi bước lại cái tủ đựng văn kiện mật để tìm một tập hồ sơ mặc dầu ông đã nói với người điềm chỉ rằng lý lịch của kẻ cầm đầu đoàn tải hàng không đáng kể, ông vẫn tò mò muốn biết rõ hắn. Cũng có ích phần rào chớ chẳng không, chẳng hạn, nếu hắn là một tay thiện xạ thì nên biết để mà đề phòng.
Tập hồ sơ về tên Đức-Lưu-Phương nào đó, được lập ra rất lâu, chàng đổi về tỉnh lỵ nầy đã thấy có tập ấy rồi, một hôm rỗi việc lật xem giấy tờ cũ. Nhưng chàng không có đọc hồ sơ đó, chỉ biết là có vậy thôi.
Hồ sơ về các tay gian manh ở Ty Quan Thuế tỉnh nầy rất nhiều vì đây là một tỉnh biên giớí, nên Công đứng trước tủ lâu lắm.
Đã mấy lần người tùy phái vào buồng giấy của chàng để hỏi gì, và đã mấy lần chàng bảo hắn để chàng yên.
Rốt cuộc chàng cũng tìm ra được hồ sơ đó.
Hồ sơ chỉ mỏng thôi, gồm năm ba tài liệu và một bức ảnh, tất cả để trong một chiếc cặp bằng giấy bồi màu xanh, giấy cũ quá đã trỗ vàng.
Bức ảnh cũng đã trỗ vàng. Không biết vì sao mà ty có được bức ảnh nầy. Ảnh chụp một bọn bảy người đang quây quần quanh một mâm cỗ đặt ngay trên cỏ, giữa rừng. Có lẽ một đồng bọn của chúng đã phản bội, đem bán bức ảnh nầy cho ty quan thuế chăng?
Văn kiện giải thích bức ảnh, không có ký tên người lập ra văn kiện, cũng không có đề ngày đề nơi lập ra.
Tài liệu đánh máy nầy liệt kê tên họ, lý lịch của từng tên trong bọn một cách khá đầy đủ, nhưng đến tên Đức-Lưu-Phương thì chỉ thấy vỏn vẹn có mấy hàng sau đây:
“Lãnh tụ, không biết tên họ thật. Đức-Lưu-Phương chỉ là một bí danh thôi. Không biết chỗ cư trú ngoài xã hội công khai. Cựu Hạ sĩ quan thời Pháp thuộc, bắn rất tài. Không ác, không hung tợn. nhưng tự vệ quyết liệt.”
Trong ảnh chỉ có bảy người. Công đoán rằng bọn chúng gồm tám người, người thứ tám đứng ngoài để chụp ảnh nầy. Tám người mà bốn cây súng, tức là hai tên một cây, có lẽ phòng khi một tay súng bị thương hoặc chết trận thì có bạn bên cạnh thay thế ngay. Thật là chu đáo.
Ảnh cỡ 6x9, một người trong ảnh nhỏ quá chừng trông không rõ, Tài liệu có chua thềm rằng Đức-Lưu-Phương là tên ngồi giữa, mặc short, đầu không đội nón.
Công kéo hộc tủ bàn viết lấy ra cái lúp thử phóng đại năm mươi lần to hơn vật được xem xét và đặt lúp trên ảnh.
Vừa nhìn qua tấm kính phóng đại ấy, chàng đã kinh ngạc rồi. Ảnh của tên Đức-Lưu-Phương nầy sao mà giống ảnh ông cụ của Nhan quá, bức ảnh dán trong tập an-bum mà chàng đã thấy hơn mấy tuần trước.
Công cố nhớ gương mặt người trong ảnh kia và nhìn kỹ ảnh nầy rồi rụng rời, mồ hôi nhỏ giọt xuống! Hai người chỉ là một thôi.
Cũng đôi mày rậm đó cũng cái càm vuông đó, cũng cái môi dưới hơi trề ra như khinh bỉ ai, và toàn thể gương mặt của cả hai bức ảnh đều biểu hiện cho một cá tính ngang tàng, cương quyết, nhiều nghị lực, bên ngoài có vẻ hung ác nhưng chất thiện vẫn bàng bạc khắp nơi trên đó.
Công rụng rời khi mà chàng chắc ý một trăm phần trăm rằng hai người chỉ là một thôi.
Ý nghĩ đầu tiền của chàng đi về Nhan. Trời ơi, một mối tình, một mối tình chỉ mới manh nha có mấy tuần lễ thôi, mối tình đầu của chàng, đẹp không biết bao nhiêu, thơ không biết bao nhiêu.
Mối tình diễm dương và huyền tuyệt ấy bỗng dưng tan biến đi trong chốc lát như một chiếc bong bóng xà bông!
Vâng, chính mối tình của chàng đổ vỡ chớ không phải hôn nhơn. Chàng sẽ cứ yêu Nhan nếu chỉ có trắc trở khách quan nào đó thôi, chẳng hạn như đôi bên cha mẹ không bằng lòng họ lấy nhau.
Nhưng ở đây, trắc trở lại nằm chính trong lòng mối tình ấy: Nhan không xứng đáng tình yêu của chàng nữa.
Nàng hết xứng đáng tình yêu của chàng không phải vì nàng là con gái của một tay buôn lậu mà vì nàng đã gian lận trong mối tình nầy.
Công tin chắc rằng không thể nào mà Nhan không biết hoạt động bí mật và bất lương của cha nàng. Đã biết bí mật ấy, nàng đã quá trèo đèo mà khuyến khích tình cảm của một viên sĩ quan Quan Thuế.
Tình cảm của nàng là thứ tình cảm không biết thủ phận và hành động của nàng là hành động của một nữ điệp viên, không hơn, không kém. Đúng thế, khi mà hai quốc gia đang chiến tranh với nhau, công dân nước nào mà tìm cách lọt vào vòng thân mật với một sĩ quan của một quốc gia địch thủ thì kẻ ấy, dầu muốn, dầu không, nguy hiểm như một tay gián điệp.
Trường hợp của chàng thì khác. Chàng không hay biết gì cả về hoạt động lén lút của tên Đức-Lưu-Phương, không thể nói là chàng đeo đuổi con gái hắn để lượm tin tức về hắn.
Chỉ có kẻ nào hành động ý thức mới là khả nghi mới là có tội.
Tuy nhiên Công chỉ là người thôi, người với tất cả những mâu thuẫn của con người được nền công dân giáo dục cho biết rõ bổn phận của mình là phải chặt đứt cây cầu liên lạc với bọn lưu manh, nhưng đồng thời không sao một sớm một chiều mà thanh toán được tình yêu đã đặt lầm chỗ.
Tập hồ sơ mở ra trước mặt chàng, và Công chỉ cúi gầm mặt xuống đó, nhưng qua bức ảnh những người đàn ông thô bạo đang ngồi giữa một khung cảnh man rợ, một chiếc cầu tre lại hiên lên, vắt qua một con rạch con với dòng nước uốn quanh ôm sát những gốc dừa ven một khu vườn râm mát. Bóng ai qua cầu, gió sớm thổi bay phấp phới tà áo, nắng mai gội mớ tóc chưa vướng bụi đời và soi sáng gương mặt vui tươi đang nhìn vào ống ảnh mà mỉm cười.
Nụ cười kia, không bao giờ chàng sẽ thấy được nữa, hay chỉ thấy trong những lúc hồi tưởng lại cái hiện tại nầy đây khi nó trở thành một dĩ vãng nặng ngậm ngùi, và chua xót.
Là người của thực tế và của bổn phận, Công thấy mình phải quên Nhan. Muốn quên nàng, chàng phải thù ghét con người dễ mến và dễ thương đó.
Vì thế mà chàng nhắm mắt lại để xóa tất cả mọi hình ảnh tốt đẹp vừa thoáng qua nơi trí tưởng của chàng.
Mở mắt ra liền ngay tức khắc, Công nhìn thẳng vào tên đầu dộc tải hàng. Chàng không thể mến tên nầy được. Hắn đáng khinh đáng ghét và con hắn cũng cùng một quan niệm một tham vọng với hắn.
Cô gái ấy đã ăn gian trong tình yêu. Cô ta đã gài bẫy cho chàng sa hố...
Công xếp mạnh tập hồ sơ lại, tim chàng đau nhói lên, không biết vì quá phẫn nộ hay quá đau đớn.
Chàng dở ống điện thoại lên toan gọi Tỉnh đoàn Bảo an để xin viện binh, nhưng lại hạ ống xuống, sau mấy giây suy nghĩ.
Không, chiến dịch chàng sẽ mở ra, chỉ được tiết lộ vào phút chót thôi. Vào phút chót, chàng sẽ báo tin cho các đồn bót biết để tránh bắn lầm nhau, nhưng chừng ấy không xin viện binh kịp mà chỉ có thể trông cậy vào lực lượng riêng của chàng thôi.
Xem nào! Bên ấy đông tám người và có bốn tay súng, kể cả cây tiểu liên. Bên quan thuế chỉ có sáu, năm nhơn viên và chàng, cũng vẫn bốn tay súng, toàn súng trường, kém hẳn họ cây tiểu liên. Nhưng đánh giàn trận thì cây tiểu liên không hay bao nhiêu. Chính súng trường mới là đáng sợ vi tầm đạn đã đi xa, đi mạnh lại ngay đích hơn.
Bên Quan thuế lại được ưu thề của kẻ bắt chợt.
Như vậy lực lượng đôi bên có thể nói là đồng cân với nhau, và chàng phải thắng, phải tự lực mà thắng.
Chận hàng không phải mục đích chánh, mà tiêu diệt một cái khoen của sợi dây xích buôn lậu nầy mới là chỗ nhắm thật của Công.
Quan Thuế với buôn lậu quốc nội chỉ chơi trò cút bắt với nhau thôi, một bên trốn và một bên tìm. Tìm được kẻ trốn, phạt họ hay cho họ vào tù là xong. Thật là hiền lành không có vấn đề thắng bại.
Nhưng buôn lậu biên giới là cả một khối địch thủ quyết tử. Họ được võ trang mạnh mẽ và tự vệ hẳn hòi.
Công mở bức họa đồ mà trước khi ra cửa, người điềm chỉ đã trao cho chàng.
Giấy họa đồ nhầu nát vi hắn đã vò lại nhét vào giữa những điếu thuốc vấn trong gói thuốc Mê Da trắng loại bình dân sáu đồng một gói của hắn, để phòng có rủi lọt vào tay bọn buôn lậu, chúng nó cũng không tìm được bằng cớ đích xác nào về hành tung của hắn.
Nét vẽ thì ngây ngô vụng dại.
Nhưng đại khái bức họa đồ cũng giúp Công biết gần đúng lộ trình của bọn tải hàng.
Chàng nghiên cứu thật kỹ bức họa đồ nầy và đồng thời dựng lên một kế hoạch phục kích và tấn công, với những thế biến nếu cục diện xoay chiều do trục trặc nào đó.
Xong đâu đó, chàng đứng lên, đi qua đi lại trong buồng giấy, tay nhét túi quần, mặt nhìn gạch.
Phải tìm Nhan để mắng nàng ba tiếng cho đỡ ấm ức trong lòng. Nhan mà chàng mến, chàng kính, chàng yêu ấy nó đã gian lận với chàng.
Chàng nghĩ thế nhưng thật ra chàng đã gạt gẫm lòng chàng. Từ năm hôm rồi, chàng không có gặp Nhan và nhớ nàng lắm.
Chàng rất thèm thấy mặt người chàng yêu, có thể là thấy lần chót. Năm mươi tám tiếng đồng hồ nữa, có thể chàng sẽ bị chính cha Nhan đưa sang thế giới bên kia, hoặc chính chàng sẽ hạ ông ta giữa trận địa.
Cả hai trường hợp ấy đều không cho phép chàng tái ngộ với Nhan.
Nhưng không, con người của bổn phận luôn luôn ẩn núp cạnh đó để chỉnh kẻ si tình, vội to tiếng ngăn cản. Không nên tìm Nhan. Cuộc hội kiến nầy không thể chỉ là một cuộc vĩnh biệt câm lặng. Chàng sẽ trách móc nàng, sẽ nặng lời với nàng. Mà như thế tức là báo động cho bọn buôn lậu biết để đề phòng.
Biết đâu nàng lại không là một nhân viên của tổ chức ấy. Việc chàng khám phá được bí mật Đức-Lưu-Phương, nội cái việc ấy cũng đã khiến chúng sanh nghi và sợ hãi, tất chúng phải đổi chương trình.
“Không, anh phải bất động về mặt ấy!”.
Năm ngươi tám tiếng đồng hồ sao mà dài như cả thiên thu đối với người đếm từng phút.
Công chờ đợi cái đêm kinh khủng ấy như em bé trông ngóng mẹ đi chợ về. Kinh khủng không phải vì sẽ có đổ máu, chàng đã khá quen chiến trận rồi, mà kinh khủng vì một viên đạn của chàng có thể chui thẳng vào trán tên Đức-Lưu-Phương mà chàng không muốn hạ, không nỡ hạ.
Chàng thầm mong một may mắn bất ngờ nào xảy ra, chẳng hạn như bỗng dưng hắn ăn năn hối lỗi, bỏ hàng ngũ ra để đầu hàng. Mà không cần gì hắn phải qui thuận. Hắn cứ cải tà qui chánh một cách êm thấm là đủ rồi.
Và đêm ấy sẽ không có mặt hắn trong đám địch thủ của chàng, không có mặt một cách vĩnh viễn từ đêm đó và vế sau nầy nữa.
Ngoài, sẽ không ai biết rằng thân phụ của ý trung nhơn của chàng đã có một quá khứ nặng nề tội lỗi.
Kẻ khuất mặt và lương tâm chàng thì tha thứ dễ dàng.
Hoặc thình lình Nhan đến thăm chàng để khóc lóc thú nhận nguồn gốc của nàng rồi phủ nhận ông cha không xứng đáng ấy, nàng sẽ cùng chàng đi thật xa, xóa tất cả dấu vết sau lưng họ để cùng hưởng cái hạnh phúc mà chàng xây đắp trong mộng từ suốt tháng nay.
Chàng sẵn lòng bỏ địa vị chức tước để cùng đi xa với một cô Nhan biết hối lỗi và ngay thẳng, mặc dầu cô Nhan ấy là con của ai đi nữa.
Sự rút lui của chàng trên đường tình cảm, không do nguồn cội của Nhan cho lắm mà vì chàng tin rằng Nhan đã im lặng trong ý thức, tức là mặc nhiên đồng lõa với kẻ gian.
“Anh bất công lắm, mặc dầu anh tên là Công! Kẻ si tình nổi lên phản đối con người của bổn phận. Anh thử đứng vào địa vị của Nhan xem. Nàng không im lặng làm sao được? Con gì lại đi tố cáo cha? Biết đâu nàng lại chẳng đồng ý với thân phụ của nàng và không ngớt khuyên dứt ông ấy. Lại con gì mà đành bỏ cha để đi theo trai? Nàng đã rủi ro ở vào thế bí, tùy anh cân nhắc mả xử sự chở đừng mong hão những chuyện viễn vông”.
A, kẻ si tình mà lại thiết thực đấy! Phải! Đừng mong hão những chuyện viễn vông. Dẫu sao, Nhan cũng vẫn là người với những yếu hèn, những mâu thuẫn của con người: nàng không thể phản bội người đã cho nàng máu mủ, đã thương yêu nàng. Nàng biết phân biệt thiện, ác nhưng ràng cũng biết có tình thương trên đời nầy nữa, chớ không phải chỉ có bổn phận không mà thôi.
Năm mươi tám tiếng đồng hồ nữa! Súng sẽ nổ rền trời giữa rừng sâu và đoàng một tiếng, có một kẻ kia ngã gục.
Nếu quên được bổn phận, chàng sẽ mong kẻ ấy là chàng, Nhan sẽ đau xót, sẽ ôm hận suốt đời mỗi khi nhớ lại người thanh niên mà nàng đã yêu, bị chính cha nàng hạ sát. Nàng biết sự việc sẽ đưa đến tai họa ấy ngày nào đó, nhưng không có làm gì để ngăn tai họa xảy ra, thế là mối tiếc hận của nàng sẽ không bao giờ nguôi.
Công quyết trả thù, nhưng chỉ thích trả thù bằng cách đó thôi. Giết cha Nhan thì kẻ đau khổ sẽ chính là chàng. Nhan chỉ căm thù thôi mà gây căm thù, không hại cho Nhan bằng gieo đau keo cho chàng.
Quả chàng tàn nhẫn. Chàng muốn tàn nhẫn với Nhan. Nhưng trong tàn nhẫn ấy ẩn tàng tất cả tình yêu to lớn của chàng. Không quên được Nhan nữa, chàng muốn cho tình của Nhan đối với chàng còn mãi mãi trong lòng Nhan, một mối tình mới, có đẹp đẽ đến đâu, chỉ giúp nàng quên được người tình cũ thôi, mà không thể xóa niềm tiếc hận, nỗi xót thương.
Năm mươi tám tiếng đồng hồ nữa! Súng sẽ nổ vang rền một góc trời biên giới và đoàng một tiếng, có một kẻ kia té quỵ xuống.
Hắn bị thương nặng nhưng không chết. Hắn lết được vào các bụi rậm rồi thoát thân! Kinh sợ quá, hắn sẽ giải nghệ trở về sống đời sống lương thiện và bình thường.
Mặc dầu hai cha con sẽ biết kẻ gây thương tích cho ông gia trưởng nhà Nhan là ai, họ sẽ sẵn lòng quên, vì chàng chỉ làm bổn phận thôi.
Nạn nhân là kẻ nặc danh đối với chàng mà chàng hạ một cách lạnh lùng, không oán ghét.
Năm mươi tám tiếng đồng hồ nữa, mối tình bí ngõ của chàng sẽ có lối ra, không lợi cho chàng, nhưng thà là thế còn hơn.
Công kéo hộc tủ, rút từ trong đó ra cây Colt 9 mà vào văn phòng chàng tạm để trong đó cho nhẹ mình.
Vũ khí hộ thân nầy không phải là khí giới chiến đấu. Chàng dùng nó để tự vệ tới mức nào đó thôi. Lần nào trước khi thi hành một chiến địch hơi nguy hiểm, chàng cũng săm soi cây súng nhỏ nầy. Chàng khá tin dị đoan, có cảm giác rằng một ngày nào đó chàng sẽ phải dùng nó để tự đưa mình đi một chuyến hết sức xa, không có đường về, để khỏi lọt vào tay địch thủ.
Vả dạo nầy trong rừng sâu, an ninh về mặt khác cũng vắng bóng. Chung quanh chàng có đến hai thứ người cần hạ chàng, chớ không riêng gì bọn buôn lậu biên giới đâu.
Chàng săm soi cây Colt 9 như để thăm hỏi nó xem có biết trước nạn nhân là ai hay chăng? Những người thường xử dụng vũ khí thời nào cũng thế, họ cảm thấy rằng vũ khí như có linh hồn, biết báo động, biết xót thương, biết căm hận.
“Gươm linh” là danh từ người xưa hay dùng. Danh từ ấy đã được đổi ra là “súng linh” từ ngày mà người Á Đông thôi múa kiếm.
Thình lình Công nghe kêu oái lên một tiếng ngay cửa. Chàng ngẩng lên thì thấy cô Thúy đã lặng lẽ vào buồng giấy, mà chàng không hay.
Thường thì người giúp việc thân cận của các ông bự có phòng giấy riêng, được phép vào đó mà khỏi gõ cửa, chẳng hạn như tùy phái, thư ký đánh máy vân vân...
Vì thế mà cô thư ký nầy mới bắt chợt được ông Trưởng ty đang nhìn thẳng vào họng súng và cô ngỡ ông ta chĩa thẳng họng súng vào mặt ông để quyên sinh.
Thúy đứng nơi cửa mà chết điếng, mặt tái xanh. Công đặt súng xuống bàn, cười và hỏi:
Cô sợ súng đến thế sao?
Thúy ấp úng:
Dạ không, em ngỡ...
Cô ngỡ tôi toan bắn cô?
Dạ, không phải, em ngỡ ông toan…
Công chợt hiểu, cười ha hả:
Cô ngỡ tôi định tự tử?
Dạ.
Cô đã dùng tiếng “ngỡ” tức là rồi cô biết ngay rằng cô lầm?
Dạ.
Do đâu mà cô biết ngay điều ấy?
Nếu ông toan tự vận, ông đã nổi giận vì bị quấy rầy, hoặc ông đã lãy cò để em không kịp báo động.
Thông minh lắm. Và tại sao cô lại nghĩ ngay rằng tôi toan tự tử. Tôi có thể nhìn súng để giải buồn?
Tại em thấy ít lúc sau nầy ông bất thường.
Tôi bất thường à?
Dạ.
Thí dụ?
Ông hay đâm cáu thình lình và không có lý do chánh đáng. Rồi ông vui vẻ quá, dễ dãi quá. Ông lại hay thẫn thờ, hay lo ra.
Vậy à?
Công làm thinh rất lâu: chàng đang thẫn thờ, cái vẻ thẩn thờ mà Thúy vừa nói đến. Một lát sau, sực tỉnh, chàng hỏi:
Cô vào có việc gì?
Dạ để nhắc ông chuyển hồ sơ phù động của em qua Hành Chánh để em xin vào công nhựt.
À, tôi đã chuyển rồi hôm qua. Nè cô Thúy…
Dạ.
Giờ tôi mới nhớ rõ lại giọng kêu của cô khi nãy. Nó kinh khủng một cách khác thường.
Nếu tôi mà có toan quyên sinh đi nữa, thì tưởng cũng chẳng có gì đáng cho cô mất vía đến như vậy.
Thúy bối rối, ú ớ rất lâu mới giải thích:
Em rất sợ cảnh chết chóc! Em là gái, có đâu gan dạ được như nam phái.
Nhưng tôi đã chết đâu. Cảnh đổ máu cô chưa thấy kia mà.
Nhìn vẻ bối rối của Thúy và nghe lời cắt nghĩa miễn cưỡng của nàng, Công cảm giác như chàng hơi hiểu được cái gì. Chàng chỉ nghe mang máng như thế thôi chớ không dám chắc lắm vì chàng là người khiêm tốn không huênh hoang ra mặt mà cũng chẳng huênh hoang ngầm cả tin rằng mình bảnh lắm, thiếu nữ nào cũng cảm tình với mình.
Tuy nhiên, cảm giác mong manh nầy cũng xui chàng nhìn kỹ cô gái đang đứng trước mặt chàng và chàng kinh ngạc không biết bao nhiêu mà thấy rằng nàng xinh đẹp lắm, và xinh đẹp hơn Nhan nữa là khác.
Thúy đã thành nhơn, có vẻ đờn bà hơn Nhan, đã qua xong thời kỳ trổ mã nên đẹp lộng lẫy trong khi nhan sắc của cô gái dậy thì kia còn chập chững dò đường.
Thúy lại sành điểm trang hơn Nhan. Hóa trang tuy nhơn tạo không nên thơ bằng vẻ đẹp đơn sơ mộc mạc nhưng lại dễ quyến rủ hơn.
“Lạ quá, Công nghĩ thầm, sao từ thuở giờ mình không chú ý đến Thúy? Thúy tánh tình cũng tốt thì có kém Nhan đâu nếu không hơn, Nhan trước kia kìa, chớ Nhan bây giờ thì … hừ … thì…”
Cô được biệt phái qua đây bao lâu rồi cô Thúy?
Dạ chín tháng.
Thật là kỳ dị. Tôi không hay rằng có cô làm việc ở đây.
Công buột miệng mà thú nhận điều đó nó có vẻ bí hiểm đối với người khác. Nhưng Thúy đã nghĩ qua rồi nên hiểu ngay. Nàng vui mừng đến muốn ngột thở, toan nói một câu nhưng trống ngực của nàng đánh mạnh quá, nàng phải đợi một lát mà giọng vẫn còn như mệt hổn hển:
Dạ vì ông bận việc luôn. Nhưng cũng rất hân hạnh cho em là rốt cuộc ông vẫn biết là có em.
Cô nói văn hoa lắm! Thật ra tôi biết chớ sao không, nhưng thú thật tôi chỉ mới nhìn thấy cô đây thôi.
Dầu sao cũng cám ơn ông.
Thúy có làm việc hãng tư ở Saigon một lúc. Nàng đã quen thấy tác phong của nhiều chủ hãng dưới ấy, đã quen với tác phong của các chủ hãng trong xi nê nên những lời của Công không làm nàng xúc động bao nhiêu. Một cô gái tỉnh có thể xem đó là những lời tán tỉnh khơi mào.
Đàn ông bây giờ họ biết nịnh và lắm khi chỉ nịnh bậy một câu cho vui vậy thôi chớ không hề có hậu quả gì khác.
Nàng đã đoán đúng vì Công thuộc hạng đờn ông ấy. Chàng thành thật mà gián tiếp ngợi khen kín đáo sắc đẹp của Thúy mà chàng chợt thấy. Nhưng không vì thế mà chàng yêu Thúy hay có ý nghĩ quấy gì về Thúy.
Phải lâu lắm chàng mới quên Nhan được, còn lăng nhăng cho vui cuộc đời là một điều chàng không nghĩ đến, phương chi Thúy là một người dưới tay chàng và chàng rất sợ mang tiếng.
Thúy không xúc động nhưng phải hy vọng sau cuộc đối thoại đó. Tình thế đã tiến được một bước thuận lợi cho nàng là: “Chàng đã nhìn thấy ta rồi! Hiện giờ có thể chàng chưa nghĩ gì cả, nhưng rồi chàng sẽ nghĩ. Bằng hơn là từ thuở giờ chàng như là một kẻ đui mù”.
Đến trưa cái ngày mà Công chờ đợi, thấy chàng tập hợp nhơn viên, những nhơn viên hoạt động bên ngoài, với súng ống xe cộ, Thúy đâm lo.
Công rao lên là đi Saigon. Nhưng Thúy đã biết phong tục của Quan thuế, họ giữ bí mật công việc gần như trong quân đội, nên nàng vào buồng giấy của Công, đứng lấp ló nơi cửa.
Gì đó cô Thúy?
Dạ … chiều mai... ông Tỉnh trưởng mới tiếp các Trưởng ty trong tỉnh, đã có giấy báo trước…
Ừ, rồi sao?
Ông nhớ để có mặt.
Ừ, cám ơn cô đã làm bổn phận đắc lực.
Nhưng ông đi.
Tôi sẽ về tới nội trong buổi sáng mai.
Nhưng mà...
Nhưng mà làm sao?
…. có súng ống...
Ừ, có súng ống tôi lại càng về sớm hơn.
Em nghĩ, nhơn viên đi cũng đủ rồi. Như lỡ, xin lỗi ông, ông… bị thương thì sao?
Thì Tỉnh trưởng càng khen tôi chớ sao. Nếu tôi bị thương xoàng, ổng sẽ vuốt ve rờ rẫm vết thương của tôi. Còn như tôi bị thương nặng, vắng mặt, ông sẽ hỏi lý do, người ta sẽ giải thích, ổng sẽ khen ngợi tôi.
Công nói rồi cưới xòa. Nhưng chàng nín cười thình lình. Chàng chợt thấy tất cả lo lắng và tuyệt vọng lộ ra nơi mặt Thúy.
Không, một nhơn viên không lo lắng cho an ninh của thượng-cấp đến như thế. Cảm giác của chàng ngày hôm kia quả không sai.
Mặc dầu không nghĩ gì về cô thư ký đánh máy nầy cả, Công cũng cảm động lắm và an ủi:
Cô đừng lo. Tại cô không quen hoạt động bên ngoài mới ngại đó thôi, chớ chúng tôi đi như đi dạo mát, không hề gặp nguy hiểm.
Em sợ lắm.
Tôi hết sức cám ơn cô. Nhưng để rồi cô xem, ngày mai tôi ăn cơm trưa ở đây như từ hai năm nay.
Thật ra Công cũng hơi sợ. Đã bảo chàng tin dị đoan kia mà. Sự ngăn cản là một điểm chẳng lành đối những kẻ hay tin nhảm. Nhưng chàng cố tươi cười ra vẻ xem trận đánh sắp tới đây như là một trò chơi của trẻ con, một là để trấn tỉnh Thúy, hai là để trấn tỉnh chính cả chàng nữa.
Thúy cứ đứng đó mãi khiến chàng phải bất lịch sự:
Thôi, cô để tôi yên vài phút để tôi chuẩn bị những chi tiết cuối cùng.
Cúi gầm mặt xuống bàn, Công lại nhướng mắt lên mà nhìn trộm Thúy, chàng thấy hình như Thúy rưng rưng lệ. Để an lòng mình, chàng tự bảo rằng chàng quá chủ quan nên ngỡ Thúy quí trọng chàng lắm chớ thật ra cô ấy chỉ lo lắng có chừng mực thôi.
Thúy lui ra rồi, Công xem lại coi bức họa đồ có thật nằm trong túi áo trong của chàng hay không, đoạn mở hộc tủ rút cây Colt 9 ra thọc vào bao da đeo bên hông trái của chàng.