Khu rừng Báng (thuộc huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh) chạy dài đến Chuôm “Địa phận” giáp giới làng Phù Lưu và ăn rộng mãi gần Phù Đổng, bao trùm một khoảng đất ước được vài chục mẫu. Rừng tuy nhỏ, nhưng từ trước đến giờ ít người dám mạo hiểm đi vào sâu, vì óc mê tín dị đoan của dân các làng chung quanh đã tạo nên những mẫu chuyện hoang đường, khủng khiếp, mà họ đã chắc chắn xảy ra ở giữa rừng xanh. Có người quả quyết đã trông thấy dáng điệu yêu kiều của một mỹ nữ nhỡn nhơ dưới gốc cây, một liệp nhân trong những lúc “trà dư tửu hậu” đã kể với bạn bè chính mình đã được mục kích một toán ma, xoả tóc, trần truồng, nhảy múa chung quanh đống lửa, giữa đêm hồm rằm. Nhưng có lẽ rùng rợn nhất là câu chuyện kể sau đây của một bộ tướng đã già, người của sứ quân Nguyễn Thủ Tiệp:- Hồi ấy, - lời của viên bộ tướng nói – tôi đóng ở Tiên Du. Sứ quân tôi tính nóng như lửa và có sức khoẻ vô cùng. Những bộ hạ dưới trướng gồm một số đông quân cướp biển, và vài trăm tàn binh Nam Hán ở Đường Lâm về hàng. Tụi này tính tình hung hãn, giết người không ghê tay. Một hôm, chúng tôi sang Siêu Loại, đánh nhau với sứ quân Lý Khuê, bắt được một ít tù binh. Lúc trở về, Sứ quân tôi cho quân nghỉ ở Rừng Báng, giết lợn, mổ trâu, khao thưởng sĩ tốt. Trước khi nhổ trại kéo đi. Sứ quân sai tụi Nam Hán đem tù binh ra chặt từng khúc, lấy gan ăn, rồi cuốn bộ lòng lên trên cành cây. Từ đấy trong những đêm tối âm u, văng vẳng nghe có tiếng oan hồn rên rỉ…Câu chuyện kể từ miệng người này sang tai người khác, rồi lan tràn khắp vùng như vết dầu loang. Những tháng lạnh buốt xương, mưa phùn lất phất bay giữa cảnh đêm khuya ủ dột, tiếng gió ngàn vi vu thổi, gieo vào óc mọi người một cảm giác hãi hùng…Giữa rừng có một ngôi chùa cổ. Cứ theo như tin đồn thì chùa này do một nhà sư lập ra, từ đời họ Khúc.Nguyên trong hồi Bắc thuộc lần thứ ba, đất Giao Châu luôn luôn bị quân Nam Chiếu quấy nhiễu, dân gian thật là sống dở chết dở.Một đằng quân giặc ra sức cướp phá, đốt nhà, giết người. Một đằng binh sĩ nhà Đường kéo đi dẹp giặc thì sự tiếp tế lương thực đều trông cả vào toàn dân, thành ra một cổ hai tròng, trăm họ lầm than cơ cực. Có nơi,quân giặc vừa kéo đi khỏi, thì quân Đường lại đến đóng, còn mớ rau, thúng thóc, thảy đều bị vơ vét sạch. Nhiều địa phương, vườn ruộng bỏ hoang, cửa nhà tiêu huỷ, suốt đêm ngày khói lửa mịt mù, tiếng ngựa hí, quân reo ầm ầm như nước thuỷ triều cuồn cuộn chảy. Dân sự, bồng con bế cái trốn tránh vào những nơi rừng rậm núi cao, lúc nào cũng nơm nớp sợ hãi. Bọn vô lại rủ nhau đi cướp thóc lúa, rồi lại đón các quân Mường, Mán về hợp đảng, đánh chặn binh sĩ nhà Đường. Sau nhờ có Cao Biền sang làm Tiết Độ Sứ, dùng mẹo đánh đuổi quân Nam Chiếu, đem lại sự an ninh cho đất Giao Châu trong một ít lâu. Kịp đến nhà Đường đổ, nước Tàu có loạn Ngũ quý. Ở Giao Châu, họ Khúc nhân cơ hội đó nổi lên chiếm giữ binh quyền; Khúc Hạo mất, Khúc Thừa Mỹ lên làm Tiết Độ Sứ. Một buổi sáng, khoảng năm Đinh Sửu (917), một vị sư già tìm đến làng Cổ Pháp, và nói với sở tại cho phép lập một ngôi chùa. Một cụ già trong làng ngạc nhiên hỏi:- Nhà sư định lấy gỗ đâu mà làm chùa?- Thưa, bần tăng lấy trong rừng.- Thế còn gạch ngói?Sư già chỉ tay xuống đất, đáp:- Ở đây.Mọi người lấy làm lạ nhưng không dám hỏi nữa.Sư già nói tiếp:- Mô Phật, bần tăng mạn phép xin cho gọi tất cả dân làng ra để bần tăng thưa một câu chuyện.Nói đoạn, sư già lấy ở trong bọc một cái mõ con và một cái dùi, gõ mấy tiếng. Tiếng mõ vang dội khắp làng tưởng như rung chuyển cả nhà cửa, và có một hấp lực rất mạnh lôi cuốn hết cả nam, phụ, lão, ấu. Đến khi mọi người đã tề tựu đông đủ, sư già đứng trên thềm dỏng dạc nói:- Mô Phật, bần tăng nhận thấy trên 10 năm loạn lạc, tinh thần của dân ta sút kém đi rất nhiều, đạo đức suy vi, luân thường đảo ngược. Trong hồi Bắc thuộc, đất Giao Châu nhờ được hai vị ân nhân Nhâm Diên, Tích Quang dùng đức mà trị dân, lấy nhân mà cảm hoá lòng người, lấy lễ nghĩa mà cải tạo phong hoá. Một trăm năm sau, Sĩ Vương mở mang việc học, kết nạp anh tài, thu dùng hào kiệt. Nhờ thế mà một số ít dân ta mới được thấm nhuần đôi chút giáo lý đạo Khổng. Nhưng tiếc thay Hán học không được phổ biến trong dân gian thì dẫu có đem từ đất Lỗ sang hàng vạn Tứ Thư, Ngũ Kinh, hỏi có ích gì cho dân Giao Châu? Bần tăng lúc bé cũng theo đòi Hán học, nhớn lên được một vị cao tăng trong Thiền môn giác ngộ chỉ bảo cho biết cuộc đời là khổ hải, con người luôn luôn ở trong vòng luân hồi, cứ bị các nghiệp báo theo rõi mãi. Bần tăng muốn thoát khỏi bể trầm luân, nên thế phát quy y. Bần tăng định lập ngôi chùa ở rừng Báng, hàng ngày thuyết pháp giác ngộ chúng sinh, nếu các người nhất tâm thành kính tin tưởng ở đức Phật tổ, thì sau này tránh được các bệnh tật hiểm nghèo, và thoát được nạn binh đao, thuỷ, hoả.Lời nói của vị sư già quả nhiên có mãnh lực cảm hoá được lòng người. Hai hôm sau hơn một trăm trai tráng chặt cây phạt cỏ, mở một con đường vào rừng. Sư già chọn chỗ đất cao cắm hướng. Dân làng gánh gạch, vôi cát, tấp nập suốt ngày, chưa đầy một tháng, ngôi chùa đã xây xong. Sư già tự tay nhào đất nặn một pho tượng sơn son, thiếp vàng, đặt lên Tam Bảo…Hôm khánh thành chùa, dân chúng ở hạt Đông Ngàn kéo nhau đến vãng cảnh rất đông. Sư già đặt tên là chùa Ứng Tâm. Năm sau, sư già bị bệnh, tịch ở chùa. Lúc lâm chung, các đệ tử xúm xít quanh giường cầu xin thầy giáo hoá. Sư già nói:- Năm mươi năm về sau, một vị chân mệnh thiên tử sẽ giáng sinh ở chùa này. Thời ấy đạo Phật chiếm địa vị toàn thịnh. Các người đều là chân tu lo gì chả được Phật Tổ phả độ.Từ khi sư già viên tịch đi rồi, thì các đệ tử tản mát, mỗi người một nơi; người thì mai danh ẩn tích, người thì quẩy níp hái thuốc phương xa. Còn lại một cao đồ của người là sư Không Thanh ở chùa, nhưng năm sau, bỗng một hôm đi mất. Rồi từ đó cảnh chùa bỏ vắng, lối cũ cây cỏ phủ kín, mặt tường loang lỗ, rêu mọc xanh rì, rồi những chuyện khủng khiếp thêu dệt mãi ra, làm cho khu rừng biến thành một nơi bất khả xâm phạm.