Năm 1965, tôi hai mươi ba tuổi, đang học để sau này làm ông giáo trung học dạy ngôn ngữ và văn chương. Một sớm tinh mơ tháng chín, tôi đang học tại phòng riêng. Nhà tôi là một chung cư duy nhất trong khu phố, và chúng tôi sống ở tầng thứ sáu.
Tôi thấy hơi lười biếng, chốc chốc lại nhìn bâng quơ ra ngoài cửa sổ. Từ đó tôi có thể thấy con phố và, ngay đằng sau vỉa hè bên kia đường là mảnh vườn tỉa tót tỉ mỉ của lão Don Cesareo. Nhà lão nằm trên lô đất ở góc đường, một góc nhà bị vát chéo, vì thế ngôi nhà mang hình thù một khối năm cạnh không đều.
Cạnh nhà lão Don Cesareo là ngôi nhà xinh xắn của gia đình Bernasconi, những người tử tế dễ mến. Họ có ba cô con gái, và tôi trót đem lòng yêu cô chị cả là Adriana. Thế nên, chốc chốc tôi lại phóng con mắt nhìn sang phía vỉa hè bên kia đường, thì chỉ vì thói quen của con tim nhiều hơn là mong muốn được nhìn thấy nàng vào cái giờ sớm sủa thế này.
Theo tập quán của mình, lão Don Cesareo đang tưới nước và chăm sóc mảnh vườn yêu quý của lão ngăn cách với mặt đường bằng một hàng rào sắt thâm thấp và bực tam cấp bằng đá.
Con phố vắng tanh, thế nên tôi không khỏi chú ý tới gã đàn ông hiện ra từ khu phố kế bên và đang đi về phía khu phố chúng tôi, men theo cái vỉa hè chạy ngang qua phía trước nhà Don Cesareo và gia đình Bernasconi. Mà sao lại không chú ý tới gã cho được vì hắn là kẻ xin ăn hay một tên đầu đường xó chợ, mà gọi cho đúng thì chính xác là một mớ giẻ rách sẫm màu.
Râu ria xồm xoàm và gầy, da bọc xương, hắn chụp lên đầu cái nón rơm vàng bợt bạt không còn ra hình thù gì. Bất chấp nực nội, người hắn trùm kín trong cái áo choàng te tua, xám xỉn. Ngoài ra, hắn còn quảy theo cái bị to tướng, bẩn thỉu, và tôi đồ rằng hắn tích chứa trong ấy những của bố thí và những thức ăn thừa thải nhặt nhạnh được.
Tôi tiếp tục quan sát. Kẻ lang thang dừng chân trước nhà Don Cesareo và hỏi xin lão chi đó qua những song sắt hàng rào. Don Cesareo là lão già bần tiện, tính tình khó chịu; chẳng thèm để ý gì, lão chỉ việc khoát tay như thể tống cổ kẻ ấy đi. Nhưng gã hành khất dường như đang hạ giọng nài nỉ, và lúc ấy tôi nghe rõ tiếng lão chủ nhà quát lớn:
“Đi đi, xéo khỏi đây, đừng quấy rầy tao!”.
Tuy nhiên, kẻ lang thang lại cố lì, và giờ đây hắn còn leo cả lên bậc tam cấp mà lay lay cánh cổng sắt. Lúc ấy, hoàn toàn mất hết chút kiên nhẫn ít ỏi, Don Cesareo xô hắn ra một cú thật mạnh. Kẻ xin ăn trượt chân trên tảng đá ướt, cố gắng chộp lấy một song sắt mà không được, rồi ngã huỵch xuống đất. Trong khoảnh khắc như chớp lòe, tôi thấy hai chân gã chỏi lên trời, và tôi nghe tiếng vỡ khô khốc khi chiếc sọ đập vào bậc thềm thấp nhất.
Don Cesareo chạy ra đường, lom khom cúi xuống sờ ngực gã. Hoảng sợ, lão già lập tức chộp bàn chân gã kéo ra lề đường. Rồi lão vào nhà, đóng cửa lại, chắc mẫm rằng không ai chứng kiến tội ngộ sát của lão.
Chứng nhân duy nhất là tôi. Không lâu sau một người đàn ông đi qua và dừng chân bên xác gã ăn mày. Kế đó thêm những người khác và lại thêm những người khác nữa, rồi cảnh sát cũng tới. Gã hành khất được bỏ lên xe cấp cứu chở đi.
Tất cả câu chuyện là thế và sự việc không hề được ai nhắc lại.
Phần tôi, tôi rất thận trọng chẳng hở miệng. Có thể tôi xử sự tồi, nhưng buộc tội lão già chưa từng làm hại chi tôi thì sẽ được cái gì chứ? Mặt khác, lão đâu cố ý giết gã ăn xin, và với tôi dường như là sai lầm nếu để cho kiện tụng làm đắng cay những năm tháng cuối đời lão. Tôi nghĩ tốt nhất là để mặc lão với lương tâm của lão.
Từng chút từng chút một, tôi dần dà quên đi tấn kịch nọ, nhưng mỗi khi nhìn thấy Don Cesareo, tôi lại có cảm giác lạ lùng lúc nghĩ tới việc lão không dè rằng tôi là người duy nhất trên đời này biết rõ bí mật khủng khiếp của lão. Từ đó trở đi, không hiểu vì sao, tôi tránh mặt lão, và chẳng hề dám nói chuyện với lão nữa.

*

Năm 1969 tôi hai mươi bảy tuổi và có mảnh bằng dạy ngôn ngữ và văn học Tây Ban Nha. Adriana Bernasconi đã không cưới tôi mà lấy một anh chàng nào đó, và ai mà biết được liệu hắn có yêu nàng hay xứng đáng với nàng cho bằng tôi đâu.
Khoảng thời gian đó, Adriana mang thai và rất gần ngày sanh nở. Nàng vẫn sống trong ngôi nhà xinh xắn dạo nào, và chính nàng trông càng đẹp hơn từng ngày. Đúng vào sáng sớm tháng chạp nghẹt thở ấy, tôi đang dạy kèm ngữ pháp cho mấy cậu học trò trung học chuẩn bị đi thi, và, như thường lệ, chốc chốc tôi lại phóng cái nhìn rầu rĩ sang bên kia đường.
Bất chợt, tim tôi đập thình thịch, và tôi nghĩ mình là nạn nhân của chứng ảo giác.
Y như bốn năm trước, đang men theo đúng con đường cũ là gã ăn mày Don Cesareo đã giết chết: cũng hệt những quần áo tả tơi, tấm choàng xám xỉn, vành nón rơm không còn ra hình dạng, cái bị bẩn thỉu.
Quên đám học trò, tôi nhào ra cửa sổ. Gã ăn mày đang dần dà chậm bước, như thể hắn đang gần tới đích.
“Hắn đã sống lại,” tôi nghĩ, “và hắn tới để trả thù Don Cesareo”.
Tuy nhiên, lúc này đang giẫm chân trên vỉa hè trước nhà lão già, gã ăn mày đi qua hàng rào sắt và tiếp tục cất bước. Rồi hắn dừng lại trước cửa nhà Adriana Bernasconi, đẩy then cửa, và bước vào nhà.
“Thầy sẽ quay lại ngay!”. Tôi bảo đám học trò, và điên lên vì lo lắng, tôi cho thang máy chạy xuống, phóng vụt ra đường, chạy băng qua lộ, và vào nhà Adriana.
Đang đứng bên cửa, dường như sắp sửa rời khỏi nhà, mẹ nàng bảo tôi: “Chà, chào anh khách lạ! Anh đấy à...? Ghé đây à...? Phép lạ chẳng bao giờ hết ư?!”.
Bà lúc nào cũng ưu ái đối với tôi. Bà ôm chầm tôi mà hôn, nhưng tôi chẳng hiểu đang xảy ra việc gì. Sau đó tôi biết là Adriana vừa mới sanh con, và tất cả mọi người đều vui mừng, phấn khích. Tôi chẳng thể làm gì khác hơn là lắc lắc bàn tay của kẻ tình địch chiến thắng.
Tôi không biết hỏi sao, và cân nhắc xem lặng thinh liệu có tốt hơn không. Sau đó tôi đi tới một giải pháp trung gian. Với vẻ dửng dưng giả tạo, tôi nói:
“Thực ra tôi vào nhà mà không nhấn chuông gọi cửa vì nghĩ rằng tôi đã bắt gặp một kẻ ăn xin quảy cái bị to bẩn thỉu lẻn vào nhà ông bà, và tôi sợ rằng hắn có thể đang khua khoắng món gì đó”.
Họ nhìn tôi ngạc nhiên: Ăn xin? Bị gậy? Trộm cắp? Tất cả mọi người nãy giờ đều ở trong phòng khách và chẳng hiểu tôi đang nói về điều gì.
“Thế thì ắt là tôi nhầm lẫn mất rồi” -tôi nói.
Sau đó họ mời tôi vào phòng Adriana và đứa trẻ sơ sinh. Trong hoàn cảnh như thế, tôi đời nào biết phải nói năng chi. Tôi chúc mừng nàng, hôn nàng, nhìn đứa hài nhi, và hỏi họ sắp đặt cho nó tên gì. Họ bảo tên nó là Gustavo, giống như cha nó; tôi muốn nó mang cái tên Fernando của mình hơn, nhưng chẳng hé răng.
Quay về nhà, tôi nghĩ: “Đích thị là gã ăn mày mà lão Don Cesareo đã giết chết, mình quyết chắc thế. Hắn không trở về báo thù, mà đầu thai làm con Adriana”.
Tuy nhiên, hai ba hôm sau tôi thấy giả thuyết của mình kỳ cục, và tôi dần dà quên đi.

*

Và lẽ ra tôi đã quên hẳn sự việc nếu như năm 1979 không có một biến cố nhắc tôi nhớ lại chuyện cũ.
Hôm ấy, tôi ngồi bên cửa sổ hờ hững nhìn trang sách, và rồi lơ đãng nhìn bâng quơ ra ngoài.
Con trai Adriana là Gustavo đang chơi trên sân thượng nhà nó. Chắc chắn đó là trò chơi hơi thấp hơn lứa tuổi thằng bé. Tôi nghĩ thằng bé ắt hẳn thừa hưởng cái trí thông minh ít ỏi của cha nó, và giá như nó là con tôi, nó chắc chắn sẽ tìm ra cái trò gì bớt nhạt nhẽo hơn để giải trí.
Nó đã sắp một dãy lon trên đầu bức tường ngăn cách hai nhà và đang đứng xa ba bốn thước, cầm đá cố chọi cho mấy cái lon rớt xuống. Đương nhiên hầu như mọi hòn đá đều rớt sang mảnh vườn của lão hàng xóm Don Cesareo. Tôi chợt nảy ra ý nghĩ rằng lão già lúc ấy đang vắng mặt, sắp sửa phải chết ngất khi phát giác rất nhiều hoa của lão đã gãy dập.
Và đúng ngay lúc ấy, Don Cesareo từ trong nhà đi ra vườn. Lão thực sự già lắm rồi, hết sức thận trọng đặt từng bước chân dò dẫm, run run, yếu ớt. Chậm chạp một cách đáng sợ, lão tiến ra phía cổng vườn và sắp sửa bước xuống bậc tam cấp để xuống lề đường.
Cùng lúc ấy, Gustavo – không nhìn thấy lão – cuối cùng cũng ném trúng một cái lon và khi rơi khỏi đầu tường cái lon lọt qua vườn lão Don Cesareo, khua vang rổn rảng. Lão già đang đặt chân ở nửa chừng bậc tam cấp, nghe tiếng động, giật bắn cả người, liền trượt chân ngã nhào, đầu va vào bậc thềm thấp nhất, vỡ toác.
Tôi mục kích tất cả, nhưng thằng bé không hề nhìn thấy lão mà lão cũng chẳng hề trông thấy thằng bé. Vì lý do nào đó, Gustavo khi ấy đã rời khỏi sân thượng. Trong vài giây, nhiều người đã vây quanh thi thể Don Cesareo, và hiển nhiên ai cũng thấy rằng cú ngã vô tình chính là nguyên nhân làm cho lão mất mạng.
Hôm sau, tôi dậy rất sớm và lập tức đã đứng bên cửa sổ. Đám ma Don Cesareo đang được tổ chức trong ngôi nhà năm góc; nhiều người phì phèo thuốc lá và kháo chuyện trên vỉa hè phía ngoài nhà.
Những người ấy đứng đó, xao xuyến hãi sợ thì, một lát sau, bên ngoài nhà Adriana Bernasconi lại xuất hiện gã ăn mày ấy, vẫn te tua rách rưới, vẫn áo khoác ngoài, chiếc nón rơm, và cái bị. Y bước qua đám đàn ông đàn bà kia, chầm chậm chầm chậm, rồi từ từ mất hút ở nơi đằng xa, theo cùng hướng mà hai lần trước hắn đã tới.
Buổi trưa, lòng buồn buồn nhưng chẳng chút ngạc nhiên, tôi biết mọi người không tìm thấy Gustavo trên giường sáng hôm ấy. Gia đình Bernasconi bắt đầu cuộc tìm kiếm hão huyền với lòng hy vọng không hề lay chuyển cho tới tận hôm nay. Tôi đời nào dám bảo họ thôi hãy bỏ cuộc đi.
Trúc Mai (dịch theo bản tiếng Anh của Thomas C. Meehan)

Xem Tiếp: ----