Ngày di cư tôi, tôi mới 9, 10 tuổi.Chưa kịp làm quen với Sài Gòn, còn đang lạ lùng với cách nói cười rộn ràng rất Nam kỳ, còn thích thú xé tờ giấy một đồng làm hai, gọi là 5 cắc đủ mua một ly đá nhận xi-rô, đã theo gia đình lên Dalat. Đó là năm 1956. Bố tôi – tức dượng nếu gọi theo tiếng miền Nam, tôi gọi dượng bằng bố theo lời mẹ tôi dặn – làm việc ở Ty cảnh sát Dalat. Gia đình tôi ở một biệt thự khu Chi Lăng. Căn nhà nằm lưng chừng con dốc ngắn và tất cả đều xây một kiểu giống nhau. Tôi chưa bao giờ đi hết con dốc đó để biết còn gì phía sau vì tôi bắt đầu đi học. Trường tiểu học Phan Chu Trinh nằm ngay một ngã tư.Trước mặt nó là khu đất trống có con đường nhỏ dẫn vào đồi Bà Miên, nơi mà ít năm sau này, lại chính là nơi mẹ con tôi ở. Con đường đó cũng đưa vào trường Đại Học Quân Sự và khoảng đất trống trước mặt trường Phan Chu Trinh năm nào nay đã xây đầy những biệt thự của các ông Tướng. Căn đầu tiên là nhà của tướng Thái Quang Hoàng, cách 2 căn là tướng Đỗ Cao Trí. Tôi vào học lớp một vì chuyển qua chương trình Việt, nên chẳng hiểu gì cả, thậm chí không biết đọc tiếng Việt, trong khi chị tôi, chị Lệ Yến, lại được bố mẹ tôi cho học tại trường Domaine de Marie, chương trình Pháp-Việt. Từ nhà đến trường không xa lắm mà cũng không gần. Tôi đi bộ lúc đi và cả lúc về. Bấy giờ, ngoài Ngọc Anh, tôi biết mình có thêm 3 đứa em nữa. Duyên Hải, Tố Loan, Tố Uyên. Sau giờ đi học, tôi làm những gì mẹ tôi bảo làm nhưng thường trốn nhà ra hồ Chi Lăng chơi. Chân không mang giày dép, thơ thẩn đi quanh tụt xuống ven hồ mò ốc hoặc lượm …cứt để chơi – tôi tưởng đó là thuốc tể như của bà nội. Ở đó có một biệt thự to lắm. Người ta bảo nguyên khu Chi Lăng này, ngày xưa dành cho người Pháp, và các căn biệt thự của chúng tôi cũng vậy! Cái Hotel Chi Lăng với cái giếng nước giả xây trước mặt cũng là nơi người Pháp thường đến nghỉ hè. Thời đó chưa có tên Chi Lăng mà là Saint Benoit. Mãi sau này vẫn còn những người gọi thế. Tan học tôi thường không đi theo đường chính mà chui qua những bụi cây, những hàng thông, những khóm lay-ơn đủ màu mọc khắp mọi nơi nhưng không bao giờ tôi bẻ hoa, chỉ tìm loài dây leo để đem về chơi nhảy dây. Bố mẹ tôi ít khi nhìn thấy tôi, ông bà gần như không để ý, không hỏi đến nếu không có gì để sai bảo, dặn dò. Tôi lại cảm thấy khoái hơn dù đôi lúc cũng tủi thân khi không được mẹ ngó ngàng. Ngoài con đường từ nhà đến trường và ngược lại, ngoài khung cảnh yên tĩnh của hồ Chi Lăng, tôi chui xuống cái rảnh nước chảy quanh nhà, đắp đất trồng bắp cải từ những cuống cải già bị cắt bỏ, có chút xíu mầm, mà tôi tưởng là sẽ sống được. Tôi có thể lang thang trong những khoảng đất trồng đầy cỏ dại để tìm hái trái mâm xôi, bứt dây rừng, xuống hồ Chi Lăng vọc nước, bắt ốc, hoặc ngồi dưới cái rảnh nước ấy cả ngày, nếu không có ai tìm. Qua đến năm 1957, gia đình tôi phải chuyển về Saigon. Hơn một năm ở Dalat, có một vài điều đã khắc sâu vào tâm trí non nớt của tôi và không bao giờ tôi quên. Nó là những vết cháy dẫu đến ngàn năm vẫn còn hằn dấu…. Trước ngày di cư, Hà-nội mở một Hội Chợ, ở đâu thì tôi không nhớ nhưng có lẽ do người Pháp tổ chức sau khi hội nghị Gienève được ký kết. Tôi đi hội chợ với một thằng nhỏ ở cùng đường, tên nó tôi còn nhớ, nó là thằng Đồng. Hội Chợ thì thường có nhiều trò chơi, vậy mà tôi chỉ nhớ là có một gian hàng nhỏ có dựng sân khấu cho mọi người thi hát, tôi đã leo lên và hát bài “Thơ Ngây”…. Khi ấy em còn thơ ngây, đôi mắt chưa vướng lệ sầu …, rồi leo xuống lủi mất tiêu. Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi cất tiếng hát. Lúc còn học nội trú St Marie, tôi cũng được lên sân khấu, chỉ đội lốt làm con thỏ mà thôi, nhưng trước đó, trước đó gần chục năm… ….Tôi sinh ra vào một buổi chiều ngày 6 tháng 3 năm 1945 tại nhà thương Bạch Mai. Ba ngày sau đảo chính Nhật, dân Hà-nội sơ tán về các vùng xa thành phố, bố mẹ tôi cũng mang chị em tôi chạy ra khỏi Hà-nội.Mới có 3 ngày, tôi làm sao biết được những gì đã xảy ra nhưng khi hơn 1 tuổi, tôi đã nhận biết và nhớ cho đến ngày hôm nay và một vài sự việc mà lúc nào tôi cũng tưởng như còn rất mới… Hai chị em chúng tôi được gánh đi, mỗi đứa ngồi một cái thúng, chị Yến được chú Tích cõng. Cùng vài người nữa, cả nhà tôi cứ xuyên rừng, lội sông, lội suối, trèo đồi, trèo núi mà đi. Một ngày trên đường đi gặp ngôi chùa hoang, mẹ tôi đặt tôi nằm trên cái bệ cao và kết quả là tôi ngã xuống giập cằm vào cái bệ xi-măng. Vết thương sâu lắm, ăn cơm lòi cả cơm ra ngoài. Bố tôi lấy vải trắng băng lại và buộc trên đầu. Vết sẹo khá dài vẫn còn đây. Bố tôi đã làm dữ vì với ông, tôi là…hòn ngọc đen yêu quý của ông. Cả nhà tôi cứ đi mãi như thế, càng ngày càng xa Hà-nội. Chỉ thấy rừng và rừng. Đoàn người đi cùng với gia đình tôi thưa dần, chẳng biết họ đi đâu. Một lần qua sông trên một cái mảng ghép bằng các thanh tre, lúc chuyển đám trẻ con xuống, tôi là đứa bị rớt xuống sông, chắc không phải là sông vì tôi còn nhớ nước ở đó có màu như đen, đen một cách kỳ cục lắm chứ không phải là xanh thẫm khiến mình tưởng là đen. Bố tôi nhảy xuống vớt tôi lên và khi qua tới bờ bên kia mới biết được cái người chèo mảnh đó chuyên giết người lấy tiền vì anh ta biết là dân Hà-nội sơ tán, ít nhiều gì cũng có tiền hay vàng. Qua suối cũng khổ, bố tôi phải cột dây thừng ngang bụng, mọi người ở lại giữ đầu mối dây, bố tôi lội qua con suối rộng, nước đổ từ trên cao tung toé dữ dằn, sùng sục giữa những tảng đá đầy rên trơn trợt. Qua tới bờ bên kia, bố tôi tìm cây cột dây rồi lại lội ngược trở qua. Người lớn buộc trẻ con trên lưng và cứ nắm sợi dây ấy lần từng bước. Tôi là người được bố cột trên lưng. Có những ngày qua khỏi cánh rừng lại thấy làng mạc ruộng vườn. Trời thì rét. Bố tôi ủ tôi trong chiếc áo Trấn Thủ dầy cộm vào những trại gà, tìm những cái trứng mới đẻ còn ấm, bố chọc 2 đầu trứng cho tôi húp sống. Có những chiều bố công kênh tôi trên vai đi giữa những ruộng lúa xanh rì, ghé vào quán lá, mua cho tôi cái kẹo bột nhỏ xíu, tôi cứ ở trên lưng, trên vai ông và bố tôi vừa đi vừa nói …bố đánh ton – ton đánh bố …Hết trại gà, hết nhà cửa ruộng vườn, gia đình tôi lại xuyên rừng mà đi. Tôi nhớ có một đêm, trời tối lắm, chẳng ai nhìn thấy ai, tất cả nằm mọp ở một cửa rừng ngong ngóng nhìn vào đêm tối… lâu lắm, lâu lắm…bỗng có ánh đèn loé lên ở xa chớp tắt 2,3 lần, thế là bố tôi lại ôm tôi lao theo hướng ánh sáng đó. Tất cả mọi người đều chạy, ngậm tăm mà chạy… Sau này, mẹ tôi bảo để tránh Tây và tránh cả Cộng sản nữa, vì gặp phe nào lúc đó, mình cũng chết. Từ lúc chạy khỏi Hà-nộ, tôi mới có 3 ngày tuổi.Tôi lớn lên dần trong rừng sâu, ăn khoai sắn độn cơm vì chỉ bố tôi là được ăn cơm trắng. Tôi lớn lên trên lưng, trên vai, trên chiếc áo Trấn Thủ của ông và quan trọng hơn cả là trong tiếng đàn, tiếng hát của ông. Tôi không còn nhớ ông hát hay ra sao nhưng chắc chắn là không dở và tiếng đàn của ông, tiếng đàn măng-đô-lin cùng với tiếng hát…Trên đồi xanh, chiều đã xuống dần. Mặt trời lấp ló sau đồi chiều vàng… đã đi vào trái tim non nớt của tôi và ở lại đó vĩnh viễn. Chắc chắn ông cũng không thể ngờ rằng, những ca khúc ông hát cho đứa con gái xấu xí của ông ngày đó, lại có lúc mở ra cánh cửa định mệnh gần như dành sẵn cho nó, đứa con chịu nhiều thiệt thòi nhất trong gia đình, chắc chắn bố tôi cũng không hề nghĩ rằng, những ca khúc buồn bã ấy sẽ ảnh hưởng như thế nào trên cuộc đời của tôi. Bố tôi lại càng không bao giờ nghĩ đến cái lúc ông nằm xuống và ra đi trong cơn điên loạn, không một người thân bên cạnh, trong trại tù Lý Ba Sơ, giữa rừng thiêng nước độc. Những câu nói cuối cùng trong cơn điên loạn vẫn cứ là lời ông dành cho vợ con mà tôi là đứa con ông thương nhất. … Từ chương trình Pháp tôi được học 5 năm tại Hà-nội, nay chuyển qua chương trình Việt, tôi chẳng hiểu gì. Kể ra thì vô lý vì tôi học lại từ đầu nghĩa là từ lớp Năm, có gì khó khăn, mà không thể hiểu được, nhưng rõ ràng là, chữ nghĩa không hề chui vào đầu tôi ngoài môn học thuộc lòng. Tôi nhớ ngôi trường cũ đẹp thênh thang, cái sân chân vuông vứa có một cây xoài khá lớn ở một góc. Tôi nhớ cái buồng ngủ như trại lính với 3 dãy giường giống hệt nhau. Mỗi chân giường là một cái ghế trên đó để sẵn chiếc váy xanh nước biển đậm, áo sơ-mi trắng bóng có dây cài ngang và đôi vớ trắng. Màn trắng, chăn gối, niệm trắng. Đêm đến các sơ Pháp bỏ tóc dài quá lưng, tay cầm tràng hạt vừa đi vừa kiểm soát, vừa đọc kinh. Lạy Chúa, trong đời tôi, tôi chưa thấy hình ảnh nào đẹp như thế. 4 giờ rưỡi sáng, những mái tóc dài đã biến mất dưới cái lúp trắng. Bà đứng đầu phòng vỗ tay đánh thức chúng tôi. Chỉ 15 phút làm vệ sinh thôi, chúng tôi dù còn tiếc giấc ngủ cũng chẳng thể làm sao hơn, nhỏm dậy làm giường rất nhanh rồi túa nhau vào phòng tắm. Mỗi đứa có riêng đồ vệ sinh cá nhân. Một chậu rửa mặt men trắng, khăn mặt, bàn chải đánh răng, cốc. Tất cả một cỡ và giống nhau như quần áo, vớ giầy. Sau 15 phút, chúng tôi lại túa xuống lầu như một bầy vịt con. 2 chiếc bàn dài đầy mũ nồi đủ màu sắc, mạnh đứa nào chụp được cái nào thì chụp, đội lên đầu rồi tất cả theo nhau vào nhà nguyện của trường dự lễ sớm nhất của ngày. Đó là lễ Misa. Lễ xong, chúng tôi qua phòng ăn sáng, rồi bắt đầu một ngày học. Tôi không có gì xuất sắc nhưng cũng như những đứa trẻ lớp một bình thường bắt đầu bằng a, b, c nhưng chúng tôi được dạy tổ tiên chúng tôi là người Gaulois. Tôi cũng tin như thế. Tôi và chị Yến được mẹ tôi cho học piano. Khốn nạn cho tôi, sao ngày ấy tôi ngu và nhát thế hay tại các thiên thần của tôi đánh dữ quá, mười đầu móng tay bé bỏng của tôi mà mấy bà sơ chẳng thương xót gì, cứ roi mây mà quất. Thế là con bé sợ quá… xin mẹ cho thôi… Thật chưa có cái ngu nào giống cái ngu nào. Cả hai chị em cùng thôi. Chúng tôi được dạy cách ăn, cách ngồi ăn. Được dạy cách đi với cuốn sách dày cợm trên đầu… Nghĩa là đủ cả để sẵn sàng trở thành đầm con. Tôi nhớ thương sâu đậm những năm tháng ngắn ngủi bởi với tôi đó là một trong vài khoảng đời đẹp, hạnh phúc và đau buồn nhất … Nỗi nhớ mong hình dáng to lớn, xinh đẹp của mẹ mỗi chiều thứ sáu đến mỏi mòn tuyệt vọng. Nước mắt vòng quanh, tôi tủi thân lấp ló, thèm thuồng nhìn các bạn hớn hở tung tăng theo chân bố mẹ rời trường. Cả một ngôi trường to lớn bỗng trở nên vắng lặng. Sự im lặng khiến tôi cảm thấy ngôi trường dường như lớn lên gấp trăm lần và những tiếng đọc kinh rầm rì của các sơ thường ngày rất nhỏ như tiếng mẹ ru con, chiều thứ sáu cũng như cao hơn, vang vọng trầm bổng trong không gian, như muốn sưởi ấm những trái tim non nớt cô đơn, ngăn những dòng nước mắt tủi thân đừng rơi xuống quá sớm. Mẹ tôi phải làm việc ở xa để kiếm tiền nuôi mấy chị em tôi - Ngọc Anh mới được sinh ra vài tháng sau khi mẹ nghe lời bố mang chúng tôi từ biên giới Trung Hoa trở về Hà-nội tìm người bảo lãnh bởi lúc đó, Pháp đã nắm chính quyền. Cộng sản cũng thành lập Đảng - Bố tôi không muốn theo Cộng sản nhưng đã từng chống Pháp, giờ khó an toàn nếu không có người quen biết bảo đảm - Mẹ được bố tôi – bây giờ - giúp đỡ công việc buôn bán và vì thế khi chúng tôi đến tuổi đi học, mẹ gởi hai chị em tôi vào nội trú, còn anh tôi ở với bà nội. nhà 106 Hàng Bông…., tiền học hai chị em tôi gần 50 ngàn mỗi năm là một số tiền không phải nhỏ, không phải ai cũng có và cũng dám làm. Giờ nghĩ lại, tôi thương sự hy sinh của mẹ, tôi hiểu vì sao có những chuyện khiến tôi đau lòng xảy ra. Tôi hiểu. Tôi hối hận vì có những lúc… không phải với mẹ dẫu lòng tôi vẫn buồn đau vì sự mất mát tình yêu của người cha là điều không thể thay thế được – không ai có thể làm được điều đó nhất là với tôi. Mê hát do thừa hưởng dòng máu văn nghệ của cha nên khi nghe Saigon tổ chức cuộc tuyển lựa ca sĩ nhi đồng, tôi không thể gạt bỏ ý nghĩ liều lĩnh của một đứa bé gái mới trên 10 tuổi. Tôi chỉ nói điều này với anh vì anh Sơn cũng thích hát, thích vẽ. Anh hứa sẽ không cho bố mẹ biết nhưng cả hai chúng tôi đều biết rõ, biết rõ hậu quả của sự việc vì không thể nào bố mẹ tôi không biết đến sự vắng mặt của tôi. Mẹ tôi vốn là em út trong một gia đình có 3 chị em gái. Khi di cư, bác Tư tôi ở lại với bà ngoại. Gia đình bác Tuất tôi ở Saigon mà bác gái lại rất thương tôi. Bác Tư ở lại Hà-nội có anh Hùng, anh Tín sau này còn có thêm anh chị nào thì tôi không biết, nghe nói hai anh tôi đều đã đi học và tốt nghiệp ở nước ngoài. Cả hai anh có vào Saigon tìm gia đình tôi một lần rồi thôi, không liên lạc gì cho đến bây giờ. Mẹ tôi đã tiếp đãi các anh theo đúng tinh thần Quốc-Cộng. Điều đó có lẽ khiến hai anh buồn lòng. Không có lần thứ hai. Tôi trách mẹ vì dù Quốc hay Cộng cũng không thể cắt đứt tình máu mủ ruột thịt và chẳng hiểu vì sao, ngay cả chị Yến tôi dù ở lại, dù đã đi Hà-nội chơi mấy lần, cũng không tìm thăm lại các anh em của mình và mộ của ông bà ngoại. Nhưng năm đó thì gia đình bác Tuất ở Saigon.Các chị Tuyết, Kim, Oanh, Nghiệp, anh Bảo, anh Toàn đều hát hay và vì bác Tuất trai sử dụng kèn Clarinette từ trước di cư. Tôi tin bác sẽ cho tôi ở vài ngày và che chở cho tôi. Thế là tôi quyết định ra đi. Mượn quần soọc, áo sơ-mi của anh, tôi tới bến xe hàng chuyên chở rau xin quá giang. Đêm đó, tôi nằm sau xe tải ôm đám bắp cải ngủ cho tới khi xe tới Saigon. Ông tài xế già tốt bụng còn dặn nếu muốn trở lại, cứ tới bến tìm, ông sẽ cho trở về. Tôi không nhớ rõ nhưng chắc chắn gia đình bác Tuất đã ghi tên cho tôi dự cuộc thi tuyển đó. Em bé Lệ Mai ghi danh bài “Từ Giã Kinh Thành” nhưng bị từ chối. Con nít không được hát bài đó.Tôi nhớ ngay đến “Ngày Trở Về” của ông Phạm Duy và được chấm đậu hạng nhì, thế thôi nhưng đủ làm tôi sung sướng đến có thể chết đi được và không cần biết chuyện gì đang chờ đón tôi ở nhà. Nửa thế kỷ đã trôi qua, không biết còn mấy ai nhớ đến con bé đen ngòm, tóc tém, mặc quần soọc trắng, áo sơ-mi ca-rô xanh… hùng dũng hát “Ngày Trở Về” trong buổi thi tuyển ca sĩ nhi đồng tại rạp Norodom. Đối với tôi, dẫu sau đó bị một trận đòn thê thảm, tôi vẫn cho rằng việc làm liều lĩnh của tôi ngày đó là đúng, không có gì, không còn gì đúng hơn.