Men theo lối cỏ xanh rì, khom lưng chui qua những tàn cây lòa xòa vướng vít. Lại phải...phóng qua một con mương dài ngoằng nữa thì mới tới...được sau nhà của Bông - Lao.
Bông-Lao nhỏ tuổi hơn tôi đi học tên Thục Ly đoàng hoàng, nhưng về nhà thì mọi người cứ gọi nhỏ bằng cái tên Bông -Lao nghe rất yếu-ớt và nhu-nhược. (Nhưng nhỏ thì rất cứng rắn ).
Bữa nọ tôi lom khom chỗ cây mù u sau nhà nhỏ để lượm trái mù u rơi vãi đầy khắp vườn. Chợt giật mình bởi giọng nói rất con gái cất lên dẻo - nhẹo:
_Ăn..."chộm"... Ăn..."chộm".
Hết hồn, tay chụp trái mù u nâu định "tặng" lên trán con nhỏ cho bỏ ghét. Nhưng, ngẫm lại mình cũng giống...ăn trộm thiệt, nên xuống nước nhỏ:
_"Chộm" đâu mà "chộm", lượm cái nầy chứ bộ, nè...
Tôi chìa ra bịch đựng trái mù u. Nhỏ hỏi trổng:
_Chi vậy?
_Bỏ vô nồi, nấu...
Con nhỏ tiết kiệm lời nói dễ sợ, vẫn câu cũ:
_Chi vậy?
Tôi phì cười nghĩ thầm..."Đêm cho nhỏ ùm chứ chi ", nhưng lại sợ cái miệng chói lói của nhỏ, nên tôi giải thích một lèo:
_Nấu xong quết với bông gòn, quấn lên cọng dừa phơi nắng và... đốt!
Nhỏ tròn mắt thích thú:
_Ai dạy anh hay vậy?
Dữ hông, cũng biết gọi tôi bằng "anh".
Tối hôm sau, tôi và Bông-Lao đánh dấu cuộc gặp gỡ bằng chuyến đi lơn tơn ở sân nhà, trên tay là những cây rọi làm từ trái mù u bập bùng ánh lửa.
Những trưa tôi hay khều hái dùm Bông-Lao những trái trứng cá chín, hoặc một cánh hoa dây leo ngồ ngộ tít trên cao để nhỏ ngồi chơi nhà chòi. Lúc ấy, tôi nằm lăn ra cỏ học bài và nhìn Bông-Lao. Nó loay hoay lẩm bẩm một mình bên những mảnh lá, cành cây trông thật tức cười. Lượm cục đất, tội chọi "sạt", cục đất rơi trúng cái chảo bằng nhựa Bông -Lao la toáng:
_Anh Trung nầy, đổ chảo mở rồi...
_Mở đâu?
Nhỏ chìa cái keo chao đựng lá dâm bụt tán nhuyễn, nè...
_Định làm gì?
_Chiên bánh xèoo.
Tôi nuốt nước miếng "ực". Hấp dẫn nha, ngay món ruột của tôi mà.
_Bột đâu?
Bông -Lao lẹ làng nhón tay bóc cục đất ươn ướt chìa ra: "nè"...
_Sao đen xì vậy? Bột bánh xèo phải vàng chứ?
_Thì...tưởng tượng vậy mà...
Nhỏ nầy là vậy, cái gì làm không được cứ việc "giả bộ" với tưởng tượng, khỏe re.
_Chiên cho anh một cái đi.
Bông-Lao gật đầu rồi chiên. Bánh của Bông-Lao khi chiên miệng phải la lên " xè...o........x.....è........o....o" Ngộ dễ sợ.
_Lớn lên Bông -Lao thích làm gì? Tưởng tượng xem!
_Làm cô giáo!
_Tại sao?
_Được mặc áo dài.
_Xí xọn. Tôi phán cái rụp Bông-Lao biệnh minh:
_Đâu có, mẹ em nói "phọc mỏng" như em lớn lên mặc áo dài đẹp.
_Phọc mỏng?
_Ừ. Bông-Lao giải thích:
_Thì là cao cao, ốm ốm đấy mà.
Tôi giả vờ ngây thơ hỏi lại:
_Cỡ... "mình dây phọc Ông Địa hông?"
Bông-Lao nhăn mặt nhào đến đánh tôi thùm thụp.
Bông-Lao rất thích hoa, con gái mà. Hoa dại nào cầm trên tay thì nhỏ xem xét rất tỉ mỉ. Như lần nọ, chán chê với gánh hàng rong bánh mì làm bằng những cọng lục bình xanh mươn mướt, với căn nhà "chòi" ba gian lợp bằng lá chuối xanh, nhỏ kéo tay tôi lang thang ra mé sông tìm hái những chùm hoa bằng lăng tím.
_Anh Trung hái nhiều nhiều nghen.
Tôi giả giọng nhỏ cụt ngủn:
_Chi vậy?
_Em ép khô.
Tôi ngạc nhiên:
_Chi vậy?
_Mai mốt mang theo làm kỉ niệm.
Hai chữ kỉ niệm thốt ra từ môi nhỏ hồn nhiên và ngây thơ, tôi dám chắc nhỏ chưa hiểu hai nghĩa kỉ niệm là gì, nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là nhỏ mang theo... đi đâu?
_Em đi đâu mà mang theo?
_Ba mẹ em nói mai mốt nhà em dọn tới chỗ xa thiệt là xa.
_Cỡ đâu? Chắc cà đao hông? Tôi cố nhịn cười. Bông-Lao ra vẽ suy nghĩ rồi trả lời:
_Em hong biết nữa, nhưng chắc hổng xa tới vậy đâu. Ba em nói nhà em dọn qua Mỹ.
Tôi chưng hửng.
_Khi nào em đi.
_Ba em nói chừng tuần hai tuần nữa á.
Tôi không hiểu sao khi nghe Bông-Lao nói sắp đi Mỹ lòng tôi lại chùng buồn, như sắp mất một cái gì, mà mất thật, tôi sắp xa Bông-Lao-tuổi thơ của tôi.
Một ngày trước khi gia đình Bông-Lao đi, tôi cùng nhỏ dắt nhau ra nơi "hò hẹn cũ" - vườn sau nhà hai đứa. Tôi trao nhỏ quyển tập học trò trong đó chép những bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên mà tôi thích nhất và những chùm hoa bằng lăng ép khô.
_Quà cho Bông-Lao làm "kỉ niệm" nè...
Hai mắt nhỏ đỏ hoe, đúng là con gái, tôi biết tiếp theo thế nào cũng có trận mưa rào rải rác, tôi vội ghẹo cho nhỏ cười mặc dù tôi cũng muốn khóc theo nhỏ, nhưng con trai mà khóc thì... kì lắm:
_Khóc xấu lắm lem đôi mắt bồ câu... con bay con đậu rồi kìa.
Con nhỏ vẫn cứ thút thít, tôi là chúa ghét con gái khóc..., phải nói là dị ứng với nước mắt tụi con gái, nhưng thấy Bông-Lao dụi mắt, tôi cũng nao lòng:
_Em đi rồi mai mốt về chứ có đi luôn đâu mà sợ.
_Làm sao em về được?
Tôi cứng họng, làm sao nhỏ về được?
_Ừ thì... em đi bằng gì, em về bằng cái đó.
_Qua Mỹ em viết thư cho anh Trung, anh Trung nhớ viết thư cho em nghen.
_Ừ, nhưng chữ "cua bò ngang mả" anh hong có đọc được đâu có nghen.
Bông-Lao dẩu môi hứ:
_Em nổi tiếng viết chữ đẹp trong lớp cho anh biết đó, xii''''
Tôi chợt chùng lòng, mai mốt lấy đâu ra tiếng "xí" của nhỏ mà nghe.
...
Lá thư đầu nhận được từ "Người gửi: Bùi Nguyễn Thục Ly", nét chữ con gái mềm mại. Tôi nhảy cẫng lên, tim cũng muốn nhảy tung ra ngoài, Ba mẹ tôi chỉ lắc đầu cười:
_Cái thằng....
Và cứ thế đều đặn, mỗi tháng một lá thư xa, mỗi lần nhận thư nhỏ, tôi đọc ngấu nghiến, xong, lần mò lại từng chữ, lẩm bẩm đến thuộc lòng, kêu tôi đọc thư nhỏ tôi bảo đảm đọc ro ro không sót một chữ, dù ngày thường trả bài lần nào mặt tôi cũng nhăn nhó như khỉ ăn ớt vì đầu đuôi cứ lộn ngược lộn xuôi.
Ba mẹ nhỏ vẫn hay điện thoại về thăm Ba mẹ tôi, hai gia đình là bạn láng giềng lâu năm, mẹ nhỏ với mẹ tôi dạy cùng trường nên sớm hôm qua lại như chị em, thế nên tôi-nhỏ nghiễm nhiên "móc nối" quan hệ "anh em cùng cha khác ông Nội." Tôi thấy nhỏ bắt đầu trưởng thành từ những dòng thư đổi trao, tôi thấy nhỏ lớn từ những tấm hình gửi về kèm vài lời ghi chú, "nhận ra ai không?". Sao lại không, cái lúm đồng tiền khó ưa đến thế, tìm khắp thiên hạ chẳng ai có cái thứ hai "xí" hơn nhỏ được.
Tôi học xong 12, thi đậu vào y khoa, nhỏ theo ước mơ "cô giáo" dù nơi nhỏ ở không được mặc áo dài để khoe cái "phọc mỏng" nhưng nhỏ bảo, em mê trẻ con.
Những năm nơi giảng đường bù đầu với mớ bài vở, tôi vẫn dành thời gian "cố định" để "nhận", "đọc" và "hồi âm" thư cho Nhỏ. Thư của nhỏ như một liều thuốc, một món ăn tinh thần cho tôi qua những lần làm cá chép vượt vũ môn khó khăn. Nhưng, tôi bắt đầu để ý những lá thư nhỏ thưa dần, tôi không hỏi nhỏ, vì đến thời điểm này, tôi vẫn chưa "là gì của nhỏ". Tôi và nhỏ chưa chính thức có một lời hẹn ước nào. Bẵng đi một khoảng thời gian tôi không nhận được lá thư nào của nhỏ nữa. Tôi thấy như thiếu đi một phần tinh suốt trong đời sống tinh thần. Ba mẹ nhỏ vẫn gọi điện về đều hằng tháng, bảo nhỏ ra trường bận rộn với chỗ làm mới, với đám trẻ con ngộ nghĩnh. Tôi không muốn nghĩ xấu về nhỏ, nhưng, lý do trong hàng nghìn lý do đó...tôi ép mình không tin.
Ngày tôi ra trường, cầm mảnh bằng bác sĩ trên tay, tôi ước gì có nhỏ về bên cạnh để chia niềm vui lớn lao xuyên suốt bao nhiêu năm mài mòn ghế nhà trường, và tương lai là nâng niu sự sống và sinh mạng con người, cái thiên chức "lương y như từ mẫu" tôi muốn được chia xẻ với nhỏ, nhưng ngay cả một dòng thư tôi cũng không nhận được từ nhỏ, mặc dù ngày tôi ra trường Ba mẹ nhỏ có gọi điện về chúc mừng.
Ra trường, đi làm, sấp sỉ tuổi hăm tám, mẹ tôi bắt đầu thúc hối tôi chuyện thành gia lập thất, vài cô đồng nghiệp trẻ cũng có ý mến tôi, nhưng trái tim tôi chỉ nở một màu hoa bằng lăng tím. Chủ nhật, ngày nghỉ tôi quanh quẩn trong vườn nhà nơi trồng những bông hoa màu tím tôi sưu tầm ở những nơi mình đi qua. Ngày xưa tôi thích màu xanh, nhưng...không biết từ bao giờ tôi chỉ mê nhìn màu tím mà thôi.
Miên man với dòng suy nghĩ về nhỏ và...nhỏ, chợt có tiếng ai gọi ngoài nhà trước, nhìn quanh không thấy mẹ tôi đâu, tôi nhón chân không chạy vội ra:
_Dạ thưa chú cho cháu hỏi gần đây có cây bằng lăng nào không vậy chú?
Tôi xựng đứng ngay từ cái nhìn đầu tiên, giọng con gái "dẻo-nhẹo", đôi mắt bồ câu "con bay con đậu"... lúm đồng tiền "xí" nhất trần gian....Cô gái nhoẻn miệng cười:
_ Chú ơi sao chú im ru vậy? Chú... trúng gió hả? _ Cô gái nheo mắt nghịch ngợm.
Thấy tôi vẫn im thin thít, cô gái bật cười khúc khích:
_Thôi không đùa nữa, không nhận ra em à? "Anh ép nhánh Bông-Lao vào tập nhỏ - Để lúc học bài nhớ trước quên sau - Tuổi thơ đi qua giữa mùa gió bất - Lạnh đầu đời cho ta mãi nhớ nhau ".
Cái giọng con gái không còn "dẻo-nhẹo" mà ngọt ngào trầm ấm. Tôi như muốn hét lên thật to giữa sự bất ngờ trộn trong niềm vui sướng. Nhỏ của tôi đã về.
....
Tôi dắt nhỏ ra khoe khu vườn trồng một màu hoa tím, Nhỏ chìa tay đưa quyển tập ngày xưa tôi tặng nhỏ làm "kỉ niệm". Những cánh hoa bằng lăng được nhỏ gìn giữ vẹn nguyên. Cảm xúc trong tôi dâng lên nghèn nghẹn, tôi biết đó quá đủ cho một bằng chứng "ước hẹn". Tôi mang cho Bông-Lao xem một trăm tám mươi chín nhánh hoa bằng lăng tím ép cẩn trong quyển album từ lần sinh nhật thứ mười bốn của nhỏ. Giơ tay chỉ khoảng đất trống nơi vườn nhà cũ của nhỏ:
_Mai mốt em sẽ trồng thêm một vườn hoa tím ở đó, xem nhà ai đẹp hơn cho biết.
Tôi nhìn nhỏ với đôi mắt hình dấu hỏi, Nhỏ chóng cằm buông nghiêng nửa mái tóc dài rất con gái Việt Nam:
_Không cho em về ở đây à?
_Em...?
_Nếu có người "cho ở đậu" em sợ gì mà không dám. Mắt Nhỏ giả nhìn bâng quơ, miệng cười tinh nghịch.
...
Chiều xuống dần, những bông hoa tím tắm mình trong ánh nắng lưa thưa còn sót lại cuối ngày. Tôi đan chiếc nhẫn bằng mấy cánh hoa thạch thảo...nâng niu bàn tay em cho một hạnh phúc bắt đầu.
.....Nơi ấy màu tím em ra đi.... Nơi ấy màu tím em lại về....
Thục Ly,
 

Xem Tiếp: ----