Đồng hò gõ 9 giờ. Thầy Thiện đương ngồi tại bàn viết coi sách. Con Yến lại nằm trên ghế canapé gần đó mà chơi. Thầy ngó con với cặp mắt vui vẻ rồi lấy tờ nhựt trình mà đưa cho con. Con Yến dỡ nhựt trình ra coi hình, không nói một tiếng chi hết.Cách một hồi Con Yến hỏi: “Má sửa soạn đi đâu vậy má? Má không ngủ với con hay sao?”Cô Oanh đáp: “ Má đi chơi. Con ở nhà ngủ với ba đi nghe hôn; má đi chơi một chút rồi má về”.Thầy Thiện day lại thì thấy vợ bận bộ đồ mới, đầu chảy láng mướt, tóc bới sát ót, mặt dồi phấn thiệt khéo, môi thoa son đỏ lòm, chơn mày vẽ cong vòng, chơn mang giày da màu xám cao gót, đương đứng trước cái tủ kiếng mà soi cả mình rồi ngắm nghía. Thầy ngó vợ rồi chúm chím cười, coi bộ thầy đắc ý lắm.Cô Oanh day lại hỏi chồng:- Tôi bận như vầy mà đi dự dạ yến, mình coi tôi có thua sút họ không?- Không thua đâu. Áo quần đã tốt, lại thêm mình có sắc đẹp nữa, thì làm sao mình thua được.- Sắc của tôi đẹp lắm hay sao?- Đẹp lắm.- Ví như có cuộc đấu sắc đẹp, tôi dự đấu được hay không?- Được lắm chớ. Tôi chắc mình sẽ đoạt nhứt.- Đừng có tôi mà khen thái quá như vậy.- Không. Tôi nói thiệt chớ không vị đâu.Thiệt cô Oanh đẹp lắm. Tuy năm nay cô đã được 25 tuổi rồi lại có một đứa con mà hình dung cô vẫn còn xinh tốt như gái mới lớn lên, da mặt cô còn thẳng băng lại trắng đỏ, miệng cô cười luôn, gương mặt sáng rỡ như trăng rầm, như hoa nở, lại thêm cặp mắt cô có cái vẻ hữu tình, hễ cô ngó thì đờn ông con trai thảy đều động tâm, loạn trí.Cô mở tủ lấy cái bóp ra rồi hỏi chồng:- Mấy giờ rồi?- Chín giờ mười phút.- Nếu vậy thì còn sớm. Chị Tuyết hẹn chín giờ rưỡi chỉ mới ghé rước.- Cô Tuyết có hứa rước mình hay sao?- Có, chỉ hứa đem xe hơi lại rước tôi, rồi khuya chỉ đưa tôi về.- Được vậy thì tiện lắm, chớ khuya mà đi xe kéo một mình từ dưới dinh Xã Tây về tới trên nầy phải sợ chớ.- Không có sao đâu mà sợ. Chị Tuyết hứa khuya chỉ sẽ đưa tôi về tới nhà.Nghe tiếng xe hơi ngừng ngoài cửa, cô Oanh ngó ra thì thấy cô Tuyết đi vô với chồng của cô là Cao Văn Hiền, gần 40 tuổi, thương gia ở trên chợ Tân Định, vợ chồng mặc y phục gọn gàng theo kiểu khiêu vũ.Cô Tuyết vừa bước vô cửa vừa hỏi:- Chị Oanh sửa soạn rồi chưa?- Rồi, rồi… chào anh chị… Tôi chờ anh chị nãy giờ đây.Thầy Thiện cúi đầu chào cô Tuyết và bắt tay chào Hiền rồi mời ngồi.Cô Tuyết nói:- Cám ơn. Tới giờ rồi, để tôi đi chớ. Ủa, thầy không đi hay sao, nên không thay đồ?- Thưa, tôi đi không được, để một mình vợ tôi đi.- Tại sao thầy đi không được? Đi chơi chớ.- Thưa, tôi mắc làm việc.Hiền nói tiếp:- Tôi biết mà Me - sừ Thiện mắc lo viết tiểu thuyết chớ gì.- Phải. Tôi mắc viết tiểu thuyết.- Thầy viết tiểu thuyết thiệt là hay. Tôi khen lắm. Song tôi khuyên thầy phải vui chơi chút đỉnh với anh em, chớ làm việc quá sợ mang bịnh đa, thầy.Cám ơn. Tôi biết liệu sức của tôi.- Dầu không ham chơi, nhưng mỗi tuần đến thứ bảy hoặc chủ nhựt cũng phải vui chơi một lần đặng giải trí và mở rộng đường giao thiệp. Rút ở trong hang hoài, anh em người ta kêu mình bằng gấu chớ.- Kêu bằng giống gì cũng được. Ở nhà sợ người ta kêu gấu, đi chơi cũng sợ người ta kêu mình bằng ngựa vậy.Hai cô thúc đi nên Hiền phải bắt tay từ giã Thiện mà trở ra xe.Cô Oanh theo vợ chồng cô tuyết đi rồi, thầy Thiện dòm lại thì thấy con Yến đã ngủ khò. Thầy bồng nó vô giường rồi quạt muỗi, bỏ mùng cho nó ngủ.Chị Thình với con Sáu cũng ngủ hết. Trong nhà vắng vẻ im lìm. Thầy Thiện bèn ngồi lại bàn viết, lấy giấy viết sửa soạn viết tiếp tiểu thuyết.Cô Lý là nữ giáo sư, ở căn phố khít một bên thầy Thiện cũng đồng một tuổi với cô Oanh, nhưng mà cô chưa có chồng lại nhan sắc kém cô Oanh nhiều, cô bước nhè nhẹ vô cửa rồi hỏi: “Xe rước chị đi đâu vậy anh?”Thầy Thiện ngó lại thấy cô Lý thì chào rồi đáp:- Vợ chồng cô Tuyết rước nhà tôi đi khiêu vũ chơi dưới dinh Xã Tây.- À! Đêm nay họ bày cuộc dạ yến. Em coi nhựt trình thấy họ hô hào dữ quá, vậy mà em quên chớ.- Sao cô không đi?- Ồ! Bao giờ em đến chỗ như vậy.- Mời cô ngồi chơi.- Để cho anh làm việc chớ.- Tôi viết tiểu thuyết chớ chẳng có việc chi gấp. Tối bữa nay nhằm tối thứ bảy, dầu không viết cũng được. Mời cô ngồi nói chuyện chơi.- Em sợ làm mất thời giờ của anh.- Xin cô chớ ngại.Cô Lý bèn ngồi xuống ghế canapé, một bên bàn viết rồi cô hỏi:- Chị Oanh đi chơi, sao anh không đi với chị?- Tôi cũng như cô, không ưa đến mấy chỗ như vậy.- Vợ chồng nếu đi chơi thì phải đi với nhau, còn như không muốn đi thì ở nhà hết, chớ sao chị đi mà anh ở nhà?- Đời nay đờn bà tự do, nếu họ đi đâu mình cứ theo đó, thì họ nói mình kềm thúc áp chế, vì vậy tôi ít đi chơi với nhà tôi. Đã vậy mà cuộc chơi ở đó nhà tôi thích, thì tôi không thích. Nếu đi theo thì tôi buồn lắm.- Anh nói phải. Đờn bà đời nay nên để cho họ tự do, chớ nếu đờn ông còn kềm chế như lớp xưa thì không hạp với trình độ tấn hóa. Tuy vậy, mà theo ý em, quyền tự do cũng có giới hạn như các quyền khác. Em sợ người mình ít học nên không biết giới hạn đến chỗ nào rồi trèo leo ra ngoài vòng mà có hại.- Cô biết lo bảo thủ phong hóa như vậy, cô làm giáo sư thiệt đáng lắm. Cô ở gần tôi hơn một năm nay, qua lại nói chuyện chơi hằng ngày, có lẽ cô biết rõ tánh ý của nhà tôi. Tuy nó học ít, nhưng nó thương chồng lắm. Nó có một tật mà thôi, là ham vui; hễ nó nghe nói một cuộc vui chơi nào thì nó rộn rực đòi đi cho được mới nghe. Còn tôi thì ưa vắng vẻ, bình tịnh, tôi không chịu đến mấy chỗ đông đảo ồn ào. Tôi nghĩ nhà tôi còn trẻ tuổi, thì tánh ham vui tự nhiên hạp với tuổi trẻ ấy. Nếu tôi bắt nó đổi tánh ham vui của nó mà tập theo tánh ưa yên tịnh của tôi, thì tội nghiệp cho nó, mà tôi cũng thành ra một anh chồng áp chế. Tại như vậy mà tôi để cho nhà tôi thong thả đặng vui lòng nó.- Chị đi chơi một mình như vậy anh không ghen hay sao?- Tại sao mà tôi ghen? Trong đời nầy tôi chẳng thương người nào, hoặc yêu vật gì cho bằng vợ với con tôi. Mà tôi biết chắc vợ tôi nó thương tôi lắm, dầu làm việc gì, dầu đi chỗ nào nó cũng không quên tôi được. Vợ chồng thương yêu nhau như vậy thì có cớ gì mà không tin bụng nhau mà phải ghen?- Mình có vật quí, mình biết yêu chuộng, thì kẻ khác họ thấy, họ cũng yêu chuộng như mình vậy. Ấy vậy, mình có vật quí mình phải giữ gìn, không nên để hơ hỏng cho người ta ăn cắp.- Vật không biết nói, không biết xét, nên ai muốn lấy đem đi đâu cũng được. Còn người biết suy nghĩ, biết tốt xấu, biết phải quấy, có lẽ nào đương đứng chỗ thanh cao mà đành để cho họ kéo xuống chỗ dơ dáy hay sao. Vật với người khác nhau, không thể so sánh được.- Em muốn thử bụng anh mà chơi, chớ không phải em không tin lòng thanh bạch của chị Oanh. Chị có sẵn một người chồng biết thương, biết kính trọng chị, mà chị có một đứa con đáng yêu, đáng mến nữa, thế thì còn muốn việc gì nữa mà mình nghi.- Cô nói phải. Vợ tôi hay đi chơi là tại nó có tánh ham vui, chớ không bao giờ có ý gì khác, bởi vậy tôi không nghi chút nào hết.Cô Lý chúm chím cười. Cô không muốn nói chuyện ấy nữa nên cô hỏi:- Con Yến đã sáu tuổi rồi sao anh không tính cho nó đi học lần đi?- Mấy tháng nay tôi cũng có ý cho nó đi học, ngặt vì nó còn nhỏ quá, nên sợ đi đường bất tiện, lại không biết ở nhà trường người ta có chịu lãnh dạy không.- Được mà. Nếu anh muốn cho nó đi học, thì em sẽ nói với bà Đốc học đặng đem nó vô sổ giùm cho. Mỗi bữa đi học thì nó đi xe kéo với em, vô trường em coi chừng nó, không sao đâu mà sợ. Anh đợi nó lớn rồi mới cho đi học thì trễ còn gì.- Nếu cô sẵn lòng dìu dắt cháu như vậy thì tôi cám ơn cô lắm.- Thôi, anh sửa soạn cho cháu rồi sớm mơi thứ hai em dắt cháu đi.- Tôi sẽ làm theo lời cô dạy.Cô Lý ngó giấy tờ trên bàn viết rồi hỏi nữa:- Anh đương viết bộ tiểu thuyết nào đó vậy?- Tôi viết thử một bộ về phong tục chơi.- Cha chả, anh động đến phong tục, em sợ chẳng khỏi mích lòng người ta.- Tôi cứ do công tâm chánh lý mà bình phẩm, dầu phải mích lòng người ta thì tôi cũng chịu chớ biết làm sao.- Anh viết tiểu thuyết phong tục, tức nhiên anh quan sát phong tục nhiều rồi. Vậy em xin hỏi anh: Phong tục đời xưa tốt hay phong tục đời nay tốt?- Phong tục là gì? Ấy là những thói người ta quen làm. Người đời nào thì có phong tục riêng theo đời nấy. Đời dời đổi, người tấn hóa, thì phong tục cũng dời đổi tấn hóa theo vậy. Ấy vậy mình chẳng nên coi phong tục xưa là xấu, còn phong tục nay là tốt, hay phong tục xưa là tốt, còn phong tục nay là xấu. Song có một điều nầy là vạn vật hễ có bề mặt tự nhiên phải có bề trái. Phong tục cũng vậy, có lợi tự nhiên có hại, có phải tự nhiên có quấy. Cầm viết mà bình phẩm phong tục thì cần phải chỉ trích chỗ hại, chỗ quấy đó cho người đồng thời thấy mà sửa hoặc tránh đi vậy thôi. - Em thường nghe nhiều người nói phong tục thời nay tồi bại. Theo lời anh mới luận đó, té ra mấy người than trách như vậy là vô lý hay sao?- Phải, than trách như vậy theo ý tôi là vô lý. Để tôi chỉ vài phong tục mà hiện nay người ta đương phiền trách đó, rồi tôi cắt nghĩa chỗ quấy cho cô nghe. Lớp ông bà mình hồi trước say mê mấy câu sách cũ mèm của chệch như “Nam nữ thọ thọ bất thân”, như “Nhi nữ bất xuất khuê môn” rồi buộc đờn bà con gái không được đụng đến tay đờn ông con trai, không được chường mặt ra khỏi phòng: Hễ không được ra khỏi phòng thì gái chừng đúng tuổi lấy chồng có biết ai mà chọn lựa, bởi vậy cha mẹ định gả nơi nào cũng phải ưng chịu hết thảy. Lớp trước không có đường sá, ai ở nhà nấy, sự giao thiệp hẹp hòi, nên mấy cái tục tôi mới nói đó thích hợp với hoàn cảnh đó lắm, dân noi theo, không than phiền, không chê bai chi hết. Đời nay có tàu, có xe lửa, có xe hơi, có máy bay, đường giao thiệp rất dễ dàng, rất mau lẹ. Đã vậy mà con gái bây giờ có thể học như con trai, chừng học rồi cũng có thể làm việc như đờn ông con trai. Xã hội tấn hóa như vậy, tự nhiên phong tục phải đổi dời theo, hễ con gái được gặp, được nói chuyện, được bắt tay chào hỏi đờn ông con trai, thì chừng đúng tuổi lấy chồng tự nhiên nó biết chọn lựa, chẳng cần cha mẹ định nữa. Thiệt trong mấy phong tục tôi mới nói đó thì xưa với nay khác nhau như trắng với đen, nhưng xưa thì hạp với xưa, nay thì hạp với nay, bởi vậy mình không nên chê tục xưa là hủ lậu, mà cũng không nên chê tục nay là tồi bại. Có một điều nầy dầu xưa hay nay đều hại hết, là nếu con gái xưa cứ lục đục ở trong khuê phòng, không thấy ai hết, túng thế phải giao tình với nô bộc, hoặc con gái đời nay được đi ra đường thong thả giao tình với mọi người, làm như vậy thì xưa nay gì cũng không tốt hết thảy.- Anh nói như vậy thì anh viết tiểu thuyết phong tục anh không kích bác tục xưa hay là tục nay gì hết hay sao?- Tôi sẽ kích bác dữ lắm chớ, song kích bác ngạo báng chỗ hại, chỗ xấu của phong tục mà thôi.- Em thấy anh không ưa đi chơi, em tưởng anh thủ cựu, té ra anh có tâm hồn mới mẻ quá.- Nếu tôi không có tâm hồn mới thì làm sao mà tôi để cho vợ tôi thong thả đi khiêu vũ một mình.- Em đợi bộ tiểu thuyết phong tục của anh xuất bản đặng em đọc thử coi tâm hồn của anh mới, mà mới cách nào cho biết.- Để tôi viết xong rồi tôi để cho cô đọc trước. Mà tôi nói trước cho cô được biết, tôi tán tụng phong tục lung lắm, nhất là phong tục về sự giao thiệp của đờn bà mới. Cô không ưa đi chơi, cô không chịu khiêu vũ, tôi sợ cô đọc cô không thích.- Em không đi chơi vì em không nỡ lãng phí thời giờ, ban ngày đi dạy học, ban đêm mắc đọc sách, em có giờ rảnh đâu mà đi chơi. Còn em không chịu khiêu vũ là vì em không thích cuộc chơi ấy. Tuy vậy mà em cũng thuộc hạng gái đời nay, những lý tưởng mới chẳng trái tai gai mắt em đâu mà anh ngại… Em ngồi nói chuyện dông dài mất thời giờ của anh hết bộn. Thôi, em về đọc sách, để cho anh làm việc.Thầy Thiện đưa cô Lý ra tới thềm rồi thầy trở vô khép cửa lại viết tiểu thuyết; thầy ngồi trơ trơ một mình dưới bóng đèn, trong nhà vắng tanh, lúc nào ngước mặt lên mà suy nghĩ thì thầy ngó tấm hình chụp của vợ treo trên vách rồi miệng chúm chím cười.