ói tới đó cô Sáu mỉm cười nhìn ông thầy dạy chữ. Ông Thầy Huế cũng cười khẽ lên tiếng. - Cô Sáu quá khiêm nhường. Ở đây không lâu song tôi cũng được nghe người ta khen ngợi về cô rất nhiều. Không những thông chữ quốc ngữ cô còn nói tiếng tây như gió... Cô Sáu cười hắc hắc một cách vui vẻ. - Tiếng tây thì tôi nói được chút đỉnh chứ nói như gió thì tôi không dám nhận. Đất Ba Châu này con trai cùng trang lứa với tôi, người thì vai u thịt bắp, kẻ thì chữ bẻ làm đôi cũng hổng biết, đứa thì cha mẹ giàu có ăn chơi lêu lổng. Bọn chúng đầu óc nhỏ như tép riu, bị người nước ngoài đè đầu cởi cổ mà không biết nhục. Thấy nước mất nhà tan mà không biết lo, biết buồn. Hạng người như thế đâu đáng mặt làm trai thì thầy nghĩ xem làm sao tôi ưng làm chồng cho được... Cô Sáu Hiền say sưa nói nên không thấy được ánh mắt của Ông Thầy Huế sáng lên nét là lạ, như khâm phục và vui mừng. - Chồng của tôi nếu không phải là anh hùng cứu nước như Ngô Quyền, Hưng Đạo Vương, Lê Lợi và Quang Trung, thì cũng là kẻ thấy nỗi nhục mất nước thì phải đứng lên giành lấy chứ. Tôi nói đúng không thưa thầy? Ông Thầy Huế gật đầu lia lịa rồi mới thong thả lên tiếng. - Cô Sáu nói đúng lắm... Không ngờ cô lại có ý nghĩ của bậc nam nhi. Tôi lấy làm khâm phục... Liếc nhanh ông thầy dạy chữ đang song hành với mình, cô Sáu Hiền cười thỏ thẻ. - Tôi hổng biết tại sao mà tôi cứ có ý nghĩ nếu thầy mà cạo trọc đầu thì thầy giống nhà sư-tráng sĩ Phạm Thái... Ông Thầy Huế đột ngột ngừng bước rồi quay sang nhìn cô Sáu Hiền đăm đăm. Dưới ánh trăng sáng vằng vặc ông ta thấy một khuôn mặt khả ái và nụ cười tủm tỉm có nhiều cợt đùa và tình tứ. Thấy thế ông thầy dạy chữ vội quay nhìn chỗ khác. Có lẽ ông ta sợ mình động lòng trước nhan sắc quyến rũ của cô gái quê. - Cô Sáu chắc thích văn chương lắm hả? - Dạ... Ở chốn quê mùa không có gì tiêu khiển nên tôi đâm ra thích đọc sách... Gật gù mỉm cười như thích thú Ông Thầy Huế ngước đầu nhìn trăng xong hắng giọng. - Tôi, dù sở học kém cỏi song cũng ráng học hành, lại đua đòi chút đỉnh chuyện văn thơ. Mấy năm trước đây tôi có đọc được bài thơ của cụ Phan Bội Châu làm ra để tưởng niệm vị anh hùng Nguyễn Thái Học vừa bị hành hình tại Yên Bái. Tôi xin đọc cho cô Sáu nghe... Cô Sáu Hiền cười duyên. - Nhà cách mạng Phan Bội Châu thì tôi có nghe anh hai của tôi nói sơ qua. Mời ông cho tôi nghe giọng bình thơ của ông... Mỉm cười Ông Thầy Huế cao giọng ngâm. - Gươm ba thước chọc trời kinh, chớp cháy, này Lâm Thao, này Yên Bái, này Vĩnh Bảo, khí phục thù hơi thở một tầng mây! Súng liên thanh vang đất thụt, non reo, nào chủ đồn, nào xếp cẩm, nào quan binh, ma hút máu người bay theo ngọn gió. Trách nông nỗi trời còn xoay tít, trước cờ binh sao quay gió cản ngăn Tiếc sự cơ ai quá lờ mờ, dưới trướng giặc bấy nhiêu tay len lỏi. Ma cường quyền đắc thế sinh hùng uy, Thần công lý bó tay nghe tử tội. Ôi thôi, mù thảm mây sầu, Gió cuồng mưa vội; Cửa quỷ thênh thang! Đường trời vòi vọi! Nhân dân chí sĩ, sát thân vào luật dã man; Nữ kiệt anh hùng, thất thế đang hồi đen rủi. Trường tuyên án chị chị anh anh cười tủm tỉm, tức nỗi xuất sư vị tiệp, vai bể non gánh nặng hãy trìu trìu, Đoạn đầu đài sau sau trước bước ung dung, gớm gan thị tử như quy, mặc cây cỏ máu tươi thêm chói chói. Tuy kim cổ hữu hình thì hữu hoại, sóng Bạch Đằng, mây Tam Đảo, hơi sầu cuộn cuộn bóng rồng thiêng đành ông HỌC xa xuôi, Nhưng sơn hà còn phách ắt còn linh, voi nàng Triệu, ngựa nàng Trưng, hình hạc gió, hãy cô GIANG theo đuổi... Tai nghe tiếng ngâm thơ trầm bổng, khi dồn dập khi nhặt khoan, lúc hùng hồn lúc buồn bã, mắt nhìn vào khuôn mặt của người đối diện, cô Sáu Hiền có cảm giác ông thầy dạy chữ của nhà mình như một tráng sĩ '' múa gươm rượu tiễn chưa tàn... chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo...'' có mặt dưới cờ của Quang Trung kéo quân ra bắc diệt kẻ xâm lăng. Cô có cảm tưởng, ngay lúc này ông thầy dạy chữ là hiện thân của người mà cô từ lâu mong đợi. - Đoàn trẻ chúng tôi nay: Tiếc nước còn đau, Nghĩ mình càng tủi! Nghĩa lớn khôn quên, Đường xa dặm mỏi! Giây nô lệ quyết rày mai cắt đứt, anh linh thời ủng hộ, mở rộng đường công nhẩy, bằng bay; Bể lao lung đua thế giới vẫy vùng, nhân đạo muốn hoàn toàn, phải gắng sức rồng dành, cọp chọi, Đông đủ người năm bộ lớn, đốt hương nồng, pha máu nóng, hồn thiên thu như sống như còn, Ước ao trong bấy nhiêu niên, rung chông bạc, múa cờ vàng, tiếng vạn tuế càng hô càng trỗi. Tình khôn xiết nói, Hồn xin chứng cho, Thượng hưởng! Sào Nam Phan Bội Châu, (1932) Tiếng ngâm thơ dứt mà âm hưởng còn đọng lại âm ỉ hoài trong lòng của cô gái trẻ có nhiều mơ mộng và lãng mạn. Ông Thầy Huế hơi mỉm cười khi thấy nét mặt thờ thẩn và như đang ở trong cơn mơ của cô Sáu Hiền. - Trời cũng đã khuya rồi, tôi mời cô sáu đi nghĩ... Câu nói của Ông Thầy Huế kéo cô Sáu Hiền trở về với thực tại. Chắc cũng biết nên cô đâm ra bẽn lẽn cười nói. - Dạ cám ơn thầy... Tôi chúc thầy an giấc... Nói xong cô đi về bên trái để lại ông thầy dạy chữ đứng tần ngần bên bờ hồ như suy nghĩ chuyện gì. Thật lâu ông ta mới khe khẽ thở dài đi về chỗ trọ của mình. Lật bật mà Ông Thầy Huế đã lưu lại nhà của Hương Cả Cọp hơn một năm rồi. Theo thời gian tình cảm giữa ông ta và cô Sáu Hiền càng thêm thắm thiết. Họ thường xuyên hò hẹn ở hồ nước. Thỉnh thoảng hai người cũng rũ nhau đi dạo dưới vườn dừa hoặc trong khu rừng mù u ngát hương. Dĩ nhiên chuyện trai gái quyến luyến tình cảm đó không lọt khỏi mắt của ông hương cả. Dù không nói gì song ông ta cũng kín đáo dò xét ông thầy dạy chữ của mình. Nếu thấy được ông sẽ đứng ra tác hợp lương duyên của em mình với Ông Thầy Huế. Rằm tháng 7. Trăng cao vời vợi. Tiếng trẻ con nô đùa nơi sân trước làm huyên náo không khí yên tịnh. Từng đợt ánh sáng vàng hờ hửng buông xuống mặt hồ nước. Ông Thầy Huế có mặt nơi hò hẹn. Thái độ của ông ta có vẻ trầm tư dường như bận tâm suy nghĩ chuyện gì quan trọng. Chốc chốc ông ta lại thở dài. - Anh có chuyện gì mà Hiền nghe anh cứ thở dài... Ông Thầy Huế ngước lên khi thấy cô Sáu Hiền đang đứng bên cạnh. - Đâu có chuyện gì... Anh có thói quen thở dài... Ngoẹo đầu nhìn ông thầy dạy chữ, Cô Sáu Hiền cười tươi tắn. - Thiệt hông... Hồi trước anh đâu có thở dài đâu... Chỉ mấy hôm gần đây Hiền mới nghe anh thở dài... Nhìn cô Sáu Hiền giây lát, Ông Thầy Huế nhẹ giọng. - Anh có một chuyện muốn nói với Hiền nhưng ngần ngại mãi cho tới hôm nay mới có dịp để bày tỏ cùng Hiền... - Chuyện gì vậy anh. Chắc anh định... Nói tới đó cô Sáu Hiền nín lặng. Mặt cô hồng lên vì mắc cỡ. Cô nghĩ Ông Thầy Huế sẽ tỏ lộ tình yêu với mình. Hơn một năm qua, phục nhau vì tài, mến nhau vì nết, lại thêm tâm tánh hợp nhau, do đó tình cảm nảy sanh và quyến luyến với nhau không rời. Đêm nay nghe Ông Thầy Huế nói như vậy, cô nghĩ ông ta sẽ bày tỏ tình yêu nên cô im lặng chờ nghe. - Hơn một năm qua Hiền cũng biết anh mến thương... - Dạ biết. Hiền cũng... Dù cô không nói trọn câu song Ông Thầy Huế hiểu. - Có một điều anh chưa nói cho Hiền biết về thân thế của anh... Ngừng lời, Ông Thầy Huế nhìn vào mặt cô Sáu như để dò xem cử chỉ, nhưng thấy cô im lặng ông ta nói tiếp. - Anh sinh ra ở Hải Phòng. Được năm tuổi thì gia đình dời vào Huế sinh sống. Vì thế mà anh nói giọng Huế. Học xong trung học, ba anh bèn gởi anh ra Hà Nội để thi vào trường Cao Đẳng Thương Mại thuộc Đại Học Đông Dương. Sau khi trúng tuyển anh bắt đầu học năm thứ nhất. Cũng tại trường cao đẳng thương mại, anh quen biết với một người bạn cùng trường tên Nguyễn Thái Học... Cô Sáu Hiền nhíu mày khi nghe Ông Thầy Huế nói tới đó. Thấy cô mấp máy định nói ông ta cười âu yếm lên tiếng. - Hiền định nói gì? - Dạ... Nguyễn Thái Học có phải là cái ông đã bị giặc tây chém đầu trong bài thơ mà anh đã đọc cho Hiền nghe bữa hôm trước... - Đúng đó Hiền... Nguyễn Thái Học là người sáng lập ra Việt Nam Quốc Dân Đảng với ý định dùng vũ lực để đánh đuổi ngoại xâm giành lại tự do và độc lập cho xứ sở... - Như vậy anh là đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng? Hơi mỉm cười Ông Thầy Huế âu yếm nhìn cô Sáu Hiền rồi thong thả xác nhận bằng cái gật đầu. - Năm 1930, do ở tình hình diễn biến không thuận lợi, đảng trưởng Nguyễn Thái Học triệu tập một cuộc họp với sự có mặt của Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính, Hồ Văn Mịch để hoạch định một cuộc tổng nổi dậy tại các địa điểm Hưng Hóa, Lâm Thao, Phú Thọ, Yên Bái, Sơn Tây, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Bắc Ninh, Đáp Cầu, Phả Lại và Hà Nội vào đêm mồng 10, rạng ngày 11 tháng 2 năm 1930. Tuy nhiên cuộc tổng khởi nghĩa không thành công và đảng trưởng Nguyễn Thái Học bị bắt rồi bị xử chém tại Yên Bái cùng với 12 đảng viên trung kiên của Việt Nam Quốc Dân Đảng... Ông Thầy Huế ngừng lại giây lát mới thở dài rồi tiếp. - Anh là đảng viên tin cậy được đảng trưởng Nguyễn Thái Học phái vào miền trung hoạt động vì anh vốn là dân ở Huế. Nhờ vậy khi nghe tin cấp báo cuộc khởi nghĩa ở Yên Bái bị thất bại và mật thám tây đang lùng bắt các đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng, anh theo lời khuyên bảo của thân phụ đã bí mật đi vào nam lánh nạn và sau đó trôi dạt tới Châu Bình. Còn chuyện về sau Hiền đã biết rồi... Nói dứt câu Ông Thầy Huế cười nhìn cô Sáu Hiền lúc đó cũng đang nhìn mình đăm đăm. - Tại sao anh lại nói cho Hiền biết chuyện anh là đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng? - Qua nhiều lần chúng mình trò chuyện với nhau anh biết anh có thể tín nhiệm Hiền để thố lộ bí mật. Ngoài ra anh cũng muốn nói với Hiền chuyện anh sẽ trở lại Huế... - Anh muốn xa nơi này... Anh muốn bỏ Hiền à... Anh không còn thương Hiền nữa sao... Cô Sáu Hiền nói bằng giọng thật buồn. Cô không rơi nước mắt song nhìn nét mặt ủ rủ của cô, Ông Thầy Huế động lòng thương cảm. - Anh thương Hiền... Anh muốn được ở bên Hiền suốt đời, nhưng anh phải đi. Có hai lý do buộc anh phải trở lại Huế rồi sau đó ra Hà Nội... Nâng càm người bạn tình lên, nhìn sâu vào mắt nàng, Ông Thầy Huế ôn tồn giải thích. - Hôm qua có người tới kiếm ông hương cả. Xuyên qua điệu bộ và cung cách nói chuyện, anh đoán người đó là mật thám tây theo dò tìm dấu tích của anh. Bởi vậy anh phải gấp rút rời khỏi đây vì không muốn làm liên lụy tới gia đình của Hiền. Thêm nữa anh cũng cần trở lại Huế và Hà Nội để tìm cách liên lạc với các đảng viên còn sống sót sau cuộc khởi nghĩa... Anh biết Hiền sẽ hiểu mà không hờn trách anh. Ngày nào khi đất nước được tự do độc lập, nếu còn sống anh sẽ trở lại Châu Bình cùng em nên duyên cầm sắt... Đưa tay chỉ lên vầng trăng sáng vằng vặc, Ông Thầy Huế cười tiếp. - Những lời tâm huyết của anh có vầng trăng làm chứng. Dù vật có đổi sao có dời, anh vẫn một lòng thương em... Nghe lời hứa hẹn của người thương, cô Sáu Hiền cảm thấy nhẹ cả lòng. Cô vừa cảm phục vừa thương mến người thanh niên đang ôm chí lớn trong lòng. Nhìn người thương cô thỏ thẻ. - Anh đi tranh đấu cho tự do và độc lập của đất nước thì em đâu vì chút tình riêng mà ngăn cản anh. Anh cứ mạnh dạn lên đường. Dù anh có trở lại hay không, em vẫn chờ anh. Em sẽ không lấy chồng... Em ở vậy chờ ngày anh trở lại... Cảm động vì sự chung tình của người thương, Ông Thầy Huế vòng tay ôm cô vào lòng rồi thì thầm trong tóc. - Anh sẽ trở lại. Chỉ có cái chết mới làm anh xa em... Suy nghĩ giây lát Ông Thầy Huế dặn dò cô Sáu Hiền. - Vì sự an nguy của anh và cho gia đình em, em đừng tiết lộ bất cứ điều gì về thân thế của anh... Cô Sáu Hiền gật đầu cười nhẹ. - Em sẽ làm theo lời anh dặn... Cô Sáu Hiền thì thầm. Nghe xong Ông Thầy Huế cười gật đầu. - Em thật khôn ngoan... Anh sung sướng có được ý trung nhân như em... Hai ngày sau, Ông Thầy Huế lặng lẽ rời Châu Bình. Nửa tháng sau toàn thể người trong gia đình đều xì xầm về chuyện lạ xảy ra đối với cô Sáu Hiền. Từ nào tới giờ vốn là người vui vẻ, tháo vát và siêng năng làm lụng thì bây giờ cô lại khác. Suốt ngày cô rú rú trong phòng riêng. Tới giờ cơm cũng không chịu ló mặt ra khiến cho ông hương cả phải sai người đem vào tận trong phòng mà cô cũng không chịu ăn. Thiếu ăn mất ngủ, chẳng mấy chốc người cô gầy gò và xanh xao. Rồi thời gian sau cô lại sinh chuyện lạ. Sau khi mọi người ăn cơm xong thì cô mới chịu ra ăn. Cô tự mình làm một mâm cơm, dọn lên bàn hai cái chén, hai đôi đũa và khi bắt đầu ăn cô thì thầm khấn vái như nói chuyện với người nào khuất mặt. Mọi người bàn tán. Có người nói cô bị thất tình. Có người nói cô tương tư Ông Thầy Huế. Có người còn đồn là cô bị trúng bùa yêu của Ông Thầy Huế nên bây giờ sinh ra khật khùng, điên không ra điên tỉnh không ra tỉnh. Trước bệnh trạng của em gái và theo lời khuyên của bà con trong xóm, ông hương cả cho người rước một ông thầy bùa nổi tiếng trong quận về chạy chữa cho cô em gái. Sau ba ngày theo dõi, Tám Thiên, tên của ông thầy bùa, nói cô Sáu Hiền đã bị Ông Thầy Huế bỏ bùa yêu nên mới bị khật khùng. Ông còn nói thêm đây là thứ bùa yêu độc hại và khó chữa trị nhất vì được làm bằng mủ của cây chuối hột mới trổ quài lần đầu tiên. Trước khi lấy mủ cây chuối hột, Ông Thầy Huế phải trai giới ba ngày, đợi đúng lúc cây chuối hột trổ hứng lấy mủ đem về rồi yểm thêm vào phù phép đặc biệt làm thành thứ bùa yêu khiến cho cô Sáu Hiền mê muội. Ông dặn riêng ông hương cả nếu muốn chữa dứt bệnh, việc đầu tiên là lén lấy cái áo lót của cô Sáu Hiền đem giấu chỗ nào thật kín đáo không cho cô tìm được. Đúng 100 ngày ông sẽ trở lại. Nếu nạn nhân không tìm được cái áo ông ta sẽ làm phép để giải bùa yêu của Ông Thầy Huế. Biết được chuyện đó, người nhà của ông hương cả, từ anh em cháu chắt, đầy tớ, tá điền thi nhau chưởi rũa, mắng mỏ ông thầy dạy chữ không hết lời. Họ chê ông độc ác, tàn nhẫn, lấy ân báo oán... Nghe lời ông thầy bùa, Hương Cả Cọp tự thân vào phòng em gái lấy chiếc áo lót đem giấu kín một chỗ nào đó chỉ có mình ông biết. Từ khi mất chiếc áo thì cô Sáu Hiền có nhiều cử chỉ khác lạ. Suốt ngày cô đi vòng vòng trong nhà lục lạo khắp nơi để tìm cái vật bị mất. Gặp mặt bất cứ ai cô cũng hỏi có lấy áo của cô không. Hơn ba tháng trôi qua thật chậm. Một bữa hai vợ chồng ông hương cả đi vắng, không biết trời xui đất khiến hay ma quỉ đưa đường dẫn lối gì đó mà cô Sáu Hiền đi vào phòng ông anh trai lục lạo và tìm ra cái áo lót của mình. Khi trở về nhà nghe bà ba Lọn báo tin dữ, ông chỉ thở dài nói: '' Âu cũng là do trời định...''. Đúng ba tháng mười ngày, khi trở lại nhà ông hương cả, biết chuyện chẳng lành đó, ông thầy bùa Tám Thiên bảo không có cách gì để chữa trị và cô Sáu Hiền sẽ bị điên khùng suốt đời. Từ đó khắp làng Châu Bình đều biết chuyện cô Sáu Hiền bị trúng bùa yêu nên đâm ra khùng điên. Họ còn nói thêm rằng chỉ khi nào Ông Thầy Huế trở lại may ra cô Sáu Hiền mới hết điên. Riêng ông hương cả và chỉ có ông mới biết cô em gái của mình điên hay tỉnh. Vào những đêm trăng sáng, nhìn bóng em gái thơ thẩn dạo chơi quanh hồ nước, ông thở dài thương cho cô em gái cứ mãi chờ một người đi xa không bao giờ trở lại.