Người Mông Cổ chính tông chính là một trong những giống dân du mục ở miền Đông Bắc xứ Ngoại Mông ngày nay, khoảng giữa hai con sông Onon và Kéroulène. Họ thuộc giống da vàng, có nhiều nét đặc biệt: mặt rộng, mũi xẹp, lưỡng quyền cao, mắt xếch, môi dày, râu cằm thưa, tóc cứng và đen. Vóc người thấp nhưng vạm vỡ, da thẫm, hai chân hơi cong. Nhờ sống giữa một cõi đất cằn cỗi rộng bát ngát, mùa đông lạnh cắt da, mùa hạ nóng thiêu người, họ có sức khỏe và sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai lạ thường. Theo truyền thuyết thì ngày xưa tổ tiên người Mông Cổ bị giống dân Thổ (Turcs) đánh bại phải lẩn trốn trong vùng núi Erkéné- Kuoun. Cho đến thế kỉ thứ IX họ mới dám xuống núi sinh sống ở lưu vực sông Sélenga và sông Onon. Tù trưởng lúc bấy giờ là Bật-Tê-Si-Nô (Sói Xám) lấy bà Cô-A Ma-Ran có một trai duy nhất tên Ba-Tát-Si. Từ đó xuống mười ba đời nữa đến Đô-Bun: ông này mất sớm để lại bà vợ là A-Lan-Khoát-Nhã, một hôm nhiễm phải một luồng ánh sáng, thụ thai rồi sinh ra ba người con. Người con út tên là Bu-đăng-Sa, là ông tổ của bộ tộc Bọt-di-Dinh, dòng Ni-Ruôn, nổi tiếng là người giản dị. Ông ta thường chỉ cỡi một con lừa ghẻ lở, đuôi còi… Đó là ông tổ tám đời của Thành Cát Tư Hãn. Đến thế kỉ thứ XII, dân Mông Cổ chia ra nhiều đoàn trại (Oulouss) độc lập, khi thì đánh lẫn nhau, khi thì họp lại đánh kẻ thù chung là dân Thát Đát. Gia đình của Thành Cát Tư Hãn thuộc tộc Ki-Dát, bộ tộc Bọt-di-Dinh. Từ khi Thành Cát Tư Hãn thống nhất được Mông Cổ, các sử gia thường chia giống dân này ra làm hai dòng, căn cứ ở chỗ họ thuộc dòng Ki-Dát hay dòng khác. Dòng thứ nhất gọi là dòng Ni Ruôn, thuộc giống Mông Cổ thuần túy, tự hào là con cháu của thần Ánh Sáng. Dòng thứ hai thuộc giống Durlukin, lai nhiều giống khác. Dòng Niruon gồm có 12 bộ tộc: Taidjigot, Tayitchiout, Taijiout (3 bộ tộc này sống biệt lập ở phía Đông hồ Baikal), Ourou’oud, Mangquoud, Djadjirat, Baroulas, Ba’arin, Dorben (bây giờ gọi là Dorbot), Saldjiout, Quadagin, Katakin. Dòng Dulurkin gồm có 8 bộ tộc: Aroulat, Baya’out, Koroj, Seldu, Ikiras, Kongirat, Ongirat, Koukourat; những bộ tộc này du mục ở phía Đông Nam, dưới chân núi Nam Khingan cạnh xứ Thát Đát. Còn một bộ lạc nữa tên là Djéliar cũng liệt vào giống Mông Cổ, ở vùng hợp lưu sông Khilok và sông Sélenga hoặc sông Onon, mà có sử gia cho là một bộ lạc Thổ qui phục Mông Cổ rồi bị đồng hóa vào thời đại Anh hùng Cai Đô. Nhưng căn cứ vào cách sinh sống, người ta phân biệt hai thứ bộ lạc: bộ lạc chăn nuôi ở miền đồng cỏ và bộ lạc săn bắn ở miền rừng núi. Vùng biên cảnh Mông Cổ - Tây Bá Lợi Á, nơi người Mông Cổ phát xuất, có hai miền khác biệt rõ rệt: miền rừng ở phía Bắc và miền đồng cỏ hoang vu ở phía Nam. Có nhà sử học cho rằng: “khởi đầu, Mông Cổ là dân rừng núi chớ không phải là dân đồng cỏ, căn cứ vào chỗ họ sớm biết dùng loại xe bốn bánh bằng cây (chariot) và chỉ dùng thùng cây chớ không dùng túi da như người Kagâz ở đồng cỏ”. Những bộ lạc giàu thường được tổ chức chặt chẽ, xã hội chia làm bốn giai cấp: 1. Hạng quý tộc nắm quyền thống trị, gồm có hạng Dũng Sĩ (Bagha tour), Tộc trưởng (Noyan), Hiền nhân (Setchen) và, sau này chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, thêm hạng Thân vương. Vai trò của tộc trưởng và dũng sĩ là tìm đồng cỏ chăn nuôi, sai khiến nô lệ, chăn nuôi súc vật cùng là điều khiển việc dựng lều trại. Giai cấp này chỉ huy tất cả những giai cấp sau: 2. Hạng chiến sĩ (Nokud) 3. Hạng thường dân (Arad) 4. Hạng nô lệ (Bogoul) Hạng sau này gồm những người nô lệ và những bộ lạc bại trận bị bắt đi chăn súc vật hoặc phục vụ cho chiến sĩ. Trong bộ lạc săn bắn vai trò của giai cấp quý tộc không quan trọng như ở bộ lạc du mục. Ở đây hạng pháp sư (Chaman) chi phối mọi mặt trong đời sống; nói chung trong xã hội Mông Cổ pháp sư đóng vai trò thật quan trọng. Sau này chúng ta sẽ thấy vai trò của pháp sư Cốc Chu trong việc dựng đế quốc của Thành Cát Tư Hãn. Thật ra, việc phân chia hai thứ bộ lạc (săn bắn, du mục) như trên không có tính cách tuyệt đối. Như dân Taidjiout lại là dân săn bắn ở rừng, còn Thành Cát Tư Hãn lại xuất thân ở bộ lạc du mục. Dân săn bắn thường mang một loại guốc bằng cây hoặc xương, hoạt động suốt cả mùa đông ngay trong tiết đại hàn. Họ tìm loại điêu thử (zibeline) và loại chuột màu tro (petit-gris). Dân du mục cũng đi săn, chuyên dùng cung tên và giây thòng lọng tìm loài sơn dương, loài mang mễn. Bọn quý tộc thì luyện chim ưng thả đi bắt các loài khác. Tùy lúc thịnh suy, một bộ lạc có thể bỏ lối sống du mục qua lối sống săn bắn, hoặc ngược lại. Chẳng hạn Thành Cát Tư Hãn lúc thiếu thời, hồi bộ lạc tan rã phải cùng với cha mẹ và em rút vào rừng đi săn bắn sống qua ngày, rồi sau đó mới trở ra gây lại một đàn súc vật. Những bộ lạc ở rừng nói chung trình độ còn thấp kém, dã man vì họ không hề tiếp xúc với những dân tộc văn minh hơn. Dân du mục tiến bộ hơn nhờ gần gũi với dân Thổ Phồn, dân Khiết Đan, dân Nữ Chân (nước Kim sau này). CÁI LỀU TRÒN Đời sống du mục phải bắt buộc lang thang đây đó nhưng có lúc họ cũng dừng chân lại một chỗ khá lâu. Đó là lúc đóng trại. Mỗi đoàn trại gồm có nhiều khóm lều (ayil) dựng trên nền cỏ hoặc trên xe bốn bánh sắp vòng tròn, chừa một sân rộng ở chính giữa. Lều của dân săn bắn thì nhỏ hẹp, nghèo nàn, khác hẳn lều của bọn du mục thường lợp bằng da thú. Đến thế kỉ XIII, lều của hạng Khả Hãn rất rộng rãi, tiện nghi, chứa đầy da thú và thảm đẹp, gần như một thứ dinh thự lưu động. Có hai thứ lều, nhờ đó người ta có thể phân biệt được dễ dàng nhóm Mông Cổ săn bắn và nhóm Mông Cổ du mục. Ger (còn gọi là Yourte) là thứ lều tròn lợp da thú, sườn bằng cây, gồm những cây chống, cây ngang rất phức tạp, thấy rõ là dân ở miền thừa thãi gỗ. Maikhan là thứ lều rộng mà thấp, sườn bằng loại gỗ nhẹ, tháo ráp dễ dàng: vách gồm nhiều tấm phên bằng len, mặt trong có chèn thêm một lớp cỏ khô. Nóc lều tựa như cái nón lá lớn úp xuống, giữa đỉnh có một ống khói nhỏ. Trong lều người Mông Cổ lúc nào cũng có một bếp lửa chụm phân bò khô và khói thoát ra ở cái ống đó. Thời Thành Cát Tư Hãn, loại lều này thường dựng trên xe bốn bánh rất tiện cho việc vận tải, di chuyển. Khách đến nhà phải ngồi ở tại ngưỡng cửa bên mặt, chủ nhà ngồi trịch bên trong và ngay cửa. Ngày nay tiến bộ hơn họ đã biết xây nhà bằng đá, nhưng chừng như chưa bỏ được thói quen ở lều, nên nhiều gia đình có nhà rồi mà còn dựng thêm cái lều nguyên vẹn kiểu xưa ngay trước sân. ĐI SĂN VÀ DU MỤC Vùng săn bắn tốt nhất của các tay kỵ mã Mông Cổ là đồng cỏ cao, đồi sỏi đá, đồi cát. Ở các nơi này có nhiều con sông hẹp và cạn, nhiều hồ đầm, thu hút tất cả các loại cầm thú chân dài cánh rộng từ những nơi xa xôi đi tìm nước uống: như sếu, thiên nga, hạc là những loài chẳng biết e ngại không gian bao la; chó sói, lừa, ngựa rừng, linh dương đều là những giống chạy cực nhanh và không biết chồn chân, các tay kỵ mã tài ba cũng khó hy vọng đuổi kịp được chúng nó. Đi săn là một nhu cầu tối thiết của người Mông Cổ, một thứ hoạt động say sưa rộn rịp nhất như khi ra chiến trường. Hơn nữa, họ coi như là một lối tập trận hàng ngày và kẻ địch khó truy nã như thế mới thật là hấp dẫn. Đối với dân du mục, chỗ ở thích hợp hơn hết là những vùng núi thấp có triền thoai thoải phủ cỏ xanh và rừng cây lưa thưa, có ghềnh thác. Qua mùa hạ, họ lánh đồng bằng cháy nắng, lùa thú lên cao lần lần tìm đồng cỏ xanh tươi hơn; đó là mùa "đoàn trại chia ly", như họ nói. Mỗi bộ tộc đi tìm một mục trường riêng cho mình, chiếm cứ ở đó một thời gian. Bầy súc vật là nguồn sống của dân du mục. Nhưng thường nhật họ chỉ ăn những con thú già, thú chết vì bệnh hoặc rủi ro. Nuôi thú cốt để lấy sữa làm koumiss (sữa chua) phó mát (một thứ phó mát ngâm trong muối cứng như sắt), lấy da, lấy lông làm nỉ. Phân thú là một thứ thông dụng trong việc đun nấu. Loại thú lớn như trâu, bò, trâu yak, lạc đà… dùng cho việc kéo xe, tải đồ. Mối quan tâm nhất của dân du mục là thức ăn của bầy gia súc. Cái lạnh khốc liệt (-30 độ C) của mùa đông làm cho mọi hoạt động đều đình trệ; họ lùa súc vật đi ẩn trú ở những chỗ ít gió rét nhưng vẫn để chúng ở ngoài trời sống với những thức ăn dự trữ như cỏ khô. Trong một năm, bầy thú di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác từ mười đến mười hai lần. Lâu dần bầy thú mất hết bản năng tự tồn, chỉ còn biết trông cậy vào sự chăm sóc của người du mục. Đời sống du mục qua bao thế hệ đã gây cho người Mông Cổ một vài ý thức sơ đẳng về cách tổ chức một xã hội định cư như lập một đoàn trại trung ương trên vùng đồng rộng, chung quanh có rừng để có thể đi hái trái, đào củ làm lương thực hoặc đem đổi lấy những thức cần dùng với các bộ lạc khác; hay việc tổ chức một đội quân có đại bản doanh để bảo vệ lãnh thổ. Qua thế kỷ XII người Mông Cổ lại thoái bộ hơn thế kỷ thứ IX. Thời còn thống trị vùng Orkhon, dân Thổ phồn đã truyền bá thuật trồng tỉa, nghề nông đã bắt đầu phát triển. Đến lúc bị dân Kirghiz xâm chiếm, khoảng năm 840, dân Mông Cổ lại trở về đời sống du mục. Chế độ Kirghiz đã diệt hẳn nghề nông do bọn tín đồ Ma-ni giáo truyền qua. Ngoài ra một chút ít văn minh tiến bộ khác có ghi trong sử Thổ phồn đến thời Thành Cát Tư Hãn cũng không còn nữa. CON NGỰA VỚI NGƯỜI MÔNG CỔ Nhưng con ngựa mới là loài thiết yếu hơn hết trong đời sống du mục. Trên một cõi đất bao la mà những cánh đồng cỏ thường cách nhau hàng trăm dặm đường, người Mông Cổ chỉ trông cậy vào phương tiện giao thông nhanh hơn hết là ngựa. Ngựa Mông Cổ thấp, chân to, lông dày, cổ nở, dáng không đẹp bằng ngựa Ả Rập nhưng rất khoẻ, sức bền bỉ, lại ăn ít. Họ chú trọng sản xuất ngựa thật nhanh, thật nhiều vì mỗi tấc đường đều cần đến ngựa và chỉ có họ mới điều khiển nổi những con ngựa bất kham ấy. Họ phi ngựa như bay không cần cầm cương, hai tay đều rảnh để cầm vũ khí. Ngựa đang phi họ có thể nhảy xuống đất chạy theo, rồi nhảy trở lại lên lưng như trò xiếc: có thể cỡi suốt 15 giờ liền, mỗi ngày đi được 75 cây số. Họ rong ruổi đây đó, hoặc theo bầy súc vật hoặc đuổi thú rừng. Cuộc sống trên lưng ngựa đã gây cho người Mông Cổ một tâm hồn khoáng đạt, tự do; những lúc đi xa thường phải phi ngựa đơn độc và tự bảo vệ lấy sinh mạng của mình, do đó họ có tinh thần bình đẳng và tinh thần độc lập mạnh mẽ. Ngoài ra, qua bao thế kỷ, việc nuôi ngựa và say mê thích thú nghề kỵ mã đã tạo ra một số người nặng óc tự tôn, trở thành giai cấp quý tộc Mông Cổ. PHỤ NỮ Công việc thường xuyên của các thiếu nữ Mông Cổ là dệt len. Hàng ngày họ đổ vào rừng chặt cây “baronetz” về tước vỏ đánh thành sợi rồi dệt thành những tấm len mà họ thường khoe là "mịn như lông con cừu Scythie". Theo phong tục, con gái Mông Cổ phải lấy chồng ở một bộ lạc khác: lẽ sống duy nhất của họ là tận tâm phụng sự chồng, sinh con cái, lo việc bếp núc, lúc rảnh rỗi thì chế tạo những đồ đạc lặt vặt trong nhà, vắt sữa bò, sữa ngựa, làm bơ và pho mát cứng (gurud), đóng giày hoặc may vá quần áo. Người đàn bà Mông Cổ là chủ, nắm hết quyền điều khiển trong gia đình. Trong lúc chồng vắng mặt, họ mua bán mọi thứ theo ý muốn. Ngoài việc nội trợ họ còn đảm nhận việc dạy dỗ con cái và sau mỗi trận đánh thường phải túc trực bên cạnh chồng săn sóc vết thương. Họ cỡi ngựa, bắn cung cũng thật tài, đôi khi phải tham gia chiến trận: núp sau các chiếc xe tải đồ, dùng cung tên chống lại những đợt xung phong của quân nghịch hoặc đánh xáp lá cà trong những trận ác chiến. Các bà vợ chính đều cho chồng lấy vợ lẽ không hề ghen, nhưng các bà vợ nhỏ phải ở dười quyền kiểm soát của họ; họ giữ cả quyền phân phát chiến lợi phẩm của chồng mang về. Nói chung phụ nữ Mông Cổ rất đảm đang, từ việc trong nhà đến việc nặng nhọc bên ngoài. Đổi lại họ được trọng nể và được bảo vệ. Tục ngữ Mông Cổ có câu: “Người ta biết đức tính của đàn ông qua người vợ của họ” và luật Mông Cổ phạt rất nặng những người đánh vợ, xử tử hình những kẻ xâm phạm tiết trinh của một thiếu nữ. TRẺ CON Lên ba tuổi chú bé Mông Cổ mới dứt sữa mẹ và bắt đầu góp mặt vào cuộc sinh hoạt tập thể của bọn nhi đồng trong đoàn trại, không phân biệt con của Khả Hãn hay con của nô lệ. Chúng thích bày những trò chơi táo bạo: trò đấu sức hoặc lập trận giả như người lớn, đấm đá nhau đến đổ máu. Lên năm, chúng đã có thể cất mình một cách gọn gàng lên lưng con ngựa tơ và từ đó thời giờ ở trên lưng ngựa nhiều hơn ở dưới đất, cho nên khi lớn lên hai ống chân của người Mông Cổ đều cong, thành cái vẻ đặc biệt của dân kỵ mã. Cũng từ khoảng năm tuổi, chúng được nhập bọn với người lớn đi đây đó học tập kinh nghiệm và tự tìm lấy cách sống. Mỗi đứa đều có một cây cung vừa với tầm vóc. Vào rừng chúng có thể hạ những con mồi nhỏ rồi chia thịt đồng đều với nhau giữa bọn chúng. Ngoài việc săn bắn, trẻ con có thể đi hái trái, đào củ làm thức ăn thường nhật. Không như thế, lúc đói chúng sẽ cấu xé nhau để giành một khúc xương của người lớn ném ra. TÍN NGƯỠNG Người Mông Cổ có một ý niệm rất mơ hồ về đấng Tối Cao đã sáng tạo ra thế giới: họ gọi là Trời Xanh. Nhưng không thấy họ hình dung đấng ấy ra sao cả, cũng không bao giờ dựng nhà thờ phượng. Thành Cát Tư Hãn đã có lần ngạc nhiên về những cuộc hành hương ở La Mecque, phát biểu ý kiến như sau: “Cả vũ trụ đâu cũng là nhà của Đấng Tối Cao, tại sao phải định một chỗ riêng rồi tới đó tỏ lòng tôn kính?” Lời nói đó thể hiện đúng tâm lý của dân du mục: đối với họ đâu cũng là nhà, đâu cũng như nhau cả. Họ sợ hãi thần Đá, thần Cây, thần Gió Bão, thần trên đỉnh núi cao có mây bao phủ và bọn Ma Quỷ tác quái gây ra chứng đau bụng, gieo các thứ bệnh tật trong bầy súc vật, thần Bạch Hổ và tất cả những đấng vô hình. Nhưng họ không thờ cúng bao giờ, chỉ tỏ ra bằng cử chỉ kính nể, vái lạy hay cầu khẩn. Đồng cỏ là nơi hiếm cây, hiếm đến nỗi một cây có bóng mát đã trở thành một vật linh thiêng. Cho đến ngày nay, một người Mông Cổ Khalkha hoặc Kirghize khi gặp một cây nào đứng trơ trọi liền xuống ngựa dở mũ lạy mấy lạy, rồi máng lên cành một mảnh vải, một miếng da trừu hoặc một chùm lông bờm ngựa. Vô cớ mà bẻ nhánh hay đốn một cây nào là xúc phạm đến đấng thiêng liêng, làm cho vị thần ở cây đó và thần Thảo Mộc phẫn nộ. Ngoài ra ngọn núi cao và chòm cây cổ thụ cũng là hai thứ linh thiêng mà dân du mục rất kiêng sợ. Để tỏ lòng tôn kính, mỗi khi đi ngang qua những nơi này, họ dừng lại khấn vái rồi bỏ một hòn đá lên đống đá lớn do bao người trước đã chồng lên. VAI TRÒ CỦA KHẢ HÃN Trong xã hội Mông Cổ, người dân du mục nào cũng hy vọng một cơ hội may mắn làm nổi bật giá trị mình lên để được hưởng nhiều quyền lợi và danh dự, hơn nữa để lên địa vị Khả Hãn (Tù trưởng). Người nào cũng có thừa lòng can đảm và tự tin nhưng muốn xuất chúng phải có sức khỏe hơn người, phải khôn quỷ, nhiều thủ đoạn, … và một số đức tính cần thiết. Không có luật lệ nào bắt buộc phải cử một người lên làm Khả Hãn mà chính thực tế đòi hỏi phải có người lãnh đạo. Lãnh trách nhiệm này là thể theo nguyện vọng của toàn dân. Nếu người lãnh đạo chết hoặc tự thấy mình không đảm đương nổi, tức khắc phải có người khác thay thế. Vai trò của Khã Hãn là nâng cao đời sống của bộ lạc, bao gồm việc chọn đồng cỏ tốt cho súc vật, gìn giữ cho súc vật không bị hao hớt vì rủi ro hoặc bệnh dịch và tổ chức những chuyến săn cho kết quả. Ông ta phải biết nơi nào có đồng cỏ tốt, nơi nào có nước, phải chọn đúng thời kỳ lùa thú đi hoặc cho nghỉ ngơi, chọn mùa săn bắn. Lại phải biết đoán đúng thời tiết: lúc nào sẽ có hạn, bão cát, cuồng phong … Chỉ có Khả Hãn có quyền quyết định và chịu mọi trách nhiệm; có thể là lệnh xử tử một kẻ có hành động trái lẽ công bằng hoặc giết một kẻ tình nghi cho mọi người đều thỏa mãn hơn là để sự bất mãn lan tràn trong bộ lạc. Tóm lại, uy tín của Khả Hãn là cái hồn của bộ lạc; hành động của ông ta phải thực tế, uyển chuyển, tùy việc tùy lúc. Đời sống an bình của bộ lạc rất mong manh, ít khi kéo dài được nửa thế kỉ. Sự bất hòa thường xảy ra: hoặc xung đột đẫm máu với nhau, hoặc chiến tranh với các bộ lạc khác vì những lý do thông thường như việc thù hiềm giữa Khả Hãn, vụ bắt cóc một thiếu nữ, xâm phạm mục trường, hoặc thầy phù thủy bất lực không trừ được ma quỷ đang bắt một tên lính hoặc nhậu nhẹt say sưa, hoặc chỉ vì lâu ngày không ra trận đâm ra buồn tẻ… Gặp những trường hợp ấy nếu Khả Hãn bất lực trong việc giàn xếp, bộ lạc sẽ tan rã. Có kẻ ra đi vì bị xét xử bất công hoặc không thể đội trời chung với người hàng xóm thù địch. Họ chỉ phục tùng Khả Hãn khi thấy cuộc sống yên ổn, lạc nghiệp. Và một khi đã bất tuân thượng lệnh thì chỉ còn cách ly khai đi gia nhập một bộ lạc khác. Kẻ bất mãn cứ cuốn lều, lùa gia súc của mình đi. Thường khi những kẻ ly khai gặp nhau họp lại thành một bộ lạc mới, rồi chọn người khỏe và khôn hơn hết cử lên làm Khả Hãn. Trong đời người Mông Cổ không có quyết định nào quan trọng bằng việc phải ly khai một bộ lạc mà tổ tiên họ đã sống ở đó. Chính đời sống tập thể trong bộ lạc đã ràng buộc dòng dõi họ hàng khỏi bị phân tán, thất lạc. Họ cũng quan niệm giống chúng ta: “Chim có tổ, người có tông”. Muốn khỏi bị khinh là kẻ mất gốc, người du mục phải trưng được gốc gác của mình: con của ai, ở bộ lạc Suối Nước, hoặc bộ lạc Chó Sói, v.v. Gia nhập một bộ lạc khác, hoặc bị bắt làm tù binh đó là kẻ mất gốc. Lòng lưu luyến mạnh đến nỗi nhiều kẻ đã ly khai gia nhập bộ lạc khác, ít lâu sau phải trốn trở về chịu tội, hoặc xếp qua một bên mối thù riêng. Những kẻ mới gia nhập hoặc bị bắt ở trận mạc hay ở đoàn trại khác đem về đều bị coi là kẻ ngoại tộc, chỉ được cho làm thợ rèn, thợ dệt, đi chăn súc vật… Thật ra, vai trò của Khả Hãn không phải chỉ có việc tạo nên sự thịnh vượng mà nặng nề hơn hết là bảo vệ an ninh cho bộ lạc. Dù có hàng trăm trại cũng khó chống nổi với kẻ thù đông gấp bội đang thiếu mục trường hoặc chống với dân Thát Đát, dân Thổ Phồn hay dân Trung Quốc. Cho nên Khả Hãn phải tìm hiểu mưu toan của những tù trưởng ở chung quanh, phải biết rõ họ đang suy yếu hay đang có tham vọng bành trướng thế lực ra. Phải lưu ý tới tình hình những bộ lạc xa xôi: họ đang chia rẽ, phân tán hay đoàn kết với nhau. Khả Hãn phải là một viên tướng tài, biết tổ chức quân đội để chống xâm lăng hay đi xâm lăng kẻ khác, phải có đủ mưu lược bẻ gẫy một cuộc tấn công bất ngờ của địch, hoặc có khi phải biết dẫn bộ lạc đi trốn tránh kẻ thù có lực lượng hùng hậu hơn. Chiến tranh xảy ra không phải lúc nào cũng do những mối xung đột lớn lao như tranh hùng tranh bá, tranh mục trường hoặc tranh thủ dân mà thường chỉ do một sự đụng chạm nhỏ nhặt hay sự thiệt hại quyền lợi không đáng kể: một vụ mất ngựa, một thiếu nữ bị bắt cóc về nhà chồng lúc chú rể chưa xong thời hạn làm rể, một mối thù từ đời nào không còn ai biết rõ nguyên nhân nữa. Và theo luật đồng cỏ thì một người làm, toàn bộ lạc phải chịu trách nhiệm. Thế là hàng trăm người trong bộ lạc phải chờ đợi suốt hai, ba mươi năm một cuộc thanh toán, một cuộc báo thù không biết sẽ xảy ra lúc nào. Gặp trường hợp ấy thì ngày đêm bộ lạc phải sống trong tình trạng báo động. Đóng trại phải dàn theo một thế phòng ngự chắc chắn. Phải đặt người canh gác ngày đêm trên ngọn cây, đỉnh núi và phái quân tuần tiễu ra mười dặm quanh đoàn trại. Kỵ binh phải gắn liền trên yên cương, đến nỗi đi một đoạn đường có năm mươi thước cũng phải dùng ngựa, tay không dám buông cung tên ra. Sau cùng Khả Hãn còn phải có tài ngoại giao, có lắm thủ đoạn khôn khéo: biết lúc nào nên liên kết, lúc xúi giục, chia rẽ, lúc đánh lạc hướng, lúc dục hoãn cầu mưu, v.v.