Kể từ lúc lên sáu, nghĩa là thời gian đủ lớn để giữ nhà một mình tôi đã bắt đầu có ý thức thù ghét những cơn mưa, nhất là lại mưa những lúc chiều tối. Vì rằng lúc đó ba mẹ tôi chẳng về nhà được phải nán lại chỗ làm và chị Dinh phải nán lại trường. Tôi được "đặc cách"chẳng phải đến trường vào tuổi lên sáu của mình. Ðơn giản chỉ vì ngay từ lúc sinh ra trời đã ban cho tôi một dây thanh quản bất bình thường. Tôi bị câm bẩm sinh. Ba mẹ tôi chỉ có chị Dinh và tôi. chị Dinh lớn hơn tôi sáu tuổi. Chị đẹp và hiền như một bà tiên. Vì chị lớn hơn tôi khá nhiều nên mỗi khi mẹ vắng nhà chị trở thành một bà mẹ của tôi. Tôi thương chị Dinh lắm, thương hơn là tôi có thể diễn tả. Dĩ nhiên là tôi cũng thương ba mẹ tôi, nhưng tôi nghĩ tôi sẽ sống không nổi nếu thiếu chị Dinh. Chị đẹp lắm. Miệng chị nhỏ xíu, môi hồng hồng như cái nụ hoa. Tôi không có miệng nhỏ và môi hồng như chị Dinh. Tôi chỉ có đôi mắt. Nó không đẹp và dịu dàng. Nó dữ dội. Cũng là lẽ bình thường, trời dã không cho tôi nói thì phải để tôi nhìn chứ sao? Mẹ tôi thường thở dài: "Di, khi người khác nói chuyện với con, đừng có nhìn người ta sòng sọc như thế. Cứ như muốn nhìn thấu tận tim gan người ta". Chỉ có chị Dinh là binh tôi thôi. Chắc tại vì mỗi khi "nói chuyện' với chị đôi mắt tôi dịu dàng hơn. Tám tuổi tôi được gửi học ké vào lớp 1. Mối thâm tình giữa ba tôi và thầy giáo đủ bền cho tôi trụ lại chín tháng ròng. Ở đó lũ bạn khốn nạn gọi tôi là con câm. Tôi không thèm trả đũa lại bọn chúng - hay đúng hơn không thể. Tôi chỉ biết cắm đầu vào học. Thế là năm đó tôi được số điểm trung bình cao nhất lớp. Nó giúp tôi được "lọt" tiếp tục ké lớp 2. Và lại tiếp tục đứng đầu. Ðiều đó lại được lặp lại trong suốt mấy năm cấp hai. Lên cấp ba bạn bè thôi gọi tôi là con câm. Vì chúng nó đã lớn và vì tôi cũng đã lớn. Thế nhưng tôi vẫn nhận ra điều tệ hại hơn thế trăm lần trong đôi mắt chúng. Ðó là sự thương hại. Người ta thường hay nói cái miệng là phương tiện để kết bạn. Trời đã chẳng cho tôi một cái miệng bình thường, vì thế tôi cũng chẳng có lấy một người bạn, dầu thân, dầu sơ, bạn bè chị Dinh đến chơi cũng thế. Họ ngại phải độc thoại, ngại phải nhìn vào đôi mắt lúc nào cũng muốn nhìn thấu ruột gan người ta. Thế là trong ngần ấy năm trời, tôi chỉ có độc nhất mình chị Dinh là bạn. Hai mươi tuổi học hết lớp 12, tôi nhìn quanh nhìn quất, chẳng biết sẽ đi về đâu. Ba tôi thở dài: "Thôi con à, học vậy đủ rồi. Tật nguyền như con...". Có lẽ suốt đời tôi phải sống trong tiếng thở dài của mọi người xung quanh. Thế là trong một hôm cả nhà đi vắng tôi khuân tất cả sách vở trong suốt 12 năm ra đóng gói kỹ lại và ném chúng lên gác xép, phủ lên trên nó một đống đồ đạc linh tinh. Rồi tôi đốt lên một nén nhang, và ngồi nhìn trừng trừng vào những đoạn tàn từ từ cong queo rơi xuống, vụn ra. Mẹ tôi về tới, Bà sụp xuống khóc như mưa và buổi chiều ấy khi ba tôi đi làm về bà liền lôi ông vào trong, giọng nói nghẹn ngào pha tiếng khóc nức nở. Ðêm đó, ba tôi không ngủ. Ông ngồi hút thuốc suốt đêm. Chị Dinh nằm ôm chặt lấy tôi, nước mắt tuôn ràn rụa. Nhưng tôi không khóc. Tôi mở mắt nhìn trân trối vào những đốm hoa văn vẽ trên trần nhà. Trong cuộc đời mình, nếu biết khóc, tôi đã phải khóc suốt 24 giờ một ngày. Tôi không đi học nữa, tôi cắm đầu cắm cổ vào những cuốn sách. Chị Dinh đã vào năm thứ ba của Tổng hợp Văn. Chị thường rinh về hàng đống sách thật hay. Tôi ngốn hết tất cả những thứ đó, từ tiểu thuyết văn học trong nước, ngoài nước, sách luận về tình hình kinh tế thời sự quốc tế... Ðến những quyển sách triết khô như ngói tôi cũng không tha. Rồi tôi rúc hàng giờ vào xó nhà để suy nghĩ. Về tôi. Về mọi người xung quanh tôi. Và về cuộc đời. Chị Dinh dạo này vui như con chim sẻ. Chị nói ríu rít suốt ngày làm tôi cũng vui lây. Ba mẹ tôi mừng ra mặt. căn nhà nhờ thế ấm lên. Rồi một buổi chiều trời đổ mưa. Tôi ngồi bồn chồn trước cửa đợi chị Dinh về. Hôm nay chị quên mang áo mưa, không biết... Mẹ tôi gọi: "Thôi Di vào ăn cơm trước đi con. Trời mưa lớn vầy chắc nó phải đợi tạnh mưa mới về". Nhưng tôi không vào ăn cơm. Tôi tiếp tục ngồi ngoài bậu cửa, mắt dõi ra đường. Trời sụp tối, mưa vẫn không dứt hạt. Mẹ nhìn tôi xót xa. Tôi đứng lên đi vào trong. Những hạt cơm gặp tiết trời ướt lạnh nhanh chóng nguội tanh. Mẹ tôi kêu lên: "Con Dinh về kià Di!» Tôi buông chén chay vụt lên. Chị Dinh vừa chui ra khỏi cái áo mưa lùng thùng của anh chàng ngồi trước. Ðầu cổ chị sũng nước, thế nhưng đôi mắt chị long lanh chẳng phải do nước mắt. Giọng chị như hát: - Hôm nay con quên mang áo mưa phải gửi xe lại nhờ bạn đưa về... Mẹ tôi âu yếm: - Thôi tắm nhanh lên rồi vô ăn cơm với con Di, nó đợi con về ăn chung đó. Chị Dinh quay sanh vuốt má tôi: - Vậy hả cưng? Tội nghiệp quá, làm hồi nãy bạn chị rủ đi ăn phở rồi... Thôi để chị tắm lên chị em mình ăn thêm nhé. Chị Dinh vui vẻ hát và nhảy chân sáo vào trong cái ví để lên bàn. Từ trong miệng ví tôi thấy thò ra một đóa hồng đẫm nước mưa. Từ sau đêm đó tôi hoản hốt nhận ra tôi quá cô đơn. Người bạn duy nhất của tôi đã dồn hết tình thương cho một kẻ... lạ hoắc. Tập vở chị đầy tên hắn, đôi mắt chị đầy hình bóng hắn. Nhưng chị không một lần đề cập tên hắn với tôi. Hay là chị đã bắt đầu biết chán phải độc thoại? Qua sách vở, tôi biết chị yêu người ta, hay tìm đến những quân sư có thể ban cho họ những lời khuyên - khôn ngoan hoặc thiếu khôn ngoan. Tôi cũng có hàng ngàn điều muốn nói với chị Dinh. Nhưng tôi không thể nói. Rồi một bữa tối chị bảo tôi: - Di, em làm ơn đừng nhìn chị soi mói thế được không? Những hạt mưa vẫn tiếp tục rơi. Sao mà tôi thù ghét mưa đến thế. Bởi vì từ sau cơn mưa đó tôi mất chị Dinh cũng là lẽ thường. Tôi cay đắng nghĩ: Mày không thể níu chị Dinh cả đời cho riêng mày được. Tình cảm và lý trí trong tôi xung đột với nhau dữ dội. Nhưng tại sao tôi lại không là mù lòa hay què quặt? Trong sách vở không thiếu gì những thiên diễm tình tật nuyền, quý tộc, những chuyện tình trong bóng tối hay trên những chiếc xe lăn. Ngoại hình của đứa con gái câm không thích hợp với các kiểu đó. Nó quá giống bình thường. Nó không đượm vẻ yếu đuối để gây cho người lòng trắc ẩn. Rồi tôi lại nguyền rủa chính tôi. Lý trí tôi cho rằng may mắn tôi không vướng phải bất cứ tật nguyền nào khác. Tôi căm ghét sự thương hại! Một đôi trai gái nép sát vào nhau trong chiếc áo mưa lùng thùng tấp vào hiên nhà. Ánh sáng mờ mờ không đủ làm họ nhận ra tôi. Tôi cũng chẳng buồn dời đi nơi khác. Tôi không khuấy động không gian của những người hạnh phúc. - Em bị ướt hết trơn - Giọng cô gái nũng nịu. - Cũng may là bọn mình tấp vào đây - Giọng chàng trai trầm ấm - Ừ, em xin phép mẹ bao giờ về? Ðêm vắng lặng. Chỉ có tiếng mưa. Những mẩu đối thoại vu vơ rót vào tai tôi, mang vị ngọt lịm của mật mía. Tôi ngồi im lắng nghe. Và ghen tị nhận ra chúng quá tuyệt vời. Quá đỗi tuyệt vời, những âm thanh hạnh phúc của đôi tình nhân không quen biết đang vô tình dừng chân nơi đây. Của chị Dinh tôi và gã con trai lạ hoắc của chị. Của mọi kẻ đang yêu trên thế giới này. Tôi ôm gối nhìn ra trời đêm. Tiếng mưa rơi xuống thềm sân tí tách. Mưa, bản thân mi còn có được tiếng kêu. Mi hạnh phúc. Một cơn gió tràn vào. Chàng trai lập tức lùi lại kéo cô gái vào trong. Gót giày anh ta giẫm lên mấy đầu ngón chân trần của tôi. Cả hai người quay lại nhìn sững vào tôi. Cô gái kêu lên thảng thốt. Chắc cô ta tưởng tôi là ma. Nhưng chàng trai lấy ngay lại được bình tĩnh: - Xin lỗi chị, bọn tôi nãy giờ đứng đây mà không thấy chị. Tôi nhìn anh ta. Và nhận ngay ra cảm giác tôi đã không chính xác. Anh ta không đẹp như giọng nói của anh ta. Chỉ có đôi mắt. Chúng chẳng đẹp hơn con người anh được bao nhiêu, nhưng trong chừng mực nào đó đôi mắt ấy thuộc dạng mắt tôi. Những đôi mắt muốn đặt giàn khoan vào trong tâm tư người khác. - Tại sao chị ngồi đây? - Ðôi mắt đó hỏi tôi. Tôi nhìn anh ta chằm chằm. Cô gái kéo tay áo anh ta: - Mình đi thôi anh! Cái mũi nhỏ nhắn của cô ta nhăn lại. Tôi vòng tay bọc lấy đôi đầu gối và tiếp tục nhìn ra ngoài mưa. Tôi chẳng muốn thanh minh. Mà cũng chẳng cần thiết phải thanh minh gì hết. Rồi họ sẽ ra đi, và quên bẵng ngay cái mái hiên này chứ đừng nói chi đến con nhỏ lặng lẽ ngồi dưới nó. Họ lại rón rén lẫn vào mưa. Giọng cô gái cao lên: - Người gì mà khó chịu. Làm như người ta cố ý không bằng ấy! Kênh kiệu dễ sợ...! Chữ "sợ" cố câu kéo dài và thòng xuống trĩu nặng. Chàng trai nói cụt lủn: - Không đâu em. Bóng họ chìm dần. Tôi quay đầu nhìn theo.Không dưng lâu lắm rồi tôi mới cảm thấy còn có người hiểu mình. Không dưng trong lòng tôi dấy lên một cái gì mơ hồ và long lanh. Thật kỳ cục. Một tuần sau, khi mọi cái sắp sửa trở lại theo quỹ đạo thì đôi mắt đó đến tìm tôi. Nhìn vào chúng, tôi hiểu rằng tôi không phải giải thích thêm bất cứ điều gì. Tôi bấm ngón trỏ vào ly trà và quẹt lên bàn ba nét. Di. Anh ta bật cười và cũng giới thiệu mình cái kiểu y như thế. Nhưng tôi lập tức quên ngay tên anh ta đi. Trong não tôi, anh ta là: Anh. Anh mang dến cho tôi vài quyển sách. - Chúng nó sẽ làm Di quên rằng Di tồn tại trên đời với một nỗi đau. mà suy cho cùng, mỗi người đều tồn tại với một thứ nỗi đau. Tôi trừng mắt lên. Mọi người chưa bao giờ vọc tay thẳng vào vết thương của tôi như cái kiểu đó. như Anh. Anh nhìn tôi rồi cười. - Ðừng giận dữ như thế. Di chưa quen mở mắt ra nhìn vào ánh mặt trời à? Chói một lần rồi sẽ quen đi. Ðau một lần rồi sẽ bớt. Tôi rõ ràng là chưa quen cái kiểu "mở mắt ra nhìn vào ánh mặt trời" của Anh, nên đứng thẳng dậy và nhìn trừng trừng vào mặt Anh. Ðó là dấu hiệu đuổi khách. Mấy quyển sách nằm lăn lóc trên bàn. Tôi đùng đùng xuống bếp lục đục vo gạo nấu cơm. Rồi tôi đi lau nhà. Rồi tôi lôi bộ tách trà của ba tôi ra kỳ cọ cho thật sạch. Rồi... hết chuyện làm. Tôi ngồi vo gối ngoài phòng khách, mắt đụng phải ba quyển sách. Lần sau Anh đến, rồi lần sau nữa. Tôi chỉ im lặng và nhìn bâng quơ. Anh phớt lờ đi, kể đủ thứ chuyện ở trường, ngoài đường phố. Như thể tôi và Anh là chỗ bạn thân tình. Như thể chẳng phải cách đây không lâu bọn tôi còn là những người xa lạ. Tôi luôn luôn tự hỏi thần kinh tôi có còn bình thường không, không dưng ngồi lắng nghe một kẻ lạ hoắc lạ huơ tán chuyện trên trời dưới đất. Rồi đến một hôm Anh kể chuyện Anh bị rơi từ cây trứng cá xuống ao, trái rụng lềnh cả mặt nước, tôi bật cười thành tiếng. Anh la lên: - Trời không cho Di giọng nói thì cũng phú cho giọng cười để bù! Vẫn cái lối nói "mở mắt ra nhìn vào ánh mặt trời". Tôi trừng mắt lên, rồi chợt nhận ra mình vẫn tiếp tục cười. "Nói chuyện" với Anh quá là thoải mái. Anh có khả năng đọc những gì tôi muốn nói trong đôi mắt tôi. Đôi khi chúng tôi chẳng buồn nói với nhau nửa lời. Việc gì phải viện đến lời nói, khi giữa chúng tôi còn có một thứ ngôn ngữ khác? Một bữa trưa Anh đặt vào lòng bàn tay tôi con gấu bằng len nâu đen nhỏ xíu, vừa vặn nửa bàn tay. Con gấu giương đôi mắt tròn xoe hiền lành nhìn tôi. Tôi ngước lên nhìn Anh. - Vì Di là như thế. Tôi đặt nó xuống bàn và đi làm cho Anh ly nước. Đôi mắt con gấu xoe tròn mãi mãi bên tôi. "Vì Di là như thế". Anh nói thật ư? Con gấu được định vị dưới góc phải gối nằm của tôi. Cả nhà không một ai thắc mắc sự có mặt của nó. Buồn quá chẳng biết làm gì, tôi bắt đầu viết lăng nhăng, chẳng dè bị phát hiện. Anh nhăn mặt: - Văn Di đắng như ngậm khổ qua. Nhưng đôi mắt Anh lại cười. Ừm, viết được đấy. Được thì tôi cứ viết tiếp. Độc giả duy nhất là Anh, chê nhiều hơn khen. Nhưng tôi chẳng thèm buồn. Cái tôi cần là những gì trong đôi mắt Anh, chúng luôn luôn nói thật. Anh đi nhiều, lâu lâu lại ngồi phịch trước mặt tôi, mắt đỏ ngầu thảng thốt kể tôi nghe một nỗi đau đời thường. Anh nhặt được đâu đó, noài đường. Rồi chúng lại nhảy nhót trên những trang viết của tôi, đắng ngắt. Như gặm khổ qua. Anh lôi tôi ra khỏi nhà, đi lòng vòng lêu rêu. Để "mở mắt ra nhìn vào ánh mặt trời". Tôi nghe người ta rủa sả thóa mạ nhau, tôi nghe người ta nói với nhau những lời giả dối. Và lấy làm mừng, lần đầu tiên trong đời, tôi sẽ chẳng bao giờ phải nói những lời giả dối. Tôi nhận ra tôi tin Anh. Lạ lùng, bởi một đứa con gái vốn được trui rèn trong khổ sở như tôi không phải là một đứa trẻ trải lòng tin của mình đi khắp bốn phương tám hướng. Nhưng tôi không dám thắc mắc. Vì như một lần Anh đã nói với tôi, rằng sau lớp vỏ cứng rắn giả tạo bên ngoaì, lòng tôi mềm như bún, và tôi nghĩ có thể Anh đúng. Và tôi biết rằng cái gì thuộc về trái tim thường không dễ hiểu. Một buổi chiều tối. Anh đột ngột ghé nhà tôi, quần áo tươm tất. Tôi nhìn Anh ngạc nhiên. - Hôm nay sinh nhật tôi - Anh mỉm cười bối rối - Tôi chẳng có làm gì cả, chỉ có lũ bạn gom lại la hét đàn hát... La hét? Đàn hát? Rồi tôi sẽ làm gì trong cái đám đông náo nhiệt trẻ trung đó? Đôi mắt Anh sẫm lại: - Xin lỗi Di. Nhưng tôi sẽ ngồi im lặng cùng Di. Tôi nhìn Anh. Cám ơn Anh. Cám ơn Anh nhiều lắm. Thế nhưng kỳ vọng cả một đám đông có một trái tim và đôi mắt như Anh là điều không thực tế, phải không? - Thôi tôi về vậy. Mong rằng tối nay giấc ngủ của Di sẽ có những lời chúc tuổi mới cho tôi. Giọng Anh buồn bã. Tôi bối rối nhìn quanh quất. Trên bàn chỉ có bình bông chị Dinh vừa cắm chiều hôm, cánh chưa nở hết. Tôi rút ra một nụ đỏ sẫm. Cho Anh. Lần đầu tiên tôi lẩn tránh đôi mắt Anh. Nó vừa loé lên một tia gì đó - không thể định nghĩa. Trời lại đổ mưa. Gió thốc từng cơn vào mặt tôi, sũng ướt. Tôi lại ngồi bó gối ngoài ngạch cửa và nhìn ra trời. Đêm mịt mù nước. Tôi đưa tay mơ màng vuốt nhẹ nước mưa trên mặt, và buồn cười nhận ra mình giống hệt chị Dinh. Nhưng chị Dinh vốn rất yêu mưa, còn tôi... tôi có còn ghét những cơn mưa nữa không? Cơn mưa làm tôi nhớ da diết cái đêm ấy, lần đầu tiên tôi gặp Anh. Cũng mưa to thế này, cũng ngay tại chỗ này, bên ngạch cửa. Tưởng chừng như chút nữa đây thôi, một bóng áo mưa lùng thùng sẽ tấp qua hiên, và... khoảng cách giữa một cơn mưa và một cơn mưa có xa lắm không, mà tôi lại thay đổi nhiều đến thế. Tôi đã bị Anh tước đi không thể cứu vãn cái lớp vỏ cứng rắn bọc lấy bề ngoài, và bây giờ, lại da diết mong anh trong chiếc áo mưa ghé lại hiên nhà. Lãng mạn quá! Anh bây giờ đâu có đến đây với mày được. Tôi nhắm mắt lại. Mưa vỗ nhẹ vào má. Bây giờ đàng đó ra sao nhỉ? Chỗ đó không phải là chỗ của mày. Nó không dành cho mày. Lại một cơn gió nữa thốc vào... "Tôi sẽ ngồi im lặng cùng Di..." Tôi đứng bật dậy chạy vào trong vơ vội tấm áo mưa. Nhà vắng ngắt. Ba mẹ về quê ăn giỗ chưa lên và chị Dinh lại bận đi với tên lạ hoắc. "Em đi ra ngoài chút xíu sẽ về", tôi viết lên bảng. Rồi tôi lại đáo trở vào trong quơ lấy bài viết của tôi. Bài viết về Anh, là bài duy nhất tôi viết mà Anh không được làm độc giả. Tôi sẽ tặng nó cho Anh như một lời nguyện cầu cho tuổi mới lớn. Tôi cuộn nó lại và giấu dưới làn vải nhựa. Happy birthday to you. Hành lang ký túc xá vắng hoe. Tôi lội lên bốn dãy thang lầu. Căn phòng nhỏ tận cùng đầy ắp âm thanh và ánh sáng. Không dưng bao nhiêu dưỡng khí của tôi bay đi mất tiêu. Tôi rón rén áp mặt vào khung cửa sổ và nhìn vào trong. Náo nhiệt và sống động. Một số đang bu quanh gã tròn xoay ôm chiếc đàn ghi-ta cũ kỹ và hát om lên, số khác đang tranh nhau một thứ gì đó bột bột từ chiếc chảo nhôm. Tim tôi đập thình thịch. Nụ hồng của tôi được cắm trong một cái lon ghi-gô đựng nước, lẫn với hoa cúc hoa thủy tiên và sao nhai. Chắc là người ta đã vơ được những thứ ấy trong khuôn viên trường. Nụ hồng của tôi nổi bật lên, đỏ sẫm. Anh đang bị "săn sóc chu đáo" trên chiếc ghế con. Ai đó đã cắm cho Anh một đóa mẫu đơn lên túi áo. Thức ăn liên tục được chuyển đến. Tôi bật cười, quên bẵng mình đang ở đâu. Được sống thế này quả là hạnh phúc! Tôi cứ đứng nép người ngoài cửa sổ nhìn vào. Mấy lần đôi chân tôi cứ dợm bước lên. Chỗ đó không dành cho mày. Tôi nắm chặt cuộn giấy trong tay. Gió thổi lạnh quá. Đêm đã khuya lắm rồi thì phải. Anh chàng tròn xoay vứt cây đàn qua một bên và chồm tới bên Anh: - Ê mày. Người đẹp Tịnh Ngôn của mày đâu? Tim tôi thắt lại. Người đẹp Tịnh Ngôn? - Nàng giấu mình kỹ quá - Ai đó châm chọc - Bộ mày không đủ nặng ký để mời nàng đến đây sao? - Nàng sống ẩn dật! -...Với cái tính nết khó thương kỳ cục của nàng. Người gì mà... dễ sợ...! Từ "sợ" cuối câu được kéo dài ra, thòng xuống. Tôi nhận ra giọng của cô ta. Cô gái đêm nào đã cùng Anh tấp vào mái hiên. Gã tròn xoay vỗ vỗ vai Anh: - Nói thiệt đi. Tụi tao "nghiên cứu" vấn đề hoài mà vẫn không sao hiểu nổi sao mày lại đi làm chuyện đó. Nàng có đẹp đâu, phải không? Mà nghe đồn rằng nàng lại lạnh như một tảng băng nữa. Mày... Anh ngắt lời: - Chính vì chỗ đó mà tao chú ý tới cô ấy. Sau vẻ ngoài lạnh ngắt đó cô ấy đang chìm dần. Mà, đứng trước một sinh vật đang chết đuối mày sẽ làm gì? Tôi chụp vào cánh cửa sổ và nhìn trừng trừng vào Anh. Mắt tôi hoa lên. Anh... Anh... Tôi quay người bỏ chạy. Một sinh vật đang chết đuối sẽ làm gì? làm gì? Tôi phát hiện ra tôi đang đứng rã rời. Mưa vẫn còn tuôn xối xả. Chiếc áo mưa mỏng tanh không đủ làm cho tôi bớt lạnh. Tôi xòe bàn tay ra. Cuộn giấy nằm chơ vơ, trông buồn cười. Tôi rút nó ra, từng tờ một, và chậm rãi xé chúng ra thành từng mảnh vụn nhỏ, lòng không dưng bình tĩnh lạ lùng. Rồi tôi tung chúng lên không và ngửa mặt nhìn chúng bay chấp chới trong mưa. Rồi chúng nhanh chóng bị quất xuống và trôi đi, mất hút vào miệng một lỗ cống. Thế là hết. Tôi bật cười khan. Thế là hết một thời sống trong ảo tưởng. Bây giờ chính là lúc tôi phải mở mắt ra và nhìn vào ánh mặt trời. Tôi nện gót săng đan cồm cộp trên đường. Phố vắng hiu hắt. Mái hiên nhà tôi vẫn im lìm dưới mưa, như muôn thuở. Chị Dinh vẫn chưa về. "Em ra ngoài một chút". Tôi chà xát cho kỳ sạch dòng phấn trắng, cảm thấy đôi tay rát lên. Rồi tôi nằm vật ra giường, cố tập trung suy nghĩ. Mọi ý tưởng đều nhảy nhót lung tung và chạy vượt ra khỏi cái đầu nhức ong ong của tôi. Tôi thở dài lật người sang một bên. Má tôi chạm phải một khối nhỏ mềm mềm. Con gấu nhỏ! Tôi ngồi bật dậy như chạm phải gai. Con gấu nằm yên trong lòng bàn tay tôi, im thin thít. Tôi xiết nó lại và chạy vụt ra thềm. Mưa, vẫn mưa. Tôi run rẩy rứt con gấu ra thành từng sợi nhỏ và tung chúng ra ngoài. Đôi mắt nhỏ nhìn tôi, hiền lành. Tôi xót xa vuốt vuốt lấy chúng. ... Vì tôi là như thế... Tôi mắm môi vứt nốt chúng ra đường. Dòng nước nhanh chóng nuốt chửng lấy nó, cuốn đi. "Thấy một sinh vật đang chết đuối mày sẽ làm gì?" Tôi úp mặt vào lòng bàn tay và khuỵu xuống. Những giọt nước mưa tràn qua kẽ tay chảy xuống môi. Nước mưa mặn chát.
Lê Đỗ Quỳnh Hương