Tên thật là Nguyễn Tuấn Trình. Sinh 12-5-1917 tại Hải Dương. Mất ở Cao Bằng năm 1950. Thâm Tâm viết không nhiều, ông mất sớm, cả đời thơ chưa được hai mươi bài. Nhưng nếu chọn mười bài tiêu biểu của thời kỳ Thơ mới, chắc chắn có Tống biệt hành. Trong kháng chiến chống Pháp, khi nền thơ còn nhiều chập chững, bài thơ Chiều mưa đường số năm đã là bài thơ hay, vững vàng về cốt cách lẫn tình cảm. Thơ Thâm Tâm mang cốt cách cổ điển, đẫm khí vị bi phẫn giang hồ của một thời đã xa trong lịch sử ở ta hay ở một chân trời khơi gợi những Tần Hán xa vời. Giọng thơ rắn rỏi, tức tưởi. Ông có ba bài viết theo thể hành bộc lộ rõ nhất giọng thơ này Can trường hành, Tống biệt hành, Vọng nhân hành. Hãy xem nhà thơ lãng mạn Việt Nam thời Thơ mới múa bút bên sông Hồng kiểu Kinh Kha múa gươm bên sông Dịch: Sông Hồng chẳng phải xưa sông Dịch Ta ghét hoài câu "nhất khứ hề" Ngoài phố mưa bay: xuân bốc rượu Tấc lòng mong mỏi cháy tê tê Trong tình cảnh người mất nước, mất luôn tự do của chí làm trai, Thâm Tâm thường trực một ý chí phá bỏ thực tại bằng mộng giang hồ: Đất trời rộng quá. Tôi không chịu Cắm chặt sông đây một cánh bè, Bằng cơn phẫn chí: Đau tình không xót bằng đau nghĩa Tay gầy cũng ném chén vô tri. Khá nhiều lần Thâm Tâm ném chén trong tiệc rượu. Phẫn chí trong cơn say vì đã cố nén một cơn òa khóc trong lúc tỉnh. Cuối thu mưa nát lòng dâu bể Ngày muộn chuông đau chuyện đá vàng. Thân kiếp chơi vơi trong cõi phi thời gian, dĩ vãng không có, hiện tại cũng không mà tương lai thì mịt mù sương khói. Hôm qua không có, hôm nay mất Ai rú trong trời tám hướng sương Những câu thơ bi phẫn của Thâm Tâm hay lắm vì đó là tình cảm chín nhất của hồn ông. Bi phẫn một chủ thể tài tử: Múa lưỡi đánh tan ba kẻ sỹ Mềm môi nốc cạn một vò men Bi phẫn nhiều khách thể xót đau: Chim nhạn chim hồng rét mướt bay Vuốt cọp chân voi còn lận đận Thằng thí cho nhàm sức võ sinh Thằng bó văn chương đôi gối hận Thằng thư trói buộc, thằng giã quê Thằng phấn son nhơ... chửa một về. Rồi cả chủ thể lẫn khách thể đều bi phẫn, ấy là Tống biệt hành: Người đi, ừ nhỉ người đi thực Mẹ thà coi như chiếc lá bay Chị thà coi như là hạt bụi Em thà coi như hơi rượu say. Trong cả nền thơ thời ấy không ai có giọng bi phẫn "chín" như Thâm Tâm, kể cả Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân, hai bạn thơ "áo bào gốc liễu" đồng điệu với ông. Cái "chín" ấy trước hết là ở cái giọng, gồm cả âm lẫn điệu của câu thơ, sau nữa là ở một loạt hình ảnh, hình ảnh thường có tính biểu tượng cao, gợi nhiều liên tưởng lãng mạn, và cuối cùng là ở ngôn ngữ, ngôn ngữ có hơi cổ xưa và nhiều tương phản, cực đoan. Hãy nghe: Ngậm lời tráng khí, chim bằng ốm Chuyện lúc thương tâm, gái điếm già Gió thốc hàng hiên, lười viễn mộng Mưa rào mặt cát, gợi ly ca Phiếm du mấy chốc đời như mộng Ném chén cười cho đã mắt ta Nhiều lần Thâm Tâm cười ngạo "cái chí lớn" của mình Chí lớn không đầy một tấc gang. Cười ngạo để giấu nỗi sầu thất bại: Say ngùi ta đốt tương tư thảo Bóng khói qua mây lại nhớ mình Ngay cái mộng ra đi vào năm 1944, thì chí dù đã quyết mà lòng cứ lạnh tê. Ước ao trận gió nổi lên để giũ đi tất cả, nhưng vẫn phải mượn hơi rượu cho khí thế. Khoan nói đến nhận thức chính trị và tình hình thời cuộc, chỉ biết cái tạng cảm xúc của Thâm Tâm là vậy. Nó là cảm xúc lãng mạn. Nó có nguồn gốc từ hiện thực đời sống nhưng khi phát triển nó tựa nhiều lên tưởng tượng, nó cần hư ảo và hoang đường. Đọc loại thơ này đừng sóng nó vào hiện thực sự kiện, đừng lấy sự kiện cụ thể để cắt nghĩa cảm xúc. Làm thế là chặt cánh bay của thơ, hơn thế lại là thơ lãng mạn. Phải chăng vì tính chất bi phẫn khao khát đổi thay, khao khát cất cánh ấy mà gặp cách mạng, Thâm Tâm sớm đứng vào hàng ngũ, thơ ông từ lãng mạn chuyển sang cách mạng khá êm thấm. Bài thơ Chiều mưa đường số Năm là một ví dụ. Vẫn một giọng thơ nội tâm đắm đuối, bài thơ mưa nhưng gợi được cảm giác ấm trong lòng người, giọng bi phẫn đã thành giọng yêu thương. Bài thơ viết năm 1946, năm 1950, Thâm Tâm mắc bệnh trên đường đi chiến dịch rồi mất. Người đọc không được thấy hết sự phong phú của hồn thơ ông trong chặng mới. Ở giai đoạn trước, ông nhập cuộc muộn, ở giai đoạn sau, ông lại ra đi quá sớm. Ngót hai chục bài thơ cho một đời thơ tài năng như vậy, có một chất cảm xúc lạ, và riêng như vậy, quả chưa phát tiết được bao nhiêu. Phần tiềm lực còn nhiều quá, thật tiếc! 18-1-2001 VŨ QUẦN PHƯƠNG