Phần 2

     hi Tuấn và Thu Hằng nắm tay nhau, đứng giữa phòng của Lộc tuyên bố trước các bạn về việc hai người sắp làm lễ đính hôn, thì cả bọn thật vui mừng hú lên toáng cả nhà.
Lộc ông ổng:
- Già này đến sau mà hoá ra... ghê quá, khôn thật. Tôi phục già. Già nhanh tay quá. Có lẽ bọn tôi cũng phải đi theo đường của già là vừa, nếu không sẽ ân hận cả đời.
Vừa nói Lộc vừa nhìn Ái Trinh. Ái Trinh đỏ mặt lên sung sướng.
Các cô nhẩy vào vừa ôm vừa mừng, vừa nhéo đùa vào má Thu Hằng.
- Ghê quá, bà này kín như cái hũ. Khiếp chưa. Tẩm ngẩm tầm ngầm, hai ông bà nháy nhó nhau từ lúc nào, tụi này chẳng hay biết gì cả. Ghê thật. Tháng tới đám hỏi rồi chừng nào đám cưới đây? Phải cho biết, để tụi này còn đi may áo mới chứ.
Thu Hằng sung sướng nhìn sang Tuấn. Anh nhanh nhẩu:
- Tôi thì muốn cưới luôn tức thì, nhân khi mẹ tôi khá hơn, nhưng gia đình bên Thu Hằng còn muốn để qua sang năm.
Thu Hằng sung sướng cười đỏ cả mặt. Nàng e thẹn lại tăng thêm duyên dáng. Tuấn vui vẻ tiếp:
- Tôi nghĩ sẽ không đợi sang năm đâu. Lâu chết người đi.
Anh nhìn sang người yêu cười rồi rất hồn nhiên cúi hôn trên tóc nàng:
- Nhân thể tôi nhờ hai già luôn. Già Lộc và già Khánh làm phù rể cho tôi. Thu Hằng, em nhờ cô nào làm phù dâu cho em đi nghe.
Bích Thuỷ nhanh nhẩu:
- Thì Ái Trinh với Thuý Vân chứ ai vào đây. Tôi là không được rồi. Vì tôi còn mắc làm bánh cưới tặng hai ông bà. Không có thì giờ kiêm đủ thứ. Thu Hằng không nhờ, tôi cũng xí chân làm bánh cưới tặng ông bà mà.
Tuấn nói:
- Thế thì nhất cô rồi còn gì.
- Thế đã in thiệp chưa? Cho cái lễ đính hôn này này?
Ái Trinh hỏi và tiếp:
- Mình biết có chỗ in rẻ mà đẹp. Nếu cần, mình giới thiệu cho.
Thu Hằng dịu dàng:
- Mấy bồ biết không, ngay hôm giới thiệu làm quen, anh Tuấn đưa bọn mình về vì trời mưa to, mình hỏi anh Tuấn xuất xứ từ miền nào và họ gì, vì anh Lộc có đả động gì đến « lý lịch » của bạn đâu, anh ấy dám đùa dai bảo cũng họ Trần giống mình. Hoá ra họ Nguyễn Phúc, xa xửa xa xưa các cụ tổ từ ngoài Bắc di cư vào miền Nam, chắc từ thời các chúa Nguyễn, nhưng không dính dấp gì đến hoàng tộc đâu, rồi ở Đà Lạt từ mấy mươi đời vương. Bảo sao cái giọng của anh ấy chẳng lạ quá. Anh ấy bảo giọng Đà Lạt như thế đấy, mấy bồ biết không? Sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt mà. Thành thử cái giọng lai đủ mọi miền, chẳng giống ai cả, tức cười ghê đi.
Mấy cô trêu ghẹo, ráng bắt chước giọng Tuấn rồi lăn ra cười. Đang ngặt nghẽo, chợt Ái Trinh khựng lại, mặt nghiêm trọng thật sự. Nàng nhỏ giọng, mắt nhìn về phía ba người con trai đang vui cười:
- Thu Hằng này, mình nói thật nghe, bồ đã gập gia đình ông Tuấn rồi chứ gì? Có thấy dễ thở không, chứ mình thấy ông Tuấn tối ngày phải lo cho bà cụ. Mình ngại cho bồ rồi đấy nhé. Làm dâu trưởng gia đình như thế không phải dễ đâu. Ngán lắm đó. Sao mà bồ gan cóc tía thế?
- Thôi đi bà. Đừng khủng bố tinh thần, làm cho Thu Hằng nó sợ. Hơn nữa, nhiều khi chỉ sợ hão huyền. Cũng tuỳ từng gia đình chứ. Dân Bắc mình cũng có người hắc ám bỏ xừ đi ấy. Nói chung là bất cứ ai, nếu ăn ở biết điều với nhau thì tránh được nhiều rắc rối, có phải không?
Bích Thuỷ thẳng thắn. Thuý Vân hỏi:
- Bích Thuỷ nói đúng rồi. Thế đám cưới xong, hai bồ ở đâu? Có ở chung với bên chồng không? Nói thật, dù sao chăng nữa, Thu Hằng nên nói ông Tuấn là ở riêng ngay từ đầu đi. Làm cách gì cũng có chuyện cho mà xem. Hai bên biết điều mấy cũng vẫn có lúc không vừa ý nhau. Ở sao cho vừa lòng người chứ? Cho nên thượng sách vẫn là ở riêng. Dắt nhau về thăm hỏi thường thường cả hai bên cha mẹ là lý tưởng nhất.
Thu Hằng mơ màng:
- Mình cũng nghĩ sẽ ra ở riêng ngay. Bản tính anh Tuấn và mình cũng không muốn nhờ vả cha mẹ. Tụi mình sẽ tự lập thân. Cha mẹ đã lo nhiều rồi. Bây giờ mình thấy đủ lớn để tự lo được rồi.
Đám hỏi và đám cưới Thu Hằng và Tuấn chỉ cách nhau ba tháng. Tuấn không chịu đợi nguyên một năm. Tháng tám đám hỏi, tháng mười một đám cưới. Lễ cưới thật giản dị nhưng chu đáo. Đầy đủ lễ nghi. Một phần cũng vì bà mẹ của Tuấn đau ốm liên miên. Chẳng thiết gì và chẳng còn sức đâu bầy vẽ. Tiệc trà ở câu lạc bộ An Đông. Khi các bậc tiền bối ra về thì đám hậu sinh lo đến màn văn nghệ và dạ vũ. Sau khi cô dâu chú rể nhẩy bản nhạc đầu thì bạn bè ùa ra thật đông vui.
Đột nhiên chẳng hiểu ai yêu cầu, cô ca sĩ có mái tóc dài, phía trước trán cắt ngắn, trông hơi giống búp bê, bỗng cất giọng nũng nịu hát bản Ngăn Cách. Nhiều người ồ lên, có tiếng người huýt sáo phản đối. Đám cưới người ta mà lại hát ngăn cách. Kỳ quá. Nhưng ca sĩ cứ cất tiếng:
- « Từ ngày mai ngăn cách, hết rồi là khi đưa đón. Có mấy ai không buồn những khi chưa tròn thương mến. Em lên xe hoa rồi, biết rằng sầu để một người. Rượu hồng chẳng được say mà đành lòng nếm chua cay ».
Thu Hằng còn đang lúng búng trong miệng miếng bánh cưới nhét vội nhét vàng, vì từ sáng và nhất là từ đầu bữa đến giờ nàng không ăn được gì, bận rộn tíu tít lại thêm vui quá nữa, thì bỗng có bóng người đứng ngay trước mặt.
Ngửng lên, Thu Hằng giật thót cả người, ngạc nhiên tột cùng.
Bóng người đó là Quyền.
Không hiểu tại sao anh ta có mặt ở đây. Có thể anh thuộc bên họ nhà trai? Có thể anh quen Tuấn? Có thể và chẳng lẽ anh chẳng quen ai, nhưng vẫn đến dự dám cưới Thu Hằng vì đọc trong báo thấy thiệp báo tin? Bây giờ Quyền can đảm hơn vì... dám đứng nhìn nàng mà không đỏ mặt tìm đường chuồn như ngày xưa. Quyền đứng ngay trước mặt Thu Hằng và... rất xâm mình hơn nữa... dám mời nàng nhẩy phần sau của bản nhạc Ngăn Cách này, khi cô ca sĩ hát trở lại. Quyền khác hẳn Quyền ngày xưa. Có thể đời lính, vì chắc chắn Quyền đã bị kêu lính, mới bặt vô âm tín như thế và ngày nay mới... dạn dĩ như vậy. Ánh mắt của Quyền dường như muốn nói những lời mà bản nhạc đang ngân vang lên... « Từ ngày mai ngăn cách, hết rồi là khi đưa đón... Có mấy ai không buồn những khi chưa tròn thương mến. Em lên xe hoa rồi, biết rằng sầu để một người. Rượu hồng chẳng được say mà đành lòng nếm chua cay ».
Tuy rất ngạc nhiên, nhưng Thu Hằng vẫn lịch sự chào Quyền và theo Quyền ra sàn nhẩy. Bàn tay Quyền hơi run rẩy nhẹ nắm tay nàng, và vòng tay đang giữ lưng Thu Hằng thì thật ấm gần như nóng hổi. Anh không nói lời nào cả. Hình như mượn lời bài hát nói hộ lòng anh. Bản nhạc dứt. Quyền lí nhí câu cám ơn rồi quay trở đi luôn. Cho đến suốt bữa tiệc, không thấy Quyền đâu nữa cả.
Từ khi biết Quyền ở trường sinh ngữ đến hôm nay, bây giờ trong bữa tiệc cưới mình, sau khi cầm tay nhau lần đầu và lần cuối, Quyền không hề nói với Thu Hằng tiếng nào. Thu Hằng không thể ngờ được sau nhiều năm xa lớp sinh ngữ, có lúc Quyền đã biến mất không một tin tức nào, bây giờ nàng lại gặp Quyền, một người khác hẳn, nhưng có một điều không đổi khác, Thu Hằng không ngờ mối tình của Quyền sâu đậm đến thế. Và nỗi buồn của Quyền cũng sâu đậm như lời bài hát ấy. Thu Hằng đưa mắt tìm thêm lần nữa, nhưng Quyền đã đi mất sau khi trả nàng về chỗ của cô dâu.
Nội dung lá thư mầu xanh Thu Hằng cất trong hộp bỗng trở về trong trí nhớ. Đã quá lâu rồi... Chẳng lẽ tác giả lá thư là Quyền? Chắc chắn chẳng bao giờ Thu Hằng biết được ai là tác giả lá thư rất nồng nàn ấy.
Ngay sau đám cưới Tuấn và Thu Hằng, mọi người nhận thấy Khánh ít chịu tụ họp như xưa. Khánh đưa ra nhiều lý do để từ chối đi chơi chung. Một hôm Lộc cho cả nhóm biết Khánh có bồ. Anh thấy Khánh chở một cô khá xinh. Mọi người cho rằng vì cô gái đó không ở trong nhóm bạn cũ, nên Khánh thưa gặp các bạn. Tuy thông cảm, nhưng mọi người vẫn cảm thấy thích thú hơn nếu như Khánh giới thiệu người bạn gái với cả bọn hơn là tách ra. Họ đòi Khánh giới thiệu « người đẹp của anh » nhưng Khánh cứ hẹn lần hẹn lữa. Xưa nay Khánh ít nói. Bây giờ càng ít nói hơn và có khuynh hướng xa lánh bạn bè. Ai cũng hơi buồn trong lòng và cứ nghĩ tại vì cô bồ của Khánh không chịu hoà mình. Nhóm Lục Tào Xá bớt những vui nhộn thuở hồn nhiên xưa.
Bích Thuỷ buông:
- Bây giờ lục tào xá bị trở rồi, lên men rồi, vữa mất rồi. Chán quá. Mấy ông bà làm sao thì làm. Đang vui như thế. …
Đến lượt Lộc và Ái Trinh lấy nhau sau đám cưới Tuấn sáu tháng. Cả bọn lại có dịp vui đùa và nhắc những kỷ niệm xưa. Cái buồn vì Khánh xa cách được tạm thời quên đi. Bích Thuỷ lại có dịp trổ tài làm bánh cưới. Khánh vẫn làm phù rể cho Lộc. Nhưng Thuý Vân không nhận làm phù dâu cho Ái Trinh. Đến lúc này mọi người mới nhận thấy mối tình tuyệt vọng nơi Thuý Vân dành cho Khánh. Nàng yêu Khánh, nhưng Khánh lại có người khác mất rồi. Hơn nữa, Khánh lại chẳng còn muốn gặp ai nữa cả.
Ít lâu sau đám cưới Ái Trinh và Lộc, Khánh tìm gặp Lộc thì thào vài câu rồi dắt nhau ra khỏi nhà. Ái Trinh rất áy náy. Thật khuya, mưa còn to, Lộc về. Anh nhẹ chân vào phòng, rón rén ngả người bên vợ. Trong bóng mờ của căn phòng, Lộc ngắm khuôn mặt vợ. Cảm thấy anh có nhiều may mắn. Tình yêu dạt dào của anh được đền đáp. Cuộc tình của anh thật dịu dàng, thật kín đáo và bây giờ cuộc sống vợ chồng của anh cũng thật đẹp. Lộc đưa tay vuốt tóc vợ. Ái Trinh tỉnh giấc, mở mắt nhìn chồng. Thật ra nàng không ngủ hẳn. Cứ chập chờn suốt từ chập tối khi Khánh đến rủ Lộc đi. Xưa nay không bao giờ Lộc đi dâu mà không cho vợ biết. Hôm nay hẳn phải có gì quan trọng lắm.
Lộc chậm rãi:
- Em biết không? Khánh rủ anh ra ngoài quán để kể chuyện của nó. Ai ngờ Khánh kín thế. Em có biết Khánh yêu Thu Hằng không? Bọn mình chơi với Khánh từ bao lâu nay mà không thể ngờ Khánh yêu Thu Hằng sâu đậm đến nỗi bây giờ nó không muốn gặp nhau nữa chỉ vì Thu Hằng lấy Tuấn. Đi chơi chung Khánh nó đau khổ thêm. Hèn nào. Rồi em cũng biết sau này Khánh có đi chơi với cô nào ngoài nhóm mình phải không? Cũng vì nó muốn tách hẳn ra để... quên Thu Hằng, nó hy vọng thế. Quên thì chưa biết đã quên được chưa, nhưng có lẽ nó kẹt rồi. Cái cô mà anh thấy nó chở đi chơi mấy lần đó vừa cho nó biết cô ta có bầu vài tháng rồi. Thành thật mà nói, Khánh nó không hoàn toàn chắc là con của nó. Cô kia không phải... Nhưng Khánh lại có tinh thần trách nhiệm cao. Có lẽ nó sẽ nhận là con của nó và sẽ lấy cô kia đàng hoàng. Nó muốn như vậy. Tất nhiên nó biết chắc chắn bà cụ nó sẽ làm toáng lên. Em bảo con một nhà giầu mà. Nhưng Khánh nói nếu cụ từ nó thì nó đành chịu thôi, nó không thể bỏ cô kia với cái thai được. Kẹt thật em ạ. Anh không biết phải khuyên nó ra sao.
Lộc thở dài. Ái Trinh điếng hồn. Ngồi hẳn lên, lưng tựa vào đầu giường. Lộc cũng ngồi dậy.
- Trước đây, em cũng thấy Khánh có vẻ để ý Thu Hằng, nhưng cảm nhận này cũng chỉ rất mơ hồ thôi, còn hình như Thu Hằng thì không, cứ tỉnh bơ rất hồn nhiên. Bọn mình khi đó còn... trẻ con quá mà... Ngay như anh với em...
- Cũng tại vì tụi mình lo yêu nhau, có phải vậy không em? Mình còn biết nhận định gì về ai nữa đâu phải không vợ của anh?
Ái Trinh nhoẻn miệng cười, nhìn Lộc âu yếm. Nàng cảm thấy rõ ràng hạnh phúc của mình.
- Nhưng sau khi Thu Hằng lấy ông Tuấn thì em nhận thấy ngay. Em không ngờ anh chàng Khánh lại yêu ghê gớm thế. Ngay hôm làm phù rể, Khánh đã có vẻ không vui rồi. Anh không nhớ là Khánh từ chối sao? Mãi sau chính anh phải thuyết phục, bảo nhận lời đi vì cả ba người bạn quen thân nhau rồi thì sẽ lý thú hơn. Vả lại trong nhóm, Tuấn là người lấy vợ trước tiên, có hai người bạn thân, không làm phù rể thì ai vào đấy. Anh nhớ chứ phải không?
- Ờ, anh nhớ chứ.- Nhưng không ngờ Khánh có phản ứng nguy hiểm như thế. Đã nghi ngờ không phải con mình mà vẫn lấy cô kia thì nguy quá rồi. Sao lại « chịu chơi » kiểu dại dột thế? Ông ấy không nghĩ rằng cô ta thấy ông ấy con nhà giầu, lại con một, nên làm tới để trục lợi. Nhiều khi cô ta gài ông ấy đấy. Anh có nói rõ như thế với ông ấy không?
- Thì anh cũng nói y như em. Anh còn bảo nó bắt đi thử máu đi. Nó nói làm như thế tội nghiệp cô kia. Lỡ không phải con nó thật, cô kia sẽ bơ vơ, đứa bé sẽ khổ. Nó còn bảo thử máu chưa chắc đã đúng. Cho nên nó không cần thử máu, coi như không đặt vấn đề con ai. Chỉ còn vấn đề đám cưới hay không mà thôi. Nhưng dù sao nó băn khoăn quá nên mới thú thật với anh. Dặn anh kín miệng. Nhưng làm sao anh không cho em biết được? Nó còn nói đáng lẽ nó không nên tâm sự với anh, cứ xúc tiến đám cưới. Anh nghĩ, dù sao việc quan trọng quá, nên nó cũng hơi sợ.
- Thật lôi thôi quá. Chết rồi, chẳng lẽ ông ấy nhất quyết lấy cô kia thật à? Tốt bụng gì mà lại tốt dại dột như thế cơ chứ? Em chưa từng thấy ai tốt bụng kiểu ông Khánh. Thường thường đàn ông khi thấy thế là quất ngựa truy phong thì đúng hơn. Chuyện vợ chồng chứ đâu phải chuyện qua đường. Đâu phải chỉ có chuyện nhìn nhận đứa bé phải không? Còn chuyện ăn đời ở kiếp với nhau nữa chứ.
- Thì anh cũng cắt nghĩa hết hơi như thế. Nó đã có quyết tâm rồi. Có điều nó nói cho mình biết là để xem quyết tâm của nó mạnh đến đâu. Hễ đã có can đảm nói ra thì sẽ phải làm đúng như thế. Có trời mà cản nó.
- Nhưng em không hiểu ông Khánh. Thuý Vân nó mê ông ấy như thế. Cả bọn ai mà không biết. Em nghĩ ông ấy không mù quáng gì mà không biết. Bạn với nhau từ bao nhiêu năm. Sao ông ấy lại đi lấy một người chỉ thương hại mà không yêu như thế? Thật là rắc rối. Em không hiểu nổi. Hoàn toàn không hiểu nổi. Xưa kia ông ấy có phản ứng kỳ lạ, dại dột như thế không anh?
- Không, Khánh nó sérieux lắm. Không vớ va vớ vẩn với ai bao giờ. Nhưng mà khổ thế đấy. Ngoan ngoãn quá đến khi... lâm trận... thì lại hay lẩm cẩm.
- Tội nghiệp Thuý Vân. Nó mà biết chuyện này, nó còn buồn hơn nữa. Sau đám cưới Thu Hằng, Thuý Vân đã hiểu ông Khánh hơn rồi. Trước đó có lẽ Thuý Vân cũng đoán được, nhưng vẫn hy vọng. Bây giờ thì kể như hỏng hết cả rồi.
Bà mẹ Khánh lôi con trai duy nhất ra mắng cho một trận nên thân. Nhưng Khánh như cây cung đã sẵn sàng chỉ chờ giây phút buông tên. Không thể làm gì khác được. Bà cụ giận dữ, la lối và tuyên bố từ Khánh. Không cho hưởng một chút gia tài nào. Không thông báo đám cưới con trai độc nhất với họ hàng hay thân hữu. Chính bà cũng không tham dự, coi như không có. Gia đình Khánh cự tuyệt hoàn toàn. Đám cưới Khánh không có ai khác ngoài mấy người bạn thân. Lộc là đại diện nhà trai đến đón dâu. Lộc không thích nhưng vì thương Khánh nên đành bắt buộc nhận lời. Vợ chồng Tuấn-Thu Hằng và Bích Thuỷ cũng có mặt cho Khánh an tâm, chứ thật sự ai cũng buồn. Buồn cho Khánh và buồn cho Thuý Vân. Thuý Vân tất nhiên không có mặt. Ai cũng thông cảm và thương nàng hơn. Chẳng hiểu Khánh cảm thấy gì khi biết rõ tình cảm của Thuý Vân dành cho mình?
Đường đi đến nhà gái quanh co trong xóm nhỏ. Xe hơi phải để ngoài đường lớn. Hàng xóm bu đen chung quanh căn nhà. Cửa chính được kết lá dừa thành một vòng cung. Bên trên có gắn tấm bảng lớn chữ bằng kim tuyến đỏ trên nền kim tuyến vàng chói Lễ Vu Quy. Nhà gái không đông lắm, nhưng đôi bên cũng đứng chật căn phòng khách. Bàn ghế được sắp xếp ngay ngắn, khăn trải bàn nylon hoa lá. Những chai nước ngọt và bánh trái được bầy ra. Bàn thờ họ nhà gái rộn ràng hương khói, đèn nến. Đại diện đôi bên dứng lên nói vài lời. Rồi Khánh và cô dâu xì xụp vái lạy bàn thờ tổ tiên. Bữa tiệc đón dâu kéo dài vì ăn nhậu. Trẻ con hàng xóm reo cười trêu ghẹo cô dâu chú rể. Những người hiếu kỳ vẫn chưa chịu rút lui khi mọi người đã ngồi ăn. Bà mẹ cô dâu có lẽ là người cười nói nhiều nhất. Bà có vẻ hể hả. Thật tình cả nhóm Lục Tào Xá cũ, bây giờ chẳng còn thấy gì vui nữa cả. Một thoáng buồn và tiếc những ngày hồn nhiên xưa vương trong mắt mỗi người khi nhìn Khánh an phận đóng vai chú rể. Nhưng hình như Khánh không chỉ an phận, trong Khánh dường như có sự hãnh diện thì phải. Cũng vì thế, các bạn cố làm ra vui để Khánh vui. Riêng Lộc và Tuấn thương bạn thật tình. Ái Trinh, Thu Hằng và Bích Thuỷ cố tạo những nụ cười không gượng gạo.
Tiệc tùng xong, cô dâu theo chú rể ra xe. Đoàn người như đang chơi trò rồng rắn quanh co ra tới bên cạnh cái xe hơi trắng được kết hoa mầu hồng thật xinh xắn. Ra tới ngoài đường, hình như ai cũng thấy nhẹ nhõm cả người. Kể cả cô dâu. Cô bớt hẳn nét cứng ngắc lúc còn ở trong nhà, trước những con mắt tò mò của hàng xóm. Lộc là người đầu tiên cảm thấy thoải mái. Anh mở lời:
- Nào xin mời cô dâu chú rể lên xe. Hôm nay... em xin hết mình phục vụ cô cậu đấy.
Cô dâu rúc rích cười thật nhí nhảnh. Nhìn cô cười hồn nhiên, thấy cô cũng đáng thương. Lộc ngồi vào chỗ tay lái quay lại bảo Khánh:
- Này già, cho tôi bỏ cái của nợ này nhé. Nó làm tôi gần nghẹt thở đây này. Nóng chết người luôn.
Vừa nói Lộc vừa đưa tay gỡ nút cravate ra. Khánh tươi cười. Có lẽ đây là nụ cười thoải mái đầu tiên của chú rể.
- Cứ việc, cứ việc tự nhiên. Chỉ còn có phe ta thôi mà.
Anh quay sang vợ mới cưới nháy mắt một cái. Cô dâu cũng cười, rồi rất tự nhiên, đưa tay nhéo má chồng. Khánh nghiêng đầu tránh né. Lộc thoáng thấy qua kính hậu. Lộc thầm nghĩ, cô gái này cũng thật tội nghiệp. Hơn nữa, trông người cũng hay hay, bảo sao Khánh chẳng nỡ bỏ rơi. Thôi, hơn nữa bọn họ có vẻ thương nhau thật tình. Hy vọng như thế.
Rồi bữa tiệc buổi tối ở nhà hàng lớn cũng qua đi. Một ngày mệt nhọc cả thể xác lẫn tinh thần qua đi. Đêm xuống, nhóm bạn ra về với nỗi bùi ngùi mênh mang.
Một tuần lễ sau đám cưới Khánh, Thuý Vân đi Mỹ du học. Nàng bỏ sở. Hoá ra từ sau khi Thu Hằng lấy Tuấn, cảm nhận thấy tình cảm của Khánh đối với Thu Hằng, Thuý Vân đã âm thầm ghi tên và đã thi đậu một học bổng đi Hoa Kỳ học làm y tá. Học trong ba năm. Chẳng hiểu Khánh có hiểu lý do về vụ đi du học của Thuý Vân hay không? Vì hạnh phúc của Khánh, mọi người không ai bàn tán. Cũng như sau này, mọi người không ai dám bàn tán khi chỉ vài tháng sau đám cưới, con gái Khánh ra đời, giống hệt mẹ nó. Chẳng giống Khánh một mảy may. Và... sau cùng, vì hạnh phúc của Thu Hằng và Tuấn, không ai đả động xa gần nói về mối tình của Khánh dành cho Thu Hằng.
Khi gia đình di cư vào Nam, Thu Hằng mới ra đời, trong suốt thời gian lớn lên ở miền Nam Việt Nam, tuy vừa đi làm vừa vui chơi hồn nhiên và được sống xa chiến tranh, nhưng Thu Hằng không thể thờ ơ với vận mệnh người dân, nhất là những người trai, dính liền với vận mệnh đất nước. Nàng hơi buồn lòng vì những xung đột liên tục trong nước, có vẻ phe cánh nhiều hơn là vì quyền lợi của dân tộc, qua các cuộc ăn vạ, biểu tình, đòi hỏi, bới xấu nhau, liên tục đảo chính, thanh toán nhau... và cho đó là dân chủ. Theo Thu Hằng, nước VN vừa thoát khỏi bàn tay thực dân Pháp, không cho lớn mạnh, vừa lóp ngóp tỉnh dậy sau gần cả trăm năm bị đè đầu cưỡi cổ, vừa bị chia đôi trong tức tưởi của cả một dân tộc, lại vừa hình thành một quốc gia... non trẻ, với những người dân đầy hoang mang và chưa đủ ý thức, với những người cầm quyền chưa biết đích xác phải lèo lái ra sao để đất nước được gọi là tự do, dân chủ. Một mặt chưa đủ vững vàng, một mặt đã muốn vươn mình thành phù đổng, mới một bước vuơn vai đã tưởng có thể đi hia bẩy dậm thật sự ngang bằng được các nước tự do dân chủ từ cả thế kỷ trước. Ai mà chẳng có ước vọng, đất nước nào mà chẳng mong muốn trưởng thành mau lẹ để góp mặt với đời, theo kịp thế giới? Thế nhưng nếu xây dựng một đất nước trên một bãi cát, hay như ông khổng lồ có đôi chân bằng đất sét, thì sẽ lãnh hậu quả ra sao? Ông khổng lồ có đứng vững được lâu không? Muốn lớn mạnh và vững vàng, cần phải có thời gian, để tô bồi, để sửa chữa, để gạn lọc, để sửa soạn, để học hỏi, không thể đốt giai đoạn. Nhiều người ở VN đã muốn đốt giai đoạn vì thế mà vô hình chung đưa đất nước đến chỗ bấp bênh. Mỗi biến cố chính trị hay quân sự quan trọng không đặt trọng tâm vào quyền lợi quốc gia là mỗi viên gạch bị rút bỏ ra khỏi nền móng giữ vững đất nước. Thế mà miền Nam VN, vừa mới phôi thai, đã có biết bao nhiêu viên gạch bị vô tình đập vỡ hay rút ra? Yêu nước một cách hấp tấp quá đã chẳng đem hạnh phúc nào đến cho ai. Ấy là chưa kể đến kẻ thù vong bản, với bản chất tham tàn, luôn luôn chực chờ làm tay sai cho ngoại bang, bán rẻ đất nước, dân tộc, cho cái gọi là « đại đồng thế giới » hoang tưởng.
Ấy là chưa kể đến người gọi là đồng minh nhất thời. Họ có quyền lợi của họ để tranh đấu cho vững vàng, họ có mộng ước của họ để đạt thành, tuy rằng những gì họ tính toán cũng có lợi cho cả thế giới. Nhưng trên bàn cờ chính trị đó, đôi khi họ cần phải đi những nước cờ thí, vô phúc cho đất nước nhược tiểu nào bị làm vật tế thần.

*

- Nếu các bồ muốn thì đi chung với gia đình mình. Chưa biết đích xác ngày giờ nào. Nhưng trễ lắm là tối 29 tháng 4. Ông xã mình đã liên lạc và chuẩn bị chung với mấy ông bạn rồi. Bồ nên liên lạc thường xuyên với mình từ đây đến ngày đó. Có gì là đi ngay. Nhưng đừng mang gì cồng kềnh cả nhé.
Bích Thuỷ thì thào dặn Thu Hằng.
Khắp chung quanh, nhà nhà lo chuẩn bị di tản. Có người chắc chắn sẽ đi xứ nào. Đa số nhắm đi Mỹ. Nhưng cũng có người chỉ chuẩn bị nhưng không rõ sẽ đi đâu. Có thể chỉ nghĩ sẽ đến nơi nào tạm ổn định để tránh chiến tranh mà thôi. Có thể là miền Tây, có thể chỉ ra Vũng Tầu, Bà Rịa hay về quê nội, quê ngoại, nếu quê còn tạm yên. Hoang mang tột cùng. Người dân lương thiện hết ra lại vào, ngơ ngác, lắng nghe tiếng súng, tiếng gầm rú của máy bay. Lắng nghe tiếng xướng ngôn viên đài phát thanh đọc tin chiến sự. Nhưng dân tứ chiếng giang hồ thì sẵn sàng rình rập giờ phút tung hoành đi hôi của. Những căn nhà, những cửa tiệm dù đã được khoá kỹ cũng là mồi ngon cho bọn người này. Đã có nhiều cửa tiệm bị phá tan hoang. Đồ vật giá trị bị khuân đi sạch trơn. Những thứ còn lại ngổn ngang, đổ vỡ. Đã có nhiều biệt thự, nhà phố bị nậy cổng, nậy cửa. Người ta chạy ra chạy vào công khai khuân đi hết những gì giá trị. Kêu cả xe ba gác tới chở đồ đi. Y như dọn hộ nhà. Kể từ khi miền Trung di tản rồi Ban Mê Thuột mất vào tay Cộng Sản, dân miền Trung tràn ngập Sài Gòn. Hàng hoá, nhất là cái ăn chính như gạo, mắm, muối, đường, sữa cho trẻ em đồng loạt lên giá vù vù, sáng giá khác, chiều giá khác, thường là gấp đôi. Rất nhiều người, đa số giới bình dân đã phải bán tống bán táng hay cầm thế vài thứ cần thiết trong nhà để mua thực phẩm. Người có máu mặt thì thụt mua mỹ kim chuẩn bị ra đi. Đa số hãng tư lần lượt đóng cửa. Chủ hãng ra đi. Nhân viên có nơi không kịp lãnh lương tháng cuối cùng, chủ đã dọt mất, khiến họ chới với, chỉ còn nước than trời. Toàn thể sống trong hồi hộp, lo âu, căng thẳng. Những ánh mắt đầy câu hỏi. Liệu có mất Miền Nam không? Chẳng lẽ mất? Sao tự nhiên rầm rầm rủ nhau bỏ chạy hết cả? Lệnh cấp trên gì mà kỳ cục như thế? Nếu mất Miền Nam thì đi đâu? Còn nơi nào dung thân được? Nếu phải ra đi, thì ra đi bằng phương tiện nào? Sao mà thiên hạ giỏi xoay sở thế, còn mình chết dí nơi đây. Chẳng biết làm sao thoát thân, như con chuột bị dồn vào đáy vại. Người người chạy đôn đáo, hỏi han nhau, rồi phỏng đoán, rồi tính toán, rồi hẹn hò.
Mặc dù giới nghiêm, nhưng chẳng ai còn coi lệnh này ra cái gì cả. Phần lớn, cấp trên kéo nhau lần lượt ra đi mất rồi. Cấp nhỏ còn súng đạn đầy người trấn giữ các cửa ngõ vào Sài Gòn. Lệnh chẳng biết từ đâu đưa xuống. Phải tử thủ. Có thể chỉ còn vài nhân vật có thể đưa lệnh xuống, hay lệnh chỉ còn được bàn thảo theo hàng ngang. Tự ý những người còn ở lại xoay sở lấy, để đối phó với hiện trạng.
Đường phố Sài Gòn chưa từng bao giờ có khuôn mặt kinh khiếp như thế. Một bên là quần áo lính, bốt đờ sô, bị lột bỏ vất ngổn ngang đầy đường, vương vãi, lẫn lộn với đồ vật dân sự. Một bên vẫn là những quân nhân, nhưng là những quân nhân lầm lì quyết tử, súng đạn đầy người. Có khi một người mà đeo trên vai nhiều giây đạn. Chằng chịt trĩu nặng trên vai bên phải, vai bên trái. Cả quanh bụng nữa, lủng lẳng đầy lựu đạn và bidon nước. Kẻ nằm sát mặt đường kê súng bên má hướng về phía địch có thể xuất hiện. Kẻ lom khom trong những ô bao cát xây thành những ụ chắn. Người đứng ở đầu cầu hướng đôi mắt đăm chiêu về hướng có tiếng súng địch. Nhóm khác mồi cho nhau những mẩu thuốc cuối cùng. Nhóm khác nữa quây thành vòng tròn mà hát vang những bài ca về người lính chiến. Chen lẫn vào những người lính này là lũ dân đen. Kẻ chạy, người đi. Kẻ vác, người đội. Kẻ chạy xe gắn máy phun khói đen ngòm, kẻ đi xe hơi, máy xe nổ ròn rã, inh ỏi, kèn xe bấm lia lịa, đinh tai. Người chạy xe đạp, người đi xích lô. Người thường dân tìm đường lánh nạn, loanh quanh náo loạn như đàn kiến vỡ tổ. Người bất lương chạy tìm nơi đánh phá để ăn cướp. Một bên là người bình thản đương đầu với kẻ địch, một bên là những người điên cuồng tìm đường thoát thân. Sài Gòn mang một bộ mặt đầy mâu thuẫn. Tang thương và bi phẫn. Kinh tởm và hào hùng.
Tuấn ngạc nhiên về tình hình chiến sự. Quyết định vụng về của cấp trên, hoang mang của cấp dưới, xen lẫn vào đó là lời quyết tử của những người lính đã vào sinh ra tử nhiều lần, đã xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, đã thề sẽ chết với viên đạn cuối cùng của chính mình. Tuy không một ngày là lính, nhưng Tuấn vẫn mang tâm trạng của một thanh niên trước chiến tranh. Vì yêu quê cha đất tổ, mà Tuấn từ bỏ cuộc sống chắc chắn vững vàng, đầy hứa hẹn cho tương lai cá nhân, trở về nước phục vụ sau khi tốt nghiệp ở Pháp, nghĩ rằng mỗi người một tay, anh là lính, tôi là dân, chúng ta đều yêu Tổ Quốc Việt Nam nồng nàn, vậy chúng ta cùng nhau xây dựng cho tốt đẹp hơn. Đất nước Miền Nam tuy chưa đủ dân chủ, chưa hoàn toàn tự do theo kiểu mẫu tây phương, nhưng Miền Nam vẫn là miền đất đầy sức sống, đầy tấm lòng và nhiều bàn tay muốn xây dựng đem đến phú cường. Mặc dù đang bị chiến tranh gậm nhấm từng ngày, phá đi, đạp đổ những gì người dân Miền Nam vừa dựng lên sau hiệp định chia đôi đất nước, nhưng Miền Nam vẫn đầy triển vọng sẽ trở thành con rồng châu Á, vượt xa các quốc gia láng giềng. Chắc chắn như thế, nếu không có cái bọn ngu đần, vong bản cản trở bằng mọi cách, bằng mọi giá. Tuấn không thể nghĩ rằng Miền Nam lại có thể... chết tức tưởi. Tuấn cũng không thể chấp nhận phong cách của đa số thượng cấp trong chính quyền hay quân đội. Người nào cũng cho rằng mình, với cấp bực, với chức vụ như thế, thì phải ra đi... cho sớm, không thể để bị địch quân bắt. Cho nên, nhiều nhân vật nhà nước hay sĩ quan đã bỏ hàng ngũ ra đi rất sớm, đem theo vợ con, gia đình. Bỏ thuộc cấp bơ vơ với những lệnh lạc luôn thay đổi. Vì thế trong khi người người đôn đáo tìm cách ra đi, qua quen biết, qua chạy chọt, thì Tuấn chỉ thấy bất nhẫn trước tình hình hỗn mang, thật sự chẳng biết phải quyết định ra sao. Chẳng lẽ Miền Nam lại có thể... bị bức tử tức tưởi, và chẳng lẽ việc trở về phục vụ quê hương của mình từ nhiều năm trước đây là một sự hăng hái của tuổi trẻ thiếu kinh nghiệm, một quyết định sai lầm, vì làm sao Tuấn có thể phục vụ quê hương dưới sự lãnh đạo của bọn người tham tàn, vong bản kia chứ, nếu Miền Nam rơi vào tay họ? Không, chẳng bao giờ Tuấn tiếc nuối quyết định trở về trước đây của mình. Hiện tại Tuấn chỉ hoang mang, vì gia đình cha mẹ anh em một phần nhỏ. Gia đình, thật ra chỉ là cha của Tuấn, không tin rằng Miền Nam sẽ mất vào tay Cộng Sản Bắc Việt, mặc dù họ hàng của chính ông đã te tái chạy loạn từ miền Trung vào nhà ông. Ông cũng không thể nghĩ rằng họ, những kẻ thắng trận, nếu như họ thắng trận, cũng sẽ « làm gì » những người dân hiền lành như con trai của ông, như trăm ngàn thanh niên khác, nhất là khi họ là dân sự. Tuấn càng hoang mang, càng khó quyết định khi ông cụ thân sinh gay gắt về việc Tuấn xin phép cho đem vợ con ra đi, nếu tình hình bắt buộc phải như thế. Ý nghĩ này cứ trở về mỗi khi Tuấn đắn đo, trước sự thúc hối của Thu Hằng. Cũng vì thế, sau khi Ban Mê Thuột mất, Thu Hằng đã năn nỉ với Tuấn rằng « phải ra đi, không thể sống với Cộng Sản được », thì Tuấn cũng chỉ biết nghe thế rồi... bỏ qua, cho dù ngay hàng xóm trước mặt và hai bên phải, trái, đã có nhiều gia đình lục tục ra đi. Tuấn rất hiểu vợ. Thu Hằng là một người con gái, một người đàn bà tiến bộ. Nàng hiểu tình hình đất nước và khi đã cho rằng tương lai của gia đình nàng, nhất là của các con nàng, sẽ gặp khó khăn, nếu không muốn nói là nguy hiểm, thì sẽ bằng mọi cách nàng phải quyết định dứt bỏ quê hương, cho dù phải bỏ lại gia đình lớn là cha mẹ, anh chị em, họ hàng. Mục đích của nàng rõ ràng chỉ để bảo vệ tối đa những đứa con trước hiểm nguy. Tuấn hiểu như thế, cho nên không bực bội vợ khi Thu Hằng cứ năn nỉ, cứ thúc hối, có khi gay gắt chồng. Trông thế mà Thu Hằng thực tế hơn Tuấn nhiều. Nàng chỉ nghĩ đến bảo vệ các con, như con gà mẹ xù lông, đập cánh, mổ riả kẻ có thể hại đến đàn gà con. Trong khi Tuấn thì lại để cho việc bất mãn về hình ảnh rã ngũ sớm, bỏ trốn, bỏ thuộc cấp bơ vơ, của những cấp trên trong quân đội lẫn chính quyền, dẫn dắt, ảnh hưởng quyết định của mình. Cũng vì thế người người tìm cách thoát thân, thì Tuấn đã để lỡ nhiều cơ hội có thể đem vợ con ra đi kịp thời. Tuấn không muốn chính mình đứng trong hàng ngũ của kẻ bỏ cuộc sớm. Thu Hằng thầm đoán ra ý nghĩ của Tuấn, nàng lo lắm, nên càng sốt ruột. Tự ý đi tìm manh mối ra đi. Nghĩ rằng phải đặt Tuấn ở sự đã rồi, nếu không chắc là hỏng chuyện.

*

Từ ngày có gia đình, Khánh càng ít gặp bạn bè. Nhất là gặp Tuấn và Thu Hằng. Tất cả tin tức về Khánh đều qua Ái Trinh và Lộc. Nhưng cũng ít ỏi và vắn tắt. Vợ chồng Lộc cũng than phiền, tiếc rằng Khánh coi như tự tách ra khỏi nhóm, trong khi Bích Thuỷ lại rủ thêm ông chồng vào.
Vừa gội đầu xong, còn quấn cái khăn lông trên tóc, Thu Hằng nghe tiếng chuông cửa. Nàng hơi lấy làm lạ, tự hỏi ai tới vào lúc này? Bây giờ bạn bè ai cũng quýnh quáng lo tìm đường thoát thân, chẳng còn ai đến nhà ai để trò chuyện nữa. Thu Hằng ngạc nhiên thật sự khi người bấm chuông lại là Khánh. Có bao giờ Khánh đến nhà vợ chồng nàng đâu. Anh đang đứng đợi, có ý bồn chồn. Thu Hằng nhanh nhẩu mời Khánh vào nhà. Anh đứng ngay người nhìn khắp căn phòng khách một lượt rồi mới từ từ ngồi xuống cái ghế mây có vành rộng. Thu Hằng chợt có cảm tưởng Khánh đột nhiên mất hết tự nhiên. Có lẽ lâu quá hai người không gặp nhau. Thu Hằng không rõ chuyện gì đã khiến cho Khánh đến nhà vợ chồng nàng hôm nay. Đây là lần đầu tiên Khánh đến. Hơn nữa, không mời mà đến. Mặc dù đã nhiều lần họp bạn ở đây, từ sau khi nàng và Tuấn lấy nhau. Nhưng lần nào Khánh cũng thoái thác.
- Ơ... Anh Khánh uống gì?
- Không, cảm ơn, tôi không uống gì cả. À, hay là cho tôi ly nước lạnh là được rồi.
- Vậy nước lạnh nhé... Anh đợi chút xíu có ngay.
Thu Hằng muốn đánh tan bầu không khí ngỡ ngàng này. Tuy nhiên, tự nhiên chính nàng lại gọi Khánh bằng anh, một cách rất xã giao. Xưa nay vẫn cứ ông ông tôi tôi một cách thân mật và ngang hàng. Cũng như Khánh nói trống, không gọi nàng bằng tiếng « bà » quen thuộc nữa. Có cái gì lợt lạt hay ngại ngùng. Thu Hằng bưng hai ly nước trong vắt ra, có mấy miếng đá lạnh. Tiếng đá cục đụng thành ly phát ra tiếng kêu lanh canh.
- Anh Tuấn đi vắng. Đưa mấy trẻ về bên ông bà nội có chút việc.
Thu Hằng cười, nụ cười của nàng xưa nay được các bạn cho rằng rất dịu dàng, như có ý cáo lỗi với Khánh. Đưa tay lên đầu, nàng tiếp, vẫn giữ giọng xã giao:
- Xin lỗi anh, tôi hơi bê bối một chút nhé. Vừa gội đầu xong, chưa kịp... thì anh đến.
Thu Hằng có cảm tưởng rõ rệt sự vắng mặt của chồng con nàng không là sự băn khoăn quan trọng nơi Khánh.
- Đâu có gì bê bối. Tự nhiên như thế vẫn đẹp chứ, có sao đâu.
Thu Hằng hơi ngỡ ngàng, nhìn thật nhanh người bạn cũ. Hình như vừa có cái gì nơi Khánh ngày thật xa xưa. Thu Hằng ngồi xuống đối diện. Đã lâu không gặp, Thu Hằng thấy Khánh khác trước khá nhiều. Mái tóc đã có lác đác sợi bạc. Khuôn mặt vẫn hồng hào, nhưng nhiều nếp nhăn trên trán và ở đuôi mắt. Nhưng điều khác xưa nhiều nhất là ánh mắt. Những ánh vui xưa không thấy nữa. Trong mắt Khánh chiều nay, ngồi trước Thu Hằng, có nhiều buồn bã, có nhiều lo âu. Xưa nay, Khánh ít nói. Nhưng bao giờ cũng hay cười. Dễ vui vẻ thích ứng với không khí vui nhộn của nhóm. Anh cũng biết rỡn đùa, nói bông lông, tuy rằng ít hơn Lộc. Hôm nay bề ngoài tưởng như không còn là Khánh ngày xưa, nhưng vừa rồi thì Thu Hằng lại chợt thấy người bạn thân cũ. Nàng cảm thấy yên tâm hơn và an ủi hơn, cũng cảm thấy vui vì không thật sự mất Khánh.
Khánh đột nhiên lên tiếng:
- Có thể đêm nay tôi đi.
Thu Hằng giật thót mình, hơi xích người ra mép ghế một chút vì tin quan trọng này.
- Sẽ đi ngay từ cầu Ông Lãnh này này. Chẳng biết ra sao.
Khuôn mặt Khánh bỗng buồn vời vợi. Tin quá đột ngột, Thu Hằng hắng giọng rồi tiếp lời:
- Thì cứ hy vọng thôi.
- Nếu thành công có lẽ tôi qua Pháp lại. Cùng lắm thì đi Úc. Còn... ông bà có tính đi đâu không?
- Có, có chứ, nhưng anh Tuấn thì đang do dự, nhưng Thu Hằng thì đã liên lạc với Bích Thuỷ. Bích Thuỷ rủ đi cùng nhưng còn đợi họ gọi. Chẳng có gì chắc cả. Vả lại anh Tuấn còn lưỡng lự ghê lắm. Vừa rồi mới nói sơ sơ chuyện có thể sẽ phải ra đi, ông cụ anh ấy xài xể tụi này một trận. Nhất là anh Tuấn. Bị ông cụ mắng là bất hiếu dám bỏ cha mẹ mà đi. Làm anh Tuấn đâm ra do dự hơn nữa. Hình như hôm nay qua nhà các cụ cũng để xin phép nữa thì phải. Khổ thế.
- Nếu đi thì... qua Pháp nhé. Hẹn gặp nhau bên đó.
Mắt Khánh chợt có ánh vui. Nhưng trong một giây phút thôi rồi lại trở thành buồn bã. Anh thở dài, trầm ngâm:
- Bà có tin con người ta có số không? Nhất là chuyện vợ chồng?
Thu Hằng chợt rùng mình. Khánh vừa gọi nàng bằng chữ « bà » thân thương cũ và... đổi đề tài. Nàng chưa kịp trả lời thì Khánh đã tiếp. Nét mặt mơ màng, sầu não:
- Nếu chỉ là chuyện lựa chọn, thì nghĩ rằng ở đời đã chắc ai hơn ai, ai chọn ai. Khánh ngập ngừng, nhìn vào mắt Thu Hằng trong một tích tắc. Tôi nghĩ con người ta có số như chuyện tôi... lấy Tuyến. Đúng là phải có số phận. Ông bà cụ tôi, nhất là bà cụ tôi, cản tôi. Chắc bà cũng đã biết. Tôi cũng có lúc do dự. Nhưng cuối cùng tôi đã quyết định việc tôi thấy cần phải làm.
Thu Hằng lặng im. Gần như nín thở. Nàng hiểu Khánh cần nói ra những điều ấp ủ lâu nay. Khánh lại thở dài. Giọng nhỏ đi:
- Ông Tuấn có nhiều may mắn hơn tôi. Đúng là phải có số phận.
Hình như Khánh nói với chính anh hơn là với nàng. Thu Hằng hiểu Khánh muốn nàng hiểu nỗi buồn lâu nay của anh. Quả thật nàng không ngờ chuyện tình cảm của Khánh dành cho mình. Không bao giờ ngờ. Khánh kín đáo quá. Nàng chỉ nhớ Thuý Vân có cảm tình với Khánh và Khánh không hoàn toàn thờ ơ, nàng nghĩ thế. Nhưng không ngờ thật sự Khánh thờ ơ Thuý Vân vì nàng. Rồi vì nàng lấy Tuấn, nên Khánh chẳng những không quay sang Thuý Vân mà xa lánh luôn nhóm bạn cũ, rồi đi lấy vợ. Lấy một người anh không yêu nhưng coi như có trách nhiệm. Xưa nay, Khánh ít nói, Khánh thâm trầm quá. Không ồ ạt, nhanh nhẩu như Lộc, không chững chạc như Tuấn.
Thu Hằng không dám nói gì. Chỉ giữ im lặng. Tôn trọng tâm sự của Khánh. Đồng thời băn khoăn tìm cách đổi hướng câu chuyện. Để bắt nhịp với đề tài số phận, Thu Hằng chuyển ý:
- Thu Hằng tin người ta có số phận. Hằng nghĩ gia đình anh sẽ có nhiều may mắn đêm nay ra đi. Cầu xin cho gia đình anh yên ổn thoát nạn. Rồi mai này đến lượt bọn Thu Hằng và gia đình Bích Thuỷ. Không ngờ mà đất nước tan hoang, bạn bè, gia đình tứ tán thế này. Nếu thoát thì bọn Thu Hằng cũng sẽ qua Pháp. Các anh đã du học bên đó. May ra tìm việc tạm dễ dàng hơn? Nhưng nói thế chứ đi đâu cũng được. Chỉ cần thoát khỏi nơi này cho các con đỡ khổ là điều tiên quyết.
Thu Hằng nói một mạch cố ý dẫn xa đề tài tình cảm và vẫn gọi bằng anh để giữ xa cách, mặc dù Khánh đã gọi nàng bằng chữ « bà » thân thương cũ. Nàng hiểu vì Khánh sắp ra đi, có thể thành công nhưng có thể thất bại. Sợ không bao giờ có dịp tỏ bầy nỗi lòng mình, nên Khánh đến đây chiều nay. Nếu Khánh lấy vợ vì tình yêu thì chắc chắn Khánh sẽ không đến đây để nói những câu vừa qua với Thu Hằng. Nếu có Tuấn, có thể, Khánh sẽ chỉ nói lời từ biệt. Nhưng Tuấn đi vắng và Khánh đã nói ra được mối tình thầm kín của mình với Thu Hằng. Mặc dù cảm động và hãnh diện, nhưng Thu Hằng thấy có bổn phận phải chấm dứt câu chuyện tâm sự của Khánh ở đó. Khánh và Tuấn là hai người bạn và cũng là bạn chung của Thu Hằng. Nhưng bây giờ Tuấn đã là chồng nàng, Thu Hằng cảm thấy có lỗi với chồng nếu như cứ để Khánh tiếp tục tâm sự về mối tình riêng của mình cho nàng. Trong cái tế nhị của câu chuyện được lái đi hướng khác, Khánh cũng hiểu và anh chợt trở nên vui vẻ như vừa trút xong một nỗi băn khoăn đã đè nặng trong anh lâu nay.
- Tôi cũng hy vọng thoát được sẽ có việc ở Pháp ngay. Ông bà cố gắng chinh phục các cụ đi. Không sống nổi với tụi nó đâu. Đừng mơ màng. Cha mẹ mình đã di cư, thì bọn mình lại phải di cư nữa thôi.
Khánh lấy ly nước uống một mạch gần hết. Anh có vẻ thoải mái hơn lúc mới đến thấy rõ. Sự thân thiết bạn bè thời xa xưa gần như đã sống lại. Khánh đã lại dùng tiếng bà một cách tự nhiên để gọi Thu Hằng. Giọng nói đã thân thiết như xưa. Khánh đứng lên đi đến gần bức ảnh treo trên tường. Bức ảnh chụp gia đình Thu Hằng.
- Hai nhóc tì lớn như thế này rồi cơ à? Lâu quá không gặp chúng nó. Tụi nó mấy tuổi rồi nhỉ?
- Thằng lớn ba tuổi, con bé gần hai tuổi rồi đấy ông ơi.
Thu Hằng đã dùng chữ ông thay chữ anh và định nói tại ông có chịu đến chơi đâu... nhưng chợt thấy rằng vì yêu nàng, không lấy được nàng, nên Khánh không muốn liên lạc nữa. Khánh đã vội vàng lấy Tuyến và tách ra khỏi nhóm:
- Thôi, tôi về đây. Đêm nay tôi đi rồi. Chúc bà may mắn, mong gặp lại.
Khánh nhìn sâu vào mắt Thu Hằng:
- Chúc gia đình ông đi may mắn. Phải gặp lại chứ.
Thu Hằng nói một cách hăng hái để khuyến khích hơn là hẹn thật. Quả thật chẳng ai biết sẽ ra sao ngày sau với thời cuộc này. Thế thì hẹn cũng vô ích thôi:
- Hẹn gặp nhau bên Pháp nhé.
Khánh vui hơn khi nhắc lại lời hẹn và nói câu cuối cùng. Rồi bỗng nhìn vào mắt nàng lần nữa, anh nói:
- Bà ráng giữ gìn sức khoẻ. Chúc bà nhiều may mắn. Cũng như nhiều hạnh phúc. Gửi lời chào Tuấn và hai đứa nhỏ.
Thu Hằng chớp mắt. Nàng gần muốn khóc. Sự sống và sự chết thật mong manh trong giây phút chia tay. Làm sao ai biết còn có ngày gặp nhau? Làm sao ai biết đây có thể là giấy phút cuối?
Hai tay dắt hai con, Thu Hằng lật đật chạy theo mấy mẹ con Bích Thuỷ. Hai người đàn bà và năm đứa bé tất ta tất tưởi chạy đến nơi hẹn. Qua hai dẫy phố nghẹt cứng xe cộ và người cùng đồ đạc. Người ta đang rầm rầm chạy loạn và cũng đang rầm rầm cướp của và nạt nộ. Những tiệm buôn đều bị đập vỡ toang cửa kính. Miểng kính văng đầy đường. Thiên hạ tranh nhau nhẩy vào vơ vét. La ó, đấm đá nhau vì tranh cướp. Tiếng bước chân dẫm trên kính vỡ nghe rào rạo. Một mặt lính trấn giữ đầy đường, một mặt kẻ cướp cứ phá phách tan hoang. Mặt khác người di tản lũ lượt, ngược xuôi, chen lấn, tìm kiếm, kêu gọi nhau ơi ới. Xe hơi, xe gắn máy, xe xích lô, xe đạp, cứ rối nùi vào nhau, không ai nhường ai, vì thế mà kèn xe inh ỏi, rồi chửi nhau loạn xạ. Nhưng mặt mũi ai cũng thất thần.
Thu Hằng vừa dắt con chạy theo bốn mẹ con Bích Thuỷ vừa thỉnh thoảng quay đầu lại xem Tuấn có chạy theo không. Nàng chỉ lo Tuấn vì cha mẹ, vì lý tưởng mà còn nghi hoặc, đắn đo, không hăng hái ra đi cho lắm và nhất là riêng Tuấn cũng đang buồn bực vì thấy các cấp trên trong quân đội và chính quyền biến mất, bỏ đất nước lại cho thuộc cấp lo toan.

*

Chiều hôm Khánh đến nhà cũng là chiều Tuấn đến nhà cha mẹ năn nỉ ông bà cụ lần nữa để cho anh đem vợ con ra đi. Cũng như mấy lần trước, Tuấn bị mắng mỏ nặng nề. Nhưng hôm nay, Bích Thuỷ bật đèn xanh. Hai gia đình cùng ra đi, nếu Tuấn quyết định đi theo. Chẳng biết lòng Tuấn nghĩ gì, chỉ biết gia đình Thu Hằng hiện đang chạy theo Bích Thuỷ, chẳng kịp chia tay một lời với gia đình đôi bên nội ngoại. Việc cấp bách quá. Chẳng ai có thì giờ lưu luyến, nhắn nhủ điều gì. Nhưng như thế cũng giúp cho Tuấn bớt phân vân, bớt đắn đo, bớt mặc cảm đã bỏ lại cha mẹ và các em. Chồng Bích Thuỷ và một số sĩ quan đã có mặt trên con tầu rồi. Chỉ đợi gia đình của họ, rồi ra đi ngay. Nơi hẹn để đưa gia đình đi là góc đường gần nhà Bích Thuỷ.
Có chiếc xe jeep đợi ở đấy, tài xế là một người lính, còn mặc quân phục. Mọi người mừng rỡ thấy xe còn đợi, vội vã leo lên, chen chúc bên nhau. Người lính rồ máy phóng đi ngay. Nhưng chỉ chạy nhanh được một quãng ngắn rồi phải đi chậm lại vì xe cộ bốn phương đổ tới. Dòng xe chuyển động từ từ chen lẫn vào với dòng người đi xe hai bánh và đi bộ. Tiếng còi xe inh ỏi, khói mù mịt, khé cổ, cay mắt. Dòng người cứ thế chẩy dài nối từ phố nọ với phố kia. Bích Thuỷ sốt ruột lâu lâu quay sang người lính tài xế:
- Không có đường nào khác hả chú? Chú làm ơn cố tìm lộ trình nào ngắn nhất.
- Chỉ có một đường duy nhất này mà thôi, bà thiếu tá ơi.
Câu trả lời của người lính tài xế làm cho Tuấn giật thót mình. Anh bỗng cảm thấy xấu hổ khi chính mình đang ngồi yên vị trong cái xe jeep nhà binh để cho một người lính cấp dưới, mặc quân phục đàng hoàng, đưa đi... chạy loạn. Tuấn chỉ muốn nhẩy xuống khỏi xe, về nhà. Lòng tơi bời ngổn ngang. Nhưng cái xe cứ chạy. Tuấn nhìn Thu Hằng, nàng như đang bị hút vào thời cuộc, hai tay nắm chặt tay hai con, mắt nhìn thẳng phía trước như muốn rẽ gạt, đâm thủng làn sóng người nhốn nháo để tìm đến sinh lộ. Mà thực tế thì đúng như thế. Ai cũng đang dành lấy quyền sống và con đường sống.
Thu Hằng ơi, xin hiểu cho anh, quê hương mình đẹp lắm, em biết không? Vì thế sau khi tốt nhiệp anh đã quyết định trở về, bỏ lại tương lai chắn chắc sáng sủa hơn nơi xứ lạ. Anh biết chắc chắn đi đâu cũng sẽ thấy không bằng quê mình đâu em. Và... còn nước... còn phải ráng sức tát. Có đâu bỏ chạy thế này? Miền Tây còn đó cơ mà... Nhưng anh cũng hiểu em, thông cảm với em. Làm sao một người như em, yêu thích tự do, yêu thích dân chủ, yêu cái đẹp quê hương, yêu con người, lại có thể sống với Cộng Sản được. Nhất là làm sao em có thể chấp nhận để cho các con phải sống nô lệ, giam hãm tương lai của chúng được. Nên em tha thiết, quyết chí ra đi, cho dù phải bỏ lại sau lưng quê hương, cha mẹ, gia đình của chính em để cứu vãn các con chúng ta. Anh thành thật cảm phục sự quyết tâm chín chắn đó của em.
Và cái xe cứ lao tới, và lòng Tuấn cứ quặn thắt, ngổn ngang trăm mối.
Trời đã xập tối. Cuối cùng xe cũng nhích được ra khỏi trung tâm Sài Gòn và chạy nhanh hơn. Kèn xe bóp liên tục rồi mà chú lính vẫn vừa lái vừa la. Xe vừa chạy nhanh vừa bấm kèn, gần như xe cứu thương. Chợt xe quẹo gắt xuống dốc, rẽ vào một quảng trường thật lớn. Bến tầu, nhưng Thu Hằng không rõ là bến nào. Người lính đạp thắng. Chiếc xe và mọi người chúi nhủi ra phía trước rồi đứng giựt lại. Người lính hối hả kêu mọi người xuống xe gấp và chạy theo anh. Xe không thể tiến xa hơn nữa.
Người ta đông như kiến, láo nháo, hỗn độn. Tối mù tối mịt, chẳng thấy rõ. Đèn đường, đèn bến cảng tắt ngúm từ lúc nào, chẳng có ai biết, cũng chẳng có ai lý tới. Cả bọn cứ bậm môi âm thầm chạy theo người lính. Rẽ gạt đám người chung quanh để theo cho kịp. Thấy trẻ con lúp xúp quá, người lính quay lại bế hộ Bích Thuỷ một trong hai đứa bé sinh đôi mới hơn một tuổi. Đứa sinh đôi còn lại được Bích Thuỷ may cái địu, đeo nó sau lưng. Rảnh tay Bích Thuỷ nắm tay đứa con gái lớn khoảng ba bốn tuổi từ lúc nãy cứ túm áo mẹ chạy lốc xốc một bên. Thu Hằng dắt con trai chạy phía giữa và Tuấn bế con gái út đi đoạn hậu. Có ý canh chừng xem có ai trong bọn, nhất là trẻ con, bị lạc, rơi rớt lại phía sau. Người lính chạy rất nhanh. Đám đàn bà con nít lấy hết sức ra theo cho kịp, thiếu điều nghẹt thở. Súng bắn đùng đùng, đạn bay veo véo trên đầu. Không biết rõ ai bắn. Có thể Việt Cộng, có thể bọn cướp của, có thể bọn lính vô kỷ luật, có thể lính mình đang đánh nhau quyết tử với Việt cộng. Tất cả mọi người đều khom lưng, rụt cổ lại mà chạy. Vì bản năng sinh tồn, người ta càng chen lấn nhau thêm. Càng đến gần mục tiêu là con tầu, người ta càng đông và càng hung hãn.
Bóng đêm đã trùm ngập. Không phân biệt được ai với ai. Chỉ một thoáng chốc có thể lạc nhau.
Bỗng có tiếng nổ thật lớn. Sức ép của trái đạn khiến mọi người ngã rạp xuống. Mọi người xô dạt, nằm mọp xuống sát đất thì ngược lại tiếng khóc, tiếng thét, tiếng hú, tiếng gào la rùng rợn, tiếng kêu thất thanh của người bị trúng thương vang lên. Đất đá văng lên ào ào rơi xuống đám người đang lồm cồm.
Bọn người của Thu Hằng cũng tìm nhau. Kêu réo nhau, kiểm điểm xem có ai bị thương tích, tai nạn gì không.
Trời vẫn tối như bưng. Và người vẫn đông như kiến. Sau phát đạn gây tổn thất nặng nề, có người chết, có người bị thương nặng, nhưng không có ai lo cho ngoài chính người nhà của họ. Người ta càng dẫm lên nhau mà chạy. Nhóm của Thu Hằng mừng rỡ khi tìm lại được nhau đầy đủ. Những khuôn mặt thân thương thất thần. Người lính lại hối phải chạy ngay. Anh ta vừa nói đã vùng chạy đi liền.
Thật ra có thể bến tầu không đến nỗi dài rộng như thế. Nhưng trong lúc náo loạn và đêm tối, trong sự hốt hoảng lo sợ, mọi sự đều bị khuyếch đại lên, con đường như dài hơn và gian nan hơn. Thu Hằng có cảm tưởng chạy mãi không đến con tầu hy vọng. Trong lúc hoảng hốt, đứa con gái của Bích Thuỷ vấp ngã, kéo theo mẹ. Ba mẹ con Bích Thuỷ ngã lăn ra. Khóc ré lên. Tuấn vội tiến tới, bế xốc con bé lên. Chuyền con gái mình cho Thu Hằng. Đột nhiên, một mình Thu Hằng phải lo hai con. Bế con gái và nắm tay con trai. Tuấn hối mọi người cố chạy theo người lính, trong tay vẫn bế đứa con gái của bạn. Bích Thuỷ đang mất hút trong bóng đêm, giữa đám người nhốn nháo. Chạy. Mở mắt cho to để mà chạy thục mạng. Bích Thuỷ yên tâm về đưá con gái lớn do Tuấn bế, nhưng sợ lạc mất một trong hai đứa con sinh đôi, vì người lính vẫn bế một đưá, nên ráng hết sức theo bén gót. Vừa chạy vừa khóc vì đau, vì sợ, vì lo. Có lẽ sắp đến bờ sông rồi, nên người ta càng thúc, càng đạp lên nhau. Bom đạn vẫn veo veo trên đầu. Có cảm tưởng đạn bay ngay trên tóc mình. Chỉ sơ xẩy là ăn đạn. Nên ai cũng lom khom. Ánh sáng những lằn đạn chằng chịt trên trời đen thui. Đất cũng đen thui. Đám người cũng đen thui, chỉ thấy bóng dáng, không thể trông rõ người.
Lại một tiếng nổ thật lớn nữa. Lần này lớn hơn. Mặt đất rung lên. Đất đá tung lên rơi xuống rào rào. Thu Hằng thấy ngực mình như bị đá đè. Nghẹt thở. Người thì rát bỏng như vừa đụng phải lò lửa. Nàng thấy rõ ràng thân mình và hai con văng lên như bó giẻ rồi rơi xuống. Quật mạnh trên nền xi măng. Thu Hằng tưởng như mình có thể chết đi được. Đất và đá lại rơi trên người nàng. Trong cơn hoảng loạn, nàng vẫn ý thức được còn nắm tay hai con. Nền đất rung chuyển dưới thân nàng. Có rất nhiều tiếng thét, tiếng la hét của người chung quanh. Có rất nhiều bàn chân dẫm trên đầu trên thân người nàng. Cái đau không còn cảm thấy nữa. Chỉ ý thức được thôi. Có cả cái gì nóng hổi ướt và nhờn rơi trên mặt nàng. Trong đêm, nàng ngửi một mùi tanh. Máu. Máu của ai văng đầy người nàng đây? Thu Hằng cố hết sức lực sờ trên mặt mình rồi sờ xoạng quanh mình. Hình như các con. Thu Hằng hét lên. Mừng quýnh quáng, nàng sờ nắn trên người hai đứa bé thêm nữa. Hai đứa con đang nhìn nàng. Bốn con mắt sợ hãi, long lanh trong đêm tối. Thu Hằng cố gượng kéo các con vào lòng, cố che cho chúng khỏi bị thiên hạ xéo lên. Bỗng nhớ đến Tuấn. Thu Hằng bủn rủn rồi chợt lạnh run cả người. Còn Tuấn, Tuấn đâu? Và gia đình Bích Thuỷ? Khối óc tê liệt dường như hoạt động được trở lại. Thu Hằng lấy hết sức bình sinh gượng dậy. Hai tay vẫn nắm chặt tay các con.
Bỗng nhiên trong đêm tối, có một bàn tay của ai chắc nịch như một gọng kìm nắm chặt cánh tay nàng kéo giựt lên và lôi đi, kéo lết theo hai đứa con. Có tiếng người lạc giọng ra lệnh:
- Lẹ lên. Bước xuống, bước xuống.
Người đó đẩy dúi ba mẹ con Thu Hằng xuống, ngã đè lên cả người nào đó đã ở dưới xuồng. Hai đứa con khóc ré lên. Thu Hằng lóp ngóp ngóc đầu lên, quay đầu về chỗ vừa bỏ đi kêu to:
- Tuấn, Tuấn, anh Tuấn ơi!
Trong những tiếng hỗn loạn gọi nhau, nàng không nghe tiếng Tuấn trả lời. Thu Hằng gọi nữa. Chẳng hiểu sức lực ở đâu mà nàng đứng cả lên để vạch bóng đêm tìm Tuấn. Nàng thoáng thấy Bích Thuỷ đang bám lấy thành xuồng, cũng đang gào to, gọi tên Tuấn và tên con gái. Cái xuồng đang trôi ra xa, chòng chành mạnh, vì người ta trên xuồng nhốn nháo. Con thuyền vẫn trôi đi. Thu Hằng dường như nhận ra sự thật. Nước mắt từ đâu đổ ra. Nàng hét lớn, lồng lên, khóc ngất rồi ngã vật xuống. Trước khi chìm vào cõi mơ hồ, nàng nghe rõ ràng hai con kêu « mẹ, mẹ ». Nhưng thân người nàng đang nhũn ra. Không hay biết gì nữa.
Thu Hằng mở mắt ra. Cảnh vật mờ nhoà trước mắt như có một lớp sương. Tai nghe tiếng ai đang khóc nức nở. Có bàn tay ai lay gọi. Miệng nàng khô cứng. Cổ họng nghẽn và đau rát. Thân thể đau như rần. Thu Hằng cố gắng mở to thêm mắt và cố gắng tập trung tư tưởng. Màn sương loãng dần. Thu Hằng thấy hai con đang ôm nàng mà khóc nức nở. Bích Thuỷ cũng đang ôm nàng mà khóc. Nước mắt người thân yêu rơi trên mặt nàng âm ấm. Nhưng không có Tuấn. Thu Hằng lặng lẽ đưa tay ôm hết cả ba người, nước mắt âm thầm tuôn chẩy.
Cứ dựa theo tình hình thì Tuấn và đứa con gái của Bích Thuỷ đã vĩnh viễn nằm lại trên bờ sông. Gần như mọi người đều quả quyết như thế. Linh hồn hai người đó hẳn đang bay bổng thật tự do, thật thảnh thơi phía trên cao kia. Họ có thương cảm nỗi chuân chuyên của kẻ ở lại dưới thế gian này không? Chưa kịp ra đi đã chết. Than ôi, tự do ơi tự do, phải đánh đổi bằng cái chết mới có được. Ai đã gây ra cớ sự này? Ai đã xô đẩy những người dân hiền lành, vô tư kia, những người vợ yếu đuối, những con trẻ thơ ngây vào vực thẳm bơ vơ thế này? Quê hương suốt từ khi chia cách Bắc Nam chưa một lần yên ổn thanh bình, bởi vì ai? Nhà nhà phập phồng lo sợ, người người thấp thỏm lo âu, một ngày nào kẻ cướp ập đến, cướp đi hạnh phúc mỏng manh mà họ khổ công gây dựng nên. Rồi giờ đây, đến nỗi phải đùng đùng bỏ nhà bỏ cửa, bỏ ông bà cha mẹ, bỏ xứ xở, bỏ cả người chết ở lại, xác chết không nguyên vẹn, không kịp mai táng, mà ra đi trong đau thương ngút ngàn như thế đó. Thu Hằng tưởng như mình đã chết rồi nếu không có hai con trông chờ nơi mình. Tuấn ơi, ai ngờ được tình cảnh chúng mình ngày hôm nay? Ai ngờ anh vắn số như thế? Trời ơi là trời!
Hình ảnh chiếc thuyền nan chòng chành trên sông Sài Gòn, một ngày mưa to nơi nhà của Lộc hiện ra, và Tuấn đứng bên cửa sổ nói rằng cứ bị ám ảnh về cảnh thuyền trôi trên sông dưới cơn mưa như hình ảnh bấp bênh chao đảo của đất nước. Rồi hình ảnh trong xe mù mịt hơi nước và những đoá hoa nước mầu vàng rực rỡ ánh đèn xe hơi vỡ toang khi chạm mặt đường nhựa. Rồi hình ảnh cuộc đi dạo thật ngẫu nhiên của Thu Hằng và Tuấn bên sông Sài Gòn và Tuấn cũng lại nói rằng anh thích cảnh sông nước. Ôi Tuấn ơi, anh đã bỏ mình bên sông nước, anh có biết không? Ngay ở bên bờ sông, trước con tầu sẽ đưa anh tới miền đất tự do mà anh đã biết qua. Làm sao ai biết được tương lai, phải không? Thế mà Khánh đã nói anh may mắn.
Những hình ảnh đó như đã vẽ ra số phận tan nát, rạn vỡ, của đất nước, của anh, của chúng mình, anh có nhận thấy không?
Tuy nghe mọi người trên tầu bàn tán, nhưng trong thâm tâm, Thu Hằng vẫn hoang mang, không muốn tin là Tuấn đã chết bên bờ sông. Biết đâu Tuấn chỉ bị thương, ngay dù bị thương nặng và biết đâu với may mắn nào đó, anh được ai đó cứu sống và biết đâu gia đình nàng sẽ lại được đoàn tụ, một ngày nào... Biết đâu, biết đâu, nhiều cái biết đâu quá. Thu Hằng cố bám víu vào những cái biết đâu quá mơ hồ đó. Để mà sống lo cho các con. Phải sống, phải sống... Thu Hằng tự nhủ như thế, nhưng thực tế, nàng như cái lá héo, cứ rũ ra...