ây nói về Xuân Lan, khi nghe họ Hồ hỏi phải dùng biện pháp nào để trấn áp cuộc «cách mạng thường trực của huyết cầu 35», thì lấy tai che miệng, cười tủm tỉm, mà đáp rằng: - Hiện nay, khoa học chưa tìm ra được cái gì sanh ra tinh trùng của đàn ông, mặc dầu đã biết chính xác rằng nơi sanh ra tinh trùng ấy là hai cái hòn lòng thòng dưới bộ phận sinh dục. Vừa nghe bác «thị kiến» rằng: «Chúng đàn ông giải hữu huyết cầu 35», mà cháu lập ra được một giả thuyết khoa học. Và cháu sẽ chọn giả thuyết ấy làm đề tài của luận án trình thi Tiến sĩ về I khoa. Hồ Hữu Tường nghe nói nàng có một phát minh mới về I khoa, lấy làm thích thú, vồn vã hỏi: - Chẳng hay giả thiết ấy ra làm sao? - Cháu ví huyết cầu 35 như là chất uranium trong hình thức quặng và nằm khắp đó đây trong thân thể của người đàn ông. Các quặng này chuyên chở lại hai cái hòn lòng thòng, mà cháu ví như hai lò máy nguyên tử khổng lồ, và nơi đó biến ra thành hàng tỉ tinh trùng, mà cháu ví như những quả bom nguyên tử. Những quả bom nguyên tử này, theo khoa học Tây Phương, phải có cơ quan chở đem dội trên đất của địch. Bằng không, chứa ứ nhiều quá, chúng nó phát nổ, hành xác chủ nhơn quá chừng. Khoa học Tây Phương không có phép gì giúp cho chủ nhơn tránh được cái nguy cơ do sự tích sức quá nhiều thứ bom nguyên tử ấy. Hồ Hữu Tường gật đầu khen rằng: - Chính là bác sợ cái nguy cơ ấy, mà chỉ nghĩ tới thôi, đã ớn xương sống rồi! Xuân Lan cười ra tiếng, nói tiếp: - Nước Tàu mà chế nhiều bom nguyên tử đây, lại không đóng được oanh tạc cơ tối tân để chở chúng nó đem dội bom nơi khác, Tàu cũng bị cái nguy cơ đó. Địch làm cho bom Tàu nổ chuyền trên nước Tàu, thì Tàu sẽ tiêu... Bây giờ cháu xin trở lại vấn đề huyết cầu 35. Đến hai cái hòn lòng thòng, huyết cầu 35 biến thể thành ra tinh trùng. Trong phép dưỡng sinh của Hoàng, Lão, người ta chỉ gọi vắn tắt bằng chữ tinh. Và phép dưỡng sinh này lại dạy cho tu sĩ biết ngày ngày «luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần». Không khác nào chất uranium đem đến lò nguyên tử, người ta không dùng mà chế ra bom, lại chế ra làm nhiên liệu để đốt các động cơ nguyên tử mà chế tạo ra tinh lực cung cấp cho loài người sử dụng để mưu hạnh phúc cho loài người. Danh từ mới lạ «áp dụng hòa bình của tinh năng nguyên tử» (applications pacifiques de l’énergie atomique), mà thật ra, ý ấy cũ rích. Ấy là phép «luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần» dùng làm trấn áp cuộc «cách mạng thường trực của huyết cầu 35», hầu giúp cho bác sáng tác thật hay những tác phẩm văn chương, triết lý, khoa học đó! Nghe tràng lý thuyết đanh thép của Xuân Lan, họ Hồ lấy làm khoái trá, vỗ tay hoan nghinh rốp rốp. Các nàng cũng vỗ tay theo, ba lượt, mới chịu để cho họ Hồ nói: - Câu hậu sanh khả úy, cháu vừa chứng minh một cách hùng hồn. Bây giờ, bác hết sợ cách trừng phạt oái oăm nọ rồi. Thú thiệt với các cháu, từ nhỏ tới bây giờ, bác chưa biết phục ai. Mà bây giờ, bác phục cháu Xuân Lan lắm lắm. Thu Cúc thấy Xuân Lan được khen nồng nàn như vậy, có hơi ganh tị một chút, bèn đứng dậy nói: - Thế thì cái mưu sâu sách động huyết cầu 35 xuống đường, đốt ngòi và châm nhiên liệu cho cuộc cách mạng thường trực của chúng ta là một cái mà sách vở chép rằng «bất dĩ vi phước, bất dĩ vi họa». Bác Hồ trước kia tưởng là họa, nên âu lo, nên phát sợ. Bây giờ, bác thấy đó là phước, thì bác lại mừng. Cháu đây còn một mưu hay hơn để hiến cho bác. Song xét vì «mưu bất khả chúng», mặc dầu hết thảy ở đây là chị em, song bí mật nguyên tử kia người ta còn giấu nhẹm kia, lẽ nào ta không giữ cái bí mật này quí giá hơn gấp mấy lần. Vậy, mưu ấy, cháu sẽ viết thành cẩm nang, trao cho bác. Còn giờ đây, chúng ta hãy đổi vấn đề, mà bàn về việc cứu cậu em Xích Tử ra khỏi Tru tiên trận. Tất cả đều gật đầu đồng ý, có vẻ khen Thu Cúc đã vào đề một cách rất khéo. Hồ Hữu Tường cũng tán thành và nói: - Tru tiên trận đời Phong Thần, chỉ là một trận nhỏ, lập trên một khoảnh đất chút xíu mà thôi. Bửu bối của các vị tiên, thời xưa chỉ hại được có một người, sánh ra không ăn thua gì với bửu bối thời nay cả. Tru tiên trận ngày nay lập trên khắp hoàn vũ, đi đến đâu cũng vướng, cũng mắc, không tìm thấy lối ra. Cửa ra, họa may là do cởi được hỏa tiễn liên hành tinh mà lên cung Trăng, mà sang qua Hỏa tinh. Còn bửu bối ngày nay, trí của con người không sao lường nổi. Lường nổi chỉ có những máy tính điện tử. Vậy, phá trận tru tiên, không phải phá hết trận, mà chỉ phá một góc nhỏ thôi để cứu Xích Tử, thật là khó vô cùng. Phàm, ngày xưa, phá trận khó ắt phải cần nữ tướng. Bây giờ, phá trận Tru tiên của thế kỷ XX này, tất cũng phải vậy. Chẳng hay các cháu có dám làm nữ tướng mà phá trận này không? Các nàng nghe hỏi, nhìn nhau, ngơ ngác. Mẫu Đơn thay lời chị em, đứng lên nói: - Chúng cháu chưa từng gặp tiên cô thâu về núi tu luyện rồi truyền bửu bối cho. Chúng cháu chưa có ai học Judo, hoc Aikido, hay học võ Việt. Chúng cháu cũng chưa biết cầm súng, đánh boa nha như đào kép trên sân khấu. Làm sao chúng cháu làm nữ tướng được? Những điều cháu nói, chỉ giúp cho các cháu làm nữ tướng ở thế kỷ XIII, như cô gái Đồ Long, còn ở thế kỷ XX này, văn minh kỹ sư chọi với văn minh chánh uỷ, cũng như hồi xưa Xiển giáo và Triết giáo tranh hùng, thì văn minh tu sĩ đóng vai Hồng Quân chơn nhơn, cho hai bên uống thuốc giải hòa. Hễ cãi lịnh thầy thì thuốc hành cho tiêu xác. Thuốc giải hòa này là lòng sợ có hiểm họa chiến tranh thế giới thứ ba. Công việc ấy là công việc của Hồng quân chơn nhơn, thủ vai của văn minh tu sĩ. Còn các cháu là những vị tiên nhỏ, đồ đệ của văn minh tu sĩ. Các cháu phá một trận nhỏ, nói cho đúng hơn, một góc nhỏ của một trận lớn. Cần chi bửu bối, cần chi Judo, Aikido, hay võ Việt, cần chi súng lục và boa nha? Cần chỉ có một tâm hồn cứu thế, một trí sáng suốt, một dạ hy sanh, một mớ tài hoa là làm nữ tướng rồi. Hạ Liên đứng lên hỏi: - Phàm phá một trận, đâu bằng phép tiên, đâu bằng quân lực, đâu bằng những thuật của văn minh tu sĩ, cũng phải có phương pháp. Chúng cháu chưa từng phá trận bao giờ. Bác có thể nào chỉ phương pháp ấy cho chúng cháu chăng? - Thú thật với các cháu, bác đã mắc vào nhiều trận. Mà bác thoát ra được, không phải nhờ bác phá nổi. Chẳng qua chỉ là nhờ bác được chữ phước đức, mà đến nay mạng bác mới còn đây. Bác không thể nào làm thay các cháu được. Các cháu muốn cầu phương pháp, mà các cháu vốn múa bút chơi văn, thì các cháu nên cầu tiên sư của nghề văn ở xứ lạ. Hạnh đứng lên hỏi: - Chẳng hay vị tiên sư ấy là ai? - Vị tiên sư ấy là bà Âu Cơ, vốn là một nàng tiên. Trước bà, người còn mê tối. Sanh con ra, cứ để nó sống tự nhiên, hết bú rồi chơi, chơi đã rồi ngủ. Mà nó ngủ được bởi vì không có gì làm rầy mà phá giấc ngủ của nó. Đến khi bà Âu Cơ đẻ ra một bọc có một trăm trứng, mỗi trứng nở ra thành một đứa trẻ, thì trong nhà bà, cùng một lượt, có một trăm đứa trẻ. Hễ đứa này thiu thiu ngủ, thì đứa khác khóc ré lên, làm cho nó giựt mình, mất giấc. Bà Âu Cơ, vốn là nàng tiên, nên thông minh, nhận thấy tình trạng ấy, bèn lập tâm tìm cho ra một biện pháp làm cho trăm đứa trẻ cùng êm tai một lượt, mơ mơ, màng màng, rồi cùng ngủ, mà chẳng có đứa nào ré lên phá giấc đứa kia. Biện pháp ấy là bà ù ơ mà ru chúng nó êm tai. Ấy là đã sáng chế ra cái thuật hát ru em, thiên hạ thấy công hiệu, bắt chước, mà hát ru em tràn lan khắp nơi. Hát ru em cho được công hiệu, phải có nhạc, có nhịp, có vần. Do đó mà hình thức đầu tiên của thơ xuất hiện. Đó là khởi thủy của văn chương. Nên bác nói với các cháu rằng bà Âu Cơ là vị tiên sư của nghề văn ở xứ lạ. Các cháu nên cầu bà chỉ giáo. Các nàng đồng ý, hẹn nhau, tối đó vào giờ tý, sẽ tổ chức một buổi cầu thơ tiên, mời cho được bà Âu Cơ mà nhờ chỉ giáo. Rồi cùng đứng lên từ tạ mà ra về. Đây nói về Xích Tử khi nghe họ Hồ đưa ra một tràng lý luận dài lê thê để chứng minh rằng việc ếm mả cụ phó bảng Huy đã không chút lợi gì cho Thế giới Tự do, thêm hại thì có, thì hắn ta thấy sở học của mình chẳng là bao đối với họ Hồ. Thì trong cuộc tranh đấu lý tưởng, triết học, tôn giáo, chánh trị, văn nghệ này, làm sao mà thu phần thắng cho nổi. Nghĩ như vậy, hắn ta mất tinh thần, chẳng buồn nói năng. Vào ăn cơm, hắn ta ngốn cho nó mà chẳng màng lấy ngon. Lại uống rượu thật nhiều, dùng tửu bịnh mà giải phá sầu thành, nên khi ra tiệc thì đã say, mí đã híp, tìm chỗ nằm đánh một giấc, không hay Thompson đưa họ Hồ về nhà từ bao giờ. Trong giấc ngủ, chàng nằm mộng thấy Thu Hương đến. Chàng mừng lắm, ôm gối mẹ mà thưa: - Mồng một Tết mà mẹ về thăm con, ắt mẹ có điều rất hay mà dạy cho con đó. Thu Hương vuốt ve đáp: - Tội nghiệp con tôi, vừa ra trận đầu là bị mấy chưởng nặng nề. Song không sao đâu con. Mẹ đã viện được hai mươi tám nàng tiên để giúp sức cho con. Mẹ còn thế viện một vị đại tiên nữa đến giúp con. Nếu vị đại tiên này khứng chịu, thì quả là con với người ấy có duyên tiền định. Mẹ không thể nói tên họ người đó, ở trần gian, là gì. Thiên cơ bất khả lậu. Song mẹ có thể cho con biết, trên cõi trời Đâu Suất, người ấy vốn là gì? Xích Tử nghe nói, mời mẹ lại ghế bành ngồi, rồi chàng lấy giấy viết mà ghi những lời mẹ sắp nói. Thu Hương tiếp: - Trên cõi trời Đâu Suất, thời gian tuy có khác hơn ở thế này, song cũng có tuần hoàn, có năm, có tháng, có ngày: năm chia làm bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mẹ vắng mặt ở trên đó chỉ có một giây mà xuống trần, thì ở cõi này, mẹ lại sống được hai mươi lăm tuổi. Trên ấy cũng có mưa, có nắng. Trước hay là sau cơn mưa, giọt nhỏ của mưa lơ lửng trên không, phản chiếu ánh sáng, cũng hiện mống trên vòm trời. Màu sắc đẹp đẽ của mống trời làm cho con ong con, tiền kiếp của con, say đắm. Nhưng mống chỉ là cái ảo ảnh, đứng xa thì nhìn thấy, đến nơi lại biến mất đi. Con ong con, là con, nào có biết chi, khi nào mống trời hiện lên, thì bay tới mà tìm ảo ảnh. Đó là một mối tình. Thời xưa khối tình thác xuống tuyền đài chưa tan. Ngày nay, rời Đâu Suất mà xuống cõi trần, khối tình ở trong lòng con nào có tan đi được? Bởi biết vậy, nên các tiên Phật ở cõi trời Đâu Suất hạ lịnh cho cái mống trên ấy đầu thai xuống cõi trần, làm một nàng con gái, Mẹ không được phép nói tên họ nàng ấy là gì. Song, nếu con còn trung thành với tình xưa, thì vừa gặp nàng, con sẽ lập tức bị sét đánh trong lòng, yêu nàng ngay, mê nàng ngay. Và như Tiết Đinh San gặp Phàn Lê Huê, con sẽ được nàng cứu mà thành duyên giai ngẫu. Xích Tử hỏi: - Con nay mắc kẹt trong biệt thự, làm sao đi đó đi đây được, mà gặp nàng? Thu hương ghé vào tai chàng mà dạy chàng phải làm như vầy, như vầy. Nghe mẹ dạy, Xích Tử rất đỗi vui mừng, cười ra tiếng. Ngay lúc ấy Thompson mở cửa bước vào, nghe chàng cười lớn hỏi: - Có gì làm cho ông Xích Tử khoái trá mà cười to như vậy? Nghe có tiếng hỏi Xích Tử giật mình thức dậy, mới hay là một giấc chiêm bao. Chàng vùng ngồi dậy, làm tỉnh nói: - Uống chút rượu, có hơi say, nằm lim dim mà nghĩ sự đời, nực cười cho lão Hồ Hữu Tường quá! Thompson lại ngồi vào ghế bành, đối diện với Xích Tử, bấm nút cho máy ghi âm chạy, rồi hỏi: - Chẳng hay ông cười ông bạn tôi về chỗ nào? - Tôi cười ông ấy về cái chỗ học không thiệt, mà là học giả. Ta khoan vội phê phán những ức đoán của ông về tương lai. Ta chỉ thử kiểm soát những cái mà ông nói về quá khứ. Ông ấy quả quyết rằng Hồ Chí Minh có một «hòn máu bỏ rơi», sanh tại Phan Thiết, tên là Trần Tất Tựu. Điều này, ông Thompson, ông có thể dùng phương pháp khảo chứng của sử học mà kiểm soát được. Ông hãy điện cho cơ quan nào đó ở Phan Thiết tra lục sổ bộ của thành phố này, để kiểm soát coi có người nào tên là Trần Tất Tựu, con không cha và khai theo họ mẹ, và sanh vào khoảng những năm mà Nguyễn Tất Thành rời Phan Thiết chăng. Hồ Hữu Tường lại quả quyết rằng Trần Tất Tựu là một người sốp phơ. Hồi thời thực dân, mỗi sốp phơ đều có một thẻ căn cước, nạp ở nhà hình, và có một bằng cấp lái xe ghi vào sổ cái để lại sở Trường tiền. Vậy ông cho người đến hai sở ấy mà tra lục, coi quả như vậy chăng. Hồ Hữu Tường lại nói Trần Tất Tựu có một đứa con gái, sanh năm 1948 và tên là Trần Thị Thẹp. Điều này, ông Thompson, ông có thể sai người đến tra cứu bộ đời của đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn. Còn như việc mẹ nàng Thị Thẹp bỏ giấy khai sanh của con lập tờ thế vì tại tòa Hòa giải Sài Gòn năm 1955, thì ông chỉ cho tra cứu hồ sơ cửa phòng Lục sự tòa Hòa giải, ắt ra manh mối chớ gì? Thompson nghe Xích Tử đề nghị hạp với phương pháp sử học mà mình theo dõi mười mấy năm nay, rất đỗi vui mừng, lập tức lấy điện thoại mà nói chuyện, ra lịnh sưu tầm y như Xích Tử bày vẽ. - Tại sao, khi có mặt Hồ Hữu Tường đây, ông không đưa ra những hoài nghi đó? - Không nên. Tuy nền học của họ Họ là một nền học không thiệt, một nền học giả, song ta nên xem đó như là một thứ alchimie (luyện kim) để giúp cho hóa học kim thời. Ta đặt những hoài nghi trước mặt ông ta, ông ta bị chạm tự ái, không thèm nói dốc nữa, có phải là ta mất một nguồn ý thừa chăng? - Theo ý ông, thì sao? - Theo ý tôi, việc Hồ Chí Minh có một hòn máu bỏ rơi ở Phan Thiết, tính cái nhiên, điều ấy chắc đến tám mươi phần trăm. Họ Hồ dựa vào chỗ ấy mà thêu dệt thêm, đặt tên cho người con là Tất Tựu, do tên Tất Thành mà suy ra. Còn về phần đứa cháu nội, Hồ Hữu Tường bởi ghét Hồ Chí Minh, nên bịa ra cho nó cái tên xấu xí là Thị Thẹp. Đó là lối trả thù vặt. Nhưng điều Hồ Chí Minh có thể có cháu nội ở miền Nam này, điều ấy có thể xảy ra được. Vậy tôi kết luận như vầy. Nếu Hoa Kỳ không chỉ dùng biện pháp quân sự, mà muốn dùng thêm biện pháp chánh trị và lý tưởng, thì Hoa Kỳ nên cho tìm cháu nội Hồ Chí Minh mà lập lên làm minh chủ của mặt trận chống Cộng. Đứa cháu nội ấy phát hịch, tuyên bố rằng ông nội mình là một nhà ái quốc thuần túy, bị Cộng Sản bắt làm bù nhìn để thi hành chính sách độc tài và vọng ngoại. Bởi thế cho nên nó mới lập mặt trận chống Cộng, nêu cao khẩu hiệu «Phò Hồ Chí Minh, diệt cộng phỉ». Tôi tin rằng khẩu hiệu ấy đáp trúng tiềm thức hầu hết phân nửa người Việt. Hàng ngũ Cộng sản sẽ bị chia rẽ. Có phải là cái kế của tôi là một kế độc, có tánh chất khoa học, chớ nào phải vu vơ như việc ếm mồ ếm mả cụ phó bảng Huy? Có phải là cái kế của tôi đáng giá hơn một trăm triệu đô la không? Thompson gật đầu khen phải và nói: - Ít ra như vậy, các quan võ Hoa Kỳ mới hiểu được và đề nghị cho Tổng thống Johnson chấp thuận. Nhưng này ông Xích Tử, nếu kế ông được tòa Bạch Ốc chấp thuận, chắc chắn là ông sẽ được làm cố vấn thường trực của Chánh phủ Hoa Kỳ về vấn đề Việt Nam. Xích Tử nghe nói, rụng rời tay chơn, mặt biến sắc. Thompson thấy vậy rót quýt ki mời chàng uống để trấn tỉnh tinh thần. Nhấp nửa ly rượu mạnh mà chàng chưa hết sợ. Bởi vì, lỡ nói dốc cho sướng mồm, mà chàng đã vi phạm nguyên tắc tàng ẩn để cho Hoa Kỳ thấy chàng có tài, có ý kiến, có ý thừa, thì chắc chắn là chàng bị Hoa Kỳ giam lỏng để khai thác. Ấy là mắc vào Tru tiên trận, biết chừng nào thoát ra được. Chàng bèn lâm dâm khấn vái mẹ, để mẹ chàng mau đi cầu cứu nơi các nàng tiên. Thompson thấy chàng nhấp rượu rồi, mà chẳng thốt lời nào, bèn giả lả hỏi: - Ông Xích Tử bảo ông bạn tôi không phải là học thiệt, mà là học giả. Điều này làm cho tôi băn khoăn vô cùng. Năm 1957, khi ông ấy bị Ngô Đình Diệm kết án tử hình, hầu hết các nhà trí thức của các nước văn minh đều ký tên xin hủy án cho ông, mượn cái cớ là ông ấy là một nhà bác học. Chẳng lẽ tất cả những nhà tai mắt trong thế giới đều lầm? Xích Tử đáp: - Xin lỗi các nhà trí thức trong thế giới, để tôi nói sự thật. Các nhà ấy quả là lầm. Lầm cũng như Tào Tháo hồi xưa bị Quan Công tuyên truyền mà lầm cái tài của Trương Phi vậy. Ông có nhớ đoạn truyện đó không? Lúc Quan Công mắc kẹt mà tạm gởi thân giữa ba quân của Tào Tháo, thì Quan Công thường được Tào Tháo khen. Nhưng mỗi lượt Quan Công đều mượn vẻ khiêm tốn mà đáp: «Tài tôi nào có ra gì, sánh với tài của tam đệ của tôi là Trương Đức Dực?» Câu nói này lập đi lập lại mãi, gây một ám ảnh, Tào Tháo sợ, mà các tướng Tào thảy đều kinh tâm khi nghe nói tới tên Trương Phi. Xưa như thế, mà nay cũng như thế. Trong mấy năm, có một chàng thanh niên Việt sống ở Paris, là cả mấy nhóm văn nghệ, mấy hội triết học mà cãi vả, đem cái «siêu triết học» mình ra mà làm lác mắt các học giả Tây Phương. Chàng ấy là Triều Sơn, danh vang xứ ngoài thì nhiều, mà ở xứ tôi ít người biết rành rẽ. Mỗi lượt được các học giả Tây Phương khen mình, thì Triều Sơn mượn vẻ khiêm tốn mà đáp như Quan Công: «Tài tôi nào có ra gì, sánh với tài của nghĩa huynh của tôi là Hồ Hữu Tường». Triều Sơn tuyên truyền như vậy, hư trương thanh thế cho họ Hồ. Danh tiếng họ Hồ bay khắp nơi. Nhưng chỉ là hư danh, do Triều Sơn tạo ra mà bịp thế giới chơi. Chớ họ Hồ nào có cái học thiệt. - Ông Xích Tử à! Tôi nghĩ ông có điều gì mích lòng với người bạn già của tôi, khiến ông có một nhận định quá chủ quan. - Tôi không chủ quan đâu! Để tôi chứng minh một cách khoa học cho ông xem. Hồi dưới hai mươi tuổi, họ Hồ dành tròn thời giờ để học Toán, một năm học chương trình hai ba lớp, để mau mau giật mảnh da lừa. Ngày giờ rổi rảnh đâu mà đọc bá gia chư tử. Trong mười năm theo chủ nghĩa Mác Lê, họ Hồ một mặt chạy lo ăn, một mặt chạy lo tiền để cho tổ chức hoạt động, một mặt dành trọn ngày giờ để huấn luyện cán bộ, thì họ Hồ giỏi lắm đọc được mười quyển sách. Từ ba mươi tuổi đến bây giờ, cộng hai mười lăm năm, họ Hồ đã ở tù mười lăm năm; khi ở Pháp năm năm thì chỉ lo chạy nuôi một gia đình đông đảo. Như vậy, họ Hồ chỉ còn có mười năm để làm việc bằng trí thức. Trong mười năm đặc biệt này, họ Hồ thâu vô thì ít, mà ngồi viết tư tưởng mình ra thì nhiều. Có người hỏi ông, ông đáp trung bình là mỗi năm chỉ đọc được hai mươi quyển sách thôi, mà toàn là tiểu thuyết, từ của Alexandre Dumas, sang Chu Tử, đến Kim Dung, chớ không còn đầu óc nào mà đọc nổi những suy tư cao viễn. Vậy tính sơ lại, số sách họ Hồ đọc trên dưới một trăm năm mươi quyển, mà rút lại đếm được bao nhiêu quyển hay? Thompson đáp: - Mượn lời của ông mà luận, học mà dựa vào sách, ấy là cái học «hữu thơ», vượt ngoài khuôn khổ của sách, ấy là học «siêu thơ» còn chẳng dựa vào sách nào cả, ấy là học «vô thơ». Bạn tôi đọc chẳng bao nhiêu sách nhưng biết đâu ông ấy học theo thứ nguyên «siêu học», và «vô thơ» một cách thâm thúy? Xích Tử bị một đòn gậy ông đập lưng ông đau điếng. Nhưng nhờ van vái mẹ, chàng trấn tỉnh được lòng, rồi phát hứng ra mà nói: - «Vô thơ» hay «vô sư» gì, danh từ tuy khác nhau, song cùng đồng một nghĩa. Nghĩa ấy là chẳng đọc nổi sách nào, chẳng nghe ai dạy hay nói mà ứng khẩu, bốc đồng, phát ra mà nói. Dùng tiếng trong miền Nam này, ấy là «nói dốc không sách»! Về cái khoa nói dốc không sách này, Hồ Hữu Tường thua đứt tôi xa: - Thua chỗ nào? - Như về khoa học địa lý, ở miền Nam đây, đã thất kỳ truyền cả trăm năm nay, chẳng có một quyển sách lưu hành, chẳng có một thầy điểm huyệt nào có tiếng. Một vài ông nhà giàu, muốn cho con cháu mình phát, mướn bọn du phang vu vơ, rồi họ nói trắng tin trắng, nói đen tin đen, mà chẳng ai biết mô tê gì mà biết rằng trúng trật. Vậy thì về khoa địa lý, Hồ Hữu Tường và tôi đồng nhau ở điểm là cả hai đều vô sư vô thơ, đều là dốt đặt cán mai cả. Song khi phát ra nói dốc, thì họ Hồ thua tôi một cửa tứ. - Bạn tôi thưa ông về chỗ nào đâu? - Họ Hồ chỉ biết bập bẹ phần thứ nhứt của khoa địa lý thuộc về thiên «âm phần», nghĩa là thiên nói về sự lựa chọn huyệt thế nào, để đặt quan tài vào, thì con cháu sẽ phát hoặc sẽ rụi, và nói về sự ếm mồ mả thế nào cho con cháu đương phát lại sẽ tàn tạ... - Điều này có không? - Có chớ? Như trước kia, mồ của Ngô Đình Khả đặt vào chỗ phát thì các con bộc phát. Ngô Đình Diệm làm tổng thống. Ngô Đình Nhu làm cố vấn, Ngô Đình Cẩn làm lãnh chúa, Ngô Đình Thục làm tổng giám mục, Ngô Đình Luyện làm đại sứ. Đến như đám nhái con là Ngô Đình Lệ Thủy cũng mặc đồ phụ nữ bán quân sự mà làm thủ lãnh. Rồi bên phe cách mạng có người giỏi địa lý ếm mồ Ngô Đình Khả, mồ này bị ếm liền bị sét đánh. Bọn Ngô Đình giấu việc ấy mà toàn dân thảy đều hay. Quả nhiên cách đó không bao lâu, ba anh em Diệm, Nhu, Cẩn bị chết mà xác không đặng toàn. Thục và Luyện và đám cháu nội Khả lưu vong, trọn đời khó trở về đất Việt. Rõ ràng là những thầy địa lý kẻ biết chọn huyệt mà chôn Ngô Đình Khả, kẻ biết ếm huyệt nọ mà hại bầy con cháu, thảy đều là kẻ sành thiên «âm phần» của khoa địa lý. Tôi chỉ đơn cử một trường hợp làm ví dụ. Trong lịch sử nước tôi, thiếu chi sự kiện có thể dùng mà dẫn chứng cho sự hiệu nghiệm của khoa địa lý này. Song thiên «âm phần », thì là thiên đầu, cũng như vào học toán, phải học bốn phép tính và đo lường vậy. Thompson hỏi: - Còn nếu vượt lên cao nữa, thì còn có gì? - Vượt lên nữa, hãy còn cái khác, mà lão học không thiệt nào có biết đâu! Vượt lên thiên «âm phần», hãy còn thiên «dương cơ», cũng như vượt lên toán hạ đẳng của các lớp tiểu học, thì còn có thứ toán của sơ đẳng của ban Trung học, nào Đại số học, nào Hình học, nào Cơ học v.v. - Dương cơ là gì? - Nếu âm phần là huyệt để chôn xác người chết, thì dương cơ là nền nhà mà người sống phải ở để tránh bệnh tật, làm ăn phát đạt và con cháu sung túc. Phần đông thầy địa lý chỉ học được thiên thứ nhứt, mà chẳng biết có thiên thứ hai này. Kẻ đạt đạo mới biết. Mà tôi chắc chắn rằng Hồ Hữu Tường dốt đặc cán mai về thiên dương cơ này. - Còn trên thiên dương cơ này, hãy còn thiên nào nữa không? - Còn chớ. Triết lý phương Đông dựa vào nguyên tắc: thái cực sanh lưỡng nghi. Đã có thiên âm, thiên dương, là hai thiên thuộc về lưỡng nghi rồi tất nhiên phải có thiên thuộc về thái cực. Thiên này gọi là thiên «thái hòa». Sánh với hai thiên kia, không khác nào Toán học cao đẳng sánh với Toán học sơ đẳng và hạ đẳng. Huyền huyền, ảo ảo, thiệt thiệt, hư hư, bao tàng then máy của trời đất, hô hấp vận khí của vũ trụ. Hồ Hữu Tường làm gì mà hiểu nổi? Ông tưởng hắn ta là thông kim bác cổ, tìm làm bạn với hắn ta, để có không biết chi thì đến hỏi. Thật là hoài! Ông có biết vì sao người ta ghét họ Hồ không? Có gì là khó hiểu? Hắn dốt như con bò u, mà mở miệng thì làm như mình là nhà bác học, đòi làm thầy thiên hạ. Nên người ta ghét, là dĩ nhiên. Đến như con công phùng xòe đẹp kia mà muôn loài chim đều không ưa, huống chi hắn ta dốt mà làm phách? Thompson nghe Xích Tử xài nặng họ Hồ như vậy, thì thấy hơi khó chịu, nên lái câu chuyện sang hướng khác và hỏi: - Ông Xích Tử nói Hồ Hữu Tường chưa hiểu nổi thiên «thái hòa». Vậy, chớ ông có biết chăng? - Biết mới thốt, chớ nếu không biết thì dựa cột mà nghe! Hai thiên âm phần và dương cơ chỉ có ảnh hưởng đến một dòng họ thôi. Còn thiên thái hòa là thiên của khoa địa lý có ảnh hưởng đến một dân tộc, một văn minh. Như trong lịch sử nước tôi, Đinh Bộ Lãnh đóng đô ở Hoa Lư, ấy là chọn một «dương cơ» cho một dân tộc. Nhưng đất Hoa Lư không vượng, mà họ Đinh đâu có bền? Sư Vạn Hạnh là bậc học lão thông, vạch cho nhà Lý đóng đô ở Thăng Long mà từ ấy dân tộc Việt phồn thịnh suốt mấy trăm năm. Hồ Quí Li cũng biết chút ít thiên thái hòa, nên toan dời đô về Thanh Hóa, mà chưa kịp. Vua Quang Trung cũng là bậc anh quân, toan dời đô về Nghệ An, mà số trời chưa cho nhà Tây Sơn hưởng. Thompson gật đầu, dường như hé thấy phần nào. Xích Tử thấy đã bắt mối được, đánh đòn thêm: - Đến như gần đây, sau khi Bảo Đại chọn Sài Gòn làm thủ đô, thì là làm một sự dốt nát rất tai vạ. Bảo Đại chọn Sài Gòn làm thủ đô bắt buộc quân đội viễn chinh Pháp đặt Cao ủy phủ ở Sài Gòn. Nào hay đâu, dựa vào những nguyên tắc địa lý trong thiên thái hòa, đặt thủ đô tại Sài Gòn là làm một việc mà chẳng một thầy địa lý rành nghề nào dám làm cả. Cao ủy phủ Pháp đóng đô ở Sài Gòn, thì tám mươi năm công lao của thực dân bị tan ra khói. Bảo Đại đóng đô ở Sài Gòn chỉ mấy năm, thì nhà Nguyễn bị truất phế luôn. Ngô Đình Diệm đóng đô ở Sài Gòn chỉ chín năm, mà chết không toàn thây. Nối theo các ông tướng chẳng một ai nắm vững chánh quyền. Này, ông Thompson, thằng Xích Tử này chưa gặp thời. Chớ nếu gặp thời, thì tôi hạ lịnh lập tức thiên đô. Tràng lý luận đanh thép của Xích Tử làm cho Thompson cảm thấy rằng nền học của mình dựa vào khoa học thật là thiếu sót. Bèn hỏi: - Chẳng hay ông Xích Tử chủ trương đổi kinh đô của nước Việt Nam Cộng Hòa đi đâu? Xích Tử thấy có dịp trả thù lại Họ Hữu Tường, nên nói móc: - Nhà học không thiệt ấy đã đưa ra một tràng lý luận, để chứng minh rằng chẳng nên trả cho tôi một đồng đô la nào. Ý muốn nói rằng sở học của tôi không có giá trị chi ráo. Chỉ một câu hỏi của ông cũng đủ chứng mình rằng sở học của tôi có giá trị rồi. Đủ hả dạ tôi rồi. Tôi chẳng cần đòi một đồng đô la nào cho riêng tôi. Nhưng ông cũng biết, ở xứ tôi, dầu làm thầy pháp, thầy bói, dầu làm thầy nghề võ hay dạy thợ, các thầy không ăn tiền, nhưng thân chủ phải cúng tổ, cúng tổ xong, tiền cúng thầy bỏ túi, thì công việc mới có kết quả. Bằng không, tổ không phù hộ, muốn trắng thì được đen. Khoa địa lý của tôi cũng có tổ như các khoa học. Nãy giờ nói chuyện với ông ba hoa cả trời đất, ấy là nói chơi. Ấy là dắt ông dạo vành ngoài. Còn nếu Hoa Kỳ muốn bước vào đề, bước vào vành trong, thì Hoa Kỳ phải cúng tổ. Tôi không ăn tiền công, nhưng theo tục lệ của ông bà để lại, tôi chỉ bỏ túi tiền tổ mà thôi. Thompson nhịn cười không được, cười ha hả nói: - Tôi nghiên cứu sử, có biết phong tục ấy của người Việt. Tôi buồn cười quá. Ăn tiền công, và bỏ tiền cúng tổ vào túi, có khác nhau chỗ nào đâu? Xích Tử cũng cả cười đáp: - Khác nhau nhiều lắm chớ! Ông mướn một người thợ mộc sửa một cái kệ để sách, rồi ông trả tiền công. Cử chỉ ấy có nghĩa là ông cho ông là cao hơn, là kẻ giàu có tiền, ông trả cho người thấp hơn ông, phải bán sức lao động để có cơm ăn. Còn ông cúng tổ, rồi ông thầy bỏ tiền cúng tổ vào túi, lại có ý nghĩa khác hẳn. Cúng tổ, ấy là dấu hiệu ông đã nhập vào một tôn giáo nhỏ, mà ông tổ ấy là giáo chủ. Ông trở nên một tín đồ, hoàn toàn tin, hoàn toàn sùng bái đạo nọ. Còn ông thầy không phải là người bán sức lao động để mưu sinh, ông thầy thay mặt giáo chủ mà hành lễ, rồi thay mặt giáo chủ mà làm phép lạ. Hoa Kỳ không tin khoa địa lý, Hoa Kỳ mướn bao nhiêu, tôi cũng không thèm chỉ cho cách thiên đô, để cho Sài Gòn đây lục đục nối lục đục, đảo chánh nối đảo chánh. Sài Gòn bị náo hoài. Suốt mấy tháng nay, độc giả của Ý Thừa cứ viết thơ hỏi tôi sao chưa thấy Tiểu Phi Lạc náo Sài Gòn ở chỗ nào? Chỗ thân thiết với ông, tôi xin nói cho ông biết rằng, tôi đã áp dụng thuyết của Lão Tử, hành cái «vô vi», chẳng thiên di đi chỗ khác, mà tự nhiên, Sài Gòn bị náo mãi. Ông xem, bọn duy vật là Cộng sản hành thuyết «hữu vi» mà ném lựu đạn, gài lát tích, ám sát, rải truyền đơn, mà kết quả có là bao? Tôi thì hành thuyết «vô vi», chẳng làm chi ráo, không một pháp luật nào bắt tôi được, mà Sài Gòn tự náo hoài. Bởi vì Hoa Kỳ không chịu cúng tổ cho xứng đáng, để cho tôi bỏ tiền tổ vào túi. Chẳng dè thần khẩu hại xác phàm. Xích Từ nói dốc cho sướng mồm chơi, chẳng dè lời lẽ bị một cơ quan nghiên cứu chiến lược của Hoa Kỳ ghi và đem ra phân tách châu đáo. Cơ quan này thấy Xích Tử có những luận điệu lợi hại quá, bèn quyết định giam lỏng mãi chàng. Vì nghĩ rằng, chàng mà «vô vi» kia, mà hãy còn náo Sài Gòn, huống hồ là chàng thong thả mà hành động tung hoành. Rõ ràng, Phật pháp đã chứng minh, khẩu nghiệp của chàng làm cho chàng lâm vào Tru tiên trận, khó thấy thế nào thoát ra cho nổi. Còn Thompson đứng trước hai lập luận, một bên thì của Hồ Hữu Tường, chủ trương không nên thay đổi gì cả, mồ mả của ông phó bảng Huy cứ để êm, một bên thì của Lê Xích Tử, chủ trương nên làm một cuộc thay đổi vĩ đại là việc thiên đô, Thompson chẳng biết tính lẽ nào. Bèn lại máy tính điện tử, bấm nút mà hỏi. Máy chạy cả giờ đồng hồ, mà tính không ra, rồi tấm thẻ lọt ra có ghi mấy dòng chữ này: «Vấn đề địa lý huyền vi vô cùng, máy tính điện tử không sao lường được». Đây nói về hai mươi tám nàng, khi lập tâm cầu cơ để hỏi tiên về kế hoạch nào để phá Tru tiên trận mà cứu Xích Tử, thì bàn với nhau nên nhờ đàn cơ nào. Cẩm Nhung nói: - Nghe nói trong Gò Vấp có một đàn thường bày ra việc cầu cơ. Nhưng gần đây, báo chí có đăng việc ông pháp chủ lão tẹo thế nào đó. Tôi sợ e đàn cơ hết linh thiêng. Còn có một đàn cơ khác, mười mấy năm trước nghe nói rất linh. Thiên hạ đến viếng kể cả mấy vạn người. Nhưng hoạt động trong sáu tháng thôi, thì đàn cơ ấy đóng cửa, chẳng giúp cho công chúng nữa, song năm khi mười họa, gặp ai có «linh căn» thì cũng hé cho thấy chút bí mật. Mẫu Đơn tiếp lời nói: - Điều ấy tôi biết. Đàn cơ này, trước kia hoạt động dưới mái một nhà lá nhỏ. Gần đó, sau này có cất một ngôi chùa to, đặt tên là Hồng Môn. Hồng Môn là tên một giáo hội, mà giáo chủ là một nữ thi sĩ, tôi không biết tên họ gì, nhưng thường ký tên những bài thơ của mình là Hồng Tâm Trúc Lâm Nương. Vậy chúng ta sửa soạn, để tối nay, tổ chức một buổi cầu cơ tại chùa Hồng Môn. Các nàng đồng tình, tối mùng một Tết, vừa khuya khuya đến chùa Hồng Môn mà yêu cầu mở một đàn cơ, để xin tiên chỉ giáo phương pháp nào để cứu Lê Xích Tử. Nghe nói đến tên Xích Tử, chủ chùa có cảm tình ngay và lấy một số Văn, đọc một bài bát cú. Rằng: Tất cả thần tiên thảy mến ta! Vì chưng vạch được một đường hòa. Cõi trời Đâu Suất ai còn ở? Về với trần gian hiệp chánh tà. Toang mở Hồng Môn, thâu xích bạch, Đắp xây Minh Đạo, hội Long Hoa. Nêu câu bất chiến người an lạc, Rày hội Thanh Bình, nhớ lấy à! Rồi chủ chùa nói tiếp: - Từ khi tôi đọc được bài thơ này, thấy Xích Tử nuôi chí lớn, nên trong khi tham thiên nhập định, tôi dùng điểm linh quang của tôi mà soi khắp vũ trụ, để xem chàng ở đâu mà sao không sớm xuất thế. Mới hay ra chàng bị dán bùa. Người đã vạch con đường hòa, mà lẽo đẽo mắc vào vòm tranh đấu. Đã đành không phải tranh đấu bằng súng, bằng gươm, bằng hơi ngạt, bằng quần chúng. Song tranh đấu bằng lý thuyết, bằng tư tưởng, cũng là tranh đấu rồi. Bởi tranh đấu nên sa đọa vào biển trầm luân của thời này, mà mắc vào Tru tiên trận. Tội nghiệp thay! Tội nghiệp thay! Mẫu Đơn nói: - Chúng tôi xin bà lấy lòng từ bi, tổ chức một đàn cơ, mà cầu bà Âu Cơ giáng bút mà chỉ đạo cho chúng tôi hành động. - Trước khi các em đến, tôi được linh tánh báo trước. Song, cầu được bà Âu Cơ không phải là dễ. Hai mươi tám em, mạng chỉ là mạng của nữ tướng. Không có ai mạng nguyên nhung. Phải có cái người có cái mạng nguyên nhung đứng làm chủ lễ, hai mươi tám em đứng sau mà bồi lễ, thì mới đủ lòng thành. Chừng ấy ơn trên mới giúp được. Tường Vi hỏi: - Bà có thể nào giúp chúng tôi tìm được vị nguyên nhung ấy chăng? - Đặt vấn đề, ấy là giải quyết được vấn đề. Năm 1955, có hai mẹ con người đó, nhà ở xóm Nancy. Nhơn có cuộc máu lửa ở đô thành, nhà bị cháy, hai mẹ con chạy hoảng lên Bà Chiểu đây mà lánh nạn, không biết vào nhà ai, nằm dưới gốc cây da ở trước đền thờ Tả quân mà ngủ, đêm khuya, tôi ngồi trên lầu mà thiền định. Tháng ấy đâu có mưa mà lạ thay, sao có một cái mống mọc giữa ban đêm từ ở gốc cây da mà xẹt vòng khắp bầu trời. Tôi liền đến nơi mà xem, thì thấy một cái xác của một người đàn bà chết cũng đã khá lâu. Bên cạnh thì có một đứa con gái nhỏ. Tôi ẵm đứa nhỏ về nuôi trong chùa. Hỏi họ nó, nó không biết. Hỏi tên nó, nó nói một tên không nghĩa lý gì cả là Hai. Nhơn thấy mống đẹp mà gặp nó, nên tôi đặt pháp danh cho nó là Diễm Hồng. Từ mười năm nay nó ở chùa mà tu luyện. Bởi không có khai sanh, nên tôi chỉ cho nó học hết ban tiểu học mà thôi. Rồi tôi dạy nó làm thơ, viết văn và rèn luyện cho nó có một tinh thần cứu thế. Tôi soi căn cho nó, không biết tiền kiếp của nó là gì. Chẳng phải thú, chẳng phải người, chẳng phải tiên, chẳng phải phật. Hư hư, ảo ảo, thiệt thiệt, không không. Một hôm tôi ra đề cho nó làm thơ chữ, mà bốn chữ đầu bắt buộc phải là Bửu Sơn Kỳ Hương. Tuy không rành chữ Nho bao nhiêu, song nó đã ráp được hai mươi tám chữ thành bài thơ sau đây, đọc xuôi, đọc ngang, thảy đều có ý nghĩa. Tôi thấy bài thơ có khẩu khí, nên học thuộc, để đọc cho hai mươi tám em nghe. Thơ rằng: Bửu ngọc Tiên Long phục Việt nguyên, Sơn trung Phật ẩn Thái U huyền. Kỳ quang tái hiện Bình minh hội, Hương xuất lâm Nam Quốc đạo truyền. Bài thơ bốn câu bảy chữ này, đọc xuôi thì như vậy. Còn đọc ngang thành một bài bảy câu bốn chữ là: Bửu Sơn Kỳ Hương, Ngọc Trung Quang Xuất Tiên Phật tái lâm Long ẩn hiện Nam Phục Thái Bình Quốc Việt U Minh đạo Nguyên huyền hội truyền. Xem khẩu khí cả hai bài, tôi thấy khẩu khí ấy phát tiết một văn tâm vô cùng thích hợp với hoàn cảnh nước nhà, nói được cao vọng của người Việt cả đạo lẫn đời. Hai mươi tám em, là hai mươi tám chữ của bài thơ trên. Nhưng bài thơ nào cũng cần có một tiêu đề, thì hai mươi tám em cũng cần có một thủ lãnh, một nguyên nhung. Nói một cách khác, mỗi em là một nhạc công, sử dụng một nhạc khí. Mà buổi hòa tấu có hay được, thì cần có một nhạc trưởng. Tôi thấy rằng Diễm Hồng xứng đáng làm vì thủ lãnh, làm đấng nguyên nhung, làm người nhạc trưởng. Chẳng hay ý các em ra sao? Muốn biết hai mươi tám nàng trả lời thế nào, xin xem đến hồi sau phân giải.