Dịch giả: Lê Xuân Hoài
Phần II

4
Ôi chao, chưa bao giờ có người nào gọi ông ta là người hát rong tốt bụng cả. Ông cảm thấy lâng lâng sung sướng. Ông ta về lại cái lều của mình và tiếp tục phát tiền cho mọi người.
Số đông nhận mỗi người hai đôla, những người tỏ ra lễ phép, lịch sự thì nhận được nhiều hơn. Một lão già bước tới, quỳ mọp xuống và hôn chân người hát rong. Lão run rẩy nói:
- Ôi con người từ tâm vĩ đại, cháu xin cảm ơn người ngàn lần!
Người hát rong rất cảm động. Ông nói:
- Chết, xin cụ đừng làm như vậy.
Và ông ta đưa cho lão già hai mươi đôla. Chẳng mấy chốc chuyện này lan ra nhanh chóng trong dòng người xếp hàng. Người ta rỉ tai nhau, càng nói tốt về người hát rong thì càng nhận được nhiều tiền. Nhiều người rời khỏi hàng vì họ không muốn hạ mình cầu xin. Nhưng lại có nhiều người thế ngay vào chỗ của họ và chẳng bao lâu mỗi người mỗi người nhận được hai mươi đôla.
Đến năm giờ chiều người hát rong treo tấm bảng với dòng chữ: " Đã đến giờ đóng cửa, ngày mai phát tiếp". Ông ta đi vào trong nhà, người mệt mỏi rã rời, ngồi xuống ghế và ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Đến nửa đêm ông ta nghe thấy có tiếng động ở ngoài đường liền đi ra phía cửa sổ và giật mình khi thấy mọi người vẫn xếp hàng kín cả phố. Nhiều người mang theo chăn và lăn quay ra ngủ, có người thậm chí dựng lều. Một người đàn ông kéo đến một cái xe bầy bán bánh mỳ ba tê và dồi rán. Không ai muốn bị mất chỗ, mọi người đều chờ đợi cho hết đêm ngay trên đường phố, như người ta xếp hàng mua vé biểu diễn của các ngôi sao nhạc pop vậy. Người hát rong mỉm cười. Ông ta thấy mình như một ngôi sao điện ảnh. Tất cả họ tới đây chỉ vì mình!
Một nhóm phóng viên truyền hình tới rất sớm, họ phỏng vấn người hát rong. Và ông ta xuất hiện trên màn hình vào chương trình bản tin chiều. Người từ bốn phương đổ về xem sự kiện này. Cảnh sát được điều đến điều khiển giao thông và giữ gìn trật tự. Dòng người mỗi lúc một dài hơn và người hát rong chi mỗi lúc một nhiều tiền hơn. Ông ta buộc phải chi thì đúng hơn. Mọi người trông chờ ông phải cho họ khi họ tử tế với ông. Họ rất cố gắng để lấy lòng người hát rong, có những người còn giương những tấm biển đề tên ông, có người lại còn vẽ cả chân dung ông nữa. Một nhóm lập thành ban nhạc và hát vang bài hát ca ngợi sự nhân từ, hào hiệp của người hát rong. Hai sinh viên làm thơ ca ngợi ông và ông đã thưởng cho họ mỗi người hai trăm đôla.
Đến ngày thứ ba dòng người đã dài tới bốn dặm. Mọi người phải chầu chực ba ngày mới đến lượt và người hát rong đã chi hết nửa triệu đôla. Sáng nào nhà ngân hàng cũng cho một chiếc xe bộc thép chở tiền đến. Con Tiny nghênh nghênh cái đầu chạy đi chạy lại và liếm láp hết tay người này đến tay người khác.
Gần cuối tuần xe bọc thép chở một thùng tiền lớn tới. Người hát rong nói:
- Tôi cần một trăm nghìn đôla để phân phát vào những ngày cuối tuần.
Ông giám đốc ngân hàng đáp:
- Tôi rất lấy làm tiếc, ông chỉ còn có chín mươi nghìn. Nếu tôi là ông thì tôi sẽ không phân phát nữa, giữ lại ít tiền cho bản thân mình.
Quả đó là một lời khuyên tốt nhưng người hát rong không thể làm theo lời khuyên đó. Đám đông chờ tiền, có những người đã chầu chực ba ngày ba đêm. Người hát rong tìm cách phân phát số tiền ít hơn nhưng không được vì mọi người đã biết cái giá của những lời tán tụng, ngợi ca. Hai trăm đôla cho một bài hát hay ca ngợi người hát rong, năm mươi đôla cho một bức chân dung ông ta. Người hát rong cố chia ít tiền hơn nhưng mọi người la hét phản đối, họ cho như vậy là không công bằng. Họ nói rằng họ bị đánh lừa.
Người hát rong cảm thấy bực dọc vì chuyện đó. Ông thấy bọn người này không thực bụng quý mến mình. Ông không còn nghe nổi những lời khen của họ đối với ông. Nhưng ông buộc phải tiếp tục làm cái công việc mà ông đang làm. Cuối cùng thì cái giây phút kinh khủng đó đã đến. Ông không còn tiền. Không còn một chinh. Ông viết lên tấm bảng:
Hết tiền!
Ông treo cái bảng trước cửa lều và cùng với con Tiny chạy tọt vào trong nhà. Tin tức lan nhanh như ánh chớp. Mọi người la hét:
- Hết tiền rồi!
Dòng người tản ra. Họ kéo tới trước cổng nhà người hát rong. Ông ta vô cùng lo sợ. Ai đó ném một hòn đá vào cửa sổ, kính vỡ toang rơi loảng xoảng. Có người hét tướng lên:
- Quân vô lại, đồ lừa đảo!
- Đồ gian manh!
- Trời ơi, tôi phải chầu chực suốt hai ngày nay!
- Tóm lấy nó, cho nó một bài học!
Lại một hòn đá nữa làm vỡ toang thêm một cửa kính. Người ta đạp cửa thình thình. Cánh cửa rung lên bần bật. Người hát rong biết rằng chỉ ít phút nữa cánh cửa sẽ bị bật tung... Ông vội vàng chạy ra cửa sau, con Tiny bám gót chủ. Sân sau trơ trọi, không có chỗ nào có thể che chở cho ông già. Ông nghe rõ tiếng la hét, đập phá. Ông hớt hải chạy vội chạy vàng. Bỗng ông trông thấy cái thang dây vẫn treo lủng lẳng trong giếng cạn. Người hát rong chạy ào tới và vội vàng tụt xuống giếng để con Tiny ở trên bờ. Vừa lúc đó lũ người hung dữ la hét om sòm tràn tới sân sau.
Khi thấy người hát rong đã trốn thoát đám đông như bừng tỉnh và nhào vào đập phá tan tành những thứ mà ông ta mới mua sắm được, sau đó họ đập phá ngôi nhà. Một nhóm người hung hãn phá hàng rào phía sau nhà và cả cái thành giếng. Họ không thể ngờ rằng người hát rong khốn khổ đang ẩn náu dưới đáy giếng sâu thẳm.
Phải một lúc lâu sau cảnh sát mới lập lại được trật tự và giải tán đám người đó. Nhưng đã quá muộn, ngôi nhà đã bị đập phá tan tành. Người hát rong ngước mắt nhìn lên miệng giếng và chỉ thấy ánh trăng mờ nhạt. Ông nghĩ lúc này chắc có thể kêu cứu được rồi. Ông hét rất to nhưng không có tiếng trả lời. Vì giếng quá sâu nên không ai nghe thấy tiếng cầu cứu của ông ta. Không một ai biết ông ở dưới đáy giếng trừ con Tiny.
5
Ngày lại ngày trôi qua. Không có ai tới cứu. Đáy giếng vừa lạnh vừa tối và hôi thối nồng nặc. Nếu không có Tiny thì chắc người hát rong đã bị chết đói. Con chó bé bỏng đó chạy hết chỗ này tới chỗ khác tìm thức ăn. Công việc này vô cùng vất vả đối với nó vì cổ nó bị vẹo nên ngoạm thức ăn rất khó khăn. Nó phải nằm nghiêng, dùng răng cắn chặt thức ăn rồi mới đứng lên để đi. Cứ như thế nó tha lúc thì mẩu bánh mỳ, lúc thì một khúc xương và hất xuống giếng.
Ngày lại ngày trôi qua, tuần lễ đã hết mà vẫn không một ai tới cứu. Người hát rong sở dĩ sống được vì ông ăn tất cả những gì mà Tiny vứt xuống giếng. Có khi là miếng thịt thối ở trong thùng rác, khi thì là một mẩu vụn thừa bám vào đoạn xương mà một con chó nào đó bỏ dở. Có lần Tiny hất xuống một con mèo chết. Nhưng dù bất kể cái gì, người hát rong đều nhắm mắt mà nuốt vì nếu không sẽ chết đói.
Con Tiny mang mọi thứ mà nó kiếm được hất xuống giếng cho chủ còn bản thân nó gần như không ăn gì. Sau một tháng người nó chỉ còn da bọc xương. Nó phải vất vả lắm mới lết nổi tới miệng giếng...
Ngày nào người hát rong cũng kêu la cầu cứu nhưng nào có ai nghe thấy. Ông ta ngước mắt cầu khẩn trời đất và những áng mây bay tít tận trời cao nhưng không có tiếng trả lời. Một nỗi kinh hoàng đã xảy ra. Người hát rong bỗng nhiên không thấy thức ăn thừa, xương xẩu, thịt thiu rơi xuống giếng nữa. Ngày hôm sau, hôm sau nữa, rồi hôm sau nữa tình hình không có gì thay đổi. Ông ta liếm những giọt nước bám ở thành giếng, bụng đói cồn cào vì không có gì ăn. Ông biết ông không còn chịu đựng lâu được nữa. Ông mệt lả và lo lắng không biết có chuyện gì đã xảy ra đối với Tiny.
Hết tuần thứ năm người hát rong lấy hết tàn lực gào thật to ở dưới giếng. Thực ra đó chỉ là tiếng rên rỉ yếu ớt. Ông ngước mắt nhìn ánh sáng lờ mờ nơi miệng giếng. Phải chăng có bóng ai đó đang nhìn xuống? Phải chăng có tiếng gọi. Ông cố dỏng tai nghe.
- Chờ đấy, bọn ta sẽ cứu ngươi!
Một lúc sau sợi cáp được dòng xuống có cả một mảnh gỗ để ngồi. Người hát rong ngồi lên tấm gõ đó rồi thều thào:
- Kéo tôi lên, kéo tôi lên đi!
Khi lên đến miệng giếng, ông ta nhắm nghiền hai con mắt lại. Tuy nhiên ông ta vẫn nhận ra bóng năm người đàn ông với chiếc ôtô có tời quay. Họ nhìn người đàn ông gầy giơ xương, râu tóc rậm rì, hôi thối bẩm thỉu.
- Chúng ta phải đưa ngay ông ta tới bệnh viện!
- Ông thật là may, nếu không có con chó thì chúng tôi làm sao biết ông ở dưới này! Tôi lại gần xem nó còn sống không thì nghe thấy tiếng rên của ông.
Người hát rong lê chân tới chỗ con chó. Nó đã chết. Nó chết đói vì nó đã dành toàn bộ thức ăn tìm được cho chủ. Người hát rong cúi xuống ôm con Tiny vào lòng, nước mắt ông ta trào ra. Ông nói với những người đàn ông:
- Các bác cứ để tôi ở đây, tôi có thể tự lo cho tôi được rồi.
Ông đào một cái hố nhỏ và chôn con Tiny ngay sau nhà, ông lấy một mảnh gỗ và đề lên đó dòng chữ"
Người bạn Tiny của tôi
Hãy an giấc ngàn thu!
Sau đó người hát rong bỏ đi, từ đấy không có ai trông thấy ông ta nữa.
 
6
Ông già nói:
- Câu chuyện đến đây là hết.
Tôi quên khuấy không biết mình đang ngồi ở đâu. Đêm đã khuya lắm và tôi thấy mình ngồi trên doi cát ven biển. Câu chuyện đã cuốn hút tôi hoàn toàn và tôi đang ở nơi nào đó xa vời vợi. Tôi nhìn về phía ông già nhưng không trông thấy rõ khuôn mặt của ông cụ. Tôi muốn hỏi có đúng câu chuyện đã xảy ra như vậy không? Tôi muốn biết số phận người hát rong sau đó như thế nào? Nhưng tôi chưa kịp hỏi thì ông già đã bảo:
- Đi đi cháu, chuyện đến đây là hết rồi. Hãy để ta ngồi đây một mình, ta mệt rồi!
Tôi không muốn đi, nhưng ông già nói như ra lệnh. Vì thế tôi đứng lên và từ từ rời doi cát. Tôi mới đi được vài bước thì bỗng thấy ánh trăng tỏa sáng mênh mang. Tôi quay lại nhìn chỗ cái cây, nơi ông già vừa ngồi kể chuyện. Lúc này tôi nhìn thấy ông rất rõ. Râu trắng như cước. Ông đứng dậy và bước đi trong ánh trăng sáng ngời. Ông ngước mắt nhìn trăng sao trên bầu trời. Tôi giật mình thấy cổ ông bị vẹo. Ông không cử động được cái cổ của mình. Vào những ngày cuối đời ông đã bị trừng phạt, luôn luôn phải ngước mắt nhìn lên như cách đây nhiều năm ông từng ngồi dưới giếng ngước mắt nhìn lên trời cao.
Câu chuyện này là có thật. Ông già tóc bạc đó chính là người hát rong. Tôi dõi mắt nhìn ông đang lững thững bước đi. Lúc đó trời bỗng tối sầm lại và ông già hoàn toàn biến mất.
Tôi chạy rất nhanh về nhà và nhảy lên giường. Nhưng tôi không tài nào ngủ được. Tôi trằm trọc suy nghĩ mãi về câu chuyện lạ lùng này, về con chó Tiny và người hát rong, người đã muốn dùng tiền để mua tình yêu của con người.
Sáng hôm sau tôi gặp bố ở cầu thang. Ông giúi vào tay tôi mười đôla và bảo:
- Nếu Tania chỉ đồng ý đi chơi với con khi con đón nó bằng xe tắc xi thì chắc con cần phải có tiền.
Tôi nói:
- Con cám ơn bố.
Tôi nhét đồng mười đôla vào túi, sau đó tới gặp Tania và bảo tôi không cần cô ta nữa.

Xem Tiếp: ----