Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Quỳnh Đôi, tỉnh Nghệ An, tuổi trẻ của tôi không lấy gì làm hạnh phúc. Cha tôi quanh năm dạy học ở các tỉnh Bắc kỳ, chỉ đến Tết mới về với gia đình độ vài ba tuần rồi lại đi biền biệt. Mẹ tôi vay nợ lãi đi buôn gánh lụa, gánh lụa bán tận chợ Lứ, chợ Sy, chợ Hoàng Mai, cách làng mười mấy cây số, gà gáy ra đi, tối mịt mới về đến nhà. Nợ lãi rất nặng, cứ đầu năm vay một trăm quan, thì cuối năm phải trả một trăm ba mươi quan. Có những năm, ba mươi Tết chưa trả đủ nợ, mẹ phải tránh ra nhà ông ngoại, nhưng chủ nợ vẫn tìm đến nơi réo chửi. Lại thêm tập tục phong kiến, mẹ tôi là nạn nhân của cảnh mẹ chồng nàng dâu, không mấy hôm khỏi bị mắng chửi, hành hạ. Cảnh nhà chẳng vui vẻ gì, nên khi tôi lên sáu tuổi, mẹ tôi đã gửi ở nhà ông ngoại để học chữ Hán. Bẩy, tám tuổi theo ông ngoại đi học ở các huyện Hoằng Hóa, Thọ Xuân; mười một tuổi theo ông dượng đi học ở huyện Thiệu Hóa; mười hai, mười ba tuổi theo ông bác đi học ở huyện Quảng Hóa. Các huyện kể trên đều thuộc tỉnh Thanh Hóa. Thời gian học với ông bác, tôi đã bắt đầu có sự hiểu biết chút ít ngoài sách vở. Bác tôi làm hương sư, dạy cả chữ nho lẫn chữ quốc ngữ ở trường làng Hồ Nam, huyện Quảng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Tôi học không lấy gì làm thông minh, chỉ được chút ưu điểm là viết chữ tốt và đọc sách rành mạch. Bác tôi thường bảo tôi đọc báo Trung Bắc tân văn và đôi khi đọc truyện Kiều cho bác tôi nghe. Bác tôi giỏi chữ Hán và học khá rộng, nhiều khi kể cho tôi nghe những câu chuyện về nước Nhật duy tân, đến nay tôi còn nhớ đôi mẩu như:
[1]Claire L. Chennault (1890-1958) BT[2]Hai chữ “Tô-thái” ở đây, trước kia trong bản gửi cho Phòng truyền thống xã Quỳnh Đôi và Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Nghệ - Tĩnh đều viết là “Do-thái”, là không đúng. Nay sửa lại.[3]“Ra” là xuất dương, “về” là đầu hàng, “Đại đăng khoa” là thì đỗ, “Tiểu đăng khoa” là lấy vợ.[4]“Bát cổ” là một lối văn chương cũ của Trung Quốc. “Bát cổ” có nghĩa đen là “tám vế”.
- Ở Nhật có người “phùng nhân tiễn tiếu”, gặp người là cười, cười cái hủ lậu của nước Nhật; lại có người “phùng nhân tiễn khốc”, gặp người là khóc, khóc cái lạc hậu của nước Nhật.
- Thanh niên nước Nhật nhiều người say sưa công cuộc duy tân, quyết làm cho nước giàu mạnh. Có một chàng thanh niên mê mải suy nghĩ việc duy tân, đến nỗi có lần anh ta cởi quần lội qua suối rồi cứ thế mà đi, quên cả mặc quần, đi đến nhà bạn mới sực nhớ ra.
- Ở Nhật có “Xung thiên thằng”, có “Tảo hải tuệ”. “Xung thiên thằng” nghĩa đen là dây chọc trời, có lẽ nói dây thép, dây điện. “Tảo hải tuệ” nghĩa đen là chối quét biển, có lẽ là nói tàu quét thủy lôi hay là tàu đánh cá.
- Thơ đầu xứ Thái đọc trước khi bị chém: Ba hồi lệnh giục thằng cha kiếp, Một nhát gươm đưa đéo mẹ đời. Sống là tướng mạnh ba quân cậy, Chết cũng thần thiêng một góc trời.
- Câu đối chửi Cao Ngọc Lệ: Vô địa khả mai Cao Ngọc Lệ, Hữu thiên bất tử Tống Duy Tân. Tạm dịch: Không đất để chôn Cao Ngọc Lệ, Có trời chẳng chết Tống Duy Tân. Tống Duy Tân đỗ Tiến sĩ, có tư tưởng chống Pháp. Cao Ngọc Lệ, học trò của Tống Duy Tân, đã mật báo những hoạt động cách mạng của Tống Duy Tân với Pháp, nên Tống Duy Tân đã bị xử chém. Câu đối điếu người mẹ của bạn mới mất: Toàn quốc vô Thái Tây chi nam, toại linh nữ kiệt tiêu trầm, đáo tử bất lưu Tô-thái bút. Đồng bào dĩ Việt nam vi mẫu, đương thử anh hùng thống khốc, cư tang hợp trước Mã–ni y. Tạm dịch: Nam giới như Thái Tây là ai, để cho nữ kiệt đắm chìm, đến chết không ghi sách Tô-thái Đồng bào lấy Việt Nam làm mẹ, đương lúc anh hùng gào khóc, ở tang nên mặc áo Mã-ni “Thái Tây” chỉ các nước phương Tây, chủ yếu là các nước châu Âu. “Nam giới như Thái Tây là ai” ý nói ở phương Tây, nam giới tôn trọng phụ nữ, ở nước ta thì không như thế. Tô-thái (Kossuth 1802 -1894) là một anh hùng dân tộc Hung-ga-ri. Trong tập hồi ký của mình, ông đã nói nhiều đến công ơn giáo dục của người mẹ. [2].
- Câu đối mừng người bạn thi đỗ Đình nguyên:
Phụ giáp ư Hương, huynh ất ư Hội, quân hựu khôi ư Đình, khoa hoạn nhất gia tư, bạch trú đối nhân, quốc sủng quân ân đa nhược thị? Phan thê ư Nhật, Đặng lưu ư hải, Ngô thượng tù ư ngục, ky my thiên lý ngoại, hoàng thành hồi thủ, cầm bào hoa hốt vị hà như? Tạm dịch: Cha là Thủ khoa, anh là Phó bảng, ngươi lại đỗ Đình nguyên, khoa hoạn riêng một nhà, rạng mặt với người, lộc nước ơn vua nhiều đến thế? Phan qua Nhật Bản, Đặng đày Côn Lôn, Ngô vẫn ở tù ngục, xích xiềng ngoài nghìn dặm, quay đầu về nước, hốt hoa áo gấm nghĩ làm sao? Câu đối này lấy ba nhà trí thức yêu nước là Thủ khoa Phan Bội Châu đang hoạt động ở Nhật, Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn và Tiến sĩ Ngô Đức Kế đang bị giặc Pháp giam ở Côn Đảo, để khêu gợi lòng yêu nước của người mới thi đỗ.- Câu đối khóc Nguyễn Thái Bạt:
Bạt là một người xuất dương vào hồi Đông du, sau về hàng Pháp. Bạt không thi Hương mà được Nam triều cho thi Hội, đỗ Hoàng giáp, rồi làm quan, được ít lâu thì Bạt chết. Khi còn bị giam, có người con gái hàng cơm thường đưa cơm cho y, sau được ra tù, rồi lấy nhau. Người ta đã đem những câu chuyện đó gói ghém trong câu đối rất có ý nhị như sau: Xuất dã kỳ, tựu dã kỳ, đại tiểu đăng cánh kỳ, khai mạc diễn thành bi hý kịch. Tội bất tử, tù bất tử, phủ quý lai như tử, cái quan nan định tạc kim bình. Tạm dịch: Ra cũng kỳ, về cũng kỳ, đại tiểu đăng càng kỳ [3], tấn kịch buồn vui, sân khâu mở màn xem đã rõ. Tội không chết, tù không chết, giàu sang đến mà chết, lời bàn kim cổ, quan tài đậy nắp định chưa xong.- Thơ Phan Chu Trinh chửi bọn quan trường:
Thế cục hối đầu dĩ nhất không, Giang sơn vô lệ khốc anh hùng. Vạn dân nô lệ cường quyền hạ, Bát cổ [4] văn chương túy mộng trung. Trường thử bách niên cam thóa mạ, Bất tri hà nhật xuất lao lung? Chư quân vị tất vô tâm huyết, Bằng hướng tư thi độc nhất thông! Tạm dịch: Nhìn lại cuộc đời thấy trống không, Giang sơn ráo lệ khóc anh hùng. Muôn dân nô lệ dưới quyền mạnh, Tám vế văn chương giữa giấc nồng. Trọn kiếp đành cam người chửi mắng, Bao giờ mới thoát cảnh chuồng lồng? Các ngươi chưa chắc không tâm huyết, Hãy đọc thơ này ắt hẳn thông!
[1]Claire L. Chennault (1890-1958) BT[2]Hai chữ “Tô-thái” ở đây, trước kia trong bản gửi cho Phòng truyền thống xã Quỳnh Đôi và Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Nghệ - Tĩnh đều viết là “Do-thái”, là không đúng. Nay sửa lại.[3]“Ra” là xuất dương, “về” là đầu hàng, “Đại đăng khoa” là thì đỗ, “Tiểu đăng khoa” là lấy vợ.[4]“Bát cổ” là một lối văn chương cũ của Trung Quốc. “Bát cổ” có nghĩa đen là “tám vế”.