Những nổi khổ vụn vặt

    
ự vui vẻ khá ồn ào của ông. Chính khi nhận được công lệnh cử đi chấm thi khiến nhiều bạn đồng nghiệp của ông hơi khó chịu. Gặp ai ông cũng vội vàng bắt tay và bô bô hỏi thăm:
- Nào, năm nay anh đi chấm ở “centre” nào? Tôi thì phải đi Đà Nẵng.
Người đối diện đầu tiên của ông là Thương, một giáo sư trẻ. Thương đang có một nỗi buồn riêng nào đó, - chắc là vì tình, vì khi tuổi chưa quá ba mươi thì chỉ có ái tình mới làm cho người ta buồn lâu, buồn một cách thành thật và nghiêm trang, nên chỉ khẽ nhếch một nụ cười xã giao vừa đủ.
- Dạ, cháu đi Phan Thiết.
- Được đi Phan Thiết hả? Ố là là! Phan Thiết Tổ sư nước mắm! (Đố ai biết Tổ sư nước mắm nghĩa là gì?) Hôm nào về nhớ mang về một chai nước mắm nhỉ ăn chơi nhé? Ngon tuyệt.
- Dạ.
Người giáo sư trẻ muốn được yên nên vội “Dạ” một tiếng chấm câu. Không hứa hẹn là sẽ có chai nước mắm nhỉ với tiếng “Dạ” kiểu ấy.
Sau một cái bắt tay, ông Chính đi vội vã về phía đầu bên kia hành lang. Đôi chân quá ngắn múa thoăn thoắt dưới một cái bụng khá to. Tính ông lại thích diện com-lê - cả ngày giữa mùa hè - nên cái bụng càng được đề cao, no tròn, bề thế. Ở đầu hành lang, đang đứng vẩn vơ một cô giáo. Áo màu tím nhạt có thêu rải rác những vũ nữ xòe váy bằng chỉ trắng. Cô giáo đang nhìn lên đọt cây phượng cao trước sân trường, trên đó ánh nắng xao động giữa những chòm lá. Ông Chính cất tiếng nói to:
- A! Chị Vân Anh.
- Dạ, chào bác.
- Kỳ này tôi phải đi Đà Nẵng đây. Còn chị về “centre” Huế hả? Thích nhé? Một công hai việc…
“Ai bảo với ông ta rằng mình được về Huế?” - Vân Anh nghĩ. Mình phải đi Tuy Hòa cơ mà. Cực chết đi mà. Còn một công hai việc là ngụ ý gì mà có vẻ bất lương thế? Nhưng nể người đồng nghiệp có tuổi, cô Vân Anh nắm hai bàn tay vào nhau trong một tư thế lễ độ, nghiêng mình lí nhí:
- Dạ cháu đi Tuy Hòa.
Tức thì ông Chính đớp lời ngay và reo to lên như chính ông vừa bảo đúng là Vân Anh được về “centre” Tuy Hòa:
- Tuy Hòa! Thú lắm. Thành phố Tuy Hòa đang xây dựng, có sông Đà, có núi Nhạn, có trường Nguyễn Huệ. À, ở Tuy Hòa mùa này có nhiều dưa hấu ngon lắm nhé! Tuy Hòa… (đến chỗ này ông giơ ngón tay chỏ chỉ đúng vào giữa trán và nhíu mày một cái nhưng dường như để lấy điệu bộ chớ không thật phải suy nghĩ gì hết)… Tuy Hòa đi ra Màng Màng, Hòa Đa rồi Tuy An, Chí Thạnh mà. Ồ! Thích quá.
- Cháu chán lắm. Đi xe lửa ra Đại Lãnh cháu sợ lắm. Cháu chỉ muốn được đi Đalat.
Vân Anh định nói thêm “Lẽ tất nhiên nếu Bộ bỏ quên không bắt cháu đi chấm ở đâu cả thì cháu thích hơn”, nhưng chợt nhớ ra rằng người đối diện với mình không đáng được thưởng thức một câu ý nhị như vậy nên Vân Anh không nói nữa.
Giã từ cô giáo Vân Anh, ông Chính đi vào văn phòng ông Hiệu trưởng. Cái lưng ông hơi cong lại một chút khiến cái cổ cũng co rụt bớt vào cổ áo sơ mi. Ông giơ tay ra trước nên phải đưa thêm một tay trái ra theo, mong xóa bớt sự đường đột có phần khiếm lễ đó đối với cấp trên.
- Thưa Cụ, năm nay Cụ lại đi chủ khảo ở một Trung tâm?
Ông Hiệu trưởng đưa mắt chầm chậm nhìn lên ông. Đôi mắt nheo nheo vì vừa từ giã những hàng chữ quá nhỏ. Ông đã có tuổi nhưng không chịu đeo kính lão. Cái ca-vát màu đỏ sẫm nằm ngay ngắn giữa cổ sơ-mi là cứng như cùng ra sức với ông bám sát lấy những tháng ngày thanh niên gượng gạo còn sót lại. Ông rất ghét tiếng “Cụ” già nua nên không thèm giấu một cái cau mày. Người ta có thể biểu lộ sự tôn kính bằng nhiều cách và người trên không ai chối từ sự tôn kính. Nhưng tôn là “Cụ” không có nghĩa khen tặng mến phục gì cả. Sống lâu không phải là một công tích đáng để hãnh diện mà trái lại, hầu hết người ta đều coi đó là một sự ân hận đáng tiếc. Nhất là ông Hiệu trưởng sau mười lăm năm góa bụa vừa cưới một người vợ vừa trẻ vừa đẹp. Chính do những mặc cảm dồn dập đó mà, sẵn nét mặt sa sầm, ông Hiệu trưởng trầm giọng nói:
- Năm nay tôi được nghỉ.
- Ồ! Quí hóa quá… Cụ được Bộ cho nghỉ năm nay cũng phải. Năm nào cũng phải chủ khảo hết thì sống thế nào được.
Ông Hiệu trưởng cúi mặt xuống một trang giấy đánh máy có đóng dấu son. Biết đó là dấu hiệu cáo từ nhưng ông Chính phải cười xã giao một mình.
- Năm nay tôi phải đi Đà Nẵng.
- Thế à?
Ông Hiệu trưởng hỏi mà không ngẩng mặt lên và đầu bút chì đỏ ông cầm ở tay vẫy không ngừng chạy dài, rất mau, trên những dòng chữ đánh máy.
- Thôi xin phép cụ.
- Không dám, chào ông.
Cái bắt tay lạnh nhạt tiếp theo. Ra khỏi phòng ông Hiệu trưởng, ông Chính gặp bác cai trường. Đó là một anh chàng nhỏ nhắn có khuôn mặt láu lỉnh đặc biệt của những chú lính lệ ngày xưa.
Cặp mắt mở thao láo, mi chớp lia lịa nhất là những khi anh đứng trước mặt thượng cấp hoặc những ngày thi cử, ngày nhập học, sân trường, cổng trường đầy những phụ huynh học sinh. Một cái mũi nhỏ nằm trên cái miệng cũng nhỏ. Hình như lúc nào anh cũng bận rộn công vụ. Trên tay luôn luôn có một cái cặp bìa các-tông dày gáy vải và chân bước vội vã, thoăn thoắt từng bước nhỏ. Khi có Thanh tra ở Bộ về khám trường thì anh tăng gia sự mẫn cán trong bộ y phục ka-ki màu xanh dương, kiểu đồng phục Thanh niên. Nhìn anh, người ta tự nhiên phải nghĩ đến một con chim sâu, một cái chong chóng đang quay.
Trên đời anh chỉ biết kính trọng có ông Hiệu trưởng trường anh, các ông giám thị và mấy ông giáo đi ô-tô. Mọi người khác anh đều coi là “anh, chị” hết. Ông Chính không đi ô-tô nhưng lại năng nói chuyện, - nào ai biết là nói chuyện gì, - với ông Hiệu trưởng và ông Giám học nên anh tỏ ý nể. Thấy ông ở phòng Hiệu trưởng đi ra, anh vội vã lớn tiếng chào:
- Xin chào Cụ. Năm nay cụ có đi chấm…
Ông Chính tươi cười liền:
- À chào anh. Năm nay tôi đi Đà Nẵng.
Ông vỗ vai anh một cái thân mật.
- Anh ở lại mạnh khỏe nhé?
- Dạ, cám ơn Cụ. Chúc Cụ đi đường sức khỏe.
Theo cái đà ấy, chỉ hai hôm là cái tin ông Chính đi chấm thi ở Đà Nẵng ai cũng biết. Những giáo sư trẻ ngầm hỏi nhau.
- Ông ấy dở hơi nhỉ? Chấm thi thì thú cái đếch gì? Ba tháng Hè chả được nghỉ.
- Ừ. Trẻ và độc thân như chúng mình thì mới còn lý thú đôi chút chứ lớn như ông ta…
- Hồi mình chưa cưới vợ thì mỗi kỳ nghỉ Hè mình thích đi chấm thi lắm. Vì có đi như vậy mới mong gặp ngày chuyện lạ, chuyện vui ở dọc đường. Những bạn đồng nghiệp, nhất là nữ đồng nghiệp ở từ các tỉnh tụ họp về sống gần gũi mươi ngày nửa tháng rồi giã từ nhau, hẹn năm sau gặp lại. Vui chứ. Nhưng từ ngày mình cưới vợ rồi thì… Lạ thật, đố ai hiểu ông Chính đang nghĩ gì.
Chẳng ai hiểu ông Chính đang nghĩ gì thật. Có người đoán là ông chán ngấy cảnh ngày hai buổi họp mặt với vợ con. Có người bảo là từ nửa năm nay sao thấy bà Chính bỗng già đi một cách đáng chán. Có lẽ do đó mà ông muốn đi tỉnh xa để ăn chơi cho bỏ dăm mười ngày chăng? Có người nghi là ông đang chạy một áp-phe nào đó ở Đà Nẵng. Tính ông tháo vát, lý tài không mấy ai là không biết. Óc lý tài ấy không thể quên việc một người bạn cũ vừa được Chính phủ cử làm một chức vụ hành chánh cao cấp ở đây. Việc ấy chính ông đã bô bô nói cho anh em nghe, một cách lơ đãng thôi nhưng mà với bao nhiêu là cố ý và dàn xếp. Tóm lại mọi ức đoán đều không tốt cho ông Chính. Bởi không ai tin rằng sự hăng hái của ông là do tinh thần trách nhiệm cao cả của một nhà giáo có lương tâm. Trong khi đó thì ông hò hẹn với người này sẽ lên đường ngày ấy tháng ấy, rỉ tai với người kia rằng sẽ cùng thuê một phòng ở khách sạn nọ nhà hàng kia. Ông chạy đi dò hỏi giờ xe lửa đến, xe lửa đi, giờ tàu bay hạ cánh và cất cánh. Vì tất cả là nhà giáo nên không ai bảo ai mà mọi người đều tự nhiên nhớ đến anh chàng Tartarin.
Đột nhiên, một ngày trước ngày lên tàu, ông Chính lăn ra bệnh. Bà Chính cầm giấy chứng nhận của bác sĩ đến phòng ông Hiệu trưởng và nhờ ông gởi ra ông Chánh chủ khảo Hội đồng Đà Nẵng. Bà phàn nàn thay chồng:
- Thưa cụ, nhà tôi thật tiếc quá. Đến ngày đi thì lại ốm. Nhà tôi đã bao nhiêu lần bảo mặc cứ đi, nhưng bác sĩ cản lại không cho đi. Nhà tôi bảo mỗi năm Chính phủ chỉ nhờ mình một một lần…
Ông Hiệu trưởng đằng hắng một tiếng khiến bà ngừng nói, đợi chờ ông ban ý kiến. Nhưng sau cái đằng hắng là tiếng gọi “Bác Cai!”, ông gọi thật to, như quát. Và bà vợ người giáo sư mẫn cán xin phép ra về.
Ngày lên tàu, mấy giáo sư tán chuyện gẫu trên sân ga.
- Được đi Dalat sướng mê đi, sao mặt mày buồn thiu như đưa đám ma thế kia? Lên gặp Minh Châu tha hồ mà đi hồ Than Thở.
- Nói nhảm. Minh Châu đi chấm ở Nha Trang. Mình vừa nhận được điện tín xong.
- Còn “bồ” sao cũng không vui?
- Chủ nhà nó đòi nhà lại để nó ở. Hết hạn báo thị rồi mà moa chưa tìm được chỗ nào ưng ý. Bây giờ lại phải đi nửa tháng.
- Chỉ có ông bô Chính thích đi Đà Nẵng thì lại ốm không đi được. Bô ấy ốm gì nhỉ? Mới vừa thấy béo na béo núc ra ấy mà.
- Chả biết ốm gì, nhưng mà để bố ốm cho bỏ ghét. Cái mồm cứ mỏng lèo lèo. Lúc nào cũng tinh thần, xung phong, gương mẫu…
Người ta không hiểu ông Chính. Khi phán đoán về ai, người ta thường hoặc quá khắc nghiệt, hoặc quá dễ dãi. Cả hai thái độ đều có chung một nguyên nhân là lòng ích kỷ. Phán người ta nhưng lại vì mình mà phê phán nên ý kiến không đúng với sự thật. Sự thật ở đây chỉ có ông Chính biết mà thôi. Sự thật đó là ông chẳng bệnh tật gì hết mặc dù có giấy chứng của bác sĩ. Sau khi gởi giấy xin phép nghỉ, ông Chính gọi vợ dặn nhỏ:
- Thật ra, tôi chả đau ốm gì. Chỉ vì năm nay thằng Liêm nó thi mà sức học của nó còn kém quá. Tôi phải tìm cách ở lại để lo cho nó thi đỗ.
Bà Chính há hốc mồm nghe rồi lơ đãng để rơi một tiếng “ờ”.
- “Thật vô vị là cái mụ nầy”, ông Chính nhíu mày suy nghĩ. Tưởng vợ tán tụng tài trí và mưu cơ của mình, ai ngờ mụ chỉ đẫn đờ buông thõng một tiếng chán đời ấy. Ông xẵng giọng nói:
- Để mọi người không ai đoán được ý định của tôi, tôi đã ông đóng kịch hăng hái hàng tuần lễ trước. Thế mà bà có biết đâu.
- Vâng.
- Vâng là cái gì?
Ông quắc mắc nhìn vợ hỏi.
- Nói với bà chán như cơm nếp ấy. Thôi, bà đi xuống.
Bà Chính tuân theo lệnh chồng một cách thản nhiên bình tĩnh. Gần hai mươi năm chung sống, mỗi lần nghe chồng bàn tính công việc, bà chỉ biết dùng chữ “vâng” chữ “ờ” như để chấm câu cho chồng nghỉ hơi. Không phải vì bà khờ nhưng mà vì bà biết chồng mình khôn ngoan lanh lợi mình không thể nào bì kịp. Đưa ra ý kiến nào cũng bị chồng chê là non, là vụng, rốt cuộc bà trở thành e dè, gần như thụ động. Sự thụ động trong tâm hồn đã ảnh hưởng mạnh đến thể xác của bà. Bụng và ngực sệ xuống, dường như những sợi đàn hồi trong các mô liên kết không còn đủ ý chí để thắt gọn lên được nữa. Mắt hay nhìn xuống đất và những khi phải ngó lên thì hai tròng đen nhìn lác hẳn đi. Ngày mới lấy ông Chính thì mắt bà đâu có lác nặng như thế? Giọng nói cũng mỗi ngày một uể oải rụt rè, rụt rè cả ngay khi bà sai bảo đầy tớ.
Hai ngày trước hôm thi, các giám khảo lục tục đến bằng chuyến tàu suốt từ SaiGon ra và từ Huế vào. Ông Chính cần mẫn lên ga đón. Đối với những người quen ở trong nghề như ông thì việc nhận ra các giám khảo không phải là điều khó. Họ đi từng nhóm ở toa hạng Nhì xuống. Một chiếc va-li nhỏ trên tay. Trừ vài thanh niên láu lỉnh còn thì họ đều có vẻ mặt ngơ ngác lãnh đạm của người tri thức. Ông Chính xông vào một người đứng tuổi nước da mai mái. Bàn tay chìa ra trước khi tiếng nói theo kịp.
- Chào bác. Năm nay bác về chấm ở đây.
- Vâng ạ, kìa chào bác.
Ông Như, một giáo sư ở trường Trung học Duy Tân, vừa đón tay, vừa mỉm cười trả lời. Tới một địa phương gặp một người quen, không mấy ai là không thích.
- Thế bác không phải đi đâu cả?
- A… Tôi phải đi Đà Nẵng nhưng lại bị ốm hôm lên tàu.
- Ồ! Tiếc quá nhỉ? Trông bác có hơi xanh đi đấy.
Ông Chính giật nẩy mình. Mình xanh thật hay là ông bạn biết rõ bệnh dối của mình mà nói mỉa? Cả hai sự thật đều đáng ngại cả. Ông quay sang các giám khảo đang đứng vây quanh, vẻ mỏi mệt chờ đợi.
- Còn đây là…
Ông Như đỡ lời:
- Xin giới thiệu với bác, các giám khảo ở Phan Thiết ra… Các bạn này ở Đalat xuống… Còn đây…
Ông Chính phá ra cười liền khiến hai con mắt híp lại:
- À, biết rồi. Bạn quen cả mà, anh Hỷ, anh Tùng, anh Thuận. Các bạn vừa ở Nha Trang ra. À, có cả chị Ngọc Lan. Sao? Ở trường Nữ Trung học chỉ có một mình chị ra thôi à?
Người nữ giáo sư tên là Ngọc Lan trả lời quá nhỏ không ai nghe được. Vả lại người ta đang bận bắt tay, những cái bắt tay không hăng hái vì lặp lại quá nhiều.
- Mấy bác đã có chỗ trọ sẵn cả rồi chứ?
Nhiều người trả lời một lượt. Đại khái thì kẻ có người không. Nhiều người định ra phố thuê phòng. Một số ít định ghé lại nghỉ tại trường.
- Phải đó, - lời ông Chính, - chúng tôi đã cho sắp đặt một phòng học dành cho quý vị. À, xuống ngay trường Cường Để mới nhé? Trường cũ nóng lắm không chịu được. Xích-lô!
Mấy bác xích-lô đứng vây quanh các thân chủ tranh nhau lên tiếng.
- Dạ… Dạ…
- Chở mấy thầy xuống trường Cường Để mới nhé? Biết trường mới không?
Các giám khảo đã an vị trên xe xích-lô, ông Chính xoa tay nói:
- Thế là các bác đã có nơi chốn an ổn hết rồi. Không có bác nào đến ở với tôi cho vui.
Lời mời mọc lộ tính chất hình thức đãi bôi không được ai trả lời. Ông Chính quay lại tìm cô giáo Ngọc Lan. Nhưng lặng lẽ, cô đã lên xích-lô đi đâu mất từ lúc nào.
Khi chuyến tàu suốt ở Huế vào, ông Chính cũng lặp lại sự cần mẫn vừa rồi. Lần này ông không còn ngượng miệng như lần đầu, ông bảo: “Chúng tôi đã cho sắp đặt một phòng học dành cho quý vị”. Vì thật ra sự sắp đặt là do bác cai trường theo một lệnh của ông Tổng giám thị. Vả lại, có gì đâu mà gọi là sắp đặt? Cứ hai cái bàn học kê sát nhau làm một giường nằm, trên tường chăng bốn đường dây kẽm để mắc màn, thế thôi. Giám khảo đến ở tại trường thì ít và phần lớn là những người vô tâm. Họ chỉ cần sự tinh khiết của khoảng rộng.
Ba ngày thi lần lượt trôi qua. Thằng Liêm làm bài chả ra gì mặc dù ông đã bảo nó cứ nhìn sang bài của hai đứa ngồi cạnh. Nhưng ông tháo vát lanh lẹ bao nhiêu thì thằng Liêm hiền lành đờ đẫn bấy nhiêu. Nó sợ thầy giám thị, cô giám thị, sợ ông giám thị hành lang, sợ chủ khảo, sợ cả mấy ông lính mang súng đi đi lại lại ngoài sân trường nên nó chả dám nhìn ai hết. Bài nháp nào đem về đưa cho ông coi ông cũng la rầm lên làm nó càng sợ hơn. Rốt cuộc ông phải gọi giật bà lên để phân bua:
- Đấy, bà xem, nó học dở như thế đó.
- Thì nó học dở từ hồi giờ.
Bà thủng thỉnh trả lời.
- Ai chả biết là nó dở.
Ông nói gần như thét lên.
- Đã biết thế còn bảo tôi làm gì nữa? Nó bé oắt như con mắm thế kia mà ông cứ bắt nó học.
- Thôi dẹp bà đi. Chả bàn bạc được cái gì với bà hết. Nói ngang như cua ấy.
- Chả ngang thì…
Ông Chính đứng phắt dậy, đưa tay quyết tìm một vật gì ném xuống đất để biểu lộ cơn giận. Nhưng trên bàn chỉ toàn những vật có thể vỡ được, chẳng hạn cái tách, lọ mực, bình hoa. Ông đành phải chọn lấy tập báo ném phịch xuống đất rồi la lên:
- Thôi, tôi không nói với bà nữa.
Và ông bỏ vào giường nằm.
Các hội đồng giám thị ở Tuy Hòa, Quảng Ngãi đã tập trung đầy đủ về Trung tâm Qui Nhơn. Ông bắt gặp được anh Độ, một trong những thư ký hội đồng. Ông nói nhỏ:
- Khi rọc phách nhớ coi dùm bài của thằng nhỏ con “moa” một tí nhé? Số ký danh của nó là 612. Phòng 18. Trung tâm Qui Nhơn. Nhớ ghi dùm số phách cho “moa” tí nhé?
Độ nhăn mặt:
- Chủ khảo gắt như mắm…
- Thôi mà - ông Chính vội vỗ vai Độ - giúp dùm cho “moa” một tí mà.
Độ định ừ à cho qua chuyện nhưng thấy ông Chính cứ quanh quẩn ở hành lang nên biết là không giúp không xong. Thà giúp một tiếng còn kín nhẹm hơn là để ông cứ thì thầm nhỏ to với mình khiến chủ khảo thêm nghi ngờ. Vả lại ông khéo xếp đặt quá khiến sự hiện diện của ông ở phòng chấm rất đỗi tự nhiên. Ông gọi anh Cai mang thêm ghế ngồi vào cho các thầy. Ông gọi anh Cai pha thêm nước trà. Ông gọi anh Cai xuống đuổi mấy người thí sinh lảng vảng ở trong cổng trường. Đối với chủ khảo thì ông gợi chuyện một cách rất nhã nhặn:
- Tôi chắc ông phải khó chịu với những khách sạn ở Qui Nhơn?
Ông chủ khảo ngơ ngẩn không biết kẻ đối thoại định nói gì. Nút cà-vạt của ông nằm lệch sang một bên cổ sơ mi. Lưng ông gù hẳn xuống. Sự mệt mỏi đọc dược trên đôi mắt lờ đờ, trên da mặt bóng mồ hôi, trên mái tóc rơi lè phè trước trán. Ông vừa bực mình vì các giám khảo đến phòng họp quá trễ giờ, thích tán chuyện với các cô giáo mà lại muốn công việc chấm thi phải xong trong năm ngày. Họp chấm ngày thứ Hai mà ngót một nửa số giám khảo đã ghi vé máy bay thứ Sáu về. Ông Chính phải lại xoay câu hỏi thăm:
- Thưa ông, ông trọ ở khách sạn nào?
- Dạ, tôi ở khách sạn Khánh Vân.
Vừa trả lời, ông chủ khảo vừa lơ đãng nhìn ra xa. Rồi ông chợt quay lại:
- Xin lỗi ông… - ông đưa tay ra bắt, - … Tôi đang bận quá.
Ông Chính không bị mếch lòng vì thái độ lạnh nhạt hấp tấp của ông chủ khảo. Người có trách nhiệm điều khiển bao giờ cũng đa nghi. Họ tưởng ai cũng rình rập để lợi dụng họ thành ra họ rất bủn xỉn nụ cười và lời xã giao. Ông Phó chủ khảo cởi mở hơn. Vì trách nhiệm có chủ khảo gánh, công việc có thư ký làm. Ông tươi cười đón lời hỏi thăm của ông Chính và nhún vai một cái:
- Khách sạn? Gọi hơi quá, vì chỉ có cái tên là có vẻ khách sạn mà thôi: Bồng Lai, Lan Đình, Đồng Khánh… Đó chỉ là những căn phòng hẹp ở sau những hiệu buôn tạp hóa người ta lợi dụng đem cho thuê…
Ông Chính tán đồng ý kiến ngay:
- Vâng, đúng thế ạ. Ông nhận xét rất đúng.
Gió ở biển phây phẩy thổi vào, mát nhẹ. Ông Phó chủ khảo thích chí nói tiếp:
- Người Bình Định sống trong hoàn cảnh chiến tranh mười năm nên họ biết lợi dụng từng tấc đất một. Không quảng canh được thì họ thâm canh.
Biến nhà sau thành khách sạn, đó cũng là không bỏ phí một tấc đất, một cách thâm canh vậy.
Thú vị vì lời nhận xét, ông Chính cười ha hả và vội giơ tay bắt tay ông Phó chủ khảo trong một thế tán đồng thân mật. Vừa lúc ấy bóng anh Độ đi ra, và ông vội cáo từ đi lảng nhanh về phía anh.
Hai người gặp nhau ở cầu thang gác.
- Cụ nhớ ghi số phách quốc văn: Am 26.
- Am 26.
- Pháp văn: Bp 25.
- Bp 25. Còn mấy món kia?
- Tôi chỉ tìm được có hai món.
- Nhờ tìm hết dùm tí, bác (Ông đã thăng Độ lên chức Bác)
- Hai món chính, hệ số 6 rồi còn đòi gì nữa? Con cụ ở lớp đứng thứ mấy?
- Cháu kém lắm. Đứng thứ 48. Gần chót.
Độ vô tình nhún vai tỏ ý chán nản. Nhưng anh vội chữa lại cử chỉ vụng vừa rồi của mình bằng một nụ cười gượng gạo:
- Nhưng được hai món hệ số 6 rồi thì có hy vọng.
- Tội nghiệp mà. Không đỗ nổi đâu. “Bác” gắng giúp thêm tí nữa.
Chợt có tiếng giày ở phòng chủ khảo đi ra, Độ vội vàng bước xuống cầu thang. Bực mình, nhưng anh không thể vô tình với câu khen vuốt đuôi của ông Chính:
- Thôi, gắng giúp “moa” (1 ) tí nhé, rồi moa làm mai cho toa(2 ) cô Nhã. Cô Nhã chấm Lý Hóa đó, có mê không? Dạy Cường Để đó. Cả Trung tâm này chỉ có toa là xứng với en (3 ) thôi.
Được mấy số phách, ông Chính lân la lại các tiểu ban: tiểu ban Toán, tiểu ban Công dân Giáo dục, tiểu ban Pháp văn… Tìm cho biết được bài thi của con mình thuộc về tay ai chấm, thật không phải là dễ. Nhưng ông Chính là một người chịu khó. Đầu tiên ông gặp được xấp Pháp văn có bài con ông rơi vào tayanh Khoa, một bạn đồng nghiệp đã cùng dạy với ông mấy năm ở trường Trần Hưng Đạo. Ông rỉ tai:
- Am 26 là con tôi đó.
- A!…
Anh Khoa mỉm cười lật tìm số Am 26. Đọc qua một lượt, Khoa vỗ đùi đánh “đẹt” một cái, nói to lên:
- Ồ! Kém quá. Kém quá. Làm chả được gì hết. Chia verbe Rendre mà cũng sai.
Ông Chính cảm thấy ruột mình quắn lại khi đưa mắt theo dõi cặp mắt chăm chăm của Khoa nhìn xuống bài làm và tim mình chồm lên khi Khoa vỗ vào đùi. Ông nói nho nhỏ:
- Vu (4 ) cho cháu nó đủ moi-en (5 )
- Cho thế nào được?
Khoa quay lại nhìn ông, tròng mắt chao lên nhiều vòng sau lần kính trắng.
- Làm sai hết thế này mà.
- Vu nói nho nhỏ vậy. Thôi vu bớt đi 1, cho cháu nó 9 điểm.
- Không được. Bài đáng 5. Cho thêm 1 là 6.
- Chết! Vu giết moa. Thôi cho cháu 7 điểm rưỡi.
“Thật tai ác là thằng Khoa”, ông Chính nghĩ. Mình cứ tưởng chỗ quen thì dễ nài, hóa ra không hẳn thế. Chả bù với hai vị giám khảo chấm Sử Địa và Công dân Giáo dục, ông Chính không quen biết lần nào cả nhưng khi kể lể gia cảnh (cần nói láo một chút) và chỉ vào mái tóc có dăm sợi bạc của mình là các vị nới rộng điểm giúp cho ngay. Thật là những người dễ dãi, hào phóng. Cô giáo Lý Hóa, - không phải là cô Nhã, tất nhiên, - trông thế mà cũng nghiệt ra phết. Chỉ “vâng… dạ… đồng ý chấm nới tay…” nhưng nhất định không cho biết là mấy điểm. Chẳng lẽ lại vào ngồi cạnh cô để nài. Bài luận Quốc văn thì biệt tăm không biết do ai chấm. Ông chỉ còn trông chờ ở số vận may. Thằng Liêm lý luận không hay nhưng chữ nó viết đẹp sáng sủa. Ông Chính trông sao cho bài làm của nó rơi vào tay một ông giám khảo nhớ nhà. Ông ta sẽ đọc lại cái nhập đề và cái kết luận. Ông ta sẽ tìm vài lỗi chánh tả để gạch cho đỏ bài nhưng bài không có lỗi chánh tả. Ông Chính thâm hiểu tâm lý của một số giám khảo nên đã dặn con cố viết cái nhập đề và cái kết luận cho thật hay và lưu ý đừng để phạm những lỗi chánh tả. Ông giám khảo nhất định sẽ cho điểm quanh quẩn ở 8, 9, 10. Bài Toán thì vô phúc bị đem ra cho tiểu ban cùng chấm để làm thang điểm. May trúng được hai phần bài. Nhằm bài toán đã làm ở trường rồi thế mà chép lại cũng còn sai lên sai xuống.
Cũng như mọi thí sinh, ngày vô phách cộng điểm, ông Chính thấy sao mà dài thế! Thằng Liêm thì cứ lêu nghêu đi dạo biển và đọc tiểu thuyết, làm như chính ông đi thi chứ không phải nó thi. Ông gọi giật nó, hỏi:
- Sao tao chả thấy mày lo lắng gì cả thế?
- Thì thầy bảo con lo cái gì nữa? Thi đã xong rồi thì chỉ còn đỗ được trượt thôi chứ còn lo gì nữa?
- Mầy nói như… cái con chó ấy. Thật là mẹ con mày một lũ.
Và ông vào thay áo xuống trường.
Phòng họp rộn rịp ồn ào. Chỗ này vô điểm, tiếng rao điểm luân phiên nghe nhịp nhàng như tiếng một cái máy lạ đang chạy. Chỗ kia rầm rì tiếng cộng điểm. Ông Chính lại mượn xem bảng kết quả của phòng 18 trung tâm Qui Nhơn. Những chữ “đậu” ghi rải rác trước những tên thí sinh. Ông lật nhanh đến tên Nguyễn Thanh Liêm số ký danh 612. Ông lặng im đưa mắt nhìn, lẩm nhẩm tính từng cột điểm. Đoạn để tập giấy xuống bàn, ông lặng lẽ bước ra hiên. Nét mặt đăm chiêu, ông nhìn ra bãi bể Gành Ráng. Đôi con mắt nheo lại và môi mím trong vẻ suy nghĩ. Anh Khoa ra uống nước, lại gần hỏi:
- Sao buồn thế bác? Cháu Liêm hỏng rồi à?
Ông lắc đầu không trả lời.
- Tôi cho đủ 7 điểm rưỡi bác yêu cầu mà.
- Vâng, tôi nhớ.
- Thế thì sao mà hỏng được?
- Không. Đâu có hỏng.
Nghe tiếng “hỏng”, vài giám khảo đứng gần đó quay lại hỏi:
- Sao? Con cụ hỏng rồi à?
- Chết chết! Hỏng thật sao?
Mấy giám khảo ngồi trong phòng cũng quay mặt ra. Có cả cô giáo chấm Lý Hóa và hai vị chấm Sử Địa và Công dân Giáo dục dễ tính. Người nào cũng lộ vẻ ái ngại cho người đồng nghiệp tốt bụng của mình. Mọi người, nhất loạt, đều cảm thấy lương tâm rỉa mình khe khẽ vì ai cũng nghi rằng bài của con người bạn đã rơi vào nhằm tay mình. Rồi có người chép miệng:
- Tội nghiệp. Đứa nào cho điểm ác.
- Ông ta có thể xin chủ khảo…
- Cụ ấy người có tuổi, dáng đứng đắn chắc không thèm hạ mình xin xỏ lôi thôi.
Tiếng xì xào im bặt khi ngoài hành lang ông Chính chẩm rãi mà ưu tư nói:
- Thưa các bác, cháu không hỏng ạ.
- Chứ sao?
- Cháu được đỗ ạ.
- Đỗ mà sao cụ buồn thế kia?
- Dạ… Cháu được 142 điểm. Chỉ còn thiếu 14 điểm nữa là được Bình thứ. Tức thế. Phải các bác nới tay cho cháu một chút thì cháu đã đỗ Bình thứ rồi. Bậy quá. Tiếc quá.
Chú thích:
(1) Tôi, phát âm tiếng Pháp
(2) Anh, mày (phát âm tiếng Pháp)
(3) Cô ấy, chị ấy
(4) Vous: anh, ông
(5) Moyenne: điểm trung bình