Cái trống ảo thuật

Một chàng trai trẻ đánh trống từ chiến trường trở về. Anh ta nghèo lắm. Tài sản chỉ có mỗi một cái trống. Nhưng anh ta cũng cảm thấy vui sướng vì được trở về nhà sau nhiều năm xa cách. Từ xa, người ta đã nghe tiếng trống: tùng, tơ rung, tung tung...
Đi mãi rất lâu, anh ta gặp một bà cụ người nhỏ nhắn.
- Anh lính đẹp trai ơi, cho bà lão một xu nào!
- Cháu có thể cho bà hai, hoặc đến cả mười hai xu, nếu như cháu có. Nhưng quả thực cháu không có.
- Có chắc không?
- Cháu đã lục túi suốt cả sáng này rồi, và cháu không tìm được đồng nào cả.
- Hãy tìm nữa đi, tìm kỹ xem.
- Trong túi cháu à? Cháu thử tìm lại một lần nữa cho bà vui lòng, nhưng cháu tin chắc rằng... Ủa, cái gì thế này?
- Một xu! Cháu biết rõ là cháu có tiền mà.
- Cháu thề với bà là cháu không biết điều đó. Thật là không thể tin được. Bà hãy cầm lấy, cháu xin vui lòng tặng bà, vì cháu nghĩ rằng bà cần nó hơn cháu.
- Cám ơn anh lính đẹp trai! - Bà cụ nói - Bà cũng vậy, bà sẽ tặng cháu một cái gì đó.
- Thật vậy chứ, thưa bà? Nhưng cháu không cần một thứ gì.
- Có đấy. Bà sẽ dạy cho cháu một phép thuật. Thế này nhé, mỗi một lần cháu nổi trống lên, tất cả mọi người đều phải nhảy múa.
- Cám ơn bà, thật là một trò thú vị.
- Đợi đấy, chưa hết đâu. Tất cả mọi người đều phải nhảy múa và chỉ dừng lại khi nào cháu thôi gõ trống.
- Rất hay. Cháu chưa biết phải làm gì với cái phép thuật ấy, nhưng cháu cảm thấy điều đó sẽ giúp ích cho mình.
- Rồi cháu sẽ thấy điều đó có ích cho cháu. Thôi nhé, vĩnh biệt anh lính đẹp trai.
- Vĩnh biệt bà.
Thế rồi chàng trai trẻ tiếp tục lên đường về nhà. Anh ta đi mải, đi miết... Bỗng ba tên cướp từ trong rừng chạy ra.
- Muốn sống thì nộp túi đây!
- Các ông lấy túi đi. Nhưng tôi nói trước, túi rỗng không đấy.
- Giơ tay lên! Không thì chết với chúng ông!
- Xin vâng! Xin vâng, thưa các ngài cướp.
- Mày để tiền ở đâu?
- Tôi ấy à? Tôi để tiền trong mũ.
Một tên cướp nhìn trong mũ: không thấy gì hết.
- Tiền hả? Tôi để tiền trong tai đây này.
Chúng nhìn lại tai: không có gì hết.
- Tôi nói với các ông rằng tôi sẽ để tiền lên đầu mũi, nếu tôi có.
Bọn cướp nhìn, tìm tòi, lục lọi. Quả thật chúng không thấy một đồng xu nào.
- Mày quả thức là một thằng nghèo kiết xác, - tên tướng cướp nói, - thôi, kệ xác mày, chúng ta lấy cái trống vậy.
Chàng lính trẻ thở phào:
- Phải đấy, các ông lấy đi. Tôi thật khó lòng mà xa nó, vì nó đã làm bạn với tôi lâu rồi. Nhưng nếu các ông thực sự muốn thì...
- Ừ, chúng ông muốn lấy cái trống!
- Trước khi mang trống đi, các ông hãy để cho tôi chơi một bài. Các ông sẽ biết dùng trống như thế nào. Các ông đồng ý chứ?
- Đồng ý! Chơi đi!
Chàng đánh trống trẻ nói:
- Nào! Tôi chơi trống và các ông... (tùng tơ rung, tùng tùng) và các ông, các ông nhảy múa!
Ai thấy ba thằng khốn khiếp đó nhảy cũng phải nói là ba con gấu nhảy trên bãi hội chợ.
Thoạt tiên, điều đó làm cho chúng thích thú. Chúng cười và pha trò.
- Hăng lên! Chàng đánh trống trẻ! Hãy làm một bài van đi!
- Và bây giờ hãy làm một khúc polka đi! Chàng trai đánh trống!
- Qua điệu mambo đi!
Sau đó một chút, chúng bắt đầu thở ầm ĩ. Chúng thử dừng lại, nhưng không tài nào dừng được. Chúng đã mệt, mệt hết hơi, đầu óc quay cuồng, mà cái trống ma thuật cứ bắt chúng nhảy, nhảy, nhảy...
- Cứu tôi với!
- Nhảy đi!
- Xin rủ lòng thương!
- Nhảy đi!
- Xin tha tội, làm phước!
- Nhảy nhảy nữa đi!
- Thôi, thôi!
- Tôi lấy lại cái trống nhé?
- Lấy lại đi... chúng tôi không muốn bị lôi vào cái trò ma thuật của ông.
- Các ông để cho tôi đi chứ?
- Ông muốn làm gì thì làm, miễn là đừng chơi trống nữa.
Nhưng chàng đánh trống trẻ khôn ngoan chỉ dừng lại khi thấy chúng ngã lăn ra đất, kiệt sức, không còn thở được nữa.
- Như thế nhé, các ông không còn chạy đuổi theo ta nữa.
Và anh ta ba chân bốn cẳng chạy thoát thân. Để cho cẩn thận, thỉnh thoảng, anh ta nện vài tiếng trống. Thế là bỗng chốc, thỏ trong hang, sóc trên cành cây, chim trong tổ thức dậy như giữa ban ngày, bắt đầu nhảy múa...
Một cách tự tin, chàng đánh trống can đảm tiếp tục con đường về nhà...
ĐOẠN KẾT THỨ NHẤT
Chàng đánh trống trẻ đi một hồi lâu, rồi anh ta nghĩ: "Phép thuật này sẽ làm cho mình giàu có. Nghĩ cho kỹ, mình cũng khờ với bọn cướp. Đáng lẽ ra, mình có thể lấy tiền của bọn chúng. Mình có ý muốn quay trở lại đó..."
Anh ta sắp sửa quay lại thì thấy xuất hiện một chiếc xe ngựa ở đầu đường.
"Cái này rất hợp với ta."
Ngựa chạy nước kiệu, làm tiếng nhạc kêu leng keng. Người đánh xe ngồi trên ghế, huýt một điệu sáo vui. Một người cảnh binh ngồi bên cạnh.
- Chào anh chàng đánh trống đẹp trai. Anh có muốn lên xe không?
- Không, tôi ở đây tốt rồi.
- Vậy thì tránh ra, để chúng tôi đi qua.
- Hãy khoan! Hãy nhảy một tí đã.
Tùng, tơ rung, tùng tùng... Tiếng trống vang lên. Lũ ngựa bắt đầu nhảy. Người đánh xe đứng lên, vùng vẫy chống chọi như một con quỷ. Và cả người cảnh binh cũng nhảy, đánh rơi cả súng... Cả hành khách cũng nhảy.
Cần phải nói với các bạn rằng chiếc xe ngựa đó chở vàng của một nhà băng. Ba két đầy, ít nhất là ba trăm ki-lô. Chàng đánh trống trẻ, một tay đánh trống, một tay hất vàng xuống đường, rồi dùng chân đẩy vàng vào bụi.
- Nhảy đi! Nhảy đi!
- Đủ rồi! Chúng tôi không chịu được nữa.
- Thế thì chạy hết tốc lực đi! Đừng quay trở lại đây nữa...
Chiếc xe ngựa lại ra đi. Vàng đem theo bị mất hết. Chàng đánh trống trẻ của chúng ta trở thành triệu phú. Từ nay anh ta có thể xây một cái nhà thật đẹp, sống bằng tiền cho thuê nhà, cưới công chúa con vua. Và khi cần tiền, anh ta không cần phải đến nhà băng, có cái trống là đủ.
ĐOẠN KẾT THỨ HAI
Chàng đánh trống đi một hồi lâu, bỗng anh ta thấy một người thợ săn đang ngắm bắn một con chim. Tùng, tơ rung, tùng tùng. Người thợ săn để rơi khẩu súng và bắt đầu nhảy. Con chim bay thoát.
- Đồ khốn khiếp! Tao sẽ cho mày biết tay!
- Trước hết, hãy nhảy đi! Nhớ nhé, sau này đừng bắn chim nữa.
Anh ta lại đi một hồi lâu, thấy một người nông dân đang đánh một con lừa.
- Nhảy đi!
- Thương tôi với!
- Nhảy đi! Tôi chỉ dừng lại nếu ông hứa từ nay không bao giờ đánh con lừa nữa!
- Tôi xin thề!
Tiếp tục đi, người lính hào hiệp của chúng ta đánh trống mỗi khi cần ngăn chặn bạo lực, sự bất công, hoặc một hành động tàn ác. Anh ta gặp nhiều cảnh như vậy đền nỗi anh ta không trở về nhà được. Tuy vậy, anh ta cảm thấy sung sướng và nghĩ rằng: "Ở đâu, với cái trống, ta làm được việc tốt, thì ở đó là nhà của ta."
ĐOẠN KẾT THỨ BA
Anh ta đi một hồi lâu, vừa đi, anh ta vừa nghĩ: "Cái trống thật kỳ lạ, và cái phép thuật thật kỳ lạ. Mình muốn tìm hiểu xem cái phép thuật này được làm ra sao?"
Anh ta quan sát dùi trống, quay dùi trống về mọi phía. Chúng cũng giống như mọi que gỗ bình thường khác.
"Có lẽ điều bí mật được giấu bên trong?"
Anh ta cầm dao khoét một lỗ nhỏ trên mặt trống.
"Mình chỉ liếc qua thôi"
Anh ta tự nhủ. Anh ta không thấy gì, tuyệt nhiên không thấy gì.
"Mặc kệ nó, mình cứ để cái trống như thế"
Anh ta lại lên đường, vừa đi vừa đánh trống vui vẻ.
Nhưng bây giờ thì thỏ, sóc, chim trên cành không còn nhảy múa khi nghe tiếng trống nữa. Chim chóc cũng không thức dậy.
- Tùng, tơ rung, tùng tùng...
Tiếng trống vẫn như thế, nhưng phéo thuật không còn nữa.
Bạn có tin được không? Giờ đây chàng đánh trống trẻ cảm thấy sung sướng.
Lời tác giả:
Tôi không thích đoạn kết thứ nhất. Làm sao mà một anh chàng đánh trống trẻ, vô tư, hào hiệp lại có thể đầu hôm sớm mai trở thành một tên cướp đường ghê gớm?
Đoạn thứ ba cũng không làm tôi vừa ý. Tôi thấy mình ác độc khi làm chấm dứt phép thuật nhằm trừng phạt tính tò mò một cách rất vô tư. Tính tò mò không phải là điều sai. Nếu các nhà bác học không tò mò. Họ không phát minh ra được cái gì cả. Đoạn kết thứ hai phù hợp với tôi hoàn toàn.