1900 - 1910 -Chữ Hán Nôm còn rất thịnh hành, và được gọi là "chữ ta". -Chữ 'quốc ngữ' được rất ít người học. -Vì sợ Tây bỏ tù, thằng Chuột phải đi học. -Cậu nho sĩ 19 tuổi mới bắt đầu xin vào lớp Năm, học ABC, và 24 tuổi mới đậu bằng Tiểu Học. -Lần đầu tiên một người Việt Nam bỏ búi tóc cổ truyền, để 'cúp tóc' theo như Tây. Làm lễ tạ tội với Ông Bà trước khi hớt tóc. - Một đám rước học sinh đậu bằng Tiểu Học 'Vinh Quy Bái Tổ'. - Một đám cưới Việt Nam. Anh Bốn nhát quá! Ảnh lớn rồi mà thấy mấy ông Tây bà Đầm là chạy trốn vô nhà làm tụi mình cũng sợ chạy ba chân bốn cẳng trốn không kịp! Thằng Chuột và thằng Đít, hai đứa trẻ nít 9 và 10 tuổi xúm nhau ngạo cậu Bốn, 18 tuổi, chàng thanh niên đẹp trai nhất ở phố Cửa Bắc. Sự thật thì hai đứa nó còn sợ hơn cậu Bốn nữa, cũng như hầu hết các thanh niên và thiếu niên Việt Nam thời bây giờ, hễ trông thấy 'Ông Tây Bà Đầm' là thất kinh hồn vía. Hai đứa núp sau Miếu Cây Da, đợi ông Tây bà Đầm đi qua khỏi rồi mới thò đầu ra. Còn cậu Bốn thì ở luôn trong nhà. Thằng Chuột cười, nói với bạn nó: - Ảnh sợ Tây vậy, chớ hôm trước gặp cô Ba Hợi con gái ông Bá Hộ đi chợ về, ảnh cứ đeo theo chọc hoài, không sợ đâu mầy ơi! Cô Ba không thèm nói gì hết, để cho ảnh cứ đi theo cho tới gần ngõ cổ mới quay lại bảo ảnh: 'Nhà tôi có con chó dữ lắm, cậu đừng xớ rớ đây, tôi xịt nó ra cắn thì chịu đấý. Vậy mà anh Bốn cũng không sợ con chó Vện của cô Ba Hợi, mầy ơi! - Ảnh cứ đứng ngoài ngõ hả? - Ừ, mầy biết ảnh mê cô Ba Hợi lắm. Mẹ tao nói thế đó. Tại cô Ba Hợi có nhan sắc hơn hết thẩy ở đây. - Cô Ba Hợi có xịt chó ra cắn ảnh không? - Không. Nhưng không biết cổ có méc với ông Bá Hộ làm sao mà ông cầm cây roi mây chạy ra ngõ... Anh Bốn thấy cái roi của ổng, sợ quýnh cắm đầu cắm cổ chạy thẳng một mạch về nhà, mầy ơi. Thằng Đít cười như nắc nẻ. Lúc bấy giờ là năm 1910. Cậu Bốn, tên thật là Lê văn Thanh, là con ông Xã Quý, ở làng Chánh Lộ, ngay tỉnh lỵ. Ông Xã có ngôi nhà tranh ở Cửa Bắc, không giàu cũng không nghèo. Cậu là học trò của ông Tú Phong, một nhà nho học có tiếng tăm ở tỉnh. Tuy là sinh trưởng ở thành thị và đã 18 tuổi đầu, mà chàng thanh niên Lê Văn Thanh như hầu hết các bạn trai trẻ khác đều rủ nhau đi học chữ Hán ở nhà ông Tú, chứ ít có cậu nào chịu đi học 'Trường Nhà Nước Bảo Hộ' Ở xóm Cửa Bắc, chỉ có thằng Chuột là đi học trường Nhà Nước. Vì thầy giáo cứ đến nhà năn nỉ mãi với cha mẹ nó cố xin cho nó đi học. Mỗi lần thầy có đem cho nó một xấp 'giấy tây thật trắng, một quyển vở ngoài bìa có in 'bà Đầm xoè' thật đẹp, một cây bút, một ngòi bút, một bình mực, một cây thước, một cây bút chì, một cục 'gôm'. Tuy vậy thầy giáo Năng đã dụ dỗ nó ba lần bảy lượt, mà thằng Chuột nhất định không đi học 'Trường Nhà Nước', nó muốn học 'chữ ta', tức là chữ Hán Nôm - như cậu Bốn con trai ông Xã Quý. Sau cùng, một hôm thầy giáo đến hăm doa cha mẹ nó: 'Chú thím không cho thằng Chuột đi học thì Quan Tây bỏ tù, đừng có trách tôi, nghe không?'. Vì sợ Quan Tây bỏ tù, mà rồi cha mẹ thằng Chuột phải đành lòng cho Thằng Chuột đi học 'Trường Nhà Nước' vậy. Thầy giáo cũng nói thật rằng thầy được lịnh Quan Đốc và Quan Sứ bảo phải đi kiếm con nít tới học cho đông, vì Trường Nhà Nước chưa có học trò. Thầy giáo bảo thằng Chuột đổi tên khác. Cha mẹ nó không biết đặt tên gì, nên nhờ thầy giáo. Thầy đặt tên nó là TRẦN ANH TUẤN. Nhưng mấy ngày đầu Trần Anh Tuấn chỉ muốn trốn học, vì thầy giáo bắt học 'chữ Quốc Ngữ' A.B.C. ' Nó thấy kỳ cục quá không giống những chữ 'Thiên trời, Địa đất, Thất mất, Tồn còn, Tử con, Tôn cháu, Lục sáu, Tam ba... ' như thằng Đít học ở nhà ông Tú nghe dễ hơn, và hay hơn. Thầy giáo bắt nó học BA, BĂ, BÂ, BI, nó vừa học vừa tức cười. Nó mắc cỡ, nhưng vì nó sợ ba mẹ nó bị bắt bỏ tù nên nó phải đi học Ba, Bă, Bâ, Bi... đó thôi. Vả lại, trường tỉnh mà vẫn ít học trò quá. Lớp Năm mà chỉ có 7 đứa, lớp Tư cũng 7 đứa, lớp Ba 6 đứa. Lớp Nhì, lớp Nhất chưa có trò nào. Thầy giáo bảo thằng Chuột về nhà dụ dỗ những đứa trẻ khác đi học, Nhà Nước phát cho giấy bút, mực, khỏi phải mua, lại còn phát cho nó một cái mũ trắng nữa. Nó rủ thằng Đít, con chú thợ mộc. Nhưng thằng Đít không chịu đi. Thằng Đít nhất định ở nhà học chữ 'Thánh Hiền'. Cha nó, chú thợ mộc, muốn thế. Trong tháng đầu, mỗi lần thằng Chuột đi học là nó cứ khóc thút-tha thút-thít, tuy nó đã 9 tuổi rồi, cái chởm tóc trên đỉnh đầu đã dài xuống đến ót. Nhưng học được một năm, nó biết chút ít 'tiếng Tây'. Nó lại hãnh diện, làm phách quá xá. Nó khoe với cậu bốn Thanh, với thằng Đít, với tất cả bà con cô bác, rằng nó là "Lắc-léo-mê-dòng-lô". Cậu Bốn hỏi nó: - Lắc léo mê dòng lô là cái gì, mầy? - Là chữ Tây: "L'élève maison l'eau". - Là cái gì chớ? - Là "Học Trò Nhà Nước " chớ cái gì! Nó cười xoà, có vẻ chê mấy người không biết chữ Tây. Từ hôm nó nói được câu tiếng Tây đầu tiên ấy, ở Cửa Bắc ai cũng phục nó sát đất. Họ đồn rùm lên là thằng Chuột giỏi tiếng Tây lắm, mới học một năm mà đã nói được chữ Tây "Lắc léo mê dòng lô". Nó vô tình quảng cáo chữ Tây và Trường Nhà Nước cho cả dãy phố Cửa Bắc. Nhờ nó, mà tháng 9 năm 1910, sau kỳ nghỉ hè trường Nhà Nước có thêm học trò khá đông. Nhưng mà cậu Bốn nhất định chê chữ Tây không có nghĩa lý cao thâm bằng 'chữ ta, tức là chữ Hán Nôm. Vả lại, cậu đã 18 tuổi rồi, chữ Hán Nôm cậu đã giỏi, cậu đã thuộc hết Tứ Thư Ngũ Kinh, còn học chữ Quốc Ngữ và chữ Tây làm chi nữa? Không dè rốt cuộc cậu cũng phải học chữ Quốc Ngữ. Nguyên do là tại cô Ba Hợi, con gái ông Bá Hộ. Ở bến Tam Thương, không biết ai bày vẽ cho cổ từ hồi nào, mà cô ở nhà đã học chữ Quốc Ngữ, thuộc vần xuôi, vần ngược, bắt đầu đánh vần và viết được rồi. Cô đi chợ, mua một đồng tiền bột phẩm tím về nhà bỏ trong một cái ve, đổ nước sôi vào, hoà thành ra mực. Cô đến một tiệm lớn của khách trú mua một 'manh giấy Tây giá là một tiền, cô bọc lá chuối thật kỹ, cho khỏi nhớp. Cô cũng mua một cán bút, một ngòi bút. Những lúc rảnh, cô tập viết chữ Quốc Ngữ một mình. Kể ra ở tỉnh cô Ba Hợi là một cô gái 'tân tiến' nhất lúc bấy giờ trong giới phụ nữ, nghĩa là chỉ có mình cô là con gái học chữ Quốc Ngữ mà thôi. Cô học lén ở nhà, sợ chúng bạn ngạo. Cái bí mật là ai dạy cô Ba Hợi học chữ Quốc Ngữ, và học hồi nào? Mãi về sau trong xóm người ta biết được, mới xầm xì là cô học thầy giáo Năng. Ông Bá Hộ chỉ có 2 người con, mà cô Ba Hợi là con gái độc nhất, và cô đã lớn, nên ông chìu cô lắm. Theo ý cô muốn, ông có mời thầy giáo Năng đến nhà dạy lén cho cô học chữ Quốc Ngữ đã ba tháng từ sau ngày hạ cây nêu Tết. Một hôm, cô Ba đi chợ tình cờ gặp lại cậu Bốn Thanh, khăn đeo, áo dài (cậu còn giữ nguyên cái búi tóc trên đầu, cũng như hầu hết các thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ và đi chưn không). Đến chỗ vắng, chàng thanh niên chận cô Ba Hợi giữa đường, để tán tỉnh. Đây là cách tán gái của chàng thanh niên Nho học: - Cô Ba ơi! cô nỡ lòng nào chê bai kẻ tiện sĩ này sao? Tôi không thấy mặt cô một ngày thì nhớ cô lòng thắt ruột đau. Sách có chữ "Nhất nhật bất kiến như tam thu hề", mà cô không thương xót tôi sao đành! Cô ơi, sách lại có chữ "Xuân bất tái lai, thì giờ chạy mau như bạch câu quá khích", hay là cô còn chọn đá thử vàng mới kết duyên Tần Tấn? Cô Ba đội nón, còn cúi mặt xụp xuống nữa, không dám ngó cậu Bốn, nhưng cô la lớn: - Cậu không để tui đi, tui la làng la xóm bây giờ đây. Cậu Bốn sợ cô Ba la làng, nên phải đứng né qua một bên để cô Ba đi, nhưng cậu cứ lẽo- đẽo theo sau nói lải-nhải hoài. Cô Ba làm thinh không trả lời một tiếng. Tối hôm ấy, dọn dẹp bếp núc xong, cô lấy một tờ giấy Tây, bình mực tím và cây viết, cổ vừa đánh vần Quốc Ngữ, vừa viết thật kỹ: CẬU BỐN Chừng nào cậu đọc được bức thư này,thì tôi mới nói chuyện với cậu. Còn cậu không đọc được thư này, thì cậu đừng có nói chuyện với tui mất công. Thư bất tận ngôn. Nguyễn Thị Hợi Hôm sau, cô Ba đi chợ dắt thằng em trai 6 tuổi đi theo. Đi khỏi nhà được một quãng, gần chỗ ngã tư rẽ ra Cửa Bắc, cô gặp cậu Bốn Thanh đứng câu cá nơi mương. Cậu giả vờ câu cá mà thực ra là mong được gặp cô Ba đi chợ như mọi ngày. Chàng thanh niên chấp tay chào cô Ba, theo lễ phép hồi bấy giờ: - Thưa cô Ba đi chợ. Cô cũng lễ phép trả lời rất khẽ: - Dạ. Chàng cầm cần câu lẽo- đẽo theo sau: - Cô Ba ơi. Thầy Mạnh Tử nói: "Sĩ vi khả di ngôn nhi ngôn... " tôi biết là tôi... Nhưng cô Ba không muốn nghe. Cô thò tay trong yếm (năm 1910, cô Ba mặc yếm cũng như các bạn gái ta đời nay mặc coóc-xê vậy) cô rút ra phong thư bằng giấy Tây, mà cô đã viết đêm qua, và đã gấp lại thật nhỏ. Cô đút thư trong bàn tay bé xíu của đứa em trai và nói thầm gì với nó. Cô bước đi thật nhanh, để em bé đứng lại sau, đưa thư cho cậu Bốn Thanh. Nó sợ sệt nói ấp úng: - Chị tui đưa cho chú cái này nè. Chàng trai vui mừng và ngạc nhiên cầm giấy thì đứa bé đã chạy thật lẹ để theo kịp chị nó gần đến Cửa Bắc. Chàng mở thư ra coi, đứng tần ngần một lát, mắc cở đỏ mặt tía tai. Vì chàng không biết chữ Quốc Ngữ. Chàng không đọc được bức thư của cô Ba Hợi, tức quá, không biết là cổ viết gì? Chàng thanh niên về nhà xấu hổ, cuộn tờ thư đút trong một ống tre, dấu kín trên mái tranh. Rồi chàng nhất định phải tìm người dạy chữ Quốc Ngữ. Thầy giáo chỉ cho chàng học A,B,C, Ba, Bă, Bâ... không ai xa lạ: chính là thằng Chuột "lắc léo mê dòng lô". Thằng Chuột thật là quái ác. Thanh đã dặn nó đừng tiết lộ cho ai biết câu chuyện 'bức thư quốc ngữ ' của cô Ba Hợi gửi cho chàng, thế mà thằng nhỏ "lắc léo mê dòng lô" cứ quen tính bép-xép, đi mách lẻo cùng cả dãy phố, làm cho ai nấy ôm bụng cười. Bỗng dưng cô Ba Hợi nổi danh khắp Cửa Bắc, rồi dần dần khắp tỉnh lỵ, vì mấy dòng 'thơ bất tận ngôn' của cô viết bằng chữ Quốc Ngữ để thách đố cậu Bốn Thanh. Chàng thanh niên Nho sĩ đã nổi tiếng thuộc làu kinh sử của Khổng Mạnh không dè lại bị con gái của ông Bá Hộ chế nhạo là không được vần A. B. C. Từ hôm đó, cả ngày Thanh không dám bước chân ra phố. Chàng lén đưa tiền bảo thằng Chuột mua dùm cho chàng một "manh giấy Tây, 'một cán bút sắt", một viên phẩm tím để hoà thành mực, và nhờ thằng Chuột cứ tối tối đến dạy cho chàng học "chữ Quốc Ngữ'". Thằng Chuột đâu phải giáo sư. Nhưng năm 1910, tìm đâu cho ra cả xóm Cửa Bắc một ông thầy giáo dạy chữ Quốc Ngữ! Hầu hết thanh niên trong vùng cũng như khắp nơi còn trung thành với Khổng Học, và không dám từ bỏ nề nếp Nho Phong. Chỉ có mỗi một mình thằng Chuột, con chú thợ nề là "lắc léo mê dòng lô" mà thôi. Cả xóm đều biết rằng vì vợ chồng chú nghe thầy giáo hăm doạ. Nếu không cho thằng Chuột đi học Trường Nhà Nước thì sẽ bị Quan Sứ bỏ tù nên cực chẳng đã chú thím phải cho thằng con trai đi học "chữ Quốc Ngữ" và "chữ Tây" đó thôi. Thằng Chuột học hết vần xuôi vần ngược, và đã tập viết, tập đọc, ba tháng sau khi đến trường. Bây giờ nó dạy lại cậu Bốn Thanh ABC. Nhưng thân sinh của chàng là ông Xã không bằng lòng. Một hôm ông rầy với giọng bực tức: - Mầy đã 18 tuổi, thằng Chuột 9 tuổi mà nó làm Thầy mầy, thiệt ốt nhột quá. Chàng trả lời: - Thưa cha, ở xóm mình không ai biết chữ Quốc Ngữ, con phải học nó. Ông Xã ngồi trong nhà nhai trầu, đôi mắt rầu-rĩ ngó ra ngoài trời, ông than thở: - Sách Thánh Hiền có dạy: Quân, Sư, Phụ. Trên hết là Vua, rồi đến Thầy, dưới hết mới đến Cha. Mầy để cho thằng Chuột làm Thầy, chẳng khác nào mầy để nó ngồi trên đầu tao. Chàng thanh niên Nho học nghe cha nói có lý, không dám cãi. Chàng rưng-rưng nước mắt: - Thưa cha, hôm nay con đã thuộc hết vần xuôi, vần ngược. Con đánh vần được rồi. Vậy con vâng lời cha, từ nay con không học thằng Chuột nữa. - Ừ, thôi con à. Người "An Nam" học chữ "An Nam", chứ học chữ Tây làm gì. - Thưa cha, chữ Quốc Ngữ không phải là chữ Tây. - Tao nghe mày học A.B.C., đó là "chữ Tây" chứ đâu phải "chữ Ta". - Thưa cha, chữ Tây nhưng đánh vần thành ra chữ Ta. Thí dụ như con muốn viết chữ "cha", thì con đánh vần ch.a. cha. Chữ "mẹ" thì đánh vần M-e-me-nặng-mẹ. Ông Xã lại hỏi: - Còn "lắc léo mê dòng lô" là gì? - Thưa cha, đó mới là chữ Tây, như thằng Chuột học trong trường tỉnh. Tối hôm ấy, thằng Chuột đến như mấy đêm trước. Nhưng lần này cậu Bốn Thanh bảo nó: - Tao đánh vần chữ Quốc Ngữ được rồi. Vậy từ nay mầy đừng đến nữa. Thằng Chuột cười hóm-hỉnh: - Anh đánh vần chữ... Chuột cho tôi nghe có trúng không đã nào? - Chuột, thì: ch.u.chu.uộ.t. uốt là chuốt nặng chuột. - Chữ Mèo? - Mèo thì M.e.meo.meo, huyền mèo. - Bây giờ tôi đố anh ba chữ, anh đánh vần được hết ba chữ, thì anh giỏi. - Ba chữ gì, đố đi. - Ba chữ: cô Ba Hợi. Thanh cười ha hả, đỏ cả mặt, tía cả tai: - Ba chữ đó dễ ợt: C.ô. cô, B.a.ba, H.o,hơ,ợi.ơi., là hơi nặng Hợi. Thằng Chuột khoái chí, cười sặc-sụa: - Tui cho anh đỗ Cử nhân đó. Thanh vào nhà giữa xin cha một quan tiền, để trả ơn cho thằng Chuột. Ông Xã bảo: - Tiền, cha cất ở dưới rương, con vô lấy. Thanh cầm một quan tiền ra để trên bàn trước mặt thằng Chuột: - Tao trả ơn mày dậy chữ Quốc Ngữ cho tao đó. - Thôi, tui không lấy tiền đâu. - Sao vậy? - Tui dạy chơi cho vui mà anh Bốn. - Tao đọc, tao viết được chữ Quốc Ngữ, cũng nhờ ơn mày. Tao đền ơn mày. - Ơn với nghĩa gì, anh Bốn nói kỳ quá. - Bậy nà! Nhất tự vi sư, bán tự vi sư, dù sao mày cũng là thầy tao. - Nhất tự vi sư bán tự vi sư là gì, anh Bốn? - Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy, huống chi mầy dạy tao hết vần xuôi, vần ngược, rồi đánh vần, tập viết, tập đọc. Tao phải biết ơn mầy chứ. - Thôi anh Bốn, tui không lấy tiền đâu. Tui mà lấy tiền, về cha tui ổng đánh chết. Thằng Chuột nói xong, bỏ chạy một mạch ra về. Thanh ăn cơm tối xong, pha trà cho cha, rồi lấy sách Mạnh Tử ra đọc chương Lương Huệ Vương. Hết canh một, ông Xã ngủ, chàng mới xếp sách Mạnh Tử để trên đầu giường, và len lén lấy tờ 'giấy tây, 'cán bút sắt' và bình mực tím ra ngồi bàn. Dưới ngọn đèn dầu phọng, chàng vừa đánh vần vừa viết như sau đây: CÔ BA HỢI Sách Thánh hiền có dạy: Quân tử chi học dã, dĩ vi kỳ thân, tiểu nhân chi học dã, dĩ vi cầm độc (#1). Tôi phải học chữ Quốc Ngữ cũng vì cô, nói thật ra cũng nhờ cô khích lệ mà nay tôi mới khỏi thua sút một người yểu điệu thục nữ, tôi mới được dĩ vi kỳ thân, chứ không đến nổi dĩ vi cầm độc. Thật là muốn tạ ơn cô,vạn bội, vạn bội. Ba tháng trước đây, khi cô trao cho tôi lá thư đầu tiên bằng chữ Quốc Ngữ, nếu là người con trai nào khác thì chắc có lẽ họ giận cô lắm. Nhưng kẻ tiện sĩ này thật không dám giận cô, vì tôi trộm nghĩ: huyết khí chi nộ bất năng hữu, nghĩa lý chi nộ bất năng vô(#2) nhưng tôi không có cái huyết khí chi nộ mà cũng không có cái nghĩa lý chi nộ. Tôi cho rằng lá thư khinh thị của cô chính là một lời khích lệ, cô đã khuyến khích tôi học chữ Quốc Ngữ đó chăng! Cho nên tôi đã không giận cô, mà còn tuân theo tôn ý của cô nữa. Phù chí, khí chí súy giã, khí thể chi sung giã (#3).Thưa cô Ba, có phải vậy không? Chính nhờ cô, mà tôi rèn luyện được chí khí vậy. Nay tôi tự viết thư Quốc Ngữ này, trước là để xin đền đáp ơn cô, sau là để xin hồi âm những lời vàng ngọc của cô đã dạy cho ba tháng trước đây. Lê Văn Thanh Chàng thanh niên viết bức thư dài hai trang giấy tây, chữ thật to (vì mới tập viết) từ đầu canh hai cho đến đầu canh ba mới rồi (tức khoảng 9 giờ đến 12 giờ khuya). Suốt ba tháng trời cậu Lê văn Thanh không dám gặp mặt cô Nguyễn thị Hợi. Chàng xấu hổ vì một thanh niên Nho học thuộc lòng chữ nghĩa của Thánh Hiền, đầu óc đầy những câu sách của Khổng Tử, Mạnh Tử, mà phải chịu thua một cô gái học A.B.C. Chàng lại tức giận vì cô Ba mới viết được chữ Quốc Ngữ mà đã 'làm phách' khoe chữ Quốc Ngữ với chàng, và còn thách đố chàng nữa. Nhưng bây giờ chàng sắp trả được mối hận, quyết cưới cho được cô Ba Hợi. Nếu không lấy được cô, thì chàng sẽ "ở vậy" suốt đời. Chàng thanh niên Nho sĩ thật không dè chữ Quốc Ngữ học dễ quá, chỉ ba tháng là đọc được, viết được, trả lời được bức thư của cô con gái đẹp "chim sa cá lặn" kia. Nhưng bức thư viết rồi mà chàng không biết làm sao gửi đến tận tay người phụ nữ. Mãi nữa tháng sau, nhằm có lễ tế Thần hôm Rằm tháng Bảy rất long trọng ở Đình làng, và ban đêm có đốt pháo bông, chàng mới có cơ hội gặp cô Nguyễn Thị Hợi. Trước sân đình đông nghẹt những thanh niên thiếu nữ kéo đến coi 'Múa Đèn' tưng bừng rộn-rịp. Tất cả thanh niên ở hàng phố ngay tại tỉnh lỵ, cũng như ở các xóm thôn quê lân cận, đều mặc áo dài đen, đầu để búi tóc và chít khăn đen, trông chàng nào cũng đạo mạo, nho nhã. Ai nấy đều lễ phép, dạ dạ, thưa thưa. Có nghịch ngợm chăng nữa thì cũng chỉ lén lút nô đùa với nhau, dỡn cợt kín đáo, không dám cười to nói lớn. Lê Văn Thanh được cử vào đoàn 'Lễ Sanh', là đoàn thanh niên được chọn lựa độ 12 người, mặc áo rộng xanh, đầu đội mão, chân mang hia, được hân hạnh tham gia nghi lễ tế Thần. Cô Nguyễn thị Hợi đứng chen trong đám các cô gái chưa chồng hoặc có chồng, và các bà già, trẻ con, say mê coi múa đèn, 12 chàng 'Lễ Sanh' tay cầm đèn 'bánh ú' và đèn 'hoa sen' phất bằng giấy mỏng đủ màu, vừa múa vừa bước đi chậm rãi, nhẹ nhàng, theo nhịp kèn nhịp trống, với những bộ điệu ly kỳ, huyền bí, học tập từ lâu, trông rất đẹp mắt. Hết canh một (vào khoảng 8 giờ) thì xong lễ Múa Đèn, đến lượt đốt pháo bông. Lê văn Thanh đã cởi lễ phực trao trả lại làng, và được thảnh thơi ra ngoài đường, trước cổng đình, coi đốt pháo bông. Chàng len lỏi trong các đám phụ nữ đứng hoặc ngồi từng nhóm, tụm năm tụm ba chung quanh đám đất trống. Chàng cố tìm cho được cô Ba Hợi. Cô đứng một mình bên gốc cây sầu đâu trên lề đường, tay dắt đứa em trai của cô, 6 tuổi. Lê văn Thanh nhận được bóng dáng của cô, chàng mừng quá đỗi, nhưng chưa dám đến gần. Cô Hợi vừa liếc thấy chàng, liền ngoảnh mặt ngó chỗ khác, vờ như không đễ ý đến "Cậu Bốn Thanh". Nhờ có bóng tối,và cô Hợi đứng tựa vào gốc cây sầu đâu, xa chỗ không người, nên không ai trông thấy rõ. Lê văn Thanh bạo dạn, nhưng vẫn rụt rè, bước... bước... bước nhè nhẹ... còn xa cách cô Hợi độ một khoảng dài, chàng không dám tiến tới nữa. Chàng chỉ sợ cô Ba Hợi la làng hoặc cất tiếng chửi "ông bà ông vải" thì mắc cỡ cho chàng biết bao nhiêu. Thiếu nữ thời bấy giờ, đối với bọn con trai lân la chọc ghẹo, nhất là các cậu lì lợm, nếu được nàng ưa, thì nàng lặng lẽ nghe lời ong bướm, hoặc đối đáp dịu dàng, tình tứ. Còn nếu cô gái không ưa mà chàng cứ đeo theo gạ gẩm thì thế nào chàng cũng bị cô ấy chửi ngay cho một trận, hoặc la làng la xóm rùm lên. Chàng trai xấu hổ, chỉ có nước cút đi một mạch. Lê văn Thanh do dự, biết cô Hợi chưa bao giờ tỏ vẻ thương yêu chàng. Nhưng chàng lấy cớ là trả lời bức thư Quốc ngữ của nàng gửi ba tháng trước, nên chàng tiến đến bóng cây sầu đâu. Chàng lễ phép chấp hai tay, khẽ cúi đầu chào theo tục lệ xưa: - Thưa cô Ba đứng chơi. Nàng quay lại cũng chấp hai tay, cúi đầu đáp lễ: - Dạ thưa cậu Bốn. Chàng liền moi trong túi áo cụt mặc dưới chiếc áo dài đen, bức thư mà chàng định trao nàng. Đó là một tờ giấy tây gấp lại làm tám, không có phong bì, chỉ được cột lại bằng một rẻo lá chuối xanh. Chàng cầm thư trong tay nói: - Thưa cô Ba hồi tháng tư cô Ba có gởi tôi một lá thư bằng chữ Quốc ngữ. Ngày tháng như thoi đưa, tính đi tính lại thế mà nay đã bốn tháng rồi, sẵn hôm nay tôi gặp cô đây, đó cũng là cái duyên tao ngộ, xin gửi lại cô lá thư hồi âm, dám mong được cô để cặp mắt xanh đến, thì thật là vạn hạnh. Cô Nguyễn Thị Hợi mỉm cười, làm thinh. Cô mắc cở, cúi đầu, không dám ngó chàng trai. Lê văn Thanh chìa thư ra: - Xin quý nương nhận cho, tôi rất lấy làm thâm-cảm. Cô Ba Hợi vẫn cúi mặt, bảo: - Cậu muốn đưa cái gì thì đưa cho em tui. Lê văn Thanh nhét gói thư vào bàn tay cậu em, tên là Tý, nhưng Tý ngó chị: - Cái bánh hay cái gì đây, chị Ba! Cô Hợi cười không đáp. Lê văn Thanh nói tiếp: - Thưa cô Ba, thầy Tử Tư có nói rằng "Tự thành minh vị chí tình, tự minh thành vị chi giáo, thành tắc minh hỷ, minh tắc thành hỷ" là nhờ thành thực mà sáng tỏ, ấy là tính, nhờ sáng tỏ mà thành thực, ấy là học. Hễ thành thực là sáng tỏ, hễ sáng tỏ là thành thực. Thưa cô, tôi xin thề với thần thánh, ma quỷ, là tôi giữ một tấm lòng thành thật, tôi cũng mong cô được một niềm sáng tỏ. Cô Nguyễn Thị Hợi chưa muốn trả lời vội, và cũng chưa muốn nói chuyện gì với cậu Bốn Thanh. Vì trước hết cô muốn xem chàng nói gì trong bức thư của chàng. Cô bảo: - Cậu Bốn để tui về nhà coi thư thì tui trả lời cậu Bốn. -Chừng nào cô Ba trả lời? - Hổng biết. Tui rảnh thì tui trả lời. - Vậy thì mỗi ngày đi chợ buổi sớm mai, có tôi chờ cô ở bụi tre thổi kèn. Cô Hợi làm thinh. Cậu Thanh cũng không dám đứng đó lâu. Cây pháo bông "Bát Tiên" vừa nở sáng rực nửa lưng trời, giữa tiếng reo mừng của trẻ con. Công chúng đàn ông cũng như đàn bà, đều trầm trồ khen ngợi, nhưng không vỗ tay ầm ỹ, không hoan hô náo nhiệt như công chúng ngày nay. ----------------- Chú thích: (1-) Người quân tử học là để làm cho thân mình. Kẻ tiểu nhân học là để làm trâu ngựa. (2-) Cái giận vì nóng nảy không nên có, cái giận vì nghĩa lý không nên không. (3-) Mình phải có chí, cái chí khí là đưa đường cho mình đi, có chí khí thì thể phách của mình mới nẩy nở đầy đủ vậy.