Quảng Giao với Bác Ái đều sanh trưởng trong tỉnh Long Xuyên, hai trò đồng một tuổi với nhau, mà đi học cũng một lượt, chừng thi đậu bằng cấp sơ học cũng một năm, rồi vào trường lớn cũng ngồi chung một lớp. Quảng Giao là con hương chủ Phạm Văn Hiệp ở làng Bình Đức. Trong nhà chẳng có anh em, duy có một người chị, tên là Phạm Thị Quế gả cho Trần Phong Lưu đương làm phó Tổng ở làng Bình Thủy, thuộc tỉnh Cần Thơ, nhà giàu lớn, làm hương chức bảy tám năm rồi mới vinh thăng Phó Tổng. Quảng Giao mới thi đậu vào trường lớn, kế cha mang bịnh tức, cầu thầy chạy thuốc hết sức mà không mạnh, đau sáu bảy tháng rồi từ trần. Tuy Hương chủ Hiệp chết có để lại cho vợ cơn một tòa ngói đẹp, hai mẫu đất thổ cư cho mướn mỗi năm cũng được tám chín chục đồng và 40 mẫu ruộng hạng nhứt, mỗi năm huê lợi cũng được tám chín trăm giạ lúa, bà chủ nhờ đó nên khỏi cực nhọc, nhưng mà Quảng Giao nhớ đến mẹ ở nhà một mình quạnh quẽ, chị thì gia thế lớn, con nhỏ đông, lâu lâu về thăm vài ngày, chớ không về thường, mà về cũng không ở lâu được, thì trong lòng áy náy, trông học cho mau đủ năm thi ra trường về nhà hủ hỉ với mẹ già. Quảng Giao nhỏ tuổi mà tánh hòa hưỡn, dè dặt, nói chuyện hoặc chơi bời với chúng bạn thì muốn làm cho vui lòng người ta luôn luôn, bởi vì thầm nghĩ rằng ở đời mình làm cho người ta buồn chán có ích lợi chi cho mình, thà mình chịu buồn để cho người ta vui, thì mình thấy người ta nhờ mình mà vui, tự nhiên mình càng vui thầm hơn người ta nữa. Đã vậy mà hương chủ Hiệp là một người ái mộ nho học, khi còn nhỏ chưa cho con đến trường học chữ Tây, thì ở nhà có dạy sơ chữ Tàu, nhứt là chiều chiều ăn cơm rồi thì thường kêu con lại nằm một bên mà thuật truyện nầy, dẫn tích nọ, cho con nghe, rồi thừa dịp ấy mới giảng dụ cang thường lễ nghĩa. Quảng Giao nhờ có cha ân cần dạy dỗ như vậy, nên học chữ Tây thì học, nhưng mà cử chỉ tánh tình chẳng khác nào học trò nho thuở xưa. Còn Bác Ái là con Hội đồng Lê Văn Thời ở Làng Long Kiến, vốn nhà cự phú, mỗi năm lúa ruộng góp được tới bốn năm chục ngàn thùng, cha mẹ đã trên năm mươi, nhưng mà sức hãy còn mạnh mẽ. Anh cả là Lê Hữu Tâm mới lên chức Cai Tổng, cất nhà riêng ở trong xóm, mỗi năm huê lợi góp cũng trên mười ngàn thùng. Chị gái tên là Ba Thành thì có chồng về Cù Lao Giêng, tuy chồng có chức có phận nhưng cũng là con nhà giàu lớn. Một đứa em gái tên là Thị Chí, mới được 14 tuổi thì học tại trường Nữ học đường Sài Gòn, còn một đứa em út, là em trai tên thằng Cử, mới 12 tuổi thì hãy còn học lớp nhì tại trường sơ học trong tỉnh. Bác Ái tánh tình cang trực, chơi với anh em bạn học hễ thấy đứa nào quấy, thì nói quấy chứ không khi nào chịu nói lùa, mà gặp đứa nào nghinh ngang chơi bời lấn lướt, thì chống cự hẳn hòi, chớ chẳng hề chịu nhịn nhục. Bởi tánh như vậy nên bạn học ít đứa ưa, song không ưa thì không thân thiết mà thôi, chớ chẳng đứa nào dám khinh thị. Bác Ái lại có tật háo thắng, anh em bạn ai cũng đều ngó thấy, mà cha mẹ hoặc vì lòng thương con, hoặc vì tưởng cái tật của con, là tật tốt, nên chẳng hề la rầy dứt bẩn. Chẳng những Bác Ái háo thắng là học trong lớp ngày đêm thường lo lắng, không chịu để dở hơn chúng bạn mà thôi, thậm chí cái rương cũng muốn cho lớn hơn rương của người, quần áo nón giầy mỗi mỗi đều muốn cho đẹp hơn của các trò hết thảy. Tánh tình của Bác Ái khác hẳn tánh tình của Quảng Giao, mà cử chỉ của hai trò còn khác nhau nhiều hơn nữa. Quảng Giao nhu mì chậm rãi, chuyện đáng nói mới nói, chỗ phải cười mới cười, với bầu bạn thì ăn nói ôn hòa, với bực trên thì gọi thưa cung kính. Còn Bác Ái thì nóng nảy gọn gàng, đi đứng nói cười, bộ tịch làm như người Tây, chẳng khác một mải. Hai trò nết na, tánh tình tuy khác nhau, tuy ngồi nói chuyện hay cãi lẫy với nhau, tuy cả hai đều ham học nên tranh cao thấp với nhau, nhưng trong lòng vẫn thương yêu trìu mến lẫn nhau, mấy năm ở trong trường lúc giờ chơi chẳng hề rời nhau, mà mấy khi bãi trường lại cũng thường tới lui thăm viếng nhau nữa. Người ta nói “học tài thi mạng”, có khi lời nói ấy cũng thiệt, bởi vì Quảng Giao với Bác Ái học trong lớp thì hơn chúng bạn, mà đến thi ra trường, Bác Ái đậu đầu, còn Quảng Giao lại đậu tới thứ tám. Khi chủ khảo xướng danh rồi thì Bác Ái mừng rỡ, nhảy nhót, chạy kiếm Quảng Giao nắm tay nói rằng: - Tôi giữ danh tiếng cho trường Chasseloup Laubat được tôi mừng quá, song anh lọt xuống tới thứ tám, thiệt là ức. Quảng Giao chúm chím cười rồi đáp: - Tôi thường nói với anh, tại cái mạng tôi như vậy, tôi chẳng ức chi hết. Bác Ái cũng cười. - Anh cứ nói mạng số hoài! Tôi chắc anh không giựt thủ khoa được là vì anh học giỏi mà thiếu đức tin. Chớ chi mấy tháng nay anh cố tâm giựt thứ nhứt, rồi lúc thi anh vững bụng mà quyết đậu hoài, làm như tôi vậy, thì ắt thủ khoa về anh, ai vô mà dành được. Quảng Giao nghe nói trề môi, rồi dắt nhau đi chơi. Hai trò thi đậu, ở nhà cha mẹ bà con ai nghe cũng đều mừng. Quảng Giao học giỏi mà không chiếm thủ khoa được, theo thường tình ai cũng buồn, song trò ta chẳng hề vì sự đậu thấp mà ưu phiền, trong trí nghĩ thầm rằng mình thi đậu rồi từ rày rảnh rang mà hủ hỉ với mẹ già, nghĩ như vậy nên hớn hở vui mừng cũng như người đậu thứ nhì vậy. Còn Bác Ái tánh siêng, trí sáng thi đậu thứ nhứt thiệt là đáng công, chớ không phải nhờ may mắn mà hơn người ta, song trò ta chẳng thừa dịp may, hay là ỷ tài giỏi mà đổi tánh kiêu căng, nghĩ vì biển học thức mênh mông, mình mới lội được một khúc, chưa tới đâu, mà dám tự kiêu tự đắc. Tuy vậy mà Bác Ái được đậu đầu thì trong bụng cũng khấp khởi mừng thầm, mừng là vì mình được đậu cao, có lẽ cha mẹ thấy mình học siêng ắt sẽ bằng lòng cấp tiền qua Pháp quốc học nữa. Bác Ái về đến nhà, cha mẹ anh em thảy đều khen ngợi, nói rằng phận làm trai đi học mà được như vậy thì cha mẹ mới vinh hiển, anh em mới rỡ ràng. Mà khen thì khen chớ hễ Bác Ái tỏ ý muốn đi qua Pháp học thêm nữa thì cha lặng thinh, hoặc kiếm chuyện khác mà nói, còn mẹ thì lắc đầu, tằng hắng rồi nói rằng: “Đi Tây làm gì? Thi đậu rồi, thôi đi cưới vợ mà làm ăn. Như có muốn đi làm việc quan thì đi, bằng không thì ở nhà coi làm ruộng cũng được. Đi Tây nghe nói đường xá xa xôi quá, dễ gì đó mà đòi đi.” Bác Ái dùng hết lời cắt nghĩa, cách học thức theo đời nay cho cha mẹ nghe nói rằng: - Buổi nầy là buổi vạn quốc tranh cường, trí tài khai phát, các nước trong hoàn cầu nước nào cũng mạnh, nhơn quần trong thế giới, dân tộc nào cũng khéo khôn. Nước Việt Nam mình bề tài trí còn lu mờ nên thấp thỏi thua chúng. Nay nếu muốn nước trở nên giàu, dân trở nên khôn, thì bọn thanh niên phải sang Pháp quốc mà học tài nghề, chớ học sơ sài trong xứ, biết nghe nói tiếng Lang sa (tiếng Pháp) rồi lo toan cưới vợ làm thầy thì làm sao cho nước Việt Nam thành một nước văn minh được. Bà Hội Đồng Thời nghe con nói chuyện cao xa, không hiểu chi hết, cười ngất mà đáp rằng: - Con khéo lo chuyện thiên hạ cho mệt, mình lo phận mình cho đủ cơm ăn thì thôi mà. Bác Ái thấy mẹ không hiểu ý mình, dầu mình cắt nghĩa cho đến chừng nào đi nữa, mẹ cũng không hiểu được, nên không nói chuyện công ích nữa, tính lấy tư lợi mà giảng dụ hoặc may mẹ có xiêu lòng chăng. Bác Ái mới nói rằng: - Chẳng phải con muốn lo dùm chuyện thiên hạ làm chi. Con nói đó là việc chung ấy cũng có việc riêng của mình nữa chớ, vì hễ nước Việt Nam được giàu, thì mình cũng được hưởng nhờ, dân Việt Nam được khôn thì mình cũng được vinh hiển, chớ phải con lo chuyện thiên hạ làm chi, để con tỏ một điều nầy cho mẹ nghe: mẹ biểu con đi cưới vợ rồi đi làm thông ngôn ký lục như người ta. Chẳng phải con dám trái ý mẹ, song con nghĩ đời nầy thầy thông thầy ký nhiều quá, nếu con làm thì có sang trọng gì đâu, mà lương bổng mỗi tháng có bốn năm chục đồng bạc, làm sao mà đủ nuôi con nuôi vợ. Nếu cha mẹ cho con đi Tây, con học thêm năm bảy năm nửa, chừng con trở về nếu có vốn thì con lập hãng buôn bán hoặc nổi lò công nghệ, mỗi năm huê lợi biết bao nhiêu, còn như không có vốn con xin làm quan, làm quan tòa, hay là quan Bác vật, tùy theo cái tài học của con, như vậy thân con đã được cao sang mà lương bổng lại lớn nữa, xin cha mẹ nghĩ thử coi. Bà Hội Đồng lắc đầu đáp rằng: - Con đi Tây rồi cưới vợ đầm còn khó nữa. Thôi con không muốn làm thông ngôn ký lục thì ở nhà làm ruộng. Cha con với mẹ thuở nay làm ăn cực khổ, nhờ trời nên trong nhà cũng dư dả chút đỉnh, sự nghiệp nầy, rồi sau anh em bây chia với nhau mà ăn cũng đủ, cần gì phải đi Tây mà học đặng lãnh lương cho lớn. Bác Ái nói rằng: - Bởi con thấy cha mẹ dư tiền nên con mới dám xin đi học nữa, chớ phải thiếu thốn thì con kiếm thế sinh nhai, chớ đâu dám đèo bòng. Bác Ái nói đã cạn lời mà mẹ không xiêu lòng thì buồn, nên ngồi lặng thing không muốn nói nữa. Ông Hội Đồng Thời chẳng phải là người sợ vợ, song ông có tánh hay chìu lòng vợ, vợ nói đâu thì nghe theo đó, vợ muốn sao thì phải làm theo vậy, thành ra thuở nay mọi việc trong nhà vợ quản xuất điều đình hết, ông chẳng hề lo lắng đến cho nhọc lòng. Mà bà vợ cũng không thừa tánh chồng như vậy mà lấn lướt, thấy chồng hay vừa ý thường ráng làm cho chồng đẹp mày nở mặt. Ông Hội đồng Thời nằm nghe vợ con cãi lẫy với nhau, biết ý con thật là rất cao, song không muốn cãi lòng vợ, nên nói phân hai rằng: “Con nó chưa muốn cưới vợ, mà cũng không muốn đi làm việc quan, thì không nên ép nó làm chi. Còn mẹ nó không chịu cho con đi Tây thì thôi, con nó đâu dám cãi. Thôi, để tôi tính như vầy, mẹ nó nghe thử coi có được hay không. Tôi muốn cho nó đi ra ngoài Hà Nội vào trường Cao Đẳng mà học thêm ít năm nữa, nó học xong rồi nó về thì đã trộng tuổi, chừng ấy cưới vợ cho nó cũng vừa, như muốn cho nó đi làm việc, thì phải để nó đi Hà Nội học thêm đặng sau nầy nó ở trên người ta ăn lương mới lớn chớ”. Bà Hội đồng nghe chồng nói vậy thì chịu. Còn Bác Ái tuy không dám cãi lời cha, song theo than thở xin đi Tây, chớ không chịu đi Hà Nội, nói rằng mấy trường Cao đẳng ngoài Hà Nội là học đặng làm quan chớ không phải học có tài nghề được như người ngoại quốc. Bác Ái quyết chí nếu cha mẹ không cho đi Tây thì mình ở nhà làm ruộng, chớ không chịu đi Hà Nội học, mà cũng không chịu làm thầy thông thầy ký chi hết. Bà Hội đồng thấy con chịu làm ruộng thì bụng mừng thầm, bèn hỏi dọ làng nầy tổng kia coi ai có con gái đặng đến coi mắt rồi có đi nói vợ cho nó. Trời muốn trở gió bấc, sớm sương sa ướt lá, buổi chiều ráng đỏ trời. Mùa mưa gần dứt, nước sông đã giựt lần lần. Mùa nắng gần sang, lúa sớm đã chín lai rai, lúa mùa đã trổ lác đác. Đêm nọ canh khuya vắng vẻ, trong nhà tôi tớ đến ngủ hết, duy lối xóm còn một hai nhà thức giã gạo, và dưới sông một lát nghe tiếng hát rả rích của mấy người chèo ghe mà thôi. Bác Ái nằm im lìm trong gường xem nhựt trình, bỗng nghe cha mẹ thức dậy nói chuyện với nhau, tính lựa ngày tốt dắt con xuống Đất Sét mà coi con gái ông Cai Tổng cựu nào đó. Bác Ái liền buông tờ nhựt trình, bước ra thưa với cha mẹ rằng mình còn thơ ngây chẳng nên lo vợ cho gấp, mà như cưới vợ thì xin để tự ý mình kén chọn, chớ vợ là một người bạn thân, đồng hiển vinh, chia hoạn nạn với mình, nếu lựa chỗ đương môn đối hộ mà cưới theo như thế thường, sợ e vợ chồng không hiệp ý nhau, không trìu mến nhau được, rồi để bỏ thì dở dang, còn như ráng mà chịu thì nhọc lòng cực trí mãn đời, còn thêm khổ nữa. Bà Hội Đồng nghe con nói vậy, tuy không được vui lòng, song nghĩ thầm rằng, nếu mình đi cưới vợ bướng cho nó e nó không chịu rồi thì vợ chồng cắn đắng khó lòng, nên mới đình sự ấy không tính tới nữa.