Nghe tiếng thằng Quân qua điện thoại, chị Châu cảm thấy có điều khang khác. Dường như thằng Quân phải tự kiềm chế, cố làm yên lòng chị không dám nói thật về bệnh tình của thím Lương, mẹ nó. Bằng giọng nói bình tĩnh có vẻ vui vui, nó bảo sức khỏe mẹ nó cũng vậy vậy thôi, cơ mà mẹ nó thiết tha muốn gặp chị. Chị vô ngay nghen! (nó đã lai giọng Sài Gòn). Rồi em sẽ đưa chị đi vũng Tàu, Đà Lạt. Trời! Tình thế này chắc thím Lương sắp đi rồi. Ung thư dạ con đã đến thời kỳ di căn, là cầm chắc cái chết. Còn lòng dạ nào mà đi Vũng Tàu, Đà Lạt! Buông máy điện thoại, chị Châu tính chuyện bay trong ngày mai. Chị gọi ngay cho cô bạn ở Hàng không dân dụng bảo để dành vé cho chị. Rồi mới quay máy cho giám đốc, thủ trưởng cơ quan chị, xin phép nghỉ. Giám đốc trẻ hơn chị dăm tuổi, chắc đang mải mê xem Bao Thanh Thiên, nên giọng có vẻ cáu cẳn. Lại còn bảo, tưởng là mẹ chị ốm nặng chữ thím thì... Chị đã gắt lại, anh không biết đấy thôi, mẹ tôi mất rồi,tôi coi thím như mẹ, với lại anh làm sao hiểu được quan hệ thân thiết giữa tôi và thím. Anh đồng ý cho tôi đi là tốt, nếu không tôi vẫn phải đi, lúc về tôi sẽ chịu tội với cơ quan. Dĩ nhiên là giám đốc hơi hoảng, buộc phải vui vẻ. Còn chị trút cái bực bõ buồn phiền trong tiếng "cốp", tiếng dằn cần máy điện thoại. Chồng chị, vị đại tá chuyên viên cục tác chiến tên là Thắng đã bỏ xem phim ra đứng sau lưng chị từ bao giờ: "Chuyện gì vậy em?" Nghe chị nói lại, đại tá Thắng gật đầu: Phải, em nên vào ngay, thím đã thiết tha muốn gặp em là linh tính mách bảo việc thím ra đi chỉ ngày một ngày hai. Em vào giúp chú Bình một tay. Em vào, thấy tình thế cần thiết, phôn ngay ra, anh sẽ vào. Dù sao, chú Bình ngoài tình nghĩa chú cháu, còn là đồng đội thân thiết. Chị Châu bay vào chuyến 11 giờ sáng. Chồng chị xin xe cục tác chiến đưa chị đi ra sân bay. 13 giờ xuống sân bay Tân Sơn Nhất đã thấy Quân ra đón. Cùng đi với Quân là một cô gái xinh đẹp cao ráo: - Xin giới thiệu với chị, đây là Kim Thoa, tiếp viên hàng không, bạn em. - Em chào chị Châu! Cô gái đỏ mặt chào, giọng Hà Nội tươi nguyên. Và cô gái hăng hái, líu ríu xách đồ lề hộ chị ra xe. Một chiếc Mazda mầu mận chín mới cứng do Quân tự lái. Trong câu chuyện thăm hỏi tíu tít trên xe, Kim Thoa lại gọi chị Châu bằng cô theo quán tính, bởi chị Châu đã ngoài 50 tuổi, xuýt xoát tuổi mẹ Kim Thoa. Chị Châu phải giải thích: Em là bạn của Quân, dẫu các em chưa thành hôn, cũng tập cách xưng hô cho đúng. Người ta bảo họ hàng, đã cùng họ với nhau phải biết hàng của mình. Chị và em Quân chung một ông nội. Bố chị là con cả, còn chú Bình, bố em Quân là con út. Dẫu chú Bình có hơn chị 6 tuổi, thím Lương hơn chị chỉ 2 tuổi vẫn là chú, thím. Thím Lương và chị thuở nhỏ học cùng trường, vẫn mày tao chí tớ, tử tế một chút nhất là khi đã đến tuổi dậy thì mới gọi nhau bằng chị em. Khi thím Lương lấy chú Bình, về làm dâu nhà họ Lâm, hóa thành sao đổi ngôi, chị cứ phải gọi bằng thím. Lúc đầu chưa quen, thím cũng ngượng mà chị cũng ngượng. Có lần quen mồm gọi chị, bị bà nội mắng cho một trận nhớ đời. Kim Thoa che miệng cười: - Em có nghe bác Lương nói chuyện. Hình như cháu của chị lớn tuổi hơn chúng em phải không ạ! - Đúng vậy, cháu Lan, cháu gái đầu của chị tuổi Hợi, em Quân tuổi Sửu. Cháu hơn cậu 2 tuổi, thuở nhỏ bảo nó chào cậu, nó không chịu "cậu gì mà bé thế". Quân tay cầm lái, nói xen vào: - Thằng Kính nhà chị mới ghê, nó đẻ sau em cả năm, mà cứ gọi em là thằng, bị chị mắng nó cũng chỉ gọi là "ấy", mãi sau này mới chịu gọi cậu. Chị Châu cảm thấy yên tâm. Qua nét mặt và giọng nói của mấy đứa em là biết chị vào không đến nỗi trễ. Chắc là bệnh tình của thím Lương vẫn còn cầm cự được. Quân lái xe vào đường Cộng Hòa, đỗ xịch ngay trước nhà mình. Đây là khu nhà sĩ quan quân đội nom khang trang và sạch sẽ. Càng khang trang sạch sẽ hơn, chính là nhà chú Bình. So với năm ngoái, đã khác nhiều lắm. Nghe tiếng ôtô cả nhà ào ra cửa đón, khiến chị Châu cảm động gần như reo lên: "Chú!". Ông Bình trong bộ Pijama, da dẻ hồng hào, tóc điểm sương giang cả hai tay ra, nhưng ông không ôm mà chỉ nắm tay cô cháu. Ông ngoẹo đầu, ngắm nghía: - Chà chà, con bé này chẳng chịu già. - Chú cứ nói! Già khú đế rồi đây này, sắp hưu rồi đây này. Chỉ cách nhau 6 tuổi, nhưng đối với chú Bình, chị Châu bao giờ cũng cảm thấy mình bé bỏng, mình có quyền làm nũng nịu. Cùng ra với ông Bình là thằng Dân đang là sinh viên ngoại ngữ, giống ông Bình như hai giọt nước, chỉ có chiều cao là vượt bố cả cái đầu. Là con Thu Loan vừa thi đại học đang hồi hộp chờ kết quả. Cả hai đứa đều cúi đầu lễ phép "em chào chị Châu". Trong không khí tíu tít, chị Châu trêu chú Bình: - Người ta không cho chú lên tướng à? Công lao của chú cống hiến như thế... mà cũng chỉ đại tá như lão Thắng nhà cháu... Ông Bình cười hà hà: - Có mà tướng "Quảng lạc"! Chú không bị cắt chức đại tá là may! Chú vừa nhận sổ hưu, chỉ được hưởng lương ngang cấp tướng thôi! Nhưng dẹp, không nói chuyện ấy nữa. - Thím nằm ở đâu, bệnh tình thím ra sao rồi? Chị Châu chợt nhớ tới điều quan tâm của chị trong chuyến thăm này. Ông Bình bảo: - Cô ấy trên lầu hai - vẫn tỉnh, chỉ thỉnh thoảng lên cơn đau nom tội lắm, nhưng hãy khoan, chị mới vô, tắm rửa nghỉ ngơi ăn uống chút gì đã lát nữa hãy gặp. Chị Châu giãy lên: - Không, cháu đi máy bay có mệt mỏi gì mà nghỉ ngơi. Lại đã ăn trên máy bay rồi. Để cháu gặp thím. Và chị phăm phăm lên cầu thang. Phòng thím Lương nằm có điều hòa nhiệt độ, bước vào đã mát lạnh. Chị Châu nhón nhén đi sau người chú vậm vạp mà bước chân khẽ khàng. Một người đàn bà ước 50 tuổi, chắc là người giúp việc, thấy khách tới thăm, cúi đầu chào và lặng lẽ đi ra ngoài. Người bệnh nằm trên giường đệm, teo tóp võ vàng, mắt nhắm nhưng không phải ngủ. Ông Bình đặt tay lên trán vợ: "Em à, Châu đến với em đây này". Thím Lương mở mắt, đưa bàn tay gầy guộc ra: "Châu đấy à?" Chị Châu gần như vồ lấy bàn tay ấy, thốt lên "Thím Lương! Thím của em sao đến nỗi này!". Và không nén được mình, chị ôm lấy người bệnh, và khóc nức nở... khiến Lương cũng trào nước mắt. Ông Bình lặng đi trong nỗi xúc động mạnh. Ông hiểu rằng quan hệ của vợ mình và cháu gái, không chỉ là thím cháu, còn là bạn thân thiết từng chia sẻ với nhau nhiều nỗi niềm tâm sự, nhất là trong thời kỳ chiến tranh, họ đều là những người vợ xa chồng từng chịu nhiều đắng cay trăn trở. "Thím của em", cách xưng hô quen nết từ thuở nào đã biểu hiện sự thân tình khá thường giữa họ. Ông Bình lấy khăn lau nước mắt cho vợ và an ủi cô cháu: "Châu ơi, nín đi! Thương nhau, nhớ nhau khóc vậy cũng đủ rồi, nước mắt còn phải để dành. Cuộc đời này cũng còn cần nước mắt". Người bệnh nở nụ cười khô héo: - Nước mắt còn để dành khóc mình, nhưng mình chưa chết đâu, Châu à! Châu vào, mình mừng lắm. Liệu Châu ở lại được bao lâu? - Giá được nghỉ hưu rồi, thì em ở lại với thím bao lâu cũng được. Đằng này vẫn nghỉ phép, tiêu chuẩn được 10 ngày. Nét mặt rạng rỡ hẳn lên, người bệnh lại cười tủm tỉm: - ồ, mười ngày là đủ! Thôi Châu mới tới, tắm táp nghỉ ngơi đi đã. Chúng mình còn khối thì giờ trò chuyện. Chị Châu vâng lời, nhưng phải tự tay bóc mấy quả vải thiều, ép thím Lương nếm quà Bắc đã, mới chịu ra khỏi phòng. Ngay lúc ngồi trên máy bay, chị Châu đã tính không còn được trò chuyện với thím Lương, tâm trí chỉ nghĩ đến tang lễ đưa thím về nơi an nghỉ cuối cùng. Chị đã âm thầm lau nước mắt nhiều lần. Hóa ra thím còn tỉnh táo, dù thể trạng đã quá yếu, thím chỉ ăn dược vài thìa sữa hoặc chút ít nước hoa quả. Hóa ra chưa phải lo đám tang, mà bất ngờ thay, lại lo đám cưới cho thằng em, thằng Quân. Thực ra, chú Bình và cả hai em Quân và Kim Thoa chưa tính đến lễ trọng này. Quân mới 25, Kim Thoa 22, tuổi hẵng còn trẻ chưa phải vội vã. Nhưng nóng lòng cho con thành đôi thành lứa là thím Lương. Tuy không nói ra, nhưng thím coi như đám cưới chạy tang. Trong cõi sâu xa, thím còn muốn tận mắt nhìn thấy chú Bình đứng ra lo đám cưới cho thằng Quân để cái mặc cảm sám hối trong lòng thím được thực sự xua tan, để thím yên lòng nhắm mắt. Và sự có mặt của chị Châu trong đám cưới cũng là ước nguyện của thím Lương. Bằng linh tính và sự mẫn cảm của mình, chị Châu nhận ra ngày, khi chú Bình vui vẻ báo tin này cho chị trong bữa cơm chiều trước đông đủ các con. Chú Bình bảo chị lo giùm cho em để tổ chức đám cưới, nhưng dường như mọi việc chú đã sắp đặt đâu vào đấy cả rồi. Thời buổi kinh tế thị trường, tổ chức đám cưới ở thành phố lớn hoàn toàn giản đơn và chóng vánh. Nhà hàng sẽ lo cho từ việc lớn đến việc bé, chủ nhà chỉ đề ra yêu cầu, tống đạt giấy mời khách khứa và chi tiền là xong. Muốn sang có sang, muốn vừa phải có vừa phải, muốn giản đơn có giản đơn. Ông còn nhắc lại đám cưới của vợ chồng ông hồi ở quê, chỉ đĩa kẹo giấy bóng xanh đỏ, thuốc lá Tam Đảo và nước chè xanh pha ấm tích, dăm bảy bài hát làm vui, vài câu chúc tụng là xong đám cưới. Thằng Quân cười bảo, thời của ba là thời đã xa, bây giờ phải khác. Tuy khách mời của hai gia đình đã chọn lọc, chỉ mời những người cân nhắc nhiều mặt nhất thiết phải mời cũng đã đến 150 người. Nhưng hầu như toàn là khách sang trọng, nên không thể nhom nhem được. Nó chọn mức vừa phải, nhưng phải là đầu bảng của mức ấy. Ông Bình phải chịu nó nói có lý. Hơn nữa, từ ngày vợ ông nhiễm bệnh, ông về hưu, việc chi tiêu trong nhà, ông giao cho nó quản tất. Lương hưu ông giữ lại chút ít đủ tiêu, còn nữa ông nạp cho nó, nhưng nó cười cười: "Ba giữ hộ con vậy, lúc nào cần con huy động". Nghĩa là lúc này nó gần như nuôi cả nhà. Nó là thằng ngoan, ngoan từ bé. Lại học giỏi, từ lớp 1 lên đến đại học năm nào cũng học sinh xuất sắc. Vào đại học kinh tế năm thứ 3, một công ty thương mại cỡ lớn của thành phố đã đến trường nhắm xin nó. Tốt nghiệp thủ khoa cử nhân kinh tế về nhận việc công ty mới hai năm, lãnh đạo công ty đã giao cho nó chức kế toán trưởng, người chịu trách nhiệm về tài chính kinh tế chỉ sau giám đốc. Lương của nó bao nhiêu ông không hỏi, mà nó cũng chẳng khoe. Chi biết vừa rồi, sửa sang lại nhà cửa tốn hàng dăm chục triệu, mà ông chỉ dành dụm được 8 triệu đóng góp, còn nó lo tất. Ông nói với chị Châu: "Chú và lão Thắng nhà cháu đi đánh nhau từ năm 17 tuổi, hết đánh Tây lại đến đánh Mỹ, chức đã lên tới đại tá, mà lương lậu chắc không nổi một phần lương nó. Quả là thời buổi đổi thay đến chóng mặt". Lễ cưới được tổ chức sau hai hôm chị Châu vào. Hai hôm cũng đủ thời gian để các cô Kim Thoa và Thu Loan kéo chị Châu ra cửa hàng may đo mốt mới thửa cho chị một bộ quần áo sang trọng: áo dài màu xanh da trời thêu hoa kín đáo, quần trắng, tất cả đều hàng xoa Pháp. Lúc ra đi, chỉ nghĩ đến đưa tang, nên chị Châu không mang quần áo lễ hội, chứ chị là cấp trưởng phòng Sở Bửu điện Hà Nội, nơi mà chị em nhân viên bận áo dài là điều bắt buộc. Ăn diện quần áo may đo đúng mốt, thoa tý son phấn, xách ví đầm, đi giầy cao gót loại sang, chị Châu rực rỡ như một mệnh phụ phu nhân. Đại tá Bình hôm nay cũng "com lê, cavát" đàng hoàng. Chị đi với chú, coi như thay mặt thím Lương để cùng hai ông bà thông gia còn khá trẻ dẫn Quân và Kim Thoa đến từng bàn tiệc chào quan khách, họ hàng, bạn bè. Để tránh quan khách hiểu lầm, đến đâu ông Bình cũng nhanh nhẩu giới thiệu chị Châu: "Đây là cháu gọi tôi bằng chú ruột, vừa là bạn thân của nhà tôi - người đại diện duy nhất của họ nhà trai ở Hà Nội vào". Những lời thăm hỏi, những lời chúc mừng, những cái bắt tay, những ánh mắt thân thiện làm chị Châu bối rối trong niềm vui đến cảm động. Chị đưa mắt về phía thằng Quân chững chạc trong bộ com lê màu xám lông chuột, ca vát kẻ xiên màu trắng đỏ, cài hoa hồng trên túi áo đang nắm tay Kim Thoa trong bộ đồ cưới nữ hoàng trắng toát. Đẹp đôi, duyên dáng, hai đứa em đi giữa những khuôn mặt lịch sự, giữa những tiếng cười và điệu nhạc tăng gô êm ái. Ngay chọn nhạc cho đám cưới, các em của chị cũng ý tứ, chúng không dùng nhạc rốc, nhạc pốp. Loại nhạc thời thượng của đám trẻ, mà chọn nhạc tăng gô. Đã cưới chạy tang thì cũng không nên ầm ĩ, giật gân quá. Ngồi vào bàn tiệc, chị Châu không chú ý đến thực đơn sang trọng, đến tiếng nổ sâm banh, tiêng lanh canh vui vẻ của cốc, của ly cụng nhau, tiếng nói cười mỗi lúc một bốc men, chị mải theo dõi chú Bình, tay cầm ly rượu, khuôn mặt rạng rỡ đến với quan khách bạn bè. Chú là người kín đáo, nhưng hôm nay chú thực sự vui - có thể là giữa đám đông thực khách, chỉ có chị là hiểu được giá trị niềm vui trên khuôn mặt chú, người mà từ bé đến giờ chị đã coi như thần tượng của mình, vừa kính phục, vừa tin cậy. Không riêng chị, cả họ Lâm đều quý chú. Ngay cả cha chị, sinh thời là bí thư Đảng ủy xã, huyện ủy viên lại vừa là tộc trưởng họ, nhưng hễ có việc gì liên quan đến họ hàng con cháu, đều chờ ý kiến chú Bình, xem chú là chuẩn mực của tình nghĩa và sự sáng suốt. Mắt chị Châu còn dõi theo đôi tân hôn, nhất là thằng Quân gần như bị bao vây giữa đám bạn trẻ trong tiếng reo vui, chúc tụng pha cả khôi hài làm mọi người cười tóa lên. Sự sung mãn của thằng em chị thật hồn nhiên, mà tâm trí chị lại nghĩ đến số phận! Ôi, số phận con người! Đúng là cả bữa tiệc này, ngoài chú Bình ra, chỉ có chị mới biết cảm ơn số phận dành cho nó. Nó chỉ là hạt máu lộc trời gặp hồng phúc nhà họ Lâm mà sớm thành đạt. Nghĩ đến số phận thằng em, chị Châu lại nghĩ đến số phận thím Lương! Bệnh tình nghiệt ngã của thím, chắc cũng chẳng sống được bao lâu nữa! Giá thím có mặt hôm nay để tận hưởng niềm vui lớn trong ngày thành hôn của con trai! Nhưng không sao, đã có dịch vụ "Video", họ quay đến chi tiết lễ cưới này. Chỉ ngày mai là thím có thể xem băng được. Xem băng, thím sẽ tận mắt thấy hình ảnh uan khách, bạn bè cùng quang cảnh lễ cưới, nhưng thím không tài nào xem được tâm trạng thật nhất của chồng thím, của các con thím, cũng như sự xúc động chân thành tận cõi lòng chị. Chắc không ai hiểu thím Lương bằng chị Châu. Dẫu có lúc xa nhau, lúc gần nhau, sự tin cậy và quý mến nhau đã được thử thách qua thời gian và cảnh huống đã khiến họ trở thành đôi bạn chân tình. Họ lớn lên với nhau trong làng Thổ Vọng cạnh con sông nhỏ êm đềm của miền Trung, thân với nhau từ lúc còn tắm truồng, chơi ô ăn quan. Cách nhau hai tuổi, Lương học trên Châu một lớp, nhưng hai đứa đi đâu cũng cặp đôi, mặc dù nhà chẳng gần kề, cách nhau một lối xóm. Tốt nghiệp lớp 7, Lương phải thôi học, vì bố mất sớm, nhà neo đơn phải giúp mẹ làm ruộng, được giao nhiệm vụ kế toán hợp tác xã. Còn Châu học hết phổ thông, không có điều kiện ra Hà Nội theo học đại học, nên xin được chân bưu điện huyện nhà. Hồi năm 1963, chú Bình tốt nghiệp lục quân ra, mang lon thiếu úy về nhắm vợ, thôi thì trâu ta ăn cỏ đồng ta. Châu kéo chú mình đến gặp Lương, đúng là trai anh hùng gặp gái thuyền quyên, vậy là đẹp đôi. Rồi chú Bình lại giới thiệu Châu cho Thắng, bạn cùng học trường lục quân với nhau, quê khác xã nhưng cùng trong huyện. Đều là đôi bạn, trở thành chú cháu, thím cháu. Họ cùng chung một cảnh ngộ, vợ ở lại quê nhà tận miền Trung, chồng theo quân ngũ ra ngoài Bắc, mỗi năm mươi ngày phép vừa bén hơi nhau đã phải xa nhà. Rồi cuộc kháng chiến chống Mỹ xảy ra, đã xô đẩy số phận mỗi cặp vợ chồng một khác. Năm 1965, chú Bình đi B vào tận chiến trường miền đông Nam Bộ, đi một lèo hầu như không có tin tức gì cho đến ngày chiến thắng trở về với hai vết thương may mà không nặng lắm. Còn Thắng may mắn hơn, được ở lại làm giáo viên dạy chiến thuật trường lục quân, mãi đến năm 1971 mới tham chiến ở chiến dịch đường 9 - Nam Lào. Tham chiến hai năm coi như xuống thực tập ở đơn vị, rồi quay lại trường tiếp tục giảng dạy và được đề bạt chủ nhiệm khoa. Châu cưới xong, nhưng chồng vốn mồ côi cả bố lẫn mẹ, nên chị không phải về nhà chồng mà được ở với bố mẹ đẻ cho đến ngày ra Hà Nội. Thím lương về làm dâu họ Lâm, ông nội Châu mất sớm, bà nội và bố Châu cắt một góc mảnh vườn hương hỏa để chú Bình dựng một căn nhà nhỏ làm tổ ấm riêng. Vậy mà tổ chả mấy khi được ấm, sương giá đến chục năm ròng, mặc dù có mẹ chồng tên là cụ Nghĩa ở cùng. Hồi đó cụ Nghĩa đã ngoài bảy mươi, mắt tai còn sáng, đầu óc minh mẫn, là người được tiếng hết mực thương yêu con cháu. Con trai con gái, cháu chắt nội ngoại đầy đàn, nhưng cụ ở với thím Lương. Cụ thương cô con dâu út nhất nhà, đảm đang ngoan nết đã đành, buổi chiến tranh phải vắng chồng biền biệt, có cụ ở cùng, mẹ con có nhau nhà đỡ quạnh quẽ, cụ lại còn lo cơm nước cho thím đi hoạt động. Bấy giờ, thím Lương đã là chủ nhiệm hợp tác xã kiêm trung đội trưởng nữ du kích, thím lao vào công việc làm ăn và chiến đấu chống máy bay Mỹ vào loại nổi tiếng ở quê, có thể một phần để khỏa lấp nỗi cô đơn. Châu làm việc ở bưu điện huyện, nhưng cơ quan bưu điện trong chiến tranh sơ tán ngay trong xã chị, buổi trưa buổi chiều đều đạp xe về ăn cơm nhà. Chị và thím Lương may mắn được gần nhau, mọi tâm sự vui buồn đều được chia sẻ cũng vơi đi nỗi lòng người vợ xa chồng. ấy thế mà chị Châu phải luôn ý tứ tế nhị, nhất là khi nhận được thư chồng hoặc anh Thắng trên đường đi công tác, đi chiến đấu được tranh thủ ghé qua nhà. Có một đêm rét mướt, anh Thắng tạt về nhà đã khuya, bốn giờ đã phải dậy để kịp thời đón xe đi vào tuyến trong. Trước khi đi anh sang chào bà, chào thím Lương. Tiễn anh Thắng xong, trời hãy còn nhờ nhờ. Thím Lương kéo Châu vào buồng mình, gần như vật Châu xuống giường mà ôm riết, vòng tay mỗi lúc một chặt. Khi cơn cuồng lắng xuống, thím gục đầu lên ngực Châu rấm rứt khóc, khiến Châu phải vỗ về bằng cách xoa xoa lên lưng thím, muốn an ủi thím mà không mở miệng được. Chị vừa sung sướng hạnh phúc được trong vòng tay chồng vài tiếng đồng hồ. Đối với vợ chồng người lính xa nhau, vài tiếng đồng hồ ân ái thật là quí giá. Bởi vậy, chị thấu hiểu lòng khát khao của thím, dường như hơi hướm đàn ông còn lưu lại trên người Châu khiến thím không thể nén lòng được. Châu lấy vạt áo mình lau nước mắt cho thím và bất thần hôn lên môi thím một nụ hôn dài, một cử chỉ thất thường mà mỗi lần nhớ lại Châu vẫn có chút xấu hổ. Năm 1971, Châu sinh con gái đầu lòng. Sự ra đời của bé Lan là niềm vui lớn lao của vợ chồng chị và cả họ hàng nội ngoại, vậy mà niềm vui chính đáng ấy vẫn có góc cạnh cứa vào nỗi khát khao đến đau đớn của người đàn bà ngoài ba mươi vẫn vắng chồng đằng đẵng. Đi hoạt động và sản xuất thì chớ, hễ về đến nhà là nghe tiếng thím từ ngoài sân: "Nào, nào! Để bà trẻ bế" con cún con "lấy khước nào!" Thím ôm ấp cháu bé, đùa nựng nó và dù nó không khóc, thím vẫn vừa đung đưa vừa cất lời ru: "à ơi! Nỏ thà không biết thì thôi Biết rồi mỗi đứa một nơi răng đành..." Câu ca dao địa phương đi vào lời ru gợi lên không khí cô đơn não lòng. Cùng với lời ru gan ruột là những giọt nước mắt rơi xuống "con cún con". Châu thương thím lắm lắm. Cũng vào năm 1971 ấy, bỗng dưng có tin đồn chú Bình hy sinh đâu trong Phước Long. Cả nhà nháo nhác về cái tin vu vơ đó. Thím lương cùng cụ Nghĩa cơm đùm cơm gói đi hết huyện đội đến tỉnh đội hỏi tin. Các cán bộ quân sự địa phương đều lắc đầu mù mịt, chỉ động viên an ủi mẹ con rằng chớ tin xằng xịt, việc chính sách của Nhà nước đâu có đấy, các chiến sĩ hy sinh ở mặt trận nào, đơn vị nào cũng đều báo về cơ quan quân sự địa phương biết. Chưa có tin chính thức chỉ là tin vịt. Nghe cán bộ quân sự địa phương nói chí lý chí tình, mẹ con đành ra về, chỉ nuốt nước mắt thở dài. Suốt mấy tháng ròng, thấy con dâu khóc thầm héo hon, cụ Nghĩa xót ruột lắm. Thương con trai chinh chiến nơi xa đã đành, còn thương con dâu phải sống trong lo âu phấp phổng. Cụ đã bàn tính với chị Châu, hay là lập bàn thờ cho chú Bình. Trong cõi sâu xa tấm lòng người mẹ là muốn có cớ để cho thím Lương đi lấy chồng. Đàn bà con gái sinh nở có thì, mỏi mòn chờ đợi như thế, biết đến bao giờ. Nhưng thím Lương lắc đầu không thuận. Thímm hứa với cụ sẽ cắn răng chịu đựng, phụng dưỡng mẹ già và chờ chồng cho đến ngày toàn thắng. Vậy mà vài tháng sau đó, một hôm cả nhà bố mẹ chị Châu ăn tối xong, nhân có cụ Nghĩa sang uống nước, nàng dâu cả tức mẹ đẻ chị Châu thẽ thọt thưa với cụ rằng: - Con xem ra thím Lương gần đây hơi khang khác. Hình như có chửa. Da dẻ xanh, cổ nổi đường gân, hay nôn oẹ. Cụ căn vặn thím xem sao, để tính liệu, không thì... - Không thì sao nào? - Cụ Nghĩa nhè miếng bã trầu cầm tay, dằn giọng khiến bà cả hơi hoảng, nhớn nhác nhìn quanh. Cụ nói tiếp, giọng như lệnh truyền: - Dễ chỉ có bà cả biết? Để cho nó đẻ một đứa con! Tôi coi như con nuôi thằng Bình, cháu tôi. Mai kia thằng Bình về, đã có tôi. Thằng Bình, con tôi rứt ruột đẻ ra, tôi biết, nó là thằng nên người. Khi một người mẹ sẵn sàng xin chịu tội thay cho con dâu, không thằng con trai nào dám khước từ. Nếu tôi không sống nổi để đón thằng Bình về, thì con Châu phải viết lại bản di chúc cho bà. Bây giờ cả nhà nghe đây: Phải thương lấy con Lương! Về làm dâu nhà này hàng chục năm, cả làng cả xóm, cả họ Lâm ta ai cũng biết nết ăn nết ở của nó rồi! Xét cho cùng nó không có tội gì. Tôi cho phép, tội tôi chịu. Các cụ bảo "gà nhà ai đẻ vào ổ nhà mình là trứng nhà mình". Cả nhà mình không thương nó hỏi còn ai thương? Thiên hạ có mồm, mặc người ta nói đông nói tây. Còn con cháu nhà này không đứa nào được eo xèo miệt khinh nó! Tôi cấm! Đứa nào trái lời thì đừng nhìn mặt tôi. Truyền lệnh xong cụ chống gậy ra về. Cả nhà đưa mắt nhìn nhau im re. Giữa năm 1973, thím Lương sinh thằng Quân. Nông thôn là vậy, ồn ào một lúc, rồi chuyện đâu để đấy. Với lại, dân tình cũng tiến bộ lắm. Hôm đón thằng bé ra khhỏi nhà hộ sinh, các bà, các chị, nhất là các đám nữ du kích kéo nhau đi cả đoàn như mít tinh. Rồi họ thhay nhau săn sóc Lương tận tình trong những ngày nằm nơi. Ai cũng mừng cho thím Lương đẻ được thằng cu thật kháu. Rỉ tai hỏi thầm, nó con ai? Thì Lương cười cười: Em đặt tên nó là thằng Quân, nghĩa là con bộ đội cả đấy thôi, nhưng tội nghiệp thằng bé, bố nó cũng hy sinh rồi. Cái thôn Cổ Vọng của Lương và Châu ven đường số 1 gần mấy chiếc cầu liền, bộ đội cao pháo, bộ đội lái xe qua lại kể sao cho xiết. Hơn nữa, Lương là chỉ huy nữ du kích, phối hợp bắn máy bay Mỹ với bộ đội là chuyện thường xuyên. Chả ai tra hỏi Lương quan hệ với anh bộ đội nào. May ra chỉ có Châu biết, nói cho đúng hơn, cũng là đoán biết. Có một đêm mưa gió, bé Lan lên sởi khóc suốt, quãng chín giờ đêm, chị Châu thhấy cụ Nghĩa chống gậy lọ mọ sang nhà thăm chắt. Rồi trời đổ mưa tầm tã. Cụ định về, nhưng Châu năn nỉ cụ ngủ lại. Sáng dậy, chị Châu dắt cụ về, nhà chỉ cách một bờ rào nhưng đường trơn sợ cụ ngã. Vào nhà thím Lương thấy một anh bộ đội đang sửa soạn ba lô để lên đường. Qua chuyện trò giữa cụ và anh bộ đội, Châu biết đấy là một anh cán bộ chỉ huy về nhận nhiệm vụ ở bộ đội cao xạ ngã ba Đồng Lộc, đi qua đây gặp mưa gió xin nghỉ nhờ. Cụ Nghĩa đã lo cơm nước tử tế cho anh, nhường giường mình cho anh nghỉ, lặng lẽ chống gậy sang với bé Lan. Chính chị Châu cũng không biết, có phải cụ ý định mở đường cho hươu chạy hay là do duyên trời tạo nên cái hoàn cảnh hiếm hoi ấy. Sự đoán biết của chị Châu là về sau này. Thằng Quân ra đời, chhị Châu có lần tỉ tê tâm sự với thím Lương, thì thím xác nhận "người ấy" đã hy sinh sau một tháng vào Đồng Lộc, còn tuyệt nhiên thím không hở một chút gì về tên tuổi quê quán người cha đích thực của thằng bé. Chị Châu rất thương thím và cũng trung thành với ý nguyện của thím, không hề để lộ ra điều gì khiến người khác băn khoăn. Nay cả với chú Bình, khi chiến thắng trở về, chị Châu là nhân tố quan trọng bậc nhất trong việc dàn xếp câu chuyện phức tạp này để đi đến kết cục êm đẹp, chị không hề nói với chú điều gì trái với ước nguyện của thím Lương. Và dường như chú chấp nhận sự trớ trêu ngang trái nhưng hết sức chân thực, mà không cần thiết phải thỏa mãn trí tò mò, truy hỏi xem gốc gác con người đã để lại giọt máu. Chẳng để làm gì cả. Có thể bây giờ chính thằng Quân cũng không biết nó không phải là con đẻ của chú Bình. Càng hay chứ sao? Chữa đầy 3 tuổi, nó theo thím Lương ra Hà Nội sau khi chú Bình được điều về Bộ Tổng tham mưu, và được phân nhà ở khu tập thể sĩ quan Nam Đồn. Rồi thằng Dân, con Thu Loan lần lượt chào đời ở Hà Nội, anh em chúng nó mỗi đứa cách nhau 3 tuổi, nhìn khuôn mặt chúng nó, quả thật cũng có nét không giống nhau. Người ta chỉ bình rằng, thằng Quân và con Thu Loan nặng về "zen" mẹ, chỉ có thằng Dân giống bố nhất nhà. Chuyện phiếm hàng xóm gia đình quân đội với nhau chỉ thế thôi, ai hơi đâu mà truy xét. Năm 1987, đại tá Lâm Thế Bình nhận quyết định về làm tham mưu phó quân khu 7 và thế là cả nhà kéo nhau vào thành phố Hồ Chí Minh, chú Bình trả lại ngôi nhà ở Nam Đồng và nhận một căn nhà khang trang hai tầng lầu ở đường Cộng Hòa từ bấy đến nay. Thằng Quân lớn lên ăn học ở Hà Nội, nói giọng Hà Nội thứ thiệt, 15 tuổi mới vào Sài Gòn, lai một số từ miền Nam, nó hoàn toàn xa lạ với giọng nói miền Trung của ba mẹ nó. Dẫu nó mang cái tên Lâm Thế Quân và ba nó cũng đã nhiều phen giảng giải cho nó về gia phả dòng họ Lâm ở đất Thổ Vọng, nhưng nó chỉ được về quê cùng ba mẹ và các em nó một lần năm lên 7 tuổi, lúc bà cụ Nghĩa mất. Mối quan hệ với quê hương, nơi có thể rò rỉ ra sự thật về gốc gác của nó hoàn toàn bị hạn chế do ý muốn của cả chú Bình và thím Lương. Còn ở Hà Nội, thì vợ chồng Châu cũng đủ khôn ngoan và kín miệng, chả lẽ phát rồ lên mà đi loe toe chuyện không đâu vào đâu, nhất là khi thằng Quân đang còn ở độ tuổi vị thành niên. Chị Châu tin rằng chính nó cũng chưa biết về số phận dích thực của mình. Giờ đây thì nó đang hạnh phúc, khoác tay Kim Thoa xinh đẹp như một nàng tiên, chìm ngập giữa những khuôn mặt rạng rỡ của quan khách, bạn bè, tíu tít nhận những lời chúc mừng. ống kính video, ống kính máy ảnh chĩa vào, đám bạn này co kéo, đám khác co kéo, ai cũng muôn có mặt với cô dâu chú rể trong khuôn hình, trong tấm ảnh kỷ niệm ngày cưới. Cuối cùng thằng Quân cũng bứt được đám bạn bè ra để chụp tấm ảnh chung với ba nó, chị Châu cùng hai đứa em, thằng Dân và con Thu Loan ngay trước phòng trang trí lễ cưới. Trong trạng thái phấn khích vừa vui vừa buồn, chị Châu trở nên bối rối. Dường như từ một cõi hoang sơ nào thức dậy những kỷ niệm ấu thơ nghèo nàn, những ngày chiến tranh đau đớn khiến chị không dứt ra khỏi mặc cảm về số phận những người vây quanh chị và cả số phận thím Lương, người đang nằm lịm trên giường bệnh và dĩ nhiên không có mặt trong tấm ảnh đoàn viên này. Chị Châu đã để lại ấn tượng của mình trên tấm ảnh một khuôn mặt khác lạ, đầy nghịch lý. Miệng thì cười, dẫu nụ cười kém tự nhiên, nhưng cặp mắt lại đẫm lệ. Đám cưới kết thúc vào lúc 8 giờ tối. Tiễn xong quan khách, bạn bè, đôi tân hôn mới lên xe hoa về nhà. Đôi tân hôn vào cắm hoa chụp ảnh ở phòng mình, một căn phòng sang trọng, trang nhã, sực nức mùi thơm. Rồi theo ông Bình, chị Châu leo lên cái tum trên lầu cao, nơi ông Bình thiết kế bàn thờ gia tiên, thắp hương làm lễ. Hầu như đôi tân hôn đi đâu, đèn máy ảnh cũng nháy theo, đèn chiếu video cũng lia theo. Theo chương trình của ông Bình vạch ra, giờ đây Quân và Kim Thoa vào chào mẹ. Lại cả bộ sậu rùng rùng kéo theo. Người giúp việc hôm nay được căn dặn trước, đã bận cho Thím Lương chiếc áo dài màu tím Huế giờ đây đã trở nên rộng thùng thình. Thím đã được dìu dậy tựa lưng vào chốc giường có đệm gối bông. Dưới ánh đèn cao áp của video, khuôn mặt teo tóp của người bệnh có rạng rỡ hơn. Thím nhận bó hoa của các con tặng, vẫy các con ghé lại gần mình, hai tay đặt vào tay con trai, con dâu. Cố gắng lắm thím mới nở một nụ cười mãn nguyện và nói lời mừng hạnh phúc các con. ống kính máy ảnh, máy video chĩa vào, đèn chớp lia lịa. Thím Lương đưa cặp mắt mệt mỏi nhìn khắp lượt rồi ra hiệu cho mọi người ra ngoài. ở lại chỉ có đôi tân hôn, chú Bình và chị Châu. Vẫn ở tư thế ngồi tựa gối, thím Lương đưa mắt ngắm nhìn hai đứa, một cái nhìn như muốn giữ lại hình ảnh hạnh phúc của các con, thím cất giọng phều phào: - Mẹ biết mình không còn sống được bao lâu nữa. Thấy được các con thành hôn mẹ toại nguyện lắm. Mẹ có cái này làm quà tặng cho các con - thím lôi dưới tấm chăn đắp ngang người một chiếc hộp nhỏ đựng sợi dây chuyền bằng vàng cỡ 5 chỉ, mặt đeo vào sợi dây là hai chữ L và B, chữ cái của tên chú thím lồng vào nhau - thím nói tiếp - sợi dây chuyền này giá trị vật chất đối với các con là nhỏ bé, nhưng đối với mẹ là của báu. Không phải là kỷ niệm ngày cưới. Lễ cưới của ba mẹ hết sức giản dị. Nó là kỷ vật của ba các con tặng mẹ ngày... - biết nói thế nào cho các con hiểu nhỉ? - Ngày đoàn tụ của ba mẹ sau nhiều năm chờ đợi nhau trong chiến tranh. Sở dĩ nó là của báu vì nó không chỉ đơn giản kỷ niệm, mà còn là tấm lòng nhân hậu đại lượng của ba con. Là sự khởi đầu cho sự yên ấm tốt đẹp của gia đình ta từ đó đến nay và mãi mãi sau này. - Chúng con xin cảm ơn mẹ - Quân đưa tay nhận quà, lên tiếng đáp. - Các con cám ơn mẹ một, phải cám ơn ba ngàn lần. Báu vật này của ba con đã đành, nhưng nó còn là bùa hộ mệnh tạo dựng hạnh phúc cho các con ngày nay. Dấn thân vào cuộc đời, các con sẽ hiểu kỹ hơn. Bây giờ hãy nghe mẹ đây: Có ba các con đây, có chị Châu, người thân thiết của mẹ chứng kiến, các con hãy quỳ xuống lạy ba con để một lần cuối tạ ơn thay mẹ, mẹ tiếc không còn sống để được chăm sóc ba con, trả nghĩa cho ba con, các con hãy hứa thay mẹ thực hiện những điều mẹ hằng mong... Trong lúc người mẹ nói với con những lời gan ruột bằng giọng mệt mỏi ngắt quãng đầy sức truyền cảm, thì Quân và Kim Thoa đều cúi đầu xuống lắng nghe. Dường như sự xúc động đang bị dồn nén làm đôi tay cậu con trai run lên khe khẽ, còn nàng dâu thì nép mình vào vai chồng, những móng tay sơn đỏ bíu chặt lấy cánh tay áo com lê mầu xám. Bất thần, nàng hực lên một tiếng nấc và bằng một động tác nhanh nhẹn như có mệnh lệnh thần bí lan truyền, cả hai người quay lại, quỳ thụp xuống, chắp tay vái lạy trong tiếng khóc bị nén trong cổ họng. Đại tá Bình, người cha thần tượng của cả nhà, trở nên luống cuống, mặt đuỗn ra chốc lát, rồi mới xuýt xoa kêu lên: - Sao thế các con? Đang ngày vui đừng có khóc! Ba hiểu, ba hiểu, ba tin các con! Nào! Nào! Ông cúi xuống, nâng tay các con dậy. Còn chị Châu giang tay ôm hai đứa em hai bên, mấp máy những câu chưa kịp thành lời. Chị hiểu rõ cái cảnh này lặp lại cách đây 23 năm, lúc thằng Quân nói chưa sõi. Chú Bình từ thắng lợi trở về, mặc dù đã được bức thư chị Châu thay lời bà cụ Nghĩa nói hết sự thật xảy ra và tấm lòng của người mẹ chờ con mòn mỏi, cố sống để gặp con, nói với con một lời cầu xin cho người con dâu tội nghiệp, nghĩa là chú không bị đột ngột, vậy mà khuôn mặt chú không sao giấu được vẻ nhầu nát của sự dày vò đau đớn. Ngày ấy, thím Lương tuy đã nhiều lần tâm sự với chị Châu trong nước mắt tủi hờn và xấu hổ, nhưng gặp chú Bình, người chồng thương yêu sau 10 năm chờ đợi, thím đã giữ một khuôn mặt bình tĩnh đến dễ sợ, khuôn mặt của người tự hiểu rõ lầm lỡ của mình. Thím đã kéo cả thằng bé thơ dại quỳ xuống mà thưa với chồng rằng, thím không hề hư hỏng vẫn một mực thương nhớ chờ đợi chồng, nhớ thương và chờ đợi đến tuyệt vọng. Nhưng khát vọng làm mẹ của thím đã đến độ nẫu chín khiến thím phải chịu tiếng không chung thủy với chồng. Giờ đây, thím như phạm nhân đứng trước vành móng ngựa, chờ đợi sự phán xét của quan toà. Vị quan tòa, đại uý lâm thế Bình 39 tuổi, tham mưu tưởng trung đoàn đang phải đối mặt với một thử thách hoàn toàn riêng tư, một tình huống không có trong phương án tác chiến. Phạm nhân là chị Tạ Thị Lương 35 tuổi, từng nhận kỷ luật cảnh cáo trước Đảng ủy, và thôi chỉ huy trung đội nữ du kích xã, vẫn bằng giọng nói bình tĩnh, rằng số phận của mẹ con em tùy thuộc vào quyết định của anh, anh đại lượng tha thứ cho thì được nhờ, còn không anh trừng phạt thế nào mẹ con em cũng đành chịu vậy. Người đầu tiên lên tiếng phá tan bầu không khí căng thẳng là bà nội chị Châu, cụ Nghĩa. Cụ bước lại nâng thằng Quân dậy: "Để bà bế" và nâng tay thím Lương: "Con đứng dậy đi"! Thế là cụ Nghĩa cùng đứng vào hàng phạm nhân. Ba mẹ con bà cháu đối diện với chú Bình, chờ đợi sự phán xét. Thằng Quân trên tay cụ Nghĩa áp má vào vai bà và chừng như nỗi sợ hãi được giải tỏa, nó tủi thân òa lên khóc nức nở, và thím Lương khóc theo làm cả nhà mủi lòng. Dĩ nhiên, thằng bé khóc rồi quên ngay, nhất là khi chú Bình đưa nó một gói kẹo giấy bóng rõ to và một khẩu súng nhựa, bóp cò có thể nổ tằng tằng. Giờ đây, nó lặp lại động tác quỳ trước mặt ba nó, nhưng chắc chắn nó kông thể hồi tưởng được giây phút nghiệt ngã lúc bấy giờ. Có chăng là nó đã tình cờ nghe một ai nói lại và đã hiểu ra số phận đích thực của mình. Điều này chỉ nằm trong phỏng đoán của chị Châu, nhất là Kim Thoa. Chỉ những đôi trai gái yêu nhau tha thiết mới dám san sẻ với nhau những nỗi niềm sâu kín. Không hiểu sự phỏng đoán của chị Châu có cộng hưởng với người mẹ ở trên giường bệnh không, mà khi chị kéo hai đứa em quay lại với mẹ, thì người mẹ đã ngất lịm đi, khiến chú Bình bấm chuông gọi cấp cứu toáng lên làm mọi người đổ xô đến. Rồi thím Lương cũng tỉnh. Hôm sau, anh em thằng Dân và con Kim Loan vác cả máy thu hình vào phòng thím, chiếu cuốn phim video đám cưới cho mẹ chúng xem. Chị Châu cũng ngồi cạnh thím Lương, thấy khuôn mặt của thím rạng rỡ dần, khuôn mặt bừng lên vẻ mãn nguyện. Vậy mà, thím không xem hết cuốn băng, dường như màu sắc rực rỡ trên khuôn hình làm thím lóa mắt. Với lại, chính niềm vui trong lòng làm thím chìm ngập trong sự xúc động khiến thần kinh căng thẳng, thím xua tay ra hiệu tắt băng, mắt khép lại mệt mỏi. Từ hôm đó trở đi, thím từ chối không ăn uống gì. Nước cháo, nước hoa quả, sữa, thím đều lắc đầu. Chú Bình dỗ dành ép mãi mới đổ được vài thìa nước sâm, nhưng cũng trào ra ngoài. Những cơn đau thỉnh thoảng lại hành hạ, làm người bệnh chịu đựng đến vã mồ hôi, thân hình teo tóp vặn xoắn lại như vỏ đỗ phơi khô. Và một buổi chiều, trời nổi cơn mưa to kèm theo gió lạnh. Đang giữa mùa hè mà người bệnh đòi đắp thêm chăn. Từ hôm ở Hà Nội vào, trừ lúc có công việc phải đi, còn ở nhà, chị Châu luôn luôn túc trực cạnh thím Lương. Sự có mặt của chị Châu làm người bệnh an tâm hơn. Bàn tay thím Lương nắm tay chị Châu, dường như sợ buông ra, chị Châu lại đi mất. Buổi chiều ấy sau lúc đắp thêm chăn cho thím, chị Châu vẫn ngồi cạnh thím. Lúc này không có bác sĩ thăm bệnh, không có người giúp việc, không có chú Bình và mấy đứa em, chị Châu ngồi im lặng nhìn vào khuôn mặt võ vàng xập xệu và bóng lọng, khuôn mặt y như được đắp bằng sáp ong, lắng nghe nhịp thở yếu ớt của thím, chợt linh giác rằng giờ ra đi của thím không còn xa. Chị sực nhớ câu nói của thím hôm chị mới vào: "Mười ngày là đủ" hôm nay đã là ngày thứ bảy rồi. Chị Châu nắm chặt tay thím, khiến thím hé mắt: - Thím có muốn dặn em điều gì nữa không? Vẫn không rời tay chị Châu, người bệnh phập phệu: - Hình như Châu vẫn còn chút băn khoăn về thằng Quân. Đừng, Châu ạ! Mình coi thằng Quân là lộc do trời ban cho, do hồng phúc nhà họ Lâm tạo thành, còn do cả ân tình và lòng đại lượng của anh Bình vun đắp. Dẫu có biết gốc gác đích thực của nó, mình đã cố quên đi từ lâu rồi. Châu thông cảm giùm, đó cũng là ý nguyện cuối cùng của mình. Chị Châu kêu lên: - Không, em có băn khoăn gì đâu! Em hiểu thím! Thím cứ ên lòng, em sẽ làm theo ý nguyện của thím. - Mình không sống nổi nữa! Thương anh Bình lắm. Cả đời vất vả nay đến lúc nhàn một chút, thì mình không còn được chăm lo săn sóc anh... Thím xúc động trào nước mắt giọng nói ngàn ngạt nghẹn tắc, bàn tay thím buông dần tay chị Châu, khiến chị Châu hốt hoảng chạy ra góc cửa bấm chuông. Nghe tín hiệu, chú Bình và cả nhà kéo lên vây quanh người bệnh đang trong giờ hấp hối. Thím Lương trút hơi thở cuối cùng vào giờ Tuất đêm ấy. Việc đầu tiên chị Châu phải làm ngay là gọi điện thoại ra Hà Nội cho chồng, nhất thiết anh Thắng phải vào với chú Bình trong lúc này. Trại sáng tác Nha Trang tháng 7 năm 1997