Ông Hương Quản vừa lơn tơn bước vào sân đã nghe tiếng quát vọng ra: - Đi đâu đi biệt vậy? - Công việc làng xã mà bà! - Làng xã gì mà đi không biết đường về? - Người ta đi trên quận. Quan Chủ Quận có trát truy nả tụi gian. - Quận gì? Quận ở dưới đò con mẹ Tám Mầm đó hả! Ông Hương bị những trận phủ đầu của vợ như vầy là thường, cho nên ông không hề nổi nóng, mà cứ lẳng lặng đi vào nhà như không có chuyện gì xảy ra. Ông mán cây dù lên đầu cột, úp nón lên vòi con bươm bướm gỗ treo ở vách, rồi bằng một giọng tư nhiên, hỏi: - Bữa nay ăn cơm với gì má nó? - Hổng cơm nước gì hết ráo, ai biết chừng nào về mà hầu hạ! - Hề hề - Ông Hương càng mềm mỏng – Vậy thì tôi uống tô nước lạnh rồi đi ngủ. - Phải đó. Sáng dậy vô chợ mụ đò nó mua cháo lòng đãi cho! Ông Hương vẫn cười giả lả. Đức tính thờ bà của ông được trông thấy từ ngày ông có con vợ bé thứ nhất. Nói hung nhưng tánh lại hiền, bà Hương lui cui đi nấu cơm, chiên hột vịt với tép khô dọn ra cho chồng. Ông vừa cầm đũa vừa hỏi: - Sắp nhỏ đi đâu hết hả bà? - Ba chị em nó đi coi hát Tiều hát Thổ gì ở chợ. - Đám đó nhảy cóc nhảy nhái hay ho gì mà đi! - Ông vắng nhà ba ngày đều có chuyện. - Chuyện gì? - Cái hàng cau ở mé ao cá nuôi có một cây buồng trổ ngược. - Cây nào? - Cây cau tơ ở đầu hàng. - Trổ ngược là làm sao? - Ăn cơm rồi ra coi. Ông hương buông đủa đứng dậy đi liền. Bà Hương vừa đi vừa nói: - Thói thường cau trổ thì buông cau trổ lên, khi trái nó đầy thì nó mới oặc xuống. Còn đàng này, nó chỉa xuống đất. Ông coi kia kìa! Bà dừng lại ở mé ao, trỏ lên ngọn cau đầu hàng. Ông Hương ngước lên. Quả thật buồng cau trổ ngược. Ông đi qua đi lại, xem tới xem lui, rồi trở vào nhà ngồi vào bữa cơm, không nói gì. - Ông thấy chưa? - Kỳ thiệt! - Hồi trước tới giờ tôi chưa thấy. - Tôi cũng chưa. Tôi có nghe người ta đẻ ngược, thề độc trồng chuối ngược. Chớ vụ này thì chưa. Bà Hương nói: - Tôi có hỏi ông Chín Tôn. - Rồi ổng nói sao? - Ông nói coi chừng có tai họa trong nhà. - Tin ba thằng cha thầy bọ.ói! - Lại còn một chuyện nữa. - Chuyện gì? - Con gà mái Tàu già lại gáy trưa hôm qua. - Bà thấy lầm, chớ gà mái gì lại gáy! - Tôi trông thấy rõ ràng. Nó đứng giữa sân nó gáy. Tiếng nón nghe kỳ cục lắm. - Kỳ cục sao? - Như có ai bóp họng nó vậy. - Đem làm thịt cà- ri quách cho xong. - Để tôi hỏi ông Chín cái đã. Biết đâu nó là "gà Bà", mình làm thịt sẽ bị Bà phạt. Tôi có nghe Ngựa Bà, rắn Bà, chớ có nghe Gà Bà bao giờ đâu! - Để mai nó gáy cho ông nghe ông thấy rồi hãy tính cũng không muộn. Bà Hương nhớ ra và buông đũa không ăn nữa, lại ngồi ở ghế nước móc thuốc vấn hút, phà khói một cách bực dọc và hỏi: - Lâu nay mấy thằng đó có ra vô nhà mình thường hay không? - Chỉ có thằng Đặng giữ trâu cho mình thì lên xuống hàng ngày, nhưng hể niệc trâu xong là nó về chớ đâu có ở lại. Ông Hương gằn giọng: - Coi chừng mấy thằng ở đợ, mấy đưa chăn trâu bò. Tụi nó gieo họa cho mình. Đám con nhà giàu thiếu gì đứa chửa hoang với đầy tớ, lơ xe hơi. - Ông coi ai đó kêu gả bớt đi. Con Tám lớn lộn xộn rồi, để làm gì đó mà mang họa. - Gả con chớ bộ bán heo bán gà sao dễ vậy! Trước nhứt phải cưới vợ cho thằng Sáu, chớ không lẽ em lại có gia đình trước anh. - Ai chẳng biết vậy, nhưng phải tùy cơ ứng biến. Đứa nào có chỗ thì tống khứ đi. Còn thằng Sáu để thong thả cũng được. “Trai ba mươi tuổi còn xinh, gái ba mươi tuổi như chình mắm nem”, ông không biết sao! - Hồi năm ngoái nếu mình cưới con Láng, con của thằng cha Tư Bền, cho nó thì êm quá rồi, bà lại chê nghèo chê giàu. Thằng Nhỏ thất chí đâm ra đổi tánh như khật khùng. Tại bà mà hàng xóm kêu nó là thằng Khùng đó, bà thấy không? Chuyện gì không có tôi, Để cho bà, thì hư hại vậy đó. - Chỗ nào chớ chỗ đó nghèo rớt mồng tơi, cưới về để nó ăn hết của à? - Nếu hồi đó ông già tôi cũng nói như bà bây giờ thì bà đâu có lấy được tôi! Câu nói của ông Hương như kim chích bà vợ nhảy nhỏng. Bà háy chồng: - Ông nói lảng nhách hà. Hồi đó ông mê tôi, cứ tới lui hoài, bị đám con nít chế diểu: Muốn người ta, người ta hổng muốn. Xách cặp dừa đi xuống đi lên! Chớ bộ tôi ế sao? Tôi thấy cái bộ tướng của ông xa xa là tôi chạy.. - Chạy tới ôm bà? - Phải à! Gặp người ta ngoài bờ dừa rồi xấn lại ép người ta vô góc dừa hun không thôi. Người ta đòi la thì lại nói liều: "Đố cô dám la. Tui la trước cho coi!” Có ai lì như vậy không? - Lì mới được vợ thì cũng nên lì chớ! - Lì cho nên xuống được dưới đò của bà Mầm rồi ngủ luôn dưới đó! Ông Hương bị đá móc nên gạt ngang rồi lảng sang chuyện khác: - Bà cứ vậy hoài. Bây giờ tôi có mối này coi được lắm, cưới cho thằng Sáu thì vừa. Nhưng chỉ ngại có một điều thôi.. - Ngại điều gì? - Ngại bà chê. - Người ta có chỗ gì tệ mà tôi chê được? - Cặp mắt nó cái thì ngưỡng thiên cái thì ngưỡng địa. - Hổng được đâu. Mắt mũi kiểu đó nó về nhà nó ngó, mình không biết nó ngó ai. Ông Hương giảng luân lý chó bà: - Ở đời nên bù qua sớt lại bà ơi. Nếu cứ thẳng rẳng như bà thì mấy người như vậy ế chồng hết sao? Nè, tôi nói cho bà biết, con gái của thầy Cai chân đi cà nhắc mà còn gả được cho con ông Cả làng mình đó. - Người ta đi xe hơi xe ngựa thì đâu có cần gì chân cẳng. Ngồi trên xe, đố ai làm sao biết cái cẳng cà xẹo. Ông Hương cười: - Nói vậy chớ cẳng xẹo cẳng queo gì cũng chữa được hết. Lấy vàng lá đắp vô rồi lấy bạc giấy bò bên ngoài thì hết ngay! - Con Tám nhà mình có cái mặt bị trái trời, con mắt vảy cá kia lấy gì mà đắp? - Được hết trọi bà khỏi lo! Ông Hương khoa tay một cách tự mãn rồi kêu mệt vô buồng nằm. Bà Hương đốt thếp đèn dầu u đem vô để lên bàn rồi ngồi bên mép giường ngoặc lại chuyện gà mái gáy ban trưa và buồng cau trổ ngược. - Tôi lo quá hà ông à! - Lo sao còn thả cho nó đi coi hát? - Đúng như ông nói, bây giờ tôi mới thấy sợ tụi chăn trâu. - Trong đám cặp kè với thằng Đặng.. -..Có thằng Tư Cồ là lớn, còn tụi kia còn con nít. - Úy trời! Ông Hương đang nằm bỗng nhổm dậy: - Bà đừng có coi thường tụi con nít quỷ đó! Con nít đời bây giờ không phải như con nít thời của tôi hồi đó đâu. Bây giờ tụi nó mới nứt mắt ra đã biết chuyện tục tĩu, biết muốn vợ, biết ghẹo gái rồi. - Vậy làm sao ngăn được? Bữa nào thằng Đặng vô nhà bếp ăn cơm, con Tám hoặc con Chín xuống tôi cũng để ý. Nếu tôi bận việc ở nhà trên, không xuống được thì tôi cũng tằng hắng cầm chừng để cho nó giựt mình không dám làm gì con nhỏ. Ông Hương tạt ngang: - Bà làm vậy thất sách? - Bà phải nhè nhẹ chân đi xuống. -..Rình à? - Chớ sao! - Chời ơi chời! Rủi bất gặp tụi nó “mùi” với nhau rồi làm sao? - Cứ để cho nó mùi rệu đi. - Ông nói giỡn sao chớ? - Tôi nói thiệt mà! - Rủi gặp tụi nó xà nẹo. - Rồi cái bụng con gái mình bình rĩnh ra, có chết không? - Làm sao mà bình rĩnh mau vậy được. Người ta chớ phải chó mèo gì mà cái vụ kia dễ dàng bà tưởng. Rồi ông quay cái lưng đồ sộ lại cho bà, bảo: - Bà đấm cho nó bớt đau một chút rồi tôi nói cho bà nghe. - Sao đau lưng dữ vậy hả ông? - Tuổi này là tuổi đau lưng chớ sao bà. - Chớ không phải tại mấy con hồ ly sồn sồn trong chợ à? Nè, ông bỏ cái thói đi nghe! Ạch..a.ch..a.ch.. Bà Hương càu nhàu nhưng tay vẫn đấm đều đều. Ông Hương rên ư ư khoái trá theo nhịp đấm hai bàn tay mềm của con sư tử Hà Đông rụt móng. - Sao không biểu mụ đó đấm cho? - Bà đấm cho đủ bài bản thì tôi mới nói, không thì thôi! Bà Hương bước lại đóng cửa, khêu ngọn đèn lu xuống rồi bước lên giường, vẫn càu nhàu: - Cái thây mập, ăn cơm nhà đuổi gà hàng xóm! - Chậc, cái bà này! Biểu đấm mau đi! Bà Hương ngồi chàng hảng trên lưng ông chồng như cỡi ngựa, hai tay chắp vào nhau băm nghe "rốc rốc" từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, rồi quỳ một gối lên lưng ông, hai tay nắm chéo tấm da lưng dày cuôi giật mạnh làm bật lên những tiếng rắc rắc. Ông Hương rên rỉ: - Đã quá! Giãn gân quá! Giật thêm chục cái nữa.. ừ..rồi.. Xẻo thịt đi. Ông hương lại bảo: - Bà phải đứng lên lưng tôi như đạp lúa vậy. Ừ.ừ.. đập cho mạnh, nhún nhún ở chỗ lưng quần cho giãn xương sống ra. Tôi đau ngay cỡ đó đó... Đạp manh đi!! - Làm gì mà lại đau chỗ đó? Thì làm việc giấy tờ, phải ngồi tối ngày chớ làm gì bà! - Xí! Nghe nói mà phát ghét. Rồi đó, nói đi. - Nói cái gì? - Nói cái vụ nó xà nẹo với nhau trong bếp. Ông Hương ngồi bật dậy, kêu thất thanh: - Hả, hả? Tụi nó có à? - Không. Đó là tôi nói thí dụ nếu tui bắt gặp tụi nó.. với nhau thì làm sao kìa. - À.. à.. Nếu như vậy là may phước cho nhà mình chớ có sao mà bà sợ. - Phước lớn bằng cái trống chầu chắc! - Tui nói thiệt đó bà. - Nếu có như vậy thì làm sao? - Dễ ợt. - Ông thiệt! Thì nói riết đi, ở đó mà cù nhầy. Bà Hương thọc nhẹ vào mạn mỡ úc núc của chồng. Ông Hương nẫy ngược lên và nói: - Hể bà trông thấy thì bà cho tôi hay. Tôi sẽ mời tía má nó tới nói chuyện với tôi. - Xí! Con làm, tía má chịu à! Tía nó không còn. - Tôi bảo má nó rằng non phạm gia pháp nhà tôi, tôi sẽ bỏ tù. - Oái, tưởng ông tài ba gì, lại đem cái đó ra mà dọa. - Mình dọa vậy thôi chớ ai lại bỏ tù nó. Tôi nói hung còn bà đấu dịu. Bà bảo là hai đứa nó thương nhau thì không nên cản ngăn mà tội nghiệp đôi trẻ. Còn tôi thì làm bộ khuấy cho to ra. - Rồi sao nữa? - Thằng Đặng mà được làm rể nhà mình thì sướng mê đi chớ còn sao nữa. - Còn cái mặt rỗ nhằng của con gái mình giấu đi đâu cho khuất? - Lấy lúa đong vào thì rỗ mấy cũng thành trơn, bóng láng như ván gõ bà ơi! Bà Hương nghe bùi tai bèn ngã mình xuống bên chồng. Bà hỏi tới chuyện thằng Sáu. - Còn mối của thằng Sáu? - Đẻ tôi ngắm nghía cặp mắt của con nhỏ cái đã. - Oái trời! Tắt đèn, nhà ngói như nhà tranh. Bộ gà nòi sao mà ở đó coi chưn coi cẳng! Ông Hương nói: - Thì có khác nào cạp độ gà nòi bà ơi! Mình coi con gái người ta thì người ta cũng để ý con trai mình. Nếu mình chấp nhận cặp mắt ngưỡng thiên ngưỡng địa thì người ta sẽ nghĩ rằng con mình cũng có tỳ vết gì chớ đâu dể lành trơn. - Ự.ừ, ông nói tôi cũng có ý gẫm. Ông Hương được trớn, kể chuyện tiếu lâm: - Hồi nhỏ tôi có nghe mấy ông bà già thuật lại chuyện thiệt vui, để tôi kể cho bà nghe. Chẳng là ông bà chủ điền có cậu con trai, nhờ mai mối hỏi giùm con gái của một ông chủ tiệm hàng xén. Ông chủ tiệm khiêm tốn nói: “Con gái tôi nó hiền từ chơn chất nên ít hay nói chuyện với ai, ngày tối chỉ ở trong buồng. Đã có nhiều nơi hỏi, nhưng tôi trả lời rằng con gái tôi thiếu cái bề môi mép.” Ông mai nghe vậy bèn xua tay bảo. "Con gái mà lắm môi mép không có tốt. Ít môi mép vậy thì hơn. Còn cậu con trai của ông chủ điền bên tôi tuy nhà giàu nhưng lại yếu cái chưn đứng. Cưới vợ ắt phải nhờ chỗ dựa bên vợ, sợ e người ta thị phi rằng thực lộc chi thê.” Ông chủ tiệm cũng không bắt tì bắt tố gì, bảo rằng: “Đàng trai khiêm tốn nói vậy thôi, chớ chưn đứng mạnh hay yếu là nhờ điền đất tiền bạc, yếu sao được mà yếu.” Do đó hai bên đồng ý cưới gả mà không xét nét gì thêm. Cả hai đều mừng rỡ. Ông mai đem lễ vật tới, bên gái nhận cái rụp. Đến ngày đám hỏi, chú rể tới bên nhà gái, chân đi khập khiểng, phải có đứa ở kè một bên. Tuy vậy, ông suôi gái cũng không nói gì mà cho con gái mình ra chào họ đàng trai. Ông chủ điền thấy cô dâu quý của mình sứt mất một miếng môi khá to, lòi ra mấy cái răng cửa, bèn kêu trới: “Con nhỏ sứt môi mà anh suôi lại nói là môi mép!” Ông suôi gái đâu chịu im, đáp trả lại: "Vậy cái sự thiếu chưn đứng của thằng rể tôi có nghĩa gì?” Hai bên đều đau ngầm vì bị lừa một cách ngọt ngào. Nhưng cũng rất hài lòng lấy mình vì đã lừa được đối tượng một cách văn hoa. Và nhờ sự văn hoa ấy mà kẻ yếu chưn đứng tìm được vợ, còn người kém môi mép thì lấy được chồng. Bà Hương kiên nhẫn ngồi nghe hết câu chuyện thì “xì” một tiếng, bảo: - Người ta đặt chuyện để chế nhạo nhau thôi chớ đâu có thật. Ông Hương bảo: - Dầu đặt chuyện cũng hay. Đó cũng là một cách suôi gia tìm “môn đăng hộ đối”, rốt cuộc gặp dâu rể sứt mẻ mà phải bóp bụng nhận lãnh.