Người dịch: Nguyên Ngọc - Nhà xuất bản Văn hoá thông tin
Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội 2001
Phần thứ hai
Cái bóng bị hoạn của thánh Garta

1.
Tại gốc của hình ảnh về Kafka được mọi ngày nay chia xẻ, có một cuốn tiểu thuyết. Max Brod đã viết cuốn sách ấy ngay khi Kafka mới mất, và đã cho in năm 1926. Hãy nhấm nháp cái tên sách: Vương quốc thần diệu của tình yêu. Cuốn sách cốt yếu này là một cuốn sách ám chỉ. Ta nhận ra ở nhân vật chủ chốt của nó, nhà văn Ðức sống tại Praha tên là Nowy, chân dung tự họa được đánh bóng lên của Brod (được phụ nữ tôn thờ, bị các nhà văn học ganh tị). Nowy - Brod cắm sừng một gã, bằng những thủ đoạn độc ác rất rối rắm, cuối cùng tống được anh ta vào tù bốn năm. Ta tức khắc rơi ngay vào một câu chuyện đan chen những trùng hợp khó tin nhất (các nhân vật, hoàn toàn ngẫu nhiên, gặp nhau trên một chiếc tàu giữa biển, trên một đường phố ở Haifa, trên một đường phố ở Vienne), ta chứng kiến cuộc đấu tranh giữa những người tốt (Nowy, người tình của anh ta) và những kẻ ác (gã bị cắm sừng, dung tục đến mức hoàn toàn xứng đáng với cặp sừng của y, và một nhà phê bình văn học chuyên chỉ trích tàn tệ một cách có hệ thống các tác phẩm đặc sắc của Nowy), ta cảm động vì những cú lật ngược bi lụy (nhân vật nữ tự vẫn vì nàng không còn chịu đựng nổi cuộc sống giữa một bên là người bị cắm sừng bên kia là kẻ cắm sừng), ta thán phục tâm hồn nhạy cảm của Nowy - Brod sẵn sàng ngất xỉu đi bất cứ lúc nào.
Cuốn tiểu thuyết ấy đã có thể bị quên bẵng đi rồi nếu không có nhân vật Garta. Vì Garta, bạn thân thiết của Nowy, là một chân dung của Kafka. Không có cái mã khóa đó, nhân vật này sẽ là nhạt nhẽo nhất trong toàn bộ lịch sử văn chương; ông mang những đặc tính của “một vị thánh của thời đại chúng ta”, nhưng ngay cả về cái giáo chức thần thánh của ông, ta cũng không biết được chuyện gì đáng kể, trừ một điều, thỉnh thoảng, khi gặp những vụ rắc rối về yêu đương, Nowy - Brod thường tìm ở ông bạn mình một lời khuyên mà ông bạn thì bất lực, bởi là thánh ông chẳng có chút kinh nghiệm gì về cái mục này.
Nghịch lý tuyệt diệu biết chừng nào: toàn bộ hình ảnh Kafka và toàn bộ số phận di cảo các tác phẩm của ông lần đầu tiên được hiểu và vẽ ra trong cuốn tiểu thuyết khờ khạo, cái tác phẩm nghệ thuật tồi, cái ngụ ngôn tiểu thuyết hóa sơ lược này, đứng chính xác ở cực đối lập với nghệ thuật của Kafka.
2.
Ðôi trích dẫn từ cuốn tiểu thuyết: Garta là “một vị thánh của thời đại chúng ta, một vị thánh chân chính”. “Một trong những tính ưu việt của ông là luôn luôn giữ độc lập, tự do và đầy lý trí một cách thần thánh trước mọi huyền thoại, dẫu về căn bản ông gắn với nó”. “Ông thích sự tinh khiết tuyệt đối, và không thể thích bất cứ cái gì khác nữa...”
Các từ thánh, như thần thánh, huyền thoại, tinh khiết không phải là chuyện tu từ; phải hiểu chúng đúng theo nghĩa đen. “Trong tất cả các bậc hiền nhân và các nhà tiên tri từng bước đi trên trái đất, ông là người im lặng hơn cả [...]. Rất có thể ông chỉ cần có sự tin cậy ở chính mình để trở thành người dẫn đường cho nhân loại! Không, không phải là một người hướng đạo, ông không nói với dân chúng, cũng chẳng nói với các đồ đệ của mình như những bậc thầy tinh thần khác của con người. Ông im lặng; có phải vì ông đã thấu đạt sâu hơn sự huyền bí lớn? Ðiều ông làm hẳn còn khó hơn cả điều Ðức Phật từng mong muốn, bởi nếu ông thành công thì đó sẽ là cho mãi mãi.”
Lại còn nữa: “Tất cả những vị sáng lập các tôn giáo đều vững tin ở mình; tuy nhiên một vị trong số họ - và ai biết có phải ông là người thành thật hơn cả - Lão Tử, tự mình quay trở về trong bóng tối. Garta hẳn cũng như vậy.”
Garta được giới thiệu là một người viết văn. Nowy “đã nhận làm người thực hiện di chúc của Garta về các tác phẩm của bạn. Garta đã yêu cầu ông làm việc đó, nhưng với điều kiện kỳ quặc là phải hủy hết chúng đi.” Nowy đoán ra nguyên nhân ý nguyện cuối cùng này của bạn. Garta không tiên báo một tôn giáo mới, ông muốn sống đức tin của ông. Ông tự đòi hỏi ở mình nỗ lực tối thượng. Vì ông đã không đạt được đến đó, nên các bản văn của ông (những bực thang khốn khổ phải giúp ông leo lên cho đến đỉnh) đối với ông thành ra vô giá trị.“
Tuy nhiên Nowy - Brod không muốn tuân theo ý nguyện của bạn mình, bởi, theo ông, “dù còn ở tình trạng những phác thảo đơn sơ, những văn bản của Garta vẫn mang đến cho những con người lang thang trong mờ mịt bóng đêm mối tiên cảm về điều thiện cao vời và không gì thay thế được mà họ cố vươn tới.”
Vâng, mọi sự đều có ở đấy cả.
3.
Không có Brod, ngày nay thậm chí chúng ta sẽ không biết đến tên của Kafka. Ngay sau cái chết của bạn, Brod đã cho xuất bản ba cuốn tiểu thuyết của Kafka. Không chút tiếng vang. Ông hiểu ra ngay rằng để áp đặt được tác phẩm của Kafka vào công chúng, phải tiến hành một cuộc đấu tranh thực sự và lâu dài. áp đặt một tác phẩm, có nghĩa là giới thiệu nó, cắt nghĩa nó. Về phần Brod, đó thực sự là một cuộc tấn công bằng pháo binh: các Lời tựa cho cuốn Vụ án (1925), cho cuốn Lâu đài (1926), cho cuốn Châu Mỹ (1927), cho cuốn Cảnh tượng một trận đánh (1936), cho nhật ký và thư từ của Kafka (1937), cho các truyện ngắn (1946); cho cuốn Ðàm thoại của Janouch (1952); rồi, các cuộc chuyển thể sang sân khấu: Lâu đài (1953) và Châu Mỹ (1957); nhưng nhất là bốn cuốn sách giải thích Kafka (xin chú ý cho các tên sách!): Franz Kafka, tiểu sử (1937), Ðức tin và bài học của Franz Kafka (1946), Franz Kafka, người chỉ đường (1951), và Niềm Thất vọng và sự Cứu rỗi trong tác phẩm của Franz Kafka (1959).
Qua tất cả các văn bản này, hình ảnh đã được phác họa ra trong cuốn Vương quốc thần diệu của tình yêu, được khẳng định và phát triển: Kafka trước hết là nhà tư tưởng tôn giáo, der religiose Denker. Quả ông “không bao giờ phát biểu một giải thích có hệ thống về triết học của ông và quan niệm tôn giáo của ông về thế giới. Dẫu vậy, có thể suy ra hệ thống triết học của ông từ tác phẩm của ông, đặc biệt từ các châm ngôn của ông, kể cả từ thơ, thư từ, nhật ký của ông, và sau đó cả từ trong cách sống của ông (nhất là ở đấy)”.
Ở một chỗ khác: “Không thể hiểu được tầm quan trọng thật sự của Kafka nếu ta không phân biệt hai dòng chảy trong tác phẩm của ông: 1) Các châm ngôn của ông, 2) Các văn bản tự sự của ông (các tiểu thuyết, các truyện ngắn).”
“Trong các châm ngôn của mình, Kafka trình bày “das positive Wort”, bằng lời xác thực, đức tin của ông, tiếng gọi nghiêm khắc của ông cần thay đổi cuộc sống riêng tư của mỗi cá nhân.”
Trong các tiểu thuyết và truyện ngắn của ông, “ông mô tả những hình phạt khủng khiếp giáng xuống những ai không muốn nghe Lời [1](das Wort) và không đi theo con đường đúng.”
Nên chú ý kỹ cái tôn ti: trên hết: cuộc sống của Kafka như là một mẫu mực phải noi theo; ở giữa: các châm ngôn, nghĩa là tất cả các đoạn văn trịnh trọng, “triết học” trong nhật ký của ông; tầng dưới: tác phẩm tự sự.
Brod là một nhà trí thức đặc sắc có nghị lực khác thường; một người hào hiệp sẵn sàng đánh nhau vì những người khác; tình yêu của ông đối với Kafka nồng cháy và vô tư. Tai họa chỉ ở chỗ định hướng nghệ thuật của ông: là con người của tư tưởng, ông không biết được thế nào là niềm say mê đối với hình thức; các tiểu thuyết của ông (có đến vài chục cuốn) ước lệ một cách đáng buồn và nhất là, ông ta chẳng hiểu chút gì hết về nghệ thuật hiện đại.
Tại sao, mặc tất cả chuyện đó, Kafka vẫn yêu ông đến vậy? Anh sẽ thôi không yêu một người bạn tốt nhất của mình chỉ vì anh ta có cái thói kỳ quặc viết những câu thơ tồi chăng?
Tuy nhiên người viết những câu thơ tồi sẽ nguy hiểm khi anh ta bắt đầu xuất bản tác phẩm của ông bạn thi sỹ của mình. Hãy tưởng tượng nhà bình luận có ảnh hưởng nhất về Picasso lại là một họa sỹ thậm chí đến mức không hiểu được các nhà ấn tượng chủ nghĩa. Ông ta sẽ nói gì về các bức tranh của Picasso? Chắc hẳn đúng nguyên những điều Brod nói về các tiểu thuyết của Kafka: rằng chúng mô tả “những hình phạt khủng khiếp giành cho những ai không đi theo con đường đúng”.
4.
Max Brod đã sáng tạo ra hình ảnh của Kafka và hình ảnh tác phẩm của ông; đồng thời ông cũng sáng tạo ra khoa Kafka-học. Dẫu các nhà Kafka-học muốn tách xa khỏi người cha của mình, họ vẫn không bao giờ ra khỏi được vùng đất ông đã giới hạn cho họ. Dẫu các bài viết của họ có đạt tới số lượng mênh mông, thì khoa Kafka-học, bằng vô số biến tấu, vẫn luôn triển khai nguyên một suy lý ấy, một sự tư biện ấy, càng ngày càng không còn dính dáng đến tác phẩm của Kafka, chỉ tự lấy mình mà nuôi sống mình. Bằng vô số lời tựa, lời bạt, ghi chú, tiểu sử, chuyên khảo, hội thảo đại học và luận đề, nó sản sinh ra và gìn giữ hình ảnh của Kafka, cho đến nỗi người tác giả mà độc giả biết đến dưới cái tên Kafka không còn là Kafka nữa mà là Kafka đã được Kafka-học hóa.
Tất cả những gì người ta viết về Kafka không phải là Kafka-học. Ðịnh nghĩa Kafka-học như thế nào đây? Bằng một sự trùng ngôn: khoa Kafka-học là luận văn nhằm Kafka-học hóa Kafka. Nhằm thay thế Kafka bằng Kafka đã Kafka-học hóa:
Noi gương Brod, khoa Kafka-học xem xét các cuốn sách của Kafka không phải trong bối cảnh lớn của lịch sử văn học (của lịch sử tiểu thuyết châu Âu) mà gần như riêng trong bối cảnh nhỏ tiểu sử. Trong chuyên khảo của mình, Boisdeffre và Albérès viện ra việc Proust từ chối cắt nghĩa nghệ thuật bằng tiểu sử, nhưng chỉ để nói rằng Kafka đòi hỏi một ngoại lệ đối với quy tắc này, các cuốn sách của ông “không thể tách rời với con người ông. Dẫu anh ta tên là Joseph K., Rohan, Samsa, Nhân viên đo đạc, Bendemann, Joséphine nữ ca sỹ, Người nhịn ăn hay Người làm trò đu, nhân vật trong các cuốn sách của ông chẳng là ai khác ngoài chính ngay Kafka.”Tiểu sử là chiếc chìa khoá chính để hiểu ý nghĩa của tác phẩm. Còn tệ hơn: ý nghĩa duy nhất của tác phẩm là làm một chiếc chìa khoá để hiểu tiểu sử.
Noi gương Brod, dưới ngòi bút của các nhà Kafka-học, tiểu sử của Kafka trở thành khoa thánh tích; lối cường điệu không thể quên được của Roman Karst khi ông kết thúc ở cuộc hội thảo tại Liblice năm 1963: “Franz Kafka đã sống và đã đau khổ vì chúng ta!”. Nhiều khoa thánh tích khác nhau: tôn giáo; vô thần: Kafka, kẻ tuẫn đạo của cô đơn; phái tả: Kafka “chuyên cần” dự các cuộc họp của những người vô chính phủ và “rất chăm chú theo dõi cuộc Cách mạng 1917” (theo sự làm chứng của một người mắc chứng bịa đặt, cũng là dẫn ra, nhưng có chứng thực). Nhà thờ nào, cũng có những ngụy tạo của nó: Ðàm đạo của Gustave Janouch. Vị thánh nào, cũng có một cử chỉ hiến sinh tôn giáo: ý muốn của Kafka đòi hủy hết tác phẩm của mình.
Noi gương Brod, khoa Kafka-học trục xuất một cách có hệ thống Kafka ra khỏi lĩnh vực mỹ học: hoặc giả như là “nhà tư tưởng tôn giáo”, hoặc giả, về phía phái tả, như là người đặt lại nghi vấn về nghệ thuật, “thư viện lý tưởng của ông chỉ gồm toàn sách của các kỹ sư hay các người lái xe, và các nhà luật gia phát ngôn (cuốn sách của Deleuze và Guattari). Nó xem xét không chán các mối quan hệ của Kafka với Kierkegaard, Nietzche, với các nhà thần học, nhưng lại chẳng biết gì đến các nhà tiểu thuyết và các nhà thơ. Ngay cả Camus, trong một tiểu luận, không nói về Kafka như một nhà tiểu thuyết, mà như một nhà triết học. Ðối với các văn bản riêng tư và các tiểu thuyết của Kafka người ta đều đối xử theo cùng một cách, nhưng lại thích các văn bản riêng tư hơn: tôi nhặt hú họa bài tiểu luận về Kafka của Garaudy, bấy giờ còn là người mác-xít: ông ta dẫn các bức thư của Kafka ra 54 lần, nhật ký của Kafka 45 lần, 35 lần cuốn Ðàm đạo của Janouch, 20 lần từ các truyện ngắn, 5 lần từ cuốn Vụ án, 4 lần từ cuốn Lâu đài, cuốn Châu Mỹ thì không một lần nào.
Theo gương Brod, khoa Kafka-học không biết đến sự tồn tại của nghệ thuật hiện đại; cứ như Kafka không thuộc về thế hệ những nhà cách tân lớn, Stravinski, Webern, Bartók, Apollinaire, Musil, Joyce, Picasso, Braque, tất cả đều như ông sinh ra khoảng từ năm 1880 đến 1883. Trong những năm năm mươi, khi người ta đưa ra ý kiến về sự gần gũi của Kafka với Beckkett, Brod đã lập tức phản đối: thánh Garta chẳng hề dính dáng gì đến thứ suy đồi ấy!
5) Khoa Kafka-học không phải là một lối phê bình văn học (nó không xem xét giá trị của tác phẩm: những phương diện cho đến lúc ấy còn bí ẩn của sinh tồn được tác phẩm bóc lộ ra, những cách tân mỹ học của nó đã làm đổi hướng sự tiến triển của nghệ thuật v.v...); khoa Kafka-học là một thứ chú giải. Với tư cách đó, nó chỉ biết nhìn thấy trong các tiểu thuyết của Kafka những phúng dụ. Chúng có tính chất tôn giáo (Brod: Lâu đài = ân hụê của Chúa; nhân viên đo đạc = người Parsifal mới đi tìm cái thần thánh v.v., v.v.); chúng là phân tâm, là hiện sinh, là mác-xít (nhân viên đo đạc = biểu tượng của cách mạng, bởi anh toan tính chia lại đất đai theo một cách mới); chúng mang tính chính trị (Vụ án của Orson Welles); trong các tiểu thuyết của Kafka, khoa Kafka-học không đi tìm cái thế giới được một sức tưởng tượng mênh mông biến đổi đi; nó dịch mã ra những thông điệp tôn giáo, nó đọc ra những bài ngụ ngôn triết học.
5.
“Garta là một vị thánh của thời chúng ta, một vị thánh chân chính.” Nhưng một vị thánh có thể đi nhà thổ không? Brod đã xuất bản nhật ký của Kafka có cắt duyệt đi đôi chút không chỉ những gì có ám chỉ đến các cô gái điếm mà tất cả những gì dính dáng đến chuyện giới tính. Khoa Kafka-học đã luôn phát biểu những nghi ngờ về tính chất nam giới của vị tác giả của họ, và thích thú dông dài về sự tuẫn đạo của bệnh bất lực của ông. Như vậy, từ lâu rồi, Kafka đã trở thành vị thánh bảo hộ của những người loạn thần kinh chức năng, những người trầm uất, những người mắc chứng biếng ăn, những người gầy còm, vị thánh bảo hộ của những kẻ gàn dở, những ả kiểu cách rởm và những kẻ cuồng loạn (ở Orson Welles, K. hét lên một cách cuồng loạn, trong khi các tiểu thuyết của Kafka là những tiểu thuyết ít cuồng loạn nhất trong toàn bộ lịch sử văn học).
Các nhà viết tiểu sử không biết rõ cuộc sống tình dục của chính vợ họ, nhưng họ tưởng biết rõ cuộc sống tình dục của Stendhal hay của Faulkner. Tôi chỉ dám nói về cuộc sống ấy của Kafka mỗi một điều này: đời sống tình dục (không quá dễ dãi) thời ông chẳng giống mấy với thời chúng ta; các cô gái trẻ ngày ấy không ngủ với trai trước khi cưới; đối với một người độc thân chỉ còn có hai khả năng: các bà đã có chồng trong các gia đình tử tế hay các người đàn bà dễ dãi ở các tầng lớp dưới: những chị bán hàng, vú em và, đương nhiên, các gái điếm.
Trí tưởng tượng trong các tiểu thuyết của Brod tìm lấy chất liệu cho mình ở nguồn thứ nhất, từ đó mà có những cảnh hứng dục kích động, lãng mạn (những vụ cắm sừng thảm thương, tự vẫn, ghen tuông bệnh lý) và vô tính dục: “Phụ nữ nhầm khi tin rằng một người bạn tình chỉ coi trọng việc chiếm đoạt thể xác. Ðấy chỉ là một biểu tượng và còn xa lắm nó mới quan trọng ngang được với cái tình cảm đã biến đổi nó đi. Tất cả tình yêu của người đàn ông là nhằm chiếm được sự khoan dung (theo nghĩa đích thực của từ này) và lòng nhân từ của người đàn bà.” (Vương quốc thần diệu của tình yêu)
Tưởng tượng hứng dục trong các tiểu thuyết của Kafka, ngược lại, chỉ chuyên chú tìm chất liệu ở nguồn kia: “Tôi đi qua trước nhà thổ mà như đi qua trước nhà người yêu dấu.” (nhật ký, 1910, câu bị Brod duyệt cắt)
Các tiểu thuyết đầu thế kỷ XIX, tuy biết phân tích với tài năng bậc thầy mọi chiến lược yêu đương, lại vẫn che giấu chuyện tính dục và hành vi tính dục. Trong những thập niên đầu của thế kỷ chúng ta, tính dục bước ra khỏi cõi mù sương của niềm đam mê lãng mạn. Kafka là một trong những người đầu tiên (đương nhiên, cùng với Joyce) phát hiện ra nó trong các tiểu thuyết của ông. Ông không bóc lộ tính dục như là đất chơi giành riêng đám nhỏ những kẻ phóng đãng (theo lối hồi thế kỷ XVII), mà như là thực tại vừa tầm thường vừa căn bản trong cuộc sống mỗi con người. Kafka bóc lộ ra các phương diện hiện sinh của tính dục: tính dục chống lại tình yêu; sự lạ thường của người khác như là điều kiện, như là đòi hỏi của tính dục; tính nước đôi của tính dục: các khía cạnh kích thích cùng lúc gây kinh tởm của nó; sự vô nghĩa kinh khủng của nó mà chẳng hề làm giảm quyền lực đáng sợ của nó v.v.
Brod là một nhà lãng mạn. Ngược lại, ở cơ sở các tiểu thuyết của Kafka tôi nghĩ có thể nhận ra một thứ phản-lãng mạn sâu xa; nó hiển lộ ra khắp chỗ: trong cách Kafka nhìn thấy xã hội, cũng như trong cách ông cấu trúc một câu; nhưng có thể nguồn gốc của nó nằm ngay trong cách nhìn của Kafka đối với tính dục.
6.
Anh chàng Karl Rossmann (nhân vật chính của Châu Mỹ) bị đuổi khỏi nhà bố mẹ và gửi sang Mỹ vì vụ tai nạn ăn ở với người hầu gái khiến anh ta “trở thành bố”. Trước cuộc giao hoan: “Karl, ôi Karl của em!” người hầu gái kêu lên “trong khi anh ta thì chẳng nhìn thấy gì cả và lấy làm khó chịu trong cái mớ chăn chiếu nóng sôi mà hình như cô ta đặc biệt dồn lại đấy cho anh ta...” Rồi, cô “lay lấy anh, nghe tiếng tim anh đập, đưa ngực mình ra cho anh cũng nghe tiếng tim cô như vậy.” Rồi cô “sục vào giữa hai chân anh theo cái cách kinh tởm cho đến nỗi Karl phải ló đầu và cổ ra khỏi gối mà vùng vẫy.” Cuối cùng, “cô ẩy bụng mình vào anh mấy lần, anh có cảm giác cô là một phần của chính anh và có thể chính vì thế mà một nỗi khốn quẫn kinh tởm xâm chiếm lấy anh.”
Cảnh giao hợp tầm thường đó là nguyên cớ của mọi sự sẽ tiếp diễn, trong cuốn tiểu thuyết. ý thức rằng số phận của ta bắt nguồn từ một nguyên cớ vô nghĩa thật đáng suy sụp tâm thần. Nhưng mọi phát hiện về một sự vô nghĩa bất ngờ cũng đồng thời là ngọn nguồn của cái hài. Post coitum omne animal triste. Kafka là người đầu tiên mô tả cái hài của nỗi buồn đó.
Cái hài của dục tính: ý tưởng không thể chấp nhận đối với những tín đồ thánh giáo cũng như đối với những kẻ tân - phóng đãng. Tôi nghĩ đến D.H. Lawrence, đến người ca ngợi éros ấy, người tuyên truyền cho sự giao hợp ấy, trong cuốn Người tình của phu nhân Chattaerley, tìm cách phục hồi danh dự cho cái tính dục bằng cách làm cho nó trở thành trữ tình. Nhưng tính dục trữ tình thì còn đáng cười hơn là chủ nghĩa tình cảm trữ tình thế kỷ trước nhiều lắm.
Viên châu báu hứng dục của cuốn Châu Mỹ là Brunelda. Cô đã quyến rũ Federico Fellini. Từ lâu, ông đã mơ tưởng làm một bộ phim từ cuốn Châu Mỹ, và trong Intervista ông đã cho ta thấy cảnh phân vai cho bộ phim mơ tưởng đó: nhiều ứng cử viên khó có thể tin được đã thử vai Brunelda, do Fellini chọn với cái thú dồi dào ta thường biết ở ông. (Nhưng tôi nhấn mạnh: cái thú đó, Kafka cũng dồi dào như vậy. Bởi Kafka không có đau khổ vì chúng ta đâu! Ông đã lấy làm vui thú vì chúng ta!)
Brunelda, người nữ ca sỹ, cái cô nàng “rất đỗi tế nhị” “mắc bệnh thấp khớp ở chân”. Brunelda có đôi bàn tay nhỏ béo, cằm đôi, “to béo quá mức”. Brunelda, ngồi, chân dạng ra, “gắng sức ghê gớm lắm, đau đớn nhiều lắm và cứ phải thường dừng lại nghỉ” cúi xuống để “kéo lấy cho được cái mép phía trên đôi bít tất của mình”. Brunelda “vén chiếc áo váy của mình lên, dùng các đường viền váy mà lau khô mắt cho Robinson đang khóc”. Brunelda không thể bước lên được hai hay ba bậc cấp và phải bế lên - cảnh tượng khiến Robinson xúc động cho đến nỗi, suốt đời, anh sẽ còn than thở mãi: “Ôi nàng đẹp biết chừng nào, người đàn bà ấy, nàng đẹp biết bao!” Brudelda đứng trong bồn tắm, trần truồng, được Delamarche tắm cho, than thở, rên rỉ. Brunelda nằm dài trong chính cái bồn tắm ấy, giận dữ và dùng nắm tay mà đấm vào nước. Brunelda mà hai người đàn ông mất hai tiếng đồng hồ mới đưa được xuống cầu thang để dặt nằm trên chiếc ghế bành có bánh xe lăn Karl sẽ đẩy đi qua suốt thành phố lớn đến một nơi bí mật, hẳn là một nhà thổ. Brunelda, trong chiếc xe ấy, phủ kín người một tấm khăn choàng, đến nỗi một viên cớm tưởng là một chiếc bao tải đựng khoai tây.
Ðiều mới mẻ trong bức họa vẽ cái xấu to đùng ấy, là nó hấp dẫn; hấp dẫn một cách bệnh hoạn, hấp dẫn một cách lố bịch, nhưng mà hấp dẫn; Brunelda là một con quái vật của tính dục ở ranh giới của cái kinh tởm và cái kích thích, và những tiếng kêu thán phục của các người đàn ông không chỉ buồn cười (chúng là buồn cười, đương nhiên rồi, dục tính là buồn cười!) mà đồng thời còn hoàn toàn thật. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên là Brod, kẻ thờ phụng lãng mạn phụ nữ, với ông giao hợp không phải là hiện thực mà là “biểu tượng của tình cảm”, chẳng có thể thấy chút gì là thật ở Brunelda, không một chút cái bóng của một kinh nghiệm có thật, mà chỉ là sự mô tả “những hình phạt khủng khiếp giành cho những ai không đi theo con đường đúng”.
Cảnh kích dục hay nhất Kafka đã viết, là ở chương ba cuốn Lâu đài: hành vi yêu đương giữa K. và Freida. Mới chỉ một giờ sau khi nhìn thấy cái “cô bé tóc hoe chẳng ra sao” đó, anh ta đã ôm siết lấy cô đằng sau cái quầy “giữa những vũng bia và bao nhiêu thứ dơ bẩn khác trên sàn nhà”. Sự dơ bẩn: không thể tách rời với tính dục, với bản chất của nó.
Nhưng, liền ngay sau đó, trong cùng một đoạn văn, Kafka cho ta nghe thấy chất thơ của tính dục: ”ở đây, hằng giờ, hằng nhiều giờ trôi qua, nhiều giờ hơi thở trộn vào nhau, tim cùng nhịp đập, nhiều giờ liền K. không ngừng có cảm giác mình lạc bước, hay là anh đang ở xa hơn trong cái thế giới xa lạ không một ai trước anh ta từng đến, trong một thế giới xa lạ nơi thậm chí không khí không còn chút thành phần quê hương nào, nơi ta đến ngạt thở vì những sự lạ thường và nơi ta chẳng thể làm gì được cả, ở giữa những quyến rũ điên rồ, ngoài việc tiếp tục đi mãi, lạc xa mãi.”
Ðộ dài của cuộc giao hợp biến thành ẩn dụ của một cuộc đi dưới một bầu trời những sự lạ thường. Tuy nhiên cuộc đi đó không phải là cái xấu; ngược lại, nó lôi kéo ta, nó mời gọi ta đi xa nữa, nó khiến ta say: nó là cái đẹp.
Vài dòng bên dưới: “anh ta quá hạnh phúc được giữ lấy Freida trong tay mình, quá hạnh phúc một cách đầy lo âu nữa bởi cứ ngỡ như Freida buông anh ta ra thì tất cả những gì anh có cũng đều từ bỏ anh hết”. Tức là kể cả tình yêu? Nhưng không, tình yêu thì không; nếu ta bị trừ bỏ và truất hết mọi thứ, thì một người đàn bà bé nhỏ mới biết đấy thôi, ta ôm giữa các vũng bia, cũng đủ trở thành một vũ trụ - không có chút can dự nào của tình yêu.
8.
André Breton trong Tuyên ngôn của chủ nghĩa siêu thực của ông tỏ ra nghiêm khắc với nghệ thuật tiểu thuyết. Ông chê trách nó chất đầy một cách không cứu chữa được những điều tầm thường, xoàng xĩnh, tất cả những thứ trái ngược với chất thơ. Ông coi thường các cảnh miêu tả cũng như cái tâm lý học buồn chán của nó. Tiếp liền ngay sau vụ phê bình tiểu thuyết đó, là cuộc khen ngợi các giấc mơ. Rồi, ông tóm tắt lại: “Tôi tin ở sự chuyển dạng tương lai của hai trạng thái, bề ngoài trái ngược nhau đến thế, là mộng và thực, thành một thực tại tuyệt đối, thành cái siêu thực, nếu ta có thể gọi như vậy.”
Nghịch lý: “sự chuyển dạng của mộng và thực”, được các nhà siêu thực tôn xưng mà chẳng biết cách thực sự thực hiện trong một tác phẩm văn học lớn, kỳ thực đã có rồi và đích xác là ở trong chính cái thể loại họ gièm pha đó: trong các tiểu thuyết của Kafka viết vào thập niên trước.
Hết sức khó mô tả, định nghĩa, gọi tên cái lối tưởng tượng mà Kafka đã dùng để mê hoặc ta. Hợp nhất của mộng và thực, cái công thức mà Kafka đương nhiên không biết đó, xem ra có vẻ sáng rõ. Cũng như một câu khác của Lautréamont rất được các nhà siêu thực ưa thích nói về cái đẹp trong sự gặp gỡ ngẫu nhiên giữa chiếc ô và cái máy khâu: các sự vật càng xa lạ với nhau bao nhiêu thì nguồn sáng bắn ra từ sự tiếp xúc của chúng với nhau càng thần diệu bấy nhiêu. Tôi thích nói về một chất thơ của sự bất ngờ; hay về vẻ đẹp như là niềm ngạc nhiên thường trực. Hoặc giả sử dụng, làm tiêu chuẩn của giá trị, khái niệm mật độ: mật độ của sự tưởng tượng, mật độ của những cuộc gặp gỡ không chờ đợi. Cái cảnh, tôi đã dẫn ra ở trên, về cuộc giao hợp giữa K. và Freida là một ví dụ về mật độ chóng mặt đó: đoạn văn ngắn, chỉ gần một trang, bao gộp ba khám phá hiện sinh hoàn toàn khác nhau (cái tam giác hiện sinh của tính dục) khiến ta kinh ngạc về sự nối tiếp tức thì của chúng: sự dơ bẩn; vẻ đẹp đến say người của sự lạ thường; và niềm nuối tiếc cảm động và lo âu.
Cả chương thứ ba là một cơn lốc những bất ngờ: cuộc gặp gỡ đầu tiên của K. và Freida trong một quán trọ; cuộc đối thoại hiện thực kỳ lạ của vụ quyến rũ được ngụy trang vì có mặt người thứ ba (Olga); mô-típ lỗ thủng ở cánh cửa (mô-típ tầm thường nhưng vượt ra ngoài sự giống như thực kinh nghiệm chủ nghĩa) qua đó K. nhìn thấy Klamm ngủ sau chiếc bàn giấy của ông ta; đám người ở nhảy với Olga; sự hung dữ kỳ dị của Freida cầm một cây roi mà đuổi họ đi và họ vâng lời một cách sợ hãi kỳ dị; người chủ quán bước vào trong khi K. trốn bằng cách nằm dài ra sau chiếc quầy hàng; Freida đến và phát hiện ra K. đang nằm ngay dưới đất và chối với người chủ quán là chẳng có ai ở đây cả (trong khi đưa bàn chân yếm vuốt ve lên ngực K.); cuộc làm tình bị tiếng gọi của Klamm, vừa thức dậy, ở sau cánh cửa cắt đứt; hành động can đảm lạ lùng của Freida thét lên với Klamm “Tôi đang ở với “chàng nhân viên đo đạc” đây!”; và rồi, cực điểm (đến đây, ta hoàn toàn vượt ra khỏi sự giống như thực kinh nghiệm chủ nghĩa): ở phía trên họ, trên quầy hàng, hai người giúp việc đang ngồi; chúng theo dõi họ trong suốt thời gian đó.
Hai người giúp việc ở tòa lâu đài quả là sự khám phá mang tính thơ lớn nhất của Kafka, kỳ công của sự tưởng tượng của ông; không chỉ vì sự tồn tại vô cùng đáng kinh ngạc của nó, mà hơn nữa, đầy đặc ý nghĩa: đấy là những tên đe dọa phát giác khốn khổ, những kẻ quấy rầy; nhưng chúng cũng đại diện cho toàn bộ cái “hiện đại tính” đáng sợ của thế giới lâu đài: chúng là bọm cớm, phóng viên, phó nháy: viên chức của cuộc hủy hoại hết sạch đời sống riêng tư; chúng là những tên hề ngây thơ đi qua sân khấu của tấn kịch; nhưng chúng cũng là những kẻ nhìn trộm tà dâm mà sự hiện diện phả vào toàn bộ cuốn tiểu thuyết cái hơi hướng tính dục của một sự lăng loàn chung chạ dơ bẩn và hài hước kiểu Kafka.
Song nhất là: việc sáng chế ra hai kẻ giúp việc ấy như một chiếc đòn bẩy đưa câu chuyện lên cái lĩnh vực ở đó mọi thứ đều thực và phi thực, khả dĩ và bất khả dĩ một cách kỳ lạ. Chương mười hai: K., Freida và hai người giúp việc của họ tạm trú trong một lớp học sơ cấp mà họ đã biến thành phòng ngủ. Cô giáo và đám học sinh vào lớp đúng lúc cái hộ kỳ quặc đó bắt đầu làm vệ sinh buổi sáng; đằng sau những tấm chăn treo trên các xà ngang, họ đang mặc lại quần áo, trong khi bọn trẻ, thích thú, kích thích vì tò mò, thóc mách (cả chúng cũng nhìn trộm) đang theo dõi họ. Thật còn hơn cuộc gặp gỡ giữa một chiếc ô với một cái máy khâu. Ðấy là cuộc gặp gỡ bất lịch sự một cách lộng lẫy của hai không gian: một lớp học sơ cấp và một phòng ngủ.
Cảnh mang tính thơ hài hước mênh mông này (đáng đứng ở hàng đầu của một bộ hợp tuyển nghệ thuật tiểu thuyết hiện đại) là không thể nào tưởng tượng được vào thời kỳ trước Kafka. Hoàn toàn không tưởng tượng được. Tôi nhấn mạnh thế để nói lên tất cả tính triệt để cuộc cách mạng mỹ học của Kafka. Tôi nhớ lại một cuộc nói chuyện, hai mươi năm trước, với Gabriel Garcia Marquez, ông bảo tôi: “Chính Kafka đã làm cho tôi hiểu là có thể viết khác đi.” Nói cách khác, điều đó có nghĩa là: vượt qua biên giới của cái giống như thật; không phải để trốn khỏi thế giới thực (theo kiểu các nhà lãng mạn) mà để hiểu thấu nó hơn.
Bởi vì, thấu hiểu thế giới thực vốn là nằm trong chính định nghĩa của tiểu thuyết; nhưng làm thế nào thấu hiểu được nó và cùng lúc mải mê với một trò tưởng tượng phóng túng mê hồn? Làm sao có thể nghiêm nhặt trong sự phân tích thế giới đồng thời lại tự do một cách vô trách nhiệm trong những mơ mộng hão huyền có tính trò chơi? Làm sao thống nhất được hai mục đích không tương hợp ấy? Kafka đã giải câu đố rộng lớn đó. Ông đã mở ra lỗ hổng trên bức tường của sự giống như thật, cái lỗ hổng qua đó nhiều người khác đã đi theo ông, mỗi người theo cách của mình: Fellini, Marquez, Fuentes, Rushdie. Và nhiều người, nhiều người khác.
Thôi thì quẳng đi, cái vị thánh Garta! Chiếc bóng bị hoạn của ông đã che mất một trong những nhà thơ lớn nhất của tiểu thuyết mọi thời đại.
(Nhà xuất bản Văn hoá thông tin- Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội 2001)
-----------------------------------
[1] Lời (La parole): đây ý nói là lời Chúa. Như trong Kinh thánh viết: Lời Chúa là lẽ thật.