Chương 2
CÂU CHUYỆN TỬ THÀNH

    
úng lúc vợ chồng ta lúc rời khỏi Tử Cấm Thành khi liên quân tám nước tràn vào hoàng cung, không riêng gì vợ chồng ta bỏ chạy mà cả Thái Hậu lão Phật gia cùng Hoàng Đế cũng bỏ trốn. Mọi người trốn đi hết, hoàng cung trở nên hoang vắng không người canh giữ, bọn cẩm y vệ lại đổ xô vào các cung hôi của.
Lúc đó trong đầu vợ chồng ta mới nghĩ chế độ cung đình từ đây không còn, mỗi người sẽ đi mỗi ngã. Nếu ra đi với hai bàn tay trắng làm sao sinh sống khi bổng lộc tích lũy từ trước đến giờ chẳng có là bao nên cả hai cùng đi hôi của như mọi người. Nhưng được cái may mắn vợ chồng ta từng phục vụ nơi cung cấm, biết các cung hoàng hậu, vương phi, cung phi được Hoàng đế sủng ái nằm đâu, nên vào xem có ngân lượng hay thứ của cải quý báu nào còn để sót thì lấy làm của hộ thân.
Hai vợ chồng chỉ lấy được một số ngân phiếu, một ít vàng bạc châu báu vào đủ mỗi người một tay nải rồi mới ra khỏi hoàng thành. Sau đó vợ chồng ta theo dòng người lên thuyền chạy tị nạn. Thuyền rong ruổi cập đảo Đài Loan, lúc lên bờ đức phu quân có quen một người trong bang Rồng Xanh nên xin gia nhập vào bang hội, hy vọng được bang hội giúp đỡ khi hai vợ chồng còn chân ướt chân ráo vào đời, chẳng biết gì trong cuộc sống mới.
Đến một ngày nọ, vợ chồng ta gặp một người quen cũng từ kinh thành chạy tị nạn. Vừa gặp mặt, ông bạn đã hớt hơ hớt hải báo tin:
- Này Hoàng Bảo Trứ ơi, ngài Công Công Trần Thành đang tìm mi, ông ta cho rằng vợ chồng mi đã lấy nhiều vàng bạc quý giá trong nội cung nên phải đi tìm lấy lại số của cải trả về cho nhà Thanh.
Đấng phu quân ta mới ngạc nhiên nhìn người bạn vừa vượt biển đến, ông nói:
- Ta có lấy gì nhiều đâu? Chỉ một tay nải đủ sống qua chuỗi ngày còn lại.
Người bạn đó mới nói tiếp:
- Vậy mi không biết rồi, ngài Trần Thành cho rằng mi lấy đi một tấm bản đồ có ghi kho báu nằm tận bên Đông Dương, nó to tát gấp ngàn lần tay nải của mi đó!
Vợ chồng ta biết rõ Trần Thành, ông ta cũng là quan thái giám nhưng hơn một phẩm, tính tình độc ác ích kỷ, tham lam và cố chấp. Nếu ông ta biết vợ chồng ta có số vàng bạc lấy từ trong cung và nhất là tấm bản đồ về kho báu, thể nào cũng đến tìm đòi lại hay chia phần.
Nhưng đòi lại để làm gì khi Trần Thành cũng như vợ chồng ta, giờ đây không còn làm thái giám và đang sống cuộc đời dân dã như mọi người? Làm gì còn nhà Thanh trên đất Trung Hoa! Còn về tấm bản đồ kho báu chỉ là hiểu lầm, đấng phu quân và ta có giữ tấm bản đồ nào ngoài số của cải lấy lúc hôi của như mọi người đâu?
Tuy vậy đức phu quân ta vẫn tỏ ra lo lắng khi phải giáp mặt với ông ta, nếu Trần Thành tìm ra chỗ ở sẽ sinh ra rầy rà, đôi khi còn bỏ mạng. Vợ chồng ta biết Trần Thành có nhiều vây cánh trong nội cung thì bây giờ ra ngoài vẫn thế, vẫn còn tàn nhẫn độc ác...
Hàng đêm phu quân không sao ngủ được, ông cứ nằm thao thức suy nghĩ.
Nểu tính về những thứ hai vợ chồng lấy được, số ngân phiếu cũng chỉ đến ba trăm vạn lượng bạc nhưng cả tiền trang không ai chịu đổi thành tiền, họ cho rằng các tờ ngân phiếu từ kinh thành không có giá trị trên đất Đài Loan. Còn vàng bạc châu báu nếu bán đi cũng chỉ hơn vài trăm lượng vàng cộng với số ngân lượng tiết kiệm đủ cho vợ chồng ta hưởng tuổi về già.
Nhưng còn tấm bản đồ kho tàng nằm trên nước Đông Dương hiện ở đâu? Tại sao Trần Thành cứ cho vợ chồng ta cất giữ cho người đi tìm đòi lại?
Phu quân không biết tính sao, trước mắt việc kinh doanh ở Đài Bắc không thành đạt, còn phía sau Trần Thành theo truy đuổi đòi của và cả tấm bản đồ ảo tưởng.
Vì thế phu quân đâm quẫn trí mới xin bang chủ Rồng Xanh cho qua nước Đông Dương lập trang trại. Trước an dưỡng tuổi già, sau cho Trần Thành không tìm ra tung tích và cuối cùng để tìm dấu vết về một kho tàng như Trần Thành đã nói.
Nhưng không hiểu tại sao Trần Thành vẫn tìm ra nơi vợ chồng ta sống ở nơi khỉ ho cò gáy này. Một ngày nọ Trần Thành tìm đến nơi và nói với phu quân:
- Ta hiểu mi hôi của trong nội cung không được bao nhiêu, nhưng có một thứ lại quý giá vô cùng!
Trần Thành dù chưa nói hết câu nhưng phu quân biết hắn ta muốn nói đến cái gì, bèn đáp lại:
- Trần Công Công muốn nói đến tấm bản đồ kho báu?
Hỏi xong ông tự trả lời ngay:
- Thật tình tôi không hề biết đến tấm bản đồ kho tàng nó tròn méo thế nào, nằm ở đâu trong cung để lấy. Trần Công Công đã lầm vợ chồng tôi rồi.
Trần Thành thấy viên thái giám dưới quyền mình cứ phân trần chối cãi về tấm bản đồ làm hắn ta giận dữ lên tiếng nói thẳng:
- Vợ mi Thôi Oanh Oanh làm trong cung của Lệ Châu, tức cháu gái quan Tổng binh Lê Kiệt, người được Hoàng đế phái đến Vân Nam vùng ba biên giới Trung - Việt - Lào trấn thủ. Trước khi qua đời ông ta cho người đem chôn giấu một số của cải để dành cho con cháu về sau hưởng thụ nên có vẽ một tấm bản đồ.
Phu quân rất ngạc nhiên nên đã đáp lại lời nói của Trần Thành:
- Đúng! Thôi Oanh Oanh từng làm nô tỳ trong cung bà Lệ Châu, nhưng phu nhân tôi người thất học đâu biết chữ nghĩa mà hay biết có tấm bản đồ kho báu để lấy? Cũng như bà Lệ Châu thuộc cháu gái đới thứ hai của Lê Kiệt, hẳn Trần Công Công cũng biết "nữ nhi sinh ngoại tộc" làm sao được giữ tấm bản đồ kho tàng của dòng họ Lệ? Công công suy diễn thái quá rồi đó!
Thấy phu quân cứ khăng khăng nói không biết tấm bản đồ kho báu càng khiến Trần Thành giận dữ. Trước khi ra về hắn ta buông ngay lời hăm dọa:
- Ta đã điều tra ba đời họ hàng nhà quan Tổng binh Kiệt, số mạng ông ta hẩm hiu nên chỉ sinh ra được một con gái tên Lệ Hằng, và hình như do di truyền nên sau này và Lệ Hằng cũng chỉ sinh ra có một con gái tên Lệ Châu vào làm thiếp trong cung. Bây giờ gia đình Lê Kiệt, Lệ Hằng không có ai ngoài Lệ Châu. Ta còn biết khi Lệ Châu được tiến cung, bà Lệ Hằng đã cho con gái cái hộp sơn mài mà trong đó có tấm bản đồ kho báu để Lệ Châu dùng làma vật trang điểm hay đồ trang sức mà bà ta không hề biết nó quý giá ra sao. Trong lúc hoàng cung chạy loạn ta nghe bà Lệ Châu nói, bà ta để quên cái hộp trang điểm bằng sơn mài trong cung. Ta liền vào nội cung tìm cái hộp sơn mài ấy nhưng không còn thấy nữa. Vậy chỉ có vợ mi lấy nó, cho nên ta muốn trong một hai tuần lễ mi phải đưa ra cái hộp sơn mài có tấm bản đồ kho tàng để cùng ta hợp tác đi tìm kho báu rồi chia nhau.
Sau khi Trần Thành ra về, phu quân cứ suy nghĩ mãi về chiếc hộp sơn mài dùng chứa đồ trang điểm của cung phi Lệ Châu, ông mới hỏi ta về cái hộp và được ta trả lời:
- Thiếp lấy cả chục cái hộp sơn mài đem đi lúc trong cung hoảng loạn, nào nhớ cái hộp nào là của ai. Để thiếp mang ra cho chàng xem xét.
Nói xong ta đưa cho ông xem gần chục hộp sơn mài, cái nào cũng giống như cái đó:
đều hình Mai Lan Cúc Trúc, bên ngoài lẫn bên trong không có lấy một chữ hay một hình vẽ cho thấy có bí mật về tấm bản đồ.
Còn đang chán nản trước lời hăm dọa của Trần Thành và nhìn thấy mấy hộp sơn mài không có gì khác biệt, phu quân ta ngồi than ngắn thở dài:
- Tên Trần Công Công chết tiệt, hắn ta sẽ không để vợ chồng mình được sống yên thân rồi!
Vì thế ông đánh điện với Đài Bắc xin bang chủ Rồng Xanh cho người qua thay trông coi trại Quỳnh Hương, rồi mang tâm niệm để đời:
- Ta nguyện sẽ sống một cuộc đời trong sáng như ngài Châu Đạt Quan, đi chu du khắp nơi cùng chia ngọt sẽ bùi giúp đỡ bá tánh, xây chùa miếu thờ tự ông Bổn để tích đức. Và nguyện rằng, trong cơ may nếu ta có tấm bản đồ kho báu ấy sẽ dùng hết vào việc công đức từ thiện cho người nghèo khó, còn hơn để một tên độc ác gian tham như Trần Thành chiếm dụng.
Ý của phu quân muốn như Châu Đạt Quan - người tỉnh Phúc Kiến, làm quan dưới thời nhà Nguyên - thường có tiền hay giúp đỡ người nghèo được dân chúng sùng bái lập miếu thờ, và tôn làm Phúc Đức Chánh Thần hay còn gọi ông Bổn. Về sau dân chúng nghe ông được phong sắc lên thượng đẳng thần nên đổi cách gọi là Tài Thần, có người đọc trại ra Thần Tài...
Tượng nhân thần Châu Đạt Quan không cởi cọp nên khác với tượng nhiên thần tên Thiệu Huyền Đản - người nước Tần - là vị bồ tát mặt đen râu dài tới rốn hay cởi cọp đen, tay trái cầm đồng bạc tay phải cầm gậy kim tiền cũng chuyên đi cứu nạn cứu khổ giúp đỡ người nghèo, nên được mọi người cung kính gọi là Thần Tài.
Sau ngày phu quân không còn làm trại chủ, bàn giao trại Quỳnh Hương cho Gia Viễn, ông mới đưa hết các hộp sơn mài lấy được cho Trần Thành, bắt đầu sắp xếp đồ đạc ra đi. Lúc đó ta cứ nâng niu một cái tráp sơn mài nhỏ nhắn đẹp đẽ mà ông không biết vợ chứa đựng gì trong đó, cũng như ông chưa từng thấy bao giờ.
Hồn ma bà giám hậu Thôi Oanh Oanh kể đến đây lại òa lên khóc nức nở, còn Mỹ Lệ bắt đầu hiểu ra cái tráp sơn mài kia chính là hộp có chứa tấm bản đồ kho báu. Nàng tò mò nói với hồn ma bà ta:
- Rồi sao nữa thưa bà giám hậu?
Hồn ma vừa khóc xong lại chợt mỉm cười sau câu hỏi của Mỹ Lệ. Bà liền lấy từ trong người ra một túi vải, bên trong có chiếc tráp sơn mài nhỏ nhắn đáp:
- Nó đây! Đúng là cái tráp này rất quý giá và hiếm có trên đời. Đây các người cứ nhìn ngắm nó và muốn biết nó chứa thứ quý báu gì thì cứ mở xem, chỉ duy nhất một điều, sau khi xem xong mọi người phải trả lại cho ta, vì nó là của... phu quân ta.
Bốn người trong nhóm Thiên tinh tứ trụ lại tò mò, Mỹ Lệ đưa tay ra nhậu cái tráp sơn mài đoạn nàng mở ra xem. Vừa trông thấy một vật nằm trong tráp, mặt Mỹ Lệ đã đỏ bừng rồi vội vàng đưa cái tráp ra xa khỏi tầm mắt, miệng ấp úng:
- Kỳ quá!
Ba anh em họ Phan vội nhìn vào trong tráp rồi cùng cười phá lên. Ngọc Luân bèn giải thích:
- Đây là cái tráp dùng chứa vật "tịnh thân" của ông Hoàng Bảo Trứ khi vào làm thái giám trong cung cấm. Trông nó vẫn bình thường dù trải qua mấy chục năm. Có lẽ được thứ dược thảo nào đó ướp để không bị phân hủy biến dạng.
Đúng là thứ báu vật quý hiếm. Hương hồn bà Thôi Oanh Oanh nói cái tráp rất quý giá và hiếm có trên đời là vậy.
Mỹ Lệ có giác quan thứ sáu, nàng nhạy bén trong nhận xét cho nên không thể lầm nếu cái tráp nhỏ này có tấm bản đồ kho báu. Vì thế nàng lại lên tiếng hỏi:
- Lúc nãy âm hồn bà kể, ông Hoàng Bảo Trứ không biết bà chứa đựng vật gì trong đó, cũng như ông ta chưa thấy bao giờ. Vật chứa trong đó đã rõ, nhưng con nghĩ trong tráp còn có tấm bản đồ của ngài Tổng binh Lê Kiệt vẽ đường đi đến kho tàng?
Hồn ma bà Thôi Oanh Oanh liền gật đầu xác nhận, rồi âm hồn bà ta kể tiếp:
- Khi phu quân nhìn vào cái tráp, ngoài việc thấy vật "tịnh thân" của mình làm ông ta cảm động mà nói với vợ:
"sao nàng có được vật "tịnh thân" của ta, mà có đúng nó không? Thứ này như giấy chứng nhận ta là một thái giám thực thụ, nó còn được ngài Tổng Quản Nội Thị quản lý chặt chẽ lắm?
Bấy giờ ta mới nhìn chồng trả lời:
- Chàng biết không, lúc hoàng cung hoảng loạn, mọi viện mọi cung vắng người, thiếp mới chạy vào cung nội thị tìm lại vật quý của chàng để làm kỷ niệm, bởi mỗi vật đều có thẻ ghi tên làm sao thiếp lầm lẫn được!
Phu quân ta thắc mắc:
- Theo ta biết thì vật "tịnh thân" chỉ được treo trong cung để dễ dàng cho quan nội thị kiểm soát các thái giám thật giả, đâu để trong hộp sơn mài sang trọng thế này?
Ta cũng thành thật đáp lại câu hỏi của chồng, ta nói:
- Thiếp biết, cho nên không lẽ cứ cầm vật "tịnh thân" của chàng trên tay mà đi lại trong cung? Vì thế sẵn trong tay nải có chiếc hộp nhỏ nhắn đẹp đẽ này nên thiếp đã bỏ vào trong tráp từ đó cho đến nay.
Nghe ta trả lời làm phu quân chợt nhớ lại câu nói của TrầnThành:
"ta đã điều tra ba đời họ hàng nhà quan Tổng binh Lê Kiệt, biết bà Lệ Hằng cho con gái cái hộp có tấm bản đồ dùng để chứa vật trang điểm mà không hề biết nó quý giá ra sao". Có thể đây là chiếc hộp sơn mài mà Trần Thành đang bỏ công tìm kiếm chăng?
Tuy vậy phu quân vẫn chưa tin cái tráp là của bà cung phi Lệ Châu, ông tiếp tục hỏi ta:
- Mấy hôm trước sao nàng không đem cho ta xem, có phải cái tráp để đồ trang điểm của cung phi Lệ Châu không?
Ta vội tình tứ lườm chồng đáp:
- Theo thiếp nghĩ đây là vật kỷ niệm của chàng, và là vật bất ly thân của thiếp nên giữ làm của riêng. Hôm nay vợ chồng ta sắp xếp đồ đạc nên thiếp mới đem ra. Còn nó có phải của cung phi Lệ Châu không, bây giờ nghĩ lại chắc là đúng. Vì lúc bỏ vật "tịnh thân" của chàng vào trong tráp, thiếp đã đổ ra ngoài mấy thỏi son môi, mấy hộp phấn hồng.
Phu quân như bắt được vàng, ông ta không ngờ trong tay lại có tấm bán đồ kho báu quý giá mà Trần Thành đêm ngày mơ ước. Ông mới xem xét từng bề mặt hộp tráp, vẫn không thấy có gì khác biệt ngoài hoa văn được vẽ kiêu kỳ công phu tranh thủy mạc, có hàng dương liễu buông rũ và ánh trăng lập lờ trên sóng nước, xa xa thêm một vài ngọn núi có áng mây che trên đỉnh.
Phu quân bắt đầu chán nản, bức tranh sơn mài không nói được điều gì về kho tàng của quan Tổng binh Lê Kiệt. Ông cứ soi mói nó dưới ánh đèn dầu suốt đêm, cốt tìm cho ra mấy chữ hay hình vẽ hướng dẫn nào đó.
Trong lúc mày mò ông lại nhớ đến lời từng tâm nguyện:
"trong cơ may nếu ta có tấm bản đồ kho báu, ta sẽ dùng hết vào việc công đức từ thiện giúp đỡ người nghèo, còn hơn để tẽn độc ác gian tham Trần Thành chiếm dụng", rồi lại nghĩ đến một tâm nguyện khác:
"ta nguyện sẽ sống cuộc đời trong sáng như ngài Châu Đạt Quan đi khắp nơi, cùng chia ngọt sẻ bùi giúp đỡ bá tánh, xây chùa cất miếu thờ ông Bổn tích đức...".
Phải chăng lời nguyện đã thấu đến tai ông Bổn thượng đẳng thần, mà ngay sau đó qua độ nóng của ánh đèn dầu, dưới lớp đáy hộp sơn mài bỗng nhiên nứt ra một khe hở. Thì ra cái tráp có hai đáy, giữa có tấm bản đồ được nhét bên trong!
Có tấm bản đồ kho báu, hai vợ chồng ta liền tìm và thật sự bọn ta đã làm chủ được một kho tàng vô giá. Như tâm nguyện của mình, phu quân chỉ đến lấy một ít của cải để đi đến đâu cho xây chùa cất miếu đến đó, hay giúp đỡ bá tánh nghèo khó mà không vụ lợi.
Đến khi vợ chồng ta vào khu rừng này xây ngôi miếu nhỏ để an dưỡng tuổi về chiều, thì bắt đầu có nhiều biến động xảy đến cho cuộc đời hai vợ chồng ta, từ Trần Thành cho đến tên nghĩa tử bất nhân thất đức, vong ơn bội nghĩa...
Ngày chúng ta còn ở Đài Bắc ông cứ suy nghĩ đêm ngày. Ông ta và ta mang danh nghĩa vợ chồng nhưng không làm sao có con để có người sau này lo hương khói khi cả hai về chầu tiên tổ, bởi ông chỉ là một thái giám đã bị "tịnh thân".
Đứa con nuôi sẽ mang tên Hoài Tữ có ý nghĩa vợ chồng ta mơ đến có đứa con. Nên khi đến Đài Bắc lập nghiệp, vợ chồng ta may mắn xin được một đứa con trai mới chập chững biết đi về làm nghĩa tử. Vậy mà lớn lên nó trở thành tên bất nghĩa...