Chương 1
VẤN ĐỀ THIỆN , ÁC; HỌA , PHÚC; TỐT, XẤU

Thiện, ác; họa, phúc; tốt, xấu là vấn đề luôn gây tranh cãi cho nhân loại, trong các triết thuyết, trên báo chí cũng như trong đời sống hàng ngày. Không ai tránh được vấn đề này. “ Làm thế này là phải, làm thế kia là trái “, nói vậy là bàn tới thiện, ác rồi. Song với nhà Đạo học thì họ đặt vấn đề “Có thật thiện là tốt chăng? “, “Có thật ác là xấu chăng? “, “Có cái thiện nào tận thiện chăng? “, “Có cái ác nào tận ác chăng? “, “Bản chất của cái thiện là gì?”, “Bản chất của cái ác là gì? “
Quy luật sơ đẳng, cơ bản của Đạo học là: Ác là thiện và thiện là ác; họa là phúc, phúc là họa; tốt là xấu, xấu là tốt.
Nghe có vẻ nghịch lý. Nhưng cái thiện có được là do cái ác. Nếu ai cũng thiện hết thì ta không làm sao phân biệt được đâu là thiện đâu là ác. Nhân thấy hàng xóm ăn ở bất nhân (tức ác) mà ta dạy con cái ăn ở có nhân (tức thiện). Nhân thấy chiến tranh tàn bạo (ác) mà ta cổ vũ cho hòa bình (thiện). Vậy nói không có ác thì cái thiện cũng biến mất luôn. Học sử Việt, ta thấy không có sự tàn ác của quân Nguyên thì làm gì có cái vĩ đại (tức thiện) của Trần Hưng Đạo? Nếu Trần Hưng Đạo mà sinh vào thời khác, thời hòa bình thì làm gì có giặc cho ông đánh, tức không có vấn đề lớn cho ông giải quyết, do đó ông sẽ không vĩ đại (tức không thiện). Cái yếu kém thời bao cấp ở Việt Nam làm nảy sinh thời kinh tế mở cửa hiện nay làm dân chúng giàu hơn xưa. Bạn cứ đi làm việc ác đi, tỉ như trộm cắp, lừa đảo thì bạn thấy cái thiện hiện ra ngay: cảnh sát bắt bạn, và người ta sẽ yêu mến những ông cảnh sát đó, thêm nữa, những nạn nhân của bạn sẽ biết đề phòng hơn, bản lĩnh cao hơn. Vậy thiện do ác sinh ra, tức ác là thiện.
Tôi đọc báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh và gặp mẫu chuyện này xin hầu bạn:
Ngô Văn Linh, 41, sống ở Đà nẵng, chạy xe thồ với chiếc 81 cũ. Trưa ngày 17-12-2004, anh đang ăn cơm trong nhà. Chiếc xe để ngoài hè, không khóa. Một tên trộm tới, khởi động chiếc xe rồi bỏ chạy.Cả nhà thấy vậy, la lên rồi chạy theo tên trộm. Nhưng anh Linh vẫn tỉnh bơ, phớt lờ và nói: "Chạy sau nó từ từ thôi. Đừng chạy nhanh mà mệt. Nó không thể lấy chiếc xe đó đâu!" Quả vậy, chiếc xe chạy một quãng đường rồi dừng. Tên trộm sợ hãi, bỏ chiếc xe rồi chạy bán mạng. Mọi người xung quanh ngạc nhiên, hỏi anh Linh có thiết bị gì thần kỳ bí ẩn vậy. Anh cười ruồi, đáp: "Ồ, chiếc xe cà tàng này có nhiều bệnh lắm. Ai không quen với nó không thể cưỡi nó đâu."
Như vậy, một chiếc xe tồi thì khó hay không thể bị mất cắp. Cái xấu là cái tốt.
Ta cũng cần phải cân nhắc điều này khi gặp khó khăn, tai họa trong đời: khó khăn là phần thưởng cho người bản lĩnh cao. Cái khó, cái ác chỉ khó, chỉ ác đối với hạng bản lĩnh kém. Chẳng hạn, võ sĩ quyền Anh hạng nặng Mỹ nổi tiếng Mike Tyson đang ngồi trong một bar rượu, hai gã say chân nam đá chân chiêu xuất hiện, nói:”Mày có quả đấm, tụi tao có súng.” Mike Tyson nổi giận đánh hai gã. Hai gã để cho đánh rồi kiện Mike Tyson ra tòa. Ở đó, Mike Tyson phải bồi thường. Những người nổi tiếng dễ gặp những cảnh khiêu khích như vậy. Họ bị xem là những con bò sữa cho người khác vắt. Đọc tin trên ta thấy Mike Tyson không thâm trầm, bản lĩnh nông cạn. Nhưng với hạng bản lĩnh cao thì cái khó, cái ác như vậy chỉ chứng minh họ giỏi mà thôi. Chẳng hạn, sự xâm lược của bọn phong kiến phương Bắc, như trong đời Nguyễn Trãi chẳng hạn, tuy là đại họa đối với cả một dân tộc nhưng việc đó chỉ làm cho dân ta, Lê Lợi, Nguyễn Trãi thêm vĩ đại, chứ không diệt được dân tộc ta, không diệt được Lê Lợi, Nguyễn Trãi. Ngược lại nếu sinh ra trong thời bình thì Nguyễn Trãi chỉ là viên quan văn chết già nơi xó cửa mà thôi. Cái phúc được sống trong thời bình, xét về mặt nào đó, lại là cái họa vì Nguyễn Trãi không có dịp thi thố thiên tài của mình. Những khó khăn hiện nay mà loài người chưa giải quyết được như AIDS, ung thư là những giải thưởng Nobel y học cho các thế hệ tương lai. Không có cái khó nào, cái ác nào khó luôn luôn, ác luôn luôn, ác mãi mãi, tuyệt khó, tuyệt ác. Trong cái khó, ẩn cái dễ; trong cái họa có cái phúc. Khó là dễ, ác là thiện.
Chiều ngược lại, thiện là ác, xin kể quý vị vài câu chuyện chứng minh.
Chuyện thứ nhất, mục “Sau lũy tre làng”, báo Tiền Phong số ra ngày 20-7-2004, xin tóm tắt như sau: “ Oanh vừa lạ, vừa tươi như hoa, dịu như lá. Oanh đi thăm anh. Vùng anh cô ở có nhiều chàng trai tới tán tỉnh. Cô không chọn Tùng con ông chủ tịch xã, cũng chẳng phải Hưng nhà có cây xăng dầu và cửa hàng phân bón, không phải Chúng, ông chủ trẻ kiêm tài xế xe tải Bắc -Nam sành sõi tình trường mà chọn Tích hiền lành, siêng năng. Ai cũng mừng cho Tích, vậy mà ông Ba Lê bố đẻ chị dâu Tích lo lắng đến đứng ngồi không yên: Con bé Oanh xinh thế, khôn ngoan thế thì con gái ông “toi” mất. Con ông tuy là dâu trưởng nhưng khờ dại, vụng về đủ đường. Càng nghĩ, ông càng thấy nguy. Phần Oanh, tuy kiên quyết, tỉnh táo nhưng Tích nài nỉ quá nên đã để Tích lấn sân. Mùng 4 Tết, Oanh vượt cả ngàn cây số báo cho Tích biết mình có bầu. Nghe tin, mừng như mở cờ, Ba Lê chia rẻ, nói với Tích: “Mày trẻ người non dạ. Người ta mắn con thì cũng phải cả năm mới có, đằng này nó mới một lần.” Mặc kệ, Tích bàn bố mẹ cưới gấp. Ba Lê thỏ thẹt mẹ Tích với tư cách đại diện họ nhà trai: “Oanh có bầu, không làm lễ gia tiên mà chỉ cho đi cửa sau ra mắt hai họ.” Đêm trước ngày cưới, Ba Lê ra đòn quyết định. Dù không ai gọi, ông ta cũng chở tới một ông thầy cúng để xả xui. Vừa thấy Tích, thầy phán: “Cậu là người đàn ông nhân hậu, nhưng đã yêu thì yêu cho trót, sau này phải coi cháu như con đẻ của mình... “
Dù rất tin Oanh, tức mức này, Tích không khỏi nghi ngờ, lập tức phóng xe tới nhà Oanh tra gạn... Hôm sau chờ mãi không thấy nhà gái tới, hỏi ra thì do lòng tự trọng tổn thương quá nặng vừa nghĩ con gái khó yên ổn, cha mẹ đưa Oanh về từ sớm. Tích đau khổ muốn điên. Cả nhà Tích không biết ăn nói sao với xóm làng. Chỉ có ông sui Ba Lê cười thầm đắc chí.”
Cái hay, cái tốt, cái đẹp của Oanh là cái họa cho con gái ông Ba Lê. Vì thế Ba Lê phản ứng mà làm cho đôi bạn trẻ phải bị chia rẻ. Cái thiện, cái đẹp của Oanh lại đi gây ác cho cô. Công, dung, ngôn, hạnh trong trường hợp này là cái ác. Có thể một vài độc giả cho là chỉ có ở nông thôn mới có chuyện như vậy. Chưa chắc! Ở thành thị thì cũng lắm trò ma kiểu thành thị để “chơi” nhau, một khi bạn tài hơn, giỏi hơn, tốt hơn, chiếm thế thượng phong hơn người khác. Ở thành phố thì cũng có lắm Ba Lê kiểu thành phố. Ở nơi nào đó, tứ đức là thiện nhưng ở đây, tứ đức là ác.
Một cô bạn của tôi, xinh đẹp, quảng giao, đi học tại chức khoa Quản Trị Kinh Doanh. Cô có thi rớt một môn. Thầy hẹn với cô đi uống cà phê nói chuyện rồi giúp cho. Trong khi uống cà phê, chân thầy cứ đá chân cô. Cô hiểu là thầy muốn chuyện trai gái. Cô rất bực mình vì cô có chồng rồi, sau đó cô hẹn thầy uống cà phê một dịp khác, rồi “nói thầy không ra gì luôn”. Thất vọng cho môi trường sư phạm, cô lập tức bỏ học. Công đèn sách, tiền trường trước đó bỏ sông bỏ bể hết.
Tôi nghe chuyện không lấy gì làm lạ. Cô đẹp thì thu hút đàn ông, lại thi rớt là dịp để được người khác giúp mà cũng tỏ tình. Lỗi của cô là quá kỳ vọng vào đại học, cứ nghĩ nó là tốt. Phải hiểu trong cái tốt ấy có cái xấu là mới đúng. Mà tôi cũng đoán ra là trong tương lai cô gặp nhiều chuyện bực mình vậy nữa, vì cô đi đâu, làm gì thì trong bọn đàn ông, có kẻ mê tít, bọn ấy ắt lại buông những lời “khiếm nhã”. Đẹp là một cái tội mà cô không biết, cứ nghĩ mình là người bình thường. Đẹp là xấu.
Tôi không làm tình làm tội gì các người đẹp cả, nhưng tôi hay gặp những chuyện như vậy quá. Một cô gái khác, cũng trẻ đẹp, khá thân quen với tôi, đi xin việc. Thử việc tốt rồi, đến khi nhận vào làm, giám đốc đề nghị “cho ngủ hai đêm”. Hãi quá, cô bỏ việc. Chuyện tham nhũng tình dục như vậy không phải là hiếm. Người đẹp thì có cái khổ của người đẹp. Đẹp là cái mầm của tai họa, tai họa cho người khác và cho chính mình.
Cái mạnh cũng là cái yếu nữa. Nếu bạn là một tay thiện xạ, tôi tặng bạn khẩu súng, bạn thích tôi ngay. Thích tôi thì tôi sẽ khai thác được bạn. Làm vua mà trăm trận trăm thắng là tai họa. Trong sách Lã Thị Xuân Thu, có lần Ngụy Văn Hầu hỏi đại thần Lý Khắc:”Nguyên nhân nước Ngô bị diệt vong là gì?” Lý Khắc lập tức trả lời:”Trăm lần đánh, trăm lần thắng.” Ngụy Văn Hầu phân vân không hiểu, Lý Khắc liền giải thích: “Trăm lần đánh, nhân dân sẽ mệt mỏi. Trăm lần thắng, nhà vua sinh kiệu. Lấy ông vua kiêu ngạo trị nhân dân mệt mỏi tất bại vong.” Mạnh chuyển thành yếu. Trong lịch sử Châu Âu, vào thời Napoleon, khi Châu Âu chưa đoàn kết, còn liên minh với nước Pháp thì Napoleon là vô địch, là hoàng đế Châu Aâu. Song, sau đó người Châu Âu nhận ra rằng không thể nghĩ đến một gã Napoleon mà không gây chiến, thế là họ đoàn kết lại, không liên minh với nước Pháp nữa, thế là Napoleon thất bại. Ông thất bại vì ông thắng luôn, thắng oanh liệt và ông hiếu chiến quá. Dù là thiên tài quân sự cũng thất bại.Theo Binh pháp Tôn Tử thì mạnh cái nào cũng đồng thời yếu về cái đó. Khi dàn trận, nếu mạnh ở phía trước thì yếu về phía sau. Mạnh phía sau thì yếu phía trước. Mạnh phía sau và phía trước thì yếu hai bên hông. Mạnh hai bên hông thì yếu phía sau và phía trước. Nếu mạnh cả bốn bên thì yếu cả bốn bên. Mạnh là yếu và thắng là bại.
Câu chuyện khác.
Nguyễn Trãi, mưu sĩ thiên tài của Lê Lợi, từ khi ông về Lam Sơn, ông làm cho khởi nghĩa Lam Sơn đi hết từ thắng lợi này tới thắng lợi khác, thắng lợi sau to lớn hơn thắng lợi trước. Ông là nhân vật lịch sử vĩ đại, mấy thế kỷ sau, Việt Nam cũng không có được một con người như vậy. Ông “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, từng tha, cho về nước 10 vạn quân Minh bị vây hãm thành Đông Quan làm cho người Minh cảm kích ân nghĩa sâu xa. Vậy mà cuối cùng thì ông bị tru di tam tộc. Vì sao vậy?
Vua Lê Thái Tôn yêu quý 3 người phi tần là Dương Thị Bí, Nguyễn Thị Anh và Ngô Thị Ngọc Giao. Yêu 3 người như vậy thì chọn con của ai làm thái tử nối ngôi vua? Vì thế có cuộc tranh chấp quyết liệt. Dương Thị Bí và thái tử Nghi Dân bị đánh đổ, hoàng tử Bang Cơ con của Nguyễn Thị Anh được lập làm thái tử, cùng lúc Ngô Thị Ngọc Dao có mang. Nguyễn Thị Anh dèm pha, Thái Tôn nghe lời, quyết định đày Ngô Thị Ngọc Dao ra châu xa. Nguyễn Trãi trước bất công đối với Ngô Thị Ngọc Dao không làm ngơ, ông cứu đứa trẻ trong bụng mẹ và người đàn bà vô tội, ông cùng vợ ông là bà Nguyễn Thị Lộ đề nghị vua xét lại vì không có lý do chính đáng. Bà Nguyễn Thị Lộ xin cho Ngô Thị Ngọc Dao được an trí tại chùa Huy Văn, phía nam Thăng Long. Có lẽ trước khi về Côn Sơn, ông bàn với bà Lộ bí mật đưa Ngọc Dao về Thái Bình ngày nay sinh nở. Ngọc Dao sinh con trai, Thái Tôn vui mừng, đặt tên con là Tư Thành nhưng Nguyễn Thị Anh rất lo sợ và căm thù Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, rắp tâm trả thù và tìm cách trừ hậu họa cho con mình.
Ít lâu sau, vua về Lệ Chi Viên (Trại Vải), tới đêm lên cơn sốt rét nặng. Trong việc chăm sóc vua có cả Nguyễn Thị Lộ. Vua chết. Lê Thái Tôn cùng đi với Nguyễn Trãi tới Côn Sơn, đi khỏi Côn Sơn thì chết, và Nguyễn Thị Lộ có mặt khi Thái Tôn chết. Nguyễn Thị Anh cùng các hoạn quan vu cáo, buộc tội Nguyễn Trãi đầu mưu cho Nguyễn Thị Lộ giết vua. Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc.
Suốt một đời lo cho dân cho nước như Nguyễn Trãi, công lớn nhất đương thời mà cũng không cậy mình là công thần, chỉ một lòng lo cho dân cho nước, thế mà chết thảm. Cái nhân nghĩa của ông đem lại cái ác cho ông. Thiện là ác. Có thể đổ lỗi cho chế độ phong kiến hủ bại, quyền lực, của cải tập trung vào vua mà đâm ra các bà phi tranh giành nhưng thưa quý vị, thời đại nào là hoàng kim? Khi quý vị là một đệ nhất công dân, một VIP như chủ tịch nước, tổng thống, bộ trưởng cũng chưa “ngon” đâu. Lâu lâu ta lại thấy một tổng thống bị ám sát, bị xì căng đan, bị lật đổ như Kennedy, Nixon bên Mỹ hay Saddam Hussein bên I-rắc.
Quan sát cuộc sống hàng ngày ta thấy, lấy ví dụ trong một công sở, trong một phòng của nó, để chọn người làm trưởng phòng, ta chọn ai? Chọn người có năng lực, tức có tài, và khiêm tốn, nhân ái, thăng bằng, tức có đức làm trưởng phòng. Vậy ai có tài, có đức là làm trưởng phòng, phải không? E hèm, chợ đời không như trò chơi con nít vậy đâu. Trong nhóm nhân viên đó, ai cũng muốn làm vua trong nghề của mình. Trong đó có người sẽ quan sát, thấy ai là tài đức, có uy tín, sẽ được đề bạt thì anh ta sẽ mặc sức thi triển các công phu “thể thao trí tuệ” như ném đá giấu tay, thọc gậy bánh xe, cản mũi kỳ đà, xịt chó vô gai, gắp lửa bỏ tay người, vân vân và vân vân... để người uy tín cao rớt mà anh ta được bầu lên. Nhân nghĩa trong trường hợp này ích gì? Chức cao hơn thì tiền và quyền cao hơn, rồi thì họ e ngại với nhau rằng lên được chức trưởng phòng rồi còn sẽ tiến xa mà lên được chức phó giám đốc, thế là đâm ra rất nhiều chiếc ghế đều là một màn đấu đá bè phái ngấm ngầm hay công khai không khoan nhượng. Không phải tất cả đều như vậy, có những cơ quan đoàn kết tốt nhưng kịch bản trên thì hay xảy ra lắm, ở mọi nơi, mọi quốc gia, mọi cấp, kể cả cấp bộ trưởng hay nguyên thủ quốc gia, đọc sử thấy ngay, dễ lắm. Con người yêu quyền lực là tự nhiên mà.
Đọc Luận Ngữ của Khổng Tử do cư sĩ (người tu tại gia) Đoàn Trung Còn chú giải thì ta thấy lặp đi lặp lại lời “người có đức thì người khác theo về”. Đọc sách của Nguyễn Hiến Lê, ta cũng gặp ông viết rằng người có tư cách cao thì người khác giúp đỡ. Người viết không đồng ý với hai ông được. Đoàn Trung Còn là một Phật gia nữa, mà Phật thì gần Lão, chúng tôi không phản đối nhưng ý kiến của ông về Nho và của các Nho gia, dưới con mắt Đạo học, hãy còn hở sườn, còn khuyết điểm, tức còn cái mà theo đó ta thất bại. Nói như vậy vừa đúng vừa sai. Quả thật là có đức, có tài thì người khác giúp đỡ, điều này đúng, trong thực tế ta cũng thấy, nhưng qua đời Nguyễn Trãi và qua kịch bản văn phòng trên thì ta thấy càng có đức, càng có tài thì càng bị đả kích, bị tru diệt. Làm dâu mà có tứ đức công, dung, ngôn, hạnh (tức giỏi việc, xinh đẹp, ăn nói lễ phép, đức hạnh) như cô Oanh ở trên thì là mang mầm họa cho chính mình và cho người khác rồi vậy. Giỏi việc thì cha mẹ nhà chồng giao cửa hàng cho (chứ giao cho dâu dở thì phá sản à?), rồi lại xinh đẹp, bán hàng chạy, ăn nói được lòng người, lại không gian tham thì bao nhiêu của cải nhà chồng về tay người có tứ đức hết, như thế thì “ăn” hết phần các bà dâu khác, vì vậy hạng phụ huynh vốn từng trải sẽ “chơi”, hoặc là các bà dâu khác sẽ ghét, tức là gây ra một cái ác, cái xấu. Không phải luôn luôn tứ đức gây bất hạnh, không phải vậy, trong trường hợp khác tứ đức là hạnh phúc. Chúng tôi, trong gia đình, khi con, em, cháu còn nhỏ cũng dạy chúng tứ đức nhưng tứ đức không hoàn hảo như trong Gia Huấn Ca tương truyền là của Nguyễn Trãi đã viết là “Công, dung, ngôn, hạnh là tiên phàm trần “ đâu. Bà phi Ngọc Dao ở trên đẹp và vô tội đó chứ nhưng cứ bị căm thù. Những bản giá trị của Nho Giáo như ngũ thường “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” cho đàn ông, cho người quân tử và tứ đức cho phụ nữ (ngày nay hãy còn giá trị) chúng không hoàn hảo, theo chúng không mang lại hạnh phúc trong mọi trường hợp được. Ngược lại nữa là khác, trong nhiều trường hợp, chúng rất khiếm khuyết và Đạo sĩ (những người đã đắc đạo Lão-Trang) luôn phản đối Nho. Với chúng tôi thì các bản giá trị của Nho chỉ dùng để dạy người dưới 21 tuổi mà thôi. Chúng tôi khi còn trẻ thì cũng yêu Khổng Tử, mê Luận ngữ, Mạnh Tử, tứ thư lắm, mê thật, yêu thật và coi Khổng, Mạnh như thần tượng, ước làm như họ dù đau khổ. Nhưng khi đắc đạo rồi thì thấy nhân sinh quan Nho Giáo khiếm khuyết quá, không thể theo được. Khi bọn trẻ có tính cách vững vàng rồi thì chúng tôi tháo dần ra bằng các câu chuyện đang kể cho quý vị nghe đây để chúng biết lý giải các thất bại của chúng dù chúng “thẳng”, “ngay”, “đoan chính”, “quân tử”, “phải lẽ”, “hợp đạo lý”, vân vân và vân vân. Phải để những giá trị trên trong dấu ngoặc là vì chúng chỉ là những giá trị tương đối. Cái ngay thẳng của Nguyễn Trãi, của cô Oanh là cái ác đối với người khác, ví dụ vậy.
Chúng tôi còn có nhiều những mẫu chuyện khác hầu quý vị, minh chứng cho luận điểm “thiện là ác”. Nhân vật thiện trong câu 2 câu chuyện sau lại chính là thánh tổ Nho giáo Khổng Tử. Truyện trích từ Sử ký Tư Mã Thiên.
“Lỗ Định Công cho Khổng Tử làm quan cai trị thành Trung Đô. Được một năm, cả bốn phương đều noi theo xem là mẫu mực. Từ chức quan cai trị thành Trung Đô, Khổng Tử được thăng làm tư không (coi việc xây dựng), rồi được làm đại tư khấu (coi về pháp luật).
Mùa xuân năm thứ mười đời Lỗ Định Công(500), Lỗ giảng hòa với Tề. Mùa hạ, quan đại phu nước Tề là Lê Sừ nói với Tề Cảnh Công:
Nước Lỗ dùng Khẩu Khâu thế nào cũng nguy hại cho nước Tề.
......
Khổng Tử làm tướng quốc (như thủ tướng ngày nay), giết quan đại phu nước Lỗ làm rối loạn chính sự là Thiếu Chính Mão. Sau khi tham dự chính quyền trong nước ba tháng, những người bán cừu, bán lợn không dám bán thách, con trai con gái ở trên đường đi theo hai phía khác nhau, trên đường không nhặt của rơi. Những người khách ở bốn phương đến thành ấp không cần phải nhờ đến các quan, bởi vì người ta đều xem họ như người ở trong nhà.
Người Tề nghe vậy sợ hãi nói:
Khổng Tử cầm đầu chính sự thì thế nào cũng làm bá chủ chư hầu. Nếu Lỗ làm bá thì đất nước ta ở gần sẽ đầu tiên bị thôn tính. Tại sao ta không đem đất nộp cho Lỗ?
Lê Sừ nói:
Trước tiên hãy tìm cách cản trở, nếu chưa được thì nộp đất cũng chưa muộn.
Vua Tề bèn sai chọn tám mươi người con gái đẹp ở trong nước Tề, đều cho mặc quần áo đẹp, tập múa điểu “khang nhạc” và ba mươi cỗ ngựa, mỗi cỗ bốn con rất đẹp. Vua Tề sai bày bọn con gái và những con ngựa đẹp ở ngoài cửa cao phía nam kinh đô nước Lỗ. Quý Hoàn Tử ăn mặc thường dân đến xem hai ba lần, toan thu nhận và nói với vua Lỗ đi một vòng để đến xem. Vua Lỗ đến chơi xem đến trọn ngày. Vua Lỗ bỏ việc chính sự. Tử Lộ nói:
Thầy nên đi thôi.
Khổng Tử nói:
Vua Lỗ sắp đi làm lễ tế giao, nếu nhà vua đem thịt tế đến cho các quan đại phu thì ta còn có thể ở lại.
Cuối cùng Quý Hoàn Tử của Tề, ba ngày không nghe việc chính sự. Khi làm lễ tế giao cũng không đem thịt tới cho các quan đại phu. Khổng Tử bèn ra đi. “
Cái thiện của Khổng Tử là cái ác của nước Tề. Người Tề coi Khổng Tử như cừu địch, tìm mọi cách gạt ông ra. Không chỉ một lần, Khổng Tử còn bị thất sủng, bị xa lánh ở Sở nữa:
“Chiêu Vương nước Sở định phong cho Khổng Tử miếng đất trong sổ sách có 700 lý (1 lý là nhóm gia đình 25 nhà). Quan lệnh doãn (như thủ tướng ngày nay) nước Sở là Tử Tây hỏi:
Trong số các sứ giả nhà vua phái đến các nước chư hầu có ai bằng Tử Cống không?
Không.
Trong số những người giúp đỡ nhà vua có ai bằng Nhan Hồi không?
Không.
Trong số các tướng của nhà vua, có ai bằng Tử Lộ không?
Không.
Trong số các quan của nhà vua, có ai bằng Tể Dư không?
Không.
Không những thế, tổ tiên nước Sở cũng chỉ được nhà Chu phong vời cái tước hiệu là “tử” và năm mươi dặm đất (Ý nói Sở trước kia chỉ nhỏ 50 dặm và chỉ có tước “tử”, nay lớn mạnh). Nay Khổng Khâu theo phép tắc của Tam Vương, làm sáng cả cơ nghiệp của Chu Công, Thiệu Công. Nếu dùng ông ta thì nước Sở làm thế nào mà được đời đời đường hoàng có đất vuông ngàn dặm? Văn Vương ở đất Phong, Vũ Vương ở đất Cảo đều chỉ là những ông vua có trăm dặm đất, thế mà rốt cuộc lại làm vương thiên hạ. Nay Khổng Khâu có được miếng đất làm cơ sở, lại có bọn học trò giỏi giúp đỡ thì đó không phải là phúc của nước Sở.
Chiêu Vương bèn thôi.
Một người cuồng nước Sở tên là Tiếp Dư đi qua trước mặt Khổng Tử hát:
Phượng ơi, chim phượng kia ơi
Đạo đức suy đồi còn biết tính sao?
Việc qua can chẳng được nào.
Việc sau họa biết cách nào lần xoay
Thôi, thôi chim hãy về ngay.
Con đường chính trị rắc đầy chông gai.
Khổng Tử xuống xe muốn nói chuyện, nhưng Tiếp Dư đã rảo bước đi mất, không sao nói chuyện được. Khổng Tử bèn rời nước Sở về nước Vệ. Năm ấy Khổng Tử sáu mươi ba tuổi.”
Tiếp Dư là một ẩn sĩ. Ông chỉ cuồng chứ không điên. Cuồng quá đi chứ. Đời theo nhân nghĩa, ta không theo nhân nghĩa, đi ngược lại xã hội, là cuồng. Lời nói, hành vi của ông Sở Cuồng nghe như cái không, có như không, không như có, có đó rồi đi mất, làm ta không biết ông Sở Cuồng này ra sao, ngoài việc ông nổi tiếng vì đã can Khổng Tử. Ông phủ nhận việc mình đã làm, như Tôn Tử vậy, giúp vua Ngô đánh thắng Sở rồi bỏ đi biệt tích. Đời là cái không, chứ không như Khổng, đời là cái có, cái hữu, cái sắc, suốt đời trung quân ái quốc. Vậy mà vị đại đại chính nhân quân tử này lại luôn bị thất sủng, vì ông mà có được một nước nhỏ, tất hết cả các nước chư hầu theo về, các nước có tham vọng làm bá chủ - nước nào mà không muốn mình “vĩ đại” nhỉ - vì thế sẽ bị khuynh loát. Ông nguy hiểm quá. Có tư cách cao là nguy hiểm, là ác rồi vậy.
Ở phương Đông ta có chuyện “Tái ông thất mã”.
Một ông già ở miền biên tái mất ngựa, hàng xóm qua chia buồn. Ông nói:”Biết đâu đó lại là cái phúc.” Ít lâu sau con ngựa cái quay về, đem theo một con ngựa đực. Hàng xóm sang chúc mừng, ông nói:”Biết đâu đó là cái họa to.” Con trai ông cưỡi ngựa đi chơi, té, què chân. Hàng xóm sang chia buồn, ông nói:”Biết đâu đó là cái phúc lớn.” Xảy ra một cuộc chiến tranh, trai làng đi lính, chết và bị thương nhiều, con ông tàn tật không phải đi lính mà sống.
Họa là phúc mà phúc là họa mà ta không biết đâu là đầu mối, vượt ra ngoài ý chí ta. Tưởng là hay mà hóa dở, tưởng dở lại hay. Cũng vậy, thiện là ác mà ác là thiện, ta không sao phân biệt được.
Phương Tây, thời La Mã cổ đại có Maximus (396-455) thắng đó rồi thua đó, leo lên đỉnh cao quyền lực rồi bị giết, dù ý chí và âm mưu thật đáng ghê sợ.
Maximus xuất thân vọng tộc, là nguyên lão nổi tiếng và là cự phú La Mã. Trước tiên, ông ta hãm hại một danh tướng La Mã là Aetius vào năm 454. Aetius là một thống soái và là nhà chính trị lỗi lạc của đế quốc La Mã. Ông theo vua Velentinianl suốt 30 năm và lần lượt chỉ huy quân đội La Mã đánh bại người Frank, người Burgundi, người Goth. Đồng thời, trong cuộc “Đại chiến bách tộc” (451) ông đã chỉ huy bộ đội gồm nhiều dân tộc chặn đứng cuộc tấn công của vua Hung Nô là Attila, tạo được chiến công hiển hách, tên tuổi vang lừng, nên đã trở thành đối tượng cần tiêu diệt của người đầy tham vọng Maximus. Maximus mua chuột được các cận thần của hoàng đế, vu cáo Aetius định cướp ngôi vua. Nhà vua u mê bất tài không phân biệt được trắng đen, tin lời vu cáo là thực. Thế là một cái bẫy được bày ra. Một hôm Aetius nhận được lệnh vua vào ra mắt, ông chưa kịp mở miệng nói lời nào thì bổng nhà vua nhảy tung lên, la to là có người muốn hành thích và nhanh nhẹn tuốt gươm ra. Những đao phủ mai phục sẵn nghe động liền ào tới. Chỉ trong chớp mắt, một tướng tài của La Mã liền bị giết chết. Sau có người trách vua: "Ngài đã dùng cánh tay trái chặt đứt cánh tay phải của ngài rồi. Từ nay làm sao có đủ tướng tài năng chống đối người Vandal bảo vệ đất Ý? "
Việc thứ hai là Maximus âm mưu thí vua(455). Sau khi giết Aetius, Maximus dùng kế li gián, mượn tay người khác giết vua. Có hai thân binh người Germans nguyên là người thân tín của Aetius, thường phục vụ sát bên vua, cả hai đều chất phác và rất trung thành với chủ tướng. Maximus vờ đau xót nói với họ: tướng quân theo nhà vua mấy mươi năm, vào sinh ra tử, lúc nào cũng trung thành, thế mà bị giết oan, vậy các anh phải trả thù cho chủ tướng. Hai thân binh nghe qua, tức giận, bèn theo kế hoạch Maximus, thừa dịp vua Valentinianl đi ra ngoài, chúng đã giết vua tại Campus Martius.
Sau khi giết vua, hai thân binh trên đã lột lấy y phục vua trao cho Maximus. Thế là ông ta lên ngôi hoàng đế, rồi cưỡng bức hoàng hậu lấy ông ta. Có lẽ bà này quá căm tức và nóng lòng muốn trả thù nên đã cầu cứu lãnh tụ Burgundy. Người Burgundy được tin hết sức vui mừng, lập tức kéo quân lên phía Bắc, đánh cướp thành La Mã (455). Trong chiến loạn, Maximus định bỏ trốn nhưng bị nhân dân trong thành đang phẫn nộ bắt được và giết chết. Maximus lên ngôi vua được hai tháng rưỡi (17-3-455 đến 31-5-455).
Cái thiện của dân La Mã là tướng Aetius là cái ác với người khác. Ông tài hoa lỗi lạc, vinh hoa phú quý, quyền lực của đế quốc lọt vào tay ông hết. Nhưng nhiều người khác, không chỉ Maximus cũng cò tham vọng chứ, cũng muốn leo cao chứ, thế là gây ra cái ác. Có thể đổ lỗi là vua Valentinianl bất tài, không nhìn ra người ngay kẻ gian, chỉ có chế độ phong kiến mới xảy ra những bi kịch như vậy. Song có chắc vậy không? Ở thời đại dân chủ hiện nay của chúng ta thì bọn tham vọng như Maximus lại dùng ngón đòn của thời hiện đại, cũng rất dã man, tàn bạo. Tổng thống Mỹ Kennedy rất được lòng dân, ông được dân chúng hậu thuẫn mạnh mẽ đó chứ, còn gì bằng nữa? Đã là tổng thống, lại được lòng dân kia mà, vậy sao ông bị cứ bị ám sát?
Vậy ta kết luận: làm ác thì không được rồi. Song làm thiện cũng không xong. Vậy ta theo chân lý nào? Và chân lý là cái gi?