Ba mẹ Dạ Thảo chia tay nhau sau mấy lần lục đục, gấu ó nhau. Ngày đó nó mới mười tuổi. Mẹ nó lấy Việt kiều, còn nó ở với ba. Mà trước giờ nó cũng chỉ gần ba. Ba luôn quan tâm tới tất cả những niềm vui, nỗi buồn của nó. Trong nhà chỉ còn lại hai cha con, nên chi ba Dạ Thảo chiều nó lắm. Ba luôn làm tất cả những gì có thể cho nó, để nó không thua kém bạn bè. Năm học 12 ba mua cho nó chiếc Chaly để đi học. Nó cũng không đòi hỏi gì hơn. Nó thương ba nhiều, rất nhiều. Có một điều, ba Dạ Thảo không thể là một người mẹ. Nhưng mà nó không quan tâm đến điều đó, nó không cần. Nó chỉ cần ba, và cần một mình ba thôi. Có một lần, khi nó đi học thêm về, có một tên con trai cứ lẽo đẽo theo sau. Dạ Thảo về kể cho ba nghe. Ông cười và nói:
- Con gái lớn có người để ý là chuyện bình thường. Nhưng con phải lo học; lúc này không nên nghĩ đến chuyện đó, chừng đậu đại học rồi hẳng hay.
Sau Tết năm 12, việc học cứ xoắn lấy nó. Sáng đi học ở trường, chiều đi học phụ đạo, chuẩn bị cho ba kỳ thi sắp tới: học kỳ II, tốt nghiệp và đại học. Nó phải làm cả công việc ở nhà, đi chợ và nấu ăn... nữa. Sáng, Dạ Thảo phải dậy thiệt sớm để dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đồ ăn sáng cho hai cha con, rồi sau đó ba đi làm, nó đi học. Ba nhiều lần muốn giúp nó nhưng vì công việc ở công ty quá bề bộn, về nhà nhiều lúc chỉ phụ nó bê được nồi cơm đặt lên bàn.
Và rồi một buổi chiều đi học thêm về, vừa dắt xe vô nhà, Dạ Thảo nghe tiếng ba nó đang nói chuyện với một giọng đàn bà trong phòng khách. Nó bước tới cửa đứng yên nghe. Lúc này là giọng của ba nó:
- Anh rất thương nó, nhưng chẳng thể làm gì nhiều để giúp nó. Công việc thì nhiều, mà nó sắp thi cử tới nơi. Vả lại... nó cũng cần tình cảm của người mẹ nữa, Nghiêm ạ!
Rồi giọng người đàn bà trầm trầm:
- Còn phải hỏi ý kiến Dạ Thảo nữa chứ anh!
Thì ra họ đang nói về nó. Họ đang thương hại nó. Nó sợ hãi, lúng túng đứng như trời trồng. Rồi nó quay lại chạy về phòng, nhưng hấp tấp thế nào, cánh cửa phòng khách đánh sập một tiếng “rầm”. Cả hai người nhìn ra. Ba nó bước tới mở cửa:
- Thảo về rồi hả con? Vô đây, vô đây ba có chuyện muốn nói.
Rồi ba cầm tay dắt nó vô như dắt một đứa con nít lên năm tuổi. Dạ Thảo nhìn nhanh qua người đàn bà đang ngồi đối diện với ba nó. Nó lí nhí:
- Cháu chào cô!
Rồi cúi xuống để tránh cái mỉm cười và ánh mắt dò xét của bà ta. Nó ghét. Ba nó lại lên tiếng để phá tan cái không khí yên lặng đến lạnh lùng ấy:
- Ðây là cô Nghiêm. Con có thể gọi bằng dì. Dì Nghiêm sẽ đến ở với ba con mình. Nếu con cần gì, dì sẽ giúp con. Dì sẽ thay thế mẹ của con. Nó chuyện với dì đi, Dạ Thảo!
Dạ Thảo đứng sửng nhìn con người mà từ phút này nó sẽ gọi, sẽ phải gọi bằng dì. Nó cứ đứng nhìn như thế, rồi như sực tỉnh, nó gằn giọng:
- Chào dì!
Rồi nó quay đi, lầm lũi về phòng mình, đóng cửa lại. Nó khóc vùi. Có lẽ nó tủi thân. “Dì, dì ư? Nó phải gọi một người đàn bà có cái tên dữ dằn ấy là dì sao? Nó chẳng bao giờ mặc cảm vì thiếu mẹ. Ở trường nó là một nữ sinh ngoan, học khá. Còn với bạn bè nó luôn giúp đỡ hết mình. Ai cũng quí mến nó. Và nó còn có ba. Chừng đó đã đủ. Nó chưa bao giờ muốn người thứ ba xen vào cuộc sống êm đềm của ba và nó.
Ðêm đó, nó thức nghe nhạc và nghĩ về mọi thứ. Có lẽ ba không còn thương nó nữa? Nó buồn, và lại khóc. Nó khóc thiệt lâu, thiệt nhiều, rồi nó ngủ thiếp đi lúc nào chẳng biết.
Sáng hôm sau nó dậy trể hơn mọi ngày. Ba nó đã dậy từ lúc nào. Ông đang ngồi nhâm nhi ly cà phê buổi sáng. Trên bàn đã đặt sẳn hai tôi phở còn bốc khói. Ông đang nghĩ gì nên không để ý thấy nó đi xuống. Rửa mặt xong, Dạ Thảo thay quần áo rồi dắt xe ra cửa:
- Thưa ba con đi học!
Ba quay lại, vẫn giọng điềm tĩnh:
- Ba mua phở rồi, ăn rồi hẳn đi, Thảo!
- Còn phần của người ấy đâu ba? – Nó hỏi, giọng lạnh lùng. Nhưng ba nó vẫn từ từ nói, như không hề biết nó đang nghĩ gì:
- Cô Nghiêm về từ chiều hôm qua rồi. Thôi, vô ăn đi con!
Lúc này nó mới thấy đói. Mà cũng phải thôi, chiều qua tới giờ nó đã ăn gì đâu? Tối hôm qua nó quên mất việc nấu cơm. Không biết ba ăn gì? Chắc cái dì Nghiêm ấy đã làm buổi tối cho ba. Nghĩ vậy nó cũng không hỏi thêm. Nó ngồi xuống ăn một mạch hết tô phở. Rồi nó tới trường.
Tiết học cuối cùng cũng đến lúc kết thúc. Buổi học hôm nay sao dài quá. Nó dắt xe ra cổng, lặng lẽ đi, không cười đùa như mọi ngày nữa. Nhỏ Ngọc Chinh, bạn thân nhất của nó hỏi:
- Hôm nay mày sao vậy Thảo? Bịnh hả?
- Chẳng sao hết. Tao muốn đi một mình.
Rồi nó lên xe nổ máy chạy đi. Về tới nhà, cửa vẫn khóa. Ba đi làm chưa về. Nó nghĩ vậy và mở cửa vô. Thay quần áo xong, nó chuẩn bị nấu cơm. Nó thấy là lạ. Nhà cửa sáng nay nó chưa kịp dọn, sao bây giờ lại gọn gàng thế. Lại có cả một mâm cơm ngon lành để sẳn trên bàn. Sao hôm nay ba về sớm vậy kìa? Nó thắc mắc. Ba đi đâu? Chắc bận việc đi rồi. Nó mở lồng bàn ra và ánh mắt dừng lại ở một mảnh giấy gấp tư. Nó mở ra và đọc. Những dòng chữ nhập nhòe trước mắt nó, như muốn trêu chọc nó:
“Dạ Thảo!
Cô rất hiểu tình cảm lúc này của cháu, một cô bé đầy nghị lực. Cô rất tôn trọng tính ích kỷ trong tình cảm của cháu đấy. Cô muốn giúp cháu một cái gì dù vô cùng nhỏ. Cô sẽ không làm phiền cháu nữa. Cô ở chỉ một mình, có kèm địa chỉ đây. Nếu muốn, cháu hãy đến tìm cô nhé! Chào cháu.
Cô Nghiêm”.
Dạ Thảo đứng yên một lúc lâu, như đang nghĩ một điều gì. Mà nó có nghĩ được gì đâu. Ðầu óc nó quay cuồng, rối tung lên những dự định, ý kiến chồng chất. Nó bỏ lên nhà.
Mùa thi đến, nó vùi đầu vào sách vở chuẩn bị thi học kỳ II, rồi tốt nghiệp. Những buổi đi học về, cơm canh đã làm sẳn, nhà cửa đã gọn gàng nhưng không còn mảnh giấy nào nữa. Nó chẳng nói gì với ba. Ba nó biết, nhưng cũng từ sau đó ba nó không nói gì với nó về chuyện ấy nữa. Nhiều lần trong bữa ăn, nó lén nhìn ba nó, để cố đoán xem ông đang nghĩ gì, nhưng vẻ mặt ông vẫn bình thản như không có chuyện gì để nghĩ, để lo. Lúc này nó thương ba quá. Hay là... nhưng nó lại lắc đầu, và ý nghĩ trong nó cũng lấp lững chỉ có thế.
Vậy mà đã qua hai tháng, lúc này là cuối tháng sáu, nó đã thi xong tốt nghiệp, đậu loại khá. Còn một kỳ thi nữa, một bước ngoặc của cuộc đời nó. Nếu được vào đại học, nó sẽ về Sài Gòn, ba sẽ ở một mình. Chiều nay mưa, và nó đã khóc. Lúc này nó cảm thấy cần tình thương yêu của một người mẹ, mà trước đây nó tưởng là không cần thiết. Ba sẽ già, sẽ yếu, nó còn cuộc sống riêng tư, lúc đó ai sẽ săn sóc cho ba? Nó chợt nghĩ đến người đàn bà tên Nghiêm ấy. Ba đi làm rồi. Nó quyết định mặc áo mưa và dắt xe ra đường.
Dạ Thảo tìm theo địa chỉ ấy, đến một căn nhà nhỏ khá khang trang nhưng yên tĩnh. Nó rụt rè bấm chuông và hồi hộp chờ đợi. Tiếng dép lẹp xẹp rõ dần, rõ dần và ngưng lại. Cánh cửa mở ra. Cô Nghiêm đứng sửng nhìn nó. Nó nhìn cô, mỉm cười...

Hoàng Mộng Hoài 


Xem Tiếp: ----