Dịch giả: Hằng Hà Sa và Bích Ty
Phần Mở Đầu

    
gười ta không thể sống trần truồng. Có thể là người ta sống nghèo khổ rách rưới nhưng mày không còn một manh áo rách để mặc. Mày không còn gì nữa cả.
Pierre Pillat nhìn bộ quân phục bằng kaki của Boris Bodnar, rồi tiếp tục:
"Sau ba tháng, cảnh binh sẽ lột hết áo quần mày và trả lại cho nhà trường. Mày sẽ không còn gì để mặc nữa. Kể cả chiếc áo sơ mi. Kể cả một đôi giày. Không còn gì nữa. Mày sẽ trần truồng như lũ mọi lùn Papou. Mày sẽ là người trần truồng nhất thế giới. Mày muốn làm gì bây giờ?"
Pierre Pillat nhìn thẳng vào mắt bạn, nhưng Bodnar lại nhìn xuống đất.
" Người ta đã giao cho mày tờ giấy trục xuất chưa? " Pillat hỏi.
Boris Bodnar tiếp tục nhìn xuống đất của sân trường. Hắn bỏ tay vào túi để rút tấm giấy trục xuất. Bộ đồng phục có bốn túi. Nhưng người ta đã cắt hết túi của những học sinh bị trục xuất để làm nhục chúng.
Không tìm thấy túi ở vị trí thông thường, Boris Bodnar thò tay vào túi thứ hai ở ngực. Cũng đã bị cắt mất, và hai túi ở dưới cũng không còn nữa. Hắn đỏ mặt. Thì ra sáng nay, lúc 6 giờ, Boris Bodnar đã mặc bộ áo của những đứa bị trục xuất.
Từ lúc đó, hắn sờ mấy túi áo không biết bao nhiêu lần, như một cái máy. Hai tay hắn sờ các túi áo trên, rồi mấy túi áo dưới, sau cùng buông thỏng xuống vô thức, chịu đựng. Những túi áo bị cắt đứt là một trong những nhục nhã đầu tiên của Boris Bodnar. Hắn nhìn một lần nữa  vào các túi áo. Không những bộ quân phục chỉ thiếu túi. Người ta còn cắt cái viền vàng trên cổ áo, các đường viền dọc theo quần. Sáu cái nút áo cũng bị đứt mất. Không còn những chiếc nút mà hắn phải đánh bóng mỗi chiều - như tất cả mọi học sinh trường võ bị hoàng gia Kichiey - đánh cho đến lúc chúng bóng như vàng. Thay vào đó, chỉ còn những hột nút bằng sắt, nhỏ và đã hoen rỉ. Những khuy áo trở nên quá to so với mấy hột nút sắt đó. Không có những cúc áo vàng, khuy áo thật như những trũng mắt mà người ta đã móc con mắt.
Không cần nhìn Pierre Pillat, Boris Bodnard cố tìm túi quần. Mỗi quần của bộ quân phục đều có bốn túi.
Tất cả đều đã bị cắt mất, Boris Bodnar tức giận thêm. Hắn có cảm tưởng người ta đã mất vài mảnh thịt của thân thể hắn chứ không phải của bộ quân phục. Hắn nhớ đến bốn cái túi bên trong thường để đựng giấy tờ.
"Mày muốn xem văn thư trục xuất của nhà trường giống cái gì hả"
Hắn hỏi Pillat một cách mỉa mai, xong hắn đưa cho Pillat một tờ giấy màu vàng gấp làm tư. Đó là mảnh giấy mầu lá úa, thứ mầu đặc biệt dùng cho những trường hợp trục xuất, tử tức hay bị giam giữ trong bệnh viện.
Pillat đọc:
" Chiếu nội quy của các trường võ bị hoàng gia Lỗ Ma Ni, Boris Bodnar đã bị đuổi khỏi trường và chỉ có quyền mặc quân phục hoàng gia trong ba tháng tiếp theo lịnh trục xuất này. Các viên chức công quyền phải thi hành lệnh này và trả lãi quân phục cho trường Kichiev sau thời hạn ba tháng".
Đọc xong, Pillat hỏi Boris:
"Mày làm gì sau ba tháng nữa? Trần truồng ư? Mày phải về nhà với ông già bà già mày. Không còn giải pháp nào nữa"
Pillat cầm văn thư trục xuất bằng tay trái. Tay phải đặt lên vai Boris. Áo Boris không còn cầu vai nữa. Không còn cái cầu vai có viền vàng mới dấu hiệu hoàng gia và con số của Hoàng đế Lỗ mã ni, người đỡ đầu cho trường võ bị. Không có cầu vai cái áo chỉ là một bộ đồ chết. Nói cho đúng, không phải là một bộ quân phục nữa, chỉ còn lại cái xác áo mà thôi. Chiếc áo không có cầu vai đó giống như một người đã bị chặt đầu. Vì thế trong lịch sử quân đội, cắt cầu vai cũng giống như kết án tử hình. Trước khi hành hạ, người ta cắt hết cầu vai trước mặt bạn bè. Cầu vai là cái đầu của một bộ quân phục.
Từ 6 giờ sáng nay Boris không còn mang cầu vai nữa, Pillat có cảm tưởng tay nó đang đặt trên một cái gì đã chết. Ngay cả vải áo cũng đã chết, không phải chỉ vì thiếu cầu vai mà thôi. Những sợi vải áo cũng đã chết. Mảnh vải đó đã bị giết chết trước khi bộ quân phục được giao cho những đứa bị đuổi. Những bộ quân phục như thế sẽ bị vứt xuống dưới hầm. Nhưng trước đó, người ta đã phải hấp đi để tẩy uế. Cùng với những con vi trùng người ta sẽ giết mất đời sống của tấm vải kaki, sẽ làm nó nhầu nát. Những sợi chỉ sẽ chết trong hơi nước, dưới áp lực của ống hơi và các chất sát trùng, như những tế bào của một sinh vật phải chết dưới từng ấy áp lực. Mỗi năm một lần, các bộ quân phục đó sẽ được gởi đến các xưởng để làm dẻ vụn. Năm nay có tất cả mười bốn bộ được để lại Boris phải mặc trong mười bốn bộ đó. Pillat nói:
"Nếu mày không về nhà bây giờ, mày sẽ lang thang ba tháng. Ông già bà già mày có giận dữ cũng vô ích. Cuối cùng rồi cũng phải nhượng bộ. Hai ông bà cũng không chém đầu mày đâu mà sợ. Họ sẽ cho mày áo quần khác. Trở về nhà đi cho rồi. Không còn giải pháp nào nữa đâu."
Pillat rút tay khỏi vai của Boris. Bộ áo của thằng bạn có đã bắt đầu có mùi tẩy uế, mốc meo và cằn cỗi. Pillat tiếp tục:
"Tao đã nói với bạn bè cả rồi. Chúng tao sẽ quyên tiền cho mày ra về". Boris nghiến răng. Hắn nói:
"Tao không có bạn. Mày học đệ ngũ, mày không còn là bạn tao nữa. Tao bị ở lại, không lên đệ ngũ được. Mà cũng không học lại đệ tứ được nữa. Những đứa ở lại không thể vào trường học. Như thế tao đâu còn bạn bè nữa!
Pillat vẫn nói: "Mày vẫn là bạn tao. Ngay cả khi mày không ở trong lớp. Tụi mình đã sống với nhau bốn năm trên cùng ghế nhà trường".
Giọng Boris run run: "Mày đã làm bạn với tao bốn năm rồi. Nhưng bây giờ không còn như thế được nữa. Cũng thường chứ gì."
Sân trường hình vuông, với những bức tường đầy màu xám, đã bắt đầu đông đúc. Năm trăm học sinh vừa mới ra chơi và nhìn vào mười bốn đứa thi rớt trong những bộ quân phục nhục nhã. Những đứa bị ở lại không có quyền vào lớp nữa, cũng không được vào phòng ăn hay phòng ngủ.
Chúng phải ở ngoài sân, dựa lưng vào trường, vào các cột sân bóng tròn, sân bóng rổ hay sân quần vợt.
Trong bộ y phục không còn cầu vai, bị cắt hết túi, không còn nút vàng, viền vàng, mười bốn đứa dựa lưng vào các cột, vào các cây dẻ của sân trường và các bức tường cao bằng đá. tất cả cúi gầm xuống đất.
Pillat hỏi: "Mấy giờ mầy đi".
Hỏi như thế để tan yên lặng, vì yên lặng tăng thêm khoảng cách giữa hai đứa.
Boris nhún vai. Năm trăm học sinh dạo chơi trong sân trường - Với nút áo vàng, giầy bóng loáng - nhìn những đứa bị đuổi mà không dám lại gần. Chúng nhìn trong sợ hãi: Chúng biết những đứa bị đuổi phải bị trình diện như thể để làm gương cho mỗi đầu niên học: rồi chúng sẽ được lính dẫn ra cổng trường, đến nhà ga và vào trung tâm thành phố.
Chúng là thứ cỏ dại người ta cần nhổ đi. Học sinh nhìn chúng bằng đuôi mắt, ở đàng xa mà không dám lại gần. Pillat đứng gần Boris. Chung quanh hai đứa là một khoảng trống. Chung quanh mỗi đứa bị trục xuất có một khoảng trống. Chung quanh mỗi đứa bị trục xuất có một vòng trống ác hại. Mấy đứa mang cầu vai hoàng gia sợ những đứa bị đuổi. Không đứa nào dám lại gần. Ngay cả những đứa trước kia rất thân nhau. Người ta đọc được trong cặp mắt chúng những cảm nghĩ tương tự như những người lái xe đến ngã tư thấy một chiếc xe bị nát bấy với một người bộ hành bị thương hay đã chết.
Vì thế mà chúng dửng dưng. Sợ hãi còn mạnh hơn cả lòng thương hại. Nhìn mấy đứa bị đuổi, chúng tự nguyện là sẽ chăm chỉ trong năm tới; như những người lái xe tự nhủ là sẽ cẩn thận lái xe lúc họ nhìn bên đường một chiếc xe vỡ nát vì húc phải cây cối hay trụ đèn.
Pillat hỏi: "Có gì đã xẩy đến cho mày? Tao không hiểu tại sao mày thi rớt?" Yên lặng. cặp mắt của Boris nhợt nhạt với những lông măng hiền lành cùng râu mép dưới mũi.
Boris ngước mắt nhìn trời. Những đám mây đen trôi trôi về phương đông, thật mau thật vĩ đại, đám này cuộn theo đám kia. Về phía Đông chừng hai mươi cây số là sông Dniestr và bên kia sông là Nga sô. Boris nhìn những đám mây đang bay qua trên trường học, trên đầu hắn và nghĩ rằng trong chốc lát chúng sẽ đến Dniestr, sau đó bay qua Nga sô.
Pillat nói: "Thật tao điên đầu, không thể nào hiểu nổi mày. Không một thằng bạn nào hiểu nổi điều đó. Mày vẫn là đứa giỏi toán nhất lớp. Mày đã giải nổi những bài toán mà không đứa nào làm được. Mày còn nhớ là tụi mình đã phải thi lại kỳ thi đó như một hình phạt cũng chỉ vì mình làm được bài toán và cho cả lớp chép. Nhưng không ngờ rằng chính mày - một thằng đứng đầu về toán, một nhà toán học - trời sinh lại không làm nổi bài thi kỳ này. Nói cho tao nghe đi, thầy giáo bảo là mày đã nộp giấy trắng. Mày đã không viết được một giòng nào cả. Có gì đã xảy ra cho mày, hả?"
Trong giây lát Boris tiếp tục nhìn mây đen bay về phương Đông. Rồi hắn nhìn những hột nút vàng trên bộ áo của Pillat; sáu hột nút phản chiếu bộ mặt nhợt nhạt của hắn như hắn đang nhìn vào sáu tấm gương lồi.
Boris hỏi: "Tại sao mày lại hỏi tao như thế? " Hắn trở nên nghi ngờ.
" Dĩ nhiên như thế - Pillat trả lời - Mỗi chúng tao đều hỏi như thế. Bởi vì có một điều lạ lùng, bất thường nào trong đó chứ"
Hết giờ chơi. Chuông reo inh ỏi. Học sinh liếc nhanh một lần chót những đứa bị trục xuất và hấp tấp vào lớp, để cho đúng giờ, để đừng bao giờ bị trể để khỏi trở thành những đứa ở lại lớp phải mang những bộ áo quần nhục nhã.
Năm trăm học sinh cùng nghĩ như thế lúc chen lấn nhau vào lớp học. "Để chuyện đó đừng bao giờ xẩy đến cho mình..."
Pillat lại bảo: "Bây giờ đến giờ La Tinh. Tao bỏ học. Mày đi với tao ra sau đống gỗ, tụi mình nói chuyện yên ổn hơn".
Sân trường vắng vẻ.
"Không". Boris trả lời. (Hai tay bám vào bức tường đá đang dựa lưng) "Mầy thừa biết rằng học sinh trường Trung học Hoàng gia không có quyền nói chuyện với mấy đứa bị trục xuất. Ngay cả lúc đã rời trường mầy cũng không được liên lạc - dù chỉ là bằng thư từ - với chúng. Thôi, mày vào học giờ La tinh đi, nếu không người ta sẽ giam mày đấy".
Pillat cầm tay hắn kéo về cuối sân trường và núp sau đống gỗ.
Boris nói: " Không có nghĩa lý gì để nói nữa. Tụi mình xa cách nhau mãi rồi. Tụi mình đã là một đôi bạn tốt, thật như vậy; nhưng bây giờ thì hết rồi. mày sẽ là một sĩ quan, mặc đồng phục hoàng gia. Mày sẽ là một kẻ ưu tú của đất nước, của thành phần các sĩ quan: như người ta thường dạy như thế vào các giờ luân lý.
"Không ai có thể chia cách con đường tụi mình cả" Pillat nói như thế và xiết chặt tay Boris. "Tụi mình đã là bạn là bạn tốt với nhau và cứ tiếp tục như thế. Cho dù có bị cấm đoán chăng nữa, tụi mình cũng cứ viết thư cho nhau. Không cần ký tên vào dưới bức thư. Tao biết mặt chữ của mày. Mày nhớ viết thư cho tao đều đặn nghe"
Sĩ quan trực quan sát sân trường. Núp sau đống gỗ hai đứa không thể bị phát giác. Sau khi đã nhìn những đứa bị trục xuất dựa lưng vào tường, vào gốc cây, vào các cột sân thể thao, sĩ quan trực bỏ đi.
Pillat bảo: "Cha mẹ mày giàu có. Họ sẽ gởi mày vào một trường học dân sự. Mày sẽ học nhảy hai lớp trong một năm... "
Boris đỏ mặt. Trên bộ râu mép, hai lỗ mũi hắn phập phồng.
Hắn giận dữ: "Vào học giờ La Tinh đi và để cho tao yên"
Pillat bảo: "Lấy tư cách bạn bè tao nói chuyện với mày, tại sao mày lại giận dữ cơ chứ "
- Nếu mày tự nhận là bạn tao thì đừng nói về cha mẹ tao và cũng đừng nói chuyện tao nên trở về nhà nữa.
Pillat đặt tay lên vai của Boris, vai áo không còn cầu vai nữa. Nhưng Boris vẫn nhìn mây đen trên trời đang bay về phía Nga Sô.
- Tao không làm gì phiền mày. Boris ạ, tao chỉ khuyên mày nên trở về nhà. Chỉ vậy thôi. Đó là một lời khuyên hợp lý.
-  Tao không cần mày khuyên, Boris vừa trả lời vừa nhìn trời. Mày biết là tụi mình sẽ không còn bao giờ thấy nhau nữa. Con đường tụi mình đã bị chia cách rồi. Có thể đây là lần cuối cùng tụi mình cùng nhau nói chuyện. mày có biết tại sao tao không thích nghe nói về cha mẹ tao và nhà cửa tao không ? Tao sẽ nói cho mày nghe. Có thể là một sự trả thù về phần tao … Mày biết là tao còn một đứa em ?
- Boris run lên. Pillat hỏi :
-  Mày còn một đứa em? Sao tao không bao giờ nghe mày nói đến cả. Tụi mình cùng ngồi trên một ghế bốn năm trời ở trường. Tao cứ nghĩ là tụi mình đã không giữ gì bí mật với nhau cả. Riêng tao, ít nhất tao cũng đã nói hết cho mày nghe về mọi chuyện.
Pillat có cảm tưởng bị phản bội. Nó tiếc đã tiếc vào học giờ La Tinh, đã ở lại với thằng bạn cũ của nó ở sân trường, thằng bạn đã nói láo với nó suốt bốn năm trời.
Pillat nhìn sân trường. Nó thích trở vào lớp, và để Boris ở lại một mình. Nhưng không được nữa. Trễ quá rồi. Nó phải đợi giờ chơi sắp đến.
Pillat hỏi: “Tại sao mày không bao giờ nói là mày còn một đứa em?”, tiếng nói của nó có vẻ chua chat. “Tao có bao giờ giữ bí mật chuyện gì với mày đâu”.
- Thì tao nói với mày bây giờ đây: Tao có một đứa em, tên là Angelo. Chính thảm kịch xảy ra từ đó. Chính vì thế mà tao không thể trở về nhà. Mày hiểu không? Chỉ vì tao có một đứa em!
Boris nhìn vào đôi mắt của Pillat như muốn chọc thủng chúng ra.
“Angelo nhỏ hơn tao ba tuổi” Boris nói tiếp. Nhưng Pillat không còn quan tâm đến những lời nói của thằng bạn cũ nữa. Điều chính yếu là Boris đã dấu nó một điều gì, là Boris đã thiếu thành thật với nó.
“Lúc tao được ba tuổi, có một chuyện xảy ra đã làm thay đổi hết đời tao. Mày muốn hiểu tại sao không?”
Pillat nhún vai. Boris tiếp tục:
“Câu chuyện chỉ có vài câu thôi. Nếu mày muốn nghe, mày sẽ hiểu tại sao tao đã giữ bí mật với mày. Hồi đó tao được ba tuổi. Tao đang ở sân chơi. Trước nhà tao có một cái sân với nhiều cây có hoa trắng, tao chỉ có ba tuổi nhưng tao nhớ rõ các chi tiết. tao mặc áo vải sợi màu trắng. mẹ tao bảo tao phải coi chừng đừng làm bẩn áo mới. Sau đó, bà để tao chơi trong sân dưới bóng cây. Angelo lúc đó mới được có mấy tháng. Nó ở trong xe, dưới ánh nắng. Mẹ tao bảo tao coi chừng nó. Không bao giờ tao ở một mình với Angelo. Lúc nào cũng có mẹ tao. Tao chưa hề nhìn kỹ nó bao giờ cả. Lúc bấy giờ, được ở một mình với Angelo, tao đến gần xe và tò mò nhìn nó. Một đứa bé, thật là một cái gì mới mẻ đối với tao, như một món đồ chơi.
Tao nhìn đôi chân nó. Sờ những bàn chân hồng hào. Tao thích thú nghe nó la lên lúc tao bóp mạnh vào chân nó như thể tao ấn mạnh tay vào con búp bê. Rồi tao khám phá ra cái đầu, một cái đầu hồng hào, tròn như một trái bóng. Em tao đang nhắm mắt vì mặt trời chói. Thỉnh thoảng nó mới mở mắt ra và tao thấy rõ nó có đôi mắt thật xanh. Nhưng nó không chịu mở mắt hoàn toàn. Tao lấy tay banh mắt nó ra. Như thế tao mới hài lòng. Chúng thật đẹp, trong sáng và tao thích ngắm chúng lắm. Tất cả những gì mà Angelo có tao thích nhất là cặp mắt. tao thích mở chúng ra bởi vì Angelo cứ nhắm mắt lại thật chặt. Thấy nó không biết gì, tao bỏ nó và đi chơi đến đóng rác gần đấy. Lúc Angelo khóc, tao lại đến gần nó và banh mắt nó ra. Tao đã nhìn thấy một cái đinh trong cát. Và cũng tại tao mở mắt nó bằng ngón tay không được, tao đã dùng cái đinh để mở mắt nó ra mà nhìn. Nó khóc thét lên và vùng vẫy. Rồi thì tao ấn mạnh cái đinh vào mắt của Angelo. Mày hiểu không, tại tao muốn mở mắt mà nó cứ muốn khép lại. Tao lại thích đôi mắt quá, tao muốn ngắm chúng thử xem sao.
“Tiếng thét của Angelo vang dội cả sân. Tao không còn biết chuyện gì xảy ra sau đó. Lúc mẹ tao đến, chiếc xe của Angelo đã đầy máu, áo trắng của tao đã đầy máu, tay tao đầy máu, má của Angelo cũng đầy máu. Với cây đinh tao đã đâm thủng mắt bên phải của Angelo, con mắt mà tao ưa thích ghê gớm. Mẹ tao la lên: Đồ sát nhân. Bây giờ tao vẫn còn nghe rõ: Đồ sát nhân.
Chú thích:
* theo đúng thứ tự các lớp trung học ở Lỗ Ma Ni.