Công việc của một thủ đền như chị Yến bận rộn nhất là vào dịp tết âm lịch. Không phải vì năm cùng tháng tận, mà vì mùng một Tết là ngày lễ chính thờ Thần Đá Rơi.Mấy năm trở lại đây, dân trong vùng biết trại giam Thanh Tẩy khôi phục ngôi đền thiêng nên Tết nào cũng có các đoàn xin vào dâng lễ cúng thần. Để chuẩn bị cho ngày lễ chính đó, ban giám thị thường cho người ra cùng với chị Yến sang sửa lại nội thất ngoại viên của khu đền. Các phạm nhân của khu D, những tiểu yêu của trại Thanh Tẩy, thường được điều ra đây để giúp chị Yến làm những việc vặt này. Năm ngoái là một thằng bé mười bảy tuổi, tên là Tiến, phạm tội giết người. Nó giúp chị Yến quét vôi lại toàn bộ ngôi đền và sơn các pho tượng đặt nơi điện thờ chính. Nó làm công việc ấy hết năm ngày. Cứ hàng sáng nó được một quản giáo dẫn theo cùng đoàn người từ phân trại A đi làm qua đây. Tới cổng đền, người quản giáo dắt nó lên giao cho chị Yến. Chiều tối, lại vẫn người quản giáo ấy dẫn nó cùng đoàn người làm đá về nhập trại. Vì nó không được ngủ lại qua đêm nên mấy ngày đó chị Yến chỉ có thể bù đắp khẩu phần ăn cho thằng Tiến vào bữa trưa. Có cái gì ngon nhất chị đều dành cho nó. Đền chỉ có nhiều bánh trái, gặp may thì có thêm xôi oản, thịt gà, trứng luộc, giò lụa. Tiến ăn khỏe, được mấy bữa no nê, thích lắm, hôm cuối cùng nó bảo: “Lần sau có việc gì cô cứ bảo các chú ấy cho cháu ra đây làm cô nhé”. Chị Yến mỉm cười bảo: “Cô có quyền gì mà đề xuất hả cháu. Hãy cứ biết mưa lúc nào mát mặt lúc ấy thôi cháu ạ”. Tiến là trai phố, đang học lớp chín thì phạm tội, là vị thành niên nên án tử thì thoát, án giam vẫn bị buộc. Chị Yến hỏi nó: “Cháu giết ai?” Nó vừa vung tay phết sơn vào mặt tượng Thần Đá Rơi, vừa đáp: “Cái bà già ở bên cạnh nhà cháu”.- Sao lại giết?- Cháu chơi net. Lần đó bọn cháu chơi nửa tháng không về nhà. Mấy đứa bạn cháu đã lần lượt đi cứu net rồi. Hôm ấy đến lượt cháu. Cháu chả biết đi đâu, liền về nhà, nhảy lan can qua hàng xóm, định bắt con chim cảnh mang đi bán. Nhà ấy đi vắng cả, còn mỗi bà cụ già. Cháu đang gỡ lồng chim xuống thì bà cụ mở cửa xộc ra sân thượng, cầm gậy vụt cháu túi bụi. Cháu giật được cái gậy đó và vụt lại mấy nhát vào đầu bà cụ. Thấy bà cụ ngã, cháu vội cầm lồng chim bỏ chạy. Con chim đó cháu bán được hơn một triệu, chơi được đến ngày hôm sau thì cháu bị bắt.- Bà cụ chết ngay à?- Vâng. Mẹ cháu bảo, hồi cháu còn bé, bà ấy vẫn thường bế cháu đấy.Chị Yến chép miệng:- Oan nghiệt. Mà net là cái gì mà cô thấy bao nhiêu đứa vào đây chỉ vì cái thứ ấy thế?- Là trò chơi điện tử ấy mà cô.- Chơi một lúc rồi thôi chứ chơi gì mà suốt ngày suốt đêm thế?- Bọn cháu thường đánh qua đêm. Buồn ngủ quá thì lấy vỏ bao vina gài vào bàn phím giữ nguyên bài đang chơi dở, chợp mắt tí, tỉnh dậy lại đánh tiếp. Chơi chán thì vào nhà nghỉ ăn uống, ca hát, lên giường vui vẻ với nhau.- Lên giường?- Thì… chúng cháu lớn rồi mà cô. Cháu trông thế thôi mà biết ngủ với gái từ khi mười lăm tuổi đấy cô ạ. Cháu dậy thì sớm mà.Chị Yến hơi đỏ mặt trước vẻ hồn nhiên của Tiến. Chị lại hỏi:- Nhóm bạn cháu có đông không?- Gần chục đứa cô ạ, cả trai lẫn gái, toàn quen nhau qua mạng thôi.- Con gái cũng bỏ nhà đi qua đêm thế à?- Vâng.- Nhưng mà cứ đi thế thì tiền ở đâu ra?Tiến bỏ chổi quét sơn xuống, đứng dậy vươn vai:- Xong rồi cô ạ. Cái ông Thần này chả đẹp gì cả, trông cứ như thằng lính chì trong trò chơi Hầm mộ cổ ấy, cô nhỉ!- Phỉ phui cái mồm cháu! - Chị Yến vội khua tay trước miệng thằng Tiến - Cháu ăn nói thế không sợ Thần Thánh về vật cổ chết tươi à. Thôi, cháu nghỉ một tí rồi sơn tiếp hai vị Nam Tào, Bắc Đẩu kia đi.Đấy là chuyện của năm ngoái. Hai tháng trước chị Yến bất ngờ gặp lại Tiến trong đoàn người đi làm đá qua cửa đền. Thì ra Tiến đã bước qua tuổi mười tám, không còn là “tiểu yêu” nữa, được chuyển sang phân trại B và hàng ngày phải đi lao động. Thỉnh thoảng những nhóm phạm vẫn dừng lại nghỉ chân bên khuôn viên khu đền. Có rất nhiều nhóm phạm khác nhau. Nhóm làm đá, nhóm làm vôi, nhóm làm lúa, nhóm làm gạch, nhóm xây dựng, nhóm chặt mía, nhóm làm đường, nhóm chăn nuôi... Họ tranh thủ uống ngụm nước, hút điếu thuốc hoặc hưởng chút lộc hoa quả của nhà đền. Chị Yến thường để dành lộc cho họ. Cũng có khi họ đi làm xa về, kiếm được chút thức ngon quả lạ đầu mùa, đưa nhờ chị đặt lên bàn thờ cúng Thần Đá Rơi. Chị hay có ý chờ nhóm của Tiến đi qua thì lại chạy xuống dúi vào tay nó mấy cái bắp ngô, vài dóng mía, miếng dưa hấu hay túi cam. Nó cười toe toét, có lần còn bảo: “Đôi mắt cô buồn buồn, khi cười cũng vẫn buồn, giống con bé người yêu cháu”.Sang năm nay chị Yến lại báo cáo lên ban giám thị những “hạng mục” cần phải tu bổ để xin người ra giúp. Lần này là một thằng bé mười lăm tuổi, người Mường, tên Rú, cũng án giết người. Rú nói ít, bảo gì làm nấy, hễ mở miệng là văng tục. Chị Yến giao cho nó quét vôi toàn bộ hàng lan can dọc theo các bậc đá dẫn lên điện thờ chính. Nó quét được một lúc thì hét lên: “Á à, đ. mẹ mày, dám cắn ông à”. Chị vội chạy xuống thì thấy Rú đang lấy chân di mấy con kiến lửa ngay dưới chỗ nó đứng. Chị bảo: “Ở nơi đền miếu linh thiêng, cháu không được chửi bậy”. Nó cúi đầu: “Nhưng đau đéo chịu được”. Chị lại bảo: “Cô nói lần nữa, cháu không được nói bậy ở đây nghe chưa?”. Nó im lặng. Chị Yến vừa quay đi thì nó lại lẩm bẩm: “Bố mày đút c... vào, về trại còn sướng hơn”.Chị Yến đã định đề nghị với người của ban giám thị cho đổi thằng tiểu yêu khác nhưng rồi chị nhận ra Rú không biết chữ. Nó giết người hết sức bản năng. Nó cùng với một thằng bạn bằng tuổi, sống cùng làng, đi vào núi chơi. Chỉ vì hai đứa cùng nhìn thấy một con quay của ai đó vứt lăn lóc bên đám cỏ khô nên đã cùng lao đến tranh giành con quay. Rồi chửi nhau. Rồi lao vào đánh nhau. Rú khỏe hơn, đè được lên người thằng kia, hai tay cứ thế bóp cổ bạn cho đến khi buông tay ra thì bạn đã tắt thở. Rú chạy về làng, bảo với mẹ thằng kia rằng: “Nó đánh nhau với cháu. Cháu bóp cổ nó. Nó cứ nằm mãi không chịu dậy. Cháu bỏ nó lại trên núi cháu về đấy. Cô lên mà vác nó về”. Khi làm việc ấy Rú đã bước qua tuổi mười bốn, và theo luật định, nó vẫn phải vào đây chịu án nhưng tận trong sâu thẳm tâm hồn hoang dã, nó vẫn không hiểu nó có tội gì. Nó làm chết bạn, nhưng biết đâu nó đánh không lại, bạn làm nó chết thì sao? Ở quê nó trẻ con đánh nhau là chuyện bình thường. Đánh không lại thì phải chịu, sao lại bảo nó là tước đoạt quyền sống của người khác, là phạm tội giết người với động cơ côn đồ, là cần phải cách ly khỏi xã hội?Càng tìm hiểu về Rú, chị Yến càng thấy thương nó. Pháp luật là sản phẩm của một xã hội văn minh, thằng bé này chưa thoát khỏi cuộc sống mông muội, liệu sự trừng phạt của pháp luật có giúp nó trở thành một công dân tốt hay không? Chị hỏi nó: “Tại sao cháu không đi học?” Nó bảo cả làng nó chả có ai đi học. Bố mẹ nó cũng không biết chữ. Chị lại hỏi: “Vậy tất cả các loại giấy tờ tố tụng mà cháu phải ký nhận thì cháu làm thế nào?” Nó chìa ngón tay trỏ ra, đáp tỉnh bơ: “Cháu chỉ cần ấn ngón tay này vào giấy là xong”.Khi sơn đến bức tượng Thần Đá Rơi, Rú cười ré lên, rồi bảo: “Cái tượng này buồn cười nhỉ, trông như khỉ”. Chị Yến tái mặt: “Cháu không được hỗn thế, đó là một vị thần rất linh thiêng đấy”. Nó quay sang hỏi chị: “Đây là đàn ông hay đàn bà?” Chị Yến bảo: “Đó là đàn ông”. Nó lại cười ré lên: “Thế sao không có chim?” Chị Yến lắc đầu, bảo: “Cháu hư quá. Cháu không được báng bổ tượng Thần như thế”. Thằng Rú im lặng một lúc rồi lại hỏi: “Ông ấy là cái đếch gì mà phải thờ, phải quỳ lạy khấn vái rồi đặt trước mặt ông ấy nhiều thứ thế? Mà ông ấy có ăn được đâu, bọn cháu muốn ăn thì chả cho”. Đến nước này thì chị Yến không chịu nổi nữa. Chị bảo thằng Rú ra ngoài đánh vecni mấy tấm phù điêu bằng gỗ, còn bức tượng Thần Đá Rơi để chị tự tay sơn phết, tô điểm lại.Đêm đó chị nằm mơ thấy người yêu cũ của mình hiện về. Trong giấc mơ anh thường mang khuôn mặt của Thần Đá Rơi. Anh cứ ngồi ngoài sân nhìn vào trong điện thờ. Chị từ trong điện đi ra thì anh lại đi xuống các bậc đá. Chị chạy theo thì bóng anh đã chập chờn ẩn hiện về phía hồ Thanh Tẩy. Chị choàng tỉnh dậy, hốt hoảng chạy lên gian chính điện. Bức tượng Thần Đá Rơi bị một vết bẩn quệt ngang mặt. Rõ ràng hôm qua chị vừa sơn phết lại rất đẹp. Chả lẽ thằng Rú trước khi về đã lấy tấm giẻ nhúng vecni quệt lên mặt tượng?Cả ngày hôm sau chị bồn chồn, nôn nóng, khắc khoải một điều gì đó sẽ xảy ra. Khoảng bốn giờ chiều thì có tin đưa đến. Một phạm nhân của phân trại B chết đuối ở hồ Thanh Tẩy. Chị vội vàng đến nơi khâm liệm. Chị không tin vào mắt mình nữa. Người chết đuối chính là thằng Tiến. Chết đuối mà không một hạt nước trong phổi. Giám định pháp y kết luận là chết ngạt. Nhóm phạm làm đá về đến đây thì dừng lại nghỉ ngơi, rửa ráy. Tiến tranh thủ tụt hết quần áo, nhảy ùm xuống lặn một hơi cho mát. Nhưng rồi Tiến đã không nổi lên. Khi các bạn tù tìm ra Tiến thì chỉ còn là một cái xác cứng đơ trong tư thế ngồi dưới mặt nước. Đây là kiểu chết mà những người tự tử thường chọn. Nhưng với tính cách của Tiến thì việc tự tìm đến cái chết là không thể. Vậy thì chỉ có thể lý giải đó là kiểu chết của trời đánh thánh vật. Đúng rồi. Tiến đã từng phỉ báng Thần Đá Rơi. Chị Yến là người hiểu hơn ai hết cái sự linh nghiệm khủng khiếp này. Nhìn Tiến nằm im phắc trên bệ đá để lau rửa sau khi khám nghiệm tử thi, chị Yến bỗng òa lên khóc nức nở. Cơ thể Tiến căng tràn, rắn chắc, dài rộng, đẹp đẽ thế này mà chỉ còn là một cái xác vô hồn thôi sao? Tiến đang ở cái tuổi phát triển đầy đủ nhất về thể lực. Khuôn mặt nam tính, ngực nở, bụng thon, cặp đùi dài chắc nịch, dáng dấp ấy, khí lực ấy, độ thanh xuân tươi trẻ ấy, chưa dùng được vào việc gì, chưa trả lãi gì cho đời, đã vĩnh viễn bị đòi đi như thế này sao?Đêm ấy chị Yến cúng khấn cho Tiến đến khuya. Sáng sớm hôm sau chị chuẩn bị sẵn một cái bảng gỗ và mấy viên phấn. Khi Rú đến, chị Yến bảo: “Mỗi ngày cô sẽ dạy cháu một tiếng đồng hồ. Cháu phải cố biết lấy cái chữ cháu ạ. Khi nào cháu viết được tên cháu, cháu đọc được văn bia đặt dưới gốc cây đại kia thì cháu sẽ không dám phỉ báng tượng thần ở ngôi đền này. Khi ấy cháu sẽ biết làm người, sẽ tránh được tai họa như phạm nhân của phân trại B hôm qua”.Chị Yến cứ tưởng sẽ phải thuyết phục thằng Rú rất nhiều nó mới chịu nhận làm học trò của chị, không ngờ nó lại tỏ ra thích thú. Thời hạn sửa chữa đền Thần Đá Rơi đã sắp hết. Chị Yến phải nghĩ ra thêm nhiều hạng mục nữa để xin ban giám thị cho thằng Rú tiếp tục ra giúp thủ đền. Cái ngày thằng Rú sung sướng nhất là ngày nó viết được tên mình. Nó sung sướng đến nỗi, khi hết giờ học rồi, trong giờ làm việc mà nó cứ lấy sơn, lấy vôi, lấy vecni viết những chữ cái R-Ú lên bất kỳ chỗ nào có thể viết được. Chị Yến cũng thấy trong lòng rất vui. Chị dự tính trong đầu những ngày tiếp theo sẽ dạy nó tập đánh vần để đọc hết được những dòng văn bia dưới gốc đại già kia. Nhưng vào đúng ngày cúng ông Công ông Táo thì người của ban giám thị ra đền gặp chị. Lần này họ đưa ra một người phụ nữ khác để thay thế chị làm thủ đền. Chị Yến có ba mươi phút để dọn đồ đạc rồi theo người của ban giám thị về khu C, vốn là phân trại quản lý cũ của chị.Trong lúc chị cuống cuồng làm theo lệnh của ban giám thị thì thằng Rú cứ loay hoay không biết xử trí thế nào. Nó không muốn rời chị, không muốn bỏ dở chừng sự nghiệp học hành rất tiến bộ của nó. Bỗng người của Ban giám thị nhìn thấy tấm bảng dạy chữ của chị Yến, rồi lại nhìn thấy những chữ cái R-Ú rải rác, nhòe bẩn khắp khuôn viên khu đền. Chị Yến vội bảo thằng Rú xóa hết những chữ đó đi, trả lại sự sạch sẽ cho ngôi đền linh thiêng. Nhưng người của ban giám thị bảo: “Thôi, kệ nó, chị theo tôi về làm thủ tục, muộn rồi”.Chị Yến bỗng run run cất giọng hỏi:- Thưa cán bộ, cán bộ có thể cho em biết về phân trại để làm thủ tục gì không ạ?Người của ban giám thị bảo:- Về làm thủ tục ra trại. Chị có tên trong danh sách đặc xá tha tù trước thời hạn đợt này.“Dạ...”Chị Yến như muốn khuỵu xuống. Chị bỗng vứt gói đồ trên tay, lao đến ôm chặt lấy thằng Rú. Chị hôn chùn chụt vào mặt nó. Rồi chị khóc nức nở: “Rú ơi, hơn hai mươi năm ở đây, giờ cô mới làm được một điều mà cô mơ ước suốt đời mình, cô đã có học trò đầu tiên là cháu, cô đi, cháu cố học tiếp cho đến lúc biết đọc biết viết cháu nhé!”.Tết năm đó, khi các đoàn đến lễ Thần Đá Rơi trong trại giam Thanh Tẩy, không ít người đã hỏi: “Cô thủ đền cũ năm nay đi đâu rồi nhỉ?”Người viết truyện này cũng không biết chị Yến đi đâu, làm gì và hiện giờ sinh sống ra sao.Hết