ừ hướng nhà thờ bên cánh trái, một bóng người vội vã băng dọc hè nhà xứ, ẩn hiện sau dãy cây cảnh vượt quá đầu người và được soi rõ khi đi ngang vùng sáng do ánh đèn néon hắt qua chiếc cửa kiếng lớn che màn trắng, đoạn bẻ quẹo góc thước thợ để chìm vào khoảng vàng mờ bên phải tỏa xuống từ mấy khung vuông trên trần rồi tiếp theo tiếng giập cửa, tiếng máy nổ, đèn bật sáng và bánh xe chuyển động giật lùi ra khỏi garage, vang động hầu như trong cùng một thời điểm. Vừa vượt qua chiếc buýt vàng dài thoòng cũ kỹ đậu dọc theo lề cỏ với vẻ âm thầm an phận do ánh sáng mờ nhạt yếu ớt cố soi thủng màn đêm từ mấy cột đèn nhỏ của bãi đậu xe nhà xứ chiếu tới nhưng vẫn sẵn sàng hùng hục rống lên khi có dịp được nhóm trẻ dùng làm phương tiện tới những cuộc họp bạn..., chiếc Toyota Camry sáu máy xanh nhạt màu nước biển hình như đã quen thói lượn ngược trở lại, quay đầu hướng về vùng sáng của hai dãy đèn đường nghênh ngang tỏa xuống từ phía trên cao, kéo lên khỏi mặt đất những con thiêu thân bay lượn tắm trong ánh đèn xén màn đêm thành khối hình phễu trắng chụp xuống.
Chận đầu con ngõ, đại lộ Louise chạy ngang trước cửa nhà thờ, mở rộng với bốn lane hai chiều chuẩn bị trong tình trạng báo động, đón tiếp những chuyện vội vàng có thể xảy ra bất cứ lúc nào dù sáng, trưa, chiều, tối hoặc ban đêm khi mọi người còn đang yên giấc. Đại lộ trải dài xem có vẻ an bình như con chiên ngoan đạo phủ phục trước ngôi giáo đường với hàng mái vươn rộng tựa cánh đại bàng luôn sẵn sàng chấp nhận và che chở những tâm hồn cần nguồn an ủi, đồng thời cũng là biểu tượng mang vẻ trang nghiêm đến độ khắt khe và lặng lẽ nhắc nhở bằng nét uy nghi đối với những tâm hồn không chịu nhận biết tính chất mỏng dòn thân phận con người. Vươn mình vượt cao khỏi những ngọn cây và mái nhà san sát chung quanh, tháp chuông đã chứng kiến bao cảnh buồn vui, rộn ràng náo động với nguồn sinh lực đầy phấn khởi hay tha thiết ăn năn của tâm hồn tín hữu được hướng dẫn bởi đức tin vào Thiên Chúa.
Ẩn nơi vẻ trang nghiêm biểu tượng đức tin ấy, một sức sống tiềm tàng bao gồm những công việc mục vụ cho một ngàn năm trăm gia đình Công Giáo, tổng hợp lại bởi đủ mọi giai cấp xã hội cũng như thành phần sắc dân và văn hóa. Thế nên hai tiếng mục vụ nghe nhẹ nhàng thơ mộng lại chẳng thơ mộng chút nào mà lắm khi nặng nề đến độ khiến người thi hành không muốn kéo lê thân xác. Một con bệnh hấp hối giữa đêm khuya trong tuyết trời băng giá; tiếng chuông điện thoại ré lên muốn xé màng tang được gọi từ nhà thương kèm theo lời loan báo có người hấp hối cần gặp linh mục nơi cửa miệng y tá đã quen đối diện với những cảnh bất thường đến độ thản nhiên, vang theo giọng đau thương than khóc của người thân bệnh nhân đang vây chung quanh vọng qua đầu dây bên kia; rồi kẻ này gặp tai nạn nguy hiểm đến tính mạng; người khác đứng tim; rồi... muôn thứ chuyện mà chỉ những thứ ít thấy bàn tán ở chốn dân gian. Cứ mỗi lần được tin báo có việc cấp cứu là đã thấy dáng dấp hối hả của linh mục hòa theo bóng xe vội vã lao đi tuần tự ăn khớp với diễn tiến có vẻ máy móc quen thuộc giúp cho một người một vật hội nhập công việc mục vụ.
Vừa ra khỏi bãi đậu, quẹo về phía phải xuôi chiều con lộ, cha Lành đưa tay nhấn nút đèn khẩn cấp, thêm áp lực chân ga, chiếc xe ngon trớn lao vút tới như bị ép buộc chạy đua cùng ánh đèn vàng nhấp nháy thúc đẩy phía sau. Trái ngược với sự vội vã của nhịp chân bước từ nhà thờ băng qua nhà xứ, tay trái ngài nhẹ nhàng xoay vô lăng cho xe lượn theo lằn sơn trắng uốn cong sát lề đường; tay mặt gắn điếu thuốc lên môi đoạn bật lửa. Ánh sáng lóe lên trong xe soi rõ nét điềm tĩnh chịu đựng mang thoáng chút ưu tư, nhưng đốm thuốc đỏ liên tục như hối thúc ngài phải nghĩ cho được cách ăn nói khi đến bệnh viện. Chú nhỏ mười hai tuổi học lớp năm nơi trường nhà xứ được cha khuyến khích tham gia hội giúp lễ đã là đầu giây mối nhợ cho ông bà ngoại trở lại đi nhà thờ. Bố mẹ chú li dị bỏ con cho ông bà và chia tay mỗi người một ngả. Đau lòng vì cảnh vợ chồng con gái tan vỡ khiến cháu bơ vơ, ông bà than trách Chúa và giận không tham dự Thánh Lễ, nay vừa nguôi ngoai trở lại nhà thờ; thế mà đùng một cái, tin gọi tới chú nhỏ bị xe đụng khó bề qua được...!
Nói gì và nói làm sao trong cảnh huống nghịch thường này? Câu hỏi quái ác cứ lởn vởn trong đầu từ khi bước ra khỏi cửa nhà thờ khiến ngài cảm thấy lòng xốn xang như ngồi trên lửa. Nghĩ mãi mà không biết phải nói thế nào nhưng chẳng sao tránh khỏi đối diện với thực tại nan giải bởi trước khi lâm vào tình trạng hôn mê, chú nhỏ yêu cầu ông bà gọi cha Lành... Ngài chỉ còn biết cầu nguyện. Chúa quan phòng nơi nao khi vừa mới trở lại đi nhà thờ đã gặp cơn thử thách đức tin lớn lao khó bề chấp nhận. Hai ông bà già chăm sóc đứa cháu... thế rồi tại ai khiến cho đứa cháu ra nông nỗi này? Tại Chúa phạt hay tại Chúa thử lòng? Đức tin nơi đâu khi cơn nóng sốt đau lòng ập đến không một giây phút chuẩn bị? Cha thấy miệng như ngọng, không biết phải nói gì khi chứng kiến thực tại oái oăm bỗng nhiên ập đến... Tới đâu thì tới, chỉ còn nước trông cậy vào Thánh Thần Thiên Chúa mở miệng dùm; ngài thầm thĩ cầu nguyện... Cầu cho chú nhỏ, cầu cho ông bà cụ đang gặp cảnh đau lòng...
Tiếng ồn của máy xe chạy như ngăn cản ý nghĩ nhưng không thể làm giảm bớt nỗi khắc khoải trong lòng người linh mục trẻ. Vẫn biết rằng đời người có sanh thì phải có tử nhưng khi đối diện cảnh thương tâm của thân nhân những người gặp nạn, lòng ngài cũng cảm thấy thống khổ biết bao... Mới cách đây ít lâu, đang đêm tiếng phôn cấp cứu từ nhà thương gọi tới:
- Tôi là y tá phòng cấp cứu nhà thương Ocean Springs. Tôi muốn nói chuyện với một linh mục.
- Tôi đang nghe.
- Một em bé rơi xuống hồ tắm khó có thể qua được. Xin cha tới ngay, gia đình của em nhỏ rất cần cha.
- Tôi sẽ tới ngay. Xin chào.
Mấy người lái xe không biết điều; mình đã bật đèn cấp cứu mà họ không thèm tránh lại cứ tà tà đi sánh đôi với chiếc xe chậm như rùa lane bên phải... Lại đèn đỏ..., sao hôm nay đỏ nhiều dữ vậy?... Nơi cửa cấp cứu, mấy nhân viên công lực tránh dạt sang hai bên khi thấy cha Lành chưa đậu xe xong đã mở bung cửa bước ra ngoài quên cả tắt đèn. Một nhân viên cảnh sát đưa tay ra hiệu đèn xe đang chớp; ngài đưa luôn cho ông ta chùm chìa khóa khi vội vã bước ngang miệng kèm theo tiếng "Please". Tại sao có cả bà cảnh sát trưởng ở đây? Chợt nhìn thấy bà cảnh sát trưởng, cha Lành tự hỏi, chắc phải là chuyện quan trọng lắm.
Màu trắng đồng phục của các y tá di động vội vàng hòa nhập vào màu trắng xám của vách tường nhà thương gợi nơi cha sự liên tưởng đến những bóng ma trơi trong những truyện ma hay liêu trai chí dị mỗi khi bước vào khu vực cấp cứu. Ở chốn tranh dành giữa sự sống và sự chết này, hình như ai nấy cố tránh gây ra tiếng động ngay cả đến lời nói để thay thế vào đó là những cử điệu vội vã, gọn ghẽ chạy đua với tử thần. Những bóng trắng đi lại ngang dọc bất chợt hiện ra từ những cánh cửa có ghi "Cấm người vô phận sự" trộn lẫn vào cái thinh lặng nơi phòng cấp cứu tự nhiên đã tạo nơi mọi người cảm giác trầm trọng. Thi thoảng những tiếng hét hay rên rỉ vọng lại từ một ngõ ngách nào đó nghe rất gần nhưng không thể xác định bởi các hành lang nhỏ chằng chịt xuyên ngang qua lại thúc đẩy người ta có cảm tưởng bị lọt vào chốn diêm vương tra khảo hoặc kề cận cõi ngục tù ăn năn... hòa lẫn mùi ê te ngây ngất khiến lòng ruột lộn lạo tựa bị ngộp mùi tử khí làm con người như bị đe dọa chiếm mất năng lực cầu sống, tạo thành cảm giác muốn vượt thoát, chạy trốn.
- Tôi muốn gặp thân nhân em nhỏ chết đuối. Cha lành nói với một y tá đang vội vã bước ngược chiều.
Chị y tá miệng vẫn im lìm, đưa tay làm hiệu cho ngài đi theo vào một hành lang hẹp ăn thông với hành lang chính đoạn đưa tay chỉ nơi một khung cửa hắt ra thứ ánh sáng vàng nhạt của đèn tròn. Phòng đợi đặc biệt cho thân nhân cấp cứu không được rộng lắm nên bẩy, tám người ở trong đã khiến ngài có cảm tưởng chật cứng. Người nào người nấy mang đầy vẻ u sầu đến độ ngơ ngác dẫu cố ra vẻ trầm tĩnh nửa đợi chờ, nửa không muốn thấy bác sĩ hay y tá trực; họ e bị nghe tin dữ làm thất vọng do cảm giác hãi sợ không muốn chấp nhận sự việc đã xảy ra... sự chết.
- Xin chào quí...
Cha Lành vừa nói đến đó thì bỗng tiếng chân vội vã, dồn dập nổi lên và một bà tuổi cỡ ngũ tuần xồng xộc lao vào:
- Cháu tôi đâu, cháu tôi đâu?
Bà chồm người tới và hai tay nắm hai bả vai một bà mập mạp đang ngồi, đẩy qua kéo lại miệng tiếp tục la hỏi giọng vươn cao chói lói... Cháu tôi đâu... cháu tôi đâu...? Chẳng biết từ lúc nào, y tá đẩy chiếc xe lăn trên đó một thiếu phụ còn khá trẻ nét mặt thất thần vừa trờ tới lọt qua khung cửa. Bà tuổi ngũ tuần bỏ bà mập, quay qua ôm thiếu phụ xụt xịt...
- Tôi đã giết con tôi... tôi đã giết con tôi...
Thiếu phụ đang im lặng ngơ ngác, chợt trông thấy mẹ chồng bỗng co người lấy sức hét lên. Giọng thiếu phụ trẻ tựa hàng loạt những mũi giáo đâm xuyên vào tim óc mọi người khiến ai nghe thấy cũng có mặc cảm phần nào mình có liên hệ đến cái chết của đứa trẻ không có mặt.
- Tôi đã giết con tôi... tôi đã giết con tôi... Khốn nạn cho tôi... tôi không đáng sống... Tôi đã giết con tôi...
- Tên chị ta là gì? Cha Lành quay qua hỏi một người đứng gần.
- Linda. Con dâu bà Hilda.
Đưa tay kéo bà mẹ chồng sang bên, ngài học theo bà, hai tay lắc vai người thiếu phụ miệng cất giọng rõ ràng chậm rãi:
- Linda!... Linda!... Ai cho chị quyền kết án như thế? Sự sống hay chết không thuộc quyền của bất cứ ai..., chỉ mình Chúa mới có quyền... Chính sự sống của chị, của tôi, của mọi người đều tùy thuộc vào Chúa... Chúa đã gọi em nhỏ về với Ngài; đó là quyền của Ngài; chúng ta không có quyền giữ lại...
- Vâng, vâng, sống hay chết tùy Chúa.
- Chị lặp lại theo tôi: Sự sống thuộc quyền của Chúa.
- Sự sống thuộc quyền của Chúa.
- Chúa gọi con tôi về với Ngài.
- Chúa gọi con tôi về với Ngài.
- Tôi xin dâng con tôi cho Chúa.
- Tôi xin dâng con tôi cho Chúa.
- Chính ngay mạng sống của tôi,
- Chính ngay mạng sống của tôi,
- Cũng thuộc về Chúa.
- Cũng thuộc về Chúa.
- Tôi xin phó thác con tôi cho Chúa.
- Tôi xin phó thác con tôi cho Chúa.
- Chúa biết tôi thương con tôi.
- Chúa biết tôi thương con tôi.
- Nhưng Ngài cất lấy,
- Nhưng Ngài cất lấy,
- Tôi phó thác con tôi cho Ngài.
- Tôi phó thác con tôi cho Ngài.
Trấn an con dâu chưa xong, bà mẹ chồng đã gào lên:
- Tôi đã bảo ông ấy lấp cái hồ đi... hoặc rào nó lại..., giọng bà kéo dài, nhấn mạnh, mà ông ấy cứ để vậy, nói không sao... Tôi đã bảo lấp nó đi... lấp nó đi..., giọng bà cao hơn, mà ông ấy không nghe tôi để đến bây giờ, bà trở nên ai oán, rung rung nghe muốn đứt ruột, cháu tôi rơi xuống chết thảm thương... Cháu ơi... cháu ơi...!
Con dâu vừa nguôi ngoai bây giờ lại đến mẹ chồng. Mẹ chồng không dám la mắng con dâu bởi vừa nghe cha nói chị ta lập lại lời xác tín quyền năng của Chúa bèn đổ lỗi tại chồng không chịu lấp hồ bơi để đứa trẻ té xuống chết đuối... Cha Lành quay qua, nắm chặt bàn tay của bà, nhẹ giọng nhưng từng tiếng rõ ràng:
- Bà nói gì? Nếu bây giờ Chúa muốn bà chết thì tại ai? Chúng ta đã không có quyền đụng đến sự sống thì sự chết không tùy thuộc bất cứ ai. Tôi nói lại, giọng ngài nhấn mạnh, chúng ta không có quyền đổ lỗi tại ai cả và càng không có quyền kết án chính mình. Chúa nắm giữ quyền đó; không ai dành với Ngài được. Bà có tin không?
- Con tin, con tin, Chúa lấy mất cháu của con; Chúa gọi cháu con về với Chúa...
Khi lòng mang nặng nỗi thống khổ do sự kiện mất mát người thân, ai cũng tiếc nuối và không muốn chấp nhận sự việc đã xảy ra bởi người thân là phần nào cuộc đời của chính mình. Trường hợp sự mất mát bao gồm dù chỉ phần nhỏ sự kiện dây dưa đến mình trong giả sử được thêm chữ nếu..., nếu đã thế nọ, nếu đã không thế kia, khơi động tạo thành mặc cảm tội lỗi khiến con người tự lên án chính mình hoặc đổ lỗi cho kẻ khác bằng cách viện đủ mọi lý do để móc vòng liên kết cho thuận lý... Xét theo phương diện tâm lý, trường hợp một người lên án chính mình một cách sai lầm sẽ đem đến hậu quả khốc hại nhiều khi ảnh hưởng cả một đời người bởi mặc cảm tội lỗi không bao giờ được tha thứ. Làm sao để giúp mẹ đứa bé và bà mẹ chồng xóa hai bản án nặng nề này cả là một vấn đề cam go trong khoảng thời gian quá giới hạn được lồng nơi khung cảnh lộn xộn đủ mọi phiền hà dồn tới vì khi tâm hồn đối diện với ngõ cùng, người ta mới kết án chính mình... Tuy nhiên, may mắn thay hãy còn có Chúa và đức tin nơi sự quan phòng của Ngài. Chính những thời điểm đối diện với ngõ cụt lại là lúc đức tin mang lại niềm an ủi cho con người nhiều nhất... Chỉ có đức tin mới đem lại an bình. Cha Lành cảm thấy ngọng miệng nơi cảnh đau thương mà vẫn nhận ra điều may của dân Chúa... Đức tin là phép lạ chữa lành nỗi thống khổ dân Ngài...
Tiếng máy chạy đều, hòa lẫn âm thanh bánh xe cắn vào mặt đường chuyền lên thân kiếng đóng kín theo chiều nhấp nhô hay uốn cong của mặt đường tráng nhựa du cha Lành bồng bềnh trở về với dư âm ngày cũ... Nửa đêm, con lộ vắng thênh thang trải dài giữa hai hàng đèn đường song song nối tiếp tỏa ánh sáng vàng ngọt gợi nơi ngài hình ảnh thân thương những cuộc rước đèn trung thu hoặc Giáng Sinh đón tiếp Chúa Hài Đồng ngày xưa khi còn nhỏ. Những đốm sáng nối tiếp nhau quệt dài mặt kiếng do phản chiếu ánh đèn trên cao khi xe chạy ngang kéo về muôn màu sắc xanh xanh, vàng, đỏ của những tấm lồng đèn phất giấy mầu ngày xa xưa, mập mờ tỏa sáng do ngọn nến bên trong lượn quanh đây đó, soi những nét mặt rạng rỡ, đơn sơ của đám trẻ giữa đêm tối trời ngày Giáng Sinh. Ngày ấy, những dãy đèn treo nơi tiệm tạp hóa đua chen khoe màu sắc đã tạo nơi chú bé Lành sự náo nức và ước muốn của tâm trạng con nhà nghèo thèm có được một chiếc, dù nhỏ nhất, để cùng chúng bạn nhập bầy trên những đường làng luồn lạch dọc ngang thôn xóm tựa con rắn sáng trườn ngoằn ngoèo. Lớn hơn một chút, chú bé đã biết tự làm đèn và chia phe thi đua với chúng bạn để rồi có năm vừa mới qui tụ nhau đi rước, một chiếc đèn bốc cháy và lũ trẻ tinh nghịch hè nhau đốt tan hơn nửa số lồng đèn trong đó có thân phận hẩm hiu của ngôi sao suốt một ngày chú hì hụi buộc khung phết giấy... Tiếng thở dài bật khỏi miệng; ôi những ngày xưa thân ái, và bây giờ dân mình ra sao nơi mảnh đất quê hương dấu yêu!
Niềm vui thơ ấu ấy thường trở lại nơi tâm trí mỗi khi ngài có cảm nghĩ lạc lõng giữa rừng người khác tập quán, ngôn ngữ; nó được gợi về do một vài tính chất hay khía cạnh tương đồng nho nhỏ của thực tại đang sống. Niềm vui thơ ấu, không có tâm tưởng nào sâu đậm hơn và cũng không có hình ảnh nào sống động hoặc êm dịu hơn có thể thay thế được kỷ niệm ngọt ngào ngày còn tấm bé do tính chất ngây thơ chưa bị pha trộn bởi bất cứ cảnh đời phiền muộn nào, vì càng lớn dần, niềm vui vô tư ấy càng giảm bớt để khuôn đúc thành những kỷ niệm ươm mơ dễ mến bị cô lập bởi những liên hệ, đụng chạm với thực tại cuộc đời. Lúc này, những hình ảnh ngày ấy linh động gợi lại bao nhiêu, hàng đèn đường mang dáng dấp đối nghịch, cô độc lặng lẽ bấy nhiêu. Nơi đất Mỹ, việc ai người nấy làm; cơ cấu xã hội được điều hành bởi những bộ óc lý luận đã biến con người thành những chiếc máy biết giao tế, phân công và rồi khuôn mẫu thi hành nhiệm vụ mong sao cho cơm no áo ấm; có gì khác chỉ được kể niềm vui giới hạn nơi đơn vị gia đình do ảnh hưởng bởi chủ thuyết cá nhân chủ nghĩa. Người ta đấu tranh đòi cho được quyền tự do và ngăn cản kẻ khác ảnh hưởng đến mình nhưng đồng thời lại tự nhốt kín mình trong bức tường vô hình cô lập được bảo vệ bởi quan niệm và luật pháp. Nơi xã hội Mỹ, càng những ngày lễ tết phố xá càng vắng hoe ngược hẳn với lối sống dân mình. Đối với người Việt, lễ tết là những ngày ở nhà thăm hỏi, qua lại anh em hoặc hàng xóm láng giềng; trái hẳn với lối sống thân tình này, người Mỹ chẳng biết đi đâu nên kiếm đường chạy trốn mong khỏa lấp thực tại phải đối diện với khoảng trống tình người. Làm việc nơi giáo xứ Mỹ, cha Lành nhiều khi cảm thấy niềm đau cô lẻ của một xã hội mà sự liên hệ có vẻ máy móc tựa như giờ đây lái xe độc hành trên con đường hoang vắng, ngơ ngáo hai bên, đôi dãy đèn đường.
Lao giữa những luồng mây trắng xám trên đầu ngọn cây, vầng trăng hạ tuần bay bay, chập chờn thêm sức sáng cho ánh đèn, đôi khi biến mất sau những tàng cổ thụ cao lớn tạo nên khoảng tối đen đặc ôm sát khối lá âm thầm lặng lẽ giữa màn đêm làm ngài có cảm nghĩ liên tưởng tới thân phận người dân Việt nơi phía bên kia nửa quả địa cầu. Thiên hạ ở đây đua chen làm ăn; sự giàu có thể hiện cả trên nét mặt khiến họ tươi vui; dân mình như sống trong bóng tối của lùm cây phía không có ánh trăng! Năm năm sau ngày quê hương bị đổi chủ, nơi vùng kinh tế mới, ngài đã hòa mình với con dân ráng sống qua từng giây phút trong hoàn cảnh sinh hoạt thấp kém, thấp đến tận cùng nghèo nàn của kiếp người. Miếng ăn không có thì nói chi đến điều kiện tư tưởng, văn hóa. Nơi đây, con đường hun hút nằm nghỉ ban đêm cũng được hàng đèn soi sáng; còn dân mình, ngày nao mới có được cuộc sống vươn lên theo kịp với đà văn minh nhân loại!
Trên lưng chừng đoạn dốc dẫn tới khúc đường cong lọt giữa hai hàng cây, cha Lành mang cảm giác mình đang đuổi bắt mặt trăng nằm le lói bên kia bụi rậm xuyên qua cành lá vài đốm mờ nhạt; mình có đang đuổi bắt mơ ước nào không, ngài thầm nghĩ. Là linh mục, làm việc ở đâu thì cũng cùng với dân Chúa... nhưng đây là xứ Mỹ... nơi mọi người mắt xanh da trắng, lọt vào một mình ngài người Việt. Lạc lõng! Không. Cô đơn! Không. Hình như thiếu tâm tình xa vắng nào đó khó đem phân tích mà chỉ có thể cảm nhận. Giữa rừng người cao lớn đứng kín những dãy ghế dài nơi nhà thờ, lẽo đẽo một thân hình bé nhỏ đi sau chót nhóm giúp lễ. Có chú giúp lễ hơn hẳn cha một cái đầu... Những buổi liên hoan, dạ vũ, một mình ngài ngơ ngác như bị nhấn chìm bởi luồng âm thanh chói lói của nhạc "Rock and Roll," những tiếng đờn base như sấm nổ phóng ra từ các giàn loa khổng lồ với nhạc "Disco." Nét êm dịu thướt tha đến mơ hồ, chất ngất tâm tình của những mảnh hình hài mang dòng máu Việt được phổ qua âm nhạc nơi đâu khơi vọng khiến cảnh dồn động âm thanh ở đây trở thành thô kệch!
Có nhiều người nói làm việc với Mỹ khỏe hơn làm việc với người Việt; làm việc với Mỹ hết giờ tha hồ đi chơi; người Mỹ không đa sự, phiền hà như người Việt... Cha Lành mới đầu chỉ im lặng không ý kiến. Sau này nghe quá nhiều, ngài thường hay trả lời với câu nói ngược:
- Ông nói đúng vì có thể người Mỹ trả tiền thuê mình ở không.
- Thế sao cha có vẻ lè phè, chả thấy làm gì?
- Ông nghĩ coi, không làm mà xong công việc mới hay, chứ cứ phải làm mới xong thì chuyện đã thường!
- Con thấy sao các cha khác, cha nào cũng than là bận rộn tối mặt mà cha thì lại có giờ đi chơi, viết lách lung tung.
- Thì tôi đã nói rồi, có lẽ ông quên vì nào ai thuê mình làm kiểng để ngắm đâu. Quí ông quí bà đi làm cho người Mỹ nào ai lạ gì; kiếm được đồng bạc của họ cũng phải trầy da tróc vảy, trần thân làm lụng chứ dễ chi; suy vậy là có thể biết ngay. Còn sao có giờ viết thì mọi chuyện hãy lo hết trong ngày, 8 giờ tối ngồi vào bàn viết và 12 giờ đêm hãy đi ngủ; sáng 5 giờ dậy ngồi tiếp thì sẽ có giờ!
- Cha không ngủ à?
- Mỗi đêm tôi ngủ những năm tiếng...
- Năm tiếng sao đủ?
- Sách tướng có câu: "Ngủ nhiều thì thiếu minh mẫn." Nói vậy thôi, muốn có được cái này đành chấp nhận mất cái kia. Chúa cũng chẳng có được hết mọi sự Ngài muốn! Nếu có ai cứ muốn mà được, có lẽ Chúa cũng thích làm người đó...
Nơi đất nước này, tiền là trên hết. Cha làm việc không được, họ không trả lương hoặc quăng đồ ra khỏi nhà xứ. Người ta đánh giá trị con người cũng bằng tiền bạc, bằng công việc làm lương cao hay lương thấp hoặc bằng tài sản người ấy có được. Không thế mà khối người vay chạy để mua nhà cho to, tốn tiền trang trí cho sang và sắm xe mắc tiền hầu mong kiếm chút cảm phục bên ngoài. Có người bạn hỏi con trai anh ta mới lên chín tuổi rằng có muốn đi tu không. Đứa bé quay qua hỏi cha Lành lương tháng được bao nhiêu. - "Sáu trăm đồng." - "Cheap! No, I don't." Thằng bé điềm nhiên trả lời.
Chưa coi sóc cộng đồng người Việt bao giờ, cha Lành không muốn có bất cứ xét đoán gì về vấn đề làm việc với họ. Dĩ nhiên, nơi nào lại không có thánh giá, và cũng đâu ai trả lương cho người ở không. Ai dám chân thành đối diện với thực tại nội tâm đều nhận ra rằng cho dẫu thế nào chăng nữa mình cũng chỉ là một con người đầy giới hạn bao gồm nhiều đức tính tốt, lẫn không ít điều khó chấp nhận. Thử hỏi đã biết bao lần quyết định sẽ thế này, sẽ thế kia, nhất quyết từ bỏ thói quen này tật xấu khác hay giận mình đến muốn khùng lên được vì cứ vấp phải điều mình muốn từ bỏ mà đã bao ngày tháng lần lữa trôi qua hãy còn chứng nào vẫn tật nấy nói chi đến chuyện làm việc với bao nhiêu người nơi một cộng đồng hay xứ đạo. Bình thường, người ta chỉ ước muốn điều họ chưa có hay có chưa đủ hoặc khuyên người khác điều không bao giờ thực hiện bởi có thực hiện được đã chẳng ai khuyên vì nghĩ mình có thể làm được kẻ khác cũng có thể toa rập theo. Nơi một họ đạo hay cộng đồng ô hợp những cá tính khác biệt không trông mong hòa đồng mà nhiều trường hợp lại còn xung khắc thì làm sao không nảy sinh lắm chuyện bất đồng. Ai không muốn trở nên tốt thế sao vẫn còn nhiều người bị bình phẩm là chẳng ra gì? Ai không muốn giầu có sao đã bao nhiêu năm tháng cố gắng ăn chắt để dành và làm lụng cực khổ mà vẫn nghèo. Làm việc chung đụng cũng vậy, ai cũng muốn thành công; ai cũng muốn thực hiện những ý kiến tốt lành thế mà chính những ý kiến tốt lành nhiều khi đã chẳng có cách nào xếp đặt cho hòa hợp với nhau, trái lại lắm lúc gây nên nhiều điều đối nghịch không phương hòa giải. Tuy thế, ngài vẫn thắc mắc tại sao người ta cứ nói làm việc với Mỹ dễ hơn. Tại sao lại có câu "Thà chăn dê Mỹ còn hơn chăn chiên Việt?" Tại người Mỹ dễ hơn hay tại người Mỹ ý thức hơn? Cho dù đặt ra bao nhiêu câu hỏi thì cũng không thể nào có được câu trả lời toàn vẹn vì xét về thực tại cuộc sống chưa chắc ai hơn ai kém. Đối với người Mỹ, nói đụng đến họ, họ la toáng lên hoặc gọi giám mục. Họ muốn rửa tội cho con trẻ tuần này mà không cho, bắt phải tuần sau là có chuyện. Vấn đề giúp việc nhà xứ, đọc sách nhà thờ, năn nỉ sôi hơi bỏng cổ chưa chắc đã có người làm... Còn vấn đề ý thức hơn? Người Mỹ làm theo nguyên tắc; sáng kiến coi như không có nơi giới bình dân... việc gì họ chưa bao giờ làm, họ không dám thử. Người Việt, ngược lại, đọc Sách Thánh là niềm vinh dự góp phần vào việc phụng thờ tế lễ. Giúp việc nhà xứ, cứ thử nhờ coi, người giúp nhiều hơn công việc... Những chuyện gì mới chưa bao giờ đụng tới, người Việt thừa gan thử tới luôn, dám thử đến độ đôi khi lợn lành chữa thành lợn què là đàng khác... Dám thử, tất nhiên nhiều sáng kiến!
Có người lại cho rằng người Mỹ cho tiền nhà thờ nhiều hơn người Việt. Thực ra, một nhà thờ Mỹ phải bao nhiêu năm mới trả xong nợ? Người Mỹ đâu có thói quen để dành tiền bởi xưa nay đã được nuôi dưỡng và lớn lên trong cơ cấu điều hợp xã hội vững vàng; đi làm được trả tiền hàng tuần nên biết rõ ngày nào có tiền và có bao nhiêu. Hơn nữa, thú tiêu tiền của con dân mắt xanh mũi lõ được giới thương mại cổ võ tới mức tối đa nhiều khi đến độ tạo thành quen tay hay cố tật. Ai có liên hệ nhiều với người Mỹ đều thấy rõ; nhiều đồ vật hay quần áo dân xứ văn minh này mua theo hứng, mới mua hôm nay, ngày mai đã không biết mua để làm gì và tại sao mua. Quần áo nhiều khi họ mua về định mặc rồi bỏ quên, đem cho thì ngại, quăng đi thì tiếc đành chất đầy tủ và không bao giờ đụng tới bởi không còn hợp thời trang. Người Mỹ còn một thú đốt tiền khác là đi ăn tiệm; hình như họ sợ nếu để tiền trong nhà băng hay trong túi vài ngày là tiền bốc thành hơi biến mất nên phải tới tiệm ăn cho chắc bụng tránh nạn lo âu không có cơ hội xài. Nào ai lạ gì, đi tiệm ăn, của một đồng trả gấp năm và tiền típ, tiền bia, rượu được tính với giá cắt cổ. Một chai rượu tây như Remy Martin giá ba mươi mấy đồng thế mà nơi tiệm ăn, bẩy đồng một ly chỉ vừa hai hớp (các cụ gọi là tợp), thử hỏi một chai rượu như thế được bán ra bao nhiêu ly thì còn đâu là tiền. Tiêu pha, xài phí như vậy được lồng trong một xã hội khuyến khích càng chi phí kinh tế càng phong phú (bởi không tiêu sao có kẻ hốt được tiền của mình), một nhà thờ Mỹ nếu xây cất ít nhất phải mang nợ trung bình 30 năm vì thế cha xứ tha hồ gân cổ ra mà gào. Cha nào khôn, đẩy được cho hội đồng giáo xứ thì khỏe, tóc lâu bạc hơn. Cha nào sốt sắng lo món nợ nhà thờ lại bị dân kêu ca: "Lời Chúa không giảng chỉ gào tiền."
Những nhà thờ của người Việt thì sao? Nói rằng người Việt không cho tiền nhà thờ thế sao ở Việt Nam, dân thì nghèo mà nhà thờ cứ sửa; có nơi thánh đường vẫn còn tốt, khang trang mà phá ra làm lớn hơn vì quá chật, chứa được ít người đến nỗi không đủ chỗ giáo dân đứng. Tại sao cho và tại sao không cho? Phải có điều gì bất ổn khiến lòng quảng đại của dân chúng bị đóng lại. Ai đóng và làm sao có thể mở? Cả muôn ngàn câu hỏi về thái độ cũng như nghệ thuật lãnh đạo trộn lẫn, cần sự phân tích đặt vấn đề để giải quyết mong tìm ra nguyên tắc và lối hành xử. Có phải sự rộng rãi nơi giáo dân tùy thuộc sự giầu có của họ? Nếu nói về sự giầu có, trong dân gian được mấy người cho là mình giầu mà có chăng chỉ thấy luôn luôn túng thiếu. Thực tế cho thấy, kẻ giầu có chưa chắc rộng rãi tấm lòng vì không chắt bóp để dành sao có! Hơn nữa, thói quen cần kiệm dè sẻn sẽ ngăn cản sự rộng tay. Nhìn xa hơn, số gia đình khá giả nơi một cộng đồng chẳng được mấy người, có khá lắm thì cũng như muối bỏ biển so với đại đa số dân chúng. Người xưa có câu: "Kiến tha lâu cũng đầy tổ;" sự đóng góp khá hay không như vậy tùy thuộc vào phần đại đa số dân nghèo chứ giầu mà chẳng cho thì cũng như cuội. Có nói thế nào chăng nữa thì đâu cũng thế và nếu sự việc dễ dàng ai cũng có thể giải quyết được thì cần chi linh mục... Nguyễn Du đưa ra nhận xét khá thấm thía khi viết: "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay." Đứng ngoài mà tưởng tượng hay đề nghị hoặc thắc mắc, ai không có thể đặt vấn đề; có lẽ họ quên lời ông bà mình nói: "Có ở trong chăn mới biết chăn có rận."
Thử nhìn nhận một cách chân thành mong tìm được nguyên nhân đem đến sự thiếu hụt, nói cách khác, thiếu sự đóng góp của đại đa số dân chúng. Nếu cho rằng dân vì quá nghèo không giúp góp là một điều phi lý. Người ta nghèo vì bạc trăm bạc ngàn chứ không ai nghèo vì vài đồng lẻ. Nếu một tuần, một người không cho nhiều, chỉ một giờ đi làm theo tiền công căn bản hơn bù kém bốn đồng thì ít nhất năm trăm người đã cho được hai ngàn và như vậy cộng đồng có năm trăm người đi làm đã ủng hộ được những tám ngàn trong một tháng. Bốn đồng một tuần so với người đi làm không thể khiến cho họ nghèo hơn được; cùng lắm họ chỉ bớt đi bốn lon bia... Như vậy lý do nào khiến họ không cho tiền nhà thờ? Có bận ghé qua thăm một linh mục người Mỹ, nhân nói chuyện về sự đóng góp của giáo dân, ngài bày tỏ phần nào sự hiểu biết về tâm tính của người Việt vì đã sống với họ hơn một năm khi làm cha xứ nơi nhà thờ có cộng đồng người Việt dự lễ.
- Dân Việt các ông, nếu hiểu họ, chỉ cần sống sao cho họ thông cảm; họ có thể cắt tay hiến máu cho mình.
Ngay thẳng mà xét, làm việc với người Công Giáo tự nhiên đã có một lợi điểm mà các đoàn thể dân chúng khác khó có thể có được đó là đức tin. Vì đức tin, họ sẵn sàng hy sinh thời giờ và tiền bạc; vì đức tin họ chấp nhận những thua thiệt ngay cả đến những điều ong tiếng ve bởi người khác hiểu lầm hoặc vì lý do bí ẩn nào đó được tạo dựng để xúi bẩy dư luận... Chỉ mới sống với người Việt hơn một năm trong trách nhiệm cha xứ, sao linh mục Mỹ có thể nói lên được lòng rộng rãi của nhóm dân Việt tại đó. Như vậy, những trắc trở nào đôi khi đã biến họ thành khó khăn chật hẹp? Có phải thiếu đắc nhân tâm? Yếu tố nhân hòa bởi đâu không có để đến nỗi biến những người sẵn sàng cắt tay hiến máu trở nên bất cần, dửng dưng?
Hiểu họ hay họ hiểu? Bình tâm nhận định, người Việt rất rộng rãi khi nhu cầu được nhìn thấy tận mắt. Nào ai chật hẹp, khó khăn không rộng tay ủng hộ tiền bạc trong những dịp mở lễ Giáng Sinh, Phục Sinh, hoặc tổ chức lễ quan thày hay văn nghệ văn gừng vào dịp lễ tết. Tuy nhiên, có những nhu cầu nơi đất Mỹ khác hẳn bên Việt Nam lại chẳng mấy ai để ý vì có bao giờ họ rơi vào tình trạng đó đâu! Có công bố nơi nhà thờ hoặc trên tờ mục vụ thì giỏi lắm người ta chỉ lướt qua nào đâu ai cần biết. Một nhà thờ nơi đất Mỹ, tiền bảo hiểm mắc hơn khu thương mại; chẳng hiểu tại sao, có lẽ các chủ hãng bảo hiểm nghĩ rằng nhà thờ có tiền dân chúng cho nhiều nên tha hồ chém. Nào lụt, nào cháy, nào tai nạn bất thường... Thế rồi còn sửa chữa! Đâu có gì đứng vững trường cửu với thời gian giữa mưa nắng nóng lạnh bất thường thay đổi ngày này qua ngày khác trên trái đất... Nào ai có thể nghĩ được mỗi tháng bảo hiểm chém tới hai ngàn... Tuy nhiên, đừng tưởng thế đã nhiều vì đâu có cha nào sợ bảo hiểm... Các ngài sợ cái nút nhỏ xíu gắn nơi phòng áo... Mỗi lần đưa tay đụng tới là ruột đau con xót... Cái nút điện máy lạnh...! Thật vậy, sợ thì có chi mà sợ nhưng vấn đề lại là tiền đâu để trả.
- Thưa cha, xin cha cho mở máy lạnh từ sáng vì ngày mai nóng lắm... để đến trưa khi nhà thờ đã nóng rồi mới bật không thể mát được đâu thưa cha.
- Không sao đâu bà, chỉ cần bật trước hai tiếng đủ lạnh rồi, để máy lạnh chạy từ sáng cũng không thể lạnh hơn đâu bởi đã có đồng hồ giới hạn nhiệt độ.
- Nếu cha bận, con sẽ đến nhà thờ lúc 9 giờ cho máy chạy.
Cha Lành nghĩ, vâng thưa bà tôi biết chứ! Đám cưới con bà cả đời chỉ có một lần nên ai không muốn có những giây phút thoải mái. Tôi lại càng muốn cho con chiên thoải mái hơn để tham dự Thánh Lễ sốt sắng. Hơn nữa, mặc dầu thực tế là đám cưới của đôi trẻ nhưng bao gồm chẳng những cả hai gia đình mà còn họ hàng và bạn bè thân quen cũng như những người có liên hệ làm ăn. Cứ sự việc đã xảy ra mà xét, bà đã thấy ai kêu ca về máy nóng máy lạnh đâu. Tôi còn biết rằng đến nhà thờ mà phải chịu nóng nực, giáo dân không muốn đến nhất là những người khách lạ. Thế rồi một đồn mười, mười sẽ đồn trăm thì nhà thờ chỉ còn nước bỏ trống và cha cũng không còn đất dung thân. Tuy nhiên... Cha Lành thở dài! Bà đâu có biết đã nhiều lần cha xứ nhăn nhó; đến ngay như thứ sáu đầu tháng chầu cả ngày mà ngài dặn đi dặn lại chỉ mở máy lạnh từ 10 giờ đến 12 giờ trưa và từ 2 giờ chiều tới 4 giờ. Bà đâu có bao giờ nhìn thấy chiếc bill dài thoòng bốn con số dẫn đầu bằng con số 2 tiền điện. Bà đâu có hiểu với hệ thống chín mươi ngàn CBU mỗi lần ré lên là tờ ba số tan thành không khí. Bà đã bao giờ nghĩ công lao làm lụng vất vả cả ngày được mấy phút lạnh không? Máy chạy từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều mới ngưng vị chi 6 tiếng, cả tuần lương kỹ sư trả chưa đủ đâu... Nghĩ thế nhưng ngài lại phải mở miệng trả lời một cách ôn hòa:
- Bà yên chí, tôi sẽ bật máy lạnh và nếu bà không yên tâm, trưa gọi điện thoại nhắc tôi, khỏi phải mất công đến nhà thờ... Lễ cưới mãi 2 giờ chiều cơ mà!...
- Xin cha cứ bật máy lạnh cho con, con sẵn sàng chịu tiền điện.
Khổ ơi là khổ, cha Lành than thầm, đồng ý là cứ có tiền thì mua tiên cũng được. Bà trả tiền điện chạy máy lạnh là chuyện nhỏ nhưng nào ai biết đấy là đâu mà vấn đề là tại sao người này thì được ưu tiên mà người khác không; và dẫu máy lạnh chạy liên tục cả tháng thì cũng có lạnh hơn đâu nhưng lỡ bà vô tình nói ra lại là điều bất công cha phải chịu. Xưa nay giáo xứ đâu có lấy thêm tiền điện ai! Đã có xứ mỗi đôi hôn nhân phải trả hai trăm năm mươi đồng nhưng lệ đó được đặt ra để ngăn cản người xứ khác đến xin mượn nhà thờ. Đàng này, đối với giáo dân nếu chấp nhận chi thêm tiền điện người ta sẽ kêu là phải thuê nhà thờ! Không làm như thế được, bà du tôi vào thế lưỡng đầu thọ địch, giống chiếc lưỡi bị kẹp bởi hai hàm răng...
- Giáo xứ không đòi tiền điện thêm của những đôi hôn nhân thì bà không phải trả. Tôi bảo đảm với bà nhà thờ sẽ mát lạnh; như vậy bà đã yên lòng chưa?
- Vâng, con cảm ơn cha, xin phép cha.
- Xin chào bà...
Có những lần đi thăm giáo dân, ở nhà họ thì nóng nực kèm thêm mùi thức ăn, mùi thảm lâu ngày quên giặt gặp khí trời hâm hấp bốc lên thế mà chẳng sao, tới thánh đường lại cứ muốn rét với lạnh... Thật khó ăn khó nói; có nhắc nhở, nói đụng đến tiền thì "Cha chỉ nên giảng Phúc Âm" hoặc "Chúng tôi đi lễ nghe Lời Chúa chứ không cần nghe đến tiền bạc..." Có một bà, cha xứ đứng trên tòa giảng vừa khuyến khích giúp tiền địa phận, đứng ngay lên ngoe nguẩy ra về. Vài hôm sau vô tình cha Lành gặp lại,
- Hôm chủ nhật chắc bà mắc chuyện gì phải về sớm?
- Con không muốn nghe về tiền bạc nơi nhà thờ. Con đi lễ nghe giảng Lời Chúa; vấn đề tiền bạc cứ cho chúng con biết và để chúng con lo.
- Thế cho biết bằng cách nào bây giờ?
- Thì đăng trên tờ mục vụ và cho người nói trước lễ.
- Lối nào thì cũng nói ở nhà thờ. Hơn nữa, có phải tiền cho cha xứ đâu, tiền địa phận xin giúp truyền giáo mà...
- Nhưng các cha không nên nói tới tiền bạc...
Thì có cha nào biết và muốn nói về tiền bạc đâu bởi trường thần học không ai dạy làm tiền. Hơn nữa, nói đụng đến vấn đề này bao nhiêu đều bị giáo dân chán ghét bấy nhiêu và dù có nói mấy chăng nữa lương cũng không hơn được nửa xu. Mỗi lần nói đến tiền bạc nơi nhà thờ là thêm một lần mang họa, là thêm những điều dị nghị xì xèo nhiều khi trở thành nói cạnh nói khóe cha tham tiền, vậy mà vẫn phải nói! Rõ khổ, đâu phải bao nhiêu tiền giáo dân quyên góp đều chui vào túi linh mục! Nếu cứ kêu gào mà dân chúng cho tiền đút túi có lẽ các cha sẽ không còn thời giờ mà thở bởi phải lo lắng vì giầu có cho đến chết.
- Bà cũng có lý, để tôi nói với cha xứ xem sao.
Một cha bạn người nhà dòng tuổi cỡ ngũ tuần nhưng trông còn khá trẻ có lần kể khi cha Lành hỏi lý do ngài có dáng trẻ hơn tuổi thật.
- Đừng bao giờ làm chính xứ; đó là bí quyết tôi học được nơi cha cố Thân bề trên tôi hai mươi năm trước.
- Thế sao ngài lại chấp nhận làm bề trên ngày đó.
- Ngài đâu chịu nên chỉ chấp nhận làm bề trên có một năm để hội đồng nhà dòng kiếm người thay thế.
- Có đúng vậy không thưa cha? Thế sao con chưa bao giờ làm cha chính mà tóc đã muối tiêu?
- Tóc muối tiêu là một chuyện và trẻ là vấn đề khác. Có những người tuổi mới mười mấy đôi mươi mà đã già. Tôi nói kiểu cách đã già chứ không phải già dặn; vấn đề trẻ hay già tự nơi tâm hồn, sao cho không bị những sự việc chẳng đáng làm mình phiền não để rồi tự đóng những khuôn mẫu bất di dịch chẳng những gây hạn hẹp cho chính mình mà còn ngăn cản bước tiến của những người làm việc với mình.
- Con muốn nói nét mặt trẻ chứ không phải tâm tư trẻ.
- Thì cứ làm cha phó... Làm cha phó không bị phiền hà, kêu ca vì những chuyện chẳng đáng gì, không phải lo lắng về máy lạnh, máy nóng, bảo hiểm, bảo trì...
Cha xứ cảm thấy khó chịu khi nghe cha phó kể rằng có người bỏ ra về sau khi nghe nói xin tiền cho địa phận giúp truyền giáo... Mấy hôm sau, trong bữa ăn trưa ngài lên tiếng:
- Bà Hưng nói với cha về vụ các cha không nên nói đến tiền bạc nơi nhà thờ hôm trước, tôi xem sổ quyên giúp tiền truyền giáo cho địa phận, bà ta không cho gì hết... Hơn ba mươi năm linh mục, tôi kinh nghiệm thấy càng những người chê trách thì lại càng không đóng góp gì...
- Nhiều người còn nghĩ tiền bỏ nhà thờ vào túi các cha. Cha Lành nói tiếp.
- Họ có nói thêm gì nữa không?
- Toàn là những chuyện chê trách thế này thế kia làm họ không vừa ý, nhưng đa số họ dùng những điều trông thấy để kết luận. Chẳng hạn các cha giầu có nên mua toàn xe mới; các cha lấy tiền nhà thờ mua sắm nhà cửa... Có người còn cho rằng các cha chỉ việc ngồi chơi xơi nước và bắt con chiên phải đóng tiền cung phụng. Người khác đặt vấn đề hỏi tại sao lại ấn định đóng hai mươi phần trăm tiền làm ra cho nhà thờ.
- Đã nhiều lần tôi nghe nói như thế! Cũng may là họ chưa trông thấy việc các cha làm mà nghĩ chỉ ăn không ngồi rồi. Nếu thấy có lẽ họ lại cầu xin Chúa đừng để họ phải làm phiền đến các cha.
Cha Lành cười sặc sụa vì đang lỡ uống bia nên chụp vội khăn ăn bịt kín miệng mũi... bia đi trật lối...
- Gần bốn năm làm phó ở đây có bao giờ con thấy cha cay đắng đến độ trở thành diễu như hôm nay đâu!
- Cha thấy đó, tiền quyên ở nhà thờ hoặc ai cho đều có người đếm đem bỏ nhà băng; chi tiêu thì còn có cuống check, sao lại có thể nghĩ được vào túi các cha. Thật kỳ cục! Nhưng dựa vào đâu khiến họ thích xen vào những chuyện ăn nói thiếu chín chắn như thế?
- Có thể tại họ thấy các cha có xe mới.
- Chẳng lẽ cứ có xe mới là lấy tiền nhà thờ mà mua; ai cho phép lấy? Chẳng lẽ những người trong ủy ban tài chánh không biết chữ. Cũng công nhận các cha đi xe mới mà đâu cha nào nói lên là xe thuê mỗi tháng phải trả hai trăm mấy gần ba trăm. Còn cha nào cần kiệm lắm, mua được chiếc xe, có lẽ dùng cả mười năm mà vẫn bị cho là mới. Không thể hiểu họ nghĩ gì; họ mua những căn nhà cả trăm ngàn sao không tự đặt vấn đề. Một linh mục lương tháng sáu trăm đồng, suốt ba bốn mươi năm làm việc không để dành mua được lấy căn nhà ba bốn chục ngàn sao! Đừng để những điều họ nói làm phiền... Tôi đi nghỉ một chút bởi đôi hôn nhân sắp tới rồi.
Sao mà lắm thứ lỉnh kỉnh chẳng đáng nói lại cứ phải nghe như thế này! Cuộc đời nghĩ cũng lạ kỳ, nào mấy ai đã bao giờ nói cho người khác biết cách làm tiền sinh sống của mình; chẳng thế sao có câu: "Cho bạc cho vàng, không ai đọc đàng đi buôn." Có lẽ lòng ai cũng có những cái túi không đáy nên dù cho bao nhiêu ước muốn cũng chẳng thể lấp đầy được nhất là ước muốn có nhiều tiền. Hơn nữa, ai không nhận ra sức vạn năng của đồng tiền; nó giúp người ta muốn gì được nấy nếu xét về phương diện vật chất; thế nên cũng đâu lạ chi khi thấy có những người ham mê làm tiền đến quên hết mọi sự, và có trường hợp tệ hại hơn nữa, ham mê làm tiền đã đưa đến cảnh đổ vỡ gia đình. Hình như thời trang đã ảnh hưởng quá mạnh mẽ đến lòng tham của con người nên lắm chuyện chẳng nên để ý đã làm phiền lòng người rỗi việc. Ngày xưa người ta mặc quần có đáy nên ước muốn phần nào được giới hạn. Thời bây giờ, thiên hạ đổi quần ra váy nên không có đáy; sự ham muốn cũng theo đà văn minh nhảy vọt đã trở thành không giới hạn; do đó từ sự ước muốn có nhiều tiền không thành, người ta đặt vấn đề nhìn quanh xem ai hơn, ai kém mình. Ý nghĩ so sánh ước muốn không giới hạn với chiếc jupe khiến cha Lành cảm thấy ngồ ngộ. Nào ai lạ gì đặc tính ganh đua của thiên hạ muốn chứng tỏ mình hay mình giỏi vượt qua những người chung quanh. Thiên hạ có xe mới, mình phải có cái mới hơn; thiên hạ nổi, mình phải nổi hơn. Thêm nữa, cá tính muốn nổi thúc đẩy người ta chỉa mũi dùi vào những nhân vật quan trọng được nhiều người để ý nên có thể vì thế các cha bị trở thành tâm điểm cho những loạt tên bắn tới. Xe mới xe cũ đâu có gì đáng nói; đừng coi thường một vài đồng lẻ chẳng ra gì đem tiêu cách hoang phí thì xe mới đâu phải chuyện khó. Đừng uống bia, đừng ăn nhậu, đừng đánh bài bạc, đừng đua đòi nay mốt này mai mốt kia, đừng mua những chiếc tivi năm ba ngàn, đừng ganh đua muốn cái gì mình cũng phải tỏ ra hơn người thì xe mới muốn có lúc nào mà không xong. Một chiếc xe mới chỉ mười ngàn đồng trong khi người ta đi sửa sắc đẹp gần hai chục ngàn nào đâu thấy ai kêu ca!
Xe tất nhiên là điều cần thiết cho cuộc sống nơi đất nước này nhưng mới hay cũ cũng chỉ là phương tiện di chuyển. Cái nhà để ở thì bất cứ nơi đâu cũng là sự vật không thể bỏ qua. Thế rồi người ta lên án những kẻ đem cha mẹ già gửi nơi nhà dưỡng lão; ngược lại, những lời bình phẩm ra chừng muốn các cha khi về già phải sống nơi dành cho những người không chốn nương tựa. Lẽ đương nhiên, cuộc đời các cha rất phù hợp với câu: "Khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai." Cuộc đời linh mục khi còn có thể làm việc được thì nay đây mai đó; đùng một cái đến tuổi già, con không, cháu chẳng có bởi có con đâu mà có cháu và đồng thời, anh em họ hàng, những người thân quen đồng tuổi hay lớn hơn nào còn có thể giúp được chi; họ đang phải nhờ vả con cháu họ thì mong giúp được ai. Lo trước nhà cửa để đến tuổi không làm việc có nơi dưỡng lão lại cũng bị đặt vấn đề! Thử hỏi rằng ai không có nhà để ở? Ai không muốn có nhà riêng tránh bị phiền hà nay đe đuổi, mai dọa khám xét gián, mối. Không hiểu người kêu ca xoi mói những chuyện ấy nghĩ gì khi nhà của họ được sơn xanh xanh đỏ đỏ đến rối cả mắt mỗi lần đi ngang! Có phải họ muốn các cha nên chết sớm trước khi đến tuổi về hưu hoặc nên vô nhà hưu dưỡng e sống ngoài nhờ vả làm phiền đến họ, hay các cha già nên trở thành kẻ lang thang sống bờ sống bụi cho hợp với danh từ kiếp tạm gửi? Thật ra, ai suy nghĩ câu "Chồn có hang, chim trời có tổ, chứ Con Người không có chỗ ngã đầu" (Lk. 9:58) mới thấy thấm thía... Nghĩ sao đây, cha Lành tự hỏi. Cuộc đời này vắt chanh bỏ vỏ là lẽ thường tình, nhưng lý do nào đã gây ra những điều kêu ca một chiều không so sánh lạ lùng ấy?
Nếu thiên hạ kêu ca về xe, về nhà các cha mua sắm là lẽ thường thì không kêu ca về những tiện nghi, tiền của họ có được trở thành lẽ bất thường. Từ sự bất thường không nhận ra niềm hạnh phúc ít nhất là nơi vật chất Chúa ban cho trong cuộc đời sinh ra sự kêu ca về lẽ "cha cứ gào tiền" lại được coi là lẽ bình thường. Tiếng "gào" nghe sao mà dữ tợn thế! Những ai lờ đi, có thì cho nhà thờ, không muốn cho thì thôi đã là người tốt lành. Người khác không hiểu đã bao giờ cho chưa, lại lên giọng thày đời như cố ý so sánh để chứng tỏ các cha tham lam hơn mình.
- Thưa cha hôm nọ nơi đám ma ông trùm Hoạt nghe thấy ông giáo Tương trước dạy trường trung học đệ nhất cấp ở Gò Vấp nói rằng các cha buộc người ta phải đóng hai mươi phần trăm tiền làm ra hay tiền lương thì sao mà các cha tiêu pha cho hết. Vậy ra cũng có luật bắt đóng theo phần trăm tiền mình có ư?
Thấy vẻ ái ngại nơi nét mặt ông trùm Sĩ khi hỏi, cha Lành chậm rãi:
- Ông đi nhà thờ đã nghe thấy tôi nói phải đóng hai mươi phần trăm bao giờ đâu! Vấn đề đóng tiền nhà thờ thật ra tự ngàn xưa tới giờ đã gây khá nhiều phiền hà cho các cha đến độ tôi sợ không muốn nhắc đến...
- Cha không nói thì ai biết mà ủng hộ?
Ông trùm muốn ủng hộ nhà thờ hay sao mà lại đặt vấn đề này; ngài thầm nghĩ.
- Ông trùm nghĩ coi, không dám nhắc đến mà còn bị nói này nói nọ phương chi...
- Thưa cha, vậy tiền xin "rấng" là tiền gì?
- Thì tiền mà ông giáo trung học đệ nhất cấp nói hai mươi phần trăm đó...
- À ra thế, nếu vậy bao lâu nay con có biết gì đâu vì có bao giờ con nghĩ đến phần trăm phần chục gì. Xem nào, hai vợ chồng con mỗi tháng lãnh được năm trăm mấy, vị chi nếu phải đóng hai mươi phần trăm tức là một phần năm; chúng con phải đóng những một trăm đồng. Chia làm bốn tuần, mỗi tuần hai mươi lăm đồng. Những hai mươi lăm đồng một tuần cơ à? Sao nhiều thế?
Cha Lành thấy ông trùm Sĩ lộ vẻ luống cuống vì sợ tốn nhiều tiền cho nhà thờ nên mỉm cười giọng dễ dãi:
- Xưa nay ông không cho nhiều như thế có sao đâu; nào đã có ai dám trách móc gì mà sợ. Ông giáo Tương nói phải đóng hai mươi phần trăm chắc có lẽ với ẩn ý gì đó thôi. Người theo đạo Tin Lành họ có luật buộc đóng mười phần trăm tiền làm được bắt nguồn từ Cựu Ước. Đóng tiền nhà thờ một phần nào chứng tỏ lòng biết ơn Chúa đã ban cho mình cuộc đời, sức khỏe, và những hồng ân hằng ngày. Thực tế mà xét, nhà thờ cần được bảo trì, tiền điện, tiền hít khi nóng khi lạnh phải có tiền để trả... và rồi máy móc hư hao cần sửa chữa...
- Chết thật, con đâu để ý gì nên khi nào có tiền trong túi thì cho đồng bạc, chẳng có thì thôi. Hơn nữa, con nghĩ các cha không cần tiền nên chẳng để ý nhiều...
- Thật ra, tiền cho nhà thờ nhiều hay ít đâu phải vào túi các cha để rồi các ngài muốn tiêu pha gì thì tiêu. Các cha đã có lương nhất định chẳng hạn như lương bây giờ là ba trăm rưỡi, tiền xe hai trăm và tiền xăng năm mươi đồng vị chi tổng cộng sáu trăm. Còn muốn chi phí gì cho nhà xứ hoặc sửa sang phải có hội đồng hàng xứ họp để quyết định trích tiền quĩ nếu có hay tìm cách gây quĩ giải quyết v.v... May mắn, tôi chỉ là cha phó nên cũng đỡ phiền. Tôi chỉ biết tiền lương, nếu tiêu hết đành chịu...
Sự chi tiêu trong xứ đạo nào đâu chỉ gồm nhà thờ, máy lạnh, bảo hiểm, mà còn nhà xứ, thư ký, người nấu ăn... Tiền lương thư ký ít nhất hơn ngàn một tháng, người nấu ăn cũng thế, thêm bảo hiểm nghề nghiệp, bệnh viện v.v... Ít ra cũng ba ngàn bạc bay như bươm bướm. Có thế mà đặt vấn đề tiền bỏ nhà thờ để làm gì! Xứ nào có trường học Công Giáo tại đất nước này thì lại cả là một gánh nặng. Tuy nhiên, cũng khá nhiều người hy sinh thời giờ điều hành bingo hàng tuần và tùy những dịp lễ nghỉ tổ chức kiếm ngân quĩ bù vào phần thiếu hụt... Nhà trường không đủ tiền đóng bảo hiểm tự động bị luật đóng cửa, không đủ tiêu chuẩn của State, đóng cửa... Nhà thờ không đủ tiền chi dụng cũng đóng cửa... Mặc dầu đất nước tự do nhưng không có gì tự nhiên mà có; chả thế người Mỹ nói "Nothing's free." Không tiền trả bill, công ty cúp điện hết nói chuyện "máy rét máy nóng." Mỹ mà, có 49 cents muốn mua lon nước ngọt 50 cents tại máy, chỉ có nước đập máy ăn cắp... vì có càm ràm, nói nhăng nói cuội cách mấy cũng không đáng một xu.
Thường thì nhà xứ là nơi các cha ở đồng thời cũng là văn phòng giáo xứ và thơ ký làm việc ngay tại đó. Thư ký và người nấu ăn lại cũng thường là đàn bà... Thế nên đôi khi cũng có người thắc mắc tại sao phải cần thư ký, hoặc tại sao không thuê đàn ông làm thư ký và nấu bếp. Một buổi chiều mát trời, cụ Tam không hiểu lăng quăng đi đâu nhân tiện ghé tạt ngang vô nhà xứ. Cụ tuy ít nói nhưng giọng trầm trầm, nhẹ nhàng dễ gây cảm mến. Qua ít phút thăm hỏi chuyện trời mưa trời nắng, thấy cha dễ dãi và nhân cơ hội sau khi bà thơ ký trình cha chứng giấy, cụ Tam rụt rè:
- Mấy bà thư ký và bà bếp làm những chuyện gì mà phải thuê cho tốn tiền hở cha?
- Cụ xem, một giáo xứ gần một ngàn rưỡi gia đình nếu không có thư ký thì lấy ai làm chuyện sổ sách? Thêm nữa những công việc quét tước, hút bụi lau chùi nhà cửa và nấu nướng một người ngày nào cũng làm mà không hết việc, nếu cha làm những việc đó giờ nào mà làm việc nhà xứ... Cha Lành thờ ơ trả lời không nghĩ rằng đó là chuyện quan trọng và cũng là mục đích ghé qua nhà xứ của cụ Tam.
- Theo con thấy, sổ sách thì nào có chi đâu, làm gì thì ghi xuống là xong sao lại phải thuê người cho tốn tiền! Giọng cụ đầy vẻ ngỡ ngàng nhưng không kém phần thận trọng.
Nghe giọng nói của cụ, cha Lành chợt nhận ra cụ đang mang thắc mắc cần được giải thích. Dẫu biết rằng những người tâm tính chất phác như cụ khi đặt câu hỏi về một vấn đề nào thì tự vấn đề đã trở nên gay go khó giải quyết. Hơn nữa, bình thường nơi cuộc sống gia đình ngoài việc ký ngân phiếu trả tiền điện nước chẳng có gì đáng phải ghi nhớ hay làm sổ sách chi tiêu bởi nào mình đâu phải trình bẩm với ai về tiền bạc làm ra hay chi phí; do đó cha muốn biết thêm cụ thắc mắc về những chuyện gì.
- Cụ nói có gì đâu nghĩa là sao?
- Thì cùng lắm chỉ có sổ lễ chứ còn chi mà nhiều!
- Sổ lễ chỉ là chuyện nhỏ; những văn thư thông báo, những luật lệ của chính phủ thay đổi ảnh hưởng đến giáo xứ, sổ rửa tội, hôn nhân, tài chánh, chi dụng, sổ thuế má phải nộp ra sao... hơn nữa, cả trăm lần điện thoại một ngày... cái gì người ta cũng hỏi nhà xứ. Cụ tính xem, mấy người làm việc buôn bán cần phải có "book keeper" mà giáo xứ không có thư ký thì những việc ấy ai làm?
- Con nghĩ các cha làm.
- Cụ ghé qua nhà xứ nhân lúc tôi có được chút giờ rảnh; chứ thực ra những việc mục vụ và phụng vụ nơi một giáo xứ lớn như thế này chiếm nhiều thời giờ lắm. Chẳng hạn nếu tôi phải ngồi làm những chứng chỉ hôn nhân hay rửa tội mà bà thư ký vừa đưa vô chứng, phỏng tôi có giờ tiếp chuyện với cụ không? Thêm nữa, rất nhiều người có những chuyện cần linh mục giải quyết hay cho ý kiến như câu hỏi của cụ chẳng hạn nếu không được cha tiếp đón giải thích cụ sẽ cảm thấy thế nào?
- Việc mục vụ là việc gì vậy cha?
- Là những việc giáo dân cần đến chẳng hạn thăm hỏi các gia đình, dạy giáo lý tân tòng, thăm bệnh viện, xức dầu bệnh nhân, những chuyện cấp cứu v.v... người gọi tới hỏi chuyện này, người chuyện khác... Chính ngay việc đang nói chuyện với cụ cũng là mục vụ.
- Gì mà lắm chuyện thế; cả như con, một năm không đến nhà xứ một lần thì đâu có chuyện gì phiền hà đến các cha. Là giáo dân, đọc kinh, đi lễ như thế đủ rồi, đến nhà xứ làm gì?
- Cụ nói có lý mà coi chừng lý trật rồi. Nào có ai muốn có những chuyện phiền hà đâu! Nhưng nếu cả năm không đến nhà xứ, chỉ đi lễ và về nhà đọc kinh thì lấy ai dạy giáo lý, lấy ai hát trong ca đoàn, ai giúp dạy tân tòng, chuẩn bị hôn nhân... rồi còn nhiều thứ việc khác...?
- Sao cha không nói ở nhà thờ có phải hơn không?
- Cha xứ và tôi đã nói rồi đấy chứ mà đâu mấy ai để ý; chẳng hạn như cụ có nghe thấy đâu. Hơn nữa, chẳng lẽ tuần nào cũng nói. Ấy mới có vài lần ông chánh trương kêu gọi nếu ai có thể giúp làm giảng viên giáo lý mà cũng lắm người gọi điện thoại nói sao cha không nói mà lại để ông chánh trương; người khác hỏi sao cha không thuê!... Khổ nỗi, cha chỉ biết truyền phép lúc dâng lễ để bánh và rượu thành Mình Máu Chúa chứ có biến giấy ra mấy đồng xanh đỏ được đâu do đó cần nhiều người tự nguyện hy sinh thời giờ giúp việc giáo xứ.
Giọng cha trả lời giống như tiếng than của một người bị lãng quên khiến cụ Tam cảm thấy mũi lòng. Mà nào cha có già gì cho cam, chắc chỉ bằng tuổi anh con trai thứ nhì đang làm kỹ sư ở miền bắc Mỹ. Làm ở đấy nghe đâu lương lậu cũng khá; mỗi lần hai vợ chồng và bốn đứa cháu về thăm, anh chị ấy may sắm đủ thứ chẳng còn thiếu gì. Được cái chị con dâu cũng tốt bụng và rộng rãi; lần nào về cũng kỳ kèo bố mẹ lên chiếc xe "mini van" cho bằng được rồi chở tuốt ra Sears mua sắm quần áo hết bộ nọ đến bộ kia làm ngang như bố mẹ thiếu thốn lắm. Thế nên quần áo ông treo đầy tủ, có những bộ chưa bao giờ mặc cả mấy năm nay. Nhìn cảnh mẹ chồng con dâu đi mua sắm cũng vui; con thì lăng xăng áo này áo kia ướm thử cho mẹ chồng mà mẹ chồng lại cứ dãy lên như đỉa phải vôi, và rồi dù muốn hay không nó cũng mua về cho một ôm. Hết sắm quần áo, nó mua màn cửa xanh xanh đỏ đỏ về thay một loạt làm ông cũng thấy tiếc xót mặc dầu mình không phải trả tiền. Bà thì sung sướng ra mặt mà miệng lại xuýt xoa... Bà nói cả hai vợ chồng nên lo để dành tiền bạc; anh ấy trả lời có nhằm nhò chi, miễn là thấy thày mẹ khỏe mạnh và vui vẻ là đủ... Nhìn đến cha, không biết ông bà cố hiện giờ ở đâu mà chẳng thấy cha nhắc nhở gì tới lại chỉ lo chuyện nhà thờ. Thật khác biệt với những người cùng lứa tuổi... Người nào người nấy lo làm ăn, chăm nuôi gia đình và có dư chưa chắc đã lo gì đến cho bố mẹ. Đàng này, cha quên cả bố mẹ mà mục vụ với phụng vụ... Nghĩ thế, cụ Tam dè dặt hỏi:
- Thưa cha, giúp những việc giáo lý, ca hát thì mấy anh mấy chị học hành giỏi dang lại biết tiếng anh tiếng u mới làm được; có tuổi như chúng con, học hành chẳng có thì biết chi mà giúp.
- Chúa ban cho mỗi người những khả năng riêng. Không nói chi xa, những điều cụ biết chưa chắc tôi đã biết... Dùng những sự hiểu biết hay kinh nghiệm của mình để giúp giáo dân trong cộng đồng hay giáo xứ là điều nên và cần thiết...
- Vậy chứ như con thì làm được gì? Mặc dầu có giờ rảnh nhưng già cả rồi thì chỉ có đi lễ, đọc kinh thờ phượng Chúa thôi chứ biết sao hơn.
- Cụ ông, cụ bà gia đình đuề huề, con cái đã lớn, có gia đình tử tế. Cả một đời với kinh nghiệm sống tốt lành trong bậc làm cha làm mẹ nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái sao bảo không làm được gì. Cụ có thể giúp những lớp hôn nhân; nói cho họ biết về cuộc sống gia đình thực sự cần biết những gì, chịu đựng ra sao; những lúc gặp cảnh khó khăn cụ đã làm những gì; đức tin đóng vai trò thế nào khi phải đối diện với thực tế phũ phàng...
- Những điều cha nói nghe dễ quá nhưng con quên hết rồi...
- Cụ quên là phải bởi có bao giờ nghĩ đến đâu.
Cha nói nghe cũng có lý, cụ Tam thầm nghĩ. Con cái mình Chúa ban cho khá giả, đứa nào đứa nấy ăn học đàng hoàng không lêu lổng lại còn biết lo cho bố mẹ. Thế ra mình cũng tốt lành mà bao lâu nay không dám nghĩ tới; được ăn học có khác, hèn chi ngài được Chúa chọn làm linh mục... Còn đang ngẫm nghĩ đã nghe cha nói tiếp:
- Điều quan trọng là có người làm việc giúp chuẩn bị hôn nhân hay không. Còn những câu hỏi hay vấn đề cần nói đã có sẵn để gợi ý... Xứ mình cần nhiều người như cụ mới có thể đủ người làm việc... Chiều nay cụ có rảnh không, tôi muốn gặp cụ để nói về việc giúp những đôi hôn nhân...?
Giúp những người trẻ chuẩn bị hôn nhân cần tâm tình chân thật, biết thông cảm cũng như kinh nghiệm. Mặc dầu cụ Tam không có căn bản học thức nhưng lại có lòng chân thành và một đức tin vững vàng đã được thể hiện bằng lối sống gia đình, nuôi dưỡng cho con cái nên người. Những vấn đề chuyên môn cần đến khả năng đặc biệt, nhưng chia sẻ về đức tin và sự chịu đựng, chấp nhận ý Chúa trước những khó khăn cuộc đời lại cần lòng chân thành và niềm tin tuyệt đối. Hơn nữa, chính một gia đình êm ấm trong cuộc sống đạm bạc là bằng chứng thực tiễn nói lên hạnh phúc gia đình chứ không phải là kết quả của sự giầu có vì tiền tài chỉ là phương tiện để phụng sự con người... Hạnh phúc hôn nhân phải do mình tự tạo chẳng gì có thể thay thế được. Cha Lành thầm nghĩ, thế nào cũng có khối người trẻ ngạc nhiên vì kinh nghiệm tạo dựng hạnh phúc gia đình của mấy cụ già mang nhiều điểm thật khác biệt với sự hiểu biết của thời bây giờ... bởi đâu ai ngờ chính những chuyện lẩm cẩm lỉnh kỉnh nhỏ nhặt lại đóng những vai trò quan trọng nơi hạnh phúc gia đình.
Mình mà cũng có thể làm được những việc giúp cho giáo xứ? Cụ Tam nửa tin nửa ngờ; chữ nghĩa cụ chẳng có là bao và cũng chính lý do này vợ chồng cụ nhất quyết làm lụng cho các con đi học để bằng mày mặt với đời... Cứ thử xem như thế nào, cha nói giúp được nhưng không biết giúp ra sao; thôi thì tạm nghe lời cha, cụ thầm nghĩ.
- Vâng, con sẽ tới gặp cha. Thế cỡ mấy giờ thưa cha?
- Sáu giờ chiều, sau khi cơm nước xong, nghỉ chút cho khỏe rồi mời cụ tới nhà xứ.
- Hay con mời cha dùng cơm rồi cha con mình nói chuyện luôn thể? Cụ Tam tần ngần một chút như e ngại chuyện gì rồi chợt xoa hai tay vào nhau đề nghị.
Ăn uống tuy là nhu yếu không thể tránh thoát nhưng lại tùy thuộc quan niệm của mỗi người, mỗi địa phương hay sắc tộc. Đối với người Mỹ nói chung, phải thân thiết lắm họ mới mời mình đến nhà ăn cơm hay ra tiệm mà ít để ý đến mình thuộc giới nào. Người Việt mời người khác đi ăn hoặc về nhà dùng cơm chưa chắc đã cảm thấy thân thiết nhưng có thể vì lý do nào khác. Ngày còn đang giúp xứ năm cuối thần học, thày Lành thấy người ta mời cha đi ăn có vẻ oai lắm, mà không hiểu tại sao ngài vừa dự tiệc cưới về, đã vội mở tủ lấy mấy miếng thịt lạnh kẹp với hai lát bánh mì...
- Cha chuẩn bị cho bữa chiều sớm thế? Thày Lành lên tiếng hỏi có vẻ ngạc nhiên.
- Bữa chiều gì, bữa trưa ấy chứ.
- Cha vừa đi ăn cưới về mà!
- Ăn uống gì nơi chốn đô hội, cả trăm con mắt để ý đến cái miệng mình. Họ mời do đó phải đến chứ không nên đơn giản nghĩ rằng đi dự tiệc cưới là cứ việc ăn no bụng.
- Tại sao vậy cha?
- Chịu chức xong ít lâu sẽ biết... Kỳ sắp chịu chức nghe cha giáo sư nói giáo dân họ nghĩ sai lạc hoặc thần thánh hóa các cha tôi đâu có tin. Chẳng hạn có những người cho rằng các cha không bao giờ đi vệ sinh bởi họ chỉ nhìn thấy cha lúc nào cũng mặc áo thâm chùng... Hoặc mời cha đến nhà ăn cơm, để mình cha ăn một cỗ, cha dùng xong, đồ ăn còn lại được chia nhau ăn hết mọi tí kể cả xương cá xương heo vì cho đó là đồ ăn thánh. Thày nghĩ coi khổ không chứ; mời mình tới ăn, có được bát cháo đã phải chạy ba quãng đồng mà lại ăn một mình thì sao nuốt cho ngon! Và cơm nào chả là cơm mà lại còn phân biệt cơm thánh; cơm họ nấu cho mình cũng chỉ đặc biệt hơn họ ăn thường ngày chứ nào sơn hào hải vị gì đâu!
- Thế còn ngày nay, cỗ thánh đâu mà cha lại làm sandwich...!
Chiêu ngụm bia nuốt cho trôi miếng đầu tiên, ngài giải thích:
- Có những người vẫn còn cho rằng đi tu là phải ăn uống khem khổ. Họ quên một điều nếu cứ nhịn đói sao đủ sức khỏe để làm việc. Có kẻ dùng lý luận một cách nực cười: đi tu mà ăn uống tẩm bổ không diệt dục được nên dễ làm điều xằng bậy... Nơi đình đám, lắm kẻ nọ người kia, người hiểu thì ít mà không hiểu thì nhiều; thôi thì qua loa cho mau, về nhà ăn cưới hàm thụ.
- Chuyện chi mà diệt dục với xằng bậy thưa cha.
- Thì có thể bụng dạ người ta thế nào họ sẽ nghĩ như vậy chứ có gì mới lạ mà để ý cho thêm phiền. Ai không nhận ra khi lòng mình hướng chiều về điều gì thì tất cả những việc làm hay cách đối xử đều được dồn cho mục đích mình đang nhắm tới. Thế nên, người có tà ý về đường tình dục luôn luôn nghĩ về nó; mọi chuyện dù ăn uống hay giải trí cũng đổ dồn vào đường tà dâm. Đôi khi lương tâm thức tỉnh nên đặt vấn đề muốn diệt dục mà còn muốn diệt tức là còn đang bị dục điều khiển do đó họ nghĩ người khác cũng như họ nên đặt vấn đề ăn uống tẩm bổ thì khó mà diệt dục. Thực ra, miếng ăn "quá khẩu thành tàn," ăn cơm rau muối hay ăn thịt cá chưa chắc đàng nào bổ hơn hoặc kém; chả thế mà đã có người viết báo lấy đầu đề "Mỡ Kẻ Thù Của Chúng Ta." Đi ăn uống chốn đô hội kể ra khá phiền khi mình là linh mục.
- Nếu vậy chẳng thà đừng đi...
- Không đi họ nói mình khó khăn và không chấp nhận sống hòa đồng. Còn nhiều vấn đề cần nói cho họ biết mà không sao nói được. Chẳng hạn như họ nghĩ, có cha ra dự thì tiệc cưới họ sẽ vinh hạnh hơn trong khi chính mình thấy phiền hà hơn. Giải thích nào ai chịu hiểu, thôi thì chiều họ một chút cho đẹp lòng.
- Vậy đi ăn cơm mời thì sao thưa cha? Thày Lành tiếp tục hỏi như muốn biết hết những gì đang thắc mắc.
- Cơm mời nào hơn chi tiệc cưới; khi mời mình tới ăn cơm, họ mời thêm cả những bạn bè dăm bảy người nữa, và lại cũng có những người còn đặt vấn đề diệt dục với khem khổ thì đành phải chấp nhận đóng kịch đỡ sinh phiền hà... và lại cũng sandwich hay mì gói là cùng.
- Thế đã bao giờ cha giải thích cho họ chưa?
- Giải thích làm gì, có giải thích đôi khi chỉ bị vặn vẹo lời nói kèm theo cái tên mình vô cho câu chuyện đã được bóp méo thêm phần hấp dẫn dễ tin...
- Cha có nghĩ rằng mình nên sống thật không? Nào có chi đâu...
- Tôi nghĩ, với quan niệm mới có lẽ thày bất chấp những lời nói ra nói vô... Nhưng tôi quen rồi, thà mình chấp nhận sự phiền hà một mình tránh khỏi những liên lụy tuyên truyền sai lạc còn hơn bị nghe những câu nói làm bực mình.
- Vậy chẳng lẽ không có người nào thật lòng hay sao?
- Dĩ nhiên hầu hết những người Công Giáo mời mình vì tình thân thiện, nhưng ngày xưa những lý trưởng, kỳ mục ô lại tranh giành nhau chè chén; một số không có đạo bày ra để khích bác thành ra nhiều người bị ảnh hưởng mãi tới ngày nay. Tôi có tuổi rồi nên khó lòng gạt bỏ được những luận điệu tuyên truyền đó đành chấp nhận e dè cho quen.
- Con nghĩ rằng nếu mình e dè quá đôi khi phiền người có lòng nhất là những người nấu ăn. Tất nhiên, ai nấu ăn cũng thấy hài lòng khi thực khách tận tình chiếu cố đến những món mình đã tốn công sức nấu nướng; đàng này mời cha tới, cha ăn qua loa lấy lệ rồi bỏ ra về...
- Biết sao hơn, nhưng cũng tùy thuộc người mình hiểu rõ tâm tính họ thế nào hoặc họ ăn nói ra sao từ trước tới nay. Tuy nhiên, ở địa vị nào cũng thế, muốn được điều này đành phải chấp nhận thua thiệt điều kia. Mình là linh mục, một trăm lần làm điều hay không ai đếm xỉa gì tới mà chỉ một lần đụng chuyện vô tình lại trở thành mục tiêu cho những người cố tình đàm tiếu. Thế nên, thà chấp nhận mình mang tiếng khó còn hơn phải nghe những chuyện hữu ý bày đặt... Thày có lẽ chỉ mới hiểu theo sách vở rằng càng ở địa vị cao càng cần phải e dè... nhưng sau khi chịu chức, lúc đối diện với thực tại đôi khi gặp cảnh ngỡ ngàng cũng đừng nhụt nhuệ khí... Có những cha chỉ vì đôi lời cố tình châm chọc của người khác đã không bao giờ tới bất cứ nhà ai dù thân quen hay không, kể cả những tiệc tùng công cộng.
- Như thế lại bị chê trách là sống cách biệt...
- Thà bị nói là sống cách biệt, quan liêu còn hơn mang tiếng ham ăn ham uống. Nghĩ cũng kỳ, người ta chè chén say sưa không sao, mình vừa cầm đến lon bia, hút điếu thuốc, họ nói cha mà cũng uống bia, cha cũng hút thuốc... Trăm người ngàn ý, đa số nghĩ rằng mình không nên những điều họ nên... Để rồi thày sẽ thấy, có người còn ngạc nhiên vì thấy cha cũng ăn cơm...
Những gì của ngày ấy chợt thoáng qua tâm trí khiến cha Lành e ngại, nhưng muốn tạo tình thân thiện ngài đành phải nhận lời miễn sao ngăn ngừa cảnh phiền hà dây dưa có thể xảy ra:
- Được rồi, tôi sẽ tới, nhưng tôi không thích tiệc tùng ồn ào và chè chén say sưa.
- Thưa cha không có ai cả, chỉ vợ chồng con với cha thôi; để con về nói bà ấy sửa soạn vài món cha con mình lai rai tối nay. Xin chào cha.
- Chào cụ; tối mình gặp lại.
Nhìn cụ Tam thơ thới ra về, cha Lành mừng thầm, thế là có thêm được một người làm việc giúp giáo xứ, cứ từ từ mà kiếm...
Kiếm người giúp việc đâu phải dễ bởi biết ai thế nào mà kiếm. Muốn kiếm người lại phải có thời giờ tìm hiểu cũng như làm quen với họ. Một điều ít ai ngờ là muốn tìm hiểu tâm tính người nào đó thì nên để ý họ trong lúc ăn nhậu... Khi bia, rượu thấm nhập vào ai, những cá tính sẽ được lộ ra bởi lúc đó họ không còn bị e dè thận trọng nên dễ nhận xét họ hơn. Tuy nhiên, đi ăn nhậu để kiếm người không phải dễ như lý thuyết đối với vai trò của một linh mục. Dĩ nhiên, cho dù mình có ý tứ cách mấy, khi uống một hai lon bia vào, thế nào cũng bị bia ảnh hưởng; vả lại muốn người khác tỏ lộ hết cá tính, mình phải đóng vai dễ dàng chia sẻ thông cảm trước. Đồng thời trong những lúc ăn nhậu thế nào cũng có người không uống rượu bia, và như thế chính mình lại trở thành tâm điểm cho người không biết ăn nhậu phê bình. Hơn nữa, đâu phải chỉ một hoặc hai lần ngồi ăn nhậu với một người mà hiểu hết được người ấy và thời giờ của linh mục đâu cho phép ngày nào cũng đàn đúm nhậu nhoẹt. Phiền nhất là khi vừa uống được một lon bia mà bị gọi trong trường hợp cấp cứu; dẫu một lon bia không đủ độ để say nhưng vẫn làm hơi thở mang mùi men và rồi người ta nghĩ gì khi thấy cha thở ra hơi men? Không những thế, sự đi đứng thăm hỏi người thân quen của cha cũng bị tùy thuộc vào lối nhìn của dân chúng. Nào có ai lạ gì tính chất phỏng đoán của người đời hoặc nhiều khi nghe chưa hết vấn đề đã vội đưa tới kết luận không đứng đắn. Chính những kinh nghiệm ấy đã làm các cha rụt rè suy trước tính sau, lâu dần thành ngại ngùng về vấn đề thăm mục vụ gia đình hoặc không dám có lấy một gia đình nào thân thiết hy vọng dám nói hết ra những điều bực bội cho tâm trí thảnh thơi.
Cha Lành nhớ lại trong chương trình ba tháng giúp xứ trước khi chịu chức phó tế hay vô quán uống cà phê. Một sáng, vừa ra khỏi quán gặp cụ Thủ đi ngang,
- Chào cụ, cụ đi đâu sớm thế.
- Tôi đến đàng này một tí. Thày đi đâu mà vào quán vậy! Giọng cụ có vẻ ngạc nhiên.
- Thì vô uống cà phê, ở nhà xứ uống cà phê Mỹ nhạt như nước ốc...
- Thày không nên vô quán, nhà tôi nước nóng và cà phê lúc nào cũng sẵn, muốn uống lúc nào là có lúc ấy... Các cha các thày vô quán người ta nói...
Quán ăn là nơi đô hội, ai đến không được, thày Lành nghĩ, vô nhà cụ thường xuyên để uống cà phê chỉ vãi tội thêm. Nếu người ta nói vô quán là không nên vậy vô nhà cụ có mấy cô con gái phỏng có nên không! Cũng có thể nên, nên tiếng ve gái lại càng phiền... Nghĩ thế, thày chấp nhận nói cho qua,
- Vâng, để lúc nào tôi ghé uống cà phê với cụ.
Hứa thì hứa vậy nhưng đã chẳng bao giờ thấy thày Lành vô nhà cụ uống cà phê buổi sáng hay buổi chiều ngoại trừ đôi lần đi với người khác. Nhiều khi thày nghĩ, có những điều mình phải học hứa cuội; hứa cuội để tránh phiền hà do miệng thế gian...
Tiếng kêu tạch tạch báo hiệu đèn khẩn cấp đang được chớp sáng nhắc cha Lành nhớ đến lời nói "Các cha ngồi chơi xơi nước," thầm nghĩ, mình đang ăn không ngồi rồi trên xe đến bệnh viện... Câu cha xứ cay đắng diễu "Cầu xin Chúa đừng để phải làm phiền đến các cha" làm ngài tưởng tượng tới cảnh nơi phòng cấp cứu; chắc người ta đang rối loạn cả lên nên vội tăng thêm chân ga... Nếu lúc này xe gặp trục trặc, người ta sẽ nghĩ gì? Kể cũng lắm điều trái ngược trong cuộc đời linh mục. Giám mục gọi tới mà không gặp cũng là một cái phiền. Giáo dân thì muốn cha ở nhà xứ luôn luôn để gọi điện thoại có thể gặp ngay đồng thời khi có chuyện cấp cứu linh mục lại càng phải có mặt ngay tại chỗ. Nhóm thanh niên xồn xồn muốn cha làm vài lon chung vui; quí cụ muốn cha luôn luôn nghiêm trang như bức tượng... Nếu xe trục trặc, ý tưởng này lại trở về... Cha Lành thầm nghĩ, "thì tấp vào lề để rồi nghe ca thán..." Khi có chuyện cần đến linh mục, đâu ai đặt vấn đề thông cảm hay tìm hiểu lý do. Dĩ nhiên, lúc một người chẳng may rơi vào tình trạng cấp cứu không ai có thể thay thế được vai trò linh mục. Sự hiện diện của ngài đem lại mối an tâm không những cho người trong cuộc mà còn giúp cho những người thân tránh thoát được mối lo âu đang đè nặng nơi tâm trí mọi người. Hơn nữa, bởi được học hành và huấn luyện cách đặc biệt về mục vụ, lời nói phát ra từ cửa miệng linh mục trấn an mọi xung khắc nơi tâm tư do bị ảnh hưởng bởi những quan niệm vu vơ rút tỉa từ những trường hợp sống cá nhân. Ai không có những nghi ngờ khi việc xảy ra cấp thời giữa sự sống và sự chết đang tranh giành nơi người thân của mình. Bất cứ ai trong lúc này bởi không hiểu nguyên nhân sự việc xảy ra đều nói do Chúa định. Có điều lạ lùng như một thói quen là khi việc tốt lành theo ý mình xảy tới, người ta cho rằng Chúa thương; trái lại lúc chuyện không may thì cho rằng Chúa phạt... và người ta chỉ gọi linh mục trong trường hợp chẳng may...
12g45 trưa, sau lễ chủ nhật khi mọi người đã ra về, cha Lành đóng cửa nhà thờ, lái xe tới tiệm, ăn vội đĩa cơm, hy vọng có được vài phút nghỉ ngơi vì 2g30 có hẹn với một đôi hôn nhân, 4g bật máy lạnh nhà thờ chuẩn bị cho lễ 5g30 chiều và pha cà phê cho những người đến đếm tiền. Mặc dầu giáo dân giúp đếm tiền nhưng cũng cần cha có mặt chuyện vãn hay khuyến khích họ làm việc. Thế nhưng vừa về tới nhà đã có người hỏi giờ lễ... chưa được mấy phút chuông điện thoại đã reo rồi lại cũng giờ lễ...
- Mấy giờ lễ chiều?
- 5 giờ 30.
- Tại sao cha khó chịu vậy?
Cha Lành nhíu mày, đưa tay kia ấn nút cắt phôn. Bao nhiêu lần rồi, chỉ trong một chốc cứ liên tiếp một câu hỏi. Rút phôn ra người ta phàn nàn, để phôn kêu, mình phàn nàn... và rồi đã hỏi trống không lại còn trịch thượng bắt bẻ. Nào có ai nhìn thấy cái khó chịu nơi chính mình mà chỉ nhìn thấy cái khó chịu nơi người khác. Chị hỏi câu cộc lốc, không đầu không đuôi "Mấy giờ lễ chiều" không một lời "hello" và tôi thì biết ngay khi điện thoại kêu là phôn hỏi giờ lễ. Chị có hiểu được tôi đã phải trả lời cùng một câu hỏi ấy bao nhiêu lần từ sáng tới giờ không. Có lẽ chị đang có chuyện gì khó chịu nên nghĩ người khác khó chịu với chị... Ôi! Có lòng chân thành mà phải biến sự bực bội trở nên dễ thương... Muốn đắc nhân tâm cần chân thành, ngược lại, muốn tỏ ra chân thành lại cần nín nhịn, đè nén sự bực bội... Có phải là đóng kịch? Có phải là làm điều chống ngược lại chính mình... Và rồi quăng sự bực bội đi đâu? Có bao giờ dám than thở với ai. Chẳng thở than cũng đã lắm tin đồn phỏng đoán; than với thở nữa lại càng sinh lắm tội... Thôi thì đành chấp nhận được lòng người xót xa lòng ta may ra được cái gọi là đắc nhân tâm! Mà ở vừa lòng chính mình chưa được sao nói đến đắc nhân tâm.
Muốn đắc nhân tâm cần lòng chân thành, mà tâm tình chân thành nào dễ chi thực hiện; nó cần cả một sự cố gắng chiến đấu ngược lại bản thân và đồng thời một đường lối hay phương pháp để giải tỏa những rắc rối khó khăn. Chẳng hạn, những ngày lễ, những giờ lễ, thời gian giải tội, v.v... đã được in rõ ràng trên tờ mục vụ, nói ngay tại nhà thờ trước thánh lễ, và sau đó, mỗi cửa nhà thờ đã có người phát tờ mục vụ... thế mà bao nhiêu lần điện thoại reo chỉ một câu hỏi "lễ mấy giờ." Thử tưởng tượng một người nhấc điện thoại tới lần thứ 10 trong buổi sáng sớm, có khi mới tinh mơ còn đang nằm trên giường đã bị tiếng điện thoại đánh thức hỏi giờ lễ... phỏng có đáng khùng lên không? Vì câu hỏi cứ bị liên tiếp lặp lại, người nghe tưởng như những người hỏi đã biết rồi mà còn cố tình cắc cớ... Đúng là có ăn nhạt mới biết thương đến mèo! Bao nhiêu năm mòn ghế nhà trường đâu có sách vở nào dạy về cách thức làm sao cho được lòng hết mọi người! Mà dù có cố gắng đắc nhân tâm thì lại chín người mười ý; mình đã chẳng đắc nhân tâm được chính mình sao đắc được những người khác. Đắc nhân tâm được hết mọi người ngoại trừ chính mình có lẽ phải trở thành nghị gật; hay cũng gật, dở cũng gật... gật riết rồi quen thói chưa thèm nghe đã gật cho qua lại càng sinh ra lắm điều nhiều tiếng kêu ca rằng cha không có lập trường.
Ít năm đối diện với thực tại quần chúng từ khi chịu chức linh mục, cha Lành nhận thấy hai vấn đề thiếu sót nơi chủng viện là không có môn học nào dạy về nghề lãnh đạo và những phương thức khuyến khích giáo dân ủng hộ để bảo trì nhà thờ. Cha nào may mắn có được cùng một lúc hai hồng ân đặc biệt này thì đúng là đang được hưởng thiên đàng nơi trần thế. Những hội đoàn phát triển mạnh vì bao gồm những người đồng chí hướng hay sở thích; đàng này, một xứ đạo hay cộng đồng được kết hợp bởi đủ mọi thành phần, từ ông tới cháu, xồn xồn, choai choai, trẻ lớn, trẻ nhỏ và ngay cả trẻ mới chập chững biết đi. Các thành phần đã khác nhau, tất nhiên sinh lắm ý kiến hoặc ước muốn khác nhau và thế rồi đường nào người nấy đi; được mấy ai để ý đến vấn đề làm sao cho cộng đồng lớn mạnh? Ca đoàn chỉ thích hát những bài mới để trình diễn, không muốn cho mọi người hát theo sợ pha trộn như thế sẽ làm hư cung giọng... Các cụ thì muốn đọc kinh... Đời thuở nào ca đoàn còn đang hát du dương sau rước lễ, một giọng chuông lanh lảnh cất lên, "Con lạy Chúa con..." Thế rồi chuyện gì cũng đổ dồn tới cha, "Cha phải bảo..." "Cha phải nói..." cứ coi cha như thứ thùng rác ai muốn quăng gì vô thì quăng, mà lại quăng tất cả mọi sự mình không thích, không đồng ý mới phiền. Cha có nói, được lòng ca đoàn lại mất lòng các bà; mà không nói để rồi cũng giọng chuông đồng ấy theo thói quen dấy lên thì ca đoàn làm eo làm ỏng... Đàng nào cũng phiền và người bị phiền nhất là chính cha vì bị ở cái thế lưỡng đầu thọ địch; cha như mục tiêu cho mọi mũi tên nhắm tới...
Tuần trước cha Lành nghe thấy anh chị em ca đoàn xì xèo về vụ bà quản Thanh cất kinh khi còn đang hát. Khổ nỗi, bà quản lại là mẹ anh ca trưởng và một chị sô lô của ca đoàn. Anh chị em ngại ca trưởng buồn, nói với người em gái sô lô nhưng rồi chứng nào vẫn tật nấy, bà quản cứ cất kinh khi còn đang hát. Hình như bà sợ người khác cất kinh trước sẽ không phô bày được giọng chuông đồng lanh lảnh ở tuổi lục tuần của mình. Gọi là bà quản vì ngày xưa ông Thanh làm quản, cầm roi giữ trẻ cho có trật tự trong nhà thờ. Nơi họ đạo cũ, em nào nói chuyện trong nhà thờ là lãnh roi. Có em đang nói bị đánh giật mình la lên chói lói khiến người ngủ gật cũng phải tỉnh thức... Có em ngồi giữa ghế dài nói chuyện roi không quất tới, ông đập ầm ầm vào thành ghế báo cho em biết để ngưng nói chuyện. Tiếng tăm ông giữ trẻ nghiêm trang nổi lên khắp vùng, đến tận những xứ lân cận. Thế rồi một hôm ông quất một chú choai choai hai roi vì cứ ngó ngoáy như con sâu trong nhà thờ làm ông chướng mắt đoạn bắt phải ngồi im. Chú nhỏ tức quá, cố nín nhịn cho tới lúc xong lễ ra đứng chờ ở cửa nhà thờ tay cầm khúc cây không biết đã kiếm được ở đâu. Khi ông quản Thanh vừa bước ra đến nơi, chú quật vào ống quyển ông một cái đau điếng rồi quăng cây cắng cù chạy... Bà quản cằn nhằn ông mất mấy ngày và từ dạo đó ít người bị giật mình hơn. Những ngày anh chị em ca đoàn xì xèo về vụ bà quản cất kinh, cứ mỗi lần lễ xong là chị Hân sô lô lại mặt đỏ tía tai mà miệng như ngậm thị không nói năng một tiếng...
Cha còn đang thay áo lễ, mấy anh chị em đại diện ca đoàn đã tới gặp:
- Thưa cha chúng con có chút chuyện muốn trình bày...; xin cha nói giúp bà quản Thanh để chúng con hát xong rồi hãy cất kinh. Chị đại diện ca đoàn mở lời.
- Thì anh ca trưởng và chị Hân nói với bà quản là được chứ cha mà nói chuyện sẽ trở thành quá quan trọng...
Chị Hân lè lưỡi, mặt đỏ đến tận mang tai nhỏ nhẹ:
- Thưa cha, con nói với mẹ con nhưng mẹ con nói "Hát gì mà hát lắm thế hết cả thời giờ người ta đọc kinh." Con nói rằng hát là đọc kinh hai lần thì không đọc kinh thay vì hát đâu có sao. Thế rồi mẹ con chửi "Sư con nỡm, mày mà biết gì; Thánh Lễ cầu cho linh hồn người ta mà không đọc kinh cầu hồn thì người ta chửi bố cho." Thế rồi chị Hân lấy giọng kéo dài cho giống giọng các bà khi nói mát, "Tôi biết, các anh các chị bây giờ tân thời hát với xướng mất cả thời giờ. Vậy chứ từ bao nhiêu đời nay không hát người ta xuống hỏa ngục hết à! Hát với chả hỏng; chỉ mất thời giờ..." Đấy cha xem, mẹ con còn chanh chua hơn con, chị Hân diễu, cha mà không coi chừng cũng sẽ bị trở thành cha tân thời vì mấy bà kéo bè kéo đảng với nhau đọc kinh rênh rang...
- Sao anh Hoàng, anh nói với bà cụ được không? Nghe thế, tôi cũng hơi sợ bè đảng các bà rồi!
- Biết sao bây giờ thưa cha; cứ mỗi lần nghe thấy giọng oanh vàng của mẹ con là con phải nín thở. Nghe anh chị em ca đoàn nói nhỏ với nhau hoặc lắc đầu mỗi khi đang hát bị cắt ngang thật là phiền quá sức. Con cũng đã nói rồi; mẹ con gọi con là ông ca trưởng rềnh rang... Theo con nghĩ, Hoàng mỉm cười, phải có chức thánh nói mới thiêng còn những người thường như anh em con có nói mấy cũng không hiệu nghiệm đâu. Xin cha ban phép giúp...
- Anh nghĩ tôi nên làm phép gì bây giờ? Phép lạ thì tôi không biết làm mà xức dầu đâu có xức vào môi miệng đâu... Nhưng thôi, để tôi cố thử coi; quí anh chị làm ơn cầu nguyện xin phép lạ thì may ra... Thật không ngờ vấn đề lại khó giải quyết như thế này...
Tuy miệng nói thế nhưng trong bụng cha Lành tự hỏi lý do gì đã thúc đẩy bà cất kinh khi ca đoàn còn đang hát. Để ca đoàn hát xong mới cất kinh thì có sao đâu; mà lễ xong ai muốn ở lại đọc kinh lại không được; hơn nữa nhà thờ không khóa cửa ban ngày; thế thì vì lý do gì? Cha chợt nhớ ra, bà quản mới cất kinh cách đây chừng hai tháng. Trước đó, bà cụ Hà giữ nhiệm vụ cất kinh nhưng vì bà phải nằm nhà thương mất hai tuần... Có lẽ bà quản thích cất kinh chăng nên e bà cụ Hà cất kinh trước do đó phải vội vàng... Nghĩ như thế, cha Lành lên tiếng:
- Bà quản trồng được khoai sọ phải không? Anh Hoàng làm ơn nói với bà là chiều nay tôi tới xin một ít, cả mười mấy năm nay chưa bao giờ được ăn khoai sọ...
- Thưa cha... nhưng... vâng, con sẽ nói. Anh Hoàng có vẻ bối rối. Mẹ anh xưa nay quen điều hành chẳng những trong gia đình mà cả họ ngoại lẫn họ nội; mọi việc sắp xếp một mình bà cầm cân nảy mực nên những chuyện gì bà thích thì chỉ có trời cản. Cha đến nhà lỡ ăn ngay nói thẳng nếu có chuyện gì mất lòng xảy ra biết tính sao sau này. Giữa chốn đông người... anh đành nói cho xuôi để chờ cơ hội nói cho ngài biết...
Cha Lành thấy anh Hoàng ngập ngừng nghi có chuyện gì khó ổn nhưng vẫn làm thinh... Chiều hôm qua đi ngang nhà anh Hoàng, cha thấy mấy luống khoai sọ đang được đào dở, lại đang không biết lấy cớ gì để gặp bà quản nói chuyện may ra kiếm được cách nào đó giải quyết vấn đề cất kinh và hát xướng. Chuyện đã xảy ra đến nước này nếu không kịp thời xê xếp cho ổn thỏa, anh chị em ca đoàn sẽ nản lòng, nên cớ nào cũng là cớ, ngài mượn tiếng thèm khoai sọ cho có lý do tìm đường ăn nói...
Chiều đến, cha Lành vừa bước tới cổng rào lưới thép đã thấy bà quản đon đả ra đón mời vô dùng nước.
- Chào bà quản, tôi nghe bà trồng được loại khoai sọ đặc biệt nên định ghé qua xin một ít về hầm xương. Khoai bà trồng được khá không?
- Mời cha vô nhà dùng nước. Con nghe cháu nói cha muốn dùng thử ít khoai nên đã gói sẵn đang định sai cháu đem đến nhà xứ.
- Ông quản có ở nhà không vậy?
- Thưa cha, có ông trùm Huy đến chơi; hai người đang mãi mê đánh cờ tướng...
- Để tôi ghé vô xem ai thắng ai bại...
- Vâng, mời cha...
Hai ông thấy cha vô vội đứng dậy chào định xóa bàn cờ...
- Đừng xóa, cờ đang đến hồi kết cục sẽ lắm nước biến bất ngờ. Ông quản và ông trùm cứ việc đấu tiếp để tôi có dịp coi ké...
Sau vài câu thăm hỏi xã giao, cha Lành ngồi thinh lặng xem hai ông dồn quân lấn nước. Ông trùm Huy và ông quản Thanh có lẽ là hai tay kỳ phùng địch thủ nên thế cờ có vẻ gay cấn. Chẳng những ngón tay đẩy quân cờ nhẹ nhàng thành thạo mà còn mang vẻ nghiêm trọng của sự cân đo tính toán. Có điều lạ là đánh cờ tướng cần suy tính ít nhất bốn đến năm nước trước khi đẩy quân, thế mà có thể nói ít ai áp dụng được sự tính toán quen dùng khi đánh cờ vào những công việc giao dịch hoặc làm ăn nơi thực tế. Có những người chơi cờ tướng rất hay nhưng tính toán chuyện làm ăn lại gặp nhiều thất bại. Hơn mười năm trước, cha biết có em nhỏ mới mười hai tuổi, thật đơn sơ hiền hòa nhưng đánh cờ tướng rất giỏi đến nỗi mấy cụ thích chơi cờ trong vùng không dám đấu cờ với em vì cứ bị thua hoài. Mà nào ai lạ gì, mặc dầu đánh cờ thua hay được cũng chỉ mang đến kết quả sắp bàn cờ khác đánh tiếp nhưng không hiểu sao nó kích thích tính ăn thua nơi người chơi một cách lạ lùng. Thắng thì vui được một chút nhưng thua lại cảm thấy cay cú muốn đấu bại đối phương. Nhớ lại những ngày xưa lang thang không công việc làm sau lần vượt biên đầu tiên, cha Lành đã một dạo muốn dùng bàn cờ để học đức điềm tĩnh, thực tập câu thắng không kiêu bại không nản và hy vọng nhờ lối tính toán trước khi đi quân cờ may ra có thể giúp cho sự tính toán trong thực tế chăng. Thế rồi cha đưa ra hai cách thực hành; nào là tập đứng xem người khác đánh cờ và cố gắng không nói chen vô mách nước tránh cảnh "cờ ngoài bài trong;" nào sao cho đánh thua năm bàn liên tiếp mà thái độ vẫn bình thản... Cuối cùng thì có tập đến mấy, thua tới bàn thứ ba là đã thấy máu nóng bốc lên bừng bừng đến độ tay sắp quân cờ cũng cảm thấy không bình thường... Không hiểu mình tập điềm tĩnh hay điềm động, ngài nhiều lần tự hỏi... Có điều, bởi đánh cờ với một số người quen nên chẳng ai để ngài thua đến lần thứ tư. Có mấy lần cố đi những nước tào lao thiên tướng cho thua lần thứ bốn thì lại bị lật tẩy thành ra chứng nào vẫn tật nấy và vì đã thua ba bàn liên tiếp nên chẳng ai thèm đấu với kẻ liên miên bại trận. Lẽ dĩ nhiên, đứng xem người khác đánh cờ mà không nói chen vô thì dễ thực tập. Tuy nhiên, miệng không nói ra mà lòng xuýt xoa vì "cờ ngoài" không hiểu được ý "người trong" nên cứ tưởng mình sáng suốt.
- Mời cha dùng nước...
Bà quản đặt khay nước lên bàn salon. Cha Lành mượn cơ hội hai ông đang mải mê đánh cờ gợi chuyện kinh sách khởi đầu bằng chuyện xin khoai.
- Cảm ơn bà, tôi nghe nói bà có khoai sọ nên muốn kiếm lại mùi vị quê hương. Quanh đi quẩn lại mà mười mấy năm rồi... Ông bà quản trồng được khá không?
- Dạ thưa cha cũng được vài luống; hơn nữa mảnh vườn nhỏ quá, chẳng bù với ở Việt Nam đất đai tha hồ... Năm trước con đi Cali, cháu mua ở chợ về ăn thấy ngon nên con đem về ít củ gây giống. Đến năm nay trồng được mấy chục bụi con mới bắt đầu đào hôm kia.
- Thế có bán được không?
- Nào có đâu mà bán thưa cha; con để lại hơn chục ký còn bao nhiêu biếu người quen mỗi nhà một ít gọi là ăn lấy hương lấy hoa.
- Ông bà quản có ai quen ở Cali?
- Cháu lớn nhất nhà con đấy ạ. Cháu ở cộng đồng Westminster, làm kỹ sư điện tử và cuối tuần thì cả hai vợ chồng đi hát nhà thờ...
- Thì đâu có lạ gì, mẹ nào con nấy là phải; bà quản cất kinh nhà thờ; anh chị ấy đi hát lễ... khó kiếm được gia đình như thế đấy.
- Có gì đâu cha, đọc kinh sách thờ phượng Chúa nào khó nhọc gì... Bà quản giả đò vô tình như không để ý lời cha khen gia đình nhà bà.
- Tuy nhiên cuối lễ, hình như bà cất kinh hơi sớm, lúc mà ca đoàn còn đang hát thì có lẽ người ta khó mà nghe cho rõ. Bà có thể chờ thêm vài giây nữa, lúc tiếng đàn tiếng hát đã im hết có phải nghe rõ hơn không?
- Thưa cha, nét mặt bà quản tươi rói ra chiều hãnh diện, người ta còn phải vội ra về dọn bữa trưa. Lễ 11 giờ, có nhanh lắm cũng phải một tiếng mà ca đoàn thì cứ véo von suốt thì còn giờ đâu... Nhưng cha đã dạy, con sẽ thư thư...
- Tôi để ý giờ lễ lắm chứ, chỉ có 55 phút là cùng, ngày nào lễ trọng thì mới một tiếng bởi xông hương hai lần. Tôi nghĩ không ai tiếc với Chúa vài phút để đọc kinh đâu. Xin cảm ơn bà đã sốt sắng lo việc kinh sách. Thôi tôi về, có lẽ nhà xứ đang có người đợi...
- Vâng, con xin kính cha lại nhà... để con cho cháu đem khoai vào nhà xứ biếu cha.
- Bà đưa tôi đem về cũng được, anh ấy khỏi phải mang đi...
Tay xách bịch khoai, cha Lành băn khoăn bước ra xe. Bà quản quá sốt sắng và nếu nhất quyết dành cất kinh thì phải nói chuyện với bà cụ Hà thế nào bây giờ? Đến phiền, ngài thầm nghĩ, nhà trường có bao giờ dạy mình năn nỉ người ta không cất kinh bao giờ đâu!
Bà cụ Hà năm nay chừng hơn bẩy chục, "thất thập cổ lai hi," tốt lành nhưng hơi lanh chanh. Mặc dầu chỉ loanh quanh ở nhà, cùng lắm ghé sang mấy nhà hàng xóm thăm hỏi cho đỡ cuồng chân nhưng bà biết rất nhiều chuyện xảy ra từ đầu làng đến cuối xóm; chuyện mới xảy ra đêm trước tới chuyện từ thời ông bành tổ nhà ai lôi thôi ra sao đã bao nhiêu năm, muốn biết cứ đến hỏi bà. Gia đình thì đơn chiếc, chỉ có ba người con, hai gái một trai; anh con trai sống tại miền bắc ít khi về thăm bố mẹ; hai người con gái, người em nhỏ lấy chồng mãi miền xa còn lại người chị sống gần nhưng rốt cuộc trong nhà chỉ còn hai ông bà cụ già trơ trọi. Mặc dầu có con gái sống gần tưởng rằng "Có con mà gả chồng gần, có bát canh cần nó cũng đem cho;" ai ngờ có bao nhiêu nó vét sạch. Chồng chị ta huênh hoang thánh tướng chuyên nói những chuyện trên trời dưới biển ra bộ ta đây hay giỏi nhưng cứ vài ngày lại sang đẽo nay một trăm, mai năm ba chục. Có tiền đưa cho nó thì không sao, không có, nó về nhà uống rượu say mắng vốn. Người ta bảo mất chồng được vợ, đàng này mất cả đôi; vợ anh ta cũng thế, chẳng biết đâu xoay chạy quay lại bâu bứu bố mẹ già. Hai ông bà ký cóp được ít tiền đặt cọc mua căn nhà nhờ vợ chồng con rể đứng tên; ai ngờ nó đem cầm nhà lấy tiền ăn xài. Xảy ra có vụ thằng cháu xa xôi bắn cả vài trái ca nông chưa tới, nghiện xì ke ma túy sinh ra ăn cắp ăn trộm bị người ta gọi cảnh sát bắt; nó nghi cho ông bà cụ báo nên đe trả thù. Hai ông bà sợ quá muốn bán nhà; nói với thằng rể, nó chỉ ậm ừ để đó, đến lúc nhờ người tra lục giấy tờ mới hỡi ơi... Nhà mình tên nó đứng; tiền mượn nó đã xài...; thuê luật sư kiện chính phủ bớt tiền già; vả lại, ai đi kiện con... Có miệng mà bào chữa không được, do đó cũng chính vì chuyện ấy bà sinh lo buồn rồi ngã bệnh phải vào nhà thương đã hơn hai tháng trước, giờ coi bộ yếu đi nhiều.
Trên đường về, cha Lành tiện thể muốn ghé thăm bà cụ Hà nhưng chẳng biết sẽ phải ăn nói làm sao; nếu lờ đi, sau có thể sinh lắm chuyện, mà nói thì biết mở đầu thế nào cho tiện... Chợt ngài thở dài... nhớ lại lời khuyên khi còn ở chủng viện: "Các thày nhớ, sau này khi làm việc, nên để ý đến tâm tình của giáo dân. Nếu không biết người ta nghĩ gì hay cảm thấy thế nào mà cứ làm theo ý mình, đó là cách nhanh nhất đốt cháy đời linh mục." Lúc gần đi ngang nhà bà cụ, ngài quyết định cứ ghé thăm, nếu thuận tiện thì nói còn không đành để khi khác... bà còn yếu, thôi thì biếu bà gói khoai vừa xin bà quản Thanh.
Tay xách bịch khoai, cha Lành vừa bước chân tới bậc hè đã thấy bà cụ ra đon đả:
- Kính cha ạ, mời cha vô dùng nước.
Bà cụ trông xanh xao nhiều hơn trước; rõ khổ, con cái hay con vạ để đến nỗi bố mẹ lo buồn sinh bệnh, mà đã chẳng giúp gì được thì thôi lại còn sinh phiền hà làm bố mẹ ăn không ngon ngủ không yên... Ôi cuộc đời...
- Ông bà cụ lâu nay mạnh giỏi? Bà quản Thanh vừa cho ít khoai sọ nghe nói ăn ngon lắm, tôi đem biếu ông bà cụ dùng thử.
- Người ta biếu cha sao cha lại cho con; nhỡ họ biết, họ buồn thì sao.
- Không sao đâu, bà cụ mới đau dậy cần ăn uống thêm cho khỏe. Bà ấy có biết cũng không buồn được tôi. Thôi, bà cụ đem cất đi và đừng nói với ai đấy nhá.
- Vâng, con xin cha, thật quí hóa quá, cha không lo cho cha lại lo cho con.
Bà cụ nói mà rưng rưng nước mắt... Đến khổ, cha Lành thấy lòng mình se lại. Với tuổi này, quí cụ đáng lẽ phải được vui với tuổi già, sớm tối đọc kinh cầu nguyện, ngày ngày trồng bông cắt kiểng thong dong, thế mà nào ai thấu cho nỗi lòng...
Bước theo bà cụ qua ngưỡng cửa, căn phòng khách được sắp xếp đơn giản với chiếc ghế dài có dựa lưng kê sát vách phía trước; lòng ghế là một miếng ván ép bọc vải dầy vừa vặn thay vì nệm. Đây là tác phẩm của cụ ông. Tuổi già sống nơi đồng đất nước người nghĩ cũng tội; tiếng Anh tiếng u không biết, ra vào lủi thủi nên ông cụ tối ngày hí hoáy với cái cưa cái búa, vanh vanh cắt cắt làm bàn thờ. Với thân phận tha hương, họ hàng, bạn bè thân quen không có, vò võ một mình thiếu hoạt động chỉ sinh thêm bệnh tật; thế nên, ông cần có công việc vặt hợp khả năng để luôn luôn bận rộn cử động cho máu huyết chạy đều... Bên trái, một chiếc tủ mộc kê sát tường, cụ đóng cách nay sáu năm, nước đánh bóng không đều tạo cho căn phòng thêm vẻ nghèo nàn. Bên trên tủ mộc, một bàn thờ sơn màu đỏ chói được chạy riềm bằng những hạt nhựa lấy ra từ các vòng dây thiên hạ dùng để quăng ngày thứ ba béo (Madi Gras) phản chiếu ánh điện lấp lánh. Đây là tác phẩm đầu tiên của cụ nên không lấy gì đẹp cho lắm. Mặc dầu đã có tuổi, cụ được Chúa ban cho khéo tay nên người ta hay đặt cụ làm bàn thờ; mỗi cái tiền công cỡ được vài chục, một trăm phụ với tiền già do đó cuộc sống cũng không đến nỗi thiếu thốn. Chiếc bàn thờ hơi cũ nhưng mang giá trị tâm tình quí giá của đứa con đầu lòng đã chứng kiến các đàn em sinh sau ra đi về nhà người khác; một mình ở lại đại diện nhắc nhở nơi cụ khả năng bất ngờ đã tìm ra vào lúc tuổi già mặc dầu mang nét thô kệch của lúc mới bắt đầu vào nghề... Cũng chẳng lạ gì, bán trầu thường ăn chủm cau, và nơi nhà thợ mộc thì bàn ghế thường biết đi bởi những đồ đẹp tốt người mua chọn hết do đó những gì người ta không mua mình để lại xài.
Nền nhà được trải bằng tấm plastic kẻ ô hình vuông thay vì lát gạch, thế mà mùi ngai ngái của không khí trộn lẫn với mùi người, mùi đồ ăn lâu ngày không được thay đổi làm cha khó thở. Không hiểu quí cụ quen lệ từ đâu cho rằng mở cửa gió lọt vào dễ bị cảm nên cửa nẻo thường cứ đóng im ỉm. Nhớ kỳ sửa nhà cho ông bà cố, cha Lành đã phải gắn thêm chiếc quạt hút hơi thẳng từ bếp lên tới mái nhà để khi nấu nướng rút bớt mùi đồ ăn. Một căn nhà nhỏ xíu kín mít mà đem kho thịt, kho cá với nước mắm, nấu rượu mận, nấu cá với mẻ thì còn không khí trong lành đâu mà thở. Dĩ nhiên, mình đã quen mùi từ bao lâu nay thì đâu cảm thấy gì khác lạ mà lại có phần thơm ngon nữa, nhưng những mùi vị ấy hết năm này qua năm khác ảm vào tường, vào tủ chén bát, đến ngay cả quần áo, nhất là nhà nào lót thảm thì chỉ giống mùi ổ chuột. Một hôm về nhà như thường lệ vào ngày nghỉ hàng tuần, cha Lành vừa mở cửa bước vô đã thấy muốn nghẹt thở vì mùi thịt và tôm kho với nước mắm. Ngài bước vội vô bật quạt hút hơi trong lúc bà cố đang dùng đôi đũa đảo tôm, thịt trong nồi kho.
- Con đã phải ráp quạt hút hơi mà má cũng không bật
lên. Chúa tôi, cái nhà bằng này mà đem kho thịt với nước mắm thì nó ảm vào áo quần đi đến đâu ai cũng ngửi thấy...
- Nào đã thấy mùi gì đâu mà bật!
- Đã mấy lần con nói là trước khi nấu nướng phải bật quạt chứ đợi đến khi má ngửi thấy mùi mới bật thì có lẽ đã bay cả mái nhà đi rồi. Mình ngửi quen nên đâu thấy gì... Má thấy không, má chưa ngửi thấy mùi gì mà con mới bước vô đã thấy muốn nghẹt thở... vậy khi má ngửi thấy chắc chỉ có nước con lăn đùng ra nhà... Vừa nhỏ nhẹ nói với mẹ, ngài vừa mở những cánh cửa kiếng cho không khí lọt vô nhà giúp chiếc quạt hút hơi làm việc...
- Nhưng cái quạt nó ăn nhiều điện...
Thì ra bà cố sợ tốn điện... Nói cho đúng, dầu chẳng sợ tốn điện, người đang quen mùi chưa chắc đã thấy sự khác biệt. Vì sợ mùi hôi, cha Lành đã phải mua cả lố "air freshener" đặt lung tung, từ bàn thờ đến phòng ngủ, phòng bếp, phòng tắm mà còn không địch lại mùi nước mắm... Hèn chi vào các nhà khác ngài cứ thấy mùi ngai ngái... Sống nơi đất này, khi nóng thì nóng quá, khi lạnh lại không thể chịu nổi nên nhà cửa được xây cất kín mít ngăn chặn không cho khí lạnh hoặc khí nóng tràn vào bởi nếu không làm như thế sẽ rất hao tốn tiền điện, tiền ga. Trái lại dân mình ngày xưa quen sống tại Việt Nam, khí hậu kể như ít thay đổi dù cho mùa nắng hay mùa mưa; hơn nữa, lại thuộc xứ nóng nên nhà gỗ không cần phải làm kín trong khi nhà xây lại phải để chừa kẽ hở nơi đầu tường giáp mái nhà để không khí lọt qua. Đang quen lối sống cũ, ngửi quen mùi nấu nướng đồ ăn từ bao nhiêu năm trước làm sao thấy sự khác biệt... Dân Mỹ ở đây, hằng tuần phải mua đủ loại bột thơm về rắc vô thảm rồi hút bụi cho nhà cửa bớt hơi người... Những lọ nước air freshener bốc hơi bán không biết bao nhiêu kể cho xiết... Lại nữa, nhà nào lót thảm thì hút bụi hằng tuần, giặt thảm hàng tháng mà vẫn phải xài mùi thơm, ấy là nấu nướng rất ít những món ăn nặng mùi trong nhà như găm-bô hoặc súp... Steak hay gà, họ phải nướng ở ngoài trời... Thật là đến tội cho cái mũi, cha Lành khổ sở hít thở những mùi hôi không thể quen được mà cảm thấy tội nghiệp cho đôi vợ chồng già.
Sau khi cất bịch khoai vào căn bếp phía trong, bà cụ Hà gọi ông đang làm việc bên ngoài nói có cha tới. Ông bà cụ coi bộ vui vẻ ra mặt trong khi cha chỉ nhấp nhỏm muốn về. Bà lăng xăng rót nước; cụ ông rửa tay, vội vàng chùi đại vào quần áo đoạn đưa ra bắt tay cha...
- Ông cụ lâu nay mạnh giỏi?
- Tạ ơn Chúa và cảm ơn cha; chả nói dấu gì, tuổi già chúng con cứ hay bị đau mình nhức mẩy luôn, nhất là những khi trời đất thay đổi khí hậu...
- Tôi cũng thế, đôi khi nghĩ có lẽ mình có liên hệ với họ hàng nhà cóc nên cứ khi nào khí hậu thay đổi là cơ thể ê ẩm...
- Cha ghé vô có chuyện gì không thưa cha, cụ ông mở đầu.
- Thì lâu lâu ghé thăm sức khỏe hai cụ. Không hiểu hôm nọ bà cụ phải vào nhà thương nay đã khỏe hẳn chưa... bởi không nghe tiếng bà cất kinh nhà thờ...
- Cha còn cho khoai nữa đấy. Cha bảo hầm với xương ăn lấy sức... thật là quí hóa, bà tiếp lời. Thưa cha, từ hôm ở nhà thương về, con có hơi mệt nên không cất kinh, vả lại có bà quản nên cũng mừng... Cha xem, con cũng già rồi, hơi sức chẳng là bao... may có bà quản...
- Vâng, thì Chúa cũng sắp xếp có người nọ người kia để lo liệu việc phụng thờ Chúa; chứ bà cụ tính coi, không có mấy bà cất kinh đôi khi cha đang gặp chuyện cần không biết lấy ai thay thế...
- Cha quá khen, ông cụ xen vô; con cũng bảo bà nhà con là mình còn yếu vả lại đã có tuổi nên hơi sức chẳng còn là bao; thôi thì từ nay đã có bà quản, xin cha nhờ bà ấy cất kinh nhà thờ luôn...
- Xin cảm ơn ông bà cụ đã để ý lo lắng đến việc kinh sách nhà thờ. Dĩ nhiên, mình cố gắng nếu có thể, còn chuyện gì quá sức, Chúa cũng hiểu cho chứ biết sao hơn. Thế lâu nay cụ làm thêm được mấy bàn thờ nữa?
- Ba tháng nay được có bốn cái thôi cha ạ. Bây giờ con đang đóng cỗ kiệu cho khu Gioan rước dịp lễ quan thày...
- Cụ có tuổi rồi mà còn chịu khó quá... Thôi, tiện dịp tôi ghé thăm hai cụ; chúc hai cụ mạnh giỏi... tôi về lại nhà xứ.
- Mời cha dùng nước...
- Mời hai cụ...
Cha Lành uống phân nửa ly nước trà, đặt ly trở lại khay đoạn bước ra cửa lòng mừng thầm vì không ngờ chuyện cất kinh thế là êm xuôi. Mặc dầu giúp những công chuyện nho nhỏ nơi nhà thờ nhưng ai mà chẳng là người; ai không muốn được chú ý đôi chút. Có lẽ chính cũng nhờ cá tính này cộng với lòng mộ mến, ngoan đạo mà Chúa dùng họ để giúp dân Ngài... Trong vị thế linh mục, rất nhiều trường hợp đối xử với con chiên bổn đạo, điều khó giải quyết nhất lại là những chuyện tầm thường coi bộ không ra gì. Vì thế, đứng trong cương vị lãnh đạo chẳng những cần am hiểu tâm lý quần chúng mà còn cá tính từng người làm việc giúp nhà thờ sao cho tránh khỏi những vụ dẵm chân gây phiền toái đôi khi làm nản lòng những người thiện chí.
Mặc dầu cố gắng để ý những khác biệt nơi dân chúng, có những chuyện coi bộ bình thường nhưng trở thành bất thường làm cha chẳng biết ăn nói ra sao. Nhiều bà có con dại không thèm ngồi nơi phòng dành cho trẻ nhỏ; đang lúc mọi người cầm trí, lúc cả nhà thờ im lặng như tờ, giọng ngây thơ em bé ré lên, la khóc hoặc bất bình vì thằng anh, con chị giành đồ chơi khiến quí cụ cảm thấy khó chịu... Đồng ý rằng nhà thờ có con nít nói lên sự sinh động truyền lại đức tin cho thế hệ nối tiếp nhưng các cụ lại quên bẵng kinh nghiệm nuôi con thơ ngày nào đến độ trở nên khó chấp nhận những âm điệu tha thiết ấy bởi đã quá lâu không phải điều khiển xấp nhỏ... Và rồi cũng tới cha... nói ra, các bà mẹ kêu cha đuổi không muốn cho đi lễ, không nói, các cụ lại cảm thấy bực mình... Đang lúc trẻ khóc, có cụ lên tiếng mắng bà mẹ không biết dỗ con... giọng già giọng trẻ tấu lên cùng lúc như hai cung nhạc nghịch thường giữa chốn nghiêm trang thờ phượng.
- Con xin chào cha. Cha có rảnh không, con muốn nói chuyện với cha.
- Vâng, mời cụ cứ tự nhiên.
- Thưa cha con định vô nhà xứ gặp cha để thưa chuyện...
- Cụ có chuyện gì quan trọng thế, nói trên điện thoại cũng được mà, đâu cần phải vất vả tới nhà xứ.
- Không có gì quan trọng đâu cha nhưng con muốn vô nhà xứ gặp cha cho phải phép.
- Đâu có gì mà phép với tắc, nói trên điện thoại hay gặp nơi nhà xứ cũng thế thôi. Tùy cụ, tôi không có gì bận đâu; nếu cụ không muốn nói trên điện thoại thì khi nào cụ tới nhà xứ?
- Con tới ngay bây giờ được không thưa cha.
- Mời cụ, tôi chờ...
Chừng mười phút sau cụ lang An giương dù che nắng tới nhà xứ. Gọi là cụ lang vì ngày xưa cụ được đi học mấy năm chữ Nho đến khi chữ quốc ngữ dần dần thông dụng cụ học chữ quốc ngữ thêm vài năm rồi đi làm cho một thầy thuốc bắc. Những ngày còn ở Việt Nam, bà con dân làng khi bị cảm hoặc đau nhức, cụ nhớ được ít môn thuốc thông dụng cắt dùm; bà con uống vào, vài người thấy hiệu nghiệm và thế là cụ được gọi là lang. Gia đình cụ khá nề nếp, con cái được giáo dục vào khuôn phép lễ giáo theo lối ngày xưa, một tí trình, hai tí bẩm đôi khi đến độ kiểu cách... Ấy, lắm người gọi đùa là gia phong. Riêng cụ, do ảnh hưởng vài năm giáo điều Nho học nên thái độ rất mực thước; hơn nữa, cá tính cụ ít nói do đó lắm khi mang vẻ thâm trầm khiến người đối diện cảm thấy cần phải e dè... Cụ đến gặp riêng cha tất nhiên phải có chuyện quan trọng...
- Chào cụ lang, trời nắng thế này mà cũng ráng vác dù đi, cụ chịu khó quá... Qua khung cửa sổ nơi bàn giấy, cha Lành trông thấy cụ từ ngoài cổng nhà xứ nên ra mở cửa.
- Con xin phép lạy cha. Cụ lang cúi đầu kính cẩn.
Nhà nho có khác, mình nhỏ tuổi hơn con đầu lòng của cụ mà cụ lại phải xin phép mới được lạy cha thì cha không tổn thọ cũng phải e dè... Nếu mình ăn nói kiểu lè phè nhất định cụ sẽ cảm thấy khó chịu; nếu ra bộ dạng bề trên tất nhiên mình khó chịu và như thế coi chừng tổn thọ... Không ngờ làm cha lắm lúc lại khó nói chuyện thế này... Cha Lành ngẫm nghĩ khi đón cụ.
- Mời cụ vào phòng khách, ở đó nói chuyện thoải mái hơn nơi văn phòng...
- Vâng, con xin phép cha...
Cụ lang ngồi ngay ngắn nơi bộ salon, chiếc dù xếp dựa thành ghế bên cạnh...
- Cụ lang dùng nước gì? Cà phê, trà hay nước ngọt... hay lon bia lạnh cho mát giọng...
- Con xin cảm ơn cha, con vừa dùng trà ở nhà rồi mới ra đây nên không khát...
Cha Lành mở chiếc tủ lạnh nhỏ nơi phòng khách lấy ra lon Budweiser bật cái "tách" coi bộ sành sõi tới độ điêu luyện đoạn rót ra chiếc ly thủy tinh cao màu xanh nhạt để sẵn trên nóc tủ lạnh cùng với mấy chiếc ly khác. Ngài chợt thấy nét ngỡ ngàng thoáng hiện trên gương mặt cụ lang nhưng vẫn làm ra vẻ không để ý... Cụ có chuyện quan trọng muốn trình bày giờ lại gặp chuyện quan trọng hơn vì thấy cha uống bia... Cha đã đoán đúng...
- Thưa... cha uống bia thật à?
- Thật chứ chả lẽ bia giả. Nếu tôi không lầm thì đây là lần đầu tiên từ ngày về đây làm phó xứ tôi mới thấy cụ tới... Hay cứ coi là bia giả đi, mời cụ...
Cha Lành cầm ly bia đã rót xong đặt trên bàn salon trước mặt cụ...
- Thưa cha... Cụ lang đưa tay ra dấu từ chối...
- Nào có gì đâu, mời cụ dùng với tôi một ly bia...
Và lon khác tiếp tục được mở để rót sang chiếc ly mầu xám nhạt...
- Mời cụ... Cha Lành nâng ly hướng về cụ lang đoạn chiêu một hớp...
- Cha làm con khó nghĩ quá...
- Không sao đâu cụ lang, mời cụ nâng ly.
Cụ lang bối rối đành chịu trận, hai tay nâng ly bia:
- Con xin vâng lời cha, xin phép cha...
Cha Lành thấy vui vui vì sự ngạc nhiên của cụ lang. Hôm nay thử ép cụ phá lệ xem thế nào... Ngài thầm nghĩ, đùa cụ kiểu này chắc hẳn chưa bao giờ cụ có thể ngờ... Cụ lang vừa nhỏ nhẹ chiêu một hớp nhỏ đã thấy cha nâng ly tiếp:
- Chắc cụ có chuyện quan trọng lắm nên mời cụ dùng chút nữa cho ấm bụng dễ nói. Nào, mời cụ hết một phần tư...
- Vâng, xin phép cha.
Cụ lang đúng phép hết một phần tư một cách nhẹ nhàng... Thế ra cụ uống được mà sao lại có vẻ ngỡ ngàng khi thấy mình mở bia...
- Bây giờ vào vấn đề; cụ có chuyện chi cần nói mà phải lặn lội giữa lúc trưa nắng vậy?
Có lẽ thái độ tự nhiên của cha đã một phần nào giảm bớt lễ nghi phép tắc quen nề nếp xưa nay nên cụ lang thấy nhẹ nhàng hơn để vào đề câu chuyện:
- Con muốn trình với cha về sự trang nghiêm nơi nhà thờ. Mấy người mẹ không biết giữ cho con cái khỏi la khóc thật là không còn lòng dạ nào để tâm trí xem lễ nữa... Con cứ bị chia lòng chia trí khi tiếng con trẻ khóc trong lúc nhà thờ đang trang nghiêm...
- Theo cụ thì có cách nào có thể áp dụng để tránh sự chia trí trong Thánh Lễ vì trẻ em khóc không?
- Thưa cha, con nghĩ là nhà thờ đã có phòng riêng dành cho những người có con dại thì bảo họ đem con vào đấy... chứ cứ đợi khi đứa nhỏ khóc quá rồi mới bế con vào thì mọi người đã bị chia trí...
- Như vậy theo cụ nói có nghĩa là những người có con thơ mà ngồi nơi ghế họ nghĩ rằng con nhỏ của họ sẽ không khóc lúc lễ...
- Thưa cha, miệng trẻ thì ai mà đo lường được nó khóc lúc nào; chính ra các bà mẹ phải biết điều đó chứ...
- Cụ nói có lý; nào mời cụ, bia gần hết lạnh rồi...
Cụ lang nâng ly bia chiêu một hơi dài và ra chiều suy nghĩ lung lắm... Một lúc sau cụ mới nhẹ nhàng đề nghị:
- Hay là cha nói ở nhà thờ bảo các bà có con thơ phải ngồi nơi phòng cho các em nhỏ.
- Chắc cụ lang không để ý, tôi đã nói với họ từng người một... Tuy nhiên, bình thường thì những người có con dại mà ngồi nơi những hàng ghế ở ngoài, con họ rất ngoan ngoại trừ những trường hợp bất thường. Riêng cá nhân tôi, tôi đã phải cố gắng tập không bị chia trí khi có em khóc; tôi đã tự nhắc nhở rằng sự hiện diện của các em nơi nhà thờ nói lên biết bao cố gắng của cha mẹ khi đưa các em đi lễ. Cũng nên nhận ra rằng, đưa các em nhỏ đi lễ không đơn giản như mình người lớn cứ ăn mặc chỉnh tề là xong đâu; họ còn phải tắm rửa, thay đồ cho các em, rồi nào tã lót, nào pha sữa sẵn sàng để đem đi. Trông thấy những cha mẹ có ba bốn đứa nhỏ tuổi ngang ngang nhau đàn đúm bồng bế tới nhà thờ, tôi có cảm tưởng tuần nào họ cũng phải làm một chuyến dọn nhà. Hơn nữa, Thánh Lễ có giờ nhất định; do đó tôi nghĩ trước khi tới nhà thờ, họ phải sửa soạn cho con cái cả tiếng đồng hồ mà trẻ thì vừa rửa mặt mũi sạch sẽ lại bôi hề ra đấy... và rồi các bà mẹ lại còn phải có giờ trang điểm cho chính mình nữa... Cụ lang thử để ý coi, mấy đứa nhỏ gái ba bốn tuổi được các bà mẹ kẹp hay dóc tóc trông xinh xắn đấy chứ, nhưng kẹp hay dóc tóc cho một em bé như thế ít nhất phải cả mười lăm phút. Giả sử một bà mẹ phải làm những chuyện đó cho ba đứa con gái nhỏ phỏng bao lâu mới xong... Thế nên nếu vô tình không nhận ra những cố gắng hy sinh của họ mà chỉ vì bị tiếng khóc làm phiền rồi nói nơi công cộng, cho dù không cố ý thì một phần nào đó cũng làm họ cảm thấy áy náy... Cụ lang thấy đó, tôi chẳng những không dám kêu ca mà còn cảm ơn họ công khai bởi đã đem con cái đến nhà thờ...
- Thật con không ngờ... Nghe cha giải thích như thế con thấy chẳng còn gì để nói...
- Cảm ơn cụ đã có lòng để ý đến việc thờ phượng sáng danh Chúa... nào mời cụ...
Chất bia và những lời giải thích am hiểu ôn hòa của cha Lành giúp cụ lang thoải mái hơn nên bớt phần e dè...
- Một ngày cha uống những mấy lon bia nếu cứ tiếp khách như thế này?
- Mặc dầu tôi uống được bia rượu nhưng rất ít khi uống suông; chỉ khi ăn trưa hay tối uống một lon cho ngon miệng thay vì uống nước lạnh. Được một điều là tôi không uống bia rượu một mình, thấy nó chối làm sao ấy nên không nghiện. Ngày còn nhỏ, bố tôi uống rượu lại không cấm đoán mà anh em chúng tôi không ai bị nghiện...
- Thưa cha, nghiện ngập cũng tùy người...
- Lúc mới tới có lẽ cụ ngạc nhiên lắm khi thấy tôi mở bia phải không?
- Chẳng nói dấu gì cha con cứ ngỡ các cha không được uống bia, uống rượu, đàng này thấy cha mở bia ngon lành như tay sành điệu nên con ngạc nhiên...
- Chuyện gì cũng thế, tự bản chất nó không xấu, không tốt; vấn đề tốt xấu do người xử dụng... Nếu mình cứ nghĩ một cách cứng ngắc thế này là sai, thế kia là đúng thì có thể chính những điều mình cho là đúng lại trở thành sự vấp phạm lỗi lầm. Chẳng hạn ăn uống là nhu yếu không thể thiếu của mọi sinh vật vậy tại sao ham mê ăn uống lại không nên... Xét như thế, bất cứ gì quá độ cũng làm người ta vấp ngã...
- Thưa cha gia đình ông Lân gọi điện thoại nhắc cha làm phép nhà. Bà thư ký tới cửa phòng khách nói vọng vô.
- Bà làm ơn nói tôi tới đúng giờ, còn những mười lăm phút nữa..., quay qua cụ lang ngài tiếp, cảm ơn cụ đã ghé qua nhà xứ... chừng nào rảnh, cụ nhớ gọi tôi, mình còn nhiều chuyện cần nói xem có thể làm gì hơn cho cộng đồng mình chăng.
- Vâng, con xin kính cha...
- Xin chào cụ. Cụ nhớ gọi tôi nghe.
- Vâng, thưa cha; chào cha.
Tiếng khóc trẻ con làm quí cụ chia trí khó chịu đã đành; cảnh vui tươi ngộ nghĩnh đôi khi cũng trở thành phiền hà lây tới cha. Có lần, trong khi mọi người thinh lặng nghe cha giảng, bỗng những tiếng bíp bíp từ phía cuối nhà thờ vang dội phát ra từ đôi giày con con xinh xắn nơi chân em bé gái ngộ nghĩnh đang vui bước chạy lên hướng gian cung thánh trốn nhỏ anh đuổi phía sau, miệng cười tươi như hoa. Bà mẹ nào khéo sắm sửa cho con đến thế, bước tới đâu là phát ra âm thanh bíp bíp đến đó khỏi sợ bị lạc. Cha đứng trên tòa giảng nhìn em bé cũng thấy vui lây; người mẹ vội vã đến bồng con lên và các cụ lại thêm một phen khó chịu. Sau lễ, một bà vô phòng áo gặp cha có ý kiến,
- Trình lạy cha, sao cha không cấm những người đó để con cái chạy ngược chạy xuôi trong giờ lễ! Thật là nhố nhăng quá sức...
Quay lại, cha Lành thấy bà trương mặc chiếc áo dài mầu cứt ngựa kèm thêm chiếc khăn nhung đen bịt kín đầu. Vẻ băn khoăn nghiêm trọng của bà kèm theo câu nói chứng tỏ sự lo lắng muốn cha giải quyết chuyện em nhỏ chạy trong nhà thờ ngay lập tức...
Bà trương ơi, tôi chưa kịp cấm thì em nhỏ đã chạy, biết sao mà nói bây giờ... Giá bà nói sớm sớm có phải được việc không... Cha Lành thầm nghĩ, nhưng không biết trả lời thế nào cho hợp lý hợp tình. Nói đúng lý thì bà buồn bởi cha có chạy trong nhà thờ đâu mà nhăn cha; vả lại sao bà không nói với người mẹ của em nhỏ lại cứ nhè cha mà nói. Hơn nữa, đã chắc gì bà cần biết đến lý, và nếu nói đến chuyện hợp tình đôi khi lại càng khó xử vì đâu ai chấp với em bé. Chẳng lẽ bắt tội người mẹ vì đã mua đôi giầy kêu bíp bíp cho con hoặc để con chạy lăng nhăng trong nhà thờ. Mà đâu phải lúc nào trẻ cũng chạy, đây chỉ là trường hợp đặc biệt không ai muốn thế. Để con ở nhà ai là người coi, đem con đi lễ làm sao mà giữ được chúng luôn luôn, chẳng lẽ cột chân mấy đứa nhỏ lại... Nhớ đến cảnh em bé gái xinh xinh toe toét cười chạy trong lúc giảng, cha Lành vẫn còn cảm thấy vui lây nên nhẹ nhàng trả lời:
- Bà trương nói tôi cấm làm sao bây giờ? Chẳng lẽ cấm họ đi lễ!
- Thì cha bảo mấy người đó lo mà giữ con đừng để chúng chạy nhắng trong nhà thờ đang lúc lễ.
Chủng viện nào có bao giờ dạy phương pháp giữ chân trẻ nhỏ không cho chạy lăng quăng trong nhà thờ hoặc bịt miệng con nít không cho khóc. Ngay tại gia đình, cha mẹ còn chịu thua mấy cái miệng chành chọe nhau khóc la om sòm ấy là đã bao nhiêu ngày tháng chăm sóc con cái, biết tính nết từng đứa một mà không giữ được chúng nói chi đến cha lúc dâng lễ hay lúc giảng. Bình tâm mà xét, lúc đang dâng Thánh Lễ hoặc đang giảng mà trẻ em khóc ré lên hay nô nghịch chạy nhắng trong nhà thờ cả là một sự chia trí nhưng biết sao hơn! Chẳng lẽ đang giảng, ngưng lại mắng người có con không biết giữ trẻ hoặc đang lúc truyền phép mình thánh lại la lối bà mẹ không biết dỗ con... Làm thế đâu có được mà có thể chỉ gây thêm sự bất bình cho mọi người! Chuyện thấy thường nhưng bộp chộp giải quyết sẽ mất lòng đa số cha mẹ các em nhỏ. Nghĩ thế, cha Lành đặt bà trương vào cuộc:
- Bà làm ơn nói với chị có em nhỏ được không?
- Cha nói họ mới nghe, còn con thì lấy quyền hành gì mà nói...
Xưa nay quí cụ cho rằng có quyền hành thì tha hồ muốn nói gì mặc sức mà nói và nói lúc nào cũng được bởi kinh nghiệm nơi gia đình muốn làm chi thì làm, nói gì thì nói bất kể giờ giấc và thường lại không phải để ý đến tâm tình người nghe vì dù sao cũng là người trong gia đình...
- Đâu cần quyền hành mới nói được. Bà trương ngại nói lại đem đẩy cho cha như thế tội lắm. Có phòng dành riêng cho các em nhỏ, họ không chịu ngồi trong ấy; ngồi ở ngoài thì con khóc, con nô đùa thành ra cha phải chịu... Mà có sao đâu, em bé chạy thấy cũng vui vui đấy chứ...
- Cha lại còn cứ bênh chị ta...
Bà trương đang đồng hóa nhà thờ với gia đình nên cho rằng nơi công cộng cũng như ở nhà, muốn bênh ai thì lờ đi và không ưa ai tha hồ la mắng hay nạt nộ. Chốn công cộng chỉ một câu vô tình sẽ sinh lắm chuyện bất bình. Tất nhiên, đang trong giờ lễ đứa nhỏ chạy làm chia trí cả nhà thờ thì người mẹ cũng đã hiểu...
- Chắc chắn rằng từ nay chị ta biết rồi, bà yên chí.
Nghe cha cam đoan như thế bà trương cảm thấy mình quan trọng phần nào, đủ bù lại nỗi khó chịu lúc thấy đứa trẻ chạy nhố nhăng làm chia trí khi xem lễ. Khổ nỗi, cái nhà chị Mái, mẹ hai đứa trẻ, thật là quá quắt; đem con đi nhà thờ mà cứ để chúng nô nghịch không để ý tứ gì. Đã mấy lần bà cố tình ngồi gần chị ta nhắc nhở nhưng chứng nào vẫn tật nấy. Có lần, bà tức mình gắt lên nho nhỏ bảo thì chị ta nào có vừa gì đâu nên nói ngang: bà muốn cấm trẻ đến nhà thờ à? Chẳng lẽ bà lại cãi nhau tay đôi với chị ta, thôi thì im cho xong nhưng nó bực làm sao ấy. Hơn nữa, bà có tuổi rồi, ngồi gần mấy người trẻ ấy người ta sẽ nghĩ thế nào... Ai đời đi nhà thờ nhà thánh gì mà bôi son trét phấn, xịt nước hoa nhức cả mũi... Nhưng đâu có phải chỉ một mình chị Mái, lại còn mấy người khác cũng chẳng có ý tứ gì, để mấy đứa trẻ la khóc không ra gì cả nơi thờ phượng...
- Sao cha bảo chị ta biết rồi? Con có thấy cha nói bao giờ đâu!
- Ai lại đem lên tòa giảng mà nói, làm như thế phiền lắm. Tôi nói riêng mấy người đó sau lễ thôi.
- Cha không nói mạnh, họ đố thèm nghe đâu.
Khổ quá, cha Lành thầm kêu, bà trương làm ơn hiểu dùm cho cha; cha đâu có thể bắt người ta theo ý mình mà trái lại cần tìm biết dân chúng nghĩ gì và phản ứng ra sao đối với những sự việc xảy ra. Những chuyện nho nhỏ đem lên tòa giảng mà nói đâu có được... Tòa giảng nào phải là chỗ để cấm con nít chạy trong nhà thờ. Hơn nữa, chẳng lẽ vì một đứa trẻ non nớt không biết chi mà bắt cả nhà thờ phải nghe lời phiền hà chỉ trích thì giáo dân sẽ nghĩ gì. Họ đâu đến nhà thờ để nghe cha càm ràm những điều nhỏ nhặt ấy. Mẹ đứa bé đã vội vàng chạy tới bồng con tức là người ta đã hiểu rồi. Cha mà nói thêm chỉ làm tổn thương đến mọi người.
- Từ từ bà trương ạ, nếu nói mạnh, mất lòng thì phiền lắm. Hơn nữa, chuyện gì cũng đem ra nhà thờ mà nói họ sẽ kêu cha nói dai, nói dài... có khi còn nói dại, nói dở nữa; ngài diễu.
- Cha cứ im lặng riết rồi họ không coi cha cụ ra gì hết. Ngày xưa mà để con cái chạy lăng nhăng trong nhà thờ là khốn khổ... Cha không chịu răn đe cứ để như vậy chẳng mấy hồi mà người ta biến nhà thờ thành sân vận động...
- Được rồi, cảm ơn bà trương, tôi sẽ bảo họ để ý con trẻ hơn. Bà trương thấy không, mấy em thiếu nhi đâu có nói chuyện trong giờ lễ nữa đâu...
- Trẻ là phải đánh mạnh chúng nó mới vào khuôn phép... cha lại cứ nuông chiều chúng... lại còn năn nỉ chúng đừng nói chuyện...
- Thì miễn chúng đừng nói chuyện là đủ... Tôi chỉ bảo các em đừng nói chuyện kẻo người ta nói cha không biết dạy các em và như vậy là oan cho cha... chứ nào có năn nỉ đâu. Bà trương thấy không, trẻ vô nhà thờ ngoan ngoãn xem lễ như vậy là được rồi, đâu cần gì phải đánh nữa...