Vài hôm sau, Phúc Thanh lại đến vào buổi trưa dĩ nhiên kèm theo “quân sư” Trường Duy. Tôi tiếp hai người vẫn với thái độ hồ hởi, mềm mỏng. Nhưng xem ra Phúc Thanh chẳng khá hơn lần trước là bao nhiêu, thậm chí còn tệ hơn nữa và Trường Duy mấy lần lắc đầu ngao ngán. Vừa ngồi vào bàn, Phúc Thanh nhìn quanh quất:
- Sao nhà Phượng hôm nay vắng vậy?
- Dạ, ba mẹ Phượng về quê chỉ có mình Phượng ở nhà.
Hắn buột miệng:
- Thế thì tốt quá.
Dưới gầm bàn, Trường Duy đá chân Phúc Thanh một cái. Có lẽ hiểu mình ăn nói linh tinh, hắn loay hoay tìm cách bào chữa:
- À.. ờ... ý tôi muốn nói là không có người lớn thì thích hơn, dễ nói chuyện hơn.
Thấy đôi mắt mở lớn của tôi, hắn đâm hoang mang và càng lúng túng:
- Ơ... tính tôi nghĩ sao nói vậy, thẳng lắm, thường tại vì đến nhà bạn không có ai thích có người lớn kiểm soát cả, ngại lắm. Tôi nói thật đấy mà, bộ Phượng giận hả?
Tôi chưa kịp trả lời, Trường Duy đã thở hắt một hơi, lên tiếng giọng xã giao:
- Phượng xin được việc làm chưa?
- Dạ chưa.
- Bây giờ sinh viên mới ra trường khó mà tìm việc, nghề của Phượng lại đặc biệt, thất nghiệp hoài chắc buồn hả Phượng?
- Buồn lắm anh, đi ra đi vào hoài thấy thời gian dài quá - Tôi cười mím - Hay là anh Duy dạy Phượng học nghề của anh đi, may ra Phượng tìm được việc làm.
Trường Duy nhướng mắt:
- Tôi chỉ biết có dao mổ với kéo, sợ Phượng không dám tiếp xúc mấy thứ đó chứ.
- Chỉ sợ anh Duy không muốn dạy thôi.
- Ngược lại, tôi sẵn sàng. Nhưng sợ lúc đó Phượng lại “đạo diễn” cho tôi làm thứ khác, rốt cuộc không biết mình là ai.
Tôi nhăn mũi kê nhẹ:
- Anh là đệ tử của Tô Tần.
Trường Duy đáp lễ:
- Và Phượng cũng thuộc hàng “sư muội” của tôi.
Chúng tôi bật cười. Bất giác tôi nhìn vào mắt Trường Duy, anh ta cũng nhìn lại tôi, như một thoáng đồng điệu... tôi chớp mắt quay đi.
Phúc Thanh quá đơn giản, làm sao nhận ra được điều tinh tế ấy. Thấy hắn ngồi cứng đơ, mắt dán vào bức tranh trên tường, tôi gợi chuyện:
- Anh Thanh thích bức tranh đó lắm hả?
- Đâu có thích.
- Vậy à, Phượng thấy tranh đó hay ghê, cảnh thật sống động, màu sắc vừa thực vừa hài hoà nữa.
Phúc Thanh khoát tay:
- Ôi, cảnh vậy mà đẹp gì, tôi khoái tranh vẽ tài tử hơn.
Tôi hơi ngỡ ngàng, nhưng cũng tế nhị lảng chuyện.
- Anh Thanh chắc thích xem phim lắm hả?
- Phim ảnh thì có gì mà thích − Hắn chợt ngừng lại, rồi như nhớ ra, khoa tay rối rít - Ừ.. à quên, nhưng mà cũng thích lắm chứ, tôi thích xem phim lắm, nếu Phượng đi chung với tôi thì càng thích hơn nữa.
Trường Duy nhìn Phúc Thanh chăm chăm, tia mắt như muốn bảo “nói năng gì sỗ sàng vậy ông”. Phúc Thanh ngồi yên.
Tôi cũng chẳng biết gì để nói nữa, chỉ ráng cười xã giao thôi. Tôi thấy Trường Duy nhìn tôi như có chút cảm thông, có lẽ anh ấy thấy tôi khổ sở thế nào khi phải tiếp chuyện mấy tên con trai vớ vẩn như thế. Bực mình mà vẫn phải giữ vẻ lịch sự... Giờ thì hình như anh ta không còn thấy tôi kiêu kỳ ngầm nữa, thật là dễ chịu.
Và cũng như lần trước, khi chia tay Trường Duy vẫn lầm lì với Phúc Thanh. Có lẽ một lát không có tôi, anh ấy sẽ nói cho hắn một trận cũng nên.
Rời cổng rồi, tôi thấy Phúc Thanh tươi cười nhìn Trường Duy:
- Lần này được chứ Duy? Mày thấy tao mời nàng đi chơi một cách tế nhị đấy chứ?
- Tế nhị con khỉ, lần sau mày rủ thằng Định đi đi, tao sợ mày quá rồi - rồi Trường Duy phóng xe vọt đi, mặt Phúc Thanh ngớ ra thiểu não.
*
Tôi ngồi cạnh Bích Loan ở phòng chờ, nó nhấp nhổm hết ngồi xuống rồi đứng lên đi về phía phòng mổ, nghe ngóng. Tôi giữ nó lại:
- Mày ngồi yên coi, làm gì loi choi thế.
- Tao hồi hộp quá.
Ngay lúc đó cánh cửa chợt mở, cô y tá đẩy chiếc băng ca đi ra, hai đứa tôi đứng bật dậy đi theo, nhưng cô y tá cản lại:
- Mấy chị chờ ở ngoài đi, bệnh nhân chưa tỉnh đâu, còn phải vào phòng lạnh nữa - rồi chiếc băng ca đẩy đi hút ở cuối hành lang.
Tôi và Bích Loan đành ngồi xuống chiếc băng dài yên lặng chờ đợi.
Cửa phòng mổ chợt mở nhẹ, rồi bác sĩ đi ra, tôi thấy người ấy nhìn tôi chăm chăm, đôi mắt quen quen, tôi cũng nhìn lại cố nhớ một gương mặt quen thuộc nào đó. Người ấy tháo khẩu trang trên mặt. Tôi nhận ra Trường Duy, khẽ kêu lên:
- Anh Duy.
- Phượng chờ ai vậy?
- Dạ chờ chị nhỏ bạn, chị ấy vừa ra phòng lạnh.
- À, ca mổ vừa rồi hả?
- Dạ, vậy ra anh mổ cho chị Bình. Có sao không anh?
Bích Loan cũng xen vào, giọng nó lo lắng:
- Chị em có sao không anh, anh cho tụi em vô thăm liền được không?
Trường Duy lắc đầu:
- Bệnh nhân giờ chưa tỉnh đâu. Khi nào tỉnh tôi sẽ cho vô.
Và anh ấy nhìn tôi như phân vân chưa muốn đi, không hiểu sao tôi cũng kéo dài giây phút này, nhưng không biết phải nói thế nào. Thế là hai đứa tôi lúng túng đứng im. Rồi Trường Duy cười khẽ:
- Hai cô ngồi chờ nhé.
Anh ấy quay đi, những bước chân như luyến tiếc, miễn cưỡng, tôi cũng thấy một chút hụt hẫng nhẹ nhàng.
Trưa hôm sau tôi vào thăm chị Bình. Tôi và Bích Loan ra ngồi nơi băng đá trước sân, chợt Trường Duy đi ngang qua thấy chúng tôi anh ấy dừng lại:
- Phượng đi thăm bệnh đó hả?
- Dạ.
Bích Loan vô tư liến thoắng:
- Anh Duy có biết chừng nào chị của Loan xuất viện không? Phải nằm bao lâu mới về được?
Trường Duy cười cười:
- Cái đó phải hỏi chị của Loan đã, nếu chị ấy muốn về thì ngay bây giờ cũng được.
Nó kêu lên:
- Nhưng chị Bình mới mổ hôm qua chưa ra khỏi phòng lạnh mà.
Trường Duy tỉnh bơ:
- Nếu thế thì bắt buộc phải ở lại khoảng hai tuần mới về.
Bích Loan hơi ngẩn người rồi như hiểu ra, nó bật cười:
- Anh Duy khôi hài ghê.
Trường Duy nhìn tôi lơ đãng:
- Lúc này Phượng có hay gặp Phúc Thanh không?
- Dạ cũng hơi thường.
Tự nhiên tôi che miệng cười, nhìn nét mặt tôi, bất giác Trường Duy thoáng cười, như nhớ lại cách nói chuyện ngô nghê của Phúc Thanh, rồi nét mặt anh ấy trở lại vẻ nghiêm nghị, một vẻ nghiêm cố hữu mà tôi quen nhìn thấy.
Trường Duy có một tính cách khó hiểu. Lần đầu tiên gặp tôi hơi ngán anh ta vì vẻ phớt đời gai góc, châm biếm kiêu ngạo. Khi anh ấy đến nhà, tôi thích vẻ sâu sắc tế nhị đồng cảm cởi mở. Còn bây giờ thì là cảm giác e dè, tôi rất ngại khi đối diện với một khuôn mặt nghiêm nghị đến khó chịu. Những lúc ấy tôi thấy mình có lỗi, mà chẳng hiểu đó là lỗi gì và tôi thì rất ư không thích cảm giác phạm lỗi, giá mà anh ta đừng nghiêm nghị hay hơn. Bất giác tôi hếch mặt lên, ngó lơ ra ngoài đường, như thể anh ta không có ở đây.
Trường Duy vẫn đứng nói chuyện với Bích Loan, đôi mắt kín đáo quan sát cử chỉ của tôi. Tự nhiên anh ta cười khẽ, có trời mới biết anh ta cười gì. Tôi ngồi im cắn móng tay, phớt lờ Trường Duy. Bích Loan chợt nhìn tôi, rồi ngầm liếc Trường Duy như lờ mờ đoán được điều gì đó. Nó chợt đứng dậy:
- Để tao vào xem chị Bình thức chưa - Thế là nó đi thẳng, kiểu ra đi không hẹn giờ trở lại.
Còn lại một mình với Trường Duy tự nhiên tôi thấy khép nép, ngượng ngùng. Tôi cố lấy vẻ tự nhiên, nhưng không cách gì tự nhiên cho được. Tôi hơi cúi đầu cho mái tóc rũ xuống, che bớt khuôn mặt, nghĩ hoài mà không hiểu được vì sao mình bối rối đến vậy. Tôi tìm một câu gì đó nói cho đỡ ngượng nhưng cứ im như hến.
Trường Duy củng có vẻ lúng túng, tự tin như anh ta mà cũng lúng túng nữa à?
Im lặng một phút, hai phút rồi ba phút đi qua, đến khi tôi bắt đầu nghĩ hai chúng tôi sẽ trở thành pho tượng, thì Trường Duy lên tiếng:
- Hình như ngày nào Phượng cũng đi thăm chị Bình hả?
- Dạ.
- Nghe người ta rên la nhiều quá, Phượng không sợ?
- Dạ sợ chứ, nhưng thăm thì cứ thăm.
Nói xong lại thấy mình hớ hênh quá, rủi Trường Duy nghĩ tôi muốn vào đây để gặp anh thì kỳ chết được. Nhưng nếu bảo gặp anh tôi không thích thật là nói dối. Hôm nay, lúc vào đây lại nghĩ đến anh, không hiểu sao nữa!
Hình như tự lâu rồi, từ lúc anh và Phúc Thanh đến nhà tôi, tôi thầm cảm nhận được tôi thích anh đến thăm tôi một mình hơn. Những lần sau này Phúc Thanh đến mà không có anh, tôi thấy buồn buồn và càng khổ sở khi tiếp Phúc Thanh.
Tôi mơ hồ nhận ra rằng Trường Duy cũng có tâm trạng như tôi và anh cố chối bỏ nó, bởi vì là bạn của Phúc Thanh. Có lẽ bây giờ anh không cưỡng nổi ước muốn của mình nữa rồi.
Trường Duy nói bâng quơ:
- Chị của Bích Loan còn phải nằm ờ đây cả năm Phượng có kiên nhẫn đi thăm không?
Tôi cười mím:
- Người ta nói thương nhau mấy núi cũng trèo, đến thăm chị Bình chẳng cần trèo ngọn núi nào, chẳng lẽ Phượng không thăm nổi.
- Nếu tôi cám ơn chị Bình thì Phượng nghĩ sao?
Tôi ngập ngửng rồi bạo dạn:
- Thì Phượng cũng sẽ vui khi đến đây.
Bất giác chúng tôi quay lại nhìn nhau một nỗi hân hoan xao động. Trường Duy nói khẽ:
- Có một câu ca dao tôi rất thích, đọc Phượng nghe nhé:
“Không qua bên ấy thì thương
Qua rồi lại mắc cái mương cây cầu
Không qua bên ấy thì sầu
Qua rồi lại mắc cây cầu cái mương”.
Trường Duy im lặng một lát, như để cho tôi suy nghĩ, rồi anh đứng dậy:
- Phượng ở đây chơi nghe, hẹn gặp lại.
Và anh đi vào, còn lại một mình, tôi ngồi im nghe cảm giác hạnh phúc thấm vào từng suy nghĩ. Tôi nhận câu ca dao của anh như một lời tỏ tình kín đáo, khắc khoải. Bất giác tôi nói khẽ “Anh ngốc lắm, Phúc Thanh không là gì với em cả”.