Chiều nghe tiếng chuông rang rảng báo tin mãn giờ làm việc, thợ thuyền trong sở Ba Son dẹp đồ mặc áo ra cửa đi về. Thái đội nón và đẩy xe máy xăng sớm đi ra đường. Mặt trời chen lặn, gió thổi lai rai. Thợ thuyền kéo ra từng tốp, phần đông đi bộ, thì ra hai bên lề mà đi, còn lại đi xe máy thì chạy dưới lộ. Thái lên xe rồi đạp theo tốp xe chạy lên phía Đất Hộ. Gần tới tiệm sửa xe máy qua Cầu Bông anh ngừng lại mà xuống xe. Thấy ngoài cửa có hai người trai ở trần đương săn sóc hai chiếc xe máy, một người mở bánh ra mà coi bạc đạn, còn một người thì bơm hơi vô bánh chiếc xe kia. Thái dắt xe vô hỏi người bơm hơi coi có ông chủ tiệm ở nhà hay không. Người trai hất hàm vô phía tiệm mà nói có ông chủ ngồi đó, ngồi nói chuyện với khách. Thái thấy có người khách không muốn vô liền, anh đứng coi người trai sửa bạc đạn. Người trai đó hỏi xe anh trục trặc về cái gì. Anh nói anh ghé đặng thăm ông chủ chớ không phải sửa xe, vì xe anh còn tốt, lại anh săn sóc hàng ngày nên không hư gì hết. Người trai bơm xe xong rồi mới vô tiệm cho khách hay. Khách thuộc hạng thầy, mặc âu phục đàng hoàng móc tiền trả cho chủ tiệm rồi bắt tay từ giã lấy xe mà đi. Thái đem xe lại dựng bên đó rồi đi vô tiệm. Chủ tiệm chào và hỏi anh cần dùng vật chi. Thái không đợi mời, anh ngồi cái ghế trước mặt ông chủ mà hỏi: - Nghe nói tiệm ông muốn mua xe máy cũ đặng o bế mà bán lại, phải hôn ông chủ? - Phải, lóng trước anh em quen ai có việc muốn bán xe thì tôi mua dùm cho mà để đó, đợi ai có cần dùng thì tôi để lại cho người ta. Lóng nầy có xe mới qua nhiều, hiệu nào cũng có, lại giá rẻ, ai cũng áp mua xe mới, họ không thèm xe cũ, bởi vậy xe cũ khó bán quá, nên tôi hết muốn mua. - Tôi có một người bạn đương cần dùng tiền gấp nên cậy tôi bán dùm chiếc xe tôi để trước kia. Ông chủ tính mua thì tôi bán cho. - Cha chả! Trong tiệm đã có 3 cái xe cũ để đó, không ai thèm nói tới hết. Mua thêm nữa rồi bán cho ai? - Xe nầy còn tốt lắm mà. Bạn tôi dùng đi làm việc nên săn sóc hàng ngày, bởi vậy nhẹ và êm cũng như xe mới. Tôi chắc xe nầy dễ bán lắm. - Dầu xe tốt mấy đi nữa, hễ có xài rồi, nếu họ muốn mua thì họ cũng trả giá rẻ mạt, mua xe cũ chết vốn, mà bán có lời lóm gì đâu. - Tôi nói thiệt với ông chủ, bạn tôi đương bối rối việc nhà, vợ đau nên túng tiền. Muốn xổ số đặng cậy anh em trong sở mua dùm mỗi người một số, như vậy giúp bạn tôi có tiền chạy thuốc cho vợ. Ngặt bày xổ số lâu quá; bạn tôi cần dùng tiền gấp nên mới cậy tôi đi bán dùm. Ông chủ mua cũng như làm ơn giúp cho bạn tôi trong cơn túng rối vậy. - Anh nói thiết yếu quá, làm tôi động lòng. Vậy để tôi coi, nếu có thể được thì tôi sẽ giúp cho. Thái đứng dậy dắt ông chủ tiệm ra ngoài trước coi xe. Ông chủ là tay thợ, ông xem mỗi chỗ, ông thử đủ cách rồi hỏi: - Xe có đủ giấy tờ rành rẽ hay không? - Có giấy tờ hẳn hoi. Ông tính giá cả xong rồi tôi trao cho ông coi. - Anh định giá bao nhiêu? - Bạn tôi dặn bán 50. Nếu có rẻ nào cũng phải trên 40. Chớ đừng bán dưới giá đó. - Định giá như vậy thì mắc quá. Xe cũ mà định giá bằng xe mới, tôi chắc anh đi đến đâu cũng không ai mua nổi. - Xe nầy hiệu tốt chắc lắm. Hồi mới mua gần 60 chớ phải ít đâu. Đi năm mười năm nữa cũng không hư. - Phải. Hiệu xe nầy thì tốt và chắc lắm. Tôi là thợ sửa xe tôi biết mà. Nhưng xe cũ thì phải tính giá nhẹ người ta mới dám mua. Tưởng giá rẻ thì tôi ráng mua dùm cho đặng làm ơn cho người túng rối. Nếu mua tới 40 thì tôi bán lại chắc phải mất vốn phân nữa là ít. Thôi xin anh đem đến tiệm khác mà bán cho người ta. Tôi muốn làm ơn hết sức mà giá đó thì thiệt tôi mua không nổi. - Vậy chớ ông chủ muốn mua giá nào? - Theo tôi mua thì 20 là nhiều. Nếu có vị tình anh em thì tôi cho thêm hai đồng nữa. Đó là quá giá rồi. Thái phần thì tiếc chiếc xe của mình bấy lâu nay cỡi đã mến tay mến chưn, phần thì nghĩ 22 đồng bạc làm sao đủ tiền trả coi mạch và tiền tiêm thuốc. Anh buồn hiu rồi từ giã ông chủ tiệm đẩy xe mà đi. Ra đường anh nhớ lại vợ đau nằm ở nhà, nếu không bán xe thì làm sao mà có tiền cho vợ uống thuốc và cho con có sữa mà bú. Anh đứng dụ dự một chút rồi trở lại nói với chủ tiệm rằng tới 35 đồng anh mới bán được. Chủ tiệm lắc đầu mà nói 25 đồng cũng không dám mua chẳng luận là 35 đồng. Thái dắt xe đi. Trời đã tối rồi. Trong tiệm ngoài đường đèn điện đều cháy sáng hết. Thái nghĩ bây giờ nếu trở xuống Sài Gòn kiếm chỗ mà bán xe thì về khuya quá, sợ vợ ở nhà trông. Anh mới tính về ngã Bà Chiểu ghé tiệm cho mướn xe hỏi thử coi họ chịu mua hay không. Anh lên xe đạp qua Cầu Bông. Đi vòng trước chợ Bà Chiểu anh thấy có tiệm cho mướn xe máy anh ngừng lại và nhảy xuống. Trước tiệm có xe máy cũ sắp hàng hai bên, mỗi bên có bốn năm chiếc, để sẵn cho khách lựa mà mướn. Một đứa trai trạc chừng 15 tuổi, ngồi giữa cửa ngó ra đường mà chơi. Trong tiệm một chị đàn bà ngồi ăn trầu, hai bên vách có tủ kiếng đựng đồ phụ tùng xe máy để bán. Thái đẩy xe vô biểu đứa trai hỏi chủ tiệm muốn mua xe máy cũ để cho mướn hay không. Đứa trai nói ông chủ đi chơi rồi, có một mình bà chủ ở nhà chắc bà không mua đâu. Thái nài nỉ biểu đứa trai cứ vô hỏi thử bà chủ. Thấy hai đàng nói chuyện dan ca bà chủ bước ra hỏi Thái: - Thầy muốn kiếm ai? - Thưa, tôi muốn kiếm ông chủ hỏi coi ông mua xe cũ hay không? - Ông đi chơi ngoài Sài Gòn. Mà xe chi vậy? - Thưa xe máy. - Xe máy của tôi đã có tới chín mười chiếc. Mỗi bữa cho mướn có một hai chiếc. Chúa nhựt với ngày lễ học sinh muốn đi chơi mới cho mướn tới năm sáu chiếc, bởi vậy có xe dư luôn luôn, mua thêm làm chi nữa. - Tôi tưởng tiệm cần mua thêm thì tôi bán cho. - Không. Ổng nói xe nhà đây ai mua ổng bán bớt, chớ có tính mua thêm đâu. Thầy muốn bán xe thầy đó phải hôn? - Thưa, phải. - Thầy trị giá bao nhiêu vậy? - Tôi bán dùm cho anh em. Người ta dặn bán 40. - Mắc quá xe của tôi đây, ai mua 20 tôi bán liền. Lóng nầy xe rẻ lắm thầy à. Thầy định giá cao lắm sợ không ai mua đâu. Thái biết bà chủ tiệm nói lơ là, bà không tính mua, nói nhiều nữa vô ích, nên dỡ nón chào bà rồi dắt xe đi. Tới tiệm chập phô, anh ghé mua hai hột vịt đặng đem về luộc rồi dầm nước mắm ăn cơm. Anh móc túi lấy tiền mà trả, thì trong mình còn có một đồng bảy cắc. Anh châu mày lấy một cắc trả tiền cho tiệm. Họ thối 4 xu. Anh bỏ hết xu với bạc vào túi quần rồi lên xe đạp đi qua đường Hàng Thị mà về. Thái đã nói với vợ sẽ bán xe lấy tiền cho vợ đi Đốc Tơ tiêm thuốc. Mà bây giờ bán thì người ta không thèm mua; nếu mình nài nỉ mà bán thì chỉ có 22 đồng, không đủ chữa bịnh cho vợ. Vậy phải làm sao? Anh buồn quá, đạp xe di chầm chậm mà tính. Trừ chiếc xe máy ra trong nhà không có vật chi bán cho có tiền nhiều. Thế nào cũng phải bán chiếc xe máy dầu mắc dầu rẻ mặc kệ. Xe qua khỏi Cầu Mới ngoài Châu Thành rồi đường không có đèn điện nữa. Nhưng xe có đèn tuy không sáng lắm, song cũng dư thấy đường mà đi. Lại nhờ trăng mùng 6 rọi giúp sáng thêm, nên đường vắng vẻ không có nhà, mà anh Thái cứ đi, anh không lo sợ chi hết. Anh tính sáng mai vô sở anh mượn với Cặp-Rằn Tư mà xổ số chiếc xe của anh. Anh làm 50 số mỗi số bán một đồng. Anh cậy Cặp rằn nói với thợ mua số dùm. Anh sẽ kỉnh tiền nước cho Cặp rằn 5 đồng, như chê ít mà đòi 10 đồng anh cũng phải chịu. Phải làm như vậy mới có 45 hoặc 40 đồng cho vợ tiêm thuốc. Nếu Cặp Rằn không chịu nói giúp, hoặc nói mà người ta không bằng lòng mua số cho anh, thì buổi chiều anh sẽ ra Sài Gòn kiếm chỗ bán xe, chừng đó dầu mắc hay rẻ anh cũng phải bán, miễn là có ít chục đồng cho vợ uống thuốc. Anh Thái đương đạp xe đi chầm chậm mà suy tính giữa khoảng đường vắng vẻ lờ mờ, thình lình có cặp đèn pha xe hơi phựt cháy lên rọi đường sáng lòa. Anh ngạc nhiên không hiểu xe hơi của ai lại đậu tại khúc đường quanh gần nhà anh đó làm chi, xe đậu lại tắt đèn rồi bây giờ mới mở pha mà chạy qua Bà Chiểu. Anh nghi có cặp tình nhơn nào đây qua ngã ba ra Thanh Đa vắng vẻ, đậu xe ngồi tỏ bày tâm sự với nhau, từ hồi mới tối, bây giờ thấy đèn xe máy anh vô gần tới mới lên máy nổi đèn mà đi. Xe hơi chạy chậm lại êm ru, nhưng cặp đèn pha chói sáng làm lòa mắt anh Thái. Anh ngừng xe lại nhảy xuống đứng nép lề đợi xe hơi qua rồi anh sẽ đi. Chiếc xe hơi chạy tới. Anh Thái dòm vô xe thì thấy một thiếu nữ mặc áo xanh, tự lái xe mà đi, không có sốp phơ ngồi một bên, mà phía sau cũng trống trơn, không có ai ngồi hết. Anh lấy làm kỳ. Xe hơi qua rồi, anh lên xe máy mà đi, thầm nghĩ cô nầy đi hứng gió sao lại đi một mình, mà đêm tăm tối sao lại dám đậu xe tại khúc quanh vắng vẻ như vậy, anh đi tới gần khúc quanh nhờ đèn xe với trăng non chói sáng sáng, anh thấy giữa đám cỏ trên lề đường phía tay trái có vật gì hình như cái rương nhỏ ai để đó. Anh ngừng xe bước xuống, và xây đèn rọi mà coi. Anh thấy rõ thiệt quả một cái rương nhỏ đương bằng ruột tre còn mới tinh, nhưng có cái khăn bàn lông xếp mà kê nắp rương chớ không đậy khít. Thái càng ngạc nhiên hơn nữa, trong trí cứ nghi quyết cô gái lái xe hơi hồi nãy chở cái rương mà để đây chớ không phải người nào khác. Anh lưỡng lự không biết phải đi báo với bót hay là phải làm sao. Anh bối rối nhưng nghĩ có đi báo thì phải biết cái rương đựng vật gì mà nói chuyện cho rành. Anh sợ con nít chết nên người ta chở đến chỗ vắng vẻ mà bỏ. Mà rồi anh lại nghĩ người giàu sang có xe hơi tốt, biết cầm lái mà đi thì người ta chôn, chớ nỡ lòng nào đem bỏ như vậy. Vì nắp rương không đậy khít, anh tính dở nhầu mà coi. Anh ngó quanh quất, sau trước đều vắng hoe, không có dáng người. Anh dắt xe lại gần cái rương, xây đèn rọi ngay nắp, rồi anh làm gan một tay vịn xe một tay với hất cái nắp rương ra. Té ra thiệt một đứa nhỏ nằm trong rương, đầu có đội nón, mình có bao mền. Thái tưởng thây con nít chết nên tái mặt. Chẳng dè đèn xe chói đứa nhỏ mở mắt và quơ hai tay. Anh mừng quá, hết sợ nữa. Nghĩ vì hễ quanh rồi đi hơn một trăm thước thì tới nhà, chớ không xa, anh mới tính chở cái rương nầy về nhà cho vợ anh hay rồi anh sẽ đi ra bót mà cớ, đứa nhỏ sống, chớ không phải chết nên không cần báo gấp. Anh Thái đậy nắp rương lại, xây cái đèn cho ngay, kéo cái xe lại gần, rồi một tay choàng ôm cái rương mà để lên xe máy, một đầu gác lên chỗ hai tay cầm, một đầu gác trên cái yên. Anh thủng thẳng đi về nhà, một tay vịn cái rương một tay đẩy xe máy. Chị Hòa ở nhà nhờ uống chén sữa nóng hồi trưa, đổ mồ hôi nên buổi chiều nầy khoẻ khoắn chõi hỏi hơn mấy bữa trước. Đến nữa chiều em nhỏ khát sữa, chị bồng em ngồi cho nó bú. Vì sữa ít nên em bú không no đủ nên em cằn nhằn. Hòa nhúm lửa nấu một siêu nước sôi rồi lấy sữa khuấy nửa ve mà cho em bú thêm. Em Đào bú no rồi thì ngủ êm. Hòa để em nằm đắp mền tử tế. Chị đi khuấy hai phần chén sữa nữa rồi bưng ra ván ngồi uống và ngó chừng con. Uống sữa nóng chị đổ mồ hôi nữa, mà nhờ ra mồ hôi chị nghe trong lòng thơi thới. Chị lấy làm lạ, không hiểu tại sao chị đau mà uống thuốc như uống nước lã, không bổ ích chút nào, còn uống sữa nóng thì bịnh lại giảm, vậy thì mua sữa mà uống đỡ tốn hơn là uống thuốc mắc tiền quá. Người dốt họ tin tưởng việc họ thấy trước mắt, họ không nghĩ đến việc cao xa. Chị Hòa nầy biết đọc biết viết chữ Việt, mà chị không có học bao nhiêu, chị học với đời nhiều hơn là chị học với sách, nên chị cũng như phần đông trong hạng bình dân, chị tin việc thực tế trước mắt, chớ không kể môn khoa học cao kỳ, chị chê thuốc không hay ho gì, chị không dè thuốc không công hiệu là tại thầy chớ nào phải tại thuốc, đau một đường mà trị một ngã thì thuốc hay giống gì được. Thấy con ngủ mê, chị Hòa lấy lược ngồi gỡ đầu. Chị nhớ lời Thái dặn hồi đi làm, chị chắc chiều nay Thái bán cái xe nên mới về trễ. Chị nghĩ bấy lâu nay chồng chị cưng chiếc xe máy như cưng con, hễ đi làm về thì lau chùi săn sóc. Hôm nay vì chị bịnh mà chồng chị phải bán chiếc xe máy, rồi đây mỗi buổi đi làm phải đi bộ, nhớ đến tình cảnh ấy chị động lòng nên ứa nước mắt. Chị thầm vái chiều nay chồng chị bán xe chưa được, để tối chị cản chị nói chị nhờ uống sữa đã hết bịnh rồi, chẳng cần phải tiêm thuốc làm chi mà bán xe. Mặt trời lặn rồi, em Đào ngủ êm, chị Hòa khỏe khoắn nên vô bếp nấu cơm đặng chồng chị về có sẵn mà ăn. Nồi cơm cạn thì đã chạng vạng tối. Hòa đốt cái ngọn đèn dầu để trên bàn; chị khép bớt một cánh cửa rồi ra sân trông chồng. Chị cứ ngó chừng lên phía chợ. Một lát có người ra ngoài lờ. Chị thấy xa xa nên tưởng chồng chị bán xe rồi nên đi bộ mà về, chị hồi hộp trong lòng, té ra không phải. Chị thở một hơi dài, thầm nghĩ dầu chị hết bịnh mà chị mắc con nhỏ cũng không thể đi mua bán giúp với chồng cho được nữa. Từ đây chồng chị phải một mình mà day trở mà nuôi vợ con, mỗi tháng có hai mươi mấy đồng bạc làm sao no ấm cho được. Nghĩ tới tình cảnh đó thì chị thêm buồn thêm lo không biết phải làm sao đủ tiền mà ăn mỗi tháng đặng vợ chồng sống an vui với đứa con thân yêu. Chị Hòa mắt ngó chừng chồng mà tính tới nghĩ lui, chị không hay trong nhà em nhỏ ngủ thẳng giấc rồi đã thức dậy quơ tay đạp cẳng nãy giờ. Chừng nghe em hoé khóc chị lật đật trở vô, bồng em ngồi trên ván mà cho bú. Trong nhà im lìm, ngọn đèn dầu leo lét, rọi chỗ tỏ chỗ mờ, ngoài hè vắng hoe. Gió thổi lai rai, xô nhánh đu đủ đập vào vách lá lạt xạt. Hòa ngồi cho con bú, đương nắm tay nắm chưn con đưa lên mà săm soi. Thình lình nghe có tiếng động ngoài sân, chị ngước mắt ngó ra chỗ cánh cửa mở, chị thấy có một bánh xe máy ló vô chỗ đó rồi lại thụt lại dường như đem dựng một bên đặng mở bét hai cánh cửa rồi sẽ đẩy vô. Chị biết chồng chị về, mà chiếc xe máy vẫn còn thì trong trí chị mừng mừng. Té ra anh Thái hất cánh cửa vợ khép hồi nãy mà bước vô, hai tay lại bưng cái rương nhỏ đem để trên ván gần chỗ vợ ngồi. Chị Hoà hỏi: ” Rương gì ở đâu vậy?” Thái vừa cười vừa nói: “Rương gì dỡ lên thì biết“. Anh quày quả trở ra ngoài đẩy xe vô nhà dựng dựa vào vách. Hòa đưa tay giở nắp rương lên, thấy đứa con nít nằm ngo ngoe như em Đào của chị vậy, thì chị ngạc nhiên hỏi lớn: ”Con của ai ở đâu vậy? Anh đem về làm chi?“ Thái khoát tay nói: ”Đừng có la om sòm để thủng thẳng qua nói cho mà nghe”. Anh vừa nói vừa khép hết hai cánh cửa lại mà móc hai trứng vịt trong túi quần ra để vào cái tô trên bàn. Em Đào ngủ rồi. Hòa lót mền lót gối, nhẹ nhàng để em nằm một bên. Thái bước lại biểu vợ bồng dùm đứa nhỏ trong rương ra coi con trai hay là con gái, nó mạnh khỏe hay có bịnh. Thái mở bét nắp rương, Hòa lết lại một bên dỡ mền nỉ màu hột gà ra. Đứa nhỏ mở mắt trao tráo, quơ tay thiệt mạnh, không khóc la chi hết. Thái bưng cái đèn để gần cái rương. Hòa đưa hai tay bồng em nhỏ ra, nó ngó lơ láo dễ thương lắm. Hai vợ chồng xúm xem em nhỏ đầu đội cái mũ bằng chỉ len màu hột gà, hai bên tai có gắn hai cái bông trắng cũng bằng chỉ len. Mình mặc áo lụa trắng may máy còn mới tinh, cổ áo cửa tay, và trong áo đều có kết ren thiệt đẹp. Hai chưn có mang đôi vớ trắng cũng bằng chỉ len như cái mũ. Đít có buộc một tấm tã trắng. Thái biểu Hòa mở tã ra coi thì là con gái, vợ chồng ngó nhau mà cười. Hòa đương cột tã lại thì Thái thấy cổ em nhỏ có ló ra một khúc dây chuyền vàng. Anh thò tay móc trong áo ra thì thiệt quả em nhỏ có đeo sợi dây chuyền vàng, chỗ giáp mối lại có treo hình ông phật cũng bằng vàng nhưng thợ làm dẹp đặng nằm khỏi cấn. Hòa nói: ”Phải con nhà giàu mới đeo dây chuyền, mặc áo tốt như vậy. Mà con của ai ở đâu sao anh đem về đây làm chi”. Thái ngó vợ rồi gật đầu mà nói: ”Phải rồi. Cô đi xe hơi rồi bỏ ra đồng chớ ai!” Hòa ngạc nhiên nữa nên hỏi: “Cô nào đi xe hơi ở đâu?” Thái mới to nhỏ thuật sơ cho vợ nghe rằng hồi chiều ra khỏi sở anh đi lên đất Hộ kiếm người mà bán xe máy. Họ trả có 22 đồng rẻ quá nên anh không bán, anh vô Bà Chiểu tính bán cho cho tiệm cho thuê xe máy, té ra họ không thèm mua. Thấy khuya rồi nên anh mua hai trứng vịt đặng về nấu cơm ăn. Đạp xe đi về tới khúc quanh dưới đây, thình lình có một chiếc xe hơi đậu lối đó từ bao giờ không biết mà phựt đèn pha lên rồi rút chạy qua Bà Chiểu. Lúc gặp anh dòm vô xe hơi thì chỉ có một cô cầm tay lái mà chạy, trong xe không có ai nữa hết. Anh phát nghi nên gần tới khúc quanh anh cố ý dòm hai bên lề. Anh thấy cái rương nầy. Anh nhảy xuống, dắt xe lại gần và xây đèn mà rọi. Thấy nắp rương không đậy khít, anh dở lên mà coi đựng vật gì. Thấy đứa con nít anh tưởng nó chết anh xanh mặt. Té ra nó ngo ngoe và bị đèn chói nên nó mở con mắt. Ngoài đồng không có ai hết, anh không nỡ bỏ mà đi, bởi vậy anh mới đem cái rương để lên xe mà chở về cho vợ coi, tính ăn cơm rồi anh sẽ đem ra bót mà cớ và giao cho nhà chức trách định đoạt. Chị Hòa nghe chồng thuật hết câu chuyện, chị lấy làm kỳ, nên chị nói: “Em nhỏ mạnh mẽ lại dễ thương quá. Giàu có mà được đứa con như vầy, sao không để mà nuôi lại đem ra giữa đồng trống mà bỏ? Nếu anh không gặp, thì đêm nay nó khát sữa chắc nó khóc lòi rún; mà rủi có mưa gió thì nó chịu sao nổi. Hồi nãy bồng ra. Em thấy có một cái gối nhỏ. Anh lấy cho em để nó nằm đặng soạn đồ trong rương coi có những gì vậy“. Thái thò tay vô rương lấy đưa cho vợ một cái mền vuông nhỏ bằng nỉ màu trứng gà với một cái gối nhỏ và mềm, ngoài bao có kết ren hai đầu thiệt đẹp. Hòa trải mền kê gối để em nhỏ nằm xuống rồi vén mền đắp cho em. Em nằm chơi không khóc cũng như em Đào nằm kế bên đó cứ ngủ êm. Bây giờ Thái mới lấy ra từng gói đưa cho vợ mở xem. Trước hết một gói đếm được 9 tấm tả giặt ủi trắng tinh. Một gói chỉ có 2 khăn bàn lông lớn xếp lại để kế nắp rương cho khỏi bịt hơi, chắc là khăn để khi tắm em thì lau mình cho nó. Một gói 3 khăn bàn nhỏ bao hai hộp sữa bò. Một gói nữa cũng y như vậy song bao ở trong một cái ve có gắn núm vú sẵn để khuấy sữa cho em bú, một hộp có năm núm vú còn mới, một hộp phấn, với một cục xà bông thơm. Một gói có 5 cái mền nỉ nhỏ giống như cái mền đã trải cho em nằm đó, song ở trong có gói một ve nước thơm lớn chắc để khi nào tắm xong rồi thì thoa cho em. Một gói nữa có 5 cái áo, 2 cái bằng lụa, 3 cái bằng vải ba tít mỏng, cũng kết ren, mấy áo vải lại có viền màu đỏ, xanh và tím. Coi hết mấy gói rồi. Thái nói: “Đồ thứ nào cũng quý giá. Phải giàu sang lắm, mà cũng phải cưng con lắm mới sắm đủ thứ như vậy. Mà sao đồ như vầy, con như vầy, lại đem ra ngoài đồng mà bỏ? Kỳ quá! hiểu không nổi. Thôi để nấu cơm qua ăn cho no rồi qua ra bót trình cho nhà chức trách điều tra rồi sẽ biết. Em để cái ve với hai hộp sữa ra ngoài đặng con nhỏ có đòi bú thì mình khuấy sữa cho nó bú đỡ. Còn các món kia thì em gói lại từng gói như hồi nãy rồi để vô rương, đừng động tới. Bây giờ để lo cho mình ăn cơm đã. Qua có mua 2 hột vịt kia“. Hòa vừa gói đồ lại vừa nói: “Cơm em đã nấu sẵn hồi chiều rồi. Còn luộc hột vịt nữa thì ăn. Anh coi trong rương còn thứ gì nữa hay không“. Thái nói: “Còn một cái mền tua lót dưới đáy rương cho con nhỏ nằm, chớ có gì đâu“. Anh vừa nói vừa nắm cái mền kéo ra khỏi cái rương. Tình cờ một bao thơ ở trong cái mền rớt ra trên ván. Hòa vụt nói: “Ý! Có thơ gì đây!“. Chị lấy mà trao liền cho chồng. Thái buông cái mền, cầm phong thơ lại đưa gần ngọn đèn mà đọc nho nhỏ: “Ai gặp cái rương nầy, xin xé bao thơ ra mà đọc thì hiểu hết mọi việc”. Hòa liền nói với chồng: - Anh gặp cái rương thì anh cứ xé thơ ra coi người ta nói sự gì. - Qua muốn đem ra bót rồi qua sẽ xé trước mặt nhà chức trách cho có người làm chứng. - Có cần chứng cớ làm gì đâu. Bao thơ biên rành rẽ như vậy. Anh gặp cái rương thì anh có quyền xé bao thơ mà coi chớ. Em nóng qua, em muốn biết coi chuyện gì mà kỳ cục như vậy. Anh xé coi đại đi mà. Bao thơ nặng quá, chắc kể rõ câu chuyện dài lắm. Anh Thái bổn tánh chơn chất, lại thuở nay anh quen thói thẳng ngay, âm thầm chở cái rương về nhà, mà trong rương lại có đứa con nít với đồ đạc tốt quá, tự nhiên anh ái ngại, không biết có tội lỗi gì hay không. Anh cứ cầm bao thơ, đứng dụ dự. Mặc dầu người ta viết hễ ai gặp cái rương thì xé bao thơ mà coi. Anh lưỡng lự nửa muốn coi con nhỏ là con của ai, còn nửa lại muốn ra cớ bót rồi sẽ xé thơ ra mà coi. Ngặt chị vợ thôi thúc quá. Nên nghe theo lời vợ, kê bao thơ gần đèn rồi thủng thẳng xé một mép, xé rất kỹ lưỡng rồi trút ra trên ván. Năm ghim giấy săng đổ chài bài ra với một miếng giấy nhỏ viết chừng vài chục hàng chữ chớ không nhiều. Vợ chồng anh Thái choá mắt nhìn nhau ngẩn ngơ, không nói được một tiếng nào. Mà thiệt ai cũng vậy, gặp hoàn cảnh như vậy không biết nói cái gì bây giờ. Chị Hòa gom 5 ghim giấy săng, ngồi đếm từng ghim. Anh Thái lượm miếng giấy đưa gần đèn mà coi, coi đi, coi lại, coi hoài. Chị Hòa đếm hết bạc rồi chị ngó chồng mà nói: “Năm ghim đủ 5 ngàn … Còn miếng giấy họ viết sao đó? Anh đọc nghe thử coi“. Anh Thái mới kéo vợ lại gần mà đọc nhỏ nhỏ: - "Tôi trân trọng và tha thiết yêu cầu ông hay bà nào hoặc anh hay chị nào, hễ gặp được cái rương nầy, thì làm phước nuôi dùm đứa con gái của tôi đây. Nó sanh đến bữa nay đúng 25 ngày. Tôi đặt cho nó tên Lý. Tôi có để 5 ngàn đồng bạc theo đây đặng có sẵn tiền mà hoạn dưỡng con tôi. Nếu sẵn lòng nuôi dùm con tôi, thì tôi cầu xin dấu kín việc nầy, đừng cho ai hay; ngày sau khôn lớn rồi tùy ý muốn cho nó biết hay không cũng được. Nếu con tôi vì tình máu thịt nó tìm tới mà nhìn mẹ con thì tốt. Còn nếu nó oán ghét tôi thì tôi cũng không dám phiền trách ai. Vì đạo nhà rắc rối tôi phải ép bụng mà lìa con. Nhưng tôi rất đau khổ chẳng khác nào cắt khúc ruột mà quăng. Vậy tôi viết mấy hàng nầy lòng tôi thiết tha mong ước ai lãnh nuôi dùm con tôi thì làm phước thay thế cho tôi mà thương yêu, săn sóc, dạy dỗ nó như con như cháu ruột đặng ngày sau nó khỏi vất vả hư thân, mà tôi cũng được giảm bớt tội lỗi chút ít. Tôi gạt nước mắt mà cúi chào ai chịu lãnh nuôi con tôi đây. Dẫu tôi không được biết song tôi đủ tin chắc cũng thương yêu con tôi như tôi vậy. Người mẹ xác còn mà hồn đã chết.“