chương 2

Bidong đang bước vào mùa xuân, mùa xuân của những tâm hồn viễn khách tha hương, của những người Việt Nam tị nạn cộng sản, đang ở rải rác đó đây cũng như hàng chục ngàn người trên đảo Pulau Bidong nầy, đang hướng về quê hương cố quốc, để hồi tưởng những ấm êm hạnh phúc trong mái ấm gia đình và đắng cay với những khốn khổ đau thương ngoài xã hội, hồi tưởng những làn khói la đà hương ngát trong giờ phút giao mùa, của cuối đông lạnh giá và chào đón bóng dáng rạng rỡ của nàng xuân đang mang đến những ấm êm và tươi vui cho muôn người, nhưng cái ấm êm tươi vui ấy đã không còn nữa, kể từ lúc đảng cộng đã giết chết đi nàng xuân thuở nọ.
Ngày tết sắp đến, tôi không được thấy gì ngoài những dòng nước mắt, những thao thức suy tư của hầu hết mọi người, nhưng bên cạnh đó củng có một số người có vẻ như hớn hở vui tươi như không có chút gì để vấn vương vương vấn, có lẻ họ đã quen rồi cái kiếp sống của cuộc đời lữ thứ tha phương, họ tìm đủ mọi cách để sinh nhai, như câu cá đưa ra chợ bán, đi hái củi bán cho mọi người hay làm công cho những cửa hàng mua bán trên đảo. Tôi đến Pulau Bidong đã hơn tháng rồi mà vẫn chưa gặp được phái đoàn nào của đệ tam quốc gia vào phỏng vấn, hình như mệnh số của những người vượt thoát tị nạn cộng sản là thế đó, chỉ biết sống trong chờ đợi lo âu và buồn tủi, những ngày đầu vừa mới đến Bidong, tôi được biết có những thuyền nhân đến và ở đây trên đảo Pulau Bidong nầy hằng những bốn,năm năm trời, nhưng vẫn chưa được quốc gia nào chịu cưu mang họ, vì thế cuộc sống của những người ấy có vẻ như đã bất cần, và họ cũng không màng nghĩ đến tương lai, cuộc đời đôi lúc cũng có lắm những bất công. Tôi lần bước xuống khu A, nơi đây cũng được có một chợ xổm do một số người sống trên đảo khá lâu tổ chức, đại khái những hàng bún rêu, bánh khọt ăn sáng, rau cải thịt cá và những gian hàng buôn bán quần áo cùng một số vật dụng khác do người Malaysia làm chủ.
Song song với những sinh hoạt nầy cũng không thiếu những cảnh trộm cướp, ấu đả hà hiếp nhau, những cảnh làm tiền trắng trợn từ những người đến trước đang làm việc đâu đó và có một chút hơi hám thế lực, họ tạo ra nhửng cớ nầy cớ kia để bắt người mới đến đưa vàng cho họ trong lúc tâm hồn những người nầy còn đang trong khủng hoảng sau cuộc hành trình trên biển đông cũng như còn bỡ ngỡ chưa biết một chút gì trên đảo Pulau Bidong nầy, cay đắng thay cho những thuyền nhân vừa vượt thoát được cộng sản, vừa bước qua được đôi tay tử thần giữa biển khơi, vừa thoát được bọn hung tàn hải tặc Thái Lan thì lại gặp ngay những tên cáo già vô nhân tính nầy, nhưng nơi đây nào có pháp luật gì đâu mà thưa gởi, chỉ là một sự lặng thinh để mang thêm một những uất hận trong lòng.
Pulau Bidong được chia ra làm sáu khu bắt đầu là khu A đến khu F, nơi đây cũng có một ngôi chùa khá lớn, có một gia đình phật tử thường xuyên tổ chức sinh hoạt, một giáo đường khang trang cũng như một đội thiếu nhi thánh thể, trong hoàn cảnh nầy, người người có thể đến nhà giáo đường hay chùa để thờ phượng cúng bái theo sự tín ngưỡng của riêng mình, ngoài xã hội thì cũng có một liên đoàn hướng đạo Vượt Sóng, trước kia nơi quê nhà tôi cũng là một hướng đạo cho nên tôi cũng tham gia sinh hoạt trong liên đoàn Vượt Sống để cùng siết chặt tay nhau, trao cho nhau những yêu thương của con người và con người.
Rải rác đó đây vòng quanh đảo tôi còn thấy được những chiếc thuyền con nhỏ bé nằm lưa thưa trên bãi biển bị bỏ lại đó chơ vơ trong hoang tàn bể nát, cạnh cầu Jetty có một chiếc tàu lớn mà theo người đi trước kể lại cho tôi nghe hình như trên tàu có khoảng bốn năm trăm người, chiếc tàu nầy do cộng sản tổ chức để thâu góp vàng của nhân dân rồi cho đi tự do, không biết vì sao vào đến gần đảo Pulau Bidong thì bị chìm, hình như không còn ai sống sót. Chiếc tàu nầy được chính quyền Malaysia cho kéo vào đặt trước khu vực cửa ra vào đảo Pulau Bidong, bên cạnh Cầu Jetty, coi như là một di tích của những thuyền nhân bỏ nước ra đi tìm tự do trên vùng biển đông xa thẳm.
Hàng tuần có những chiếc sà lan đưa thực phẩm từ đất liền ra để cấp phát cho người tị nạn, như trứng, thịt, cá, mì gói, rau cải cũng như nước uống và tắm nhưng rất hạn chế, chúng tôi phải dùng thêm nước giếng mới đủ cho việc tắm giặc, quần áo thì do những cơ quan thiện nguyện cung cấp, những bộ quần áo tuy không được mới nhưng đã ấp ủ chúng tôi những nồng ấm trong tình người.
Thường những buổi trưa buồn trên đảo vắng, tôi hay đong đưa trên chiếc võng cũ rích từ những người đi trước để lại, chiếc võng đã từng ru tôi những giấc ngủ cô đơn với nhiều mộng mị, bầu trời Bidong thay đổi rất bất thường, khi mưa, khi nắng, những cơn nắng dịu dàng êm ả những cơn nắng chói chang, gay gắt, những cơn mưa mây nhẹ nhàng rải rác đó đây, những cơn mưa tầm tả đến vài ngày, như để trút xuống đầu những người thuyền nhân tị nạn một nỗi hờn câm mà ai đó đã gây ra, đang thả hồn vào những suy tư không dứt tôi bổng nghe thoang thoảng trong làn gió
" Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về
Gọi hồn liễu rũ lê thê gọi bờ cát trắng......"
Ðúng vậy, đó là bản nhạc "Ngày mai em đi" được ban phát thanh của khối thông tin phát, tôi vội xuống võng và đi ra ngoài hướng về phía bãi biển của khu A, bà con cũng tấp nập tuông ra, nơi đây không ai còn xa lạ gì khi nghe bản nhạc đó, thật vậy, vì cứ mỗi lần có thuyền nhân tị nạn đến đảo hay được cao ủy tị nạn chuyển đến từ những nơi khác, thì ban phát thanh phát ngay bài hát nầy và rồi nó đã trở thành quen thuộc. Cũng như mỗi khi có người được rời đảo vào đất liền để đi định cư ở đệ tam quốc gia nào đó hay được vào trại Sugei Besi để chờ tuyên thệ với bàn 4 ( nếu đi Mỹ ) Thì ban phát thanh cho đồng bào nơi đây nghe ngay bài hát
"Nghìn trùng xa cách"
" Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi
Còn gì đâu nữa mà khóc với cười...."
Bài nhạc nào cũng làm tôi rướm lệ, như có gì đó đau nhói trong tim, như có gì đó làm cho nức nở nghẹn ngào mà không làm sao diễn đạt.
Tôi đến nơi, thì khoảng gần hai mươi người dưới một chiếc thuyền mong manh đã được đưa lên khối R.B ( Record Branch ), những thân hình gầy đét, đầu cổ phất phơ, quần áo xốc xếch, có vài người phải đưa ngay vào bệnh viện để cấp cứu trong đó có một thiếu nữ đang quằn quại chóng đỡ với tử thần sau bao ngày đói khát và những lần bị hải tặc hãm hiếp giữa trời biển mênh mông, nhìn cô, nhìn mọi người hốc hác tiều tụy đôi mắt bơ phờ, lòng tôi bổng ngập tràn những đắng cay đau xót, trong tôi như có một niềm uất hận dâng lên, tôi nghe man mác hình như đang có những giọt lệ thương đau đang lăn tròn trên má, thù hận ai đây? oán trách ai đây? Cộng sản? Hay loài quỷ dữ hải tặc thái lan?, đang hoành hành dã man hung bạo với những thuyền nhân khốn khổ đang dun rủi cho cuộc hành trình đi tìm tự do trên biển đông. Tôi mường tượng đến một bức tượng " Tình Thương" mà ai đó trong những người đi trước đã dựng lên trước bãi biển khu C, một bức tượng với một người đàn bà tay yếu chân mềm, một tay đang bồng em bé,một tay đang níu kéo một người đàn ông già cả yếu đuối trên bãi biển, tôi nghĩ tôi sẽ không thể hình dung được cảnh tượng nầy nếu tôi không là một thuyền nhân đang đứng bên lề đường viễn xứ sau cuộc hành trình với nhiều rủi ít may, nhưng dù sao thì thuyền của tôi đi cũng có nhiêu may mắn hơn những thuyền vượt biển khác, chúng tôi không bị đói khát, không bị cướp biển và chỉ có bốn ngày lên đênh trên biển đông cho cuộc hành trình vượt thoát.
Tôi được vào bên trong, vì tôi làm việc cho khối an ninh trại, nên không bị ai cản trở, những người khác không có trách nhiệm thì không được vào vì để cho có trật tự, với lại để cho bên khối " R.B " làm việc sơ khởi trước, xem có ai là cộng sản tổ chức đến đây để hội nhập hầu phà rối người tị nạn đi tìm tự do không, trước khi cho ổn định nơi ăn ở, sau đó phải trở lại khối anh ninh để chúng tôi làm hồ sơ sưu tra rồi bắt đầu cho những sinh hoạt kế tiếp, như đi ghi tên lớp học anh ngữ, ghi tên học nghề, ghi tên làm việc xã hội,..v. v...., để cho mọi người nơi đây có những giờ giấc bận bịu với việc làm việc học, để bớt đi giờ phút rỗi rảnh, để đầu óc không bị cuống cuồng trong những suy tư cũng là điều rất nên với mọi người.
Tôi trở về, ngang qua một nghĩa địa thuộc khu F, những ngôi mồ lớn nhỏ nằm san sát bên nhau, có những nấm mồ đã sụp đổ hoang tàn theo bóng thời gian và chủ nhân của những ngôi mồ nầy có lẻ đã rời đảo đi định cư và cũng có thể là những ngôi mồ vô chủ, thật cay đắng thay khi vượt thoát được bàn tay nanh vuốt của cộng sản, vượt thoát được đôi tay tử thần giữa trời biển mênh mông, vượt thoát được bàn tay hung hãn của loài quỷ hải tặc Thái Lan, để rồi phải trút hơi thở cuối cùng và được chôn vùi trên vùng đảo xa xôi hoang vắng nầy. Nhưng dù có bị chôn vùi trên vùng đảo hoang vắng có lẻ họ cũng được vui cười nhắm mắt, vì dù sao đi nữa thì cũng được chôn vùi trên vùng đất của tự do, nơi đây mỗi năm đến mùa lể thanh minh có những tổ chức như hướng đạo, gia đình phật tử hay thiếu nhi thánh thể tổ chức đi tảo mộ cũng an ủi phần nào cho những cho những hồn đơn hoang lạnh nầy, rồi ai cũng một lần nhắm mắt ra đi về cõi hư vô, nhưng nhắm mắt ra đi khi đã được hoàn thành một ý nguyện nào đó của riêng mình thì có lẻ cũng không còn gì để mà nuối tiếc.
Tôi vào đến căn nhà dài (Long house) thì trời chiều vừa phủ xuống, bóng hoàng hôn còn vương víu đâu đó từ tận cuối chân trời, những đám mây đen lần lần kéo đến, rồi bỗng dưng một cơn mưa mây vội vàng đổ xuống, trong cơn đảo lộn của tâm hồn tôi, mưa ngoài trời,mưa trên đảo Pulau Bidong, hay trong lòng những thuyền nhân khốn khổ đang sùi sụt một cơn bão, một cơn mưa sẻ triền miên ray rức, bắt đầu từ lúc khởi sự cuộc hành trình vượt biển đông và có lẻ lòng người sẻ còn mưa mãi cho đến hết quãng đường còn lại trong kiếp sống tha hương viễn xứ nầy.
Buồn viễn xứ
( Kính dâng mẹ trong muôn ngàn nỗi nhớ thương )
Ðêm thanh vắng âm thầm con đếm bước
Lặn lội đường sình nước lạnh chân đơn
Lệ tuông rơi, rơi rải suốt canh trường
Trên bến vắng lên thuyền con vượt biển
Thuyền viễn xứ bềnh bồng trong nguy biến
Sóng nộ cuồng kinh khiếp cả thuyền nhân
Loài dã man hải tặc lắm hung tàn
Người đói khát dật dờ cơn sinh tử
Rồi từ đó bước phong trần lữ thứ
Nợ giang hồ lãng tử vội cưu mang
Thương quê hương mòn mỏi phía trời Nam
Dòng dư lệ tuông tràn, ôi!-mặn đắng
Thường những buổi hoàng hôn trên đảo vắng
Con ngồi buồn lặng ngắm áng mây trôi
Thả hồn đơn theo gió cuối chân trời
Tìm quê mẹ!- Ðâu rồi quê của mẹ?
Chợt đâu đó những lời than khe khẻ
Mẹ yêu ơi con trẻ quá bơ vơ...
Con xa xôi trong kiếp sống mong chờ
Ngày mai sẻ thanh bình vui tương hội
Pulau Bidong, Kuala Trengganu, Malaysia
Ngày 22 tháng 2 năm 1985
Thuyền DN 1071/TS Bà Rịa, Phước Tuy, Việt Nam
Thuyền MB 268/Pulau Bidong,Kuala Trengganu Malaysia
 

Xem Tiếp: ----